Sáng hôm sau, lúc Bình Nguyên và Diệp Trúc lên đường về Gò Công cũng là lúc ông bà Vạn Đại chuẩn bị lễ vật đến nhà ông Điền. Tối qua Bình Nguyên đã đề nghị ba mẹ làm vậy. Dĩ nhiên, nếu Bình Nguyên chưa hối thúc, ông bà Vạn Đại vẫn làm. Ông bà mong mối duyên này sẽ mau chóng kết thành mỹ mãn.
Chi Mai mở cổng cho hai ông bà, cô tặc lưỡi tiếc rẻ:
– Hai bác đến mà con lại phải đi học mất rồi?
Bà Vạn Đại vuốt tóc cô, trìu mến:
– Đừng buồn con gái à. Rất có thể hôm nay bác và mẹ con sẽ đi mua sắm rồi về ăn trưa ở nhà. Trưa nay con về dùng cơm với bác nhé?
– Dạ, chắc chắn con sẽ về đúng giờ! Hai ông bà sui gia! Hai đôi bạn thâm giao! Mọi chuyện đều dễ dàng bàn bạc đi đến thống nhất.
Bà Vạn Đại nói với bà Hương:
– Chị à, Bình Nguyên muốn cưới sớm nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nghe ý kiến của Diệp Trúc rồi hãy quyết định.
– Dạ, em cũng nghĩ vậy.
Ông Vạn Đại phát biểu:
– Ý Diệp Trúc là quan trọng. Tuy nhiên tôi xin lưu ý hai anh chị nên động viên Diệp Trúc đồng ý tổ chức sớm sớm một chút. Cứ để Bình Nguyên lông bông hoài tôi chẳng yên tâm tí nào cả.
Ông Điền cười:
– Anh Đại yên chí! Gia đình tôi không đòi hỏi gì rắc rối đâu. Quan trọng là tình cảm và hạnh phúc dài lâu của hai đứa nó. Lễ đính hôn có thể châm chước cũng được mà.
Ý kiến này lại bị phía nhà trai bất đồng . Bà Vạn Đại kêu lên:
– Anh nói vậy đâu có được. Khó khăn Bình Nguyên mới cầu hôn Diệp Trúc được. Tôi phải tổ chức đàng hoàng cho rõ ràng hai bên gia đình chứ.
Ông Vạn Đại đưa tay:
– Tôi tính vầy nghe. Hai đứa nó về, anh chị hỏi ý kiến Diệp Trúc xong thì cho tôi hay. Thứ bảy này tổ chức lễ đính hôn. Khoảng một tháng sau cho cưới luôn! Thế nào?
Ông Điền, bà Hương gật đầu. Mọi người đã thống nhất. Bây giờ là phần của bà Vạn Đại.
– Chị em mình đi mua quà cho hai đứa nhỏ nghe chị? - bà rủ. bà Hương. Sau đó ghé chợ mua thức ăn về nấu bữa trưa luôn. Tôi đã hứa sẽ nấu cho nó cùng ăn!
Bà Hương bật cười:
– Chị nhé, chị đã hứa với Chi Mai vậy thì lát nữa em bắt chị vô làm bếp trưởng đó.
– Không thành vấn đề ?
Hai bà khoác tay nhau ra ngoài. Trông có vẻ rảnh rang nhưng thật ra nhiệm vụ của họ rất nặng nề. Trong vòng trên dưới ba tiếng đồng hồ họ sẽ phải chọn mua hơn mươi món nữ trang cho Diệp Trúc. Sau khi mua nữ trang là ghé chợ mua thức ăn về làm bữa trưa.
Hai người đàn ông ở nhà nhàn hạ hơn nhiều.
Bàn cờ tướng bày ra và hai người đấu với nhau một cách chậm rãi thận trọng và từ tốn.
Ván cờ thứ nhất kết thúc ông Điền thắng.
– Tôi biết anh cố tình nhường tôi mà.
– Không dám đâu anh sui. Gì chứ cờ là tôi chơi hết mình à. Tại vừa rồi nước cờ của anh hiểm quá nên tôi đành chịu thua.
– Vậy ta bày ván nữa há anh sui?
– Đương nhiên. Mình còn phải kéo dài thời gian chờ hai bà ấy nấu cơm mà.
Điện thoại reo. Ông Vạn Đại giục ông Điền:
– Anh mau nghe đi.
– Alô! - Ông Điền nhấc ống nghe - Ủa, là con à? - Ông nói với ông Vạn Đại - là Bình Nguyên đó. Nó hỏi anh chị có qua đây không?
– Cái thằng này thật là ...! anh để tôi nói chuyện với nó - Nhấc ống nghe,ông Vạn Đại cao giọng - nè Bình Nguyên! Con làm cái trò gì vậy hả? Bộ mày sợ ba mẹ không chịu đi cưới Diệp Trúc cho mày hả? Nghe đây! Cưới hay không là do con đó. Con phải chắc chắn Diệp Trúc sẽ đồng ý làm vợ con. Rõ chưa tiểu tử?
Ông Vạn Đại cúp máy ngay làm Bình Nguyên ngẩn ngơ. Nguyên và Diệp Trúc vừa đến . Tân Thành. Chưa phải giữa trưa nhưng nắng ở vùng biển đã gay gắt.
– Ôi! Thích thật!- Diệp Trúc dang rộng đôi tay xoay người một vòng rồi nghêu ngao câu hát - dưới nắng hồng tôi đi giữa Gò Công ... – Cô háo hức chạy ra bãi cát như đứa trẻ. Biển cạn Gò Công có bãi cát màu nâu đen, sóng xô làn nước ngầu đục. Không có bãi cát trắng thấp thoáng bóng phi lao và sóng xanh mơ mộng. Biển ở đây vẫn có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với Diệp Trúc. Nó cho cô một cảm giác thật gần gũi thân thương. Một khung cảnh mộc mạc đơn sơ của mái nhà quê mộc của ngoại năm nao ...
– Bình Nguyên! Anh mau ra đây coi nè. Còng gió nhiều quá trời luôn?
Bình Nguyên chạy ra, lây niềm vui trẻ con của cô nhưng khuyến cáo:
– Em chưa thật khỏe đâu. Coi chừng dang nắng là bị bệnh trở lại đó.
– Không đâu. Em khỏe rồi mà. Anh xem con còng gió kìa! Nó chạy nhanh còn hơn anh phóng xe phân khối lớn nữa.
– Ừ, nó cũng hơi giống em. Kìa! Giơ cái càng lên trông sợ quá. Có điều nó ngu hơn em nhiều. Em không có xe cát một cách vô ích như nó. Rồi, ta bái baí mấy con còng gió của em được rồi đó. Vô đây, anh có chuyện quan trọng muốn nói với em.
– Chuyện gì anh cứ nói ngay đi!
– Không được. Phải tìm chỗ ngồi đàng hoàng.
Anh kéo cô vào một lều quán lợp tạm bằng phên cót và mấy tàu dừa nước khô quắt Diệp Trúc bị anh ấn ngồi xuống một chiếc ghế nhựa. Cô chới với la lên:
– Không được rồi anh Bình Nguyên ơi! Lún, bị lún xuống rồi!?
Chiếc ghế lún thật nhanh xuống cát ướt. Bình Nguyên phá lên cười. Diệp Trúc cũng cười theo.
Cô gái phục vụ mặc bộ đồ vải hoa, khoác ngoài chiếc sơ mi dài tay, đến gần hai người:
– Mời hai anh chị lên gác sạch sẽ hơn.
Bình Nguyên hỏi Diệp Trúc:
– Sao em? lên gác há?
Diệp Trúc ngó lên gác. Cô lắc đầu:
– Thôi ngồi đây bị lún cát nhưng mà thú vị hơn.
Cô gái đặt thực đơn lên bàn.
Diệp Trúc gọi luôn một ký tôm và hai ký sò huyết rang me. Tôm mang ra trước, sò có sau. Háo hức bóc vỏ tôm Bình Nguyên quên bẵng chuyện định nói với Diệp Trúc.
Vừa tận hưởng vị ngọt đậm đà của những con tôm đất đỏ au hai người vừa ngắm những cột đáy xa xa. ở nơi biển giáp với chân trời sóng trắng xóa, không còn có thể phân biệt là nước đục của biển cạn hay nước trong của biển sâu.
Diệp Trúc kêu lên:
– Lúc nãy anh định nói gì với em?
Bình Nguyên nhìn cô thật lâu thật nồng:
– Anh ...trước khi nói chuyện đó anh cần em trả lời anh hai câu!
– Hai câu? Được thôi!
– Em thật sự yêu anh chứ? Anh hỏi nghiêm túc đó Diệp Trúc.
Cô nhón thêm một con tôm, im lặng bóc vỏ. Cô làm một cách cẩn thận tinh tế. Lột vỏ xong cô đặt vô chén của Bình Nguyên. Con tôm thứ hai là của cô.
Bây giờ cô mới đáp:
– Em cũng chẳng hiểu tại sao em lại yêu anh nữa. Có lẽ đôi khi tình yêu bắt đầu từ sự ghét nhau. Từ ngày học võ, em tự hứa sẽ chỉ yêu người nào thắng được mình. trận đấu giữa hai chúng ta đã kết thúc. Xét ở một khía cạnh nào đó thì em giành phần thắng. Nhưng mà thật ra em đã thua anh, thua đậm. Bây giờ em không biết là đã yêu anh từ khi nào nữa. Có lẽ từ lâu lắm rồi - cô nhìn anh mỉm cười - câu thứ nhất em trả lời xong rồi. Anh hỏi câu thứ hai đi!
– Em đồng ý tổ chức lễ cưới với anh chứ?
Hỏi xong câu này Bình Nguyên cảm thấy tim mình như bị lực nén vô hình dồn ép lại.
Cô lại cười:
– Em đương nhiên đồng ý rồi. Nhưng còn phải chờ ba mẹ em chứ anh. Em không có quyền quyết định đâu.
– Ôi, cám ơn trời đất. Như vậy là tuyệt rồi, anh không còn lo gì nữa.
Diệp Trúc hạ giọng:
– Người ta nhìn anh kìa!
Bình Nguyên hơi rướn về phía cô, cũng hạ giọng:
– Cho em hay. Ở nhà ba mẹ anh đang qua nhà em để bàn chuyện hai đứa mình đó! Anh vui quá. Anh muốn hét to lên cho tất cả mọi người ở đây cùng nghe thấy và chia vui với anh.
Diệp Trúc lật đật bịt miệng anh lại:
– Í í! Anh đừng có làm càng nha.
– A, thì ra em cũng biết sợ há? Nếu vậy em đồng ý đề nghị của anh đi.
Cô nhăn mặt:
– Còn đề nghị gì nữa?
– Cuối tuần này mình đính hôn.
Diệp Trúc suýt la lên:
sao mà gấp vậy?! Cô so vai:
– Anh vi phạm nguyên tắc hơi nhiều đó nghe. Hôm nay mình xuống đây là để ăn tôm ăn sò mà. Chuyện khác đợi về nhà hẵng bàn đi.
Cô thản nhiên bóc vỏ một con tôm nữa.
Bình Nguyên cười. Cô nàng trước mặt anh bây giờ chẳng có chút gì giống nhỏ Diệp Trúc chằng của tám năm trước và kiêu kỳ kênh kiệu của Anna! Tuy cô không trả lời nhưng anh biết cô đã chấp nhận đề nghị của anh rồi!
Nhỏ Chi Mai về rồi mà tưởng như tiếng cười hồn nhiên tươi trẻ của nhỏ vẫn còn đọng lại trong phòng làm Thùy Linh bất giác mỉm cười một mình.
– Thùy Linh ơi! - tiếng mẹ cô từ ngoài vọng vào – mẹ cũng đóng cửa đi chợ đây. Nếu ai tới thì con xuống mở cửa nghe con!
– Dạ con biết rồi. Mẹ cứ đi đi! Cô đáp vọng ra.
Quay lại nhìn tấm thiệp trên bàn, Thùy Linh mở ra xem. Lúc nãy nhỏ Chi Mai có nói là lễ đính hôn dời lại chủ nhật thay vì thứ bảy như dự tính và Diệp Trúc bận rộn quá nên Chi Mai tài lanh, đi mời thay.
Cuối cùng rồi Diệp Trúc và Bình Nguyên cũng yêu nhau. Chuyện này không bất ngờ với Thùy Linh. Cô chỉ không nghĩ là nhanh đến vậy. Cũng vui vui!
Ghét nhau như trâu trắng trâu đen, đánh nhau đến nỗi lọi tay què chân rồi kết thúc là yêu nhau.
Nhớ lúc nãy Chi Mai nói chị Hai nhỏ và Bình Nguyên mà thành hôn với nhau là ước nguyện của cả gia đình nhưng nhỏ thì lo lắng nhiều lắm! Hai ông bà ấy đều giỏi võ. Sau này lỡ lục đục cơm không lành canh không ngọt thì xách đám con ra làm bia, khổ thân tụi nhỏ! Di động reo làm cắt ngang dòng suy nghĩ của Thùy Linh. Cô mở ra xem. Ủa!
Cô bật dậy.
– Diệp Trúc à! Nhỏ Mai mới về ít phút nè !
– Tao đang ở trước cửa nhà mày. Xuống mở cửa cho tao đi.
Thùy Linh ngạc nhiên. Giọng nói của Diệp Trúc nghe là lạ?!
Thùy Linh vội chạy xuống nhà. Trước mặt cô là một Diệp Trúc lạnh lùng như tượng.
– Mày ...?!
– Tao không ,biết phải đi đâu nên tìm tới mày.
– Ừ, lên phòng tao đi. Chờ tao đóng cửa rồi lên liền. Mẹ tao mới ra chợ.
Cô lập cập khóa cửa rồi bươn lên lầu. Linh cảm đã xảy ra chuyện nghiêm trọng với nhỏ bạn. Lẽ nào lễ đính hôn sẽ phải đình lại? Hay là công việc của nó ở công ty gặp khó khăn gút mắc? Bộ dạng của nó cũng giống như vừa bị kẻ cướp giật mất dây chuyền túi xách vậy!
Bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu Thùy Linh. Cô vào phòng, nhỏ bạn thân đã ngồi xuống salon, mặt thất thần nhìn vào một điểm vô định.
Thùy Linh tới bàn viết lấy chai nước lọc, lật cái ly ra rót đầy rồi bưng đưa bạn:
– Mày uống đi! Bình tâm lại rồi nói tao nghe.
Diệp Trúc uống một hơi gần cạn ly nước:
– Mày nghĩ là tao có chuyện à?
– Ừ. Tao đi đây đi đó chưa nhiều lắm. Nhưng tao chưa gặp cô gái nào sắp đính hôn mà mang bộ dạng thất thần như mày cả, quỉ ạ.
Diệp Trúc chợt nhìn thấy tấm thiệp. Cô với tay cầm lên ngắm nghía rồi xé luôn thành hai ba mảnh.
– Diệp Trúc! Mày làm cái gì vậy?
Diệp Trúc nhìn cô ráo hoảnh:
– Chủ nhật này không có lễ đính hôn nào hết! Tao vừa từ hôn rồi. Mày cũng khỏi phải lo sẽ mặc trang phục gì, trang điểm ra sao để tới đó rồi Thùy Linh ạ.
Thùy Linh nghe hai tai mình lùng bùng. Giọng cô thảng thốt:
– Mày đang nói gì vậy Diệp Trúc? Tao không nghe lầm chứ? Cớ sao mày từ hôn? Kể cho tao nghe đi! Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Diệp Trúc tựa vào lưng ghế. Chán nản:
– Lần đầu tiên tao yêu và tao đã gởi trọn niềm tin vào tình yêu đó. Vậy mà ...mày có thể tưởng tượng được không Thùy Linh? Hôm nay vợ và con anh ta đã xuất hiện, ngay trước mặt tao. Sờ sờ bằng xương bằng thịt! Mày bảo tao có thể làm gì ngoài việc từ hôn? Dù sao vẫn là chưa muộn. Biết sớm cũng tốt.
Thùy Linh bàng hoàng. Bình Nguyên mà có vợ con rồi sao?
– Mày nói thật chứ. Lý nào tệ vậy?
– Cô ta quen Bình Nguyên ở Mỹ. Khai sanh thằng bé có tên Bình Nguyên là cha hẳn hòi. Mày còn bảo tao không tin hay sao?
– Ui trời! Y như là ác mộng!?
Diệp Trúc kể cho Thùy Linh nghe, Sáng nay, cô và Bình Nguyên đi lấy áo đã đặt ở tiệm áo cưới, hai người dự tính nhân đây sẽ chụp thêm vài chục kiểu ảnh nghệ thuật. Bình Nguyên đề nghị về nhà anh ăn sáng rồi đi - Diệp Trúc đồng ý.
Bữa ăn sáng chưa kết thúc thì người giúp việc vào báo tin:
– Thưa ông bà chủ, thưa cậu! Có một người phụ nữ đến tìm cậu. Cô ấy nói ...
Ông Vạn Đại cau mày:
– Sao chú ấp úng vậy? cô ta nói gì?
– Dạ . ....cổ nói ...cổ dẫn con trai về gặp cha nó! Là cậu Hai nhà mình đó, thưa ông.
Mọi người bàng hoàng. Diệp Trúc đánh rơi đôi đũa xuống bàn. Bình Nguyên tái mặt?!
Ông bà Vạn Đại bật khỏi ghế đi nhanh ra ngoài. Diệp Trúc nhìn Bình Nguyên.
Cô cất giọng khàn khàn:
– Chuyện này là thế nào?
Bình Nguyên bước lại gần cô phân trần:
– Em bình tĩnh đi Diệp Trúc. Hãy tin anh! Chuyện này anh sẽ giải thích với em. Em đừng hiểu lầm anh nghe Diệp Trúc. Anh thề là anh chỉ yêu mỗi một mình em thôi.
Diệp Trúc phiền mượn:
– Bây giờ anh nói vậy có ích gì? Ngoài kia có người tự xưng là vợ con của anh đột ngột xuất hiện. Anh bảo em bình tĩnh được sao? Anh hãy ra gặp con trai anh đi. Có lẽ chuyện đính hôn phải hủy bỏ thôi.
Ngoài phòng khách, người phụ nữ trẻ mặc bộ đồ âu nền nã tay dắt đứa bé trai bước đi lẫm chẫm, khép nép trước mặt ông bà Vạn Đại.
Bà Vạn Đại không nói nên lời, mắt tròn xoe kinh ngạc,miệng há hốc. Ông Vạn Đại bình tĩnh hơn bà nhiều.
– Cô bảo cô đưa con của Bình Nguyên về gặp nó. Nói vậy thì đứa nhỏ này là con Bình Nguyên? Chuyện này thật sự làm tôi sửng sốt. Vì tôi chưa hề cưới dâu. Vậy thì làm sao có cháu nội được?
Thiếu phụ trẻ chậm rãi mở xắt tay lấy ra tờ giấy đưa cho ông Vạn Đại:
– Dạ thưa bác, thật sự cháu và Bình Nguyên chưa cưới nhau nhưng bé Bình An là con trai anh ấy, có luật pháp Hoa Kỳ chứng nhận đây ạ.
Ông Vạn Đại miễn cưỡng cầm tờ giấỵ ....Đó là giấy khai sinh. Bên cạnh những dòng chữ Anh là ba cái tên tiếng Việt của Bình Nguyên, Trang Đài và Bình An.
Diệp Trúc đứng sau ngưỡng cửa. Cô thấy hết, nghe hết! Cô nghe đầu mình ong ong choáng váng. Cô lảo đảo nhưng cố lê bước rời khỏi nhà Bình Nguyên.
Bà Vạn Đại trông thấy cô ra tới sân, bà chạy theo:
Diệp Trúc à ! ..... Cô dừng lại hít một hơi thật sâu cho bình tĩnh hơn và quay nhìn bà:
– Dạ, bác. .... Bà Vạn Đại vụng về:
Diệp Trúc à, bác cũng như con thôi. Thật bất ngờ, không muốn tin nữa con ạ.
Bác ...
Diệp Trúc cầm tay bà, gượng cười:
– Dạ, con hiểu. Con về đây.
– Ừ, con về nhé. hai bác sẽ qua bên con sớm.
Ăn cơm xong Thùy Linh nói cô sẽ đưa Diệp Trúc về nhà nhưng Diệp Trúc lắc đầu.
Cô nói:
– Về nhà lúc này chắc tao khóc mất. Không phải tao khóc vì mình mà là tao sẽ chịu không nổi khi nhìn ba mẹ tao bị sốc!
– Nhưng ngồi lì ở trong căn phòng này mày sẽ còn buồn nhiều hơn đó.
Chúng la ra ngoài nghe.
– Ừ, có lẽ tao nên nghe lời mày. Mày bảo gì tao nghe nấy!
Thùy Linh đưa bạn ra phố. Thấy thương nhỏ bạn quá. Cô muốn an ủi nhỏ thật nhiều nhưng cảm thấy chẳng lời lẽ nào thích hợp với nhỏ lúc này. Và thế là hai đứa cứ im lặng đi bên nhau hết vỉa hè này đến vỉa hè khác. Diệp Trúc như người mộng du còn Thùy Linh thì nhẫn nại bên cô như chiếc bóng? Không biết hai đứa sẽ còn đi như vậy bao lâu nếu như không bất ngờ có ai đó gọi to tên Thùy Linh.
Thùy Linh dáo dác nhìn quanh. Đường phố quá đông người. Diệp Trúc vẫn bước đều.
Thùy Linh níu tay bạn:
– Chờ đã Diệp Trúc! Hình như có ai đó gọi tao ...
Diệp Trúc giật mình:
– Ai tìm mày? Liệu có phải là ...
Thùy Linh gạt ngang:
– Đừng có lẩn thẩn! Nếu là Bình Nguyên thì anh ta gọi tên tao làm gì?
– Thùy Linh!
Tiếng gọi bây giờ đã gần hơn và hai đứa thấy một thanh niên rảo bước về phía mình.
Hai đứa nhìn nhau, khuôn mặt lạ hoắc với Diệp Trúc. Thùy Linh thì ngờ ngợ.
– Chào Thùy Linh! Không nhận ra anh thật à?
– Dạ .....?!
– Anh là Tuân. Chúng ta quen nhau ở nhà họa sĩ Khánh đó. Lúc ấy, anh nhớ rất rõ là Thùy Linh bảo anh là doanh nhân nhưng tướng giống nghệ sĩ lắm!
– À à em nhớ ra rồi! Anh Tuân bạn họa sĩ Khánh. Hình như lâu lắm mình mới gặp nhau. Anh Tuân nhận ra em thật là tài!
Không dám! ....Thùy Linh vẫn khỏe chứ? Còn đây là ...
– Chào anh ạ. Em tên Diệp Trúc - Diệp Trúc chủ động - Thùy Linh nói thêm:
Diệp Trúc là bạn học của em hồi cấp hai. Sau này nó qua Mỹ ở. Tuy ở bển bảy tám năm trời nhưng giờ về đây nó vẫn là bạn thân của em.
Tuân ý nhị:
– Anh đã được quen một họa sĩ trẻ. Nay chắc được quen thêm một nghệ sĩ nữa chứ?
Thùy Linh phẩy tay:
– Anh Tuân với Diệp Trúc đi chung xuồng được đó Trúc nó học kinh tế, chuyên ngành nghiên cứu thị trường:
Tuân xoa tay:
– Ồ, hân hạnh quá ! Hình như số anh hên lắm, toàn quen được các nhân tài.
Ôi, sao anh lẩm cẩm vậy cà? Mời hai cô gái vào quán nước hay một nơi nào khác ta nói chuyện nhiều hơn há.
Dung dị và hóm hỉnh, phút chốc. Tuân đã gần gũi với cả Diệp Trúc. Tình cờ nhờ gặp anh mà nỗi buồn trong cô tạm quên đi. Cô dần bị cuốn hút vào câu chuyện của Tuân. Anh cho biết mình đang làm phó giám đốc một công ty thương mại.
– Em biết công ty Vĩnh Hưng không. Là nó đó. Còn em. em đang làm gì?
– À nó làm ...
– Làm báo! - Diệp Trúc ngắt lời bạn – em cũng mới về nước ít lâu. còn thất nghiệp đây nè. Hay là anh Tuân giới thiệu cho em vô làm ở công ty của anh đi!
Tuân lắc đầu phàn nàn:
– Người như Diệp Trúc mà thất nghiệp thì đúng là mấy nhà sản xuất ở đây có vấn đề về mắt cả rồi. Chán thật!
Thùy Linh đùa:
– Không phải vấn đề ở mắt mà là ở lương đó anh Tuân ơi! Nhỏ này tốt nghiệp bên Mỹ nên đòi lương cao lắm. Liệu anh có kham nổi không nào?
Tuân cười lớn:
– Lo gì chuyện đó. Công ty của anh là công ty lớn mà. Bảo đảm anh trả lương rất tương xứng. Vậy được chứ Diệp Trúc?
Tuân trao danh thiếp cho Diệp Trúc.
Cô xem qua rồi nói:
– Nghiêm túc nha anh Tuân. Chậm nhất là chiều mai em sẽ qua nộp đơn cho anh.
– Được rồi Chiều mai Diệp Trúc đến thì anh sẽ sắp xếp để ở nhà chờ tiếp nhận hồ sơ - đoạn anh nháy mắt - Diệp Trúc là mối đặc biệt, mối lớn mà.
Câu chuyện trong quán cà phê kéo dài hơn ba mươi phút. Tuân còn muốn nán lại thêm nhưng có điện thoại anh về.
Thùy Linh và Diệp Trúc còn ngồi thêm một lúc nữa.
– Mày định nghỉ làm bên công ty Vạn Thái Dương à?
Diệp Trúc gật đầu – Đến mức đó sao Diệp Trúc?!
Diệp Trúc đứng lên:
– Chẳng có mức nào cả Thùy Linh à. Về thôi! Từ bây giờ tao phải rẽ qua ngã mới rồi. Đi, nhỏ!
Thùy Linh chạy theo bạn:
– Mày không sao chứ?
– Ừ, đừng lo cho tao! - Diệp Trúc bá vai làm Thùy Linh xiểng niễng - Nhờ mày đó. Cảm ơn nha! Nếu không có mày thì làm gì gặp được anh Tuân. Mày nên mừng và ủng hộ cho tao mới phải.
– Ừ thì ...tao mong mọi việc sẽ tốt đẹp. Tao không thân với anh Tuân lắm nhưng tao biết ảnh rất tốt bụng và nhiệt tình. Nhất định mày vô công ty ảnh làm sẽ rất thuận lợi.
Thùy Linh đưa Diệp Trúc về tận nhà.
Diệp Trúc dừng lại ngoài cổng:
– Được rồi mày về đi Thùy Linh. Hẹn chiều mai nhé ! sau khi đến công ty Vĩnh Hưng tao sẽ liên lạc với mày. Bye!
– Bye!
Diệp Trúc mở cổng, xăm xăm đi vào nhà. Cô khựng lại trước thềm! Ba mẹ và nhỏ Chi Mai đứng đó im lặng. Mắt Chi Mai đỏ hoe. Đôi vai ba như công thêm một chút, mặt mẹ buồn hơn lá mùa thu rơi.
Bà Hương quay mặt đi.
Ông Điền khẽ khàng:
– Cả buổi sáng nay con đi đâu vậy Diệp Trúc?
Cô lúng túng:
– Dạ .....con ra ngoài với Thùy Linh!
Chi Mai không lách chách như mọi ngày. Nó bước xuống nắm tay Diệp Trúc:
– Vô ăn cơm với em nghe chị Hai. Em vừa đi học về nên chưa ăn.
– . ....Cũng được.
Bà Hương định vô phòng ăn với các con nhưng ông Điền giữ lại, ông nói nhỏ:
Thư thả đã mình à. Hãy để nó thoải mái với Chi Mai một chút đi.
Bà Hương phập phồng:
– Em sợ Chi Mai nói không giữ mồm giữ miệng Sẽ không sao đâu. Chi Mai đã hiểu biết nhiều rồi em à. Em ngồi xuống đây!
Trong phòng ăn Chi Mai xúc cơm cho chị. Cô nàng không ồn ào như mọi ngày.
DiệpTrúc quan sát em gái, thấy nó cũng đang nhìn mình. cô nhướng mày:
– Em sao vậy? lo cho chị à?
Chi Mai bối rối:
– Chị Hai à, em. ....chị với anh Bình Nguyên ...
Diệp Trúc mỉm cười, thản nhiên gắp một miếng cá sốt cho vào miệng:
– Chà, hôm nay mẹ nấu món cá sốt gừng ngon quá! Mẹ chúng ta là một đầu bếp tuyệt vời phải không nhỏ?
Chi Mai khẽ kêu lên:
– Chị Hai!! ....
Diệp Trúc nhẹ nhàng:
– Chi Mai nè, cuộc đời là vậy đó. Luôn gập ghềnh uốn khúc. Không bao giờ suôn sẻ đâu nhỏ.
– Nhưng chuyện của anh Bình Nguyên thì kỳ lạ quá. Em muốn nói là ...
Diệp Trúc giơ tay:
– Em đừng nói gì cả. Chị mong mọi chuyện khép lại ở đây.
Mắt Chi Mai cụp xuống, buồn hiu. Chưa hết, bà chị chợt nghiêm mặt nói thêm:
– Còn nữa nghen, em đó. Từ nay em đừng có gặp gỡ hay là qua lại bên đó nữa. Không tiện đâu. Lỡ người ta hiểu lầm thì phiền lắm!
Ăn hết lưng chén cơm Diệp Trúc định về phòng riêng nhưng nhìn lên phòng khách thấy ba mẹ ngồi rầu rầu ở salon cô bèn đi lên:
– Ba mẹ! Ba mẹ không nghỉ trưa ạ?
Cố giữ giọng điềm đạm ông Điền bảo con gái:
– Con ngồi xuống đây một chút.
– Ba à, con ...
– Chúng ta không còn cách nào khác hơn là chấp nhận sự thật và phải đối diện với nó dù cho nó thật phũ phàng nghiệt ngã con ạ.
Diệp Trúc dạ khẽ:
– Dạ, con hiểu ạ.
Ông Điền nói tiếp:
– Hồi sáng nay mọi người bên ấy đều đã qua đây. Ba mẹ vô cùng bàng hoàng nhưng không thể nói nặng họ được. Dù sao thì hai bên đã thân thiết như anh em từ mười mấy năm nay rồi. Chuyện cũng ngoài ý muốn của ông bà Vạn Đại. Cho nên ba mẹ quyết định để mọi việc êm xuôi hơn. Có lẽ con với Bình Nguyên không duyên nợ nên ...
Bà Hương xót xa nhìn con gái:
– Ý con thế nào hả Diệp Trúc?
Diệp Trúc cúi nhìn sàn nhà. Những viên gạch men có hoa văn rắc rối quá.
Cô bắt buộc đầu óc phải tập trung vào phân tích nó.
– Diệp Trúc à. .... Cô ngẩn lên nhìn ba mẹ, mỉm cười:
– Ba nói rất phải mẹ à. Nếu chúng ta làm khó bên ấy thì cũng chẳng được gì.
Xin ba mẹ hãy yên tâm, con không sao đâu. À,con cũng cho ba mẹ hay luôn. Kể từ ngày mai con nghỉ làm ở công ty Vạn Thái Dương. Nghe nói công ty Vĩnh Hưng cũng lớn lắm. Chiều mai con sẽ đến nộp hồ sơ xin việc.
Ông Điền xót xa:
– Nếu cảm thấy mệt mỏi thì con cứ việc nghỉ ngơi thêm một thời gian ...
Diệp Trúc lắc đầu:
– Không đâu ba ơi! Con thích làm việc hơn.
– Thôi thì tùy con vậy.
Diệp Trúc đứng lên:
– Dạ, con lên phòng đây. Phải chuẩn bị hồ sơ để mai đem nộp cho công ty Vĩnh Hưng nữa. Lên hết thang lầu Diệp Trúc mới thấy mình thật sự đuối sức, toàn thân rã rời cơ hồ muốn vụn vô. Cô cố gắng lê bước về phòng, đóng chặt khóa chết bên trong, cô nằm vật xuống giường, Hai dòng lệ ấm tuôn rơi lã chã. ....tình yêu! Nó là vậy sao? Cô hận mình đã nhẹ dạ hiến trọn trái tim mình cho tình yêu. Để bây giờ hứng chịu kết quả ê chề thế này?!
Cũng lúc này, Bình Nguyên sau khi đắn đo cân nhắc, quyết định gọi điện thoại cho Chi Mai.
Nghe giọng Bình Nguyên cất lên từ bên kia đầu dây, Chi Mai phát hoảng lên:
– Trời ơi? Sao anh Bình Nguyên còn gọi điện tới lúc này chứ?!
Bình Nguyên khẩn khoản:
– Chi Mai à, em hãy giúp anh với. Anh chỉ còn biết nhờ em thôi.
Chi Mai rên rỉ:
– Bây giờ em đành bó tay rồi anh Nguyên ơi!?
– Đừng nói vậy chứ Chi Mai! Em cố gắng giúp anh gặp chị Hai em đi!
Chi Mai như giẫm phải lửa:
– Úi trời! Làm vậy khác nào giết chết em!?
– Nếu vậy ...cho anh nói chuyện điện thoại với chị ấy cũng được. Làm ơn đi Chi Mai à. Anh thề có trời có đất, anh không làm chuyện đó đâu. Em phải tin anh, Chi Mai à.
Chi Mai thở hắt, lặng thinh:
– Chi Mai! Alô! Em còn ở đó không Chi Mai?
Chi Mai ôn tồn:
– Anh Bình Nguyên! Anh bình tĩnh nghe em nói nhé! em tin anh, hai anh em mình chơi thân với nhau đã tám năm, nếu có nghi ngờ thì em cũng không thể nghi ngờ chuyện nghiêm trọng như vậy. nhưng biết làm sao được hả anh Nguyên? Người ta đem cả bằng chứng đến mà?!
– Chuyện đó hơi dài nhưng anh có thể kể cho em và chị Hai em nghe.
– Không phải lúc này đâu anh Bình Nguyên. Anh hiểu giùm em nghe anh Bình Nguyên.
Chi Mai cúp máy. Cô cắn môi xót xa cho cả hai:
chị Hai mình và Bình Nguyên nữa.
Sáng hôm sau Diệp Trúc đến công ty thật sớm.
Cô vào phòng giám đốc nộp đơn xin thôi việc.
Đã nghe chuyện của Bình Nguyên ông Hồ Ba không sửng sốt. Ông buồn buồn:
– Tôi rất lấy làm tiếc! .....Cô có thể suy nghĩ lại được không Anna! Nếu bây giờ nghỉ việc thế này cô sẽ phải bồi thường cho công ty. Đó là nguyên tắc. Dù tôi không muốn vẫn phải chấp hành.
D Diệp Trúc gật nhẹ:
– Dạ thưa giám đốc, cháu hiểu. Con người cháu vốn phân biệt việc công việc tư rất rạch ròi. Nhưng sau sự việc này cháu ở tình thế khó xử vô cùng giám đốc ạ. Cháu không tin mình vẫn làm việc bình thường với Bình Nguyên được.
Ông Hồ Ba sốt sắng:
– Anna à, nếu như cô cảm thấy bất tiện thì tôi sẽ bố trí cô làm việc ở chỗ khác. Phòng kết hoạch chẳng hạn!
– Dù ở phòng ban nào cũng vẫn là công ty Vạn Thái Dương, gói gọn trong mấy trăm mét vuông văn phòng làm việc này. Làm sao không chạm mặt nhau, thưa giám đốc. Xin giám đốc đừng lo. Tôi chấp nhận bồi thường mà!
Ông Hồ Ba thở dài:
– Không chỉ tiếc số tiền cô bồi thường mà tôi thật sự trân trọng năng lực làm việc của cô. Thật đáng tiếc nếu cô rời khỏi công ty.
Nhưng ý Diệp Trúc đã quyết! Cô lặng lẽ chào ông Hồ Ba rồi đi ra.
Diệp Trúc đi được một lúc thì Bình Nguyên vào. Vừa thấy mặt anh, ông Hồ Ba tuôn một hơi:
– Mày làm cái quái quỉ gì vậy hả Bình Nguyên? Tự nhiên lòi ra một đứa con bự chảng!
Bây giờ thì công ty thiệt hại rồi đó. Má mày cũng báo hại con nhỏ phải chịu bồi thường thiệt hại cho công ty nữa kìa! Bây giờ mày đã thấy mình sai chứ? Đó mở ra coi đi. Đơn xin thôi việc đó.
Bình Nguyên chỉ cầm phong bì chứ không mở ra.
Anh buông thõng:
– Cô ấy hành động như vậy là tất nhiên thôi. Lỗi ở con mà. Chú tính xem cụ thể mức phí tổn bồi thường cho công ty là bao nhiêu? Con sẽ chi tất cả!
Nhiều người nhận xét:
ở Sài Gòn tường cao cổng kín, chẳng được mấy nơi có tình láng giềng thân mật, tối lửa tắt đèn hoạn nạn có nhau. Cứ đèn nhà ai nấy sáng, quáng nhà ai nấy biết. Thật là lạnh lùng vô cảm!
Nhận xét này quả không sai! Mà nó lại hay đối với Diệp Trúc. Xung quanh chẳng ai biết cô vừa trãi qua những ngày tươi đẹp hay là giông tố. Nếu có thời gian rỗi rãi thử đứng bên đường quan sát một vài ngày sẽ thấy nếp sinh hoạt của gia đình ông Điền bà Hương vẫn bình thường như mọi ngày. Vẫn sáng sáng hai cô con gái, một cô đến sở làm,một cô đến trường. Chiều về, lặng lẽ dẫn xe hon da vào sân! Vào những ngày nghỉ, hoặc đi mua sắm chốc lát, hoặc nằm nhà ngủ nướng! Nỗi đau trong Diệp Trúc dường như đã dịu đi theo thời gian. Ông Điền bà Hương tạm yên tâm khi biết cô đi làm ổn định bên công ty Vĩnh Hưng.
Bây giờ công việc của Diệp Trúc chủ yếu gắn liền với chiếc máy vi tính. Cô say sưa làm việc đến nỗi quên cả giờ ăn giờ nghỉ. Tuy nhiên phó giám đốc của cô vẫn thỉnh thoảng bắt gặp cô ngồi thừ người, ánh mắt nhìn mông lung. .... Được vài ba ngày, Tuân chủ động gọi điện cho Thùy Linh.
– Alô! Thùy Linh à? Anh là Tuân đây! Chúng ta có thể gặp nhau một chút không?
– Ồ, anh Tuân! Em cũng định gặp anh để hỏi thăm tình hình Diệp Trúc làm việc bên anh thế nào?
– Vậy ta gặp nhau nhé. Mấy giờ?
– Em đang ở gần công ty của anh đó.
– Nếu vậy anh ra quán cà phê phía đối diện chờ Thùy Linh.
Thùy Linh hẹn chừng mười lăm phút nữa sẽ có mặt.
Tuân rời phòng làm việc. Ra ngoài anh gặp Diệp Trúc đang đi về phía mình, tay cầm sơ mi giấy tờ.
Phó giám đốc, anh định đi đâu ạ? Em có chuyện cần trình lên anh.
Tuần nhìn sơ mi giấy:
– Có tin từ phía khách hàng rồi phải không? Hay quá! Diệp Trúc đưa đây cho anh. Lát nữa anh nghiên cứu xong sẽ trao đổi thêm. Bây giờ anh phải ra ngoài rồi.
– Dạ, anh cứ đi. Em cũng phải vào truy cập tiếp đây. À, công ty được nhiều khách hàng quan tâm lắm đó anh Tuân.
Tuân cười hãnh diện:
– Đương nhiên rồi! Công ty lớn mà lại!
Diệp Trúc cười theo anh nhưng anh nhận thấy thật sâu trong mắt cô vẫn là vùng u tối, rất tối.
Tuân vào quán cà phê chờ Thùy Linh.
Cô đến sớm gần năm phút.
– Chào họa sĩ - Tuân đứng lên vẫy vẫy – Tôi ở đây này!
Thùy Linh không vừa. Cô reo to:
– A, chào phó giám đốc.
Kéo ghế ngồi đối diện với anh, Thùy Linh ngắm không gian rộng và tươi tắn của quán cà phê. Có lẽ chủ nhân của nơi đây rất yêu sinh vật biển nên đèn treo buông từ trần xuống đền có hình cá tôm sò mực và sao biển!
– Thùy Linh đi đâu mà đến gần chỗ này?
– Em tham quan phòng tranh của một đàn chị. Chị ấy ngỏ ý mời em về cộng tác nhưng em còn rất băn khoăn.
– Sao vậy?
Thùy Linh so vai:
– Vấn đề tế nhị, khó nói lắm! Bởi vì em không thân với chị họa sĩ này. Nếu như có một người giống như Diệp Trúc thì rất đơn giản. À phải rồi, em định gặp anh Tuân là để hỏi xem mấy ngày nay Diệp Trúc làm việc ở chỗ anh thế nào?
– Cô ấy là người chăm chỉ và có trách nhiệm. Tuy nhiên anh cứ thấy thế nào ấy. Phải chăng Diệp Trúc đang gặp chuyện gì hả Thùy Linh?
Thùy Linh hỏi lại:
– Anh đã thấy sao mà hỏi em như vậy?
Tuân đăm chiêu:
– Anh mắt cô ấỵ ....! và thỉnh thoảng anh lại bắt gặp cô ấy thẫn thờ buồn bã.
Thùy Linh khẽ thở dài:
– Em biết, nó làm sao mà bình thường được kia chứ?
– Tức là cô ấy gặp rắc rối thật? Em có thể cho anh biết đó là chuyện gì không Thùy Linh? Nếu có thể thì anh sẽ giúp Diệp Trúc. Không chỉ vì Diệp Trúc là bạn em đâu. Bọn anh đã nhìn thấy thực lực của Diệp Trúc. Mà như hiện nay, cô ấy làm việc rất có hiệu quả:
Tuy nhiên nếu cô ấy có vấn đề vướng mắc trong tâm tư thì rất nguy hiểm. Tác động của tâm lý ảnh hưởng tới công việc và sức khỏe lớn lắm Thùy Linh à. Mà ngặt nỗi tác động tiêu cực lại nhiều hơn tích cực.
Thùy Linh cắn môi:
– Em không muốn nói ra chuyện này bởi vì bản thân em cũng không tin nó là thật!?
Thùy Linh kể lại vắn tắt chuyện của Diệp Trúc với Bình Nguyên cho Tuân nghe.
Nghe xong Tuân so vai:
– Đời là vậy. Có thể xảy ra bất cứ chuyện gì mà.
– Anh Tuân nói y hệt Diệp Trúc. Nó đã nói vậy và thản nhiên nghỉ làm bên công ty Vạn Thái Dương. Thời nay, gặp anh và thế là xin vô đây làm luôn Tuân à, em nhờ anh quan tâm giúp đỡ Diệp Trúc em giúp nhé. Tuy bề ngoài cứng cỏi vậy chứ em biết nó yếu đuối lắm.
Tuân khẽ gật đầu. Có nhiều cô gái như vậy, họ che giấu sự yếu đuối của mình vào lớp võ cứng cỏi, lớp vỏ cứng cỏi ấy thật ra mỏng tang!
Quay về văn phòng Tuân tiếp tục nghĩ ngợi về Diệp Trúc. Không hiểu sao ngay từ đầu cô đã thu hút anh. Sau buổi chia tay ấy anh đinh ninh thể nào cô cũng đến! Mà cô đã đến thật.
Buổi trưa Tuân cố ý chờ Diệp Trúc ra ngoài để mời cô ăn trưa nhưng chờ hoài chẳng thấy cửa phòng cô mở. Anh gõ cửa:
– Diệp Trúc à !
– Dạ ra ngay ạ.
Cửa mở, Tuân bắt gặp đôi mắt còn đỏ hoe vội vàng cụp xuống tránh nhìn anh.
Tuân vui vẻ:
– Này này cô nhỏ! Công việc không giúp người ta sống được đâu! có thực mới vực được đạó nghen. Ra ngoài ăn cơm với anh đi. Hôm nay anh chiêu đãi “ lấy le” một bữa.
– Dạ - Diệp Trúc phận bua – tại công việc đang dở dang em phải làm cho xong chứ em đâu có tuyệt thực.
– À, vậy thì tốt! Chúng ta đi.
Không như công ty Vạn Thái Dương, công ty Vĩnh Hưng là ngôi nhà lầu ba tầng biệt lập nên muốn ăn uống phải ra bên ngoài.
Cái tiệm ăn phía bên kia đường giống như hàng ngàn tiệm ăn khác trên đường phố Sài Gòn. Tức là căn phố rộng bàn ghế được kê dài hai bên tường.
Đường buồn ở giữa để khách ra vào và tiếp viên chạy tới chạy lui như con thoi bưng bê, dọn dẹp. Trong không gian bình dân này Diệp Trúc không còn thôi gian đâu mà buồn.
Tuân nới chuyện vui, pha chút hài hước làm Diệp Trúc cười liên tục.
Qua câu chuyện vui nhộn của anh, Diệp Trúc biết anh vẫn còn độc thân.
Anh nói:
– Diệp Trúc biết không, thân trai hổng vợ là cứ ăn bên ngoài suốt vậy đó.
Bếp núc ở nhà quanh năm lạnh tanh!
– Có khó khăn gì đâu? Anh Tuân chi cần cưới vợ lập tức bếp sẽ nóng ngay!
Anh cũng sẽ thường xuyên được thưởng thức bữa cơm gia đình.
Tuân rầu rĩ:
– Biết lấy ai bây giờ? Mấy cô ngang bằng với anh thì bỏ theo chồng gần hết rồi. Mấy cô gái trẻ thì chê anh già, hổng thèm lấy anh!
– Tội nghiệp anh Tuân quá ! Có lẽ anh là người đàn ông đầu tiên tự hạ giá mình xuống đó.
– Vậy sao? Em thấy cỡ vậy có dễ mua không?
Diệp Trúc hoảng hồn, anh chàng này đã lừa cô lọt vào bẫy rồi. Cô ỉu xìu:
– Dễ mua nhưng cũng mua không dễ. Em đã mua nhầm một món hàng. Bây giờ tiền mất tật mang. Em hết vốn rồi !
– Không sao! Phương thức mua bán của công ty anh linh động lắm. Có thể mua trước trả sau, tiền mặt hoặc chuyển khoản và trả góp dài hạn:
Diệp Trúc đáp:
– Em thích trả tiền mặt hơn. Nhưng bây giờ đành chịu! Anh Tuân mất công rao hàng rồi.
– Không hề gì! Hàng chất lượng cao thì trước sau gì cũng có người ghé hà.
Diệp Trúc lặng thinh. Mỗi câu nói đều hàm ý.
Phải chăng anh đã biết gì về cô?
Như hiểu điều băn khoăn đó trong cô, Tuân nói khẽ khàng:
– Anh muốn nói với Diệp Trúc là trong đời người ai cũng một đôi lần bị lầm lẫn. Nó sẽ là kinh nghiệm quí báu cho chúng ta bước tiếp trên đường đời. Dĩ nhiên không cần thiết em chép kinh nghiệm ấy thành sách rồi ngày qua ngày cứ nhẩm học thuộc lòng. Chỉ cần em cất nó vào một ngăn tủ là được rồi.
Diệp Trúc thở dài buồn bã:
– Em muốn như vậy và đã làm như vậy. Nhưng có lẽ vì mới mẻ quá, em chưa thể bình thường trở lại được anh Tuân ạ.
– Tất nhiên, tất nhiên! Anh không bảo em trở lại bình thường, quên tất cả cái rụp, coi như chưa có gì xảy ra. Nhưng em đừng bắt ép mình rúc vào một cái khuôn chật ních! Vầy nha, từ mai nếu có gì thắc mắc em cứ gặp trao đổi ngay với anh:
Anh sẵn sàng giúp đỡ, chỉ cần em giúp anh hai chuyện nhỏ là được.
– Chuyện gì hả anh Tuân?
– Trong khả năng của em đó.
– Thì anh cứ nói ra đi!
– Chỉ cần mỗi ngày em pha dùm anh cà phê. Chín giờ sáng một ly, hai giờ rưỡi chiều một ly. Mười một giờ rưỡi trưa thì nhắc anh ăn cơm.
Diệp Trúc thắc mắc:
– Hôm nay anh Tuân mời em ,đi ăn mà? Sao lại dặn em mai mốt phải nhắc anh?
– Ấy, anh quên nhớ bất bình lắm. Phải lo xa vậy mới chắc ăn. Em hứa được không?
– Dạ được.
– Í mà còn nữa. Anh có hứa sẽ đến thăm phòng tranh tại nhà Thùy Linh. Em sắp xếp hôm nào cùng đi với anh há. Đến nhà cô họa sĩ đó một mình anh hơi ngại.
– Ủa! Anh quen thân Thùy Linh còn hơn em, còn ngại nỗi gì?
Tuân giảng giải:
– Vậy là Diệp Trúc không biết rồi. Anh ngại đi một mình anh sẽ không đủ sức bảo vệ quan điểm của mình nếu tranh luận với Thùy Linh về một tác phẩm nào đó của cô ấy? Em phải ủng hộ anh chứ?
Diệp Trúc phì cười:
– Không ngờ anh Tuân ma mánh như vậy. Đừng quên em là bạn thân của Thùy Linh nha.
– Thì đó, cho nên anh mới tranh thủ ngay từ bây giờ nè. Há, em làm đồng minh của anh há?
Diệp Trúc chỉ còn biết cười trừ.
Tuân là sếp mà cũng như người anh nhiệt tình. Nhưng anh không thể lúc nào cũng ở bên cạnh Diệp Trúc. Chiều tan sở về bất chợt lại nhớ Bình Nguyên.
Chưa nhiều nhưng không ít lần anh và cô chạy xe song song trên đường mỗi chiều ...Lý trí bảo hãy quên đi nhưng con tim cứ thôi thúc và Diệp Trúc cho xe chạy chầm chậm ngang qua cao ốc văn phòng, nơi cô từng làm việc đối diện và nói chuyện với Nguyên mỗi ngày.
Hơn năm giờ chiều, tòa cao ốc chắc đã vơi vắng hầu hết nhân viên của các công ty! Diệp Trúc nhìn thêm một lần nữa rồi cho xe chạy đi. Chiếc Dream đưa Diệp Trúc đến nhà ông bà Vạn Đại. Lần này cô dừng xe phía bên kia đường, lặng lẽ nhìn sang. Cổng đóng im ỉm nhưng Diệp Trúc biết chắc giờ này bên trong đó là cảnh đầm ấm của một gia đình hạnh phúc. Rồi dần dần ông bà Vạn Đại sẽ quen với thằng bé và yêu thương nó thật nhiều. Dù gì nó cũng là máu mủ của họ mà!
Một chiếc taxi dừng lại trước biệt thự. Diệp Trúc nghe tim mình đập thình thịch:
là cô gái ấy! Cô ta xuống xe đầu ngẩng cao, ngực ưỡn ra phía trước và bước đi điệu đàng đỏng đảnh.
Thêm một chiếc taxi nữa dừng lại. Lần này là Bình Nguyên. Anh xuống xe, áo quần xốc xếch tóc rối bù bước chân xiêu vẹo.
Trang Đài bấm chuông cổng, quay ra thấy Bình Nguyên như vậy vội chạy đến.
– Anh Nguyên! Trời! Lại uống say nữa rồi!? Để em dìu anh vô nhà.
Bình Nguyên hất mạnh khiến Trang Đài lảo đảo:
Anh nạt lớn:
– Cô tránh ra! Tôi đi được, về được! Đếch cần cô dắt dìu, nghe chưa?
Hai chiếc taxi lần lượt chạy đi. Trang Đài bẽ bàng nhìn Bình Nguyên thất thểu vào sân. Diệp Trúc nhìn vào, thấp thoáng có bóng ông bà Vạn Đại trên thềm đang nhìn ra.
Diệp Trúc không biết mình nên buồn hay vui?!
Những gì cô chứng kiến cho thấy Bình Nguyên đang sống trong đau khổ.
Anh ruồng rẫy Trang Đài. Nhưng tại sao lại như vậy? tại sao anh đến với cô ta tạo thêm một hình hài từ cô ta rồi bây giờ chối bỏ cô ta?!
Thật là khó hiểu!?
Sáng chủ nhật Tuân gọi điện thoại tới trước. Được Diệp Trúc đồng ý nên anh đến nhà cô đưa cô qua chỗ Thùy Linh.
Tuân đi thẳng vào nhà, lễ phép chào ba mẹ Diệp Trúc và tự giới thiệu luôn:
– Cháu chào hai bác! Cháu là bạn của Thùy Linh và cũng là phó giám đốc công ty Vĩnh Hưng, nơi Diệp Trúc đang làm việc. Cháu tên Tuân!
Ông Điền niềm nở:
– Vậy à, hân hạnh được biết cậu. Mời cậu ngồi chơi.
Một thanh niên ưu tú ! - bà Hương ngắm Tuân và thầm nhận xét. Bà mừng cho con gái, nếu Tuân đã đến đây tức là cậu ta có cảm tình đặc biệt với Diệp Trúc lắm. Trúc chỉ là nhân viên mới thôi mà ! Nếu được vậy thì tốt quá ! Hy vọng Diệp Trúc sẽ mau chóng quên đi Bình Nguyên.
Bà rất tiếc với chuyện xảy ra nhưng nếu sao sánh ...thì Tuân không thua gì Bình Nguyên. Cao ráo, vui vẻ, lễ phép, có địa vị!
Bà Hương xởi lởi:
– Cậu uống nước nhé ! cậu thích uống gì nào?
Tuân nhã nhặn từ chối:
– Dạ thôi, cháu không dám phiền bác. Cháu cũng vừa uống ở nhà. Cháu đến đây trước là chào hai bác. Sau là xin phép được gặp Diệp Trúc ...chúng cháu đã hẹn nhau đến nhà Thùy Linh.
Ông Điền gật đầu:
– À, nếu đã hẹn thì Diệp Trúc sẽ xuống ngay thôi. Cậu cứ tự nhiên nhé.
Bà Hương vào đem ra một ly nước trái cây.
– Dù sao cậu cũng phải uống một ly nước chứ. Quí hóa quá ! Cậu là phó giám đốc công ty. Tôi xin nhờ cậu. Nhờ cậu quan tâm giúp đỡ Diệp Trúc nhà chúng tôi. Con bé hẳn còn nhiều thiếu sót. .... Nói đến đây bà im bặt. Trước đó bà từng nói một câu tương tự với Bình Nguyên!? Bất giác bà ngước nhìn lên phía thang lầu. Hú hồn! Diệp Trúc vừa mới xuất hiện. Có lẽ Trúc chưa nghe gì. Nếu không nó lại nhớ Bình Nguyên.
Bà cười tươi tỉnh:
– Kia rồi! Diệp Trúc kia rồi. Lát nữa cậu chở dùm nó nhé. Coi vậy chứ nó chạy xe chưa cứng lắm đâu.
Tuân nói:
– Dạ, cháu biết mà bác.
Diệp Trúc vào phòng, hỏi luôn:
– Anh Tuân biết gì?
Tuân đứng lên:
– Bác gái bảo Diệp Trúc chạy xe còn yếu. Anh biết điều đó. Các cô gái sống ở nước ngoài đều như vậy cả. Chạy xe hơi như gió nhưng lên xe hon da thì kém tự tin hẳn đi. Đúng không?
Diệp Trúc gật đầu:
– Cho anh mười điểm! - day qua ba mẹ, cô nói - con đi qua nhà Thùy Linh đây ba mẹ à. Có lẽ về hơi muộn, mẹ đừng để phần cơm cho con.
Nhìn theo con gái, bà Hương nói với ông Điền:
– Em mong sao mọi việc sẽ tốt đẹp với nó.
Ông Điền ngắt ngang:
– Em à, trước mặt Diệp Trúc nhớ phải thận trọng lời nói đó.
– Ý anh là sao? - bà Hương nhíu mày.
– Chuyện tình cảm sau này của nó hãy để nó tự quyết định. Coi vậy chứ vết thương kia chưa lành lặn đâu. Em nên ý tứ đừng làm gợi lại nỗi đau của nó.
Tuân chở Diệp Trúc trên chiếc Nouvo RC 110 của mình. Vừa chạy anh vừa nói:
– Diệp Trúc à, nếu anh xin làm con trai nuôi của ba mẹ em thì anh dám bảo đảm ba mẹ em sẽ đồng ý ngay!
– Dựa vào đâu mà anh tự tin như vậy?
– Vào khả năng của mình!
– Anh tự tin quá sớm!- Diệp Trúc cắt đứt niềm tin nơi Tuân - ba mẹ em sẽ không bao giờ đồng ý vì từ hồi đó tới bây giờ ba mẹ chỉ thích con gái thôi.
– Chà, em làm anh thối chí quá Diệp Trúc à.
– Em nói thật đó. Tốt hơn anh hãy cứ là anh như bây giờ là được rồi anh Tuân ạ.
Tuân im lặng. Không biết Diệp Trúc chỉ vô tình nói câu đó hay cố ý ...Nhưng là thế nào đi nữa thì anh thấy mình nên thận trọng hơn.
Diệp Trúc đập đập vai anh:
– Giảm tốc độ đi anh Tuân. Coi chừng chạy lố qua à. Nhà Thùy Linh có trụ cổng màu đỏ gạch đó!
Tuân giảm ga thắng lại, Diệp Trúc chúi nhủi vào lưng anh. Trong một giây có choáng ngộp. Một bờ lưng vững chãi giống một bờ lưng vững chãi! Nhưng nó không thoảng hương nước hoa sang trọng của đàn ông như ở Bình Nguyên.
Cô ngửi thấy mùi mồ hôi nhè nhẹ, phảng phất từ Tuân! ....
Cô lắc đầu thật mạnh như muốn xua đi dòng cảm xúc bất ngờ ập đến.
Tuân quay lại, hơi lo lo:
– Em chóng mặt hả Diệp Trúc?
Diệp Trúc vội cười khỏa lấp:
– Dạ không, em bình thường mà.
Cô nhìn vào nhà Thùy Linh, Thùy Linh vai đeo túi vải jean bạc thếch dáng điệu ngổ ngáo đang đạp chiếc xe đạp kiểu leo núi ra cổng.
Chiếc xe lọt ra ngoài. Thùy Nhân khép cổng định dấn pedal thì thấy Diệp Trúc. Cậu ta la lên:
Chị Diệp Trúc! Hôm nay tới sớm quá ta! May cho chị đó nghẹ. Hai mươi phút nữa là chị Hai em đi ra ngoài. Mà chị ấy đã đi thì có trời mới biết chị ấy đi đâu!
Đang thao thao Thùy Nhân khựng lại. Cậu liếc nhìn Tuân rồi hạ giọng hỏi Diệp Trúc:
– Ai vậy chị Trúc? Nhìn giống một trợ lý đặc biệt lắm!
Diệp Trúc dí mạnh vào trán cậu ta:
– Trợ lý cái đầu em. Ảnh là anh Tuân, bạn của chị và chị Hai của em đó.
Chào đi.
Thùy Nhân nghiêng đầu:
– Em chào anh Tuân. Giá mà bây giờ em không phải đến lớp học thêm thì em ở nhà tiếp chuyện anh rồi.
– À, lần này không được thì còn lần sau. Chắc chắn anh còn đến nữa mà.
– Vậy hẹn gặp anh lần sau, em đi đây.
Diệp Trúc lẩm bẩm:
đúng là láu cá. Mới nháy mắt đó mà nó đã quên mất mình rồi! Cô vẫy Tuân, ý bảo anh theo mình vào nhà Thùy Linh. Ba mẹ vắng nhà, Thùy Linh vừa giặt đồ xong, đang chuẩn bị ra ngoài thật. Cô ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột của hai người.
Diệp Trúc giải thích ngắn gọn:
– Anh Tuân muốn tham quan phòng tranh của mày đó.
– Vinh hạnh cho tôi quá. Xin mời nhị vị lên!
Thùy Linh đưa hai người lên lầu, vừa đi vừa nói - qua hai lần giới thiệu em bán được một số tranh nên bây giờ còn hơi ít!
“Ít”, của Thùy Linh cũng được mấy chục bức!
Nhìn tới nhìn lui Tuân không thấy bức nào vẽ Diệp Trúc. Anh chợt nảy ra một ý nghịch ngợm nên gọi Thùy Linh:
– Họa sĩ ơi! Họa sĩ chắc vẽ được tranh biếm hoặc hài hước chứ?
– Đương nhiên! Nhưng sao bỗng nhiên anh Tuân lại hỏi em câu này?
– Ấy, dĩ nhiên anh có lý do của anh. Nhưng mà liệu có bảo đảm anh sẽ cười sau khi xem tác phẩm hài do em vẽ không?
Thùy Linh nhìn Diệp Trúc, phàn nàn:
– Mày coi đó, ông khách này làm tao tự ái ghê!
Diệp Trúc khích lệ:
– Tự ái quái gì. Mày chỉ việc trổ tài cho ông ta ngán là đủ rồi.
Thùy Linh dựng giá vẽ, soạn màu và cọ:
– Rồi, em sẽ vẽ tranh hài. Anh Tuân muốn đề tài gì nào?
Tuân huơ tay một vòng:
– Ở đây có hai người khách. Em nhìn mặt Diệp Trúc kìa! Một khuôn mặt đẹp và quyến rũ. Nếu em vẽ mặt cô ấy tếu được thì anh phục.
Diệp Trúc phản đối:
– Không được. Tại sao em lại bị đem ra làm đề thi cho Thùy Linh chứ ?
Thùy Linh không biết ý định của Tuân nhưng cô tự dưng thích đùa phá Diệp Trúc nên phẩy tay:
– Mày đừng lo, tao sẽ đưa anh Tuân vào đề bài luôn. Hết sức công bằng.
Tuân hỏi:
– Chúng tôi có phải ngồi im re làm mẫu không?
– Không. Nhị vị cứ nói chuyện thoải mái.
Tuân đến ngồi gần Diệp Trúc. Hai người đều nóng lòng chờ xem khuôn mặt mình dưới nét cọ hý họa của nữ họa sĩ Thùy Linh.
Cỡ nữa giờ hay lâu hơn một chút, tác phẩm của Thùy Linh hoàn tất. Ngoài tưởng tượng của Tuân. Nhìn mặt Diệp Trúc trong tranh thì không thể nhịn được cười. Lấy chủ đề là Diệp Trúc , Thùy Linh vẽ Diệp Trúc nhăn nhó ngồi nhai nhai cọng lá trúc. Dưới chân cô vương vãi lá trúc. Xa xa phía sau Tuân ẩn sau ánh mắt trời ngoác miệng cười hả hê.
Diệp Trúc giãy nảy:
– Không chịu đâu, tao xấu quá trời vậy nè.
Tuân gật gù ra chiều rất hài lòng. Có thế chứ. Anh sẽ bảo Thùy Linh tặng bức họa cho Diệp Trúc để cô luôn nhìn ngắm và cười với nó, trong nó có anh!