Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Một nàng hai chàng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5443 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một nàng hai chàng
Bình Nguyên Lộc

Phần II

Lực có một lối trốn sự chói lòa mà khỏi nhắm mắt lại, là day vào trong cửa động, đưa lưng ra biển, Nhìn bóng râm mát trong cái miệng hả ra của con quái vật khổng lồ ấy, tưởng tượng đến không khí mát lạnh trong đó, chàng sẽ quên được nắng đổ xuống lưng chàng, quên được ánh sáng mà mặt biển phản chiếu lên mặt chàng.

Người gác hòn vừa toan thi hành ý định của mình thì bỗng một vật đằng xa, trên mặt nước, gần chơn hòn Chà Là, kéo chú ý của chàng lại.

Chàng nhìn chăm chú về nơi đó rồi cuốn tròn hai bàn tay lại để làm ống dòm hầu nhìn cho rõ hơn.

Đó là hai kẻ đắm thuyền đang cố sức mà lội vào hòn Chà Là.

Lực lẩm bẩm :

- -         Lại quân trộm nữa đây chớ gì! Hôm nay lũ nó bị tổ trác rồi. Ừ, cho lũ bây uống nước mặn một bữa cho đáng kiếp.

Đinh ninh là như vậy, nhưng Lực không thôi nhìn hai kẻ thọ nạn và sự ngạc nhiên của chàng cứ to lần lên. Chàng lẩm bẩm tự hỏi: “Lạ quá ! Bọn trộm tổ yến thì đứa nào cũng lội giỏi như con rái. Nhưng hai tên nầy sao mà coi bộ bết lết quá như vậy không rõ. Từ sớm đến giờ không nghe còi tàu kêu cứu, tức là không có thương thuyền, du thuyền nào chìm trong vùng nầy cả. Vậy hai tên nầy thuộc vào dạng người nào?”

Lực bứt rứt, bồn chồn lắm vì chàng thấy một tên lội chập chũm như một con chó con. Tên nầy chỉ cử động để khỏi bị chìm ngay chớ không mong gì vào được rong trơn hòn Chà Là đâu.

Chàng phân vân nửa muốn ra cứu kẻ lâm nạn, nửa muốn mặc kệ quân bất lương nầy. Trông vẻ mặt khó khăn của Lực thì biết chàng đang suy nghĩ nhiều lắm. Rốt cuộc, chàng đứng lên: tinh thần phận sự làm người đã thắng nơi chàng chăng? Có thể. Nhưng cũng có thể rằng chàng đoán hai kẻ ấy không phải là bọn bất lương.

Lực lại khập khiễng bước xuống các bực đá, rồi cà nhắc cà nhoi đi vào động. Mặc dầu có tật chân, chàng cố bước thật mau và giây lát sau cái miệng của con quái vật nhả ra một khúc đuôi của chiếc xuồng nan.

Có lẽ Lực kẹt gì bên trong, nên phải điều động chiếc xuồng, bơi trở vào, giây lát sau mới lùi hẳn ra. Bên ngoài, nếu có ai nhìn cảnh đó, họ sẽ có ấn tượng rằng miệng con quái vật trợn trạo nuốt không trôi miếng mồi lên rốt cuộc phải nhả nó ra.

Ra khỏi cửa động, Lực cho xuồng quay mũi thật lẹ rồi hạ dầm xuống bơi liền, nhắm hướng hòn Chà Là trực chỉ.

Bấy giờ, sóng đã tương đối khá to, và xuồng chòng chành như cái trứng vịt. Nhưng Lực điều khiển khéo léo nên con ngựa chứng ấy chạy tới bon bon.

Lực bơi lẹ tay và mạnh tay dầm, vì càng lúc chàng càng thấy rõ hơn là hai kẻ đắm thuyền lặn hụp, coi bộ đuối sức lắm rồi, Chàng mà trễ một chút là họ lâm nguy.

Anh gác hòn yến bơi như đua thuyền giựt giải và xuồng lướt tới như tên bắn. Thế mà chàng cứ nghe sốt ruột, làm như kẻ mắc nạn là người thân của chàng, nên cố bơi đến muốn đứt ruột mà vẫn còn thấy xuồng tiến chậm quá.

Vì phải rạp mình xuống mà bơi nên Lực không theo dõi được bọn chết đuối nữa, tuy nhiên mỗi lần ngóc dậy, thoáng thấy họ, chàng lại nóng nảy hơn vì họ có mòi muốn bỏ cuộc, không đủ sức chiến đấu với sự chết đuối nữa.

Còn năm mươi thước... còn bốn mươi thước... ba mươi thước… hai mươi thước... Lực nghe thái dương chàng kêu bừng bựt và tai chàng ù ù, không nghe rõ tiếng sóng gió nữa. Mắt chàng cũng đổ hào quang mặc dầu nãy giờ chàng không hề nhìn mặt nước chói lòa.

Còn mười lăm thước... mười thước...

Một nạn nhân bỏ cuộc hẳn. Hắn đang chới với... Năm thước ba thước... Đầu nạn nhân đã hụp mất, chỉ còn thấy hai bàn tay của hắn huơi trên mặt nước một cách tuyệt vọng.

Lực buông dầm, nhảy tới trước mũi xuồng với chụp lấy hai bàn tay ấy. Chiếc xuồng, bị chàng đè một bên, nghiêng triềng muốn lật. Rồi sức nặng của kẻ chết đuối lại trì thêm ở bên ấy khiến sự quân bình của chiếc xuồng trên mặt nước chỉ như còn được treo lơ lửng bằng một đường tơ nhện.

Lực ngã ngửa người chàng để lập lại thăng bằng và xuồng lại nghiêng qua phía bên kia, phía bên mà lưng chàng vừa ngã xuống. Trong khi ấy thì nạn nhân bị kéo hổng lên mặt nước một khúc thân mình y và khúc thân ấy nằm ép trên hông xuồng.

Cố nhiên xuồng lại lật trở về vị trí khi nãy. Nhưng lần nầy sự cân bằng đã được cải thiện rồi. Lực đã ngồi dậy, nhưng ngồi giữa lòng xuồng chớ không chồm qua be xuồng nữa.

Nạn nhân lại chìm trở xuống biển và chỉ còn đầu y là nằm trên mặt nước thôi.

Bấy giờ Lực từ từ kéo y lên, tuy y không nặng, nhưng vì cái thế bất tiện nên chàng làm công việc nầy rất khó khăn.

Thân thể nạn nhân cọ xát vào hông xuồng nan kêu sồn sột và Lực kinh ngạc biết bao nhiêu khi đầu y nhô lên khỏi be xuồng: đó là một phụ nữ, một phụ nữ ở thành phố, tóc uốn quăn.

Tự nhiên; chàng nhẹ tay kéo. Người phụ nữ nầy xem ra ốm yếu lắm mà chàng đã hành động như một vũ phu vì ngỡ y là đàn ông, chịu đựng được sự mạnh tay.

Chàng cẩn thận nghiêng mình qua phía nạn nhân để kéo thế nào cho vào xuồng không lật mà nạn nhân cũng được đưa ra xa, khỏi bị cọ vào hông xuồng.

Thấy nàng mặc sơ mi màu, Lực đoán rằng đó là một phụ nữ Saigon chớ phụ nữ ở đây không ăn mặc như thế.

Trông nàng thì Lực chỉ đoán biết nàng còn trẻ, chớ không thấy được mặt nàng vì những lọn tóc lớn dài và ướt dán đầy trên đó. Tuy nhiên chàng thấy đó là một thiếu phụ hơn là một thiếu nữ.

Thiếu phụ nhẹ hểu. Nhờ thế mà Lực mới vừa đưa cô ta dang ra hơi xa chiếc xuồng, vừa nắm hai nách cô ta rồi giở hổng cô ta lên khỏi mặt nước được.

Thiếu phụ bị ngộp nên bất tỉnh và thân thể mềm lủn ra.

Lực đặt nàng rằm ngửa dưới đáy xuồng rồi không kịp bận tâm đến chi tiết trang phục của nàng, chàng vội day ra với nạn nhân thứ nhì. Hắn là lột người đàn ông. Hắn chưa chìm nhưng lội một cách uể oải lắm rồi. Lực thòng tay xuống mà hắn không buồn chụp lấy, khiến chàng phải nắm tay hắn mà kéo lên.

Lực kéo hắn lên xuồng rất khó nhọc vì hắn đã nặng cân lại không làm gì cả để giúp chàng. Hắn còn tỉnh nhưng sắp lả đi và vừa được để ngồi ở đầu xuồng, nơi dưới chân người thiếu phụ thì hắn gục xuống.

Vài mươi giây sau, hắn nôn oẹ ầm lên. Sau nhiều cơn ói nước dãi ra, hắn thở dốc một hơi rồi đưa tay lên vuốt tóc.

Bấy giờ Lực mới chợt thấy hắn đẹp trai, đẹp ghê hồn, đẹp như một kép hát trẻ trên sân khấu được hóa trang kỹ lưỡng. Gương mặt đẹp của hắn lại dễ thương lắm, và nếu chàng là con gái, nhất định chàng phải mê hắn.

Và bấy giờ Lực mới nhìn lại thiếu phụ. Nàng mặc sơ mi màu như đã nói, một màu lụa lèo nhưng sậm hơn nhiều, viền đỏ. Nàng mặc quần kiểu quần đàn ông,[2] bằng trô màu lam, chân đi giày bố trắng.

Thân thể, tay chân nàng cũng đẹp lắm, nhưng chưa thấy được mặt mũi ra sao.

Thình lình, nàng rên hừ hừ mấy cái, rồi cũng đưa tay lên vén tóc nơi mặt và mở mắt ra.

Đẹp !

Gương mặt nầy xứng với thân thể và tay chân nầy.

Lực có sống ở Saigon nhiều năm, có thấy đàn bà đẹp, thiếu phụ nầy đẹp có hạng ở Sài Gòn chớ không phải tầm thường.

Tuy nhiên người đàn ông vẫn đẹp hơn nàng. Trong giây phút, Lực nhớ đến gà trống, gà mái, cá thia thia trống, cá thia thia mái, cọp đực, cọp cái và chàng hơi nghi ngờ rằng âm đẹp hơn dương. Người đàn bà đẹp nhất nước Việt Nam chắc phải thua người đàn ông đẹp nhất  nước Việt Nam.

Nói cho đúng ra, làm sao mà so sánh sắc đẹp khác biệt giữa hai phái nam và nữ được. Nhưng giả thử người đàn bà đẹp nhất nước đi song đôi với người đàn ông đẹp nhất nước, ta sẽ thấy rằng họ không xứng đôi với nhau và cứ nghe là người đàn bà ấy kém hơn người đàn ông, phải một người đàn bà đẹp hơn kia mới khỏi chênh lệch. Mà đẹp hơn làm sao được, vì người đàn bà ấy đã đẹp nhất nước rồi kia mà.

Ta có thể cho điểm:

Đàn ông đẹp nhất nước: 10 điểm

Đàn bà đẹp nhất nước: 9 điểm

Và ta kết luận nam đẹp hơn nữ cũng như trống đẹp hơn mái, đực đẹp hơn cái.

Người đàn ông nắm chân người thiếu phụ và hỏi:

-     Em đã đỡ mệt rồi à? 

-     Đỡ.

Hắn có bộ muốn hỏi gì nữa, nhưng hắn hơi sượng sùng vì mặc cảm kém cỏi, bởi đã không cứu được bạn hắn khi nãy, nên lại thôi, quay qua Lực, cười mà rằng :

-     Sao thấy được mà ra cứu?

Giọng hắn và giọng của thiếu phụ là giọng miền Nam, Lực đoán chẳng sai.

Hắn hỏi trổng, không kêu Lực bằng gì cả, cũng không xưng “tôi” với Lực.

Câu hỏi của hắn lại vắn tắt quá, tuy nhiên Lực cũng đoán được ý hắn nên đáp:

-     Tôi không phải ở trong đất liền mà ra đây.

-     Chớ ở đâu?

-     Ở đây.

-     Ở đây, ở ngoài biển? Hắn ngạc nhiên hỏi gạn lại.

-     Ừ, nghĩa là tôi ở trong hòn kia. Lực vừa nói vừa chỉ tay về hòn Đụn.

-     Ở trong hòn đó?

-     Ừ.

-     Hòn cao quá, lại toàn là vách đá đứng sững, làm sao leo lên đầu hòn được ?

-     Không, có động dưới chân hòn.

-     Sao họ bảo đây là một nhóm hoang đảo?

-     Đúng như vậy. Nhưng vài tháng, trong một năm có bảy người ra ở đây, mà tôi là một.

Thiếu phụ đã chống cùi chỏ, gắng gượng ngồi dậy, mà người đàn ông không giúp đỡ nàng, cũng chẳng hỏi thăm hỏi lom gì cả.

Nàng vừa nghe câu chuyện, xen vào:

-     Có phải để gỡ tổ yến hay không?

-     Không, chúng tôi chỉ canh gác trộm cắp thôi, đợi yến xây tổ xong thì có thợ chuyên môn ra gỡ.

Bấy giờ người đàn ông mới quay lại nhìn bạn mà hỏi :

-     Em có việc gì hay không?

-     Cũng chẳng sao. Nhưng khát nước.

Nàng nói : Cũng chẳng sao tức là có sao nhưng chỉ nhẹ thôi, và Lực đoán rằng nàng rát ngực vì ngực nàng bị cọ vào hông xuồng lúc nãy. Quay qua anh gác hòn, gã đàn ông lại hỏi :

-     Hòn có nước ngọt hay không?

-     Có.

-     Anh tận tâm với vợ chồng tôi cho tới cùng đi, rồi chúng tôi sẽ biết ơn anh. Sẽ thưởng anh một số tiền lớn.

Lực mỉm cười lặng lẽ.

Gã kia chịu gọi chàng bằng anh, lại tự giới thiệu:

-     Tôi là Hưng... thầu khoán ở Saigon.

Hắn do dự rất lâu mới thốt ra hai tiếng “thầu khoán”. Đoạn hắn chỉ thiếu phụ mà giới thiệu tiếp:

-     Cúc, vợ tôi.

-     Hân hạnh! Còn tôi là Lực, người gác hòn Đụn.

Cả hai vợ chồng kẻ mắc nạn đều ngạc nhiên trước lối ăn nói lịch sự và tân thời của kẻ gác hòn đen đúa và nghèo nàn mà họ ngỡ là quê dốt.

Rồi Lực cho xuồng quay mũi về hòn Đụn, đoạn hạ dầm xuống mà bơi.

Thiếu phụ ngồi đối diện với chàng, chợt nhớ ra áo nàng ướt mèm, dán sát vào ngực nàng, làm lộ rõ quá bí mật của một phần thân thể của nàng nên vội khoanh tay lại trước ngực rồi làm bộ như nghe lành lạnh, nàng rùng mình và nói : “Lạnh ghê !” Thật ra nắng trưa đã sưởi ấm họ từ lâu rồi.

Gió biển thổi khô mồ hôi trên mình trần của Lực rồi nắng trưa và cử động lại làm đổ mồ hôi khác, rồi gió biển lại...

Bấy giờ xuồng đã tới trước cửa động. Lực cho mũi xuồng đâm vào đó và một lần nữa miệng con thủy quái lại nuốt mất cả người lẫn vật.

Người thiếu phụ ngỡ vào động, kín gió, không dè xuồng vừa chui vào đó là nàng rùng mình ngay, lần nầy vì lạnh thật, chớ không phải làm bộ nữa. Lạnh ghê lắm!

Động nghìn năm chưa thấy ánh sáng một lần, không khí ẩm ướt và thở vào nghe nằng nặng phổi.

-     Lạnh ghê! Cúc than.

Không có tiếng vang của loài người đáp lại nàng nhưng vách đá lại phóng đại ra lời nói gần như thì thầm của nàng nó vang lên rồi dội đi xa thật xa tận mãi tới trong kia, nghe như có hàng trăm người nói to trong đó.

Cúc lại rùng mình, lần nầy vì sợ hãi. Nàng nắm chặt tay chồng, hắn xem ra cũng không được vững dạ lắm.

Để trấn tĩnh bạn mà cũng để tự trấn tĩnh chính mình, và nhân cảnh sanh hứng, Hưng huýt gió vài câu của điệu nhạc Thiên Thai.

Nước rỉ ở đâu từ trên trần đá, thánh thót rơi lên nước, như đệm nhạc cho phần ca khúc mà Hưng huýt sáo.

Khi tới khúc quanh, tối lắm nên Cúc càng sợ hãi và níu chặt lấy vai chồng, Hưng liếc mắt xem chừng người gác hòn và thủ thế hẳn hòi.

Được cái là xuồng quanh vào động thứ nhì là ánh sáng của giọt nắng rọi cho động nầy tương đối sáng sủa giúp họ yên tâm trở lại.

Giây lát sau xuồng đụng đáy bãi lài và dội lại. Tức thì Lực nhảy xuống nước. Xong đâu đấy, chàng mới mời khách lên.

Hai vợ chồng nạn nhân giang tay ra như chấp cánh muốn bay, để giữ thăng bằng vì họ bước đi làm cho chiếc xuồng quá nhẹ nầy lắc dữ.

Họ vừa để chân lên bãi thì thình lình cây cột nắng trong đáy động tắt mất. Động trong lại tối om như tại đầu trong của động ngoài.

Hưng có cảm giác rờn rợn như là đang rơi vào một ổ cướp sát nhân và tên chủ lưu manh tắt đèn thình lình để tấn công hắn.

Hắn vội ngồi xuống thật lẹ trong khi vợ hắn chụp lấy hắn. Chỉ chụp được không khí, Cúc kinh hoảng kêu rú lên.

Cùng lúc ấy hai vợ chồng kẻ “mạo hiểm” nầy không (.)còn hồn vía nào cả vì họ nghe tiếng chân của anh gác hòn chạy thùi thụi trên nền đá.

Tiếng chân ấy được nhân làm trăm làm ngàn lần như cả một tiểu đoàn đang chạy, nhưng rồi im bặt thình lình. Sự im lặng tiếp theo sự ồn ào náo động khi nãy còn làm cho Hưng và Cúc khiếp đảm hơn, không đoán được kề thù đang ở đâu, đang mưu toan cái gì, đang sắp sửa làm gì.

Bỗng một ánh lửa lóe lên trong đáy động, ánh lửa nhỏ như ánh lửa diêm quẹt, rồi thì một ngọn đèn sáng lên.

Hưng nhận ra đó là ánh sáng của một cây đèn bão, loại đèn của những kẻ hành thuyền và làm biển nhà nghề Âu Châu và được người nhà nghề của ta bắt đầu dùng theo.

Đèn nầy hay lắm ở chỗ kín mít, gió không lọt vào được để tắt ngọn đèn mà lại không thiếu dưỡng khí nên cháy được mãi.

Đèn có chụp trên chụp dưới bằng thiếc nên ánh sáng chỉ soi ngang, qua một thứ lồng bằng pha lê.

Bấy giờ chủ động xách đèn, cà nhắc đi ra ngoài nầy và giây lát sau tới nơi, hắn ngạc nhiên lắm mà thấy người khách đàn ông lại ngồi.

Hưng mặc một bộ đồ đánh gôn phờ hay đồ cỡi ngựa gì đó không rõ, quần rằn, ở trên rộng, nhưng từ gối xuống bàn chân túm lại để xỏ giày vào ống. Đôi giày ống bằng da, có lẽ hắn đã tuột bỏ lúc chìm thuyền cho dễ lội. Ăn mặc như thế, ngồi chồm hổm rất khó khăn, nếu không nói là không được vì ống quần quá hẹp không cho phép chân xếp lại. Chàng càng ngạc nhiên hơn nữa mà không thấy Cúc đâu cả.

Chàng giơ đèn lên cao mà rọi khắp hang cũng không thấy người thiếu phụ đó.

-     Bà ấy đâu rồi?

-     Cúc ơi ! Hưng không đáp, chỉ gọi vợ thôi.

Không nghe Cúc đáp lại nhưng nghe tiếng chân người từ vách đá đằng kia bước lại đây.

Chắc Cúc chụp lấy chồng mà chụp không được vì hắn đã ngồi thụt xuống thình lình, nên nàng kêu rú lên rồi theo bản năng, nàng chạy đi, và khi chạm phải vách đá, nàng đứng nép sát vào đó, đó là một lối tự vệ của kẻ yếu.

Lực chừng như vừa chợt hiểu mọi việc, buồn cười lắm, nhưng cố nín và giải thích:

-     Cây đèn trời ấy tắt thình lình vì mặt trời bị mây che, ánh sáng không lọt vào hang được. Tôi sợ ông bà khó chịu nên chạy đi thắp đèn.

“À ra vậy! Hú vía”. Hưng và Cúc hoàn hồn, nói thầm lên như thế trong bụng họ.

Cái anh gác hòn nầy tuy có tật chân nhưng lực lưỡng lắm và có khuôn mặt xem ra không hiền. Nãy giờ họ sợ anh ta lắm chính vì râu ria anh ta xồm xoàm. Nhưng giờ suy luận, họ hơi an tâm. Nếu hắn muốn giết họ, hắn đã ra tay ngay lúc nắng tắt.

Cả ba đều đang đứng ngay đầu xuồng, tức là nơi cuối bãi. Lực mời :

-     Mời ông bà vào đây.

Rồi hắn xoay lưng mà đi trước để soi nẻo.

Ánh đèn chiếu ngang, chỉ cho họ thấy lối chỗ đầu gối của Lực thôi. Họ đoán chàng bị hư chân nơi đó, bằng vào cách đi cà nhắc đặc biệt của chàng.

Hai vợ chồng nhìn nhau, thầm hỏi nhau có nên đi theo chủ động hay không, rồi không ai đáp ai, họ vẫn cất bước đi theo Lực.

Cúc vấp mấy lần những mô đá lồi, sụp mấy lần những nơi đá lõm và mấy lần trợt chân trên những viên đá cuội nhỏ, lần nào nàng cũng kêu ái lên và bám vào chồng cho khỏi ngã.

Những viên đá cuội ấy bị lay chuyển và di động, lăn long lóc xuống dốc, có viên dừng lại dọc đường, có viên rơi xuống mé nước kêu cái chủm.

Đến một chỗ kia, nền đá khá phẳng mặt, chủ động dừng chân lại rồi nói, giọng buông lơi :

-     Đây là phòng tiếp khách của tôi, mời ông bà ngồi.

Lực ngồi xuống trước, đặt cây đèn bão lên nền đá, giữa khách và chàng rồi chàng ngồi quay ra sau lưng mà lấy vật gì không biết.

Cúc xem kỹ lại thì thấy chủ động đã mặc áo, một chiếc áo bà ba bằng vai ú đen.

Rồi hai vợ chồng kẻ lâm nạn cũng ngồi xuống, Hưng thì thủ thế cẩn thận, lúc nào cũng sẵn sàng để chạy hoặc để tự vệ.

Họ nhìn xa vào trong, tức là kế nơi họ ngồi thì thấy nền đá ở đó bằng mặt, rộng một khoảng chừng bằng một cái buồng ngủ của một nhà trung lưu ở Saigon, trên nền để đồ đạc ngổn ngang và đặt bếp lửa.

Chủ động bưng ra từ đó một nồi cơm khá to, vài con khô nướng, một chai rượu trắng.

Chàng lại sắp ra ba cái chén, ba đôi đũa với một chén nhỏ, chừng để uống rượu.

Chủ động vừa bới cơm, vừa giải thích:

-     Tôi làm biếng, mỗi ngày nấu cơm có một lần thôi, nấu hồi sớm, để ăn bây giờ, ăn bữa chiều và ăn lót dạ hôm sau. Tôi chắc ông bà đói lắm, vậy mời ông bà cùng tôi dùng bữa. Không thể thiếu cơm được đâu mà ông bà ngại vì cơm và đồ ăn nầy là phần ăn của một người cho ba bữa ăn thì giờ đổi lại là phần của ba người trong một bữa ăn cũng thế thôi.

Cúc mỉm cười. Nãy giờ quan sát cử chỉ, tác phong và lời lẽ của Lực, nàng đoán rằng người gác hòn nầy đã có một dĩ vãng khá giả và y có học thức chớ chẳng không.

Hai người khách đói thật, nên họ không đợi mời đến hai lần. Chủ động đặt lên mỗi chén cơm một con khô và nhìn Cúc mà nói:

-     Thứ khô sặc nầy cứng lắm, bà chịu khó xé trước kẻo nhai không nổi.

-     Không hề gì. - Cúc đáp.

-     Ông bà đi đâu, đi bằng gì mà suýt chết đuối như vậy?

Hưng vội đáp vì hắn sợ Cúc đáp sai mà có hại:

-     Chúng tôi đi ngoạn cảnh bằng xuồng, xuồng nan như xuồng cửa anh.

Xuồng va vào vách đá của một hòn nào đó không rõ, nên nát cả. Chúng tôi không thể lội vào hòn ấy vì chung quanh hòn toàn là đá dựng như ở hòn nầy, mà lại không thấy cửa động nào hết, nên phải cố lội đến cái hòn mà trước mặt đó, anh đã cứu chúng tôi.

Cả ba im lặng, bắt đầu ăn. Hai người đờn ông ăn xong chén cơm đầu một lượt với nhau, và Lực với lấy cái chén không của Hưng để bới thêm.

Hưng hỏi:

-     Chừng nào anh đưa chúng tôi vô đất liền được?

-     Tôi không có quyền bỏ hòn, bỏ là bị đuổi ngay. Vậy phiền ông bà ở lại đây một lúc, rồi sẽ quá giang thuyền tiếp tế mà về trong ấy.

Hai vợ chồng kẻ mắc nạn nhìn nhau, vừa thất vọng vừa lo sợ.

-     Một lúc nghĩa là mấy ngày? Hưng hỏi.

-     Rủi cho ông bà quá, họ mới đến khi sáng. Hai tuần lễ nữa họ mới trở ra đây.

Hưng thở dài, ăn thấy mất ngon, mặc dầu hắn còn đói lắm.

Cúc đã xong chén cơm của nàng nhưng từ chối không để cho chủ động phục dịch mình mà đi bới cơm lấy. Nàng hỏi:

-     Anh làm lương tháng bao nhiêu?

-     Không có lương tháng. Chúng tôi lãnh khoán một mùa yến xây tổ là bao nhiêu đó thôi.

-     Còn những tháng khác trong năm anh làm gì?

-     Họ làm gì tôi không biết. Riêng tôi, tôi không có làm gì cả.

-     Không làm gì cả? Rồi lấy gì mà chi dụng?

-     Tôi không tiêu xài. Chắc bà muốn hỏi lấy gì mà ăn? Thỉnh thoảng tôi làm sổ sách giùm cho vài hiệu buôn, nhưng không thích làm cho lắm. Vấn đề ăn thì rất dễ giải quyết. Chủ thầu các đảo yến nầy là người Tàu, mà...

-     Thầu là thế nào?

-     Nghĩa là tổ yến thuộc quyền sở hữu của quốc gia, như là hầm mỏ vậy. Ai muốn khai thác thì đấu thầu và được độc quyền khai thác trong cái năm mà mình đấu thầu được. Tôi đã nói gì rồi kia à, à... người Tàu, ông chủ thầu các hòn đảo yến nầy ổng cứ đấu thầu được mãi từ năm nầy đến năm khác, mà bà nên biết rằng người Tàu họ trả công rẻ lắm, nhưng bù lại, họ rất rộng rãi về việc khác, chẳng hạn  tôi có thể ăn ở tại nhà ông bang Lìl nầy từ năm nầy đến năm khác mà ổng không hề phàn nàn tiếng nào, quần áo rách ổng cũng sẽ sắm cho, có chết thì ổng chôn, muốn cưới vợ, ổng cũng cưới cho nữa.

Cúc cười hỏi:

-     Vợ con anh ở trong đất liền?

-     Tôi chưa có vợ.

-     Bác chưa vợ à?

Câu hỏi nầy là của Hưng, hắn bận lo ra, không theo dõi câu chuyện, nhơn tình cờ nghe được câu nói trên đây của Lực, hơi ngạc nhiên nên hỏi thế. Hắn ngạc nhiên vì biết rằng chỉ có hạng đàn ông khá giả và ăn chơi ở các thành phố mới độc thân, còn thì các phần tử khác trong nước đều lấy vợ cả.

Hắn lại gọi Lực bằng bác vì hắn chợt nhận thấy Lực già quá.

-     Ừ, tôi chưa có vợ.

-     Năm nay bác trên bốn mươi rồi chớ?

-     Không, tôi chỉ mới băm hai thôi.

Cả Hưng và Cúc đều kêu lên một tiếng kinh dị, Lực cười mà rằng:

-     Tôi dạn gió dày sương nên trông rất già.

-     Như thế anh nhỏ hơn tôi một tuổi, tôi băm ba, còn vợ tôi đây hăm bốn.

Lực cười hề hề rồi rót ra một chén rượu. Chàng mời khách:

-     Ông bà nên uống mỗi người một chung cho ấm. Tôi thấy ông bà ướt tôi ái ngại lắm, ngặt không đủ y phục cho ông bà mượn để thay đổi. Vậy ông nên uống rượu kẻo cảm sốt.

-     Xin tha tôi ân huệ đó. - Cúc nói.

-     Tôi cũng không uống rượu được. - Hưng họa theo vợ.

Lực cười ha hả mà rằng:

-     Nam nhơn chi chí mà! Không uống rượu làm sao mà mạnh khoẻ được? Ông bà cho phép tôi nhé.

Chàng nói xong uống đánh ực một cái thì rốc chén rượu rồi khè một tiếng dài.

Cúc ngạc nhiên hết sức trước mâu thuẫn giữa hai tác phong khác hẳn nhau của con người nầy: anh gác hòn xem ra có học và rất biết phép lịch sự, thế mà lại thình lình hoá ra một kẻ thô lỗ trong lối uống rượu của anh ta, đó là lối uống rượu của kẻ thất phu, chưa say đã làm ồn.

Hưng thì nhìn người chủ động trừng trừng, rất lo ngại mà thấy anh ta cười to uống mạnh.

Nhưng hắn cũng thèm rượu. Hắn làm bộ nói không uống rượu được chỉ vì hắn sợ bị đầu độc hay bị đánh thuốc mê thôi, vì thường thường người ta đánh thuốc vào rượu chớ không ai bỏ thuốc trong cơm.

Thấy Lực uống rượu mà không việc gì, hắn tự rót cho hắn một chén. Lực lại cười lớn và khen :

-     Đó đấy! Như vậy mới phải trai và mới đồng điệu với tôi chớ!

Khách uống chén thứ nhất xong thì chủ uống chén thứ nhì. Lực cười vang cả động rồi nói:

-     Vui lắm! ở đây tôi thật cô đơn, chỉ mình sống với bóng mình, với lòng mình thôi. Nếu không có rượu thì lạnh cả đến trong tim.

Chàng lại uống thêm một chén rượu nữa rồi lại cười vang lên, tiếng cười của chàng chạm vào vách đá trước mặt chàng, bị vách ấy hất qua vách sau lưng chàng, rồi từ đó bị xô trở lại tấm vách đầu, bị xô vào trong, bị xô lên trần rồi lại vang dội ra, vang dội xuống, nghe như có hàng trăm người cười một lượt.

-     Vui lắm! Vui quá! Sống một mình giữa cảnh trời nước bao la nầy, sao mà nghe thèm nói chuyện với loài người quá! Mặc dầu tôi biết ông bà đang buồn vì phải ở lại mất thì giờ và biết phép lịch sự là phải cảm thông với nỗi sầu của ông bà, tôi cũng không ngăn được niềm vui tràn trề của tôi hôm nay có vẻ không biết điều lắm trước nỗi buồn của ông bà.

Quay qua phía Cúc, Lực hỏi :

-     Có phải hay không là bà thấy tôi lỗ mãng và nhầm tôi ? Không, bà đừng từ chối, tôi bắt chợt được sự ghê gớm ấy trên gương mặt của bà. Kể ra thì cũng hơi lạ vì một anh gác hòn quê dốt như tôi mà có tác phong như vầy là thường chớ, và bà phải xem sự thường ấy là... là... thường chớ! Nhưng chắc bà thấy có sự trái ngược nơi tôi nên không xem đó là thường được chớ gì  ?

Cúc cười tỏ vẻ xác nhận lời đó.

-     Chính tôi đây lắm khi cũng xem như vậy là không thường được. Lực tiếp, lắm hôm tôi ngạc nhiên mà nhìn tôi giờ nó khác hẳn tôi ngày trước. Cái tôi ngày trước không chịu mất đi nên cả hai cái tôi ấy không ăn khớp với nhau, không đồng điệu với nhau như là các nhạc công cổ nhạc của ta đờn chỏi nhau, nghe kỳ kỳ...

-     Cái tôi trước của anh là như thế nào? - Cúc hỏi.

Lực lại uống thêm một chén rượu sau lời đốc xúi của Hưng, Hưng vẫn chưa hết sợ, muốn nhờ rượu làm cho kẻ có bộ hung dữ nầy yếu bớt đi, Đàn bà không biết điều đó, chỉ thấy mấy người say hung hăng làm dữ mà không dè rằng họ đã hóa yếu đi rồi, nên Cúc ngăn :

-     Thôi đừng uống nữa, bấy nhiêu đó đủ vui lắm rồi.

Lực cười hà hả vừa trót rượu vừa hỏi:

-     Bà sợ tôi say chắc? Nhưng đã có ông đây, bà khỏi ngại.

Bấy giờ ngoài kia, trên trời mây đen đã tan và giọt nắng lại chảy xuống giữa buồng trong của ông chủ động.

Ánh sáng gián tiếp soi tỏ mọi vật và Cúc liếc vào trong thấy một bức ảnh 6 x 9 lộng kiếng để dựng nghiêng nơi vách đá trong cùng.

Người trong ảnh là phụ nữ, nhưng nàng không rõ được mặt mũi người ấy ra sao, có đẹp hay không.

Nhìn lại người chủ động thì nàng thấy mặt hắn đỏ gay và mũi hắn bị rượu thâm niên nhuộm đỏ bầm như cục gạch nung, màu đỏ bầm nầy được rượu mới uống vào làm lộ rõ ra hơn lúc thường.

Lực cười hề hề:

-     Tôi đã uống rượu từ mười bảy năm nay nên cả người tôi đều hôi rượu. Ngày sau tôi chết ai nắm xác tôi mà vắt chắc sẽ ra rượu, và nếu tôi bị xử lăng trì chắc phải cháy bừng bừng như cây đuốc.

-     Chắc anh có một mối sầu lớn lắm?

-     Vâng, lớn lắm.

Người chủ động buông đũa làm thinh, nhìn đăm đăm vào khoảng không rất lâu. Tiếng những con sóng con chạy vào tới cuối bãi vỗ lách tách lên bãi đá, lên vách đá và Cúc thấy rằng nếu không thất chí vì chuyện gì, không ai mà sống được nơi đây cả trong sự quạnh quẽ mênh mông thế nầy.

-     Sầu lắm nên mới ra đây, thưa bà - Lực gật gù nói - Trước kia, tôi là con nhà khá giả ở làng Giạ vùng Hiền Lương, trong kia: Tôi vào học trong Saigon, ở trường P. Ký, năm mười bốn tuổi. Qua năm tôi được mười bảy, hai năm trước cuộc khởi nghĩa của đần tộc ta, tôi vào hội kín rồi bị bắt. Mãi cho đến một năm sau tôi mới được xử và đúng tuổi trưởng thành nên bị đày ra Côn đảo.

Ngoài ấy, bọn cai ngục họ thấy tôi còn bé, dễ chua vào hang nên bắt tôi gỡ tổ yến mãi nên tôi thạo nghề. À, quên nói cho bà biết rằng ở Côn Đảo yến cũng ưa xây tổ lắm.

Khi người Nhật lật đổ người Pháp xong, họ phóng thích các tội nhân chính trị và tôi trở vô đất liền.

Nhưng lúc tôi về tới quê nhà thì thấy cửa nhà tan nát, hay tin cha tôi đã chết trong tù, còn mẹ tôi thì cũng đã qua đời rồi.

Vi sinh kế, tôi bèn đi làm nghề gỡ tổ yến rồi gặp rủi ro té bể đầu gối bên phải. Từ đó tôi chỉ còn gác hòn được thôi.

Tuổi thanh xuân của tôi đã mất, bà thử nghĩ có ai không may mắn như vậy mà lại không sầu?

-     Nhưng đời người gồm nhiều giai đoạn, chớ chẳng phải chỉ có tuổi thanh xuân không mà thôi. Mất giai đoạn nầy, còn giai đoạn khác.

-     Vâng bà nói đúng, nhưng giai đoạn khác tôi cũng mất tuốt.

Bà xem kìa! Cô gái ấy, trong bức ảnh đó. Đó là một thiếu nữ mà tôi yêu tha thiết. Buổi đầu nàng cũng yêu tôi, nhưng rồi thấy tôi không có tương lai gì cả nàng phụ tôi.

-     Còn nhiều nàng khác nữa...

-     Nàng khác cũng sẽ thế thôi. Giờ tôi đã sáng mắt ra rồi là tình yêu thuần túy và lý tưởng, là yêu nhau vì tâm hồn cao đẹp của nhau, tất cả những hoa ngôn mỹ từ ấy toàn là những lời văn vẻ nói để nghe cho hay vậy thôi. Người ta yêu nhau vì tâm hồn của nhau mà cũng vì sắc đẹp của nhau, vì ăn ở với nhau khỏi đói lạnh nữa. Chính tôi, tôi không thể yêu một cô gái cùi thì các cô kia không yêu một anh què, không có gì đáng trách cả. Chính tôi, tôi không thể nhịn đói thì cái cô kia không yêu một kẻ mà suốt năm chỉ tìm được công việc làm có vài ba tháng, những tháng yến xây tổ, cô ấy không có gì đáng trách cả.

-     Nhưng sao anh lại sầu? .

-     Tôi đã hết sầu vì bị phụ rẫy, nhưng cứ còn sầu cái thân phận của tôi.

-     Tật của anh có thể chạy chữa được chớ?

-     Có lẽ. Nghe nói y khoa đã tiên tiến nhiều lắm.

-     Nhưng tiền đâu, thưa bà? Tôi có một người chị bà con mắc bệnh lao phổi. Nghe rằng thuốc lao phổi bây giờ hay ghê gớm lắm, nhưng chị ấy vẫn thổ huyết mà chết vì không tiền chạy chữa.

-     Anh nói thế chớ trên đời nầy vẫn còn đàn bà tốt chớ sao lại không.

-     Bà dạy rất đúng. Nhưng họ chỉ tốt tới cái mức không phụ chồng họ rủi chồng họ tật nguyền, chớ ai lại tốt bằng cách đi an ủi một người dưng đã tật nguyền va nghèo xơ xác.

Cúc nghe rằng ông chủ động nói rất chí lý.

<< Phần I | Phần III >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 296

Return to top