Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Quần đảo ngục tù

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 72663 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quần đảo ngục tù
Alexandre Soljenitsyne

Những dòng sông người chảy vào tù ngục phần:2
Ngược đời thay, nhất nhất mọi hành động của cải Cơ quan vô đâu cũng lọt, mắt mở ngày đêm trong bao nhiêu năm trời chỉ căn cứ vào một điều duy nhất trong số 140 điều thuộc phần đặc biệt của Bộ Hình Luật 126. Điều thứ 58 này xét ra phải dùng bao nhiêu hình dung từ ca ngợi mới đáng, những hình dung từ mà Turgenev đã đưa Điều thứ 58 quả có khả năng tóm gọn mọi sự không dùng ngôn từ chính xác mà bằng suy diễn biện chứng rộng rãi.
Mấy người trong bọn chúng ta không từng biết qua tác dụng bao gồm của điều 58. Cứ sự thực mà nói thì trên cõi đời này chẳng có cử động, tư tưởng, hành động hoặc hành động nào mà không lọt vào tầm tay sắt trừng trị của điều 58.
Chính nội dung điều 58 không hề sử dụng ngôn từ mông lung nhưng muốn diễn tả, muốn hiểu cách nào cũng được hết.
Điều số 58 không nằm trong phần nói về các tội chính trị và chẳng bao giờ được xếp vào hàng “chính trị”. Nó nằm chung, cùng với những tội về trật tự công cộng và ăn cướp có tổ chức trong phần “những trọng tội chống lại nhà nước”. Do đó từ căn bản, nghĩa là căn cứ ngay vào Bộ Hình Luật thì các nạn nhân của điều 58 cũng đã không được coi như chính trị phạm, mà chỉ giản dị là thường phạm, hình phạm.
Điều 58 của Bộ Hình Luật gồm 14 khoản.
Khoản 1 ghi rõ bất cứ hành động nào (và thể theo điều 6 Hình luật, bất cứ một sự không hành động nào) nhằm việc làm suy yếu lực lượng quốc gia đều bị coi là phản cách mạng.
Suy rộng ra thì một thằng bị đi đày nằm tại Lao động Cải tạo dù có kiệt sức, đói gần chết mà từ chối không chịu đi làm “nghĩa là” làm suy yếu lực lượng quốc gia. Tội đó là tội chết. (Đó là vụ xử tử những tên hoạt đầu trong thời chiến.)
Từ 1934 trở đi, khi danh từ Đất Mẹ, Quê Mẹ được xài trở lại, nhiều tiểu khoản được thêm vô (từ 1a, 1b, 1c, 1d) định rõ tội Phản bội Đất Mẹ. Theo những tiểu khoản đó thì mọi hành động nhằm chống lại sức mạnh quân sự của Liên bang Xô-viết thì tội trạng phải là tử hình (tiểu khoản 1b) hay 10 năm tù (tiểu khoản 1a). Tuy nhiên bản án 10 năm chỉ áp dụng với thường dân và trong trường hợp rõ ràng có sự bất khả kháng.
Suy rộng ra quân nhân Hồng quân mà chịu để cho địch bắt làm tù binh (tức làm suy yếu tiềm lực quân sự) mà chỉ phải ở tù có 10 năm thì phải hiểu đã là một biện pháp quá sức nhân đạo, gần tới mức bất hợp pháp rồi đó! Theo quân luật dưới thời Stalin thì chiến sĩ Hồng quân đã bị địch bắt, về được tới nhà là tất cả đều bị xử bắn ngay tức khắc.
Dưới đây lại thêm một ca suy diễn rộng rãi. Tôi còn nhớ mùa hè năm 1946 tình cờ gặp ở khám đường Byturki một dân Ba Lan sinh đẻ ở Lemberg khi thị xã này còn là một phần đất của đế quốc Áo–Hung. Cho đến Thế chiến II hắn vẫn sống ở nơi sinh quán lúc bấy giờ là lãnh thổ Ba Lan. Sau đó hắn sang Áo, nhập ngũ và năm 1945 bị Hồng quân tiến sang Áo bắt làm tù binh. Bởi lẽ thị xã Lemberg nước Áo đã biến thành đô thị Lvov của Cộng hoà Ukraine nên hắn đành lãnh bản án 10 năm tù, chiếu điều 58–1a của Bộ Hình Luật, nghĩa là can tội phản bội quê mẹ của hắn là xứ Ukraine! Trong lúc bị hỏi cung, nạn nhân lại chẳng chứng minh được là mục đích hắn sang Vienna chẳng phải để phản bội xứ Ukraine. (Không chứng minh được là đành phải lãnh bản án 10 năm rồi!)
Riêng về khoản phản bội lại có thêm một suy diễn phụ quan trọng là áp dụng “qua điều 19 Hình Luật” – Nghĩa là qua dự mưu. Nói cách khác thì chưa có sự phản bội nào hết nhưng trong cuộc điều tra, vị thẩm vấn viên đã nhận ra có ý định phản bội. Vậy là cũng lãnh đủ án tù, hoàn toàn không khác đã phản bội! Sự thực điều 19 Hình Luật, không dự liệu trừng phạt ý định phản bội, mà chỉ chuẩn bị, sửa soạn một cuộc phản bội mới là có tội. Tuy nhiên chính vì sự suy diễn rộng rãi mà ý địnhsửa soạn cũng in nhau!
Mà căn cứ theo Hình Luật thì tội sửa soạn cũng bị trừng phạt đúng như đã phạm pháp vậy, đó là quan điểm của Chưởng Lý Vyshinsky. Người từng lý luận rằng: Nói chung, chúng ta không công nhận sự khác biệt giữa ý định phạm pháp và chính sự phạm pháp. Đó là một điểm, một sự trên chân rõ rệt của luật pháp Xô-viết so với luật pháp của bọn tư bản đế quốc. [1]
Khoản 2 này còn rộng nghĩa ở chỗ dù không thể nói rõ ra ở chính điều 58 Hình Luật nhưng với quan niệm suy diễn tư pháp cách mạng thì phải hiểu nó đã được cấu thành để đặc biệt đối phó với những xứ Cộng hoà thành viên của Liên bang Xô-viết có thể có ý định ly khai. Nội chữ một phần đã tuyệt mà danh từ bằng võ lực còn mơ hồ, chẳng chỉ định rõ của ai, do ai xuất xướng. Đặt trường hợp toàn thể một nước trong Liên bang Xô-viết đòi ly khai mà Mạc Tư Khoa không chịu thì chính cuộc ly khai đó phải hiểu là bị ép phiến loạn. Do đó, các dân Cộng hoà Estonin, Latvia, Lithuania, Ukraine, Turkestan đều vì khoản 2, điều 58 Hình Luật, mà rất dễ dàng lãnh những bản án 10 năm 25 năm như chơi!
Khoản 3 nói về tội “trợ giúp bằng bất cứ cách nào, phương tiện gì một ngoại bang đương chiến với Liên bang Xô-viết”.
Theo tinh thần khoản 3 thì bất cứ một công dân nào kẹt trong vùng địch chiếm đều có thể tù hết – dù đóng đinh giày hoặc án một bó củ cải đỏ cho một tên lính Đức. Dĩ nhiên nữ công dân mà làm lên tinh thần địch bằng cách đi nhảy đầm hay đi chơi đêm với chúng là phải lãnh đủ. Trên thực tế thì không phải ai cũng bị khoản 3 này chiếu cố chỉ vì lẽ tối đại đa số ở trong vùng địch chiếm tuy nhiên vẫn bị khoản 3 này chi phối, vẫn có thể lãnh án dễ như không.
Khoản 4 đặc biệt nhằm những kẻ – mỉa mai thay – có hành động trợ giúp bọn tư bản quốc tế.
Không hiểu khoản 4 này định nhằm vào ai, Nga hoàng nếu biết suy diễn với tinh thần Cách mạng thì thấy rõ ngay: đó là những kẻ phạm tội xuất dương trước 1920 (nghĩa là trước khi Bộ Hình Luật ra đời gần chục năm!). Và ¼ thế kỷ sau, theo Hồng quân xuất chinh sang Âu (1944-1945) trở về cũng bị dính bởi khoản 4 điều 58 Hình Luật. Nghĩa là không chết cũng 10 năm tù.
Lý luận của nhà làm luật Cách mạng thì sống ở nước người còn làm gì, ngoài việc tiếp tay cho bọn tư bản quốc tế?
Đối với bọn trẻ khoái nhạc, vô hội nhạc thì ngay ở trong nước chúng cũng có thể tiếp trợ tư bản quốc tế như thường!). Ngoài ra tư bản quốc tế dĩ nhiên còn được trợ giúp bởi tất cả bọn đảng viên Xã hội Cách mạng, tất cả bọn Men-xơ-vích (đích nhắm của khoản 4 này mà). Và đương nhiên là phải còn bọn kỹ sư của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Hội đồng Kinh tế tối cao!).
Khoản 5 đề cập đến tội thúc đẩy một ngoại bang gây chiến với Liên Xô. Đáng lẽ chính Stalin và bọn đàn em quân sự, ngoại giao những năm 40-41 phải lãnh đủ vì khoản 5 này mới đúng. Chỉ vì mù quáng, điên cuồng mà họ đã phạm chính cái tội đó. Nếu không phải họ thì còn ai xô đẩy nước Nga vào những cuộc thảm hại nhục nhã, chưa hề có tệ hại không thể chối cãi nổi là hơn cả những cuộc thất trận dưới thời Nga hoàng năm 1904, 1915. Từ thế kỷ thứ XIII có bao giờ nước Nga chịu thua trận nhục nhã cỡ đó?
Khoản 6 là khoản để đối phó với gián điệp.
Khoản này vốn rộng nghĩa đến nỗi nếu ta cứ xét đám người vĩ đại kẹt riêng vì khoản 6 điều 58 Hình Luật dưới thời Stalin thì bắt buộc phải hiểu rằng dân Nga hồi đó chẳng làm ruộng mà cũng chẳng có nghề ngỗng, hãng xưởng gì làm mà hầu hết chỉ sống nhờ đồng lương “gián điệp” do các cơ quan tình báo ngoại quốc cung cấp!
Còn tội gì để gán cho một thằng muốn tống đi đày cho bằng tội gián điệp? Giản dị, thuận lợi ở chỗ một thằng lưu manh ngu ngốc, một luật gia lỗi lạc hay một gã nhà báo đều có thể bị chụp một cái mũ gián điệp mà quần chúng bị “mà” mắt quá dễ. [2]
Khoản 6 điều 58 Hình Luật còn được suy diễn rộng đến độ nhiều nạn nhân lãnh án nặng không nhất thiết vì tội gián điệp thực sự mà nhiều khi chỉ vì tình nghi gián điệp (tức tội PSh) hoặc có thể là gián điệp song chưa có bằng chứng (tội NSh). Vấn đề là cả 3 cùng lãnh án tương đương vì mới có những tiếp xúc có thể đưa đến chỗ bị nghi ngờ gián điệp (tức SVPSh) cũng còn lãnh đủ kia mà.
Đó là trường hợp một bà quen biết sơ với bà bạn của vợ anh. Cả ba người đàn bà cùng may đồ của một cô thợ may đầm vì quen cắt đồ cho phu nhân một nhà ngoại giao ngoại quốc nên được NKVD ngầm tuyển làm mật báo viên. Chỉ vì vậy cả ba bà chẳng bà nào thoát cả!
Những mục câu lưu PShSVPSh chẳng phải ngon ăn. Phải lo nhớt cho kỹ và thường xuyên canh chừng nghi can: biết đâu chừng bọn tình báo ngoại quốc chẳng dư sức bắt liên lạc với người của chúng ngay trong Trại Lao động Cải tạo. Hai thứ PShSVPSh là có cho đi đày cũng phải tổ chức thành công voa, võ trang hộ tống hẳn hoi!
Nói chung thì trong hệ thống của quần đảo ngục tù, lại có một thứ tội nhân không bị tống đi đày vì điều số mấy của Bộ Hình Luật…cũng chẳng phải khoản 6 điều 58 ác ôn…nhưng có điều đó là những con người khốn khổ nhất trại. Kẹt điều 57 đã khốn nạn mà lỡ bị gởi đi đảo với tội danh gồm một dọc chữ tắt bí bí mật mật, chẳng ai hiểu gì ráo! (Chúng ta sẽ gặp họ ở tít trang sau).
Khoản 7 áp dụng cho những tội phá hoại, gây xáo trộn ở các địa hạt kỹ nghệ, vận tải, thương mại lưu hành tiền tệ.
Khoảng thập niên 1930 thì những đợt cho đi đày tập thể lớn nhất đều dựa vào khoảng 7 điều 58 này. Chỉ nghe hai chữ phá hoại là hình ảnh đi đày đã liền theo rồi. Trên thực tế thì những tội danh ghi ở khoản 7 thì nhan nhản, đầy dẫy hàng ngày. Ủa, thế ra dân Nga bây giờ có người phạm tội phá hoại thiệt sao?
Từ bao thế kỷ nay dân Nga vẫn cần cù sáng tạo, xây dựng, có lương tâm, đàng hoàng dù là phục vụ cho bọn địa chủ và quý tộc. Ngay từ dưới trào ông hoàng Ryurik [3] lập nghiệp có ai nghe nói nông dân, thợ thuyền Nga phá hoại bao giờ? Chưa hề xảy ra một lần! Nhưng bây giờ là lúc lần đầu tiên mọi tài sản quốc gia là của nhân dân công nhân làm để cho mình hưởng mà tại sao cả mấy trăm ngàn tay thợ ưu tú của nước Nga lại đua nhau phá hoại rầm rầm một cách khó hiểu như vậy? Mà lại phá hoại trong bốn ngành: kỹ nghệ, vận tải, thương mại và lưu hành tiền tệ.
Cũng nên ghi nhận tội phá hoại ở khoản bảy chẳng đả động gì tới phá hoại ở địa hạt Canh nông. Nhưng thử hỏi nếu không có thì làm sao giải thích cỏ hoang mọc đầy đồng, tại sao mùa màng thất thoát, nông cụ tan hoang và cơn bệnh biện chứng làm hại lây tới cả Canh nông.
Khoản 8 dự liệu trừng phạt tội khủng bố. Không phải sự khủng bố mà chính “Bộ Hình Luật Xô-viết đã được sử dụng làm nền tảng và căn bản hợp pháp” [4] mà khủng bố do những kẻ khác gây ra.
Danh từ khủng bố muốn hiểu nghĩa nào cũng được. Không cần phải đặt mìn dưới gầm xe chính phủ mà chỉ bực bội đấm vào mặt một thằng địch thủ của mình cũng lập tức bị coi như có hành động khủng bố, nếu đương sự có gốc Đảng hoặc Công an hay Đoàn viên Thanh niên Cộng sản.
Hạ sát một tay có gốc Đảng đâu phải chuyện tầm thường, kể như một thằng dân đen được? Đó là một chuyện quan trọng hơn nhiều (chẳng khác gì Luật cổ Hammurabi 18 thế kỷ trước Công nguyên!). Một thằng chồng bị cắm sừng uất ức hạ sát thằng tình địch: nếu nó chỉ là dân thường thì đỡ khổ biết mấy! Bất quá chỉ bị xử theo Điều 136 Hình Luật, một thằng tù tư pháp nghĩa là dù có đi đày cũng chẳng cần phải võ trang hộ tống. Chẳng may nó có Đảng thì chẳng phải giết người vì ghen mà là khủng bố, rơi đúng ngay vào khoản 8 điều 56!
Nếu khoản 19 được suy diễn rộng theo tinh thần của Điều 19 Hình Luật, nghĩa là có ý định cũng tương đương với chuẩn bị, sửa soạn thì đe doạ trực tiếp một ông cán bộ Đảng bên cạnh bên một quán rượu nhẹ nhàng cổ: “Được rồi… Sẽ biết tay tao” hay rủa xả như một con mụ bán hàng ngoài chợ: “Sao không chết đi cho rồi”, cả hai đều đương nhiên bị liệt vào loại có ý định khủng bố, nghĩa là thừa đủ yếu tố để cấu thành tội trạng [5] .
Khoản 9 nói về những tội dùng chất nổ hay dùng lửa đốt để tàn phá, làm sụp đổ một cơ sở – dĩ nhiên bao giờ chẳng nhằm một mục tiêu phản cách mạng? Nói gọn lại là bao động để phá hoại, gây rối.
Khoản này còn được khai triển thêm, căn cứ trên sự kiện người thẩm vấn viên “đánh hơi” ra mục tiêu phản cách mạng vô cùng lẹ làng, “đi guốc trong bụng” nghi can. Mỗi sai lầm, sơ sót, hư hỏng ở công sở hay ở xí nghiệp mà không được bỏ qua đều có thể là một trong những ca bạo động, gây rối.
Trong điều 58 thật chẳng có khoản nào có thể giải thích rộng rãi và có tinh thần cách mạng tích cực cao độ cho bằng khoản 10: “Tuyên truyền hay xách động – chứa đựng lời kêu gọi lật đổ, quấy rối, làm suy yếu nhà nước Xô-viết, và kể luôn cả việc phổ biến, soạn thảo, lưu giữ những tài liệu văn tự có nội dung tương tự”. Đặc biệt là khoản mười chỉ ấn định hình phạt tối thiểu trong thời bình (chẳng bớt, chẳng nhẹ chút nào!) nhưng tuyệt nhiên không ghi nhận mức tối đa của hình phạt.
Suy rộng nghĩa ra, khoản mười còn được hiểu như sau: Tầm mức của vấn đề xách động chứa đựng lời kêu gọi đã được phóng đại để bao gồm cả vài ba thân hữu đàm luận với nhau, vợ chồng tâm tình hay một lá thư riêng. Một lời khuyến cáo, khuyên bảo giữa bạn bè với nhau cũng có thể là một kêu gọi và chuyện đó xảy ra quá thường.
Còn “quấy rối, làm suy yếu bộ máy nhà nước Xô-viết” có nghĩa là đưa ra ý kiến không phù hợp, không tới mức độ hăng say của những bài báo đăng trong một ngày đặc biệt nào đó. Vả lại cái gì không củng cố tức là làm suy yếu, cái gì không ngay ngắn, vừa vặn hiển nhiên là “quấy rối” như mấy vần thơ Mayakovsky.

Kẻ nào không cất tiếng ca với ta hôm nay
Là đã chống ta rồi!

Nên nhớ “soạn thảo tài liệu văn chương” hiểu rộng sang cả địa hạt thư từ, ghi chú, nhật ký dù chỉ có một thủ bản vẫn kể như tài liệu. Vì tính cách bao quát đó mà bất cứ một ý tưởng nào, còn ở trong đầu, hoặc vừa nói ra vừa ghi lên giấy đều thực sự nằm trong vòng kềm toả của khoản 10 hết.
Khoản 11 đặc biệt ở điểm không nhằm một tội trạng nào mà dành chung cho tất cả trường hợp gia trọng của những tội liệt kê trong 10 khoản trên, nghĩa là can phạm hoạt động với tính cách hội viên của một tổ chức hay đương sự có tham gia một tổ chức nào.
(Trên thực tế thì chẳng cần phải có một tổ chức nào đó mới bị với khoản 11 này. Bản thân tôi từng “lãnh” nó thật đau: Tôi và một người bạn, hai đứa viết thư cho nhau, thế là bí mật trao đổi quan điểm. Và nói một cách khác, chúng tôi là những khởi đầu cho một tổ chức và từ chỗ đó suy ra là một tổ chức đúng!)
Khoản 12 quả đã đặt nặng vấn đề lương tâm cho người dân Nga thời đó bởi lẽ nó dự liệu trừng phạt tộ biết là không tố cáo những tội liệt kê ở các khoản trên. Và độc hại nhất là khoản 12 không thấy ghi hình phạt tối đa.
(Khoản 12 này tuyệt diệu ở chỗ chính nó đã là một suy diễn quá đầy đủ rồi nên khỏi cần suy diễn gì thêm. Nó biết vụ đó mà không tố cáo thì khác nào chính nó làm.)
Khoản 13 từ lâu đã bị coi lỗi thời, lạc hậu vì đề cập đến tội cộng tác với Okrana [6] . Tuy nhiên cũng một sự cộng tác tương tự sau này lại không phải một tội nữa mà là một hành động ái quốc [7] .
Khoản 14 cuối cùng ấn định những trừng phạt dự liệu cho tội “cố tình phá hỏng công tác được giao phó” hoặc “làm một cách tắc trách khiến hư việc”. Vắn tắt cũng gọi là “phá hoại hoặc phản cách mạng trên lãnh vực kinh tế” và án tối đa cũng có thể là tử hình.
(Nhân vật thẩm quyền phán định giữa CỐ ÝVÔ TÌNH là bản thân ông thẩm phán viên, sau khi duyệt xét vấn đề để theo tinh thần cách mạng. Thành phần bị khoản 14 nhắm nhiều nhất là những nông dân không nộp đủ số thực phẩm bình nghị hay những tổ viên nông trường không làm đủ số “ngày lao động” ấn định. Sau mới tới những thằng tù đi đày không làm đủ “quô-ta” ban giám đốc trại đã bắt buộc. Thứ nữa - và sau khi chấm dứt chiến tranh - mới tới bọn trộm cắp, bất lương nhà nghề tức bọn blatnye hay blatari – phạm tội đào thoát bị bắt lại. Nói cách khác thì một dân chơi vượt ngục sẽ bị quy trách tội phá hoại kỷ luật trại giam chớ chẳng phải cố tình tìm tự do).
Nếu quan niệm điều luật số 58 là một cánh quạt 14 cái nan – mỗi nan là một khoản – thì chỉ mới bấy nhiêu đó nó cũng bao vây cứng vận mạng một con người!
Phải điểm qua một lượt đầy đủ một điều luật vĩ đại nhốt trong Bộ Hình Luật mới thấu hiểu được những sự kiện sẽ đề cập tới sau này. “Đâu có luật là chỗ ấy có tội ác” mà.


*
Bàn tay sắt của điều luật 58 được mang ra “thử lửa” lần đầu năm 1927 ngay sau khi ra lò đã quơ biết bao nhiêu đợt tù suốt một thập niên kế tiếp để rồi với còi thổi roi quất đã được sử dụng tối đa để giáng những ngọn đòn pháp lý lên đầu lên cổ dân Nga trong hai năm 1937-1938.
Điều cần nói trước hết là đợt bắt người khổng lồ năm 1937 chẳng phải tình cờ, ngẫu nhiên mà đã được chuẩn bị quá chu đáo. Sáu tháng đầu năm ấy biết bao nhiêu khám đường trên toàn quốc được “trang bị” lại thật tiện nghi? Phòng giam khỏi có giường cá nhân, ghế bố, mà giản dị chỉ có một bục cây chạy dài, một tầng cũng có mà hai tầng cũng có [8] .
Những tay tù già nhớ như in rằng đợt tống giam tập thể đầu tiên đã bung ra và quơ bằng đủ nạn nhân ở khắp mọi nơi trên toàn quốc chỉ nội một đêm tháng tám (họ cả quyết vậy nhưng tôi chẳng tin nổi xét vì đã quá hiểu thế nào là trí nhớ ở trong tù!).
Nhưng có một sự kiện chẳng thể phủ nhận được là tháng tám năm đó bao nhiêu tù nhân trên toàn quốc đang hồi hộp chờ đợi đợt tổng ân xá cỡ lớn thế nào mà chẳng có nhân dịp kỷ niệm nhị thập chu nhiên ngày Cách mạng tháng mười thành công thì hỡi ơi đích thân Chủ tịch Stalin bất thần giộng một cú chẳng ai ngờ là thêm võ bộ Hình luật 2 “giá” mới là 15 năm và 20 năm [9] !
Có lẽ nơi đây cũng chẳng cần phải nhắc rõ chi tiết về cái gọi là đợt thanh trừng 1937 xét vì đã quá nhiều người viết và sau này chắc chắn còn nhiều người viết nữa: đợt này là “kiếp nạn” của toàn những tay tổ, có gốc lớn, chức cao thế lực mạnh trong nội bộ Đảng, trong chính phủ, trong Bộ Tư lệnh Hồng quân và ngay cả trong GPU – NKVD nữa [10] .
Có thể nói là ở khắp nước Nga năm 1937 không một tỉnh nào mà ông Tổng Bí thư Tỉnh Đảng bộ hay ông Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Tỉnh có thể sống sót kia mà Stalin phải chọn một cấp thừa hành thích ứng với mục tiêu mới chớ?
Dưới đây là tình hình trong tỉnh Tbilisi do Olga Chavehavadze kể lại. Năm 1938 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Tỉnh, đồng chí Phó chủ tịch, tất cả Trưởng Thầy và Phó Thầy cũng như tất cả các sếp Kế toán, sếp Kinh tế đều bị hạ ngục một lượt. Lập tức một loạt người mới được bổ nhiệm. Nhưng chỉ hai tháng sau thì mọi sự lại diễn biến đúng in như trước: đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Tỉnh, đồng chí Phó chủ tịch, tất cả 11 tân Trưởng Thầy, tất cả các sếp Kế toán, sếp Kinh tế mới được bổ nhiệm cũng lại nằm khám đủ. Cả cơ quan Hành chánh Tỉnh còn mấy ông kế toán nhép, mấy ông tốc ký viên, mấy bác tống thư văn và mấy bà lao công. Chỉ ngần ấy mạng còn tự do.
Dĩ nhiên công cuộc thanh trừng những tay đầu não trong bộ máy Đảng phải có một lý do đặc biệt và dĩ nhiên chẳng hề được nêu ra trong bất cứ phiên xử hoặc tuyên án nào. Nói chung là tất cả những cán bộ Đảng từng hoạt động trước 1924 đều có ưu tiên là bị khỏi sót một mạng. Nhóm đảng viên gốc Lêningrad còn bị bắt dữ hơn đâu hết vì tất cả bọn họ đều trót ký vô “bản gốc” của Phe Chống đổi mới (nhưng thực sự họ đâu dám không ký. Họ đâu dám không tin Tỉnh Đảng bộ Lêningrad).
Dưới đây là một vài nét khác cũng xảy ra trong thời gian đó. Một phiên họp Quận bộ Đảng được triệu tập, thuộc quản hạt Mạc Tư Khoa. Chủ toạ là vị Tổng Bí thư mới của Chi bộ Quận vừa lên thay đồng chí cũ vừa bị hạ ngục. Dĩ nhiên trước khi bế mạc phải có một mục suy tôn lãnh tụ. Và cử toạ đều phải đứng dậy hết cũng như suốt buổi khai hội chẳng ai dám ngồi mỗi khi nghe thấy tiếng Stalin. Nhưng mục suy tôn ở phút bế mạc phải long trọng hơn, sự hoan nghênh phải rầm rộ, những tràng pháo tay phải nổ ran như sấm. Mục suy tôn sấm sét kéo dài 3 phút, 5 phút và còn tiếp tục, phải được tiếp tục.
Có điều hai bàn tay vỗ vào nhau mãi cũng phải đau và những cánh tay giơ lên hạ xuống quá nhiều lần cũng phải mệt chớ. Mấy đồng chí già phải mệt mỏi trước và phải đau khổ trước lớp trẻ. Và nói chung thì cả hội trường đều thấm mệt hết và sự suy tôn bỗng trở thành bực bội, cực hình chịu hết nổi ngay cả với những đồng chí từng thực sự ngưỡng mộ Stalin! Tuy nhiên cả hội trường đang hoan hô như sấm ai dám ngừng lại, ai dám làm người thứ nhất ngừng suy tôn?
Người có thể làm vụ đó là chính vị Tổng Bí thư Chi bộ Quận. Nhưng người còn đứng sững giữa khán đài, chính người vừa khai pháo cho sự suy tôn Lãnh tụ. Người vừa lãnh chức Tổng Bí thư thay thế cho đồng chí Tổng Bí thư cũ giờ đây đang nằm khám. Do đó người sợ!
Trong đám cử toạ dưới kia thế nào chẳng có mấy tay NKVD cũng đang suy tôn nhưng chắc chắn không quên lưu ý, ghi nhận thằng nào dám ngừng suy tôn trước mọi người. Khốn nạn ở cái xó hội trường ranh con này Lãnh tụ có thèm biết đến bao giờ mà đợt suy tôn sấm sét cứ thế mà kéo dài. Bảy phút, tám phút và còn bao nhiêu phút nữa mới xong đây? Không lẽ suy tôn cho đến té lăn ra chỉ vì đau tim? Thà đứng dưới hội trường, đứng núp ở những hàng sau cùng khỏi sợ lộ liễu thì muốn vờ vịt, cũng vỗ tay cũng giơ lên hạ xuống nhưng hà tiện hơi sức “ăn gian” phần nào còn được. Nhưng trên bục Chủ toạ đoàn muôn mắt ngó thấy thì suy tôn “ăn gian” đâu được.
Đứng chung với Chủ toạ đoàn có một gã đang giữ chức Cán bộ Giám đốc một xí nghiệp sản xuất giấy nho nhỏ. Hắn vốn ngang bướng, cứng cỏi. Hắn biết dư từ gốc rễ cả một trò suy tôn giả tạo nhưng cố làm cho như thực. Hắn cũng chẳng lạ gì tiếp tục cái trò này mãi chín phút mười phút thì thế nào cũng có chuyện. Nhưng hắn vẫn suy tôn vì liếc nhìn đồng chí tân Tổng Bí thư vẫn thấy đồng chí làm coi bộ vẫn còn hăng.
Thế là Chủ toạ đoàn cứ nhìn nhau và suy tôn lãnh tụ hăng nữa. Vẫn nổ như sấm, như sét đúng cho tới lúc toàn thể Chi bộ Quận hoan hô đứng quá mệt đến té gục xuống là cùng chớ gì. Tất cả cùng rời Hội trường bằng cáng là cùng chớ gì. Nhưng vấn đề là còn người nào đứng được là mục suy tôn vẫn còn.
May quá, ở phút thứ mười một thì đồng chí Giám đốc Giấy bèn khôn khéo nhìn quanh và đánh liều ngồi đại xuống. Phép lạ bỗng hiển hiện: cả một cao trào đang suy tôn sấm sét, hung hăng bỗng dừng cái độp. Chỉ một người tốp là tất cả cùng chấm dứt suy tôn, cùng dừng lại và ngồi xuống rầm rập như máy. Thế là thoát nạn hết! Ít ra đánh vòng quá lâu thì cũng phải có một con chuột biết mệt mỏi, biết tự ngừng cái trò đánh vòng chớ.
Tuy nhiên, màn chót đâu phải ở đấy. Phải có những dịp như thế này mới biết thằng nào cứng đầu chớ. Và biết ra là phải loại bỏ chớ.
Nội trong đêm đó ông Giám đốc Xí nghiệp Giấy bị mời đi. Bản án 10 năm thì chắc hắn sẽ lãnh nhưng dĩ nhiên tội danh phải khác. Có điều sau khi đặt bút ký tên vào mẫu số 206 là bản văn cuối cùng chấm dứt bản thẩm cung thì vị điều tra bèn nhắc khéo:
“Bạn nhớ suy tôn là chớ có tốp trước mọi người nghe.” [11]
(Nhưng vấn đề là phải làm sao? Muốn tốp thì tốp cách nào cho đúng bây giờ?)
Trớ trêu là ở chỗ bộ máy bắt người khỏi có đặt vấn đề, khỏi lựa chọn. Có vậy mới nghiền nát được người.
Giờ đây một huyền thoại mới nảy sinh. Cứ nhắc đến đợt tù 1937 thì bất cứ một hồi ký, một truyện lớn nhỏ nào đều nhắc tới thảm trạng mà các tay lãnh tụ Cộng sản hồi đó phải gánh chịu. Họ muốn chúng ta tin rằng hai năm 1937-1938 chỉ có những cán bộ có cỡ của Đảng Cộng sản bị thanh trừng – và gần như chẳng còn ai khác. Sự thực là nội hai năm đó số người bị bắt lên tới số triệu nhưng các ông lớn trong Đảng và Nhà nước chỉ chiếm nhiều nhất là 10 phần 100. Bằng chứng giản dị nhất là những dọc dài thân nhân xách giỏ thăm nuôi đứng xếp hàng chờ đợi bên ngoài những khám đường Lêningrad đại đa số là mấy “con mẹ đàn bà nhà quê”.
Sự thực là thành phần những người bị bắt trong đợt 1937-1938 vốn phức tạp đến nỗi muốn sắp đặt cho rõ ràng từng loại thì những tay chuyên viên thống kê khoa học nhất cũng phải điên đầu.
Sự khó khăn càng khó khăn hơn vì số người đã quá đông mà khi bị lùa tới quần đảo thì đã dở sống dở chết chẳng còn ra hồn người. (Với những người đương thời của những đợt thanh trừng thì lại càng không thể hiểu nổi).
Tất cả những đợt bắt bớ trong những năm đó chỉ căn cứ vào một thứ luật là sự ấn định “quô-ta” phải tống đi bao nhiêu người, theo tiêu chuẩn và kế hoạch đã vạch sẵn. Mỗi đô thị, mỗi quận, mỗi đơn vị quân đội đều có “quô-ta”, đúng thời hạn nào đó là phải bắt bằng đủ để đưa đi đày. Đại khái chỉ thị có vậy còn bao nhiêu chi tiết thực hiện đã có các Cơ quan An ninh lo.
Một cựu nhân viên Cheka tên Alekxandr Kalganov xác nhận một hôm Tashkent nhận được điện tín vỏn vẹn: “Gởi 200”. Bọn họ cũng vừa quét xong một mẻ lướI và hình như “con mồi” hết sạch, hết người bắt rồi. Họ đã bắt lố, bắt dư tới 50 mạng ở mấy quận rồi mà. Bỗng dưng một ý kiến chợt nảy ra.
Tại sao các quận Cảnh sát đang giữ một số thường phạm mà lại không sắp xếp lại bọn này, cho đại chúng vào khuôn khổ điều 58 Hình Luật? Bèn làm liền, làm cấp tốc nhưng vẫn còn thiếu. Đúng lúc đó Cảnh sát sở tại báo cáo xin chỉ thị Cheka: Có một đám dân du mục từ đâu kéo tới “lập trại” bừa trên đất công viên thành phố. Phải “giải quyết” họ cách nào?
Còn hỏi! Quả là một dịp cứu vãn tình hình. Cheka bèn cấp tốc tung nhân viên ra bao vây “làng du mục”. Cứ trai tráng từ 17 đến 60 là “mời đi” hết. Khép vô điều 58 Hình Luật là đủ ngay túc số!
Tuy nhiên nếu có trường hợp bắt không đủ túc số, ắt cũng phải có vụ xin bắn thêm. Chẳng hạn như Sở Cheka ở Cộng hoà Ossettia (theo lời Cảnh sát trưởng Zabolovsky) được Trung ương chỉ thị sẵn cho phép bắn đúng “quô-ta” 500 mạng. Cộng hoà Nhân dân Ossettia xin thêm và được chấp nhận 250 mạng nữa.
Tất cả những điện văn chỉ thị, liên lạc như trên giữa Trung ương và các cấp đều chẳng cần “mã số”, điện đài đặc biệt!
Vì vậy cô thư ký dây thép ở Temryuk mới tình cờ “bắt” được bức công điện “bạch văn” gởi tới và may mắn chuyển tới nơi nhận là Cơ quan NKVD. Đại khái bức điện tín nói: “Nội nhật ngày mai phải gởi đi Krasnodar đủ 240 thùng xà bông” ấy mà. Sáng mai cô thư ký sợ rụng rời vì nghe nói NKVD tối qua cho đi vây bắt quá nhiều. Lúc bấy giờ mới vỡ nghĩa “240 thùng xà bông” là cái gì. Bèn rỉ tai cô bạn, cho hay sự thực ghê rợn và sau đó đến lượt chính đương sự được NKVD mời đi luôn!
(Không hiểu hồi ấy sao các công điện NKVD ưa xài danh từ “thùng xà bông” để ám chỉ người. Vì tình cờ hay có hậu ý gì?)
Những ca nói trên dù sao cũng chỉ là biệt lệ. Vì “công vụ chuyên môn” nên bắt ít bắt nhiều cũng phải có một sự sắp đặt đàng hoàng mà ưa bị nhất là chính những cán bộ Mật vụ được gởi ra ngoại quốc hoạt động, thông thường thuộc thành phần ưu tú nhất của Konintern hay Cheka trong số đó có nhiều phụ nữ nhan sắc rất lộng lẫy.
Đang công tác quốc ngoại thì họ có lệnh triệu về và phần đông “bị” ngay nhà ga biên giới. Họ ngơ ngẩn, chẳng hiểu sao bị bắt…và họ có làm gì đâu. Chừng được mang về Trung ương đối chất mới hay là sếp họ phản, đi hàng hai! sếp phản và đã thú nhận thì nhân viên thống thuộc thoát sao nổi? Bị là bị hết, như trường hợp sếp Mirov Korona. Thành tích quá khứ càng sáng chói càng có phản tác dụng, chớ hy vọng hão “lấy công chuộc tội”!
Trường hợp bị bắt theo lệnh tập thể cũng có như bọn làm Công ty Hoả xa Đông Phương của Trung Quốc, tức Sở Hoả xa KVZhD. Tất cả đều bị bắt chung một lượt, kể như làm gián điệp cho Nhật nhưng cha mẹ vợ chồng con cái là bị tống giam một lượt, như nhau. Tất cả đều bị bắt sớm hơn, bắt trước đi vài năm kìa!
Những người gốc Đại Hàn ở bên Viễn Đông bị lùa đi năm đó là bị đi đày tuốt sang Kazhakhstan: đây là thí nghiệm đầu tiên về bụ bắt người tập thể trên căn bản chủng tộc. Ở Lêningrad thì cứ mang họ tên gốc Estonia là bị bắt liền, bắt thật dễ dàng mà tộ danh chỉ một thứ: dân Estonia chống Cộng.
Sau đó mới đến lượt toàn thể bọn có gốc Latvia, trong Hồng quân hay trong Cheka đều bị bắt hết. Mới đây dân Latvia còn được coi là con đẻ, kể như thành trì của Cách mạng, những cán bộ nòng cốt từng làm vinh dự cho chính Cheka. Ngay những cán bộ Latvia được chính nhà nước trao đổi tù binh năm 1931 cũng bị bắt luôn.
(Trong khi đó ở Lêningrad ngoài mọi cơ quan báo chí hai xứ Latvia và Estonia bị nhất loạt đóng cửa đã đành mà tất cả mọi cơ sở có tính cách văn hoá chung của Latvia cũng bị đình chỉ hoạt động tức khắc. Viện Văn hoá Latvia Phân bộ Latvia của Viện Herzen, Viện Kỹ thuật Latvia cũng như Câu lạc bộ Estonia.)
Giữa những đợt sóng lớn xô người vào quần đảo năm đó thì cuộc “phá trận” cô đơn mới đến hồi kết cuộc. Nghĩa là tất cả những thành phần còn sót lại được bàn tay khổng lồ quơ vô hết luôn. Khỏi cần phải giữ bí mật nữa mà đã đến lúc có thể chính thức tuyên bố “dứt trận”: bao nhiêu đồng chí Xã hội nằm khám đã lâu giờ “cho” đi đày tập thể hết. Bây giờ chỉ cần nói chung là đi Uaf, đi Soratov, đi tới một lò sát sinh nào đó trong hệ thống quần đảo là đủ.
Bây giờ cũng chẳng cần phải chỉ thị rõ thành phần trí thức phải cho đi đảo nhiều hơn dân thường vì mọi lần trước đám trí thức còn được chiếu cố thì lần này “sót sổ” sao nổi? Bây giờ chỉ cần một sinh viên ngầm tố cáo (sinh viên mà ngầm tố cáo bây giờ nghe chẳng lạ tai nữa!) rằng ở giảng đường, ông giáo sư chỉ luôn miệng dẫn chứng Mác Lê chớ chẳng hề đả động tới Stalin cũng đủ để ông giáo sư không thấy xuất hiện nữa. Nhưng thử hỏi nếu không đưa tên một đấng nào ra dẫn chứng thì sao? Cũng vẫn cứ bị, không trước thì sau vì tất cả những giáo sư Đông phương học ở Lêningrad thuộc thế hệ trẻ và trung niên đều bị đi đày cả.
Tất cả ban giảng huấn của Viện Đại học miền Bắc – trừ bọn làm mật báo viên NKVD – đều bị tống giam. Ngay các giáo sư Trung học, các giáo viên cũng không thoát kia mà.
Riêng thị xã Sverdlovsk có một hồ sơ đi đày mà ngoài ông Ty trưởng Học vụ Perel còn đúng 30 giáo sư Trung học [12] . Tội danh chính thức để tống cả đám giáo sư này đi đày vì họ đã âm mưu tổ chức Cây Mùa Xuân để có lý do đốt sập trường! Lưỡi rìu cứ thế tiếp tục hạ xuống, đốn sạch bọn kỹ sư – nhưng lần này khỏi cần dán nhãn hiệu “tiểu tư sản” nữa!
Như trường hợp kỹ sư hầm mỏ Nikolai Merkuryevich Mikov chẳng hạn. Trên hoạ đồ lý thuyết thì đào con đường hầm phải đào như thế mới đúng nhưng chỉ vì một khác biệt địa tầng không thể tính trước được nên hai đầu hầm không đụng nhau. Thế là ông kỹ sư đụng điều 58 khoản 7 của Bộ Hình Luật và thời buổi này là 20 năm chẵn!
Cũng là nạn nhân của khoản 7 điều 58 Hình Luật nhưng chỉ phải lãnh có 10 năm là nguyên nhóm Kôtvich 6 người, cũng chuyên viên địa chất, cùng tội danh “cố tình giấu đi, không chịu khai quật lên số quặng kẽm để chờ quân Đức tới”. Nói cách khác là mỏ kẽm nằm đó nhưng họ không khai thác được quặng vậy.
Ngay sau những đợt bắt tập thể nói trên là những đợt đặc biệt mệnh danh Ch S, tức vợ con thân nhân của nạn nhân, kể cả những vị phu nhân của những ông mới đây còn lãnh đạo Đảng. Riêng ở một vài nơi như Lêningrad thì những kẻ lãnh án 10 năm mà không có quyền thăm nuôi (nghĩa là phải hiểu ngầm bắn bỏ rồi) là bắt buộc phải xếp vào loại Ch S. Và thông thường có nhãn hiệu Ch S là “có” 8 năm. Tuy vậy họ vẫn còn hơn đám kulak ở chỗ mình cũng phải đi đày nhưng con cái không phải đi theo!
Số nạn nhân năm đó phải kể từng đống, từng núi, vì NKVD không ngần ngại tấn công chính điện, ngay giữa thành phố. Hãy kể một nạn nhân G.P. Matveyeva thôi: chồng bị bắt, có ba anh em trai thì cả ba cùng bị luôn và bốn người bốn ca khác hẳn nhau. Màn kết là bốn kẻ đi chỉ về được một!
Có ông cán bộ Điện lực phụ trách một khu. Chẳng may trong khu ấy đường dây cao thế bị đứt. Thế là khoản 7 điều 58 được áp dụng tức khắc: 20 năm tù. Cũng như chú công nhân ở Perm tên Novikov bị tố cáo tội sắp đặt phá hoại cây cầu trên sông Kama vậy mà.
Cũng trong thị xã Perm công dân Yuzhakov bị chặn bắt ngay ban ngày thì ban đêm bà vợ bị Cơ quan cử người tới viếng. Họ đưa ra một bản danh sách lập sẵn, bảo người vợ ký đi, thú nhận là những người này có tới nhà bà ta dự phiên khai thội liên Đảng Men-xơ-vích / Xã hội Cách mạng. Bà vợ được dỗ-ngọt nếu ký tên vô sẽ được ở nhà nuôi 3 đứa con nhỏ. Dĩ nhiên NKVD có chữ ký: bao nhiêu người có tên trong bản danh sách thế là “đi” luôn nhưng người ký tên thì vẫn ở tù như thường.
Lại có trường hợp “trùng tên họ” của Nadezhda Yudenich mới là đau. Dĩ nhiên nằm khám 9 tháng thì Cơ quan cũng điều tra xong chỉ là chuyện ngẫu nhiên trùng họ với ông tướng Yudenich từng chống lại Hồng quân.
Kẻ bị bắt oan phải được trả lại tự do nhưng đau đớn ở chỗ bà mẹ không ai trả lại, chỉ vì quá sầu khổ cho đứa con gái bị lao tù oan bà mẹ già đã chết từ hồi nào.
Trớ trêu thay, cũng trùng họ có người chợt nghe thấy mà vồ đúng người thật: đó là trường hợp phim Lênin trong Cách mạng tháng Mười được mang về chiếu cho nhân viên y viện Staraya Russa coi. Trong phim có câu: “Palchinsky phải biết chớ”. Palchinsky là tên trùm phản động đã chống giữ Điện Mùa Đông hăng nhất. Bỗng nhiên có người chợt nhớ ra y viện này cũng có người nữ y tá tên Palchinskaya. À, đúng nó rồi! Cứ bắt thử coi! Thì tình cờ lại đúng boong “vợ thằng đại phản động” hồi chồng bị bắt và xử bắn đã “lọt lưới” chạy về quê thoát nạn.
Năm 1936 có 3 anh em nhà Borusko từ Ba Lan được cha mẹ mang sang Liên bang Xô-viết sinh sống. Cả 3 đứa Pavel Ivan và Stepan hồi đó còn nhỏ xíu nhưng lớn lên gặp đợt bắt lớn này cả 3 đứa cùng bị vì tội PSh nghĩa là tình nghi gián điệp – và đứa nào cũng lãnh 10 năm.
Bị kết tội ASA tức xách động chống nhà nước Xô-viết và cũng lãnh 10 năm có một thiếu phụ làm nghề tài công xe điện ở Krasnodar. Một đêm tan tầm khuya, nàng đi bộ về nhà đi ngang một địa điểm ở ngoại ô thành phố bắt gặp một chiếc xe vận tải pan nằm đường và có mấy người đang hì hục khuân “hàng”. Nàng liếc mắt thấy “hàng” được đóng kín vô thùnng hướng vẫn có những cái thò ra ngoài. Toàn những cẳng chân và cánh tay người không.
Ghê sợ quá toan bỏ đi thì nàng bị mấy người chỗ “hàng” giữ lại, ghi tên tuổi, giấy tờ, địa chỉ. Sáng sớm hôm sau đã có người tới tận nhà mời về Cơ quan, chừng điều tra viên hỏi tội gì, nàng cứ nguyên văn thấy gì khai nấy. Có vậy mà 10 năm tù!
Có người công nhân sửa ống nước có máy phóng thanh trong phòng nhà và cứ nghe tên lãnh tụ là cúp máy [13] . Bị hàng xóm đem sự việc cáo giác – không biết ông bà hàng xóm quý hoá ấy ngày giờ này ở đâu – hắn bị ghép vào tội SOE, tức thành phần nguy hiểm và lãnh 8 năm tù.
Cũng một tội SOE tức thành phần xã hội nguy hiểm nhưng lãnh 10 năm tù là một gã thợ sửa lò, chữ nghĩa lem nhem nên những lúc rỗi rảnh khoái viết tên mình chơi. Không có giấy trắng thì hắn viết trên giấy nhật trình cũ đỡ vậy, có điều tình cờ hắn toàn viết tên hắn đè lên trên tên lãnh tụ. Giấy báo cũ thì còn ai lưu ý đọc làm gì, nếu không dùng vào công việc vệ sinh. Ngồi nhà cầu công cộng có gã hàng xóm tẩn mẩn “phát giác” sự bất kính trên va đem sự việc tố cáo tức thời.
Không phải hồi đó chỉ một mình Stalin khoái được thấy hình mình đăng báo – càng nhiều triệu càng tốt – nhưng đám đàn em thân cận cũng mắc chứng bệnh này. Nhiều lãnh tụ bị xúc phạm kiểu trên nên số “tác giả” dám làm bậy và ở tù ASA không phải ít!
Thời kỳ đó gọi dịch bắt người thật đúng. Từ phố này sang phố khác nạn bắt người “đi” nhanh như dịch-thời-khí và lây vô cùng dễ dàng, không ai hay biết! Nếu bệnh dịch có thể lan truyền kinh khủng chỉ vì một làn hơi, một cái bắt tay, một đụng chạm vô ý thì dịch bắt người cũng ghê gớm in hệt. Ví dụ chiều hôm nay anh vừa bắt tay một thằng ở ngoài đường, gặp gỡ rất tình cờ, nhưng sáng mai nếu nó bị Cơ quan bắt giữ và nó thú nhận đang cùng phe đảng âm mưu bỏ thuốc độc vào giếng nước toan sát hại cả tỉnh thì chính anh có bị bắt lây cũng là việc quá thông thường!
Bảy năm về trước đám thị dân xuôi tay ngó dịch thanh trừng đốn sạch sẽ nông thôn. Bảy năm sau đến lượt các đô thị bị quét nhưng chính nông thôn cũng ngất ngư gần chết. Không ngó ai nổi vì chính mình cũng đang hấp hối.
Vì nông thôn năm ấy cũng nhiều thằng nạp mạng vì đợt ASA. Như ông cán bộ quận, chuyên trách thanh tra thú y tên Saunin cũng lãnh bản án 15 năm vì nạn dịch trâu bò và mất mùa. Cũng vẫn còn nhẹ vì Ủy ban Quận bị xử bắn đâu có sót một mạng. Có ông nông dân già tình cờ được gặp đồng chí Bí thư Chi bộ Quận mừng quá bèn hỏi đồng chí Quận coi liệu đồng chí có hay 7 năm nay mấy người làm nông trường tập thể có làm thật mà thóc dân không được lãnh, chỉ có rơm mà lại quá ít vậy? Một câu hỏi mà 10 năm tù, chỉ vì đợt ASA tức “xách động chống nhà nước”.
Trường hợp dưới đây đau hơn bởi lẽ người nông dân 6 con đó phục vụ thật hăng cho tập thể, chỉ với hy vọng mai sau sống dễ thở hơn. Hắn phải tích cực thế nào mới được thưởng Huy chương chớ? Dĩ nhiên buổi lễ ân thưởng phải được tổ chức trọng thể với rất nhiều diễn từ ca ngợi làm hắn quá sung sướng, nổi hứng reo lên:
"Phải chi được bao bột thay vì tấm huy chương này thì còn sướng nữa! Có thể nào đổi được chăng?"
Giữa niềm vui chung cả hệ thống cười rầm rầm. Nhưng sáng mai người nông dân đó mang huy chương đi đày luôn và mang theo cả 6 đứa con nhỏ!
Tất cả những trường hợp bắt người như vậy có thể nào cho phép ta kết luận chỉ những người vô tội bị bắt sau không?
Không được! Tôi quên tiết lộ điều này! Ngay từ nguyên tắc, vấn đề có tội hay không đã bị cách mạng vô sản dẹp bỏ từ lâu. Ngay từ lúc khởi đầu thập niên 1930 nó đã bị kể như tư tưởng cơ hội chủ nghĩa hữu khuynh, do chính đồng chí Chưởng lý Vyshinsky phát biểu! Nguyên tắc đã định vậy thì nhất định chẳng thể chấp nhận những lý luận lạc hậu, cũ rích về có tội hay không có tội.


*
Đợt sóng ngược chiều năm 1939 là một đột biến chưa từng nghe thấy trong lịch sử, một vết đen trên trang thành tích. Nó chẳng phải đợt sóng lớn, số người bị nhiều nhất chỉ từ 1 đến 2 phần 100, những kẻ còn bị giam giữ nhưng chưa thành án. Chưa phải đưa đi đày và còn sống sót. Đúng vậy, đợt sóng ngược thật nhỏ nhưng mục tiêu nhằm tới thì vô cùng hữu hiệu.
Đại khái cũng như thâu vô 1 rúp chỉ thối có 1 Kopeck nhưng cần phải tạo vết nhơ này để bao nhiêu tội lỗi bẩn thỉu trút hết lên đầu thằng Yezhov [14] để củng cố cho đồng chí Beris vừa lên thay mà cũng đánh bóng cho Lãnh tụ luôn cho sáng đẹp hơn nữa. Có thể nói, với một đồng kopeck nhà nước đã chôn luôn một đồng rúp vô cùng khéo léo.
Dĩ nhiên nếu có đợt xét lại hồ sơ thì phải có một nhóm người được thả ra thực sự. Một vài bài báo còn bạo dạn vạch rõ ràng những trường hợp riêng rẽ của những nạn nhân mất mạng oan. Nhưng số thả ra quá ít, số còn kẹt thì quá nhiều, chứng tỏ những người còn kẹt quả là có tội thực sự. Những người vừa được tự do đâu dám hó hé, người nào cũng đã ký giấy tình nguyện câm mà sự thực thì họ cũng đã bị kinh hoàng đến độ run sợ, hết nói nổi! Vả lại có mấy người trong bọn đã thực sự nếm mùi đi-đày mà biết quần đảo ngục tù nó như thế nào.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn y trang: tối tối thì Mật vụ Áo đen vẫn mò đi “công tác” mà ngày ngày đám trẻ vẫn ngoan ngoãn diễn hành.
Vả lại đồng kopeck được liệng ra thì nhà nước lại quơ vô, cùng trong một năm, cũng do những khoản lợi hại của điều luật số 58 ghê gớm. Đúng thế, sang đến năm 1940 thì còn ai nhớ ra đến lớp lớp những bà vợ vô khám chỉ vì không chịu chối bỏ chồng. Và dân đô thị Tambov mấy ai còn nhớ trong năm bình an đó có vụ cả một ban nhạc Jazz đang chơi cho rạp hát – chiếu bóng Modern bỗng bị lùa hết cả đi vì tất cả đều là kẻ thù của dân tộc.
Ai còn nhớ ra năm 1939 ba chục ngàn dân Tiệp Khắc đã bỏ quê hương bị Đức chiếm đóng, chạy nương náu với các bà con họ đang ở Nga? Dĩ nhiên chẳng thể đảm bảo trong số này không có một tên làm gián điệp cho Đức, nhưng tất cả 30 ngàn dân Tiệp tỵ nạn đều bị tống hết vào các trại tập trung ở miền Bắc (hồi chiến tranh với Đức cũng chính đám người này đi cung cấp “Binh đoàn Tiệp Khắc”).
Phải chăng cũng năm 1939 nhà nước mới chiếu cố tới mấy xứ anh em miền Ukraine và Byelorussia ở phía Tây và năm 1940 mới đến đám Cộng hoà Baltic và Moldavia. Thì ra đến lúc đó mấy xứ Cộng hoà anh em nói trên mới cần phải thanh trừng gấp, phải tống từng đợt vô quần đảo trước, kể như biện pháp phòng ngừa.
Vì tính chất những cuộc thanh trừng là phòng ngừa nên khởi sự là phải bắt trước những lớp người xuất sắc, nghĩa là có một điểm gì hơn người. Cứng đầu, có uy tín là bị trước. Rồi đến thành phần khán giả thông minh, sáng suốt, nghĩa là những con người có giá trị. Nhất là dân Ba Lan gốc gác ở mấy tỉnh cũ Ba Lan vừa sáp nhập.
(Đó là lúc phải ém nhẹm kỹ vụ thảm án Katyn nhưng cũng lúc đó trên những trại Cải tạo miền Bắc phải chuẩn bị tập hợp nhân lực cho các bình đoàn Sikozsky và Anders sau này.)
Nói chung, ở bất cứ đâu sĩ quan là không thoát. Để dám đâu kinh hoàng phải câm miệng mà cũng run sợ như rắn không đầu, không ai dẫn dắt. Có muốn kháng chiến cũng thiếu cấp lãnh đạo. Đó là lúc ân nghĩa đoạn tuyệt, bao nhiêu tình xưa nghĩa cũ đều chấm dứt hết. Khôn khéo, thủ đoạn trước hết.
Năm đó Nga chiếm trọn bán đảo Phần Lan nhưng không chiếm được dân được người. Tuy nhiên những cuộc xáo trộn, tái định cư dám dân có máu Phần Lan đã diễn ra khắp vùng Karelia thuộc Nga và ở Lêningrad: những đợt giam người đó chúng ta đâu để ý đến chỉ vì chúng ta đâu phải người Phần Lan. Cuộc chiến tranh với Phần Lan. Và dịp đầu tiên để chúng ta thuyết phục các tù binh, gán cho họ tội phản bội tổ quốc! Quả thực một sự gán ghép chưa từng có trong lịch sử. Chính anh có tưởng tượng nổi không? Vậy mà chúng ta không để ý tới.
Đó là một cuộc tổng dượt, đúng vào lúc chiến tranh vào lúc chiến tranh bùng nổ tiếp theo là một cuộc rút lui đại quy mô. Làm như cần phải mau mau rút gấp tất cả số người ở các xứ Cộng hoà miền Tây, khỏi vùng để lại cho quân địch. Trong cơn gấp rút nhiều đơn vị được bỏ lại nguyên vẹn, từng trung đoàn phòng không, pháo binh nằm lại Lithuania nhưng những thành phần khả nghi cần phải mang đi thì chúng ta xách theo cả mấy ngàn gia đình (số người mang theo đó chúng ta tống hết vô các trại giam, mà sau đó riêng ở trại Krasnoyarsk ít nhất cũng có tới 4 ngàn người bị bọn bất lương “làm thịt”).
Từ ngày 23 tháng 6 trở đi ở Latvia và Estonia, những cuộc bắt người cũng được thúc mạnh thêm, khói lửa càng lan tràn càng phải xô họ đi lẹ hơn. Họ quên không gỡ cả pháo đài mang đi theo như ở Brest nhưng điều họ không quên là xử bắn các phạm nhân chính trị ở ngay trong xà lim cũng như ở ngoài sân các khám đường Lvov, Rovno, Tallin và nhiều khám đường khác ở các xứ Cộng hoà miền Tây. Nội ở khám đường Tartu họ cũng đã bắn bỏ 192 tù và thảy xuống các giếng.
Một chuyện như vậy có thể xảy ra được sao? Được chứ, nhưng người ngoại quốc làm sao biết nổi? Chẳng hạn những người bị hạ sát trong xà lim thì thình lình cửa phòng giam mở bật, rồi từng loạt đạn nã vô. Nạn nhân trúng đạn và trước khi chết sẽ gào lên đau đớn lắm nhưng có ai ở đấy mà nghe, ngoài bốn bức tường câm? Làm gì có nhân chứng để mà kể lại? Tuy nhiên rất có thể có một vài người không chịu chết tức tưởi vậy nên rồi đây không chừng ta sẽ được đọc một vài chuyện thực của những “người chết sống lại”.
Ở hậu phương, sau khi chiến cuộc bùng nổ tghì những đợt sóng tù đầu tiên không ngoài những tên phạm tội xầm xì, rỉ tai gieo rắc hoang mang kinh hoàng cho quần chúng. Tội này không nằm trong Bộ Hình Luật mà có hẳn một Sắc luật ban hành khẩn cấp [15] Xét ra đây đúng là một thứ luật “ngáo-ộp” cần thiết để duy trì tình trạng khẩn cấp thời chiến. Sắc luật không phân biệt án nặng án nhẹ mà đồng hạn 10 năm. Nó không nằm trong điều 58 Bộ Hình Luật nên những thằng nào chịu đựng được trại tập trung thì tới 1945 đã được tổng ân xá hết.
Sau những đợt tù gieo rắc hoang mang đến một đợt đặc biệt gồm tất cả những công dân giấu giếm, không chịu nạp máy thâu thanh hoặc một bộ phận máy thâu thanh theo lệnh nhà nước. Chỉ cần có người tố cáo và tìm ra được một bóng máy thâu thanh giấu giếm cũng đi đày 10 năm.
Thế rồi đến đợt tù Đức, những người Đức sống bên sông Volga, từng sinh cơ lập nghiệp ở Ukraine hay miền Bắc Caucasus, nói chung tất cả những người Đức ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Nga. Yếu tố quyết định là vấn đề huyết thống: cứ có máu Đức là cho đi đày, có công trạng trong Cách mạng hay cựu đảng viên cũng khỏi tha. [16]
Xét về bản chất thì vụ cho đi đày tập thể dân Đức cũng chẳng khác nào vụ truất nhiệm bọn kulak. Có điều có máu Đức lại đỡ cơ cực hơn, lúc lên đường còn được phép mang theo ít nhiều hành trang và không đến nỗi phải đi những vùng nước độc. Cũng như trường hợp bọn kulak, vụ đưa đi đày dân Đức chẳng có căn bản pháp lý gì hết. Bộ Hình Luật là một chuyện mà vụ đày ải cả trăm ngàn con người lại là một chuyện khác, hoàn toàn khác. Nó hoàn toàn do ý riêng của Lãnh tụ. Vả lại chưa lần nào người có dịp sắp xếp vận mạng cho cả một thành phần trên căn bản huyết thống cho nên Lãnh tụ quan niệm vấn đề như một thử thách lý thuyết vô cùng mới lạ vậy.
Năm 1941 vào dịp cuối Hạ đầu Thu có một đợt sóng tù khổng lồ, lớp lớp chiến sĩ liều chết vượt sóng vây địch, trở về hàng ngũ nhưng bị lùa bằng hết vào quần đảo ngục tù. Mới đây họ vừa được tiễn đưa rềnh ràng để ra trận có kèn trống, vòng hoa đàng hoàng. Chịu không nổi với đám xe tang Đức mà cũng đâu phải lỗi ở họ. Họ cũng đã để cho địch bắt đâu. Mặt trận vỡ họ bị đánh tản lạc và ráng cầm cự mãi mới về được đất nhà.
Ở bất cứ trường hợp nào thì những chiến sĩ đó cũng phải được giang rộng tay đón tiếp, an ủi, cho về thăm gia đình ít ngày rồi lại lên đường ra trận chớ. Đằng này họ bị nghi ngờ, bị giải giới, truất hết mọi thứ quyền trước khi bị chia ra từng toán nhỏ, đưa đến các địa điểm nhận diện, thẩm vấn để các Sĩ quan an ninh “quay” đủ mọ câu hỏi. Cái gì cũng bị nghi ngờ, ngay căn cước họ cũng chẳng tin. Tất cả bị quay tơi bời: bị hỏi đi vặn lại và gạn lọc xong chỉ một số được phục hồi tên cũ, cấp bậc cũ và trở về đơn vị cũ. Số còn lại bị ghép vào điều 58, khoản 1b để lũ lượt vô trại tập trung về tội phản bội Tổ quốc! Trông thấy trước 10 năm đi đày, cho đến khi ấn định xong hình phạt tiêu chuẩn.
Bộ đội chính quy hoạt động thì lại bị thanh trừng vậy đó. Còn biết bao nhiêu đơn vị nằm ở Viễn Đông ở Ngoại Mông thì các ông Sĩ quan An ninh có nhiệm vụ cao đẹp là giữ làm sao cho khỏi “han rỉ”. Rỗi rảnh quá nên những chiến sĩ Viễn Đông Ngoại Mông từng chiến trận quen nay đánh giặc miệng, nhất là sau khi họ được làm quen với mấy thứ võ khí tối tân như tiểu liên Degtyarev và những ổ BKP cấp Trung đoàn. Họ không hiểu sao quân đội ta võ trang tới cỡ này mà cứ phải chạy dài ở mặt trận miền Tây. Họ ở cách xa Tổ quốc cả một vùng Sa mạc Tây Bá Lợi Á và vùng núi Urals, làm sao họ có thể hiểu nổi mỗi ngày lùi nổi trên trăm cây số là quân đội ta đang thực tập hàng ngày kế hoạch rút lui Kutuzov? Họ chỉ có thể hiểu bằng một đợt tù. Lúc bấy giờ thì hết bàn tán, lúc bấy giờ mới có Đức tin bằng thép!
Dĩ nhiên phải có một số cán bộ quân sự đầu to trong đám đi đày. Phải có người nào đó để quy trách tội rút lui, miễn không phải nhà chiến lược vĩ đại, nhưng ít nhất đã gọi một đợt tù thì phải có ít nhất cỡ nửa trăm cấp tướng. Mùa hè 1941 họ còn nằm ngọc Mạc Tư Khoa nhưng đến tháng 10 thì cũng đi đày như bao người khác.
Trong đợt tù tướng này, phần đông thuộc binh chủng Không quân, trong số đó có ông Tướng Tư lệnh Smushkevich và tướng Ptukin, người lừng danh vì câu: “Nếu tôi biết trước tình trạng này thì tôi thả bom xuống đầu lãnh tụ rồi vô tù sau!”.
Ngay chiến thắng bên ngoài Mạc Tư Khoa cũng còn tạo một đợt tù mới: đó là những người dân thủ đô không chịu chạy, không được tản cư hay đã anh dũng ở lại trong khi cán bộ nhà nước chạy đâu hết. Thế mà những người dân đó bị khép tộ ở lại với mưu toan lật đổ chính quyền (khoản 10, điều 58) hoặc ở lại để chờ quân Đức tới (điều 58, khoản 1a và điều 19), số nạn nhân vừa đủ để các ông thẩm vấn viên ở Mạc Tư Khoa và Lêningrad bận rộn cho tới năm 1945.
Dĩ nhiên khỏi cần nói khoản 10 điều 58 và điều luật ASA – tức xách động chống nhà nước Xô-viết – vẫn tiếp tục làm mưa làm gió suốt thời kỳ chiến tranh, từ tiền tuyến tới hậu phương. Thiếu gì dân di cư vi phạm khoản 10 điều 58 chỉ vì lỡ miệng tả oán về những khủng khiếp trong cuộc chạy giặc, trong khi báo chí đã vạch rõ ràng là “quân ta chỉ triệt thoái theo kế hoạch vạch sẵn”.
Cùng bị vì khoản 10 điều 58 ở hậu phương có đám người ưa xôn xao, bàn tán là khẩu phần hồi này quá ít, ở tiền tuyến là mấy thằng xuyên tạc quân Đức võ trang hùng hậu hơn và năm 1942 thì cả hậu phương lẫn tiền tuyến đều có những thằng phạm tội dám loan truyền bậy là Lêningrad bị bao vây, bao nhiêu người chết đói.
Cũng trong năm đó, sau 2 trận thảm bại ở Kerch (120 ngàn tù binh) ở Kharkov (còn nhiều tù binh nữa) và cuộc rút lui khổng lồ ở miền Nam tới vùng Caucasus và sông Volga lại có một đợt vĩ đại quan cũng như lính bị tống vào tù cả đám. Đó là những người không chịu bó tay chờ chết nên không cần đợi lệnh trên, dám tự tiện rút lui mà Stalin đã buộc phản bội Tổ quốc trong Bức Nhật Lệnh nổi tiếng số 227 mà Tổ quốc nhất định chẳng thể tha thứ.
Điểm đặc biệt là những quân nhân thuộc đợt tù này không bao giờ được nếm mùi tù ngục. Sau khi được xử cấp tốc ở Toà án binh cấp Sư đoàn, tất cả đều bị tống đi trăm người như một thọ hình ở các Tiểu đoàn trừng giới để rồi sau cùng mất biệt luôn không để lại một dấu vết ở các tiền đồn. Đó là những hạt cát hạt xi măng xây dựng lên chiến thắng vĩ đại Stalingrad nhưng sử sách khỏi hề ghi lại mà chỉ có trong lịch sử của chế độ ngục tù.
(Mục tiêu của chương này chỉ để nhận diện những đợt sóng tù từ bên ngoài bị xô đẩy vào trong quần đảo. Không kể đến một đợt nội bộ, những làn sóng đưa người từ trại giam kia, những cuộc di chuyển trừng trị thuộc thẩm quyền của ban Giám đốc trại. Chế độ này rất thịnh hành trong thời chiến.)
Theo đúng lương tâm của người chép sử, chúng ta cũng phải ghi nhận những đợt sóng ngược chiều trong thời chiến. Đó là những tù nhân Tiệp Khắc, Ba Lan được các trại giam tập trung nhả ra cũng như những thường phạm được trả tự do để lên đường ra mặt trận.
Kể từ 1943 trở đi, phần thắng bắt đầu nghiêng về phe ta là hệ thống quần đảo khởi sự tiếp nhận một đợt tù vĩ đại, tính từ số triệu từ các lãnh thổ vừa chiếm đóng được, từ Âu châu gởi về, mỗi năm một nhiều cho tới 1946. Đại khái có thể chia làm hai thành phần:

  • Một là những thường dân sống chung với quân Đức hay sống trong vùng Đức chiếm đóng. Thành phần này mang án 10 năm, gọi tắt loại “a”, chiếu điều 58 khoản 1a.
  • Hai là thành phần gốc quân sự, cựu tù binh cũng mang án 10 năm, gọi tắt là loại “b”, chiếu điều 58, khoản 1b.
Sự thực đau khổ là sống trong vùng địch tạm chiếm đâu thể nhịn ăn mà bắt buộc vẫn phải làm một cái gì đó để khỏi chết đói. Kiếm ăn được có nghĩa là rồi đây cũng để kiếm luôn một bản án, nếu chẳng phải phản bội Tổ quốc cũng là cộng tác, trợ giúp địch quân. Theo thủ tục thì chỉ cần nhìn vào hàng chữ số ở giấy tờ tùy thân cũng biết ngay đương sự từng ở trong vùng đich chiếm. Bắt giam tất cả bọn người này xét ra là một điều vô lý trên khía cạnh kinh tế. Vì bắt bằng hết thì nhiều vùng trơ trọi hết, chẳng còn thằng dân nào sao? Vấn đề đặt ra là chỉ xét bắt một phần nào, một tỷ lệ những thằng phạm tội – thằng nào phạm một nửa tội, thằng nào một góc tội và những thằng thực sự chạy theo Đức.
Hãy cứ lấy tỷ lệ 1%. Một phần trăm của một triệu người có nghĩa là mười trại giam chật cứng người rồi!
Chớ có tưởng tượng là ở trong vùng tạm chiếm, tham gia hoạt động bí mật chống Đức là kể như bảo đảm khỏi bị tống vô đợt tù này. Công trạng nào có nghĩa lý gì?
Hãy lấy trường hợp của một đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Kiev được tổ chức gài vào Sở Cảnh sát Kiev dưới thời Đức chiếm đóng. Dĩ nhiên để làm một thứ “tay trong”, có tin tức gì là báo cáo đầy đủ và hắn đã làm tròn bổn phận. Nhưng khi giải phóng thành Kiev hắn cũng không tránh khỏi 10 năm đi đày chỉ vì tội “thân Đức” hoặc đã trót thi hành một mệnh lệnh gì đó của địch.
Tuy nhiên những người ở Âu Châu về lãnh án mới nặng, dù họ từng bị Đức bắt đưa đi sang đó làm lao công cưỡng bách. Để chúng tự do lỡ chúng thấy cái gì ở bên đó về nói lại thì sao? Dĩ nhiên những câu chuyện chúng kể lại thì có gì hay ho, đáng nghe, trừ những nhận xét của những tay viết bút ký có hạng? Nhưng thời buổi hậu chiến, tàn phá hết chính quyền Xô-viết không thể để những tin tức như vậy lọt ra ngoài. Đâu phải thằng nào cũng sẵn sàng nói theo nhà nước là đời sống bên Âu Châu đang cực kỳ khổ sở, sống không nổi.
Chính vì chủ trương bưng bít này mà đại đa số tù binh được Đức tha về đều bị tống đi đày hết, chớ đâu phải vì tội đầu hàng địch nhục nhã mà thôi. Những tù binh nào từng có dịp sinh hoạt ngoài trại tử thần của Đức đều bị hết [17] ! Rõ ràng là bị ngược đãi còn hơn hồi làm tù binh.
Một thí dụ điển hình là hồi mới phát động chiến cuộc, một khu trục hạm của chúng ta bị mắc cạn và bị “giữ lại” ở Thụy Điển. Thủy thủ đoàn “bị giữ lại” nhưng tất cả đã sống tự do trên lãnh thổ Thụy Điển, được nuôi ăn nuôi ở đàng hoàng, no đủ tới mức chưa bao giờ được sống sung sướng tới vậy. Tất cả thủy thủ đoàn bị lên án “ăn no ngủ kỹ” ở vùng đất trung lập là Thụy Điển trong khi Tổ quốc bị xâm lăng, lâm nguy và chết đói. Sau khi chiến tranh chấm dứt, cả chiếc tàu mắc cạn lẫn thủy thủ đoàn đều được Thụy Điển giao trả lại nguyên vẹn và đặt chân về tổ quốc là cả đám bị trừng trị đích đáng. Đợt tù này mang tên Kadenko nhưng đặc biệt lần này nhà nước không xử họ tập thể mà chia mỗi người tản lạc về một phương để rồi từng người một bị nắm đầu vì tội ASA – tức xách động chống nhà nước Xô-viết – nghĩa là phạm tội ca ngợi đời sống tự do, ăn uống sung sướng ở nước Thụy Điển tư bản.
Câu chuyện tàu Kadenko đâu đã chấm dứt. Khi mỗi người bị tống vô một trại khác nhau thì thủy thủ đoàn đã biết điều, biết hó hé là bị nặng nữa nên đành câm miệng luôn. Tuy nhiên báo chí Thụy Điển nghe được tin này đã đăng nhiều bài phóng sự, điều tra cho cả thế giới biết. Đó là lý do đang ở rải rác mỗi người một trại, bỗng nhiên toàn thể thủy thủ đoàn được lệnh đặc biệt gom lại một chỗ để đưa hết về khám đường Krestinky ở Lêningrad.
Nơi đây thủy thủ đoàn Kadenko được nuôi ăn gấp rút cho mau mập, lên cân như heo. Tuy nhiên cũng phải mất 2 tháng để đợi cho tóc mọc dài đàng hoàng và có đủ thời giờ học tập nhồi sọ từng cung cách ăn nói, ai hỏi phải trả lời sao cho thuộc vở là dĩ nhiên kèm theo lời dặn: “Nếu trả lời lệch ra ngoài mỗi đứa sẽ lãnh một viên vào sau ót!”.
Sau đó tất cả đều được phát đồ mặc, mỗi đứa một bộ tươm tất để trình diện tự do trước một số nhà báo lựa chọn sẵn, dĩ nhiên trong số đó phải có các ký giả Thụy Điển từng gặp gỡ, biết mặt từng người trong đám thủy thủ Kadenko. Trong cuộc họp báo tất cả thủy thủ đoàn lần lượt kể lại họ sinh hoạt sung sướng, học tập tử tế như thế nào và ngỏ ý phẫn nộ trước những luận điệu xuyên tạc của báo chí tư bản mà chính họ vừa đọc thấy (trên nguyên tắc thì báo chí tư bản cũng vẫn được phép bày bán ở các sạp báo mà). Chính vì đọc thấy những bài láo khoét trên mấy tờ báo đó mà họ công phẫn, viết thư thông báo cho nhau và đi đến quyết định tự động rủ nhau về Lêningrad nhờ Cơ quan mời nhà báo tới để nhất định nói lên sự thực (!) dù tốn kém bao nhiêu chi phí di chuyển cũng cam chịu.
Trước sự cải chánh cụ thể và vô cùng hùng hồn, lại chính do các đương sự tự miệng nói ra, người nào coi cũng láng coóng, khoẻ mạnh, mấy ông nhà báo Thụy Điển còn cách nào hơn là cúp tai ra về viết bài xin cáo lỗi.
Họ đâu thể ngờ có một sự sắp xếp tập thể, dựng vở khéo léo đến như vậy. Đâu dám tưởng tượng đến sự thực não nề ở bề trái của nó, nghĩa là họp báo xong tất cả thủy thủ đoàn lại được lệnh cỡi bỏ quần áo mới ra, hớt tóc đồng loại, khoác lại mớ giẻ rách để ai về trại nấy.
Tuy nhiên có một sự thực vẫn phải nhìn nhận là chính vì bọn họ đã biểu diễn y khớp trong buổi họp báo nên thủy thủ đoàn Kadenko không thằng nào bị lãnh án thêm cả!
Chen vào giữa những lớp sóng khổng lồ xô đẩy vào quần đảo ngục tù những người dân có một thời sống trong vùng địch tạm chiếm là đến những đợt nho nhỏ, xô gọn vào trại tập trung các sắc dân thiểu số: năm 1943 có bọn Kalmyk, Chechen, Ingush và Balkar. Năm 1944 đến lượt đám dân Tatar ở bán đảo Crimea.
Đưa bằng ấy con người đi đày vĩnh viễn đâu phải chuyện dễ dàng nếu Cơ quan không được quân đội chính quy giúp đỡ phương tiện chuyên chở cũng như nhân sự. Hồi đó nhiều đơn vị chính quy được lệnh hành quân bao vây trọn một bản, một trại của những sắc dân thiểu số nói trên để “thanh toán” cứ điểm hăng như nhảy dù xung kích vậy. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, trọn một bản một trại bị hốt sạch, bị bứng khỏi nơi họ đã sinh sống từ mấy đời để lên xe tới ga xe lửa, đáp từng chuyến tàu đặc biệt chạy một mạch sang Tây Bá Lợi Á, Kazakhstan, Trung Á hay ngược lên miền Nga Bắc. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ đất đai, tài sản của họ được chuyển lại hết cho những người “thừa kế”.
Năm 43, 44 đám dân thiểu số bị đi đày cũng như hồi mới bùng nổ chiến cuộc dân Đức bị đưa đi an trí tập thể, hoàn toàn trên căn bản huyết thống. Khỏi có vấn đề lập danh sách cho nên đảng viên, Anh hùng lao động hay là chiến sĩ đang chiến đấu lỡ kẹt cũng “đi” như thường dân vậy.
Trong mấy năm chót chiến cuộc dĩ nhiên có một cuộc đãi lọc trong các trại tù binh Đức. Hồ sơ nào nặng, đáng bị đưa ra xử làm phạm nhân chiến tranh sẽ có án Toà gởi về cho ban Giám đốc Trại.
Qua năm 1945 mặc dù chỉ giao tranh đúng 3 tuần lễ nhưng ta cũng quơ gấp rút được một số lớn tù binh Nhựt để đưa đi phục vụ cho các công trường kiến thiết được dựng lên cấp tốc ở Tây Bá Lợi Á và Trung Á. Dĩ nhiên đúng theo thủ tục từng áp dụng với tù binh Đức, các Trại cũng phải gạn lọc ra một số tù binh Nhựt hạng nặng để sắp loại “phạm nhân chiến tranh” [18] .
Cuối năm 1944, khi quân đội ta tràn vô Ba Nhĩ Cán và năm 1945 bắt đầu tới Trung Âu thì các trại giam thuộc quần đảo lại nhận thêm một lớp tù “hồi cư”. Đó là những người phần đông đã già cả, từng bỏ nước ra đi từ những ngày Cách mạng, hồi còn thanh xuân nay bắt buộc phải “hồi cư”. Đặc biệt lần này không có đàn bà con nít đi theo cũng như không phải cứ đàn ông là “hồi cư” hết: được chiếu cố trước tiên là những người 25 năm về trước dám có một tư tưởng chính trị hay là dám phát biểu ý kiến suốt trong thời gian ¼ thế kỷ sống ở ngoại quốc. Những kẻ chịu yên phận, nép một bề thì được để yên. Đợt “hồi cư” bắt buộc này đa số xuất phát từ Bảo Gia Lợi, Nam Tư, Tiệp Khắc. Một số từ Áo, từ Đức, còn những quốc gia Đông Âu khác gần như không có dân di cư gốc Nga.
Năm 1945 cũng có nhiều người từ Mãn Châu tự ý hồi cư về, chỉ có một số ít bị bắt buộc. Nhiều gia đình lên đường trở về quê hương sau thời chiến. Họ tự ý trở về và được tự do cho đến khi về đến nơi đến chốn. Lúc bấy giờ mới có cuộc gạn lọc, ai đưa đi đày ai tống vô ngục.
Cho mãi đến 2 năm 1945-1946 mới có một đám đông bị đẩy vô quần đảo có thể gọi là những thành phần đích thực chống đối chế độ Xô-viết. Họ gồm đám thuộc cấp, bộ hạ của tướng Vlasov, bọn Cô-sắc thân Krasnov [19] và những dân theo đạo Hồi giáo thuộc nhiều chủng tộc mà Hít-le hồi đó đã “ly khai”. Trong đám đông này chỉ có một số hoạt động, đại đa số chỉ theo phong trào một cách thụ động hoàn toàn.
Cũng nằm trong đợt tù hồi cư phải kể thêm không dưới một triệu con người chạy trốn chế độ Xô-viết. Họ là những người dân nam nữ đủ mọi tuổi may mắn được tỵ nạn ở những lãnh thổ do Đồng minh kiểm soát nhưng trong 2 năm 1946-1947 họ thình lình bị các giới chức Đồng minh tập trung lại, giao trả một cách tàn nhẫn không chút xót thương cho chính quyền Xô-viết.
Thật không ngờ điều bí mật vĩ đại về sự bội phản ghê gớm này được hai chính phủ Anh, Mỹ bưng bít kín đến thế, nhất là ở một xã hội có truyền thống ưa phanh phui những bí mật chính trị như ở Âu, Mỹ. Có thể nói đây là một bí mật cuối, hay một trong những bí mật cuối cùng của Thế chiến II. Tôi từng gặp một số dân “hồi cư” này trong các trại Cải tạo và không ngờ chính phủ Anh, Mỹ có thể bưng bít tới ¼ thế kỷ để dân chúng Anh cũng như Mỹ hoàn toàn mù tịt về hành động đầy non triệu con người vào chỗ chết.
Mãi tới ngày 22 tháng 1 năm 1973 mới thấy hé mở tia sáng đầu tiên về bí mật vĩ đại này trên tờ Sunday Oklahoman, do một bài của Julius Epstein. Nơi đây tôi xin đánh liều thay mặt họ ghi nhận lòng biết ơn của một khói người đa số đã tuyệt tích, sống sót hoạ may chỉ còn một ít người. Dù sao cũng còn một tài liệu vặt vãnh được công bố lên bên cạnh cả núi tài liệu đã chôn sâu, một bằng chứng về sự bó buộc hồi cư tập thể non một triệu người từng trốn chạy chế độ Xô-viết.
Cũng xin trích đăng ít hàng ghi nhận của tôi viết trong năm 1973 về số phận đám người đáng thương này: “Sau hai năm sống yên lành dưới quyền các giới chức Anh, họ cứ tưởng đời sống vậy là an toàn, bảo đảm, khỏi sợ gì hết, không ngờ số phận họ được quyết định một cách đột ngột. Không ai ngờ họ sẽ bị bắt buộc phải hồi cư về Nga. Đại đa số trong bọn họ chỉ là những nông dân chán ghét, chịu không nổi chế độ Bôn-sê-vích”.
Vậy mà các giới chức Anh đã tự ý quyết định số phận đám dân này, coi họ như một hạng phạm nhân chiến tranh phải giải giao cho Nga vậy. Xưa nay chưa hề có đám dân nào bị cưỡng bách giao nạp lại thẳng cho những người muốn bắt giam họ như trường hợp này. Dĩ nhiên họ biết lọt vào tay nhà cầm quyền Xô-viết là khỏi mong được xét xử gì mà tất cả đều đành chịu bỏ xác trong quần đảo ngục tù. Quả nhiên thực tế đã xảy ra in hệt!
Ngoài đợt sóng “dân hồi cư” khổng lồ này, năm 1945 quần đảo còn tiếp nhận một số người Balan có chân trong binh đoàn Mikolajczyk, một mớ dân Hung, dân Ba Lan. Từ 1945 đến mấy năm sau mới lũ lượt kéo vô rất đông đám dân gốc Ukraine có khuynh hướng quốc gia, dưới nhãn hiệu chung là “bọn Banderovtsy” [20] .
Nếu tất cả những đợt sóng tù nói trên được kể là vĩ đại vì có đợt cả triệu con người, ai mà nhận ra nổi những đợt sóng nho nhỏ, lẻ tẻ, đại khái như những nhóm dưới đây.
Phụ nữ “giao du” với ngoại nhân – Trong 2 năm 1946-1947 tất cả những đàn bà con gái từng giao thiệp với người ngoại quốc đều bị đưa đi đày hết, chiếu điều 7/35 bị xếp loại SOE tức thành phần có thể hiểm nguy cho chế độ.
Thanh thiếu niên gốc Tân Ban Nha – Đây là bọn nhi đồng được cha mẹ, bà con đưa từ Tây Ban Nha sang Nga sau khi nội chiến thất bại. Được vô ký túc xá nuôi ăn học, nhưng bọn này tỏ ra không thích hợp với đời sống xã hội Nga. Nhiều đứa muốn trở về quê hương. Khi Thế chiến II chấm dứt thì số nhi đồng này đã trưởng thành. Tất cả đều đi đảo chiếu điều 7/35, nghĩa là cũng xếp loại SOE. Những đứa cứng đầu bướng bỉnh đã có khoản 6 điều 58 Hình Luật, nghĩa là làm gián điệp cho Mỹ.
Năm 1947 có một đợt sóng ngược chiều quá ngắn, quá bất ngờ nhưng cũng phải ghi nhận, nơi đây cho công bình. Ba mươi năm đây là lần đầu tiên các tu sĩ được phóng thích, trả tự do. Dĩ nhiên nhà nước không chịu khó đi từng Trại để hỏi coi ai là tu sĩ thì cho ra. Phải có người ở ngoài can thiệp, vận động ghi rõ tên tuổi và hiện ở Trại nào thì vị tu sĩ đó mới được trả về với tự do để tăng cường, phục hưng lại Giáo Hội!


*
Dĩ nhiên đọc đến đây hẳn quý độc giả hẳn phải nhận thấy Chương thứ Hai này không nhằm liệt kê tất cả những đợt sóng người bị cuốn hút, xô đẩy vô quần đảo, mà chỉ có những trường hợp có chút màu sắc chính trị. Nếu ngành Cơ thể học đi hết ngành này mới sang bộ môn khác thì sau đây mới đến những đợt sóng tù thường phạm, tù không phải chính trị. Giai đoạn kể ra ở đây đi từ 1918 đến 1953 là đặc biệt có giá trị mang ra ánh sáng những đạo luật lừng danh giờ đã bị chìm vào quên lãng (xin nhấn mạnh bị quên đi chớ chẳng có vấn đề hủy bỏ!). Chính những đạo luật này đã “tiếp tế” cho một bộ máy không bao giờ no là quần đảo ngục tù.
Có Sắc luật trừng phạt bọn lừng khừng trốn việc, có Sắc luật phạt bọn sản xuất hàng xấu, có Sắc luật nhằm những thằng nấu rượu lậu. Ba đạo luật này áp dụng suốt thập niên 1920 nhưng quơ nhiều người nhất năm 1922. Có Sắc luật trừng trị các tổ viên nông trường không làm đủ số ngày công tác. Có Sắc luật gò ép công nhân Hoả xa vào kỷ luật nhà binh, ban hành vào tháng tư 1943, lúc thắng lợi quân sự đã nghiêng hẳn về mình rồi chớ chẳng phải lúc chiến tranh vừa bùng nổ.
Gọi là Sắc luật nên chúng có ảnh hưởng tối quan trọng cho mọi người mà chẳng cần dựa trên căn bản pháp lý có sẵn, chúng cứ nghiễm nhiên ra đời, bất chấp mấy ông tư pháp nên rút cuộc chính họ cũng không sử dụng Sắc luật mà có sử dụng cũng chẳng mấy hậu quả.
Tình trạng “cai trị bằng Sắc luật” này tạo ra nhiều mâu thuẫn kỳ cục mà dễ thấy nhất là càng thấy nhiều Sắc luật ngày càng mọc nhiều tội và sự phạm tội càng dễ dàng hơn. Trộm cắp sát nhân, hãm hiếp hay nấu rượu lậu làm như chẳng còn là sự sa đoạ, ham mê, tội lỗi của con người, mà là những cái đuôi mà các đạo Sắc luật thế nào cũng kéo theo. Dường như sự phạm pháp cũng có cao trào và để chặn đứng sự lan tràn, nhà nước tuần tự tung ra các đạo Sắc luật, dự liệu một sự trừng trị nặng hơn, đích đáng hơn để cao trào phạm pháp bắt buộc phải xẹp xuống. Nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.
Như Sắc luật đặt Công nhân Hoả xa vào kỷ luật nhà binh chỉ hành hạ đám phụ nữ, thiếu niên: thời chiến đàn ông đi lính hết, bắt buộc phải làm thay mà họ chưa hề được huấn luyện quân sự một ngày thì “khép vào kỷ luật nhà binh” sao nổi. Vậy mà phải lũ lượt ra Toà quân sự.
Sắc luật trừng trị bọn không làm đủ số ngày công tác quả thực chỉ là giản dị hoá thủ tục cho đi đày, những tổ viên dám bất mãn lề lối làm “chấm công lấy điểm” của nông trường mà muốn sản xuất cụ thể. Chưa có Sắc luật này còn phải xử theo luật, còn phải đưa họ ra toa về tội “phản cách mạng trên lãnh vực kinh tế” nhưng từ nay chỉ cần một quyết định của Ban Giám đốc nông trường, có Ủy ban Quận chấp nhận là đủ (vả lại nạn nhân cũng đi tù nhưng khỏi phải mang nặng mặc cảm “kẻ thù của nhân dân”). Dĩ nhiên số ngày công tác mỗi địa phương mỗi khác, nhẹ nhất là dân Caucasus mỗi năm chỉ phải làm có 75 ngày. Vậy mà thiếu gì dân địa phương bị đưa đi đày Krasnoyarskowr đúng 8 năm.
Dù chỉ nói sơ sài, qua loa đến những đợt tù thường phạm, tù không phải chính trị nhưng không thể bỏ qua được một trong những Sắc luật nổi tiếng của thời đại Stalin vào năm 1947 mệnh danh Sắc luật 7/8 chiếu theo đó tha hồ “lượm” người vì những thường tội nhỏ nhặt nhất. Đụng đến một bông lúa, một trái dưa chuột, vài củ khoai lang cũng tù mà một bó củi, một mớ chỉ cũng đủ để đưa đi đày đúng 10 năm [21] .
Có phải bấy nhiêu mà đã đủ? Bản án 10 năm có thể là nặng ở thời kỳ sửa soạn chiến tranh, nhưng sau khi đã chiến thắng vĩ đại rồi thì Stalin cho là vẫn còn nhẹ quá. Vì vậy mới có vụ gạt bỏ Hình Luật sang một bên, bao nhiêu luật lệ cũng như Sắc lệnh cũ về các tội trộm cắp được dẹp bỏ hết để cho ra đời Sắc luật đặc biệt ban hành ngày 4 tháng 6 năm 1947 mà liền sau đó các phạm nhân gọi vắn tắt là Sắc luật Bốn trên Sáu, hay Sắc luật 4/6.
Sắc luật 4/6 lợi hại ở chỗ nó mới toanh, dự liệu rất nhiều khoản phạm pháp nên chắc chắn sẽ đem lại một đợt tù mới đông đảo cho các trại Lao động Cải tạo. Đã vậy nó lại kéo dài thời gian thọ hình. Một con nhỏ ra ngoài đồng mót lúa lỡ rủ thêm một vài con bạn thì dù tang vật chỉ có một nắm lúa cũng vẫn cho đi an trí 29 năm theo Sắc luật mới vì là cả một tổ chức. Đám con nít 12 tuổi đi hái trộm dưa leo, trái đào cũng là có tổ chức và cũng lãnh 20 năm.
Công nhân xí nghiệp vi phạm điều 4/6 lãnh 25 năm. Đó là án tối đa để thay thế án tử hình vừa được hủy bỏ mấy ngày hôm trước vì lý do nhân đạo [22] . Dân trại Cải tạo lì lợm đặt cho nó cái tên bản án ¼, tức ở tù một phần tư thế kỷ.
Sau vụ này một “khe hở của pháp luật” được lấp bằng dĩ nhiên cũng bằng Sắc luật.
Từ trước tới giờ chỉ những vụ có tính cách chính trị biết mà không tố cáo mới bị tù. Bây giờ biết ở nông trại tập thể hay nông trường nhà nước có một vụ trộm cắp mà không cáo báo cũng đi đày 3 năm hoặc 7 năm an trí.
Dân trại Cải tạo đang chết dần chết mòn bỗng được Sắc luật đặc biệt này “tiếp tế”, cung cấp cho cả “sư đoàn” tù mới từ cả thành thị lẫn nông thôn lùa về mấy năm liền. Đợt tù “tiếp tế” vĩ đại này đương nhiên do các Ty Cảnh sát, các toà án phụ trách (vậy mới gọi là “tù tư pháp”, “tù không phải chính trị”). Bọn họ đâu phải qua hệ thống bộ Nội An. Mấy năm hậu chiến bộ máy Công an Mật vụ cũng mệt mỏi vì công vụ nhiều lắm chớ.
Ý kiến độc đáo của Stalin là sau khi đánh bị Phát xít rồi còn phải trừng trị gắt gao bọn phạm pháp, đập nặng hơn lúc nào hết. Dĩ nhiên chính trị phạm cũng bị vạ lây chớ thoát sao nổi?
Đó là vào 2 năm 1948-1949, xã hội Nga quằn quại hơn bao giờ hết vì nạn thanh trừng và đề cao cảnh giác nhưng bỗng bật nổi một màn kịch bi thảm cực kỳ vô lý dù chế độ Stalin từ hồi nào đến giờ vẫn chẳng coi Công lý ra gì! Đó là quyết định bắt lại hết những kẻ vừa mãn án đi đày về, dù không phạm tội.
Theo “ngôn ngữ của quần đảo” thì có những thằng gân guốc của đợt tù 1937, ở đủ 10 năm trong trại Cải tạo và nhất định không chịu gục chết nên ở hết án được trở về với cuộc đời tự do. Ngỡ ngàng, tả tơi, rời rã nhưng họ vẫn cố bám víu lấy chút hy vọng sống yên lành cho xong kiếp sống thừa. Giữa lúc đó Lãnh tụ bỗng nổi hứng hoặc động lòng hiếu sát nên cho lệnh bắt lại bằng hết những phần tử bệnh hoạn vừa được trả tự do.
Khốn nạn lại tống vào quần đảo, lần nữa những thằng gần chết mà bộ máy nghiến người ở trại Cải tạo vừa phải nhả ra thì quả là một sự bất lợi về chính trị cũng như về kinh tế. Nhưng lệnh đã ban ra là phải thi hành, nhất là lệnh của Lãnh tụ – một nhân vật lịch sử có quyền nổi hứng ra lệnh nhân danh một cần thiết lịch sử.
Theo quan điểm của Lãnh tụ thì cần phải bắt lại hệ thống bọn người này, dù sau 10 năm ngục tù họ khó lòng bám víu nổi vào đời sống (hay gia đình) khác lạ hẳn ngày nào. Bị bắt lại thì họ cũng xuôi tay chấp nhận, thản nhiên như lúc được cho ra. Họ còn lạ gì cả một khoảng đường gian truân vừa trải qua nay sắp tái diễn. Họ không đặt lại câu hỏi: “Tại sao bắt tôi?” cũng như không hứa hẹn: “Thế nào cũng có một có một ngày về” nữa. Họ chỉ quơ đại mấy anh quần áo rách, nhét ít thuốc rê vô trong bao thuốc làm trong trại từ hồi đó và lên đường đến Cơ quan ký nhận vào biên bản cho xong chuyện.
Cán bộ Cơ quan có hỏi: “Phải anh ở tù ra không?” thì họ trả lời “Phải” để được nghe vắn tắt: “Lần này lại 10 năm!”.
Nào có phải chỉ tù cũ – tù từ năm 1937 bị bắt lại mà thôi. Còn đám con cái những kẻ thù xưa, chúng ngày giờ này cũng đã lớn khôn rồi biết đâu chừng chúng chẳng nảy sinh ý niệm trả thù. Phải cho đi đày hết! (Có thể sau một bữa cơm tối nặng bụng, lãnh tụ bỗng nằm mê thấy đám con nít này ). Thế là có những bản danh sách được lập ra, để nhiều người có nhiệm vụ cứu xét, dù con số nạn nhân thực sự có bao nhiêu. Con cái những đảng viên Đệ tứ thì có thể tha được nhưng những đứa con có ông bố tướng lãnh bị thanh trừng thì phải lo bắt bằng hết.
Thế là đợt sóng tù tí hon thành hình. Những đứa nào có thể trả thù cho bố đều bị bắt nhốt một lượt. Trong đợt này vào hạng ít tuổi có Lêna Kôsaryêna 17 tuổi và lớn tuổi có Yêlêna Rakôvskây, 35 tuổi.
Năm 1948 sau chuyến công du Âu châu vĩ đại. Stalin lại trở về cuộc sống thu gọn, bốn bề thủ kín như bưng hồi trước và trong cái vỏ ốc chật hẹp này lại cho tái diễn đợt khủng hoảng thanh trừng in như năm 1937.
Vì vậy nên 3 năm liền 1948, 1949, 1950 mới có lớp lớp mấy đợt sóng tù liền:


  • Đợt gián điệp (10 năm trước là gián điệp Đức, gián điệp Nhựt. Bây giờ là gián điệp Anh-Mỹ.)

  • Đợt tôn giáo: Trong đợt tù này đa số thuộc những thành phần ngoài Chính thống giáo.

  • Đợt khoa học gia: Lần này các nhà sinh vật học, thảo mộc học thuộc nhóm đệ tử của Varilôv (đã mãn phần) và của Mendel “lọt lưới” những lần trước là lần lượt bị bắt hết.

  • Đợt có tư tưởng thân Tây phương: Những kẻ nào dám có tư tưởng xích lại gần Tây phương, không sợ Tây phương (nhất là thành phần sinh viên càng bị nặng) đều bị bắt về những tội “thời đại” đại khái như sau:

    • Tội VAT, tức ca ngợi kỹ thuật, khoa học Mỹ;
    • Tội VAD, tức đề cao chế độ Dân chủ Mỹ;
    • Tội PZ dễ phạm nhất là tội cả tư tưởng, khuynh hướng thân Tây phương.


*
Những đợt tù nói trên đại khái cũng giống như những đợt cũ năm 1937 chỉ trừ bản án. Không có giá cũ 10 năm, thế hệ Stalin phải 25 năm. Án 10 năm bấy giờ chỉ để dành cho con nít.
Có một loạt tù lãnh án 15 năm. Loại này khá đông can tội tiết lộ bí mật quốc gia. Vì quá nhiều thứ đạo đức sắp hạng bí mật quốc gia bằng kết quả mùa màng, con số nạn nhân bệnh dịch, món hàng sản xuất ở cơ xưởng hoặc chỉ dẫn một phi trường dân sự, hệ thống quốc lộ hay cho biết tên tuổi một kẻ đang nằm trong Trại Cải tạo.
Lãnh án đi đày 5 năm, 10 năm có đám đông nông dân miền Tây Ukraine. Tất cả nông dân trong vùng đều bị quơ vô trại Cải tạo một lượt chỉ vì tội có liên hệ với nhóm Banderotsky là nhóm dám đánh du kích dài dài chống chế độ Xô-viết ở địa phương này và cũng bị đẩy vô quần đảo đều đều. Chỉ cần chấp chứa họ một đêm, cho biết mà không báo cáo cũng đủ tù. Từ 1950 trở đi, kéo dài trong một năm ròng rã là đợt vợ con Banderotsky: có chồng đi “du kích” mà không báo cho nhà nước để thanh toán bắn cho rồi là lãnh án 10 năm suốt lượt.
Khoảng thời gian này mọi cuộc du kích kháng chiến ở Lithuania, ở Estonia đã bị dập tắt hết sạch. Năm 1949 mới có đợt tù đề phòng phản động để chuẩn bị cho chế độ nông trường tập thể. Từ miền biển Baltic, thị dân cũng như nông dân mấy xứ Cộng hoà bị đưa đi an trí bằng nhiều chuyến xe lửa đặc biệt chạy thẳng sang Tây Bá Lợi Á. Mấy năm liền trước mấy nước Cộng hoà này quen bê trễ nay phải thúc đẩy mạnh mới mong bắt kịp các nước anh em trong Liên bang chớ.
Năm 1948 có đợt tù quốc gia thật lạ: đó là đám thổ dân Hy Lạp từ bao đời cư ngụ trong miền Kuban, miền Sukhumi ở quanh biển Azov. Họ đâu dám có hành động gì xúc phạm đến Liên Xô đến cá nhân Lãnh tụ suốt trong thời chiến. Nhưng họ bị trừng phạt vì Lãnh tụ, muốn rửa hận cho đám đồng chí thất bại. Chắc vậy hay Lãnh tụ lại nổi hứng cũng nên. Đợt tù Hy Lạp này bị đẩy tuốt sang vùng Trung Á, đứa nào dám cứng đầu, chống đối lại còn bị gắn thêm nhãn hiệu “phạm nhân chính trị”.
Bảo Lãnh tụ nổi hứng bất chợt đâu có ngoa. Năm 1948 vừa trừng trị bọn Hy Lạp quốc gia…sang năm 1950 bỗng nhiên đến phiên chính các đồng chí Hy Lạp tàn quân của Markos thất trận chạy sang Bảo Gia Lợi tị nạn. Dĩ nhiên Bảo phải dẫn nạp các đồng chí sang Liên Xô nào ngờ tất cả bị Lãnh tụ cho lệnh “vô quần đảo” ở hết!
Mấy năm sau cùng củ cuộc đời Stalin bỗng đâu lại cho lệnh bắt ngấm ngầm dân Do Thái, bắt từng toán một và cho đi đày vì tội chủ trương thế giới đại đồng. Nổi tiếng nhất là toán y sĩ Do Thái. Người trong cuộc cho rằng đây là hồ sơ đầu tiên được dựng lên để âm thầm tiến hành một đợt thanh trừng vĩ đại mà Stalin đã sắp đặt sẵn để thủ tiêu bằng hết giống dân Do Thái [23] .
Trong đời Stalin đây là kế hoạch đầu tiên chịu thất bại. Sau đó đến lượt chính lãnh tụ thất bại vì người xen vô tiếp ứng và lần này chạy đâu cho thoát?
Đọc xong Chương Hai chắc bạn đọc hẳn nhận ra tính cách đại quy mô của hệ thống quần đảo và nhất là kế hoạch tổ chức cực kỳ tinh vi, tinh thần hăng say phục vụ không lúc nào ngưng nghỉ. Di chuyển đều đặn và “tiếp tế” thường xuyên nhiều triệu con người cho quần đảo đâu phải một công trình nhỏ.
Tất cả đã được sắp đặt chu đáo để không bao giờ có một chỗ trống trong toàn bộ hệ thống quần đảo ngục tù là lúc nào vòng trong cũng phải chật cứng người, vòng ngoài đen nghẹt người.
Người nào việc nấy cứ thế mà tiến hành công tác Nghiên cứu nguyên tử lực cứ việc đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu triết thuyết Sartre, Heidegger cứ việc tìm hiểu và sưu tập tranh Picasso cũng vậy. Người ngồi xe lửa đi nghỉ hè nhắm mắt ngủ lơ mơ người ráng xây cho xong căn nhà mát lấy chỗ nghỉ ngơi gần Mạc Tư Khoa thì Mật vụ áo đen đêm đêm tiếp tục đi từng nhà, cán bộ Nội An cứ làm công việc gõ cửa, nhận chuông.
Trọn Chương Hai chắc hẳn dư sức chứng minh một điều, Cơ quan làm ăn bao giờ cũng hữu hiệu, chu đáo. Quả là đáng đồng tiền!



[1]Trích trong tuyển tập Từ khám đường đến trung tâm cải hoá của Viện Nghiên cứu Thể chế Hình sự do Vyshinsky chủ trương, ấn hành ở Mạc Tư Khoa năm 1935.
[2]Sự thực thì căn bệnh “nhìn ai, nhìn chỗ nào cũng thấy gián điệp” chẳng phải riêng của một đấng lãnh tụ hẹp lương, đa nghi như Stalin. Nó là một cái tật hữu ích của những ngài nắm qua nhiều quyền hành. Nó biện minh cho tối đa bảo mật, bưng bít hết tin, ra vô công sở căn cứ phải có giấy phép đặc biệt, tư dinh ông lớn là phải có hàng rào thép gai, thậm chí thương xá cũng có thứ bí mật, chỉ bán hạn chế. Muốn xuyên qua vỏ thép bảo mật, chống gián điệp để coi bên trong các ông lớn, mần ăn ra sao sinh hoạt ấm cúng, ăn nhậu nhàn nhã cỡ nào cũng như du hí, giở trò bừa bãi đến mức độ nào.
[3]Ryurik là tên một ông hoàng trong thần thoại Varangia vào khoảng giữa thế kỷ thứ IX đã đến Novrogod lập nghiệp và sáng lập ra triều đại đầu tiên của hoàng gia Nga.
[4]Trích Tổng hợp các tác phẩm Lênin, in lần thứ 5, bộ 45, trang 190.
[5]Mẩu chuyện nho nhỏ trên đây nghe như phóng đại hay một sự cù lét rẻ tiền nhưng tôi chẳng phải là người sáng tác ra sự cù lét đó. Tôi đã đi đày chung với những nạn nhân “có ý định khủng bố” đó.
[6]Okrana là tên của Sở Mật vụ Nga, dưới thời Nga hoàng, được áp dụng từ 1881 tới 1917. Nghĩa đen là “bảo vệ”, thay cho cả một dãy tên lòng thòng Bộ Bảo vệ An ninh và Trật tự Công cộng
[7]Theo một số sử gia thì có nhiều yếu tố tâm lý để tin chính Stalin cũng có thể bị truy tố theo khoản 13 điều 58 Bộ Luật Hình. Họ lý luận rằng chẳng phải vì tình cờ mà tất cả mọi tài liệu liên quan đến những vụ công tác với Okrana đều mất tiêu nội tháng 2.1917. Giám đốc Công an thời Nga hoàng Dzhunkovaky trước khi bỏ xác trên đảo Kolyma từng xác nhận rằng những ngày đầu tháng 2.1917 một số “thủ lãnh Cách mạng” đã cùng giới chức Okrana hoả thiêu vội vã bằng hết mọi tài liệu không thể để lai dấu vết ở Tổng Văn khố.
[8]Một thí dụ hiển nhiên nữa: đại khám đường trung ương Lêningrad đã hoàn thành với đầy đủ chi tiết từ 1934; vừa vặn kịp thời để có chỗ cho con số “khách trọ” khổng lồ sau vụ ám sát Kirov.
[9]Trước đó nếu không phải án tử thì thời gian thụ hình tối đa chỉ là 10 năm. Tới năm 1947, kỷ niệm Tam thập châu niên Cách mạng tháng Mười mới thêm một “giá” nặng nữa là hai mươi lăm năm.
[10]Có một sự trùng hợp đáng suy ngẫm là ở Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc sau này thì cuộc Cách mạng Văn hoá cũng bùng nổ đúng 17 năm sau đại chiến thắng cuối cùng. Có thể lịch sử vẫn chỉ là tái diễn và có thứ quy luật chung, làm nền tảng cho công cuộc phát triển lịch sử thật chăng? Kể từ ngày đó dường như chính Stalin cũng khởi sự cho thấy sự nhắm mắt làm bừa và làm như chỉ là một cấp thừa hành máy móc.
[11]Đây là câu chuyện do ông bạn tù N.G. kể lại mà vì lý do an ninh cho đương sự, Solzhenitsyn không dám viết đầy đủ tên.
[12]Trong hồ sơ này 5 vị khỏi phải ra Toà vì không chịu nổi đã “đi” giữa thời kỳ câu lưu điều tra. Hai mươi bốn vị được ghi nhận là bỏ mạng ở các trại. Người thứ 20, người sống sót duy nhất là Ivan Aristaulovich Punich may mắn thay còn trở về nên mới tiết lộ được hồ sơ 30 giáo sư, bằng không cũng chẳng ai hay như triệu triệu trường hợp khác. Trong khi đó thiếu gì những “nhân chứng” trong vụ án này sống phây phây ở Sverdlovsk ngày giờ này còn làm ăn phát đạt, nắm nhiều chức vụ quan trọng hoặc lãnh lương hưu trí ngon lành.
[13]Quả thực tài tình, khi nghe biết có kẻ cúp máy mỗi khi tên tài liệu được xướng lên! Vì ngày nào, giờ nào, phút nào chẳng có kẻ xướng danh người trên hệ thống phát thanh. Vô cùng đều đặn, âm thanh trăm ngàn lần đều y như nhau. Điều này hẳn xướng ngôn viên Levitan có thẩm quyền vì chính người từng xướng tên Stalin hay hơn cả!
[14]Tức Nicolai Ivanovich Yezhov (1895-1939). Từng là nhân vật lãnh đạo ngành an ninh, tình báo Nga. Là Ủy viên (Bộ trưởng) Nội vụ từ 1916 đến 1918 cho đến năm bị thanh trừng.
[15]Chính tôi cũng suýt lãnh đủ vì Sắc luật này nếu không may mắn có một can thiệp ngẫu nhiên, ngay tị cỗ. Tôi đang đứng sắp hàng ngoài cửa tiệm, đợi tới lượt vô mua bánh mì thì bị một thầy cho kêu ra biểu đi. Phải chi bị nắm đầu ngay lúc ấy thì đã “đi đảo” rồi, khỏi đăng lính!
[16]Vấn đề “huyết thống” thì cứ chiếu theo tên họ mà quyết định. Vậy mới có trường hợp của tay kỹ sư chuyên hoạ kiểu Vasily Okorokov. Ông này cảm thấy cái tên mình ký dưới mỗi hoạ phẩm coi bộ kỳ cục quá nên hồi đầu thập niên 1930 nhà nước còn cho phép bèn xin đỏi tên họ thành Robert Shtekker.
Ông ta rất hài lòng vì cái tên mới nghe kêu mà ký tên còn dẽ đẹp. Nào ngờ có ngày cứ mang tên họ có vẻ Đức là đi đày, muốn giải thích cũng chẳng có dịp. Đành chịu đi đày vậy. Lại còn bị các thẩm vấn viên quay mãi: “Có phải tên thật của anh không? Tên thật là gì? Anh lãnh sứ mạng gì cho tình báo Phát-xít thì khai ra…”. Ở Tambov cũng co smọt người gốc thực sự địa phương, tên thực là Kaveroznev nhưng vì khó đọc nên ngay từ 1918 đã đỏi thành Kolbe. Không hiểu ông Kolbe này có bị như ông Shtekker không?
[17]Vấn đề này thoạt đầu cũng chưa có quyết định ngã ngũ. Ngay từ năm 1943 đã có những đợt tù đặc biệt – như đợt mang tên Africans ở các công trường Vortuka. Đó là những quân nhân Nga bị Đức bắt làm tù binh, đưa sang Bắc Phi cho quân đoàn Rornmel sử dụng làm lao công chiến trường và sau lại bị quân Mỹ bắt lại lần nữa. Năm 1943, đám tù binh này được vận tải bằng xe Mỹ Studebakers qua ngã Ai Cập, I-rắc, Ba Tư về Nga. Vừa được đưa về tới sa mạc Caspian đã bị tống hết vô trại tập trung. Đám cai ngục chịu tn tiếp nhận đoàn tù đã lột hết cả hù hiệu, lột luôn tất cả những gì quân Mỹ đã cấp cho tù nhân (dĩ nhiên để xài riêng chớ đâu có nạp kho nào) trước khi tống hết vô công trường Vorkuta chờ lệnh đặc biệt. Lệnh chưa tới – vì biết khép chúng vào tội gì? – thì hãy cứ ăn chực, nằm chờ một chỗ, không bị tống giam nhưng giấy tờ không có một mảnh thì làm sao đi thoát khỏi vùng Vorkuta này? Có tham gia công tác công trường thì cũng được lãnh lương công nhân như bất cứ công nhân tự do nào…nhưng chế độ vẫn là chế độ trại giam. Lệnh đặc biệt không bao giờ tới và tất cả trở thành đám người bị bỏ quên luôn.
[18]Dù không sắm đầy đủ chi tiết tôi cũng có thể biết chắc rằng một số lớn tù binh Nhựt này không được xét xử theo đúng quy ước bởi lẽ đây chỉ là một dịp vừa để trả thù vừa để giữ lại càng lâu càng tốt một số nhân công cần thiết cho công tác công trường.
[19]Tức Pyotr Nicolaiyevich KRASNOV (1869-1947) lãnh tụ của đám dân Cô sắc, xuất ngoại từ 1919, đứng ra lãnh đạo những đơn vị Nga theo Đức trong Thế chiến II. Bị quân Đồng minh bắt làm tù binh, trao trả cho Nga. Sau Thế chiến bị hành quyết ở Nga sau đó ít lâu.
[20]Tức những đảng viên, đồng chí của Stepan Bandera (1909-1957) một lãnh tụ quốc gia gốc Ukraine, từng lãnh đạo du kích chiến chống chính quyền Xô-viết ở Ukraine từ khi Thế chiến II chấm dứt cho đến năm 1947. Sau này Stepan Bandera bị một a-giăng Nga ám sát chết ở Munich năm 1957.
[21]Trong số những hồ sơ 10 năm tù về những tội lặt vặt này có một hồ sơ ghi rõ mớ chỉ ở đây đo được 200 mét mà là vật liệu để khâu may. Rõ ràng họ không muốn dùng chữ 200 mét chỉ vì không lẽ chỉ có bấy nhiêu mà bị tới 10 năm.
[22]Tuy nhiên lý do nhân đạo loại bị hủy bỏ để lập lại án tử hình khoảng hai năm rưỡi sau, tức thang Giêng năm 1950. Người ta có cảm giác bức màn chỉ được đậy lên ít lâu rồi nanh vuốt vẫn phải giương ra để áp đảo tinh thần.
[23]Ở xứ sở chúng tôi đã gọi bí mật thì chẳng có cách nào phanh phui để tìm hiểu sự thật, dù có cố gắng tìm hiểu ngay từ đầu. Hồi đó chỉ nghe dân Mạc Tư Khoa đồn đại rằng đang có một sự sắp xếp chu đáo để thanh trừng Do Thái.. Khoảng tháng 3 nhà nước sẽ cho bật ra vụ mưu sát Lãnh tụ của nhóm y sĩ Do Thái. Tất cả sẽ bị xử treo cổ ở Công trường Đỏ và sau đó dân Mạc Tư Khoa sẽ được các cán bộ xách động đi biểu tình diệt Do Thái, lùng diệt bằng hết. Theo đúng kế hoạch thần sầu của Stalin thì sợ dân chúng quá phẫn nộ, đi lùng Do Thái giết hết mất nên nhà nước phải can thiệp “bảo vệ” họ. Ngay trong đêm hôm đó tất cả dân Do Thái ở Mạc Tư Khoa sẽ được nhà nước “cứu mạng” gấp rút bằng cách cho đi đày sang Viễn Đông, Tây Bá Lợi Á, nhét vô những “công trường” vừa hoàn thành xong làm sẵn đợi bọn họ.

<< Những dòng sông người chảy vào tù ngục phần:1 | Điều tra, Thẩm vấn >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 973

Return to top