Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tiếng nói

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 593 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tiếng nói
Anh Đức

Vào một tối thứ bảy, anh Tư Lợi thình lình ghé nhà tôi. Vừa ngồi xuống ghế anh vừa nói:

- Hổm rày tính tạt lại ông, mà bê bối quá. Bữa nay ghé ông chơi, nhơ thể hỏi mượn cuốn sách..

Tôi hơi ngạc nhiên, kể từ lúc ra mở cửa cho anh Tư Lợi vào. Bửi tuy giữa tôi với anh vốn là anh bạn thân, hồi kháng chiến từng ở chung một cơ quan, nhưng từ sau giải phóng về thành phố, do công tác khác nhau, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau. Hơn nữa, anh Tư Lợi bây giờ làm bí thư đảng ở một quận, quả thiệt anh rất ít có thì giờ thả rễu tới chỗ này chỗ nọ, ngồi chơi, uống trà, nói chuyện như trước. Trong thâm tâm, tôi không hề có ý trách anh về điều đó, trái lại nghĩ còn thương anh, vì thấy mình còn khỏe hơn anh nhiều. Bảo cái nghề viết lách này khỏe thì tôi dám chắc là không khỏe rồi, bởi nó cực khổ ở chỗ không ít lần ngồi vào trước trang giấy trắng, lắm lúc tôi có cảm tưởng như mình sắp sửa phải lặn lội vượt qua cả một hoang mạc, nhưng thành thật mà nói cũng còn có chỗ xen kẽ, cũng có lúc được thư thả, ung dung.

Tôi bắt đầu tráng rửa ấm chén để pha trà. Anh Tư Lợi nhấc cái ấm đất của tôi lên, ngắm nghía rồi nói:

- Hằng ngày ông vẫn uống trà đôi ba cữ bằng cái ấm nghề này, chớ tôi thì bây giờ uống trà toàn bằng bình tích bự bự ở cơ quan. Có trà ngon pha cũng uổng, nó cứ loảng le ra. Bữa tối nào rảnh rảnh ở nhà, mới pha được ấm nhỏ..

Tôi tính lấy trà trong hộp bỏ vô ấm, bỗng anh Tư ngăn lại. Anh lôi ra từ trong cặp một cái gói bọc giấy kính có buộc dây đỏ rất đẹp:

- Uổng thử trà này coi, móc câu thứ thiệt đó nghen.

- Vậy hả, để thử coi!

Tôi bỏ vô ấm nhỏ, cái thứ trà mà anh Tư Lợi đưa, rồi châm nước. Lát sau, tôi rót ra chung, tợp thử một tợp. Tôi chóp chép lướm môi, nhận ra ngay rằng đây là thứ trà búp Thái Nguyên. Thứ trà này rất nhỏ cánh, và cánh cong cong như hình móc câu. Màu trà không sẫm đậm mà anh ánh cái sắc vàng ngả xanh. Tôi gật gù:

- Trà ngon đấy, ông mua ở đâu giỏi vậy?

- Đâu có mua, người ta cho..

Anh Tư Lợi đáp rồi cười cười:

- Cũng tại cái thứ trà ngon này mà mới đây tôi bị ông già "quần" cho một trận..

- ủa, sao kỳ vậy, nghe nói ông già cũng sành trà lắm mà?

Anh Tư Lợi bảo:

- Cũng không phai vấn đề trà, để từ từ tôi kể cho ông nghe, nếu như buổi tối nay ông rảnh..

- Thì cứ ngồi chơi nói chuyện, tối nay tôi có làm gì đâu!

Tôi nói với anh Tư Lợi, và linh cảm thấy bữa nay anh ghé nhà tôi hình như có một nguyên cớ nào đó. Phần tôi, được nghe chuyện của anh, một người bạn thân cũ giờ đang làm bí thư cả một quận, một người mà tôi vốn quí và tin, thì còn gì bằng. Thật chẳng khác mình được tiếp giáp với một đầu mối dẫn về các đường phố, ngõ phố, nơi hàng chục vạn con người đang sống, lao động, đấu tranh để vươn tới.

Nhưng rồi tôi không được nghe anh nói về những chuyện đó bao nhiêu, mà lại được nghe anh nói về một chuyện khác.

- Ông cũng biết rồi, từ lúc ba tôi nghỉ hưu, thì ổng ra ở hẳn ngoại ô, trên An Phú, với con cháu. Con cháu này năm nay mười bảy, con của anh hai tôi. Ba má nó đều hy sinh dưới địa đạo Củ Chi, vì bị Mỹ càn, chặn địa đạo lại thành khúc rồi bơm hơi ngạt xuống. Vụ đó thì ông cũng đã nghe. Vợ chồng tôi năn nỉ ba tôi về ở chung với tụi tôi nhiều lần nhưng ba tôi không chịu. Ba tôi nói phải chi còn trẻ như tôi thì ổng còn ở phố được, chớ bây giờ già rồi ở trong phố ổng cảm thấy ngột ngạt, cứ riêng cái vụ xe hơi, xe xích lô máy chạy xịt khói tùm lum là ổng thấy mệt rồi. Cái miếng đất trên An Phú sát bờ sông Sài Gòn là của nhà nước cấp cho ba tôi, tuy chỉ có vài công, nhưng đã có sẵn chút ít cây ăn trái như xoài, mít, mận. Phần đất còn lại đủ trồng thêm rau cải, đào vài cái ao nuôi cá. Nhà thì nhỏ thôi, nhưng gọn gàng vén khéo, và suốt ngày gió sông thổi lộng, mát mẻ. Khi ba tôi và con nhỏ cháu về đó thì cảnh vật hết sức hoang tàn. Người chủ cũ có ngôi nhà lớn trên phố đã bỏ ra nước ngoài năm 75, để lại miếng vườn um tùm cỏ mọc đó cùng ngôi nhà nhỏ thủng mái và cửa đã bị tháo dỡ hết. Nhờ sự trợ lực của tôi, ngôi nhà được lắp cửa, mái thủng được lợp lại. Gọi là trợ lực, thiệt tình nghe cũng ngượng. Kỳ thực, là tôi nhờ anh em ở phòng nhà đất quận của tôi tiếp lo, chớ nào nói ngay, tôi có bỏ ra một ngày công, một đồng bạc nào đâu. Anh em họ còn tính làm thêm nhiều tiện nghi khác nữa, nhưng ba tôi liền tốp lại, bảo vậy là được rồi, và ổng yêu cầu được thanh toán mọi chi phí cho cuộc sửa chữa. Điều này khiến cho tôi bật ngật, mà anh em ở phòng nhà đất cũng không ngờ. Thiệt ra hồi năm đó, vật liệu công xá còn rẻ, tính gộp tất cả không tới hai ngàn đồng. Tôi và anh em coi chi phí đó đâu có nhằm nhè gì, tính chèn nhét lướt qua hoặc giả quy vô khoản giúp đỡ gia đình đồng chí cấp ủy gặp khó khăn thì cũng ổn. Vậy nhưng ba tôi không chịu, coi việc đó là việc phải tính. Ba tôi ôn tồn trình bày với anh em ở phòng nhà đất rằng ổng chỉ bỏ ra có phân nửa tiền túi, còn phân nửa thì Ban Tổ Chức Thành ủy đã cho. Cuối cùng ba tôi giao tiền, lấy biên lai hẳn hoi. Sự việc đó xảy ra thoạt tiên khiến cho tôi có ý nghĩ rằng ba tôi về già đã bắt đầu hơi lẩm cẩm. Tôi nghĩ có đáng gì đâu kia chứ, chỉ là ráp mấy cánh cửa, lợp lại mấy chỗ dột, tính ra không bằng một góc của một cuộc tiệc liên hoan mà ở quận tôi lai rai tháng nào cũng có. Nhưng sau đó ít lâu, một đêm vào mùng ngủ, vợ tôi bảo vừa rồi ba tôi có nói với vợ tôi như sau: "Con à, sự gì cũng phải rõ ràng, không thể nhập nhằng được. Cái vụ sửa nhà đó, lẽ ra ba không để chỗ quận thằng Lợi làm, ngặt nó đã kêu anh em làm, thì thôi. Nhưng làm rồi thì phải tính. Bây giờ nó được Đảng giao trọng trách, làm một việc gì dù là nhỏ cũng không được mù mờ. Anh em, cô bác người ta ngó vô, thấy mình hơi lạng quạng, một chút thôi cũng đủ để người ta bớt tin. Thằng Lợi là thằng khá chớ không dở đâu, ba biết nó hồi nó biết đi chập chững, hồi đem nó vô kháng chiến.. Nhưng hồi đó khác, bây giờ khác, vô chức rồi thì rất dễ quen với ba cái thứ nhì nhằng đó lắm.. Con ở kế bên, ráng nhắc chừng, lựa lời khéo léo mà nhắc, nó có tánh hay dễ quạu"..

Đêm nằm, vợ tôi rủ rỉ kể cho tôi nghe. Tôi le lưỡi trong bóng tối. Vợ tôi còn nhằn tôi là chưa chi đã có nhận xét ba tôi lẩm cẩm, theo ý vợ tôi thì ba tôi xử sự như vậy là quá đúng. Thường thờng, hễ xảy ra những chuyện đại khái như thế, vợ tôi hay đồng tình về phía ba tôi. Anh biết đó, xưa kia vợ tôi là cơ sở nội thành, rồi làm giao liên, ra vô Củ Chi, vốn con nhà nghèo buôn gánh bán bưng, cuộc đời khổ cực hơn tôi nhiều. Vợ tôi ít học lắm, từ giải phóng tới nay mới học bổ úc lên tới lớp mười, vậy nhưng vợ tôi tinh lắm, nhất là khi nào trong công việc tôi vô ý đề ra cái gì coi mòi có lợi cho tụi có tiền ăn trên ngồi trốc mà có hại cho cô bác nghèo phải chạy vạy từng bữa là vợ tôi nó nhíu mày lại, có ý kiến liền. Hai năm trước, khi tôi được cấp nhà, lúc tôi dắt vợ tôi tới coi, anh biết vợ tôi nói sao không? cô ta bảo: "Nhà cỡ này thiệt là không kh nào em dám nghĩ có ngày mình được ở. Trước kia, họa may chỉ có đi ở cho họ thì mới lọt vô được mà thôi". Tánh khí vợ tôi hợp ý với ba tôi. Ông già quý vợ tôi lắm, luôn hỏi han chuyện học thêm của vợ tôi có được tấn tới hay không. Nhiều hôm lên chơi, ổng biểu vợ tôi đem vở học ra cho ổng coi, chỉ dẫn từng ý từng lời hay dở trong các bài luận văn, vạch ra cách giải một bài toán đại số, góp ý hết sức tỉ mỉ: Ông già tôi có đíplôm hồi Pháp mà. Mấy đứa con tôi bu lại khoái chí la rân: "A, Ông nội chỉ cho má học nè ba ơi" Ông biết lúc đó tôi cảm tưởng ra sao không? Tôi thấy xấu hổ ngượng nghịu hết sức. Thiệt tình tôi chưa hề giúp được gì cho vợ tôi về mặt đó, thậm chí cũng ít khi lật tập coi vợ học hành ra sao. ở ba tôi, thì tôi thấy ổng có ý muốn bồi bổ đầu tư vào vợ tôi còn hơn là đối với tôi nữa. Chừng như ba tôi tin cái gốc lõi giai cấp ở vợ tôi nó vững chắc hơn tôi. Nhưng nói thật với ông, ở đời nhiều khi biết mình thiếu sót, mình vẫn có thể kiếm ra cái cớ để khỏa lấp, lướt nhầu qua, cốt là để tự trấn an.. Ví dụ như đối với trường hợp trên, thì tôi tự nhủ rằng công việc của tôi quá sức bề bộn. Tự nhủ được như vậy là mình cảm thấy yên yên trong bụng rồi. Cho nên hễ ai hỏi tôi dạo này công việc ra sao, chắc căng lắm phải không, tức thì tôi liền đáp ngay rằng: "Không thể tưởng, bê bối và phức tạp muốn chết luôn!" hoặc: "Thiệt là hồn bất phụ thể!" Và có lần tôi cũng nói với ba tôi một câu đại khái như vậy. Anh biết ba tôi bảo sao không. ổng nói chậm rãi:

- Xây dựng đời sống, hướng nó đi lên chủ nghĩa xã hội là rất khó, có thể nói đó là một cuộc chiến mới, mà bản thân tụi tao, cũng như tụi bây đều lạ hoắc. Nhưng cái gì mà mày bảo là muốn chết, là hồn bất phụ thể. Hồi cách mạng còn như ngọn đèn leo lét trước gió, địch kề dao sát cổ còn không giết được mình. Đó, cái lúc tụi tao sắp bỏ thây ngoài biển mà còn ngóc dậy được như thường..

Anh Tư Lợi nói tới đây thì dừng lại, nâng chung trà hớp một hớp. Tôi hỏi:

- Ông già nói vụ gì mà suýt bỏ thây ngoài biển?

- Bộ hồi ở trong rừng tôi chưa nói cho ông nghe sao. Ba tôi nhắc lại vụ vượt đảo của ổng hồi trước cách mạng đó mà. Chuyện ly kỳ lắm, bữa nào tôi kể tỉ mỉ ông nghe, dám viết được một chuyện hay lắm. Nhưng thôi, tốt nhứt là ông lên An Phú gặp ba tôi, ổng kể cho mà viết. Đại khái là lúc ở Côn Đảo, ba tôi cùng bốn năm đồng chí khác được tổ chức cho phép trốn về đất liền để hoạt động. Ba tôi cùng với các đồng chí đó lén lút kết bè hằng mấy tháng, rồi vượt biển. Lúc gần vô tới đất liền thì bị bão đánh dạt trôi trên biển sáu bảy ngày đêm, lương thực và nước uống dự trữ đều cạn. Mọi người đói, khát sắp chết hết. Tất cả đều nằm liệt trên bè như những cái xác. Trên đầu, kên kên liệng tới, đảo cánh từng bầy. Cái tụi chim ác ôn đó tưởng mọi người đều chết rồi, tính hạ xuống rỉa xác. Khi ấy ba tôi ngóc đầu ngó thấy, liền vụt nảy ra một hy vọng. ổng thều thảo bảo mọi người hãy hết sức cố gắng chộp bắt cho được một vài con ngay lúc nó vừa hạ cánh, để lấy thịt ăn và trích hút máu cho đỡ khát. Lát sau, kên kên đáp xuống, ba tôi và một người nữa chộp được hai con, còn bao nhiêu hoảng hồn bay vuột lên hết. Nhờ thịt và máu chim, ba tôi cùng các đồng chí khác hồi sức, lèo lái được chiếc bè trôi tấp vô đất liền, chỗ đó gần mạn cửa Cần Giờ..

Anh Tư Lợi ngừng lại, hỏi tôi:

- Ông biết ba tôi nhắc lại chuyện đó với ý gì không?

- Rõ quá rồi, ai biểu ông than là bê bối cực khổ muốn chết. Thì bác mới nói cho ông biết là hồi đó, bác và bao đồng chí mình ở sát kề cái chết mà vẫn tìm ra khe hở sự sống, vẫn lèo lái được chiếc bè tới bến. Còn bây giờ chiếc thuyền chung đã vượt qua bao ghềnh thác, cặp vô được bến vinh quang rồi, bác và bao nhiêu bác khác đã già yếu hết hơi sức rồi, công chuyện giao cho đám mình mà làm trầy trật, mà còn than. Tôi gẫ cái ý đó nặng lắm.

Anh Tư Lợi chụp bình trà rót ra uống nữa, rồi cười:

- Coi vậy mà chưa nặng lắm đâu, chưa nặng bằng câu chuyện xảy ra cách đây một tuần. Cũng vào một chiều thứ bảy, tôi từ cơ quan về, nhơn tiện cho ô tô ghé qua trường mẫu giáo đón con nhỏ. Vợ tôi ra mở cửa, rỉ tai tôi nói: "Có ba lên chơi. Ba lên hồi xế, lúc em đi làm chưa về, chỉ có con Linh ở nhà. Ngờ đâu chính giữa lúc đó, chú Năm Tại đem cái xe vétpa tới để ở nhà mình. Em về mới biết, thiệt là phiền.." Tôi phát nổi cáu: "Cái thằng Năm Tại này thiệt kỳ cục. Anh đã bảo dứt khoát không lãnh cái xe đó, sao nó cứ đem bừa tới như vậy. Đây rồi ông già ổng tưởng.."

Về chuyện chiếc xe vétpa, để tôi nói thêm chút cho ông rõ. Số là ở cơ quan quận ủy có năm bảy chiếc xe vừa hôngđa vừa vétpa. Tôi không biết Năm Tại đề ra việc bán hóa giá số xe ấy từ lúc nào. Chắc ông dư hiểu, hóa giá có nghĩa là bán lại rất rẻ, gọi là bán chớ như cho. Năm Tại là phó văn phòng, y ta nhè ngay tôi mà hóa giá cho tôi một chiếc vétpa Xprinh tốt nhứt. Y ta sắp đặt chuyện này từ lúc nào, tôi chớ có biết. Vậy rồi một hôm y ta báo cho tôi hay. Tôi không chịu. Y nói: "Cái xe đó hóa giá co anh Tư cũng là nhằm mục đích để anh Tư đi công tác, để tại nhà, muốn đi đâu thì anh Tư thót lên đi cho lẹ!". Tôi vẫn không chịu, bảo rằng đã vậy thì hóa giá cho cơ quan, để ở cơ quan, đồng chí nào có việc cần đi thì đi.

Chiếc xe đã để tại cơ quan cả tháng nay rồi, không biết mắc mớ gì y ta còn đem tới bỏ tại nhà. Đó, cái vụ chiếc xe vétpa là như vậy đó. Vợ tôi cũng nhứt trí cách giải quyết như tôi. Cho nên bữa chiều thứ bảy tuần rồi, khi tôi vừa về tới là vợ tôi đã cho tôi hay với vẻ bực bội. Vợ tôi còn bảo: "Phải chi lúc đó có em thì em đã buộc Năm Tại đem xe trở về rồi!" Tôi nói: "Thôi được, để mình trả lại!" Thế rồi, tôi cùng vợ tôi mở hoác cổng để ôtô vào. Con nhỏ út của tôi tên là con Thu mới lên năm mà tôi vừa đón từ trường mẫu giáo về, nghe có nội lên, nó ở trên xe nhảy xuống chạy ùa vào kêu nội ơi nội ơi vang lên. Tôi đi theo sau nó, vào tới thì thấy ba tôi đã bế nó lên lòng, cọ râu vào má nó. Tôi lên tiếng chào ba tôi, nhưng ông không đáp và cũng không ngó tôi. Ngỡ đâu cũng là sự bình thường, tôi liền đi sang phòng bên thay quần áo. Nào ngờ, chợt nghe tiếng ba tôi nói với con Thu:

- Con đi học về bằng xe hơi hả, ngon lành quá ha. Vậy các bạn khác đi về bằng gì?

- Mấy bạn đó về bằng xe đạp nè, xe hôngđa nè. Còn có bạn đi bộ nữa nội!

Chỉ thoáng nghe mấy câu qua lại giữa hai ông cháu là tôi biết không êm rồi. Nhưng tôi vẫn làm tỉnh, thay đồ, bước ra. Ba tôi ngồi áp chòm râu bạc lên mái tóc bôm bê đen nhánh tươi tốt của con tôi, nói chuyện bình thường với tôi, khi tôi hỏi thăm về vườn tược ao cá trên An Phú. Tuyệt nhiên vẫn không thấy ba tôi đả động gì tới những chuyện mà tôi áng chừng ba tôi phật ý. Trên nét mặt, ba tôi cũng không tỏ ra kém vui. ổng vẫn đùa giỡn với con bé Thu , vẫn không quên kêu vợ tôi bổ trái mít ông vừa đem lên cho cả nhà ăn. Ba tôi là một người từng trải, có phong độ rất bình thản, dẫu nóng giận không vừa ý điều gì cũng để đó, tính bề nói sao cho thuận với tình huống để người nghe dễ nghe ra, chớ ít khi ổng xổ ào ào. Chính sự im lặng ở giữa cái khoảng cách ấy mới đáng sợ nhất, nhưng lại có rộng thời gian cho mình suy nghĩ nhất. Tôi có cảm tưởng như bao giờ ông cũng để mình nghĩ trước, rồi ông mới nói sau. Buồn cười, câu chuyện mà ba tôi nói, lại khởi đầu từ vụ trà. Nghĩa là sau khi ăn cơm xong, khi tôi pha trà, cái thứ trà mình vừa uống và anh khen ngon đây, thì ba tôi cũng khen ngon như anh. Rồi ổng cũng hỏi y cái câu mà anh vừa hỏi:

- Trà ngon lắm, mua đâu ra vậy?

Tôi tình thiệt đáp:

- Đâu có mua ba, có người mới cho một kí. Để con đưa ba đem về uống..

Ba tôi nghe nói, đưa mắt ngó tôi, rồi lại tiếp tục uống. Nhưng ổng chỉ uống đúng ba chung, rồi úp sấp chung xuống. Lâu sau, ổng nói nhỏ nhẹ:

- Cho thì cho chút ít thôi, sao lại cho cả kí. Mà con nhận thì cũng nhận chút ít thôi, sao lại nhận cả kí. Ba e người cho trà này muốn nhờ cậy con điều gì chăng?

Trời ơi, nghe câu đó tôi phát ớn ba tôi luôn. Đầu tiên tôi thấy bực bội, nghĩ bụng chỉ cớ chuyện trà mà ba tôi cũng nhắc nhở cảnh giới thì chỉ có nước chết luôn. Nhưng rồi sau đó, giữa lúc ba tôi im lặng và tôi cũng nín thinh, từ từ tôi sực nhớ ra cái anh biếu trà cho tôi hình như chưa có hộ khẩu. Vậy rồi, như vừa chớm nhận dạng một vật gì đó vừa lấp ló sau một lớp sương, tôi mờ mờ ngó thấy nó trồi lên, lừng lững tiến tới. Và mỗi lúc tôi càng thêm hồ nghi cái anh chàng biếu trà này dăm ba bữa nữa thế nào cũng sẽ lại lò dò hội kiến với tôi. Bấy giờ bỗng dưng mồ hôi tôi rịn ra, lo lắng không biết nói sao nếu anh ta trở lại nhờ vả mình xin nhập hộ. Tuy nhiên, tôi cho việc này cũng là việc nhỏ, không đáng kể, dư sức dẫy ra, nên nỗi lo của tôi cũng qua mau. Ba tôi cũng chỉ nói vậy, chớ không nói hơn. Nhưng thình lình ba tôi vùng trở tay chỉ chiếc vétpa Xprinh dựng ở ngoài hàng hiên.

- Hồi trưa, lúc ba mới lên đây thì có một cậu chạy chiếc vétpa này tới. Ba hỏi cậu ta tới có chuyện chi không, cậu ta xởi lởi nói: "Dạ không có chi, cháu đem xe lại cho anh Tư!" Nó còn cười bảo con Linh: "Xe của ba đó, bữa nào biểu ba chở đi chơi nghen cưng!" Nói thiệt, ba không biết xe cộ ất giáp gì. Nó dắt vô để đó, ghé đít ngồi đối diện với ba đây, móc thuốc đầu lọc mời ba hút. Ba nói không quen hút thuốc có cán. Nó nói chuyện không ngớt, chủ yếu là khen ngợi tán dương con, một điều anh Tư bí thơ, hai điều anh Tư bí thơ. Ba đã thấy khó chịu, ngặt nó đương trớn nói, ba cũng ráng ngồi nghe. Một hồi thấy ba không hứng bắt chuyện, nó cáo từ ra về. Lúc bắt tay, nó đưa hai tay tuồng như chụp ôm lấy bàn tay ba, khum lưng như sắp xá..

Nói tới đó, ba tôi ngưng một chút, rồi chợt cất cao giọng hỏi tôi:

- Ê, thằng đó là thằng nào vậy mậy? Nè, tao coi bộ tướng nó không đặng khá đâu nghe!

.. Ông à, thằng đó là thằng Năm Tại chớ thằng nào, thằng hồi nãy tôi vừa nói đó. Thiệt là, nó báo hại tôi, vì nó mà tôi bị ông già ngờ oan. Thế là tôi phải tường trình gốc ngọn về chiếc vétpa cho ba tôi rõ. Nghe xong, coi bộ ổng có vẻ vui vui lại, gật gật đầu:

- ờ, ờ, xử lý như vậy là được, nên đem trả chiếc xe đó lại cho cơ quan sử dụng, mình giữ làm gì. Bày đặt bán hóa giá..

- Con sẽ kêu chính Năm Tại lại đây đem xe về!

- Phải, phải, đứa nào lót ván bắc cầu thì đứa đó phải dỡ chớ sao!

Ba tôi bật cười kha kha, rồi tiếp:

- Nè, ở cương vị của con, sẽ còn khối đứa lót sẵn ván cầu cho con đi đấy! Nó lót là vì nó, chớ có phải vì con hay vì việc chung đâu. Nếu mình không để ý bước đại lên là có bữa chết. Lúc này, người nào nói nghe bùi tai mình, mình phải coi chừng. Ai nói nghe hơi trái tai mình cũng khoan đổ quạu, cứ nghe đã, có khi họ có thiện ý thì sao? ở đời người tốt cũng nhiều nhưng kẻ xấu cũng không ít. Thiếu gì đứa xạo sự, lúc nào mà không có. à, mà thằng Năm Tại chi đó, hiện thời nó giữ chức gì?

- Cậu ta hiện là phó văn phòng. Tôi đáp

Ba tôi khẽ vuốt nhẹ chòm râu, và hình như ổng cười trong chòm râu đó:

- Cha cha, hay là nó muốn tấn lên làm chánh văn phòng? Bởi vì chẳng lẽ khi không mà nó lại làm cái động tác "ốp" cho con chiếc vétpa?

Trời đất, sao mà ba tôi nói ra cái vụ nào xem chừng cũng có bề trùng thấu vô sự thật hết, trong lúc ổng ở tuốt trên An Phú, cách đây bảy, tám cây số. Còn tôi, tôi ở ngay tại đây. Những chuyện đó ở sát nách mà tôi lại không biết để khi ba tôi nói ra thì tôi mới chớm thấy sự việc ló dạng. Hơn nữa, đúng như lời ba tôi, tôi nghiệm dần ra rằng dường như lúc mình chưa đương nhiệm vai trò bí thơ thì mình rất dễ thấy mọi sự, tới chừng nhập vô đó, mình lại rất khó nhận ra. Nói thiệt với ông, quả là tại văn phòng quận ủy có anh Ba Khiết là chánh văn phòng sắp đi học trường Đảng ngoài Hà Nội. Ba Khiết đi học đôi ba năm thì thế nào chúng tôi cũng phải tính người thay. Tôi e ba tôi nói đúng: Năm Tại đã tính..

Nghe anh Tư Lợi nói thế, tôi không nhịn được, chen vào:

- E với dè gì nữa. Về vụ này bác nói không sai đâu. Năm Tại sẽ làm một số động tác, o bế rà vuốt cho ông khoái, rồi tư ông đề nghị anh ta lên làm chánh văn phòng cho coi! Theo tôi đưa một người lên giữ một trách niệm cao hơn là lẽ thường do công việc đòi hỏi, nhưng người đó phải xứng đáng. Một người làm động tác kiểu Năm tại thì không xứng rồi!

- Nhưng tôi và các đồng chí trong quận ủy có tính đưa Năm Tại lên đâu!

Bấy giờ, sau gần một tiếng đồng hồ nghe chuyện của anh Tư Lợi, tôi bỗng thấy cứ mỗi lúc hình ảnh ông già anh Tư Lợi càng hiện rõ, tuồng như ông đang ngồi trước, nói với tôi, cả cái thế hệ chúng tôi đang rấn tới kề vai gánh vát thay ông. Tự nhiện, tôi khao khát muốn được nghe ông nói nữa, nên tôi hỏi anh Tư Lợi rằng sau đó ba anh có còn nói gì không anh Tư Lợi bảo:

- Còn, ba tôi còn nói nhiều chuyện khác. Có điều lần này không hiểu sao ba tôi đổi cách xưng hô, ổng xưng tôi, và gọi tôi bằng anh. Giọng nói của ba tôi cũng nhỏ lại, trầm hẳn xuống khiến cho lời nói thêm phần trang trọng, khẩn thiết hơn. Tôi không nhớ được từng câu, nhưng tôi cố nhớ.. à, ba tôi nói đại ý như vầy: "Các anh được Đảng giao trách nhiệm cho cả một quận, như quận của anh gồm tới gần một chục vạn người. Lớn lắm, phức tạp lắm. Nhưng phức tạp gì cũng xin cứ nhớ kỹ một điều, điều này Đảng chỉ ra, chớ không phải của tôi, tôi chỉ lặp lại cho các anh nhớ, là nghĩ gì làm gì cũng phải hướng tới ngày càng làm có lợi cho người lao ộng. Hễ cái gì đem lại lợi ích cho các thành phần lao động cơ bản cũng như trí óc thì các anh làm tới, đừng trù trừ, ví dụ manh quần tấm áo cho họ, bữa cơm cho họ. Còn hễ cái gì có chiều hướng làm tăng thêm túi tiền cho tụi con buôn, tụi không làm mà hưởng, bất kể tụi chường mặt và giấu mặt, thì các anh cứ triệt bỏ đừng nương tay. Các anh là người cầm quyền ở địa phương, ở khu vực hay là tụi đó cầm quyền? Sáng sớm bảnh mắt ra, tụi nó điểm tâm bằng gì? Phở nè, hủ tiếu nè, mà không phải phở thường đâu, phở đặc biệt, hủ tiếu Nam Vang kia. Còn chính các anh, sáng ra ăn cái gì? Anh em công nhân, trí thức ăn gì? Có nước hấp cơm nguội lại mà ăn, giỏi lắm thì cơm chiên. Các anh, chính các anh chớ không còn ai khác, phải lèo lái. Người nào làm nhiều phải được hưởng nhiều, ai làm ít ráng hưởng ít, kẻ nào không làm cho hưởng, nếu họ còn có sức lao động. Lần lần, những kẻ không làm rồi cũng phải ráng làm hết.

ở Liên Xô và phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, người ta đều đã trải qua cái cảnh này, nhưng người ta đều thu xếp vô hướng có trật tự. Cái cảnh này giờ đây đã trở thành cảnh quá vãng của họ, nhưng lại là cảnh hiện tại của mình. Nên chi mình phải lo liệu, và vì người ta đã bước qua rồi, nên mình phải ngó cái bước đi của người ta để mình, kẻ làm và kẻ không làm hoặc làm lệu ệu còn trà trộn, lẫn lộn dữ lắm. Ngay như các cơ quan đóng trong quận anh, tôi để ý thấy đông quá là đông, tới đâu cũng chật như nêm. Sắp đặt sao cho vừa đủ người để làm các công việc gián tiếp thôi, phải dồn thiệt đông người để làm ra cái ăn làm ra của cải. Còn lợi ích làm ra đực thì phải có điều phối. Trước hết cần có tiền thưởng cho chỗ nào sản xuất được nhiều và tốt rồi gom lại mà phân phối theo sự đóng góp của từng người. Đừng có quên tụi bộ đội đương cực khổ sống chết vì nghĩa vụ quốc tế hoặc đêm ngày canh giữ biên giới phía Bắc và các hải đảo xa xôi. Hay như sờ sờ trước mặt mình đây, mấy người thầy giáo cô giáo người dạy dỗ cho tất cả con em của mọi người, người ta có đáng được hưởng sự điều phối của lợi ích chung không? Bản thân anh chị em ở ngành giáo dục, người ta có gì ngoài cái lợi ích là dạy dỗ hết thế hệ này tới thế hệ khác? Hay như người bác sĩ, y tá, hộ lý, họ lo cứu chữa, chăm sóc cho tất cả chúng ta, nhưng chúng ta có chăm sóc lại cho họ để họ có thể đứng vững nơi bàn mổ, nơi đỡ đẻ hay không? Anh ơi không nói đâu xa, như mấy đứa con gái dạy trẻ, tụi nó lo dạy dỗ, đổ bô, xi đái, tắm rửa cho con cái của ai? Toàn là con gái mười chín đôi mươi. Nữ thanh niên sức vóc như vậy, qua một ngày cực nhọc lo cho bốn năm chục đứa con nít, thế m2 chiều về đứa nào cũng chao dao hết. ấy là vì mình chưa lập thế lo được cho tụi nó. May mà gần đây, có nhiều xí nghiệp, nhà máy đứng ra đỡ đầu. Trong tháng có được thêm gì, họ cũng chia cho, chẳng hạn như tiền ăn trưa, tiền thưởng. Rốt cuộc, cũng là anh em công nhân ngó ra điều đó, mặc dù chính bản thân anh em cũng còn cực. Và tuy chưa ăn nhằm gì, nhưng mấy đứa dạy trẻ cũng phấn khởi, thấy sự cực khổ của tụi nó được nghĩ tới, biết tới.

Đám già tụi tôi bắt chước theo anh em công nhân, hợp sức già với nhau, tạo cơ sở tăng gia cho nhà trẻ, năm rồi cho tụi nó mấy cáiao để thả cá rô phi, lâu lâu xúc bắt cá về cho các cô và trẻ nhỏ ăn cũng đỡ. Bữa nào tới lứa cá ăn được, tụi tôi nhắn tin, mấy đứa nó đạp xe ru ru tới, lớp lo vớt cá, lớp lo dọn dẹp nhà cửa vườn tược cho tụi tôi. Nghe mấy đứa nó cười nói ríu rít vang vườn, tụi tôi cũng vui lây, như được uống thuốc bổ, rồi bụng dạ mình cũng an an đôi chút, bớt phần áy náy, trở trăn. Tôi không biết các anh có áy náy, day dứt không, chớ tụi tôi tuy về nghỉ rồi, mà vẫn luôn cảm thấy chưa yên, là bởi dẫu mình đã chịu chơi, hết hồi chống Tây tới hồi chống Mỹ, kế bây giờ tới cái màn này kéo lên, cha cha phải nói là rất chi hấp dẫn nhưng cũng rất chi hóc hiểm. Các anh và tụi tôi đều bỡ ngỡ, màn mới này không có súng nổ đạn bay, nói chung khỏi đâm khỏi chém thằng giặc nào, vậy mà e chừng rắc rối đâu có thua gì một trận giặc..

Anh Tư Lợi dừng lại, đăm chiêu. Lát sau, anh nói:

- Tôi nghĩ những điều ba tôi đặt ra có thể có mặt trúng và có mặt chưa trúng, nhưng tôi thấy nói chung là có lý. Cái lý toát ra rõ rệt nhứt là : cục diện cách mạng thì đổi mới, ta phải ứng biến linh hoạt, nhưng linh hoạt gì thì chỗ đứng và mắt nhìn vẫn cứ phải tỏ rõ như xưa, cung cách sống phải thanh sạch.. Riêng việc tôi đón con nhỏ út tôi từ trường mẫu giáo về nhà bằng xe hơi..

- ờ, ờ, sao?

- Việc đó ba tôi cũng không bỏ qua. Tuy nhiên, ổng nhắc đến một cách ôn tồn nhỏ nhẹ. Vậy nhưng nghe tới đâu, mình bể nghể tới đó. Ba tôi bảo tôi đừng nên đón như vậy nữa. Một là xe hơi của công chớ không phải của riêng tôi. Hai là đón như vậy khác nào quậy đục tâm hồn trẻ thơ, hại vô cùng, hại hơn sự hao xăng nhiều. Đời mình đã gặp bao bất công, bất bình đẳng, nên mình mới dứt áo ra đi, tranh đấu chí chết để cho đời con cháu mình được sung sướng ngang nhau, lẽ nào bây giờ tự mình đi làm lại cái điều mình đã vốn căm ghét đó..

Anh Tư Lợi thôi nói, ngồi im, trầm ngâm, hai bàn tay buông thõng trên gối. Một lúc sau, sau anh từ từ đứng dậy:

- Khuya rồi, thôi tôi về.. Bữa nào rảnh, tôi ghé rủ ông lên chỗ ông già tôi chơi!

- ừ, nhớ nghe!

Tôi cũng đứng lên, định tiễn anh Tư Lợi ra cửa. Nhưng chợt anh dừng lại kêu:

- ý, chút xíu nữa tôi quên, cho tôi mượn cuốn sách coi!

- Cuốn gì?

- Cuốn "Chuyện thường ngày.." gì đó của Liên Xô, có không?

- à, chuyện thường ngày ở huyện của ôvétxkin phải không? Có đấy, đợi một chút, tôi lấy cho!

Tôi chạy vào trong, mở tủ sách, tìm được ngay quyển sách, đem ra. Anh Tư Lợi nói:

- Ông tìm mau quá vậy?

- ờ, những cuốn sách tốt, để đâu mình cũng nhớ kỹ

- Cuốn này hay lắm phải không?

- Đó là một cuốn sách hay!

Anh Tư Lợi cầm quyển sách, lật lật coi qua rồi cất vô cặp. Vừa đi ra cửa anh vừa nói:

- Hèn chi ba tôi biểu tôi kiếm đọc. Ba tôi khen tay tác giả này giỏi và tốt. ổng nói một nhà văn chỉ giỏi cũng không thể viết một quyển sách như vậy, mà còn phải tốt nữa. à, ba tôi biểu hãy chú ý nhân vật Mác.. Mác tưnốp, hãy ngó vô Mác tưnốp.

Hãy ngó vô Mác tưnốp! Cả người đã vẽ nên chân dung Mác tưnốp, tay nhà văn giỏi và tốt kia. Tôi thầm nhắc lại, trằn trọc nghĩ hoài về những lời của ông già anh Tư Lợi. Cho tới gần quá nửa đêm, tôi vẫn chưa chợp mắt được. Sau cùng, khi giấc ngủ còn lâu mới tới, tôi chợt ngó thấy ra một ông già cưỡi trên một chiếc xe đạp đã cũ, đầu đội chiếc nón cối cũng rất cũ kỹ, chạy chầm chậm trên nẻo đường từ An Phú về thành phố, đằng sau xe có đèm một trái mít. Và chỉ một loáng sau, bức tranh này lại mờ đi, nhường chỗ cho một đại dương giông bão, trôi nổi một chiếc bè trên đó bốn năm người nằm im như chết, rồi đàn kên kên quần đảo kêu ré, rồi ông già ấy vào thuở tuổi hai mươi, vụt chồm lên mà chụp lấy con kên kên giữa bầu trời mây bay tơi tả qua những ngọn sóng trào.

1982



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 208

Return to top