Mấy hôm nay Thận Trung đã khá nhiều lắm.
Chàng đã cất cơn nóng lạnh, ăn, ngủ gần bằng cũ. Nét mặt cũng đỡ xanh xao. Xuân Hương bấy giờ mới hơi vui lòng.
Hôm mới mắc bệnh, chàng sợ ở đó có điều bất tiện cho nàng, nên đã bảo nàng thuê cáng đưa mình về quê.
Nhưng nàng không nghe, nhất định giữ chàng ở lại.
Nàng cũng biết rằng giữ chàng ở lại tất nhiên láng giềng, hàng phố, ai cũng bảo mình nuôi trai trong nhà, nhưng nàng không sợ những tai tiếng đó. Bởi vì, theo ý nàng sự tâm đầu ý hợp đã dắt hai người ăn chung ở lộn trong bấy nhiêu lâu, thì với nàng, chàng tức là "chồng" không phải là "trai", nàng nuôi chàng chính là nuôi chồng, không phải nuôi trai.
Người ta bảo nàng nuôi trai, chẳng qua chỉ tại nàng không có trầu cau biếu họ, không có cỗ bàn thết họ, để trình cho họ hay rằng "tôi đã là vợ người này". Chồng cũng được, trai cũng được, ai có miệng thì nấy cứ nói, mình đã yêu chàng quý chàng, coi chàng là người tri kỷ, trong lúc khỏe mạnh, xa nhau một ngày cũng còn khó chịu, huống chi chàng đương đau yếu... Hơn nữa, cái sự đau yếu của chàng lại bởi tại mình ép chàng lên chơi xứ Thái, xông pha trong đám hơi rừng khí núi đến mấy tháng trời, thế thì mình để chàng về quê sao đành?
Nghĩ vậy, nàng mới để ngoài tai những tiếng thị phi, quyết chí lưu chàng ở nhà để mình chạy chữa. Cố nhiên bệnh ngã nước chưa phải bệnh nguy hiểm đến không thể chữa được, nàng vẫn biết thế, thế mà mỗi khi thấy chàng lên cơn, run lẩy bẩy, rên hừ hừ, thì nàng lại lo canh cánh, chỉ sợ chàng chết, mất ăn, mất ngủ vì chàng đến mấy chục ngày. May thay gặp thầy gặp thuốc, bệnh chàng mỗi ngày một lùi, bụng nàng cũng mỗi ngày mỗi yên.
Hôm ấy, chàng thấy trong mình đã mạnh, mới sai con Nụ nấu nước để mình tắm gội, Xuân Hương mỉm cười bảo chàng:
- Tắm làm gì vội? Tôi tưởng các ông nhà nho vẫn có đức "hà tiện nước", hằng năm không tắm cũng vẫn chịu được kia mà, mình mới nghỉ tắm độ vài chục ngày đã thấm vào đâu!
Thận Trung cũng cười:
- Tôi chỉ là một người có biết chữ, có đọc sách, không phải nhà nho. Mình nên nhớ rằng: trong đám học trò chúng tôi, có người là nhà nho, cũng có người không phải nhà nho. Đại khái những người đã đọc sách nho, lại làm ra bộ ta theo đạo nho, như cụ Nghè Hoàng hay cụ Nghè Đặng và những đệ tử đắc đạo của các cụ ấy thì mới gọi là nhà nho, còn tôi, tôi đọc rất nhiều thứ sách, sách Lão, sách Trang, sách Đường, sách Mặc... Nội sách chư sử, tôi đều đọc qua không phải riêng một sách nho. Việc làm của tôi, có khi giống đạo nho, cũng có khi trái hẳn đạo nho, sao mình lại bắt tôi phải là nhà nho. Nhắc lại cho mình lần nữa: tôi không phải nhà nho, từ rày trở đi đừng đem thói xấu của nhà nho mà gán vào tôi.
Xuân Hương vẫn cười:
- Vậy thì tôi đem thói tốt của nhà nho mà gán cho mình, mình có bằng lòng hay không?
- Không! Tôi không thích thế. Cái gì không phải tự tôi làm ra, không khi nào tôi lại nhận lấy, việc tốt cũng vậy, việc xấu cũng vậy. Bởi vì không có mà nhận, nhận cái xấu tức là giả dối, nhận cái tốt tức là ăn cắp.
Mình đã không phải nhà nho, làm sao hôm nọ tôi chê nhà nho, mình lại cứ bênh chằm chặp...
- Đó là lẽ đương nhiên! Nhà nho cũng có người tốt, có người xấu, không nên vì một vài người tốt mà khâm phục nhà nho, cũng không nên vì một vài người xấu mà mạt sát nhà nho. Tôi bênh nhà nho là bênh cái danh nghĩa của một phái người, không phải bênh những ông lên mặt ta là nhà nho.
Nghỉ một lát, chàng lại nói tiếp:
- Nói cho đúng, cụ Nghè Hoàng, cụ Nghè Đặng và những ông Nghè, ông Cống cùng một tính nết như hai cụ ấy cũng không thể gọi là nhà nho.
- Sao vậy?
- Các cụ ấy chỉ cứ bệ vệ làm bộ để lấy danh vọng đó thôi. Thực ra những việc của các cụ ấy đã làm, những ý của các cụ ấy vẫn nghĩ chẳng có cái đúng như đạo nho. Nhưng những cụ ấy mà dám nhận là nhà nho.
Thế thì gọi các cụ ấy là "nhà" gì được?
Nhà "hương nguyện". Giả sử Khổng Tử sống lại, chắc ngài cũng không thèm nhận các cụ hương nguyện ấy vào đám nhà nho.
Con Nụ nấu nước tắm đã xong, nó lên giục chàng xuống tắm.
Lúc ấy đã gần đến trưa, tuy rằng đương tiết tháng sáu, trời nắng chang chang, nhưng ở thư phòng của Xuân Hương, gió nam ở dưới hồ Tây đưa vào hây hẩy. Nàng đứng trước cửa, nhìn những bông sen đương nở trong hồ, và thưởng thức mùi hương theo gió bay lên trên gác, mơ màng ôn lại những ngày vui, buồn vừa qua, bỗng chốc nhớ đến mấy câu đầu chuyện Hoa tiên nàng ngâm:
-
Vựng khởi nguy lan nạp nán lương,
Thu phong vi tông bạch liên hương
Thận Trung Tắm xong, vừa lên, chàng liền đọc theo:
- Giao tri thiên thượng giai kỳ cận
Chức nữ kim dạ hội Ngưu lang
Rồi chạy đến trước cửa, vỗ vai nàng, chàng đọc lại câu cuối lần nữa:
- Chức nữ kim dạ hội Ngưu lang.
Nàng nhìn chàng bằng đôi mắt tình tứ:
- Vừa mới ốm dậy. . .
Chàng không trả lời, liền dịch bốn câu Hoa tiên mà nàng và chàng mới ngâm ra bốn câu thơ nôm:
- Tựa lan, bóng mát, ngắm trời chiều,
Gió quạt mùi sen bát ngát theo,
Nhớ chửa, trên trời sắp có tiệc
Đêm nay ả Chức gặp chàng Ngưu!
Rồi chàng vờ hỏi:
- Phải không nhỉ! có phải đêm nay ả Chức gặp chàng Ngưu không nhỉ?
- Nửa tháng nữa!
Dưới cửa có mụ hàng mít đi qua, nàng bảo con Nụ ra mua một quả. Lễ mễ ôm quả mít lên gác, con Nụ lắc đầu nói với cô chủ:
- Mít còn xanh lắm chưa thật chín, chưa ăn được!
Xuân Hương gắt mắng:
- Sao mày không lấy quả thật chín?
- Thưa cô, quả này chín nhất đấy, những quả kia còn xanh hơn nhiều.
Quay lại, Thận Trung xoay vần quả mít, quả nhiên hãy còn xanh lắm, vỗ tay vào vỏ, chỉ thấy bành bạch, không thấy bồm bộp! Xuân Hương liền sai con Nụ đem xuống nhà dưới đóng cọc vào cuống và phơi ra nắng cho nó chóng chín.
Thận Trung vui cười bảo nàng:
- Mình giỏi thơ nôm, thử vịnh quả mít một bài tôi xem.
Nàng cười và đọc:
- Thân em như thể mít trên cây,
Da nó xù xì, múi nó dầy
Rồi nàng bỗng cười rũ rượi, không đọc được nữa.
Thận Trung ngạc nhiên hỏi:
- Cười gì dữ vậy?
Nàng vẫn cười không trả lời. Một lúc lâu; nàng vừa bưng miệng vừa đọc nốt hai câu nữa:
- Quân tử có yêu thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
Thận Trung cũng phá lên cười:
- Thế cũng thơ với thẩn! Thơ thẩn gì mà nhả nhớt như vậy! Thế mà người ta chê là đĩ thõa lại còn kêu oan!
Nàng vẫn vừa cười vừa nói:
- Ô hay, tôi vịnh quả mít như thế! Sao mình lại chê nhả nhớt? Những chữ "đóng cọc", "mân mó", "nhựa ra tay" là chữ "nhả nhớt" hay sao?
- Cố nhiên những chữ ấy không phải là chữ nhả nhớt, nhưng ở miệng mình nói ra, thì nó hóa ra nhả nhớt tức thì.
Vừa nói, chàng vừa sẽ ôm lấy nàng hôn luôn mấy cái. Một trận gió nồm thổi vào cửa gác, bức màn trên phất phơ rung động, làm tan cuộc ái ân. Xuân Hương đứng dậy chạy ra án sách, mài mực tẩm bút chép luôn mấy câu thơ mít vào tập thì cảo, Thận Trung vội ngăn:
- Thơ thế mà cũng chép lại, mình không sợ đời sau chê cười hay sao?
- Nếu sợ tôi đã không làm, đã làm thì tôi không sợ ai khen mặc ai, ai chê mặc ai. Vả chăng, mình đã làm ra, thì cứ chép lại để cho đời sau phẩm bình, can gì mà phải giấu giếm.
Chàng cũng phục nàng là người can đảm và thực thà.
Cách vài hôm sau, Thận Trung đi chơi thăm mấy người bạn, khi về, chàng đưa cho nàng cái thư của một người sắp sửa cưới vợ, mời chàng đến mừng, và nói:
- Con trai ông Cống lấy con gái ông Nghè, đám cưới chắc là to lắm.
Nàng đọc hết thư rồi bình tĩnh hỏi:
- Mình có định đi mừng hay không?
- Có chứ? Chỗ anh em chí thân! Người ta đã mời không đi thì còn ra thế nào?
- Thế thì mình còn câu nệ, không xét thấu lẽ phải.
- Sao vậy?
- Trai lấy vợ, gái lấy chồng, chỉ là một sự rất thường, không phải lạ lùng gì cả! Thật thế, mình thử nghĩ mà xem, có âm dương thì có vợ chồng, đến như giống chim giống chuột cũng đều có vợ có chồng tất cả, chẳng riêng gì một giống người. Vả lại, việc vợ chồng cua loài người nó cũng là việc cần có của đức dâm dục, cũng như đói phải ăn, khát phải uống, làm sao gọi là việc vui mừng, bầy ra lễ nọ lễ kìa cho phiền?
- Theo ý mình, vợ chồng lấy nhau không phải lễ nghĩa, cũng không phải mừng mõ gì cả?
- Chính thế. Dạm là cái gì, hỏi là cái gì, đưa dâu đón rể là cái gì? Chẳng qua cổ nhân vô sự, cũng vẽ ra thế cho hay, giống như phường trò vẽ ra một vở trò vậy. Loài người cần phải đôi nào vào đôi ấy, là tránh cho khỏi nạn loạn dâm. Đã vậy, tôi bằng lòng mình, mình bằng lòng tôi, chúng ta cứ việc ăn nằm với nhau, sinh con đẻ cái với nhau, chỉ cần báo cho mọi người biết rằng tôi với mình đã kết thành đôi với nhau, đừng ai ngấp nghé sánh đôi với chúng ta nữa, dạm, hỏi, treo, cưới, đưa dâu, đón rể, ý nghĩa chỉ có như vậy. Thế thì tìm cách gì khác mà báo cáo với người ta, há chẳng tiện hơn, can gì phải bày ra ăn uống mừng mõ!
Thận Trung cười tình:
- Thế thì tôi với mình không cần phải thêm gì nữa, cứ thế này thì cũng đủ thành vợ thành chồng đấy nhỉ?
- Đủ rồi. không phải vẽ vọt thêm nữa. Miễn là chúng ta suốt đời yêu nhau.
- Nhưng mà thiên hạ chê cười thì sao?
- Mặc kệ, chúng mình cho thế là phải thì chúng mình cứ thế, mà còn như cái chê, khen của người đời chẳng biết lấy gì làm bằng. Người ta cười chúng mình không cưới không hỏi là không biết lễ, chúng mình có quyền cười lại những kẻ có cưới có hỏi, có đứa đưa dâu đón rể là ngu, không biết phán đoán hay dở, chỉ nhắm mắt theo liều cổ nhân.
Thận Trung bỗng đùa âu yếm:
- Thế thì ở trong đời này, nhất mình đến tôi, thánh hiền đời xưa cũng không bằng!
- Chứ gì. Thánh hiền đời xưa, phần nhiều chỉ là người đặt ra, mắc cái thói quen. Chúng ta nay cũng xướng xuất cho thiên hạ đời sau một việc, thì chúng ta cũng là thánh hiền chứ sao.
Từ đó hai người nghiễm nhiên làm vợ làm chồng với nhau không còn e lệ gì hết.
Dần dà sang đầu mùa thu, Thận Trung ngỏ ý muốn vào Nghệ An thăm viếng quê quán của nàng, luôn thể đi xem các nơi sơn thủy ở vùng trong. Nàng rất hoan nghênh việc đó, và nói một cách ỡm ờ:
- Ngã nước suýt chết vì sơn thủy đường ngược vẫn không chừa, lại muốn đi xem sơn thủy đường trong nữa.
- Chơi sơn thủy cũng như đọc sách vở, đều là việc rất cần của văn nhân. Cổ nhân có nói: "Trong bụng không có ba vạn cuốn sách, trong mắt không có non nước lạ lùng ở gầm trời, chưa chắc đã viết được văn, dù có viết văn, cũng chỉ là lời của đàn bà trẻ con mà thôi". Tôi cho câu ấy rất đúng.
Hôm sau, Xuân Hương thuê hai cái cáng để chàng và nàng cùng đi. Lần này nàng ăn mặc đàn bà, chứ không ăn mặc giả trai như lần lên chơi Thái Nguyên.
Thận Trung không dám ngăn nàng, trong bụng cũng hơi e lệ, vì chàng vời nàng tuy là vợ chồng nhưng không hỏi không cưới, thì đôí với người ngoài, vẫn là một đôi trai gái. Vô cớ dằt gái đi chơi tránh sao khỏi những tiếng mai mỉa của bạn bè. Nàng hiểu ý chàng như vậy. Song cũng giả vờ làm thinh.
Sắp sửa đồ đạc xong rồi. Hai người lên hai cáng, theo đường thiên lý đi về phía Nam.
Phong ải dọc đường nhiều chỗ đã lưu chàng và nàng phải quyến luyến bồi hồi không thể dứt đi thoát.
Khi qua huyện Kim Bảng, hai người xuống cáng dắt nhau lên thăm dãy Long Đội, rồi cùng sang núi Kẽm Trống.
Núi này ở chỗ giáp giới của hai xứ Sơn Nam và Thanh Hoá. Hai bên hai cái sườn núi giáp nhau, giống như hai cái trái đùi, ở giữa có một giòng nước rất hẹp, hình thể coi cũng lạ lùng. Trông ở tấm đá đỉnh núi có vết chữ đục, nhìn kỹ là thơ của Chúa Trịnh đề vịnh trong khi đi tuần miền Tây, Thận Trung liền bảo Xuân Hương:
- Mình giỏi thơ, thử đề một bài thi với chúa Trịnh xem sao!
- Mình muốn tôi đề thơ nôm hay thơ tự.
- Nôm cũng được, tự cũng được, miễn là thơ hay.
Nàng không nghĩ ngợi liền đọc:
- Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là Kẽm Trống không
Gió đập cành cây khua lắc rắc,
Sóng dồn mặt nước vỗ lòng bong,
Thận Trung nói xen:
- Chưa hay. Hai câu thứ ba thứ tư tả trái núi khác cũng được, không sát với cảnh Kẽm Trống.
Nàng lại đọc tiếp:
- Ở trong hang tối hơi còn hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Thận Trung vẫn chê:
- Cũng chưa hay. Trong hẹp, ngoài rộng, cái hang nào mà chẳng thế, cứ gì Kẽm Trống.
Nàng vờ phát cáu:
- Thế nào mình cũng chê là không hay, tôi phải kết cho thật hay mới được.
Rồi nàng đọc nốt:
- Qua... cửa mình ơi nên ngẫm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.
Thận Trung cười:
- Chữ cửa đặt liền với chữ mình tục, thì tục, chứ hay thì không hay. Có điều cũng hơi tài, và chỉ riêng mình có cái tài ấy. Làm sao đề vịnh cảnh gì, mình cũng vẽ ra cái "phải gió" ấy được?