Toa xe Stolypin chen chúc, xe bít bùng ngột thở, khám tạm bồn chồn khó sống, sao bằng vứt bỏ hết ngần ấy giai đoạn để lên toa xe chở súc vật, thẳng đường vào Trại cho rồi. Tù vừa đỡ mệt mà tiện việc nhà nước biết mấy, thằng nào thành án là đưa đi đày một mạch. Đỡ tốn chỗ xe lửa, khỏi cần xe bít bùng đưa đón, đỡ phải tổ chức khám tạm tốn bao nhiêu nhân viên! Bộ máy Cải tạo hẳn nhận ra ngay điều đó nên tù đi đảo tổ chức thành từng đoàn: Đi xe lửa thì từng đoàn dài toa chở súc vật, đi đường thủy từng đoàn tàu. Không có đường hoả xa, đường sông thì đoàn tù lũ lượt đi bộ. (Không lẽ đưa tù đi đày mà phải bắt ngựa, bắt lạc đà lao động?)
Phải nói ngay không gì thuận tiện bằng loại toa xe chở súc vật. Bao nhiêu tù chở cũng hết, một vài chuyến là xong. Cả triệu nông dân từng đi toa súc vật những năm 1929-1931. Lêningrad tản cư cũng xe súc vật. Những năm 1930 trở đi ngày nào từ Mạc Tư Khoa chẳng có một chuyến xe lửa đầy nhóc tù trên những toa súc vật. Những năm 1930 trở đi ngày nào từ Mạc Tư Khoa chẳng có một chuyến xe lửa đầy nhóc trên những toa súc vật chở đi Sovetskaya Gavan, đi Vanino. Chẳng bao lâu nghẹt quần đảo Kolyma! Các tỉnh đều chở thẳng tới Kolyma, dù không đi hàng ngày.
Năm 1941 cũng những toa súc vật dời trọn xứ Cộng hoà sông Volga (thân Đức) sang miền Kazakhstan hoang vu, mở màn cho những đợt di dân tập thể. Kế đó những con cưng của Tổ quốc, cả trai lẫn gái dám xuất ngoại sang Đức, Tiệp, Áo hay mon men gần biên giới là bị quơ lên xe súc vật, tống đi Trại hết, cũng như các đợt bị điều 58 vô trại đặc biệt năm 1949.
Xe Stolypin còn phải theo thời khắc biểu nhà ga. Xe súc vật là khỏi. Miễn có một ông tướng ký tên vô là cho đi đầy nhóc một chuyến, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào. Khỏi cần có
sẵn trại giam! Một chuyến xe lửa chở súc vật dài dằng dặc đi đến đâu là một Trại Cải tạo có thể mọc lên tức khắc, dù giữa rừng sâu, đồng cỏ hay hoang đảo.
Có phải bất cứ toa súc vật nào cũng chở tù được đâu! Ít nhất cũng phải cải sửa lại, nhưng cải sửa đây không phải là vừa chở than chở đá vôi dơ dáy mà phải quét lò than! Tù đi đày đâu cần lò sưởi, nấu ăn dọc đường cho phiền phức? Vả lại chỉ đi trên dưới 1 ngày thì đói lạnh đến mấy cũng dư sức chống cự! Công tác cải sửa chỉ nhằm kiểm soát kỹ từng mánh ván ở nóc toa, sàn toa và hai bên vách toa xem có đủ chắc chắn, kiên cố không. Có lỗ hổng, cây ván yếu là đóng cứng lại, mấy lỗ thủng hơi nhỏ đóng bít hết. Cả toa xe chỉ có quyền có 1 lỗ hổng nho nhỏ đục ở sàn toa để làm
ống cống, có bao lưới sắt và đóng đinh chắc.
Quan trọng nhất là vấn đề canh giữ. Toa nào cũng phải làm chòi canh ở ngoài để lính hộ tống ôm súng máy ngồi gác, phải có mấy bực thang lên nóc, phải có vị trí đặt đèn pha cực mạnh, có điện thường trực. Phải có một mớ gậy dài để gõ gõ nóc tua, gần toa kiểm soát mỗi trạm xe ngừng. Bắt buộc phải có một vài toa xe hành khách đầy đủ tiện nghi cho Sĩ quan An ninh đi theo xe và đoàn hộ tống. Sau khi đã cải sửa chu tất, mỗi toa sự vật kín bưng (bên trong là tù) còn phải vẽ phấn cho rõ ở thành toa:
Dụng Cụ Đặc Biệt hoặc là Cấm Mở. Hàng dễ hư hao.
Xét ra công tác chuẩn bị đoàn xe chỉ là thứ yếu, không quan trọng bằng phương pháp
tống tù lên xe mà cán bộ và lính đi hộ tống phải học tập chu đáo, nhằm 2 mục tiêu rõ rệt:
- Giữ bí mật, không cho dân chúng dòm ngó.
- Khủng bố tối đa tinh thần bọn tù.
Mỗi chuyến xe súc vật chở ít nhất 1 ngàn tù, chia đều 25 toa, nhét người lên tuần tự, cũng lâu chớ đâu phải một toa xe
Stolypin? Vẫn biết ngày nào giờ nào chẳng có người bị bắt nhưng quang cảnh cả ngàn tù bị áp giải lên xe lửa đưa đi đày chẳng đẹp đẽ gì! Năm 1938 ở Orel có một nhà nào không có người bị bắt, trước cửa khám lúc nào chẳng đen nghẹt đàn bà khóc lóc, chờ đợi? Tuy nhiên những cảnh đưa người đi đày rùng rợn không để lọt vào mắt các công dân Xô Viết tự do, nhất là đám thanh thiếu niên hy vọng của tương lai! Do đó, tù ở khám ra ga bắt buộc phải đi đêm, đi bộ từng đoàn lầm lũi.
Dù tổ chức kín tới đâu cũng chẳng thoát khỏi cặp mắt những bà mẹ có con bị bắt, những người vợ lo lắng chờ tin chồng. Chập tối là họ bảo nhau chạy ra ga, thấy chiếc xe nào có vẻ chở tù là áp tới. Họ đến từng toa, hỏi vọng lên: “Có ai tên, không?” hoặc “Toa này có ai tên, không?”. Cứ thế họ chạy len lỏi từ toa đầu đến toa cuối, Thỉnh thoảng từ bên trong toa bít bùng có tiếng reo: “Mình đấy hả? Tôi đây nè” hay “Con đây, con đây má”. Lâu lâu mới có vụ: “Chị, đấy hả? Anh ấy đi chuyến này đó nghe? Ráng tìm ở mấy toa khác coi” hay một giọng ồn ồn cuống quít: “Tôi là... đây! Vợ tôi thế nào cũng ra ga đón bữa nay. Cô bác làm ơn kêu nó giùm”.
Hoạt cảnh trên giờ đây đâu còn nữa? Không thể chấp nhận được, nên có lệnh tổ chức nghiêm ngặt này. Mỗi chuyến xe chở tù ở ga nào là phải có một hàng rào chó bẹc-giê vây quanh. Muốn luồn lọt tới gần toa xe không sao thoát.
Cho dù lên xe ban đêm còn có lợi là sử dụng được ép phê khủng bố của đèn pha. Đám tù ngồi ngay hàng, run rẩy luôn luôn bị đèn pha chiếu tới kiểm soát. Có tiếng hô là đứng bật dậy, luồng pha đèn rọi tới đúng chỗ. “Năm thằng hàng đầu đứng lên. Nào, chạy ra xe”. Luồng ánh sáng chói chang dõi theo, sáng trưng như trên sân khấu cùng làm 5 thằng tù chạy cuống quít, bước thấp bước cao đụng nhau, chỉ sợ té. Đâu có thời gian ngó quanh, suy nghĩ? Vấp té là có chầu đèn pha tốp lại, bao nhiêu cái miệng la lối, bao nhiêu mõm chó trận nhau nhau rồi gót giày, báng súng sẽ giáng xuống như mưa! Sự thực đâu phải vì sợ chậm trễ hết giờ mà lính hộ tống bắt tù phải chạy như ma đuổi (bắt tập họp ngồi cũng đủ, đâu phải ngồi bệt xuống đất, hay bắt quỳ gối xếp hàng như ở khám Orel?). Cũng như đèn pha, chó bẹc-giê, mũi súng chĩa lăm lăm, hối thúc chỉ là một mánh lới đặc biệt hữu hiệu của kỹ thuật khủng bố và kiểm soát tù. Xét về tâm lý thì thằng tù lúc nào cũng phải đặt trong tình trạng phải tuân lệnh, hối hả cắm đầu tuân lệnh (không chỉ có răng chó và báng súng) đến độ lúc nào cũng hốt hoảng, không dám nghĩ đến đào tẩu. Tù bị hối thúc khủng bố liên miên ắt sẽ nhận không ra nổi hay quên bẵng mất một lần di chuyển là một cơ hội tốt để chạy trốn. Ít ra vách xe, sàn xe cũng còn dễ thoát hơn mấy lần vách đá nhà giam chớ?
Đề phòng bị tù chạy bậy, khám đường còn được lệnh trước khi cho tù ra ga lên xe đi đày còn phải kiếm đủ mọi cách quần cho chúng đừ người, chỉ còn vừa đủ sức để ngồi nghỉ trước khi “Năm thằng hàng đầu đứng dậy!”. Lên xe ban đêm nhưng ngay từ sáng sớm tù đã bị kêu điểm danh tập hợp ở một khu riêng. Suốt ngày hôm đó liên miên những thủ tục cưỡng bách. Bao nhiêu lần kêu tên, đếm đầu, sắp hàng? Hớt tóc tắm gội tập thể. Quần áo cho lên lò rang khô. Mệt mỏi nhất là nạn xét người, xét hành lý. Dĩ nhiên nhân viên khám đường trước khi cho tù tập hợp điểm danh đi đày đã khám xét quá kỹ rồi, nhưng đợt khám xét của lính hộ tống mới đáng kể. Họ chịu trách nhiệm khi đi đường, họ phải dành quyền khám xét tối hậu để phòng ngừa mọi bất trắc chớ? Về vụ này đã có thể thức và chỉ thị của nhà binh rõ rệt.
Tù đi đày không có quyền giữ bất cứ một món gì có thể sử dụng vào việc đào thoát – vật sắt bén có thể cưa cắt được là tịch thu. Những chất bột rời rạc như bột, đường, cà phê, muối, trà, thuốc lá cũng tịch thu hết. “Để tụi bay thình lình thảy vào mắt lính hộ tống, rồi nhảy chắc?”. Bất cứ một vật dụng gì có chiều dài như dây thừng, dây cột đồ, vải rút, dây lưng có thể dùng để “vượt ngục” cũng tịch thu luôn. (Lệnh tịch thu quái ác này không chừa cả sợi dây da cột chiếc
chân giả của một thằng tù làm nó phải cởi chân ra, vác chân lên vai và di chuyển bằng cách lò cò nhảy từng bước, với thằng bạn đi bên ghé vai đỡ! (Hơn nữa, tất cả những đồ vậy
quý giá chẳng hạn như chiếc va-li cũng bị củ soát kỹ. Không được xách theo người mà phải nạp trình để tập trung vào một chỗ, đến nơi trả lại.)
Chỉ thị Trung ương dù sao cũng là lý thuyết. Thực tế là các toán hộ tống Vologda hay Kuibyshev có toàn quyền sinh sát với tù nên mới có
mục tiêu thứ 3 trong công tác đưa tù lên xe súc vật, được hiểu ngầm là “tài sản của bọn phản động, phản Cách mạng là tài sản chung của nhân dân xứng đáng (như giám thị, lính hộ tống) có quyền chia chác.
Đó là một điều không cần phải nói ra vì thân phận thằng tù sinh mạng giữa không xong thì sao giữ nổi chút đỉnh tài sản dính theo người? Chống cự sao nổi chính những người có quyền hành hạ, bắt ngồi bắt quỳ hay lột trần truồng? Một khi bị lột truồng ra rồi thì thằng tù dĩ nhiên phải thuộc vào một giai cấp khác, ở dưới hẳn giai cấp đang mặc quần áo, sai bảo, nộ nạt, hành hạ nó.
Thông thường lính hộ tống xét tù theo thể thức sau đây, áp dụng ở khám Kuibyshev mùa hè năm 1949. Đám tù cởi trần truồng ngồi bệt thành hàng lối, lính chĩa súng quay chung quanh. Gọi tên thằng nào thì thằng ấy đứng dậy, tay xách quần áo, tay xách đồ. Lính hộ tống luôn miệng nộ nạt, xô đẩy, hối thúc, nghĩa là rõ ràng
làm dữ xử mạnh, tuyệt không có cử chỉ lời nói bình thường để thằng tù hốt hoảng, sợ hải tưởng đâu sắp bị dẫn đi xử bắn chớ không phải đi đày! Bản thân bị dày vò, vùi dập thì còn tiếc gì mấy món đồ riêng? Gói bị mở banh, va-li quăng quật và dốc ngược lên cho tất cả những vật bên trong tung tóe ra đất. Những thứ vặt vãnh như ví da, hộp thuốc, bị quăng ngay vào một cái thùng rỗng (không biên nhận, không ghi dấu cá nhân và quăng bừa vào một chỗ hở hang – không két sắt, không hộc tủ – như điệu này thì dĩ nhiên chẳng có vấn đề trả lại! Dĩ nhiên khi nạp thằng tù nào chẳng biết trước vậy?).
Mớ quần áo được rờ nắn kỹ sau đó và khi xét xong thì thằng tù trần truồng chỉ còn nước quơ vội những manh quần tấm áo vứt bừa bãi, túm gọn vào một bó. Có tấm mền bọc lại thì gọn quá! Còn đôi bốt lên bên trong hả? Để lại đi, quăng vào đống cạc táp, va-li da và ký tên vô sổ lẹ lẹ (quái gở ở chỗ nạp đôi bốt
không được cấp biên nhận (sau này xuất trình lấy lại!) còn
phải ký tên vô tờ khai là đã nạp rồi).
Chập tối trước khi tù được áp giải ra ga mới khỏi sự chia chác tiếng phản động: Ưu tiên là lính hộ tống mỗi ông lựa vài món. Cặp da, bốt da, hộp thuốc lá được chiếu cố trước. Rồi đến lượt các thầy chú giám thị. Thậm chí đến
Công vụ và mấy người anh em cũng có phần chia kia mà.
*
Muốn được lên toa súc vật là phải qua ngần ấy thể thức và, mất mát. Đặt chân lên sàn xe là nhẹ hẳn người, dù biết rằng sắp chịu đói chịu rét lại sắp phải mắc kẹt giữa các đồng chí hộ tống và những người
anh em kên kên. Bộ xe chở súc vật cũng có kên kên lẫn lộn. Sao không? Đó là truyền thống. Họ chiếm chỗ nào còn biết trước nữa! Mùa hè gần chỗ cửa thông hơi và trọn ngăn trên, nếu có. Mùa đông nếu may mắn có cái lò than thì chắc chắn mấy
người anh em sẽ vây quanh lò.
Ông bạn
dân chơi Minayev từng thổ lộ trong lá thư gởi về toà báo
Literaturnaya Gazetta cho tôi đề ngày 29 tháng 11 năm 1963 đại khái như sau. Năm 1949 trời lạnh quá, đi từ khám Voronezh tới trại Kotlas mất mấy ngày liền mà cả toa xe chỉ được phát 3 thùng than. Dân chơi chiếm trọn lò than còn lạnh quá, thấy thằng chính trị nào có tấm áo lạnh còn tốt là lột và lột đến cả mấy đôi vớ không tha. Phát thức ăn dĩ nhiên
người anh em lãnh phát nên cho cái gì được cái nấy. Chỉ bánh khô, cá khô là nhường cho chính trị chia nhau (họ chán chê mấy món này!), còn cháo nóng súp nóng
không cho phép rớ tới. Phản đối, khiếu nại làm gì, khi sự bóc lột, cưỡng đoạt có thể diễn ra trắng trợn như trường hợp ông bạn người Estonia có
một chiếc răng vàng còn bị vài người anh em đè ngửa ra sàn xe. Không sẵn kềm nhổ thì ghè bật ra bằng búa!
Những chuyến đi xa không gì sung sướng cho bằng được lính hộ tống phát đồ ăn nóng tận toa, dù chỉ là cháo. Cả đoàn xe chở rặt tù nên trưởng xa có quyền tới chỗ hẻo lánh ra lệnh tốp để phát cháo. Chỉ phiền phức nước uống quá hiếm, lấy đâu ra nước rửa? Sẵn thùng than đấy, đổ đại cháo vô: Những thằng bao chót sẽ nuốt cháo và than lẫn lộn. Bù lại với số tô nhà nước phát không đủ (thông thường 1 toa xe 40 mạng chỉ có 25 tô là nhiều) thì những thằng bao chót có hy vọng phần cháo nhiều hơn, đặc hơn chút đỉnh. Lãnh đợt đầu chắc chắn cháo hay súp ngũ cốc cũng phải loãng hơn, dù có kêu nài: “Quậy lên cho đều giùm!”. Cũng ít hơn vì, lỡ xúc quá tay thiếu phần những người ăn sau thì sao? Có điều lãnh trước hay lãnh sau cũng phải nhắm mắt lùa cho lẹ vì vừa cầm tô cháo lên đã bị hối thúc tíu tít: “Lẹ lẹ cho rồi! Còn trên 20 toa xe, chớ hầu hạ riêng mấy người mà rề rề?”.
Đi xe súc vật thì ăn thiếu, nước uống hạn chế mà có chết cóng hay bị lột trần cũng thây kệ. May ra ban ngày gật gù ngủ đỡ được một vài chập: Lính ngồi đầy nóc toa, chòi canh nhìn lại phía sau thì không lẽ phá vách nhảy ngang được hay đục sàn chui xuống đường sắt? Đêm đến là khổ vì nạn củ soát. Thỉnh thoảng trưởng xa cho lệnh tốp, bật pha sáng trưng để lính vác gậy đi từng toa, gõ rầm rầm trên nóc, gầm sàn, vách toa coi có chỗ nào đang bị cưa lên không. Xen kẽ là những vụ xét phía trong toa và đếm đầu đặc biệt. Cửa toa bật mở thình lình, đèn pha rọi vô. Toán lính xách đèn dí sát vào những chỗ “khả nghi”, mấy bọc đồ nhét ở thành xe bị hất văng đi. Toa xe được chia hai. Theo khẩu lệnh “Dồn một bên” tù phải dồn nhấp nháy sang một bên để củ soát bên trống, và ngược lại. Ngái ngủ chậm chân là bị sút bằng bốt da! Tiếp đó mới đếm đầu. Một, hai, ba, toán củ soát đêm có lệ
đếm bằng gậy. Thay vì lệnh miệng, mỗi cây gậy vụt xuống hay tạt ngang trúng thằng tù nào là “đếm” xong thằng đó, phải nhảy tạt qua bên trống cho nhanh, nếu không muốn bị “đếm” thêm, bất kể đầu mình hay chân tay. Chừng đếm hết 40 mạng, đèn pha rọi tua chót không còn gì khả nghi nữa thì cửa sắt đóng rầm rầm. Toán củ soát bước sang toa bên là có quyền ngủ tiếp, cho tới lần sau xe ngưng thình lình và tù bị dựng dậy in hệt!
(Xét cho cùng lính hộ tống có củ soát tàn nhẫn vậy cũng chẳng phải thừa. Tù chính trị đào tẩu đâu chưa thấy nhưng vách toa cưa sẵn lâu lâu vẫn phát giác còn vi phạm luật hộ tống thì quá thường, chẳng hạn như giấu giếm vũ khí bén nhọn. Dù cố tình lờ đi cũng chịu không nổi: mới tối hôm trước năm ba thằng dân chơi còn râu ria xồm xoàm sáng hôm sau đứa nào cũng mày râu nhẵn nhụi! Vậy là ít chúng cũng dấu vài con dao cạo râu, thứ cấm kỹ nhất của nhà tù. Bắt buộc phải đếm đầu bằng gậy, lục soát đến bằng lòi ra tang vật. Cưỡng bách nạp thì nạp, có sao đâu?)
*
Đi toa xe súc vật còn khác bất cứ chuyến xe lửa đường trường nào ở điểm chỉ biết có lên xe, còn lúc nào xuống, xuống ở đâu thì kể như mù tịt. Không biết có xuống nổi không là thường! Như chuyến xe lửa chở đầy nhóc tù từ các khám Lêningrad tới trại Solikamsk năm 1942. Lúc có lệnh xuống xe có thấy toa nào cục cựa? Mở cửa toa mới giật mình hãi hùng: Những xác chết khô đét nằm còng queo đầy sàn, nhiều hơn người sống! Chừng khuân xuống xếp đầy nghẹt một sân ga xác tù chết khô. Những năm 1944-1945-1946 về mùa Đông có những chuyến xe tù từ những vùng mới “giải phóng” ngược đường về Bắc. Dân làm Hoả xa hay sinh sống gần nhà ga còn lạ gì: Chuyến xe nào chẳng dành riêng 1, 2 toa sau cùng để chất xác? Các toa trên phát giác ra xác nào là đợi đến trạm ngừng dồn cả xuống “toa đặc biệt”. Xe lửa chạy đường trường, dù mưa lạnh cũng không thể để người sống nằm chung với xác chết! Lâu lâu mới có nạn người sống người chết lẫn lộn, khó phân biệt. Phải đợi đến lúc mở cửa toa ra, thằng nào không động đậy mới chắc chắn chết rồi.
Không gì kinh hoàng cho bằng phải đi đày giữa mùa Đông giá rét. Nhà nước chỉ sợ
mất tù chớ ăn nhằm gì những thằng
tù chết cóng? Lính đi hộ tống là để canh giữ, khủng bố cho tù khỏi trốn, chớ đâu phải để xúc than, khiêng than phân phối cho 25 cái lò? Do đó tù thiếu than sưởi chết lạnh quá dễ! Ngược lại mùa hè là chui đầu vào lò, một cái lò sắt có 4 lỗ thông hơi thì bít hết 2, để chịu đựng hơi nóng nung nấu và rên rỉ vì thiếu nước uống. Mùa Đông thiếu than dễ chết cóng thế nào thì mùa Hè cũng dám khát nước gần chết như vậy, rút cục cũng khổ sở như nhau.
Tương đối chỉ đi về tháng 4 và tháng 9 còn đỡ khổ. Tuy nhiên nếu đoàn xe lửa lết cà rịch cà tang cỡ 3 tháng mới xong chuyến, như đi từ Lêningrad sang Hải Sâm Uy năm 1939 thì hết lựa chọn! Những công voa tù đường trường còn thêm nạn
học tập chính trị dọc đường điên đầu. Lính hộ tống phải nhồi sọ để giữ vững lập trường tư tưởng đã đành, chính những thằng tù đi đày vẫn phải “theo dõi” thường xuyên. Phụ trách việc học tập là Bố Già tức cán bộ An ninh ngồi toa xe riêng. Chính
Bố Già lãnh trách nhiệm phân phối tù từng toa, cắt đặt “trưởng phòng” chính thức và gài ngầm mật báo viên để làm tai mắt cho An ninh ở mỗi toa.
Dọc đường Sĩ quan An ninh sẽ triệu tập “trưởng phòng” và chỉ điểm viên đến toa riêng để cho chỉ thị và thu thấp báo cáo mật. Mỗi chuyến xe là phải có một vài hồ sơ kết thúc. Có tư tưởng lạ, chống đối là bị đưa xuống toa an ninh khai thác gấp và đến nơi chắc chắn sẽ lãnh thêm ít năm trong bản án đi đày.
Đi công voa súc vật cực khổ là thế – cực khổ đến suốt đời khó quên – nhưng vẫn còn được đi một mạch, đỡ phải chờ chực hay đổi xe đổi tàu. Miễn là đi một mạch. Miễn tới được là mừng, tâm lý chung mấy người đi đày là vậy. Làm như ở trại Cải tạo Sĩ quan An ninh nhiều hơn, điểm chỉ viên tử tế hơn và , tuyết cũng đỡ lạnh hơn ở học đường. Tới Trại là đỡ phải đi nữa.
(Phải đi nữa thì chắc chết! Đi nữa là , đi sâu thêm vào những vùng hoang vu, đi thứ xe cổ lỗ chạy đường sắt nhỏ hay những toa hàng hoá không mui, không vách. Ngồi sàn xe trống trơn như vậy, tù dễ trốn quá nên lính hộ tống càng có quyền canh gác gắt gao: tất cả phải nằm thu vào một đống, lấy tấm vải bạt lớn trùm kín lên! Nghẹt thở lắm nhưng có vải bạt trùm còn hơn ngồi trơ vơ trên sàn xe, đầu đội trời suốt một ngày như bọn Olenyev. Mặc cho tuyết tháng 10 sa xuống lạnh ngắt, cả bọn ngồi sát vào nhau đợi đầu máy kéo đi! Đầu máy không thấy chỉ có mưa xuống. Nước mưa thấm vào áo quần ít lâu và lạnh đóng băng cứng luôn.
Ở những đoạn đường sắt hiểm trở bắt buộc phải có những toa có đóng vách gô sơ sài. Xe lửa cố bò chậm lặc lè còn lắc lư, lảo đảo và thỉnh thoảng giật tung người. Vách xe bắt đầu rên kẽo kẹt, những khúc quanh gắt xe lắc mạnh và tù bị hất văng xuống đường rầy dễ như chơi!
Từ Dudinka đi vô các mỏ cỡ 100 cây số là thấy địa ngục. Vậy mà người anh em
blatnye vẫn sung sướng như thường: Họ tranh chui hết vào giữa toa, tha hồ lấy hơi của mấy thằng chính trị bao quanh sưởi ấm lại khỏi sợ lọt đường rầy oan! Khổ nhất là lúc xuống xe. Nhìn quanh chỉ thấy trắng xoá những tuyết (1939). Nhà cửa có đâu? Có mấy cái hang, lỗ vừa đục trong sườn núi tuyết thì bọn đến trước đã chiếm sạch. Khỏi phải đào hàng mất công. Hãy cất lều vải ở đỡ. Đi đày Bắc cực là phải làm mỏ kia mà?)
Ôi thảm thương cho những thằng đi đày Yertsovo tháng Hai 1938. Nửa đêm có lệnh xuống xe, mấy đống lửa đốt lên ở ven đường sắt. Đếm đầu tập họp rồi đếm đầu nữa! Giữa bãi tuyết mênh mông thời khoá biểu tụt xuống
32 độ dưới số không. Công voa này toàn những thằng ở Donbas chở lên, phần đông bị tống giam lúc mùa hè nên quần áo mong manh, giày vớ thiếu thốn. Có thằng đi dép và mặc đồ nghỉ mát! Thấy lửa là mừng quá, toan bu tới sưởi nhưng lính gác đuổi lập tức. Đốt lửa để lấy ánh sáng kiểm soát cho dễ chớ đâu phải để mấy thằng phản động sưởi ấm?
Giữa đêm lạnh, đồng trống, 32 độ dưới không độ thì mấy ngón tay chịu sao nổi? Chúng cứng ngắc, mất cảm giác tức khắc. Tuyết chui vào giày và nằm nguyên chỗ,
không chịu tan. Khẩu lệnh phát ra nghiêm khắc: “Nghe đây. Vào hàng cấp kỳ. Đi lệch sang phải sang trái một bước là bắn bỏ, không cảnh cáo. Đi thẳng tới!”
Đoàn công voa người chầm chậm chuyển động. Mấy con bẹc-giê trận lồng lên như muốn bứt xích. Dẫn đầu là mấy ông hộ tống mặc áo da cừu kín bưng. Đám tù phong phanh áo mùa hè, cắm cúi bước trên cánh đồng ngập tuyết, giữa đêm đen tuyệt không chút ánh sáng. Mấy cây phong khô khốc đứng sững, gió thổi lúc nào cũng có thể gãy. Những bước chân lún sâu vào tuyết, mỗi lần nhắc lên là cả một khó khăn vì xương cốt, bắp thịt gần như chết cóng, không chịu tuân lệnh. Mới tới đã vậy còn lao động ngoài mỏ thì sống sót sao nổi?
Tháng Giêng năm 1945: Hồng quân giải phóng thủ đô Ba Lan. Hồng quân cắt ngang Đống Phổ! Ở tuốt vùng Pechora, tù đi đày xuống công voa chỉ thấy mênh mông một màu tuyết trắng. Xế chiều rồi. Ngồi sụp xuống ven đường rầy, thành hàng 6 người một điểm danh, đếm đi đếm lại. Đồng tuyết Bắc cực khỏi có đường đi, kể cả đường tắt. Đoàn tù phải băng đồng, vượt 6, 7 cây số vất vả. Xưa nay có ai đặt chân đến đây? Đa số tù gốc Moldavia yếu chịu lạnh, chỉ đi giày da là cùng, lội lóp ngóp giữa đồng tuyết. Chậm chân một chút là bị đàn chó bẹc-giê đoạn hậu táp vào đít vào gót chân và vào gáy. Chó trận có huấn luyện mà. Hàng tù đi chót hết cuống cuồng té xiêu vẹo, thảm hại nhất là linh mục trẻ Viktor Shipovalnikov đã bết còn phải ghé vai đỡ đàn anh tóc bạc Fyodor Florya!
Bước thấp bước cao đi mãi cũng phải đến. Đến Trại là có chầu tắm nước nóng: Cởi quần áo ở một ca-bin, chạy tồng ngồng một khoảng sân tuyết mới được tắm ở ca-bin kế lên. Tắm xong là trời sập tối mới hay tin động trời: Trại vừa lập, chưa đủ chỗ chứa. Không thể nhét thêm mạng nào! Không thể đội trời đạp tuyết suốt đêm đành phải tập họp bù lại, bắt ngồi sắp hàng 6, đếm đầu vài lần và ra lệnh về công voa ngủ đỡ! Lại mò mẫm, dắt díu nhau lội 7 ca bãi tuyết trong bóng đêm. Tới công voa, trèo lên xe là kiệt sức. Cửa mở banh, than sưởi hết nhẵn đoàn tù co ro ngồi áp nhau chịu cóng qua đêm. Sáng dậy phát bánh khô cá khô, muốn uống nước thì vốc tuyết cạp, rồi lếch thếch vô Trại.
Cũng may có sẵn một Trại. Không đủ chỗ thì cất thêm ít căn nhân công quá thừa chỉ một ngày….
Đi công voa chở súc vật còn dám kẹt cảnh xuống xe giữa đồng trống mênh mông, một miền Taiga chưa hề thấy dấu chân người. Tận cùng của đường rầy có thể là khởi điểm của một trại Cải tạo mới toanh. Chỉ cần một tấm bằng gỗ đóng lên một gốc cây phong, mang 3 chữ tắt OLP là đủ.
[1] Một tuần lễ bánh khô, cá khô, trộn bột với mấy cụm tuyết là hình thành xong cơ sở gốc.
Trại Cải tạo mọc lên nhanh và bắt rễ nhanh lắm: Chỉ 2 tuần lễ là tổ chức đâu ra đấy, có bếp nấu đồ ăn nóng, nếu không bát đĩa cũng có một chậu lớn chung cho một tổ 6 người. Chưa bàn ghế nên giờ ăn tổ có lệ đóng vây quanh chậu rồi chia phiên ra: 2 người bưng chậu 1 tay và bốc đồ ăn 1 tay, chỉ 4 người có quyền sử dụng cả 2 tay.
Thông lệ tù mới tới sẽ được chia toán gấp. Bao giờ toán trưởng cũng phải là một dân kỳ cựu để cầm đầu toán mới ép vào kỷ luật, chỉ bảo mánh lới và bóc lột luôn thể! Việc lập toán không thể trì hoãn vì ngay sáng hôm sau đã phải công tác lao động. Hồi chuồng Cải tạo gióng lên là bắt tay vào việc cấp kỳ vì Chuông không chờ đợi ai. Đây là chế độ Xô Viết mới, tù đi Cải tạo yếu tố thời gian là quý, chớ chẳng phải ngục khổ sai đầy ải con người như Akutui dưới thời Nga hoàng mà tù mới đến phải được nghỉ ngơi 3 ngày rồi mới cắt cử công việc (như đã ghi trong Hồi ký của tù già Yukabovich!).
*
Như đã nói trại Cải tạo mọc nhanh, bắt rễ nhanh lắm nên quần đảo mỗi ngày một phồn thịnh, mỗi ngày mỗi đặt nhiều thiết lộ mới ở nhiều nơi mới đây chở tù đến còn phải dùng đường thủy, trên những giang thuyền cổ lỗ đặc biệt Nga. Loại thuyền này chở được đến 100 người, tù phải ra sức chèo lấy. Cũng có trường hợp đi thuyền chài. Đặc biệt hơn cả là những chiếc thuyền lớn kiểu xà lan phẳng đáy, chở tù đến Vorkutlag hay Ust-Usa. Dân quần đảo kỳ cựu làm sao quên nổi những
xà lan chấy, rận nhung nhúc như dòi này? Rận chấy phá đến nỗi bò lổm ngổm đầy thuyền, lính hộ tống phải cho tù đi từng mạng lên trên mui chải, rũ chúng xuống sông! Có những chuyến chở tù không đi đâu xa mà loanh quanh mất đến 10 ngày, vì xà lan đâu phải chỉ sử dụng duy nhất vào việc đưa tù đi đày? Ghé bên này, nằm đợi bến khác chán chê vì nơi đây cũng đặt cả hệ thống khám tạm nho nhỏ dựng trên nhà sàn hay căng lều sát bờ sông. Phải đi vòng vo, lâu lắt các toán hộ tống mới đủ thời giờ và điều kiện lột những thằng
Zek!
Dân sinh sống ở 3 dòng Dvina, Ob và Yenisei làm sao quên những công voa xà lan đầy nhóc tù – nhộn nhịp nhất là đợt thanh trừng
Kulak. Ba dòng sông cùng chảy ngược lên biển Bắc, phải có những xà lan khổng lồ đi thành công voa mới chuyên chở kịp cả rừng người đi Cải tạo! Tù nằm dưới lòng xà lan chen chúc như cua cá xếp lớp. Lòng xà lan sâu như giếng, có sức chở tối đa. Lính gác ngồi tuốt trên “lồng cu” chĩa súng xuống. Có xà lan lộ thiên, thỉnh thoảng mới có chiếc được phủ tấm bạt khổng lồ. Để che cho khuất, để chắn cho tù khỏi trốn chớ chẳng phải che mưa che nắng, vì đã bị liệng xà ngầu xuống lòng xà lan là phải chịu thân phận ngoi ngóp, lúc nhúc của mớ cá mớ cua. Ngay ân sủng cũng vứt xuống cái gì thì chia nhau cái đó, không có thì đành chịu.
Kulak mà. Khi di chuyển đã vậy, ngay trong trại cũng không có vấn đề dự trữ thực phẩm cho bọn phản động. Giữa miền Taiga hoang vu phải ráng xoay sở lấy bằng cách
tranh sống với thiên nhiên! Khỏi nói đợt đi đày
Kulak chỉ là một hình thức tiêu diệt dần dà, có hệ thống.
Cho đến 1940 vẫn còn những công voa xà lan trên sông Dvina (mạn Bắc) và sông Vychegda, theo lời nhân chứng Olenyev. Dưới lòng cà lan tù thì đủ chỗ đứng mà không phải chỉ đi một vài ngày. Đi đái đã có những bồn nhỏ chuyền tay nhau và trút qua mấy lỗ thông hơi xuống sông, nhưng đi cầu thì không có cách nào khác hơn là bậy ra đũng quần!
Trên sông Yenisei việc chở tù bằng công voa xà lan tiến hành thường xuyên trong mấy chục năm liền. Vì vậy khám Krasnoyarsk mãi đến thập niên 1930 còn những bến tàu lộ thiên ở ven sông để tập trung tù nhân chở tàu. Thời gian chờ tàu chỉ mất 1, 2 ngày nhưng thời tiết Tây Bá Lợi Á độc địa chết người chớ không dễ dàng như năm 1897 Lênin xuống tàu đi
St Nicholas đi đày! Kiểu xà lan chở tù phổ thông nhất trên sông Yenisei là thứ sâu thăm thẳm 3 tầng với một cầu thang sắt là chỗ lên xuống và lấy ánh sáng duy nhất. Lính hộ tống chia nhau 1 ca-bin nhỏ ở trên boong và thông thường chỉ đi lại bên trên canh gác, miễn sao tù không lao đầu xuống sông trốn là được. Họ không cần biết những gì xảy ra ở 3 tầng dưới nên chẳng tội vạ gì lần mò xuống cho dơ dáy người, dù có người rên la gần chết. (Có tủ thuốc cứu thương để cấp cứu dọc đường đâu.)
Hai đợt 1937-1938 và 1944-1945 xà lan tù hoạt động nhiều nhất. Dù chia 3 tầng nhưng chẳng sàn nào có quyền đốt đèn, hoàn toàn trông vào lỗ hổng cầu thang sắt và mấy lỗ thông hơi nho nhỏ ở bên vách. Nếu đủ chỗ thì tù chia nhau nằm thành hai hàng ngang, đầu quay vào vách xà lim chừa lối đi nhỏ ở giữa 2 rừng chân cẳng. Mỗi sàn có một thùng cầu duy nhất đặt ở cuối phòng. (Vậy đã là văn minh chán!). Muốn đi là phải lên lỏi giữa hai hàng chân. Khổ sở nhất là những lúc cầu đầy ắp phải khiêng lên boong trút xuống sông bằng ngả cầu thang duy nhất. Khỏi nói là không có cách nào ngăn ngừa phân văng tùm lum, dính lép nhép và ngập ngụa từ sàn trên tha hồ chảy xuống sàn dưới (phần vì làm biếng, phần vì khiêng lên xuống quá khó khăn nên cầu chỉ được đổ khi không chịu đựng thêm nổi!).
Khiêng cơm khiêng cháo xuống cũng chỉ một ngả cầu thang này. Phân đổ ra sàn người nằm ráng chịu cũng quen nhưng mỗi sàn một thùng cháo hay súp chia nhau không thể chấp nhận rơi vãi. Do đó chỉ lúc mấy thằng bạn ẩm thực lo thả thùng xuống mới được quyền sử dụng ánh đèn. Giờ đây có thể có đèn điện, những năm đó chỉ có cây đèn
Bat dầu hôi xách tay le lói ánh sáng.
Di chuyển tù bằng xà lan dĩ nhiên được nhiều và thuận tiện nhưng không thể nhanh được. Đi Dudinka dám mất trọn 1 tháng như không (bây giờ chỉ 1 tuần). Nào gặp bãi cát, nào nước lớn nước ròng, biết bao nhiêu trở ngại sông nước không thể dự phòng? Chậm trễ chỉ chết thằng tù vì hành trình trễ một ngày là khẩu phần cúp 1 ngày. Nhiều chuyến tù bị nhịn ngang năm ba ngày thông!
Nhưng dĩ nhiên những thằng tù đói chẳng phải anh em
blatnye. Tôi không nói ra nhưng bạn đọc thông minh hẳn biết trước, xà lan cũng đầy dẫy kên kên vậy, chuyến nào chẳng có? Dĩ nhiên chỗ thường lệ của họ phải là sàn trên cùng, ở sát chỗ cầu thang sắt để hưởng ưu tiên ánh sáng, khí trời và đặc quyền ghê gớm là phân chia thực phẩm. Có thiếu bánh phát đến mấy bữa dân chơi cũng chẳng vì vậy chịu nhịn đói bao giờ! Đi xà lan chậm rề rề, buồn bực biết mấy, nên để đốt thì giờ các người anh em ưa giở mấy cỗ bài ra tiêu khiển. Họ quây quần đánh bài cho đỡ buồn, không có bài sẵn thì chế tạo ra vài ba cỗ cũng dễ dàng.
Blatnye mà. Đó là một sự kiện mà Shalamov tả vô cùng linh hoạt trong thiên hồi ký
Vài nét phóng hoạ về giới giang hồ.
Đừng hỏi người anh em lấy tiền đâu ra đánh bài tiêu khiển! Có đồ là có cách bán có tiền, mà đồ thì 3 sàn tàu thiếu gì mòng. Có mòng thì kể như dân chơi có quyền lột công khai. Được bao nhiêu đồ đã có lính hộ tống phụ trách “tiêu thụ” mỗi lần xà lim ghé ngang một bến. Chớ còn ai làm công việc này nỗi, tù đâu có quyền lên bờ? Chỉ có một cách này người anh em mới có quyền tụ họp nhau để giải trí ngày này sang ngày khác. Thua qua, ăn lại cũng chỉ bấy nhiêu tiền, giữa bọn họ với nhau.
Nhưng không lẽ con mòng lúc nào cũng xuôi tay chịu chấp nhận lột? Họ cũng chống đối lại chớ. Vụ chống đối đáng kể nhất đã xảy ra trong chiếc xà lan lớn, thứ xà lan đi biển, giữa khoảng đường từ Hải Sâm Uy ngược ra Sakhalin.
Điều đáng kể nhất là 7 thằng chính trị trong tay không có 1 tấc sắt nhưng nhất định không chịu thua kên kên, dù chuyến này họ không dưới 80 thằng mặt rằn!
Với ngần ấy mặt rằn thì con mòng cả xà lan đã phải nạp đồ ngay từ khi tàu chưa rời bên, nghĩa là xà lan còn đậu trong kho số 3/10 cảng Hải Sâm Uy. Dân chơi đã phân công lột nhẵn nhụi
tất cả những gì lột được. Dĩ nhiên kỹ thuật khám xét của họ còn cao hơn thầy chú một bậc vì sinh hoạt cùng một chỗ với nhau. Khó giấu giếm lắm nhưng thực tế là có xét là phải có cách nào
lục lọi ra bằng hết! Biết vậy nên họ phải đợi tàu chạy đã, thỉnh thoảng sẽ có kế hoạch buộc phải lòi ra.
Thế rồi có giọng rao: “Có thuốc rê ngon đấy nghe? Bà con ai có tiền có quyền bỏ ra”. Con mòng Grachev rơi vào bẫy cấp kỳ. Moi mãi trong cùng chiếc gi-lê nhồi bông mới lòi ra 3 đồng rúp! Người anh em Tatarin vừa thấy 3 đồng bạc là xông tới nạt nộ tính cướp:
“ĐM, thằng này! Tiền đóng thuế nói không có. Bây giờ nghe thuốc rê mới chịu lòi ra. Đưa đây mày!”
Có kẻ đứng bên chặn hắn lại. Đó là Trung sĩ 1 Pavel. Như thường lệ Tatarin đưa 2 ngón tay ra, doạ làm chữ “V” nghĩa là móc mắt thằng cứng đầu nhưng bị Pavel cho đo ván tức thời. Hai ba chục dân chơi bèn nhảy xổ tới can thiệp, tính đập hội đồng, trừng trị thằng chó chết có tiền và thằng trung sĩ muốn làm anh hùng. Nhưng ngay sau đó Grachev và Pavel chịu đầu hàng. Cứ đánh. Lập tức bên “chính trị” có thêm 5 thằng nữa nhào vô. Biết chúng đông hơn và thằng có dấu dao nhưng nhóm 7 thằng nhất định chống cự. Tưởng sao! Mới trao đổi ít đòn quần đảo là cả đám giang hồ rút lui lẹ lẹ. Thì ra
blatnye là như vậy! Xưa nay bắt nạ được ai là làm bộ hùng hổ như sắp giết người đến nơi. Chỉ cậy số đông làm bừa , chớ thực sự các người anh em ngán chơi dữ hơn ai hết. Và hèn hạ cũng hơn ai.
Già dái non hột vốn là bản chất kên kên mà.
Vả lại họ không tốp cũng không được. Lính canh sẽ tuột thang xuống can thiệp cấp kỳ, đời nào cho phép ‘đánh lớn” ở chiến trường sát chân thang. Có khi thầy chú đã hờm sẵn để chờ giải tán đúng lúc! Tuy nhiên kên kên chẳng bao giờ chịu rút lui
mất mát. Họ phải thòng một câu: “Cứ để chúng mày đấy! Đi tàu đi xe làm không tiện, chớ đến Trại thì làm thịt chúng mày quăng sọt rác mấy hồi!”.
Câu thòng chỉ đúng một nửa. Quả thực 80 anh chị mặt rằn chuyến xà lan đó đã bàn tính nhau có kế hoạch “nắm vững” Trại Aleksandrovsk, đảo mới trong hệ thống quần đảo Sakhalin để có đất làm ăn, phỗng tay trên những đồng nghiệp dân chơi khác. Đi đày phải có đất để cai trị mới mong sống sót về được chớ. Đổ bộ lên Aleksandrovsk nhóm 7 thằng điều 58 cứng đầu vẫn có ý chờ đợi ngày bị “làm thịt quăng sọt rác”. Rút cục êm xuôi, chẳng có gì xảy ra! Đám 80 mặt rằn còn lòng dạ nào giải quyết “món nợ cũ” trên xà lan? Chính họ còn điêu đứng sợ sống không nổi khi phát giác ra rằng đảo Aleksandrovsk đã có sẵn “người cai trị” rồi. Cũng
dân chơi nhưng ít ra cũng sạch hơn chút đỉnh và không thuộc phe nhóm họ!
*
Lớp đi đày Kolyma sau này không đi thuyền, xà lan mà đi tàu biển đàng hoàng. Tàu lớn hơn thì nhiều tệ nạn hơn chớ bản chất vẫn là một. Lớp người ra Kolyma trên mấy chiếc tàu biển ọp ẹp lạ thay giờ này vẫn còn một số sống sót! Mùa Xuân năm 1938 chiếc tàu phá băng
Krasin dẫn đầu, kéo theo một lô chở tàu tù. Tàu biển hồi đó cũng 3 tầng nhưng mỗi tầng đều có ổ ngủ 2 ngăn trên dưới, có vài ngọn đèn le lói. Mỗi tàu chứa nổi 3, 4 ngàn tù. Mỗi ngày tù được chia phiên từng toán lên boong trên đi hứng gió và cho bớt cuồng cẳng. Ra Kolyma mất trên 1 tuần đường biển nên bánh mì mang ra từ Hải Sâm Uy đi thường mốc meo, khẩu phần hàng ngày đang trên dưới nửa ký bỗng rút đi 1 phần 3 là thường. Có cá khô, có thức nước uống lờ lợ, nhưng ăn nhằm gì. Ăn uống vô bao nhiêu say sóng mửa trả sàn tàu bằng hết. Chỉ tổ dơ dáy, ngập ngụa thêm!
Chở tù bằng tàu lớn thỉnh thoảng cũng có chuyện chớ. Có lần suýt có gay cấn ngoại giao, như lần đoàn tàu chạy ngang eo biển La Pérouse, chạy sát mấy hòn đảo của Nhật. Đúng đặc điểm lập tức mấy ổ đại liên trên vọng gác được tháo xuống, giấu biệt. Lính hộ tống đổi thường phục, bao nhiêu cửa xuống boong dưới đều khoá cứng. Nếu có chuyện bất trắc xảy ra tàu nào cũng sẵn hồ sơ hải hành và văn kiện lập từ trước, để chứng minh tàu của hãng thầu chở nhân công ra công trường xây cất Kolyma. Tuyệt đối không có vụ lính áo giải đi tù đày. Mấy chiếc tàu tuần Nhật cũng sinh nghi nhưng chỉ chạy vòng vo, chạy bám theo,
Cũng năm 1938 ở địa điểm hiểm này có chuyện lộn xộn trên tàu
Dzhurma. Một bọn dân chơi bẻ khoá lọt vô một kho thực phẩm trên tàu cướp đồ và gây hoả hoạn. Lửa bắt cháy, khói xông mù mịt. Đám tàu tuần Nhật vây quanh đánh điện om sòm, đề nghị lên tàu chữa cháy giùm. Thuyền trưởng tàu
Dzhurma đã từ chối thẳng còn
không chịu mở cửa boong và cửa xuống
kho hàng. Những người bị kẹt dưới kho chết ngộp vì khói nằm co quắp. Sau khi chạy khỏi eo biển, thuyền trưởng điềm nhiên ra lệnh thảy xác chết xuống biển. Kho thực phẩm trên tàu cháy rụi nhưng cái gì còn xài được vẫn chất lên đảo cho tù ăn sau.
[2] Đoàn công voa tàu biển chở tù tới hải phận đảo Magadan thì lâm nạn. Kẹt băng cứng cả đám, ngay chiếc
Krasin có bộ phận chuyên phá băng đi dẫn đầu cũng kẹt luôn! Thời tiết Bắc cực mùa này còn quá sớm, băng đã tan hết đâu mà đòi hải hành? Dù nhà nước Xô Viết có nôn nóng gởi “nhân công” ra Kolyma khai thác mỏ cũng chẳng chống lại nổi trời!
Đợt tới ngày 2 tháng 5 vẫn chưa thấy hy vọng băng rã, đoàn tù được lệnh đổ bộ đại lên Magadan. Cũng may mà nhìn thấy nó dể dắt díu nhau vượt một cánh đồng băng mênh mông tìm đường vào bến tàu trên đảo. Chao ôi, họ run rẩy ngắm cơ sở đảo Magadan và càng thêm cám cảnh: Ngoài một toà nhà đá 2 tầng
Dalstroi chỉ thấy lơ thơ vài căn chòi gỗ cũ mèm. Không cây, không bờ bụi, không cỏ và một bóng chim cũng không luôn! Ngoài băng tuyết trắng xoá chỉ còn đồi đá trọc mấp mô.
Vậy mà đúng lớp lang vở kịch soạn sẵn, từ toà
Dalstroi tiến ra nguyên một giàn nhạc long trọng dàn chào. Nhạc chơi hết quân hành hùng hồn đến luân vũ quay cuồng để gọi là chào đón “những con dân Xô Viết lầm lỡ được nhà nước cho đi cải tạo để có dịp tự cải hoá bằng lao động sản xuất”. (Dân Nga không phải đón mừng những bộ xương khô được chở tới lót nền cho đảo vàng Kolyma!). Thảm thương thay cho đám người dở sống dở chết từ Mạc Tư Khoa lê tấm thân tàn ra đây đứng lóng ngóng một dãy dài nghe bà con trên đảo trổi nhạc đón mừng! Còn gì thương tâm cho bằng thảm cảnh những thằng tù chính trị – chiếc tàu thứ nhất nhè đổ bộ toàn tù chính trị, không lẫn một dân chơi nào – thằng lành cõng thằng sống dở, chết dở, đứng co ro ngơ ngác ngó giàn nhạc
Dalstroi? Nhiều người phải cõng thực sự vì tê bại trầm trọng quá đứng sao nổi cũng như
không còn chân thì đứng cách nào? (Què cụt năm 1938 cũng đi đày Kolyma thiếu gì).
Sau phút đón mừng lâm ly đó,những gì sẽ xảy ra? Có gì đâu? Sự thực cũng có nhưng cam đoan tôi viết ra là nhàm chán cùng cực, bạn đọc không buồn coi chắc chắn. Đại khái là sau khi trình diện làm thủ tục xong thì lên xe cam nhông đi cả trăm cây số, xuống đi bộ thêm ít chục cây nữa là vừa đến trại mới. Nhập trại là lãnh công tác tức khắc? Ngủ sẽ ngủ lều vải. Ăn thì cá khô, bánh khô và uống thì cả núi tuyết đấy! Trại mới mà.
Nếu muốn có chút chi tiết thì có thể kể thêm vô mục khám sức khoẻ trong nhà lều Magadan, cởi trần truồng ra coi qua tiêu chuẩn người ngợm có
thích ứng với công tác không mà kết quả chẳng thằng tù nào không thích ứng hết! Sau đó đến mục tắm tập thể và xét vì tắm là phải trần truồng nên những thứ gì không dính vào da là phải gởi nhà kho để cán bộ phụ trách “định liệu”.
Phải nói là cú “định liệu” đợt tù đầu tiên mùa Xuân năm 1938 cán bộ phụ trách tiếp nhận Magadan đã trúng mối lớn! Nội khoản áo quần, giày dép của 1 chuyến tù cũng cả núi những áo vét da, áo khoác da cừu nguyên tấm Romanov, com-lê đen dạ thế chiến, áo lạnh dài tay, áo mặc nhà bằng nhung nõn, bốt da láng, bốt da bên trong lót nhung tơ, (đã nói đợt đầu toàn tù chính trị, không có dân chơi lẫn lộn vô mà). Xét về phương diện biết ăn sung mặc sướng thì đám tù Kolyma đầu Xuân 1938 có lẽ vô địch Liên bang Xô Viết. Họ đâu phải bần cố nông phản động hay
Kulak? Tất cả từng là con cưng của chế độ, thành phần có gốc Đảng bự. Nào chủ bút, chủ nhiệm báo, Nào giám đốc xí nghiệp, công ty quốc doanh. Nào bí thư Đảng ủy Tỉnh, Miền, giáo sư Kinh tế, Chính trị.
Trong đám gốc bự biết ăn xài, chưng diện đó có một vị chợt lên tiếng thắc mắc: “Này, mấy món đồ của tụi mình để lại đây ai coi nhỉ? Tắm xong thì,”. Hắn lập tức bị cán bộ phụ trách chỉnh: “Cứ vất đại ra đấy, ai mà thèm!”. Cán bộ hướng dẫn tắm còn bất mãn: “Đi tắm, đi mau! Ở đấy mà thắc mắc!”
Mọi người bèn tồng ngồng bíu ríu đi tắm. Tắm xong thì hết thắc mắc đồ đạc, quần áo còn mất! Vì lúc được hướng dẫn trở ra đi một ngả khác, chớ đâu có trở lại nhà kho. Kế bên là phòng phát đồ. Dĩ nhiên là đồ nhà tù đúng tiêu chuẩn: Quần áo bà ba vải đen, sơ mi lao động, áo vét nhồi bông gòn (kiểu đi đày và không có túi). Mỗi kẻ còn được phát một đôi giày tứ thời da heo!
Cái vụ đổi
đồ nhà tù này đâu phải chuyện chơi. Mặc nó vô là thôi, tống tiễn cả một thời quá khứ! Nào địa vị, nào chức tước ngày xưa liệng bỏ cái một. Hét dám ho he chắc!
Lúc bấy giờ họ xớn xác: “Ủa, đồ đạc..quần áo chúng tôi đâu cả?”. Có kẻ còn la lớn lên nữa, nhưng làm sao át nổi tiếng quát rất hách của sếp cán bộ:
“Toàn thể nghe đây, Những thứ đó, ở nhà
tụi bay! Yên lặng hết, ở Trại là không có cái gì hết, khỏi đồ đạc, quần áo! Ở Trại chỉ có một thứ là
Cộng sản chủ nghĩa, hiểu chưa? Vào hàng gấp,
Toán trưởng chuẩn bị.
Đi đầu, bước! "
“À, ở Trại chẳng có gì hết. Chỉ có
Cộng sản chủ nghĩa! Nếu chỉ có thế thì hết dám hó hé. Bề nào cũng là con cưng của Đảng, từng hiến dân cả đời cho chủ nghĩa. Còn phản đối cái gì?”
*
Nếu công voa có xe lửa, tàu biển thì dưới chế độ Xô Viết xe bò hay đi bộ cũng thành công voa vậy chớ. Dĩ nhiên không hiền lành như Tolstoi tả trong cuốn
Hồi sinh, “rồi một ngày nắng ráo đoàn tù được lính áp giải từ khám ra ga!”.
Tù giam trong khám Minusinsk năm 1940 cũng
được đi chân vậy. Có điều
trọn một năm họ bị giam cứng trong cát-xô, xà lim,có biết đi là gì đâu. Đến thở và nhìn còn muốn quên luôn! Đột nhiên họ bị đẩy ra sân bắt sắp hàng và ra lệnh: “Đi! Đi một mạch tới Abakan, có
24 cây số đường đất mà 12 người ngã lăn ra chết dọc đường!"
Tính ra đến 500 mét mới có một mạng lăn ra chết – vì cuồng cẳng – đi hết nổi – đã lấy gì làm nhiều? Đâu có đáng đề tài sáng tác lớn. Một chương truyện cũng phí đi! Thì ra sống ở trong nghĩa địa con người ta cạn hết nước mắt là phải.
Công voa tù đi chân đất mới thực sự là thủy tổ của mọi thứ công voa. Chẳng qua thời buổi văn minh cơ khí sử dụng được bất cứ một phương tiện vận chuyển gì là người ta từ bỏ nó vậy thôi. Chẳng đặng đừng mới xài lại lỗi
chăn người, đại khái như hồi Lêningrad bị bao vây phải đưa tù đi một khoảng đường dài trước khi nhét lên toa súc vật. Hồi đó chỉ tù đàn bà mới được phép đi gần tù binh Đức, mấy thằng tù lớ quớ tới gần là có lưỡi lê xua qua ngay (bộ xáp tới gần để cướp giật đồ ăn sao?). Nhưng đàn ông đàn bà bình đẳng ở chỗ mạng nào té gục, không gượng dậy nổi để bắt kịp theo đoàn là được lượm cấp kỳ để thảy lên chiếc cam nhông tà tà chạy đoạn hậu. Sống hay chết chưa cần biết. Hãy cứ thảy lên, giày dép tịch thu lại.
Công voa tù áp giải đường trường cho tới thập niên 1930 còn thiếu gì? Ngày nào chẳng có một đoàn từ khám tạm Kotlas đi Trại Ust-Vym đường xa 300 cây số? Tới trại Chibyu còn 480 cây số, đi 100 người một lượt. Mãi 1938 còn trọn công voa đàn bà trên các đoạn đường này. Trung bình mỗi ngay công voa người bò được cỡ 25 cây số chớ mấy?
Thông thường công voa người bao giờ chẳng có chó trận mở đường và báng súng đoạn hậu. Đi đường xa, nghỉ lại dọc đường là phải xách theo nồi niêu soong chảo và thực phẩm. Sẽ có vài cái xe bò đi sau gánh đỡ những khoản này, không khác gì thế kỷ trước! Dọc đường đã có những trạm nghỉ tạm, nhà cửa của bọn
Kulak bị đi đày bỏ lại thiếu gì. Có điều chỉ còn khung nhà, bao nhiêu cửa cũng bị thổi bay từ lâu. Ngược lại, thực phẩm dọc đường là mối lo chính. Nhà tù có bây giờ chịu phát thừa đồ ăn? Có trục trặc dọc đường đành chịu: Khẩu phần 2 ngày chia cho 3, hay 5 cũng xong. Thiếu thốn là thường trực, thỉnh thoảng mới phải nhịn khô.
Năm 1940 đoàn công voa của Oleyev ở xà lan lên là được áp tải bộ băng ngang đồng hoang. Không có đồ ăn “đi” cùng cả đoàn đành nhịn. Bốn bên đồng trống, cỏ không mọc nổi thì biết xoay sở cái gì lót bụng? Đến nước sình nước phèn cũng lâu lâu mới có một vùng. Vốc lên uống cho đỡ khát thì cũng lâu lâu mới có một vũng. Vốc lên uống cho đỡ khát thì cả đoàn mắc chứng bệnh kiết lỵ nặng. Thằng nào ngã gục sang bên lề ráng chịu, chẳng ai buồn bận tâm (đồng hoang Taiga mà). Lâu lâu mới có một thằng gục được biết đến: Đó là lúc con chó trận nhào theo và lát sau thấy phất phơ vài mảnh giẻ rách nơi chiếc mõm tổ bố của con bẹc-giê.
Đấy là tình trạng đoàn công voa người đi tới Chybyu. Bọn di Izhma tương đối còn dễ chịu hơn: Cũng là
Taiga nhưng nơi đây thỉnh thoảng còn bắt gặp một vũng nước, một cái đìa có cá. Còn gì sung sướng hơn cho những thằng tù chết đói? Những chiếc quần được cởi ra làm lưới và bắt được con cá nào là ăn sống con đó.
(Chính ở giữa vùng
Taiga hoang vu, rùng rợn mỗi khi áp giải tù băng ngang, các cán bộ ưa giơ tay chỉ trỏ: “Đây là địa điểm mấy anh sắp phải khởi công làm đường sắt, từ Kotlas đi Vorkuta này…”)
Vùng phía Bắc nội địa Nga công voa người vẫn là căn bản cho đến khi bọn
Zek đắp xong đường xe, đường sắt và xuất hiện những toa chở súc vật màu đỏ, cả một cố vấn đặc biệt chỉ chở tù đi đày. Những vùng còn công voa người đi dài dài dĩ nhiên phải có quy luật, chỉ thị rành rẽ. Từ Knyazh Pogost đi Veslyana chẳng hạn, lúc băng ngang
Taiga có thằng tù nằm gục, đi hết nổi thì phải làm người dừng lại chỉ để chờ một mạng tù ngất ngư? Hay một thằng tù gục té bắt một lính hộ tống ở lại chờ? Lấy đâu ra lính cho đủ? Vậy nên thằng nào nằm gục lính cũng chỉ
dừng lại một lát. Cả đoàn cứ đi, lát sau lính thế nào chẳng bắt kịp? Hắn làm xong
công việc rồi!
Đoạn đường đi đày Karabas-Spassk áp giải đi tù chân tiện lợi quá: Có 35 cây số đi nội một ngay là vừa đẹp. Nhà tù tính toán vậy nhưng thực tế tù đi đày có bao giờ khoẻ mạnh? Một ngàn thằng run rẩy, lết từng bước té lên té xuống lại là vấn đề khác! Ngã gục ngay giữa hàng hoặc bết bát lọt xuống sau chót, lẽo đẽo một hồi rồi nằm luôn để có ai thèm để ý? Còn bực bội là khác. Những thằng mệt đứt hơi chết không sợ, chúng còn cầu! Nhưng gậy đập lại ngán vô cùng, kinh nghiệm mà. Do đó cứ múa gậy loạn đã là chẳng thằng nào dám thụt lại. Thế là có lệ lính đi
hộ tống xa bằng tiểu liên (cỡ 50 mét, chạy là bắn bỏ (và lính đi
áp giải gần, không cần võ khí gì ngoài gậy. Chậm chân là vụt bất kể đầu, mình, Sắp đặt vậy còn công voa người nào chậm trễ?)
Xét ra Lãnh tụ tiên liệu trúng phóc! Tù đi đầy chỉ có thể giác ngộ bằng đòn. Đi bết bát là no đòn nên những thằng tưởng sắp đứt hơi gục đến nơi cũng đi phom phom và cũng vẫn tới đích như thường. Trừ trường hợp đập đến mấy nó cũng nằm lì một đống chịu trận vì thực sự không lết nổi được nữa thì đã có xe ngựa, xe bò đi đoạn hậu lãnh lượm lên. Với những thằng làm biếng cố chịu đòn để được liệng lên xe lại khác. Sẽ có hình, nhưng thực tế chẳng mấy khi xảy ra xét vì chịu nổi đòn đâu phải dễ? Đi đày còn đòi xe? Xe đâu ra, ngựa đâu! Ngựa không phải tốn lúa sao?
1948, 1950 còn thấy lác đác công voa người nhưng khoảng 1920 thịnh hành nhất. Tôi không sao quên nổi hồi còn bé tí thấy những đoàn tù lặc lè đi dọc các đường phố Rostov. Có một khẩu lệnh thật tức cười nên tôi nhớ mãi: “Tụi bay đi lộn xộn là
nổ súng khỏi cảnh cáo!”. Khốn nạn, thời ấy lính giải tù đi chỉ có gươm chớ lấy đâu ra súng mà nổ? Tuy nhiên có thằng nào đi lệch lạc, trật ra ngoài hàng lối là bị nạt: “Đi ngay vô, không chém cổ giờ!”. Với tâm hồn thơ dại ngày đó, tôi chỉ nghe nồ đã ớn:
nổ súng, chém cổ. Nghe thấy ghê, một nhát gươm vung dám một cái đầu rụng lắm!
Ôi, quên làm sao nổi cảnh tượng thê thảm, não nề của toán tù già áp giải ngang Nizhini Novgorod tháng 2 năm 1936! Toàn những ông già miệt quê, những lão nông râu dài sinh sống miền bên kai sông Volga! Những con người cổ lỗ của một nước Nga xa xưa, quần áo mặc vải thô nhà dệt, không chấp nhận giày dép loẹt quẹt kéo lê những đôi guốc vòng quai vải dày cộm. Cả một nước Nga cổ lỗ đang chìm vào quên lãng. Đoàn tù già đang băng qua ngã tư thì từ đằng xa 3 chiếc xe hơi vùn vụt phóng tới cúp Công voa người lọm khọm dừng lại ngó đồng chí Chủ tịch Kalinin băng ngang cùng 2 xe hộ tống. Dĩ nhiên đồng chí chủ tịch chẳng thèm để ý.
*
Bạn đọc theo dõi tới đây, thì xin mời khẽ nhắm mắt. Có tiếng bánh xe sắt nghiến rầm rầm trên đường rầy: toa xe
Stolypin đó. Âm thanh kéo dài ra là công voa chở súc vật, Phút nào cũng có. Ngày nầy sang ngày khác rầm rầm quanh năm! Bạn có nghe rì rào tiếng sóng vỗ mạn thuyền? Công voa xà lan đưa tù đi dài dài. Có tiếng động cơ rít róng: xe bít bùng đi vồ người, lượm người. Khốn nạn người bị bắt, tống giam và đưa đi đày thì nước này ngày nào, giờ nào chẳng có?
Bạn lắng nghe nữa đi. Thấy rầm rì, ào ào như ong vỡ tổ còn gì khác hơn là âm thanh đặc biệt của những xà lim nhét tù chật cứng? Có tiếng la chói lói, tiếng khóc rú lên. Tiếng người, bị cướp đoạt, hãm hiếp, chịu đựng tra tấn thừa sống thiếu chết.
Chắc bạn còn lạ gì mọi phương pháp di chuyển tù, biết bao nhiêu thứ công voa đi đày nhưng thảy đều giống nhau ở một điểm: Chúng vô nhân tính? Cũng như hệ thống khám tạm dọc đường thì thiếu gì hình thức, nào tiếp nhận nào đính chính nhưng có một nơi nào không đốn mạt? Có nhà tù
TỐT bao giờ!
Đau khổ là con người ta ráng sống vì hy vọng, biết đâu chừng chỗ sắp tới không đỡ khổ? Cũng dám có một Trại Cải tạo không đến nỗi nào chớ? Không có chuyện hão huyền đó đâu! Trại khốn khổ, tệ hại hơn nhiều…,
[1]OLP là chữ viết tắt của Otdelny Lagerny Punkt: Cơ sở Trại Cải tạo Đặc biệt.
[2]Nào phải chỉ riêng vụ tàu
Dzhurma? Mấy chục năm sau, các tàu Xô Viết lâm nạn giữa đại dương – dù không chở tù, không giấu giếm điều gì - cũng chối bỏ mọi đề nghị tiếp cứu của các tàu bạn ở chung quanh. Thà làm mồi cho cá mập chớ không thể “tiết lộ bí mật” hay để lộ những sơ hở kỹ thuật gây ra tai nạn. Đó là vấn đề Quốc thể!