Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Chữ Thời ( Triết Lý An Vi )

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12395 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chữ Thời ( Triết Lý An Vi )
Kim Định

Chương I
1. Những âm vang của tương đối thuyết
Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng vì nó lay động tận gốc rễ mọi cơ cấu, đến nỗi các nhà văn quen gọi là một vũ trụ vỡ lở.
Nếu chúng ta muốn tìm ra chỗ hiện hình rõ nhất của những xáo trộn đổ vỡ này thì phải kể đến thuyết tương đối của Einstein, bởi thuyết đó liên hệ mật thiết với quan niệm thời gian hơn hết. Trước kia người ta vẫn quan niệm không gian và thời gian là những thực thể tuyệt đối, đứng ngoài sự vật, nhưng từ khi Einstein khám phá ra thuyết Tương đối thì quan niệm thời không như những cái gì tuyệt đối bị sụp đổ.
Sau đây là một hai thí dụ rất đơn sơ, đưa ra để tạm giúp có một ý niệm khái quát về Tương đối thuyết.
Anh Giáp ngồi trên toa giữa của một xe lửa dài và chạy cực mau. Khi đi qua chỗ anh Ất đứng dưới đường thì đầu và cuối xe phát tiếng nổ. Hai tiếng nổ đó xảy ra đồng thời với anh Ất đứng dưới đường, còn anh Giáp thì lại nghe tiếng nổ đàng đầu trước tiếng nổ đàng cuối. Như vậy là không còn đồng thời tuyệt đối mà chỉ có một thứ đồng thời tương đối với người quan sát liên hệ mật thiết với bao giờ ở đâu, theo hệ thống qui chiếu nào. Như vậy thì trên với dưới, tả với hữu, trước với sau cũng hết giá trị tuyệt đối. Cái bên tả của tôi trở thành bên hữu của người đối diện, cái "trên" ban ngày trở thành "dưới" ban đêm. Tóm lại không thể nói lấy trên dưới tả hữu làm tiêu điểm tuyệt đối nữa.
Thuyết tương đối còn đưa tới sự thay đổi quan niệm về cơ cấu vật chất. Trước kia vật chất được quan niệm như vật im lìm, ngày nay thấy vật chất có thể đổi ra năng lượng và năng lượng với vật chất cùng vâng theo một phương trình là: "Năng lực bằng với khối lượng nhân với bình phương vận tốc ánh sáng. E=mc2 (E: năng lượng, m: khối lượng, c: độ đi mau của ánh sáng gần 300.000 cây số một giây).
Đó là phương trình đã dẫn tới việc làm ra bom nguyên tử, nghĩa là bom nguyên tử được chế tạo theo nguyên lý vật chất có thể biến đổi ra năng lượng. Chữ năng lượng là một danh từ tổng loại, dùng để chỉ sức nóng, động lực, phóng xạ, ánh sáng v.v… Như vậy vật chất với ánh sáng tựu kì trung là một, cùng vâng theo một phương trình. Và như thế là xoá bỏ sự phân cách một cách tuyệt đối giữa vật chất và năng lượng và sẽ dẫn tới sự xóa bỏ quan niệm tuyệt đối giữa tinh thần và vật chất. Vật chất không còn im lìm y nguyên nữa, nhưng tuỳ theo sự đi mau chậm khác nhau mà biến dạng. Đi chậm thì là vật chất, nhưng nếu chạy mau với vận tốc gần 300 000 cây số một giây thì sẽ thành ánh sáng.
Chân lý trên giúp con người hé nhìn thấy dưới muôn vàn sai biệt có một mối tương quan rất mật thiết giữa vạn vật, và sự mật thiết này dẫn đến ý niệm quyết liệt trong tương đối thuyết là: Vạn vật trong vũ trụ đều thành nên bởi một mô nền tảng mà thôi, và mô đó (tissu fondamental) không phải là vật chất hay vi thể (particules) mà chính là không-thời-liên (espace-temps-continuum). Thời gian hết còn đứng ngoài sự vật nhưng trở thành "chiều kích thứ tư của vạn vật" hay nói đúng hơn là "thông số" thứ tư (paramètre) của sự vật. Sự vật chỉ là những hình thái (dị biệt) cong, méo, tròn, giẹp… và sự biến động theo những định hướng của không thời liên. Tất cả vũ trụ đều thế kể cả con người và thảy đều gắn bó nhau bằng nhiều loại trường như tổng hấp dẫn, từ điện và hạt nhân (champ gravitationel, electromagnétique et nucléaire). Do đó bất cứ một động tác nào cũng phân trương ra khắp thiên cầu tuy càng xa càng nhỏ nhưng vẫn còn, y như lúc ném hòn sỏi xuống ao làm cho gợn lên những vòng sóng trước nhỏ sau to, càng to càng tan dần và lan tỏa ra cùng ao. Không thời liên chính là đại dương, còn vạn vật là những làn sóng nhấp nhô, tuy dị biệt nhưng nền sóng là một.
Như vậy một nắm tay ta giơ lên cũng gây âm vang lan truyền ra khắp vũ trụ (coextensif à tout l univers) và hơn thế nữa còn ghi lại trong vũ trụ. Thí dụ như có những ngôi sao cách ta từng tỉ năm ánh sáng, mà hiện ta chưa thấy hay bắt đầu thấy. Nếu ngôi sao đó đã bắt đầu tan đi, thì ta vẫn còn thấy sao đó từng tỉ năm sau, và nếu có người ở các ngôi sao khác cách ta vài tỉ năm ánh sáng thì họ cũng phải đợi vài tỉ năm mới thấy được nó. Thí dụ đó tỏ rõ sự vật có là có bằng không thời liên và chữ liên đây là nối kết cả không gian lẫn thời gian, cả dĩ vãng, hiện tại, tương lai đúc thành một: ngôi sao đã có rồi nay không còn nữa mà hiện ta đang xem thấy, và lâu sau này sẽ được thấy ở các ngôi sao khác (nếu có người để thấy). Thành ra dĩ vãng, hiện tại, tương lai đều trở thành tương đối hết và không còn một lúc nào được kể là đặc ân nghĩa là được quyền có cách độc tài hơn lúc trước hay lúc sau. Nhưng mọi thời điểm và không điểm đều trở nên một trung tâm có vô cùng mối liên hệ nên cũng biểu lộ vô cùng sắc thái và tất cả mọi thời điểm liên hệ tới nhau như trong một thân thể. Động đến một là động đến tất cả. Các ranh giới giữa vật chất tinh thần trở nên tương đối nhập nhằng thẩm thấu: sự vật chỉ là nơi tụ họp mạnh hơn của không thời và tùy với hình thái khác nhau, với mật độ thời không khác nhau mà có sự vật, và sự vật không còn tính cách cá biệt li cách, nhưng liên hệ với nhau bằng các thứ trường gần giống quan niệm Kinh Dịch làm bằng các ý niệm tương sinh tương tức, tương thấu, tương nhập, tương duyên. Các Trường của tương đối thuyết với các tương của kinh Dịch giống nhau rất nhiều ở hình nhi hạ.
Đó là vài ý niệm sơ lược về Tương đối thuyết, chính nó đã đánh đổ các quan niệm tuyệt đối cũ về không gian và thời gian, về bản thể vật chất… nên nó gây ra sự sụp đổ trong khắp địa hạt và cách riêng là nền triết học đã xây dựng trên quan niệm không thời tuyệt đối và ý niệm sự vật im lìm. Đến nỗi Bachelard trong quyển Tinh thần khoa học mới (N.E.S.7) đã đề nghị lấy niên hiệu ra đời của Thuyết tương đối (1905) làm cửa mở vào giai đoạn hiện tại vì thuyết này đã lay động tận gốc rễ cả một vũ trụ quan cũ, nên làm cho người ta hết sức ngỡ ngàng và đâm ra bán tín bán ghi. Nhưng thét rồi không thể không chấp nhận vì những công thức của thuyết đã lần lượt được kiện chứng cách quá đồ sộ như bom nguyên tử nói trên. Hay ánh sáng đi theo đường cong của sự vật như mặt trời và nhiều thí dụ cụ thể được trù liệu bao năm trước rồi mới khám phá ra sau. Ở đây chúng ta bàn thêm đến điểm hình thái và nguồn gốc của thiên cầu được thuyết tương đối dự trù và được kiện chứng bằng khoa họa vì nó có liên hệ mật thiết với nguyên ủy của không thời, và đó gọi là Tương đối tổng quát ra đời năm 1915.
2. Có một thời điểm và chung điểm của không thời chăng?
Muốn tìm lời đáp cho câu hỏi trên thì cần phải biết Thiên cầu có một lúc bắt đầu và một lúc chung cục chăng: khởi điểm đi tìm lời đáp cho câu nầy nằm trong lái đất.
Trên kia nói đến Không thời liên tương đối áp dụng cho từng người quan sát, nay nói về vũ trụ tổng quát, liệu có thể tìm ra một hệ thống nào chung cho mọi người chăng? Một hướng chung tương tự như của lái đất với đường kinh có hai cực nam bắc và vĩ tuyến chạy vòng quanh lái đất theo hướng Đông Tây. Vấn đề đặt ra là trong Không thời liên cùa toàn thể thiên cầu có tìm ra được những hướng tương tự. Nếu có thì đường vĩ sẽ là một không gian cong vòng tròn, nên có cùng, nhưng vô giới hạn (finir mais illimité): có cùng nghĩa là nếu ta đi thẳng trước mặt mãi thì có ngày trở lại điểm khởi hành theo đường cong và vòng trở lại trên mình, còn vô hạn vì không có mốc giới nên người ta cứ tiếp tục đi nữa. Dựa trên hai đường kinh và vĩ với hai tính cách có cùng nhưng vô hạn, chúng ra có thể hình dung ra một mẫu thiên cầu tương tự với hình thể lái đất, nghĩa là các đường kính gặp nhau ở hai cực Nam Bắc và coi đó như nguồn gốc của thời gian. Còn đường vĩ là nguồn gốc không gian.
Về đường kinh vấn đề đặt ra là thời gian về dĩ vãng là vô cùng hay là có một khởi điểm? Sự phát kiến ra phương pháp khác nhau để đo tuổi các núi, các biển và nhận ra lái đất đã khởi đầu có từ quãng mười tỉ năm trở lại, với việc đo tuổi các vân hà bằng cách tính độ các sao rãn xa nhau ra thì cũng xuýt xoát hợp với con số mươi tỉ năm. Như thế là thiên cầu đã có một khởi điểm, nên thời gian cũng có một lúc bắt đầu.
Còn về đường vĩ thuộc hình thái thiên cầu thì xem ra cũng tương tự với trái đất, nghĩa là vừa có cùng vừa vô hạn. Có cùng nghĩa là không một điểm nào trong thiên cầu xa người quan sát cách vô cùng, vì khối lượng không gian không thể giãn ra vô cùng. Đến một lúc nào đó mật độ năng lượng sẽ đi tới mức không thể giãn thêm được nữa, nên có cùng.
Nhưng vô hạn, vì nếu tiến thẳng trước mặt thì một lúc nào lại trở về khởi điểm nhưng không gặp mốc, vì nếu có thì bên kia giới mốc lại cũng vẫn còn là thiên cầu, nên không là giới mốc thiệt thụ, và do đó có thể hình dung ra Thiên cầu theo đường vòng cầu, tương tự với lái đất của ta. Như thế thiên cầu sẽ không theo hình học phẳng của Euclide hay hình học hyperbol của Lobatchewski, có thể tách rời khỏi thời gian nhưng theo hình học vòng cầu của Riemann, vì chỉ hình học này mới hội được hai điều kiện vừa có cùng vừa vô hạn.
Đó là mấy yếu tố của khoa học có thể dùng làm điểm tựa để hình dung ra quá trình diễn tiến của mật độ năng lượng trong khoảng thiên cầu với sức nóng từ cao đến thấp và nhất là đường kính của thiên cầu với sức nóng xuyên qua các chặng tiến triển của nó. Để kiếm câu đáp cho vấn đề này, cần trước hết phải tìm ra luật chung chi phối tất cả thiên cầu. Luật chung đó tất cũng như các luật tắc khác của khoa học tức phải có tính cách bất biến, để giúp cho nhà khoa học có căn cứ vững chắc đặng dự đoán tương lai. Trước hết phải đặt giả thiết rằng trong thiên cầu đó có một lúc mà tỉ trọng (densité) năng lượng ở khắp nơi đồng đều như nhau. Nói khác, thay vì xem quãng không hầu như rỗng và chứa đựng các ngôi sao rất đông đặc như quan niệm im lìm quen làm, thì người ta giả thiết ở một lúc nhất định nào đó tất cả thiên cầu đều được chất đầy bằng một thể lỏng mà tỉ trọng khắp nơi bằng nhau. Không gian giả thiết như thế sẽ có những đặc tính như nhau trong mọi không điểm. Đó là đại để hình thái của Thiên cầu. Chỉ còn thiếu một hệ thống phương trình để xác định cách tiến triển và tỉ trọng năng lượng cùng sự lên xuống của sức nóng cũng như tầm thước đường kính của Thiên cầu xuyên qua quá trình tiến triển của nó. Năm 1915 thuyết tương đối tổng quát liệu biện đủ phương trình cần thiết, nhưng phải trải qua rất nhiều đề nghị khác nhau cho mãi tới năm 1927 nhà khoa học Georges Lemaýtre mới đưa ra được một mẫu thiên cầu với tỉ trọng đồng đều ở một lúc nào đó, nó vừa hợp các phương trình tương đối thuyết, lại vừa thay đổi theo thời gian. Theo đó thì ban sơ thiên cầu chỉ là một hạt nhân cực kì đông đặc với đường kính rộng chừng ít trăm cây số, rồi nó nổ lên và giãn ra liên tục cho tới ngày nay vẫn còn bành trướng tiếp diễn. Điều đáng chú ý đặc biệt là năm 1930 nhà thiên văn Hubble đã minh chứng được sự bành trướng của thiên cầu bằng cuộc phát kiến ra sự chạy trốn của các vân hà, và như vậy thuyết thiên cầu đang giãn ra đã có bằng chứng kiểm điểm được. Tuy nhiên lại gặp khó khăn khác là nếu nó giãn ra mãi thì thời gian sẽ vô cùng trong tương lai, là điều trái với không gian có cùng tuy vô hạn. Và nếu thế thì không thời hết liên kết nữa hay sao? Nhưng may thay cũng năm đó thuyết gia Eddington đã dùng phương trình của Einstein để trình bày tính cách thay đổi của thiên cầu tức nó có thể giãn ra mà cũng có thể co rút lại. Tính cách có thể co rút này cũng giải đáp vấn nạn nêu lên ở trên: tức là thời gian cũng có cùng y như không gian và từ đó người ta chú ý đến quan niệm của thiên cầu có một co một giãn như kiểu vũ trụ quan Ấn Độ với một thở ra một hít vào, hay theo chu kỳ nhất hạp nhất tịch kiểu Kinh dịch. Tuy nhiên còn một số khuyết điểm: trước hết đó chỉ là một biểu tượng, một số công thức tưởng tượng kiểu toán học, người ta không hình dung ra được. Thứ đến tại sao cái nhân sơ khởi lại chỉ lớn chừng vài trăm cây số mà không hơn hay kém. Thứ ba khoa Thiên văn mới chỉ chứng minh được có sự giãn ra, còn đợt co rút lại chưa tìm được bằng chứng.
Các qui nhất thuyết (les doctrines unitaires) sẽ giải quyết ba khó khăn trên bằng rút nhỏ cái nhân sơ khởi vào tầm kích một dương điện tử (proton) với dương điện tử ẩn tàng (antiproton) và lúc đó người ta vừa hình dung ra được cả sự giãn ra lẫn sự co vào v.v… Nhưng đó cũng mới là những giả thuyết tuy đóng góp thêm nhiều điểm giải đáp xuôi hơn. Dầu sao thì khoa học đã nắm vững một số điểm sau: trước là hình cầu của Thiên cầu; rồi đến sự biến chuyển của Thiên cầu theo chiều giãn ra là khởi sự từ lối 10 tỉ năm trước đây; ba là đường kính hạt nhân sơ khởi lúc đó cực kì đông đặc và bé hơn đường kính thiên cầu hiện đại vô số lần; bốn là độ nóng của thiên cầu hạ dần xuống theo đà giãn ra của thiên cầu.
Còn những điểm khác như thiên cầu sẽ co rút để trở lại như lúc sơ khởi, hoặc xác định đường bán kính tối đa của thiên cầu, hoặc qui định quãng thời gian bao lâu từ lúc nổ ra ban sơ tới lúc trở lại khởi điểm… là bấy nhiêu điểm khoa học chưa thể minh chứng nổi.
Tuy nhiên với những điểm sở đắc trên kia, tương đối thuyết đã chinh phục hầu hết các khoa học và trở nên nơi hội tụ của các trào lưu thuyết lý, cho nên Bachelard đã có lý khi nói rằng sau Einstein người ta không thể suy tư như trước Einstein được nữa. Chương sau chúng ta sẽ xem sau Einstein triết Đông có được phép tiếp tục suy tư như trước chăng? Nhưng trước hết ta hãy khảo sát xem trước Einstein người ta đã quan niệm thế nào về thời gian và ta gọi là học về cơ cấu thời gian.
3. Tầm quan trọng của cơ cấu thời gian
Nói về cơ cấu thời gian là bàn đến những điều rất vi tế không thể dùng giác quan mà thấy được, nhưng phải dùng đến tâm thanh lọc mới nhìn nhận ra. Bởi chúng ta không biết được thời gian cách trực tiếp như không gian, nhưng chỉ biết qua những sự biến động của vạn vật, sự vận hành của tinh sao, sự đắp đổi sáng tối, ngày đêm, "tứ thời". Nhưng vật là gì, ánh sáng là gì, tứ thời là gì? Ta không biết, mà chỉ có những ý niệm ỡm ờ về thời gian qua những sự cảm nhận do sự di chuyển của vạn vật, của ánh sáng… Những ý niệm đó được sắp đặt cái nọ liên hệ với cái kia tạo ra cho chúng ta cơ cấu thời gian. Như thế cơ cấu thời gian chỉ là sản phẩm của cảm xúc của lý trí, coi như không liên hệ với sự vật, vì nó thay đổi tuỳ theo ý niệm của từng người, từng nền văn minh. Nhưng chính vì thế mà nó lại có một mối liên hệ mật thiết tới sinh mệnh của mỗi cá nhân cũng như của mỗi xã hội, nên nó mang theo một tầm quan trọng vô biên.
Trước hết vì thời gian cũng như không gian là vấn đề bao quát tổng hợp hơn hết, đến nỗi ta không thể quan niệm một biến cố hay một vật thể nào mà không nằm trong không gian và thời gian. Cho nên có được một cơ cấu trung thực về thời gian là có được chìa khóa vạn năng mở được hết các ngõ bí cho mọi vấn đề rắc rối trong triết học. Việc giải quyết chỉ còn là nghệ thuật áp dụng cơ cấu thời gian cách đúng mức vào những vấn đề thay đổi khác nhau. Ngược lại cơ cấu thời gian đã sai thì hết mọi vấn đề trong triết lý đều đổ vỡ hết trọi. Nhà giột từ nóc không thể chữa, nếu trước hết không chữa lại cái nóc là cơ cấu thời gian. Chính vì thế mà cơ cấu thời gian trong mỗi nền triết thuyết là thước đo chính xác hơn hết về tầm mức cao thấp của nền triết thuyết đó, chứ không phải văn đẹp hay ý hay. Cái đó chỉ là những trang trí bên ngoài.
Lý do thứ hai là thời gian có tính cách rất co giãn: kể từ thời gian đồng đều đo đếm được như không gian, qua thời gian tương đối như thuyết Einstein mới trình bày. Trên nữa là giấc mơ tiên, mơ thần xảy ra trong một lúc mà người mơ tưởng như là trăm năm, ngàn năm… ta có thể cảm nghiệm được hoặc nhận xét qua những phút sáng tạo: thí dụ chỉ bằng một cái nhìn trực giác bậc hiền triết có thể nhận ra những chân lý mà hằng bao thế kỷ lý luận (tức theo thời gian đo đếm có trước có sau) không sao tìm được.
Lý do thứ ba sự co giãn đó lại nằm trong quyền lực con người, trước hết kể từ giác cảm trở lên. Cùng là một tảng đá nằm bên đường mà hai người đi đêm, một người tưởng đó là con hổ đang rình mình (kiến tẩm thạch dĩ vi phục hổ dã) nên toát mồ hôi, về nhà bệnh đến bạc cả tóc, có thể tổn thọ mất ít năm. Ngược lại, người nhìn ra là tảng đá có thể ghé vào nghỉ chân, nếu lại gặp bạn đi qua ngồi lại để cùng hàn huyên thì còn khỏe nữa: tâm hồn thanh thản, thể xác an lành có thể sống lâu thêm. Khác nhau như thế chỉ vì cái nhìn trúng với trật. Nhìn trúng sẽ biến đổi đời sống biết bao. Vì thế cần biết cách tinh lọc cái nhìn. Khi cái nhìn đã đạt độ tinh lọc cùng cực, thì sẽ như thần có thể nhìn ra "cơ trời" là chỗ hướng tới của con người học chữ THỜI. Vì "cơ" chính là cửa Trời, cửa Đạo thể, Tính thể mà cứu cánh của con người là phải tìm đến đó bằng cách noi theo những vết chân, những dấu tích, mà không có dấu tích nào đưa về với Tính Thể Viên Dung, đưa về với dòng sống sinh sinh bằng chữ THỜI. Nên khi suy niệm về thời gian, Khổng Tử không còn muốn nói nữa. "Dư dục vô ngôn". Thưa thầy nếu thế thì làm sao con người hiểu được đạo của thầy? Thưa rằng: có khó chi đâu, chỉ việc suy về chữ Thời: "tứ thời hành yên, bá vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai". L. N. XVII. 18. Trời có nói chi đâu, chỉ ẩn ẩn hiện hiện, không ai thấy bóng hình mà chỉ thấy dấu vết, thấy tác động qua vận hành của bốn mùa, thế mà bách vật đều nảy nở sinh sôi. Làn sóng bất tuyệt như tóe ra từ những dấu chân của Tính thể, người học triết muốn cho linh động, muốn cho triết lý mình học được nhiều chất sống chỉ việc ngắm tứ thời như mốc chỉ đường dẫn về căn Tính của mình, cũng chính là Đạo Thể Viên Dung.
Đó là bài học chữ thời của bậc hiền triết xa xưa. Nhưng ngày nay văn minh càng tiến bộ thì con người càng sống xa thời thiên nhiên với hoa xuân nắng hạ, với thâu hoạch ở thu và tàng ẩn ở đông nghĩa là càng xa cái tiết nhịp thiên nhiên co giãn uyển chuyển, không còn dịp để xem trăng lên ngắm hoa nở ngoài đồng nội, hít đầy phổi hương lúa Đồng Nai…
Trái lại ngày nay chỉ còn phải sống theo nhịp máy móc của đồng hồ, cũng đo đếm tính toán y hệt như không gian đều đặn, thì chữ thời không còn giữ được vai trò trung gian để làm nhịp cầu đưa con người có xác thân trong không gian đi về cùng tính thể vô thanh, vô xú, vô ảnh, vô hình. Đó là hiện trạng đáng ái ngại, nhưng đó cũng có thể là một lý do khuyến khích ta phải tìm hiểu chữ Thời của Kinh Dịch, là thời gian nhịp theo tiết điệu căn cơ, tức là âm dương, sáng tối, động tĩnh và được chia nhỏ dần ra, trước hết là tứ thời, rồi đến bát tiết, đoạn 28 tiết nhỏ nữa cho dễ noi theo. Và nhờ sự học hỏi đó chúng ta hy vọng gặp nhiều may mắn hơn để hiểu và thực hiện câu Kinh Dịch: "tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai" thời là Tính; tuỳ thời là tùy tính là xuất tính. Mà "xuất tính chi vị đạo", nên tuỳ thời cũng là tùy đạo. Còn nghĩa là nghi là thích nghi, vì chữ thời rất co giãn uyển chuyển từ không thời gian rồi Siêu Thời đến Hòa Thời là cả một âm giai rất tế vi phong phú để có thể sống hòa nhịp với muôn hiện trạng mỗi lần mỗi khác. Biết áp dụng cho mỗi biến cố một lối hành xử là cả một công trình tuyệt diệu. Vì thế khi tiên nho muốn xưng tụng tài đức của Khổng Tử thì không còn tìm được danh hiệu nào xứng hơn là "Thánh chi thời", nghĩa là hiền triết đã đạt đến độ "làm chủ được chữ thời vậy". Ta hãy tìm hiểu tại sao cũng thời gian mà người làm chủ kẻ làm nô lệ.
4. Phân loại thời gian
Có lẽ không gì người ta dễ đồng ý cho bằng về thời gian, đồng ý đến độ không có vấn đề. Nhưng đó là ở đợt thường nghiệm. Thoạt khi bước vào địa hạt Triết, nghĩa là thử suy tư về bản chất của thời gian, mới thấy khó khăn ùn ùn kéo tới và không biết có bao giờ người ta định nghĩa nổi thời gian chăng. Tuy khó khăn, nhưng triết lý vẫn phải khảo sát để cố dọi vào ít nhiều tia sáng hướng dẫn. Nếu không hiểu nổi thời gian tự thân, ít ra chúng ta cũng cố tìm hiểu cách gián tiếp, xuyên qua những lối hiểu khác nhau, theo những mức độ cao thấp dị biệt.
Trước hết, chúng ta khởi đầu bằng chỗ dễ nhất nghĩa là từ lối phân chia thời gian. Thời gian thường được chia làm một số loại như sau: khoa học, sinh lý, tâm lý, triết lý và minh triết.
Thời gian khoa học: là chính sự phân chia thời gian thường nghiệm ra những quãng đồng đều do đồng hồ, nó không có màu sắc, không phẩm tính. Sáng cũng như trưa, chiều cũng như tối. Đông hạ cũng như xuân thu, mặc cho kẻ ở trong lao tù hay hai anh chị vừa tìm ra được chỗ thanh vắng để tình tự, thời gian chạy, bất khả phục hồi (irréversible), có than vãn dẫu bằng tiếng tây đi nữa "O temps suspend ton vol", mặc kệ: thời gian không nể, cứ trôi, cứ kéo. Đó là thời gian ban ra cho (temps donné), giầu chất vũ thiếu chất trụ, nghĩa là con người không tham dự vào đó được chi cả. Nó mới là sự kế tiếp của vạn vật hoàn toàn ngoại tại, lạnh lùng, máy móc, ít ra như kiểu thường tình nghĩ tưởng.
Thứ đến là thời gian sinh lý đã khởi đầu là thời gian có tác động của con người tham dự phần nào, dầu mới là sinh lý. Có thể gọi nó là thời gian tăng trưởng, đã giàu chất thâu hóa nội khởi hơn thời gian kế tiếp của khoa học, tuy hãy còn hạn cục, chưa lan rộng tới miền ý thức, nhưng đã có chất người bên trong, nên đã biến dạng co giãn theo người, theo tuổi, theo một chút tâm trạng. Vì thời gian sinh lý căn cứ trên cuộc sống cụ thể, trên khả năng gia tăng huyết thanh với các tế bào. Tuổi trẻ chứa nhiều thời gian sinh lý hơn tuổi già, vì ở tuổi già đã ngưng dần sự phát triển: một vết thương ở một em bé 10 tuổi chóng khỏi hơn năm lần ở người 50 tuổi. Người ta nhận ra thời gian sinh lý rất khác với tuổi khai sanh, và ở mỗi người cũng có sự khác nhau.
Vượt lên một bước nữa là thời gian tâm lý. Đó là thời gian đo bằng những cảm xúc, tâm tình, Ấn tượng, tùy với mức độ sâu đậm của nó mà thấy vắn dài. Thường tuổi trẻ thấy thời gian đi mau hơn vì cuộc sống gặp rất nhiều những khám phá mới lạ trên trường đời, nhân tình thế sự: nào là sinh ngữ, khoa học, văn chương; nào là các thày dạy mỗi năm mỗi đổi, rồi với biết bao cái mới gặp lần đầu tiên làm cho say sưa, nhất là khi tới cuộc khám phá tha nhân, tha tính (autre sexe) và cuộc chạy đua tìm lứa đôi, gây dựng sự nghiệp… Biết bao hồi hộp, lo âu, mừng vui, cảm xúc, chờ mong tất cả là bấy nhiêu cây số cắm mốc trên đường đời, càng nhiều mốc càng ít cảm thấy thời gian dài, nhưng vắn dài còn tùy theo cường độ của cảm xúc: khi yêu thương quá nồng nhiệt thì chỉ một ngày không thấy mặt đã kêu "nhất nhật bất kiến như tam nguyệt hề". Đừng tưởng đó là câu nói vu khoát, mà thật tình cảm thấy lòng như vậy. Thế nhưng năm tháng gieo nặng lên tấm thân bao nhiêu cái trước kia mới lạ làm cho hồi hộp mong chờ, thì cùng với số tuổi gia tăng, đồng thời dần dần trở thành quen thuộc có khi nhàm chán, không còn gây được những cảm xúc mạnh như trước, nên thường thường người già thấy năm tháng chậm hơn. Tuy nhiên, vì là thời gian tâm lý nên có thể đi ngược lại. Thí dụ người già biết trở lại thâm tâm để phát kiến ra những chân lý tiềm ẩn trong nhân tính, thì bấy giờ lại như bước vào một "trời mới đất mới", và sống lại một mùa xuân mới đầy "sinh thú siêu việt" vì khám phá ra những tiềm lực lạ lùng trong tâm khảm mà trước kia không để ý tới. Chỉ có những người ăn không ngồi rồi mới thấy thời gian dài dằng dặc "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".
Cuối cùng là thời gian Triết lý có thể đi theo thời gian khoa học hay sinh lý, hoặc theo thời gian tâm lý, hay vượt hẳn lên bậc Thường hằng, nghĩa là hết còn đo đếm, hết khởi đầu và hết kết thúc. Thường hằng có thứ thực, có thứ giả (trừu tượng), cũng như sự vươn lên cao thấp khác nhau. Một giấc mơ tiên của Từ Thức có thể là 80 năm, 200 năm. Còn giấc mơ thần thì không còn đo đếm được nữa, chỉ là một hiện tại miên trường. Do đó có nhiều thứ thời gian triết lý và chúng ta sẽ chú tâm vào loại thời gian này khi bàn về cơ cấu thời gian của mỗi nền văn minh.
5. Ba loại cơ cấu thời gian
Theo các điều nói trên ta biết cơ cấu thời gian bao gồm những vấn đề căn để nhất của triết lý, nên khi tìm hiểu quan niệm của mỗi nền văn minh về thời gian là nắm được then chốt của nỗi nền văn minh đó, để cho sự học bớt phiền tạp, chúng ta tự hạn chế vào ba nền văn minh có liên hệ tới ta hơn hết là Âu tây, Ấn Độ và Viễn Đông. Và chúng ta cũng chỉ nói tới nét chính, còn gạt ra ngoài các nét tuỳ phụ và các luật trừ.
Với văn hóa Tây Âu thì thời gian được biểu thị bằng thần Kronos tay cầm bình cát, tay cầm lưỡi liềm. Bình cát tức là đồng hồ cát, căn cứ vào số cát chảy mà xác định thời khắc cách khoa học khách quan, nên được trình bày như đường thẳng, nghĩa là có một khởi điểm và một đích điểm: có sinh, có thành rồi đến hủy, đến diệt. Như thế thì nó có tính cách chảy thẳng một dòng, người Tây kêu là linéaire, ta có thể vẽ lên giấy bằng đường thẳng - hoặc gọi là đường vĩ, hay vĩ tuyến cũng thế, đều chỉ hàng ngang. Còn lưỡi liềm biểu thị tính cách bất khả phục hồi "ra đi không hẹn ngày về". Về được đâu nữa mà hẹn. Đã đi là hết: lưỡi liềm cứ đều đều chặt xuống, cắt ra từng khúc nhỏ và nối đuôi nhau biến đi mất, níu lại không thể nào được nữa. Từ biệt và từ biệt. Từ Adieu này đến Adieu kia, từ vĩnh biệt này đến vĩnh biệt khác. Nếu vẽ lên giấy thì là những nét đứt quãng - - - chỉ dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Ba lúc đó không có chi liên hệ tới nhau cả nên ta sẽ kêu là biệt thời. Vậy xét cơ cấu thời gian theo triết cổ điển, ta thấy đó là một biệt thời: chạy thẳng và bất khả phục hồi (Linéaire et irréversible).
Thời gian Ấn Độ được biểu thị bằng con rắn cắn đuôi (Oursboros: serpent qui se dévore la queue). Nếu vẽ ra thì chúng ta có một vòng tròn: O. Nhiều khi con rắn không cắn đuôi, nhưng cuốn chung quanh núi Meru cao mất hút vào mây mờ, mù mịt để biểu thị siêu việt thể hay là Brahma tuyệt đối, và lúc ấy ta có thể vẽ bằng một nét dọc là đường kính (kinh tuyến: đường đứng dọc: Verticale), nghĩa là ngược hẳn với đường vĩ của Tây Âu.
Bây giờ nói đến nền văn hóa Viễn Đông của chúng ta. Viễn Đông biểu thị thời gian bằng Mã Đồ tức là "Long Mã Phụ Đồ" = con long mã chạy dài, như lời nói "bóng câu qua cửa sổ", tức là đường vĩ nhưng trên lưng lại chở theo cái Hà Đồ, hình tròn để biểu thị thái cực đồ. Hình tròn cũng có thể thay thế bằng nét dọc, hay là kinh tuyến. Như vậy là thời gian Mã Đồ đặc biệt ở chỗ dồn đúc lại một hai nét dọc và ngang nên ta có thập tự nhai + (Croix originelle = nhai là nhai để, sơ đầu, nền móng) ở tại kinh vĩ chập một mà thành.
Cũng có thể vẽ nét kinh ngang, nhưng không bỏ được việc nối liền và lúc ấy ta có - - nghĩa là nét dưới chỉ biến dịch có hai đoạn, không liên hệ nhau, gọi là tán, chỉ các hiện tượng dị biệt khác nhau, hay biệt thời: nhưng lại được có nét nối liền chỉ Tụ, chỉ Thường hàng nằm ngầm để nối các hiện tượng xuất xuất, hiện hiện, một tán, một tụ, một hằng, một biến hợp lại làm ra vũ trụ. Đó là mấy nét căn để gọi là cơ cấu thời gian của ba nền văn minh liên hệ đến ta.
Bây giờ bàn rộng hơn về từng nền văn minh. Nền triết cổ điển Tây Âu khởi đầu từ Platon, nói được là không có thời gian bởi vì tuy ông định nghĩa thời gian là hình ảnh linh động của Vĩnh cửu bất động (Timée) nhưng vì ông phân thế giới ra hai phần: phần thuộc giác quan biến dịch (existence) không có giá trị tự nội mà chỉ là hình bóng của Vĩnh cửu thuộc yếu tính (essentialiste) tức là những ý niệm sự vật được róc bỏ (được trừu tượng) khỏi những dấu cá biệt làm cho sự vật hiện hình cụ thể (notes individuantes) nên không bao giờ biến chuyển, đời đời vẫn y như nhau, vì nó nằm bên ngoài thời gian là căn do của mọi biến chuyển. Thời gian bị kể như một "thực tại kém cỏi" (un moindre être), không đáng bàn tới. Do ý niệm then chốt ấy mà thời gian bị lãng quên và triết học theo Platon trở thành đố kỵ với sự biến động.
Đấy là lý do chống đối của nhóm Hiện sinh lấy "existence" hiện hữu hay biến đổi trong thời gian làm nền móng để đi ngược lại yếu tính bất động của triết cổ điển. Vì thế các nhà hiện sinh gọi triết lý cổ điển là loại triết lý đặt bên ngoài thời gian, đặt bên ngoài vũ trụ, cũng có khi gọi là triết theo quan điểm của sao Sirius, tức không phải là vũ trụ của loài người (philosophie extratemporelle, acosmique, le point de Sirius).
Sau Platon thì đến Aristote. Aristote chống lại Platon đã đặt yếu tính trên thế giới ý niệm bằng cách đưa yếu tính xuống sự vật, gọi là mô hình (forme). Mô hình hợp với vật chất cấu tạo ra bản chất (substance) từ đấy triết học có thể gọi là triết học về bản chất (Philosophie substantialiste) và cũng từ đấy triết cổ điển khởi sự có thời gian và thời gian biểu lộ qua hữu thể (existence) được định nghĩa là "sự động có trước có sau". Quan niệm này có hai đặc điểm: trước nhất là nó thuộc lượng vì nó có thể tính toán đo lường (mesure), hai là vật lý tính (physique), tức là chia thời gian thường nghiệm ra thành từng thời điểm, cách quãng đồng đều và theo một chiều (les points monospécifiés équi-distants, identiques les uns aux autres) được qui định theo hàm số chuyển vận của tinh tú hoặc bình cát hay đồng hồ nước. Do lẽ đó sự đi ngược lại của Arisote đối với Platon chỉ khác tiểu tiết, còn tựu trung thì vẫn là thời gian nằm bên ngoài sự vật với tính cách hoàn toàn khách quan và trừu tượng nên triết học vẫn mang tính chất im lìm bất động.
Thời gian theo triết cổ điển này sẽ chi phối các quan niệm thời gian Tây Âu cho tới tận nay. Với Newton thời không là những thực thể biệt lập không liên hệ chi tới sự vật, hay đúng hơn là cái chứa đựng sự vật (réalités absolues qui existeraient indépendantes de tout contenu). Leibniz thì tiến hơn một bước ở chỗ khởi đầu coi không thời gian là vật tương đối: nghĩa là không thời gian được kể như thứ tự những gì có thể tiếp nối (espace étant l ordre des coexistences et le temps l ordre des successions). Cho tới đây thì thời gian vẫn chỉ được coi như một vật thể trong các vật thể khác. Tới Kant mới xảy ra một cuộc cách mạng về quan niệm thời gian.
Kant bác bỏ cả hai quan niệm trên và chủ trương không thời chỉ là những khung tiên thiên đã được in sẵn vào trí não con người, nên không liên hệ chi tới vật, ngược lại vạn vật chỉ đến với ta xuyên qua cái khung tiên nghiệm đó (à priori). Ông định nghĩa thời gian là hình thức tự nội (forme interne) của cảm giác, còn không gian là hình thức tự ngoại (forme externe). Và như vậy thời gian không gian trở thành nền móng cho mọi vấn đề triết học, nên kể là một bước tiến cách mạng toàn diện hơn hẳn Leibniz cũng như Leibniz tiến hơn Newton. Vì Leibniz nhận ra được mối liên hệ giữa thời gian với sự vật, tuy còn rất bì phu. Chí như Kant thì đã nhận ra mối liên hệ sâu hơn, nghĩa là liên hệ tới chủ tri: không thời chỉ còn là thứ khung của chủ tri, nên có tính cách phổ quát. Tuy nhiên, mối liên hệ đó chưa đủ sâu để có thể đúc kết vào một, vì ông mới đặt quan niệm thời gian ở cảm giác là cơ năng nhìn trực chỉ, là điều ông cho là trí hiểu (entendement) và lý trí (raison) không có được. Cho nên về cuối đời Kant lại uốn nắn triết thuyết của ông theo quan niệm thời gian thường nghiệm của đại chúng, tức là biệt thời nghĩa là vẫn rời rạc chưa hẳn đúc lại được hai yếu tố không thời. Vì thế ta có thể kết luận: cơ cấu thời gian triết cổ điển là hàng ngang và bất khả phục hồi, biểu thị bằng bình cát, lưỡi liềm hay bằng suốt chỉ của những thần định mệnh có tên là Parques thì cũng đều nói lên hàng ngang như thế cả. Như vậy là một quan niệm tĩnh chỉ (statique) hoặc nói theo triết Đông thì mới có Vũ chưa có Trụ, theo nghĩa Trụ là cái gì nối lại, hợp lại. Đến nỗi thần kronos chỉ còn viết bằng chữ thường vì chỉ biểu thị có thời gian bé nhỏ tiếp nối chạy dài, mà không còn phải là thần Kronos viết hoa để biểu thị Thần tuyệt đối là cha cả thần Zéus tức là thời Hằng (Kronos Eternity) bao gồm mọi mảnh thời gian hiện tượng vào một hiện tại miên trường (Nunc aeternum). Thần Kronos tay liềm, tay cát chạy dài trong cõi hiện tượng và luôn tay chặt đứt, như thế là một sa đọa và Nietzsche đổ trách nhiệm lên đầu Socrate và Platon phải chịu trách nhiệm về sự sa đọa này, một sa đoạ đi trật ra khỏi dòng Truyền Thống Tâm Linh, khiến cho Thời Hằng trở thành thời gian tức đồng hóa với không gian.
Ngược lại với Tây Âu, thời gian Ấn Độ được biểu thị bằng con rắn cắn đuôi tức là một lối nhấn mạnh đến yếu tố tụ đến độ nuốt trôi hết những cái chi là tán, là hiện hữu. Nghĩa là nhấn mạnh đến trụ Thường Hằng viên mãn, đến nỗi không còn để chỗ chen chân cho những sự vật biến động nữa. Ta có thể thấy ảnh hưởng đó trong một số môn phái của Phật giáo tiểu thặng: "vạn pháp giai vô" = tất cả mọi pháp (tức sự vật biện hữu) đều là không có, là huyễn ảo, bào ảnh. "nếu có người chạy nhanh đến độ đuổi bắt kịp mũi tên phóng ra một trật do bốn tay thiện xạ, thì cũng chưa chạy mau bằng sự tan rã của các pháp" tức là những yếu tố làm nên sự vật biến hiện trên trần gian này.
Tất nhiên đây chỉ nói đại để, trong thực tại thì bên Ấn Độ cũng có nhiều chủ trương trái ngược nhau và rất phiền tạp. Đời Phật Tổ thí dụ xuất hiện trên 60 môn phái triết, có phái chủ trương duy vật chủ nghĩa là chỉ nhận là thực những gì khả giác, đến nỗi chối cả hồn thiêng, cả Thượng Đế… và chính Phật Tổ cũng là hiện thân của sự chiến đấu giữa hai quan niệm thời gian đó: một bên nhấn mạnh trên vô thường, với lối sống diệt sinh khắc khổ, hàng tháng mới ăn có một hạt vừng, còn một bên tích cực với lối sống bình hành: nhận ly sữa do nữ sinh dâng lên và được Ngộ Đạo dưới gốc cây Bồ Đề. Lối tiêu cực dẫn tới Nát bàn và Thái hư đã thắng thế bên phía Nam như Tích Lan, Miến Điện, Cao Miên, Lào với câu "vạn pháp giải vô". Lối tích cực với thuyết Chân như, Như lai, vô lượng thọ, vô lượng quang với câu "Phật pháp bất ly thế gian pháp" đã thịnh đạt bên miền đất nhân sinh, như Tàu, Nhật, Việt và hiện ra rõ nhất ở Hoa nghiêm tông, cũng như biểu lộ cách bình dân qua các pho tượng Phật tràn ngập chất sống, ngồi trước những mâm hoa trái chất cao mà ta gặp rất nhiều ở Chợ Lớn.
Đó có thể coi là gạch nối đưa ta đến quan niệm thời gian lưỡng nghi của Mã Đồ, có ngựa chạy ngang trong hoàn vũ mà cũng có Đồ chỉ hàng dọc đưa về cõi tâm linh, nói trong Kinh Dịch:
Kiền: phi long tại Thiên
Khôn: Tẫn mã hành Địa

Quẻ kiền tượng bằng rồng bay trên trời, chỉ thời gian. Còn khôn tượng bằng ngựa cái chạy trên đất chỉ không gian. Ta có thể gọi quan niệm này là xoáy ốc ở chỗ vừa có dọc vừa có ngang, hay nói như giáo sư Herbert (Introd. Aise p.162) nó tiến theo đường hình sin, nghĩa là không thẳng băng như cát chảy cũng không vòng tròn như rắn cắn đuôi, nhưng cộng cả hai vào một cơ cấu duy nhất: có vỏ thẳng (hay vuông cũng là một loại) và ruột tròn là trung tâm. (1) Nói theo Cranet: "Học giả thường cho thời gian Đông Phương là chạy vòng tròn thì chỉ đúng với khía cạnh thiên văn mà không đúng với khía cạnh nghi tiết" (ordre liturgique).
Thế mà khía cạnh nghi tiết mới biểu lộ thời gian tâm lý tức triết lý. Vậy khía cạnh này đã được nhấn mạnh rất nhiều, như chúng ta sẽ thấy về sau khi bàn đến ngũ hành, hồng phạm. Ở đây chỉ cần ghi nhận một điều là quan niệm Mã Đồ không tiến một chiều hoặc chỉ có ra, có mở, có động như quan niệm bình cát, hoặc chỉ có vô, có đóng, có tĩnh như quan niệm rắn cắn đuôi: nhưng gồm cả hai chiều: "nhất âm, nhất dương, nhất động, nhất tĩnh". "Nhất hạp nhất tịch" khắng khít xoắn lấy nhau trong một cơ cấu có thường, có biến. (xin coi phụ chú ở cuối chương III).
Hai yếu tố đối kháng đó đã được đúc vào một, đem lại cho quan niệm thời gian đó lưỡng nghi tính đặc biệt bao hàm cả ngoại vũ lẫn nội trụ và không đâu được trình bày một cách uyển chuyển và tương đối đầy đủ cho bằng Kinh Dịch. Ngay chữ Dịch đã bao hàm ý đó vì nó kép bởi "Nhật Nguyệt", trong đó Nhật luôn luôn tròn, tượng trưng cho Thường Hằng, còn Nguyệt khi tròn khi khuyết, khi úp khi ngửa, biểu thị mọi biến hiện đổi thay, tức là biểu thị sự biến hóa: change progressive (non recurrent) như quan niệm Tây Âu mà ta gọi được là duy biến. Còn chữ Nhật biểu thị sự diễn tiến theo vòng tròn, tiến tại chỗ kiểu Ấn Độ "danse sur place", cyclic change ta có thể gọi là duy Hằng. Viễn Đông bao gồm cả hai bên, cả âm dương lấy nhau có cheo cưới đàng hoàng, nên học giả tây phương quen gọi là linh phối: hiérogamie, mariage sacré, ám chỉ câu: "âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt" trong Hệ từ thượng.
Nhật nguyệt phối hợp để chỉ cái nghĩa âm dương cứng mềm, động tĩnh, thường biến… là bấy nhiêu khía cạnh của không thời đoàn tụ. Nhờ đó mà có sự uyển chuyển.
Như thế là một quan niệm Trung Dung giàn hòa giữa hai quan niệm thời gian trái ngược giữa lượng và phẩm. Quan niệm như của Aristote, định nghĩa thời gian bằng con số tự động. Như vậy hiểu là thời gian có thể giản lược trọn vẹn vào số lượng. Quan niệm phẩm như của Saint Augustin tôi biết thời gian là gì, nếu đừng có ai hỏi tôi. Như vậy là một thời gian hoàn toàn chủ quan, có thể đi tới khước từ mọi đo lường, mọi sự tiếp nối. Quan niệm Dịch ở giữa: với chữ Nguyệt có đếm đo, có số lượng, nhưng với chữ Nhật thì lại chấp nhận phần Tâm linh cũng như phẩm tính không thể đo lường, càng không thể chia ra số độ.
Đó là đại cương về cơ cấu thời gian của ba nền văn hóa Âu, Ấn, Nho. Và khỏi nói thì ai cũng nhận thấy rằng chính quan niệm hàng ngang của Tây Âu đang ngự trị trên khắp thế giới và đang len lỏi vào tới tận những vùng hẻo lánh thâm sơn cùng cốc Á Phi. Càng ngày đời sống càng được tổ chức theo hàng ngang nghĩa là qui hướng vào những mục đích ích dụng và đo lường bằng đồng hồ đều đều chạy theo nhịp của sự vật, thí dụ đánh giá mức độ năng suất cao thấp mà không còn kẽ hở cho những đình đám, hội hè, những phút phong lưu, nhàn tản… để tâm hồn được thoải mái thanh thoát theo quan niệm hàng dọc. Nói khác với biệt thời mới có những cái tự ngoài mà chưa có cái gì nội khởi thuộc nhân chủ tính, do đó con người bị sự vật sai sử chứ không phải là sự vật chịu quyền điều lý của con người. Vì thế đang gây nên một cảnh hỗn mang tao loạn đầy Âu lo xao xuyến cho con người sống trong một vũ trụ đang vỡ lở, vì thiếu hẳn nguyên lý qui tụ hòa hợp.

<< Nội dung | Chương II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 731

Return to top