Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Trong Rừng Nho

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12338 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trong Rừng Nho
Ngô Tất Tố

Chương 3
Nửa sân bên ngoài, dãy bàng cổ thụ vẫn nghênh ngang giương tàn lá úa đỏ giữ cho khu đất dưới gốc khỏi mất vẻ sầm tịch âm thầm.
Nửa sân bên trong, mặt trời hèn yếu của muà đông đã nhòm xuống gậm giàn hoa bằng những lỗ phên mắt cáo.
Với những mái tóc lăn tăn ngắn ngủi, mấy cây thông bù, trắc bách lù lù ngồi trên "thống gạch" như chưa nguôi cơn rét đêm qua.
Với những nhành lá lướt mướt hơi sương, mấy khóm bạch ngọc, kiều diệp, loạn điểm tố tâm hớn hở múa trong hàng chậu da lươn, như mừng đón sự ấm áp của ánh nắng buổi sáng.
Mùi hương thoang thoảng của hoa lan hòa với mùi thơm đậm đà của hoa mộc, hoa sói, theo luồng gió nhẹ ngào ngạt bay vào trong nhà.
Trường học cụ nghè Hoàng lúc ấy vừa mới mở cửa.
Trên dãy xà nhà dài dặc, mấy bức hoành phi nền gấm ngất ngưởng nằm với nét sương kính của những chữ chân phương.
Trước cái cây cột béo lùn, mấy đôi câu đối sơn then thếp vàng, bệ vệ phô vẻ đứng đắn của lối chữ đầu tầm đuôi én!
Ngoài mặt các tường các vách, những bức tứ hoành xanh, đỏ, vàng, trắng thi nhau khoe nét tươi, nét rẻo, nét sắc sảo những dòng chữ thảo sen chữ hành.
Hết thảy mọi đồ trang hoàng đều tô điểm cho sự cao quí của một nền đạo đức.
Bằng cái danh vọng lớn lao tự đời cố Lê còn lại và vẫn lẽo đẽo sống theo tuổi thọ của một vị cố lão, tòa nhà ấy đã nổi tiếng "mực thước", về sự rèn đúc nhân tài. Bây giờ giang sơn Nam, Bắc mới chung nhau một bức bản đồ, những cuộc chinh chiến đã im, việc học của các trấn Bắc Thành đã bắt đầu khôi phục cảnh hoang phế trong mấy chục năm loạn lạc, thiên hạ đã nô nức tập văn, đọc sách, để sáu năm một lần tranh cướp nhau miếng công danh trong kỳ thi hương, cho nên số người vào cửa cụ Nghè rất đông, tuy là một trường tư thục; mà sự sầm uất của văn học không kém gì trưởng đốc học Hà Nội.
Trừ ra mươi cậu đồng sinh là những con cháu họ hàng theo đến, cố nhiên học trò cụ Nghè cũng như các học trò lớn khác, chỉ có hai lớp đại tập và trung tập.
Trung tập hàng ngày phải đến nghe sách, hàng tuần phải học làm văn. Còn đại tập thì mỗi tháng tập văn mấy kỳ.
Hôm ấy nhằm kỳ bình văn của học trò đại tập, bao nhiêu học trò trung tập đều phải đến sớm.
Cổng trường vừa ngỏ, những chiếc nón quai chuỗi đã lố nhố đưa các thiếu niên anh tuấn lục tục tiến vào với những chồng sách dầy xù.
Cụ Nghè còn ở nhà trong chưa ra.
Nón sơn lần lượt bấu vào các tường các cột, hoặc đu lên then co tầu, các cậu học trò ngổn ngang chiếm lấy ngôi chỗ của mình ở mấy tấm phản ngoài ngạch.
Theo lệ mọi ngày, những người giỏi nhất lớp trung tập thay mặt cụ Nghè truyền dần "mối đạo" cho những cậu tí nhau;
ưỡn ẹo với cuốn sách nát nhầu cắp ở dưới nách, một lũ đồng sinh tóc chỏm kế tiếp nhau tựa vào cột hiên, ngắc ngứ nhắc lại những câu đã học hôm trước.
Mấy cậu không thuộc, thèn lẹn tìm chổi quét khắp nhà trong nhà ngoài, những cậu đọc trơn, tung tăng chạy đi mài son, mài mực. Cậu nào chưa có chữ học, đưa sách cái nhờ người viết cho. Cậu nào bài học đủ rồi, mở sách học chồng bên bực cửa đợi chấm.
Nhà trường bắt đầu om sòm.
Những chữ "chi", "hồ", "giã", "giả" trong mấy cuốn sơ học vấn tâm, "ấu học ngũ ngôn thiên" nhất tề bị nhai đi nhai lại. Những tên ông thánh ông hiền ông vua ông quan trong các sách "Dương Tiết" , "Tam hoàng","Hạ Thương Chu", "Hán Cao Tổ", đồng thời bị réo róc hàng mấy chục lần.
Nghĩa chữ dần dần bị nuốt, tiếng học dần dần thấy thưa, qùy đầu gối xuống gạch thềm, các cậu bé con tranh nhau đặt sách học vào trước mặt mấy cậu hơn tuổi và lễ phép hỏi: "thưa anh xin kể".
Chữ nào nghĩa ấy, mỗi cậu bé con kể hết từng chữ trong bài học, thì mỗi cậu lớn tuổi lại ngân giọng xướng luôn từng câu cho chúng đọc theo.
Hết lượt kể nghĩa, các cậu tí nhau như đã trả xong món nợ một ngày hôm ấy, ai nấy sung sướng ra các gốc bàng rủ nhau đánh khăng đánh đáo để chờ lấy sách viết tô.
Lớp học của bọn đồng sinh đã tan.
Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây bàng.
Trống cái hùng dũng điểm một hồi ba tiếng.
Cả lũ học trò trung tập răm rắp đứng dậy với một giây "lạy thầy".
Chiếc điếu ống, cái tráp sơn và cái giỏ ấm tích trịnh trọng rước cụ Nghè áo mũ chỉnh đốn ở nhà trong.
Bệ vệ ngồi vào giữa bộ ghế ngựa quang dầu kê sau chiếc án thư giàn mạt, cụ Nghè thong thả mở tráp lấy ra một cái cối ngà, một cái chầy đồng và mấy miếng trầu không cau tươi.
Nhanh nhẩu và cung kính, một cậu học trò tiến lên, cúi đầu đón các đồ vật đem sang phản cạnh, hì hục nghiền, rồi lễ phép đệ vào.
Móm mém nhai tản miếng trầu, cụ Nghè khoan thai vê mồi thuốc lào đặt vào nõ điếu.
Nhanh nhẩu và cung kính, một cậu học trò khác tiến đến, cúi đầu bưng bộ đồ đánh lửa trên án thư ra phản thềm.
Chan chát đập hòn đá lửa vào một thanh sắt cho lửa bật ra và bén xuống lớp tro giấy có trộn lưu hoàng diêm tiêu đựng trong hộp gỗ, cậu ấy se sẽ nhón những mảnh than có lửa tiếp vào mồi giấy, phì phò thổi cho bùng ngọn, châm vào sợi giây ruột gà, rồi lễ phép đưa lên.
Ngậm hớp nước chè trong miệng, cụ Nghè vít xe điếu hút sòng sọc một hơi. Nước ngậm đã bị nhổ vào ống nhổ, khói thuốc đã bị thở lên mái nhà, cụ Nghè ra hiệu cho các cậu học trò đọc sách.
Nhanh nhẩu và cung kính, một cậu học trò nữa nhẹ nhàng ôm chồng sách in cúi đầu đặt lên án thư.
Sau một câu xin phép rất lễ độ, một cậu học trò tốt giọng đằng hắng mấy tiếng, rồi mở sách ra đọc.
Theo lệ hàng ngày, bao giờ cũng đọc đủ ba thứ sách: kinh, chuyện và sử.
Hôm nay trước nhất thì đọc Kinh Dịch, rồi đến sách Trung Dung, rồi đến cuốn Tống Thiết Tông.
Mỗi khi người đọc sách đọc hết bài cái bài bản trong một chương, cả trường đều im phăng phắc, hơn trăm con mắt chăm chú ngó vào sách của mình, hơn trăm lỗ tai yên lặng đợi lời giảng của thầy.
Bằng cái giọng sang sảng như tiếng chuông đồng, cụ giảng rành mạch từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gần đến nghĩa xa, cụ chỉ rõ ràng những lời bàn nào là phải, những lời bàn nào là quấy, cụ nói như rót vào tai học trò.
Đọc rồi giảng, giảng rồi đọc, qua bốn năm lượt giã trầu, đánh lửa, thi kinh, chuyện, sử, mỗi thứ cũng bị nhắc lại hết vài chục tờ. Công việc "nghe sách" sắp đoạn, cao hứng, cụ vuốt râu, hỏi:
- Các anh có biết thể văn lục bát nguồn gốc ở đâu hay không?
Gần trăm bộ mặt hết thầy tỏ vẻ ngơ ngác, người ta phải đáp lời thầy bằng sự lặng im.
Cụ cười khanh khách và mắng học trò một cách vui vẻ.
- Các anh không có ý tứ chút nào. Giở lại bài đọc hôm nay mà xem, nguồn gốc thể văn lục bát ở ngay những chỗ các anh vừa mới "nghe" đó...?
Gần trăm cuốn sách đều bị lật đi lật lại lung tung. Không ai tìm thấy chi hết, người ta lại đáp lời thầy bằng sự lặng im.
Vẫn bằng giọng nói vui vẻ, cụ giảng:
- Kinh, chuyện, sử mỗi pho đều có một câu lục bát: "Lục tam hàm chương khả chinh." Hoặc "tòng vướng sự vô thành, hữu chung." Đó là câu ở Kinh Dịch. "Phù thủy, nhất thước chi đa, Cập kỳ bất trắc, ngoan, đà, giao, long..." Đó là câu ở sách Trung Dung, còn ở sử thì là câu gì? các anh đã nghĩ ra chưa?
Kẻ chau mày lục soát trí nhớ, người còn để mắt từa tòi trong cuốn sách vừa đọc cuối cùng, chưa ai kịp trả lời ra sao, cụ đã nói tiếp:
- "Đô dĩ sái sác hữu công, Sử chi tòng tựa triệt tông miếu đình." Có phải câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ, rành rành theo vần với nhau đấy không? Đó là câu ở Tống sử. Thể văn lục bát của ta khác hẳn các lối thi ca của Tàu, không biết xuất hiện ra từ đời nào, nhưng nguồn gốc của nó, quyết phải ở mấy câu ấy. Những người kiến thức nông nổi, không chịu xét đến uyên nguyên, thường khoe nước mình có riêng một thể văn chương. Kỳ thực cũng là bắt chước kinh, chuyện và sử tất cả. Tiếc rằng thể văn ấy hiện nay chỉ có những câu phong dao, tục ngữ và những bài hát vè, hát đúm, nôm na mách qué, sai cả ý của thánh nhân...
Những cậu học trò nghe rồi, ai nấy như mơ mới tỉnh, tuy cũng có vài người dám cho ý kiến của thầy là quá khiên cưỡng, và họ quả quyết tin rằng thể văn lục bát với mấy câu kia chẳng qua ngẫu nhiên hợp nhau, không phải có dính với nhau, nhưng họ đều nín im không nói. Còn phần đông đều phục cụ Nghè là bậc cao kiến, đã phát minh được một điều lạ lùng. Lại tan buổi học của lớp trung tập.
Học trò đại tập dần dần kéo đến. Ai cũng như nấy, rón rén bước vào ngồi khắp dãy phản ở hai gian cạnh, sau khi đã chắp tay chào thầy.
Nghỉ ngơi một lát, cụ Nghè giở lại tập quyển đã chấm, và tìm những quyển sẽ được "bình" để riêng một chồng.
Mọi kỳ bình văn trước kia, quyển "tập" thường thường tới gần ba trăm học trò đến nghe, vừa đại tập vừa trung tập có khi tới gần bốn trăm. Kỳ này vì đương khoa thi, học trò đại tập hầu hết nghỉ để đi thi. Chỉ có ít người bị trở đại tang hoặc vì cớ khác không được vào thi thì mới có quyền ở đó. Bởi thế kỳ ấy số quyển rất ít, nhất là những quyển được bình lại càng ít lắm. Nhưng số người vào nghe thì nhiều gấp trước mấy lần.
Là vì khoa thi mới bắt đầu, thí sinh các trấn hãy còn tụ ở Hà Nội chờ xem bảng kỳ đệ nhất, nghe tin một trường danh tiếng như trường cụ Nghè Hoàng có kỳ bình văn, ai cũng nô nức đến xem.
Chừng khoảng nửa buổi, người ta kéo vào càng đông. Các phản trong nhà, ngoài thềm đã bị ngồi hết, nhiều người phải dúm dụm đứng với nhau ở dưới giàn hoa.
Hơi người đã chinh phục khí hậu giá rét và bắt nó phải ấm nóng.
Mấy ông bạn thân của cụ Nghè mời đến dự thính vẫn chưa thấy lại.
Mấy trăm sĩ tử cũng như gần trăm quyển văn hết thảy ngong ngóng chờ đợi. Có người nóng ruột đã lảng ra công.
Mặt trời gần tới đỉnh đầu.
Bóng rợp của mấy cây bàng đã thu gọn lại.
Ngoài ngõ nghe có tiếng ho khù khụ và tiếng nói lao xao.
Cụ Nghè Phạm lù khù đi vào với ông Chiêu Bảy, ông Chiêu Tám, ông Cống Thiều, ông Cống Minh và ba bốn ông Cống nữa.
Tất cả những người đương ngồi đều lễ phép đứng lên.
Rề ràng, cụ Nghè Hoàng bước trên ghế xuống và ra tận thềm đón khách.
Với bóng vía của những chữ "cao niên thạc vọng", hai cụ Nghè và hai ông Chiêu ngồi trên chiếc ghế chính giữa một cách tự nhiên. Các ông Cống giữ lễ hậu tiến, khép nép ghé vào hai chiếc tràng kỷ kê hai bên cạnh.
Trong nhà, ngoài thềm, sĩ từ lần lượt ngồi xuống.
Cạn tuần nước chè thứ nhất, cụ Nghè Phạm phều phào hỏi cụ Nghè Hoàng:
- Kỳ này có quyển nào khá không?
Gật gù, cụ Nghè Hoàng đáp:
- Có một quyển của Trần Danh Mẫn khá lắm, tôi đã phê "ưu" và hai quyển nữa tôi đã phê "bình", của Đàm Thận Trung và Nguyễn Mạnh Cố, cũng có nhiều đoạn xuất sắc.
Vừa nói, cụ Nghè Hoàng vừa lục mấy quyển dấu khuyên đỏ chói đưa cụ Nghè Phạm và hai ông-chiêu.
Ba người vừa xem vừa cười thích chí, ai nấy tấm tắc khen "được". Tuần nước chè thứ hai lại cạn.
Công việc bình văn đã bắt đầu.
Đầu bài kỳ này chỉ có hai bài tứ lục: chiếu thi "Nghĩ Nguyên Thế tổ trưng cầu Cố Tống di thần", hiệu là "Nghi Hán Tứ hiệu từ qui thương sơn".
Với nghiên mực để sẵn bên cạnh, một ông học trò sang tiếng lĩnh quyển của Trần Danh Mẫn ra bình.
Vừa đọc hết đoạn mở đầu cụ Nghè Phạm và hai ông Chiêu dục khuyên rối rít, làm cho người bình khuyên điểm không kịp, dấu mực mới chi chát để lên dấu son cũ, quyển văn lòe loẹt như một đạo bùa.
Người ấy bình hết quyển Trần Danh Mẫn đến lượt người khác bình quyển Đàm Thận Trung, bây giờ tiếng dục khuyên điểm đã thưa, khi người sau cùng bình đến quyển Nguyễn Mạnh Cố thì trong trường tự nhiên không thấy vui vẻ bằng trước.
Bỗng ở chiếc phản cạnh thềm mấy cậu học trò chụm đầu vào nhau, hình như không hề để ý đến bài văn đương bình. Rồi họ đọc lẩm nhẩm. Rồi họ cười tủm tỉm. Rồi họ cười khúc khích. Rồi họ xúm lại như đám thò lò, quên cả lễ độ ở trước thầy học.
Ngạc nhiên, cụ Nghè Hoàng quát hỏi:
- Cái gì ở ngoài ấy thế?
Mười mấy cái đầu cùng ngửng lên. Một cậu gập tập trắng dấu vào túi. Các cậu khác quay ra ngồi lại một cách nghiêm trang, cả mười mấy người đều như muốn cười mà phải cố nhịn.
Ông Chiêu Bảy chừng lấy làm lạ, vui vẻ hỏi:
- Giấy má gì đấy? Các cậu đưa vào lão xem.
Mọi người đều bưng miệng nín cười vờ ngơ ngác nhìn nhau, không ai dám nói sao cả.
Ông Chiêu Tám cũng tươi cười hỏi:
- Chắc là văn thơ của ai chế riễu bọn lão chứ gì!
- Được các cậu cứ đem vào đây!
Vẫn không người nào chịu đưa.
Phát cáu, cụ Nghè Phạm bảo ông Cống Thiều ra lấy. Cực chẳng đã, cậu nọ phải móc túi giấy bỏ tập giấy ra, vẻ sợ sệt hiện đầy trên mặt.
Ông Cống Thiều vừa đi vừa xem vừa cười tủm tỉm, rồi lễ phép trao lại cho ông Chiêu Bảy.
Ông Chiêu Bảy cũng không thể nhịn cười mỗi khi xem hết một câu.
Cuộc bình văn đã xong, bao nhiêu học trò đều ngồi nán lại, chờ coi tập giấy kia là bài gì.
Ông Chiêu -Tám nhẩm ông Chiêu Bảy:
- Có phải họ chế chúng mình đấy không?
Ông Chiêu Bảy lắc đầu:
- Không phải. . . Bài ca tự tình của Hồ Xuân Hương.
Cụ Nghè Hoàng nghe đến ba chữ Hồ Xuân Hương như bẩn cả lỗ tai, chau hai lông mày, cụ gắt:
- Các ngài xem chi văn chương của con gái rõm ấy, xin cho trẻ nó đốt đi!
Ông Chiêu Bảy ỡm ờ:
- Nó rõm nhưng văn nó hay. Sao lại đốt? Tôi muốn xin phép các quan bình cho học trò nghe.
Cụ Nghè Hoàng cho là ông này cố ý trêu mình, im bặt không nói gì nữa.
Cụ Nghè Phạm vội giằng tập giấy ở tay ông Chiêu Bảy:
- Đưa lão xem. Thế nào mà ông bảo là văn hay?
Vừa coi hết vài dòng đầu, cụ Nghè Phạm quăng tọt xuống án và gọi đồng sinh đem đốt ngay đi!
Ông Chiêu Bảy lại cầm luôn lấy:
- Vâng! Đốt thì đốt? Nhưng xin hai cụ hãy cho chúng tôi bình chơi cái đã!
Cụ nghè Hoàng sầm mặt:
- Ở đây nhi mục quan chiêm không phải chỗ nói khôi hài.
Ông Chiêu Bảy vẫn hời hợt:
- Bẩm không phải khôi hài! Tôi muốn theo ý của Kim Thánh Thán đấy ạ? Chắc hai cụ cũng còn nhớ cả, trong bài tựa quyển Tây Sương Ký, Kim Thánh Thán có nói thế này: "Người ta bảo Tây Sương Ký là sách dâm, chỉ vì trong sách có việc. . . ấy. Nhưng thử nghĩ kỹ mà xem: trời đất vũ trụ ngày nào không có việc. . . ấy? Chỗ nào không có việc... ấy. Có lẽ bảo trời đất có việc ấy thì bỏ trời đất; vũ trụ có việc ấy thì bỏ vũ trụ hay sao? Sao sách ấy có việc ấy lại muốn bỏ nó". Hai cụ nghĩ sao? tôi cho Thánh Thán nói vậy là phải. Vậy xin phép hai cụ, cứ cho chúng tôi bình thử?
Ông Chiêu Tám cũng cười:
- Thì ông ấy đã muốn như thế, hai cụ cứ thì cho phép cái nào?
Ông Cống Thiều ra bộ sốt sắng:
- Xin phép các cụ để cho tôi bình.
Rồi ông ấy nhanh nhẩu đứng dậy đón tập giấy của ông Chiêu Bảy. Cụ Nghè Phạm cũng như cụ Nghè Hoàng lặng lẽ ngồi với mặt thâm mày xám.
Ông Cống Thiều vừa cầm tập giấy vừa cười sằng sặc. Học trò trong nhà, ngoài thềm, hết thầy ngơ ngẩn chờ nghe.
Lâu lâu, tan cơn buồn cười, ông Cống Thiều dõng dạc cất giọng:
- Tự tình rằng:
Khi canh cửi, lúc ngồi thong thả
Ngẫm sự đời buồn bã gớm ghê!
Âm dương lấy đấy mà suy
Côn trùng cũng có huống chi loài người.
Gớm rát tai, những lời trò chuyện
Khéo đặt điều nói đến những câu

Cả nhà im lặng như thường. Mấy ông học trò ngồi ngoài lầm rầm bảo nhau:
- Như vậy tưởng không có gì là rõm
Hai cụ Nghè vẫn mặt lăng mày vực, ông Chiêu Bảy vẫn chúm chím cười thầm.
Ông Cống Thiều nghỉ trong giây lát lại tiếp:
- Thơ rằng:
Chém cha cái số má hồng trâu.
Nghĩ đến càng thêm lắm nỗi sầu
Dệt cửi quăng đi còn có lẽ
Gieo thoi ném lại, chuyện không đâu.

Ông Chiêu Tám nói xen:
- Mấy câu ấy chắc ả muốn than về chuyện chồng rẫy. Được, văn cũng hoạt.
Ông Cống Thiều vẫn đọc:
- Gớm thay Gan người, dạ thế, sâu khôn xiết,
Phao lên rằng: "tít tịt có chi"
Tai thấp thoáng, bụng hồ nghi.
Rành rành chẳng biết cái gì mọc đây

Hai ông Chiêu đều cười ngặt nghẽo.
Cụ Nghè Hoàng xua tay bảo ông Cống Thiều:
- Thôi đừng đọc nữa.
Nhưng ông Cống Thiều cứ đọc:
- Cơn vắng vẻ mặt dầy ngắm lại
Lúc buồn tình tay gãi đã quen
Rành rành múi mít đôi bên.
Lùm lùm chai úp là miền hạ thôn.

Ông Chiêu Tám vẫn tủm tỉm:
- Tục quá? Không trách các cụ bảo đem đốt đi cũng phải. Văn chương gì mà tục đến thế.
Ông Chiêu Bảy vội bênh bằng giọng cười cợt:
- Cố nhiên nó tục! Nhưng ông nên biết cho người ta rằng: đó là một bài tự tình cốt để giải tỏ cái oan "ái nam", không phải là kinh, là chuyện, hay là một thiên gia huấn? Vả chăng, mấy câu này tuy tục nhưng chỉ ý tục chớ lời không tục, cũng còn có thể tha thứ.
Hai cụ Nghè cắm mặt ngồi im, ông Chiêu Tám chỉ cười không đáp. Ông Chiêu Bảy nói tiếp:
- Người đời, trừ ra bực thần tiên ai mà không tục!
Tôi rất phục câu nói của ông Trương Xưởng: "Trong chốn khuê phòng, tình nựng vợ chồng, còn có việc tệ hơn là vẽ lông mày". Bị vua hỏi đến tội vẽ lông mày cho vợ, mà ông ta dám nói như thế, kể cũng thật thà và can đảm lắm. Tôi không hiểu tại sao nhiều người vẫn luôn làm những việc tục, mà đến văn chương lại ghét ý tục? Thánh hiền có dạy thế đâu!
Cụ Nghè Hoàng vùng vằng đứng dậy đi vào nhà trong. Ông Cống Thiều cao giọng ngâm nga:
- Cỏ rêu mọc xanh om cửa tía,
Lá cờ bay đỏ kẽ song đào,
Môi dầy, miệng rộng, trán cao,
Đúng trong tướng pháp ảnh hào nghi dung.

Nhà trong nhà ngoài, tiếng cười rầm rì, tưởng như xô cả mái ngói. Ông Chiêu Bảy vỗ tay bảo ông Chiêu Tám:
- Đoạn này chắc nó xỏ lão Quyền Chưởng Vệ "Môi dầy, miệng rộng, trán cao", thật là mặt ông Quyền Chưởng vệ, không sai một chút. Ừ, một người tài tình như thế, vô cớ bị ông kia hỏi lấy một cách ép uổng, rồi lại vu cho cái tiếng "ái nam" để mà đuổi đi. Như vậy, nó tức là phải, xỏ là phải.
Rồi ông Chiêu Bảy giục ông Cống Thiều:
- Ông cho nghe tiếp đoạn dưới.
Nhưng ông Cống Thiều vì cười nhiều quá, phát nấc, không đọc được nữa, ông Cống Minh cầm quyển đọc thay:
- Ấy rõ thật là. . .
Mới được bốn chữ, ông này đã cười sằng sặc, không thể đọc tiếp.
Một lát, cơn cười hơi tan, ông ấy bưng miệng đọc nốt:
- Vông rầy rây,
Bằng lương nhân trông thấy cũng ghê.
Há như lá
...
Cơn cười sằng sặc lại nổi lên, ông Cống Minh lại phải nghỉ đọc. Lâu lâu, ông ấy lại bưng miệng đọc theo:
- tróc, lá tre,
Mà cười mà ngắm mà kề mà không

Ông Chiêu Tám lắc đầu:
- Đểu quá ! Nó xỏ lão Quyền Chưởng Vệ đau quá.
Ông Cống Minh ngân giọng:
- Của trời cho, xinh giòn là thế.
Người ta còn ẻo ẹo rằng "không".
Nín thì tức, nói thẹn thùng,
Phải đồ oán chợ mà hòng phô trương
Mà dãi thẻ như phường tơ kén
Vén màn quần bầy biện đồ ra
Để cho những khách gần xa
Thử xem cho biết rằng là có không
Ông Chiêu bảy vỗ đùi:
- Nghe đoạn này toàn là giọng oán tức. Ừ, bỗng không lại bị đeo tiếng ái nam, ai mà nhịn được. Mình gặp nước ấy. Mình còn nói tục bằng mười.
Cụ Nghè Phạm hằm hằm đứng lên vào nốt nhà trong. Ông Cống Minh càng ngân dài giọng:
- Nhưng mà lại vào dòng quý tướng,
Bộ râu xồm quai nón phất phơ.

Hai ông Chiêu lại cùng cười như nắc nẻ:
- Nó vẽ ra mặt ông Quyền Chưởng vệ, ông ấy nghe thấy bài này, không khéo sẽ tức mà chết.
Ông Cống Minh vẫn liên tiếp không dừng:
- Màn quần che kín sớm trưa
Tuyết sương chẳng quản nắng mưa chẳng từng.
Hoặc có lúc hớ hênh khuya sớm,
Chỉ người nào ghé trộm thì hay.
Vì bằng đem để sánh bầy,
Thất kinh vía quỷ, xa bay hồn phàm,
Nhân nay buổi thanh nhàn thư thái.
Chép vài hàng nhắn gửi nước non.
Cậy ai phán bảo ôn tồn
Nên tin rằng," có, chớ đồn rằng không".
Đời đã thiếu anh hùng các sĩ.
Cửa phòng thu dễ hé cho ai!
Tự tình ta viết ra chơi.
Không không, có có, miệng người xá chi.

Ông Chiêu Bảy cau mặt:
- Đoạn kết láo quá, đáng đánh đòn.
Tan cuộc bình văn, học trò lẻ tẻ ra về. Hai ông Chiêu và mấy ông Cống trịnh trọng vào tận nhà trong từ biệt hai cụ Nghè, các cụ vẫn chưa nguôi cơn giận, không thèm nói một câu nào cả.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 399

Return to top