Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> David Copefield

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6851 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

David Copefield
Charles Dickens

Chương 2

Buổi sáng, cô Murdstone đến nói là tôi sắp đến nội trú ở ký túc xá mà không thấy tôi sửng sốt như cô tưởng. Cô bảo tôi mặc áo quần xong thì xuống nhà ăn lót dạ.
Mẹ tôi đã ở đó, tôi thấy mẹ rất nhợt nhạt và cặp mắt đỏ mọng. Tôi lao vào vòng tay mẹ và nói lời xin lỗi với tất cả tấm lòng đau buồn của tôi.
- ồ! David, - mẹ tôi nói, - tại sao con lại gây ra đau đớn cho người mà mẹ yêu quý ? Con hãy gắng sống tốt hơn. David ạ, mẹ tha thứ cho con nhưng mẹ rất buồn, vì trái tim con đã có những ý nghĩ xấu xa đến thế !
- Khuân hòm của cậu Copperfield ra đây - cô Murdstone nói.
Khi tiếng bánh xe lạo xạo trước cửa. Tôi đưa mắt tìm chị Peggotty, nhưng không thấy. Cả chị, cả ông Murdstone đều không có ở đấy. Người đánh xe hàng quen thuộc đã ở ngoài cổng. Chiếc hòm được đưa lên xe..- Tạm biệt con trai mẹ, con đi để học những điều hay. Nghỉ hè con sẽ trở về. Gắng tốt lên con nhé !
- Clara ! - Cô Murdstone nhắc gọn lỏn.
Tôi lên xe ngồi và con ngựa lừ đừ cất bước.
Đi được chừng nửa dặm, chiếc khăn tay của tôi đã ướt đẫm, thì người đánh xe đột ngột dừng xe lại. Vừa ngẩng lên, tôi ngạc nhiên thấy chị Peg-gotty nhô lên từ một hàng rào và trèo lên xe. Chị ôm tôi trong vòng tay siết chặt. Chị ghì đầu tôi vào ngực làm mũi tôi bẹp dí. Chị không nói lời nào. Chị buông tay và thọc vào túi lấy ra vài gói bánh ga tô nhét vào túi tôi. Chị lặng lẽ ấn vào tay tôi một túi tiền. Sau khi ghì mạnh tôi lần cuối, chị bước xuống xe và vừa đi vừa chạy.
Trong túi tiền tôi thấy có ba đồng si linh được chị Peggotty chăm chút đánh bóng sáng loáng, hai đồng nửa cua ron, bọc trong một tờ giấy, trên đó tự tay mẹ tôi viết : "Tặng David, với tất cả tình yêu của mẹ". Tôi vô cùng xúc động.
Sáng hôm sau, chúng tôi tới Luân Đôn.
Sau khi đợi mãi tại trạm xe, tôi thấy một người đàn ông trẻ gầy guộc và tái xanh, má hóp và chiếc cằm cũng đen gần như cằm ông Murdstone. Râu thưa, tóc cáu ghét và bơ phờ. Bộ com lê dạ đen quá ngắn so với khổ người ông ta.
- Cậu là người mới đến ? - ông ta hỏi tôi.
- Vâng, thưa ông ! Tôi đáp.
- Tôi là giáo viên dạy tại Salem House.- ông nói với tôi.
- Xin thầy cho biết còn xa không ạ?
- Cách đây khoảng sáu dặm. - ông nói. - Chúng ta đi xe khách tới đó.
Đến Salem House chúng tôi được một người đàn ông đẫy đà, cổ bò mộng với một bên chân gỗ và tóc húi ngắn đón tiếp.
- "Học trò mới". - ông giáo nói.
Salem House là một căn nhà hình vuông, nhiều chái, nom ngoài trơ trọi và cô quạnh. ông Mell,thầy giáo, cho tôi biết là đang nghỉ hè, học trò về gia đình, rằng ông Creakle, là giám đốc cùng vợ và con gái đang đi nghỉ ở biển. Việc tôi phải ở ký túc xá suốt mùa nghỉ hè là bởi vì hạnh kiểm tôi xấu.
Ông dẫn tôi vào phòng học, chưa bao giờ tôi thấy nơi nào hoang phế đến thế. Trong phòng bốc lên một mùi lạ, độc hại, mùi da thuộc mục rữa, mùi táo và mùi sách mốc.
Tôi chợt thấy một tấm biển bằng bìa cứng có ghi chữ : "Hãy đề phòng, hắn cắn đấy" đặt trên bàn học.
Tôi vội nhảy phắt lên bàn, sợ rằng ở gầm bàn có con chó to. ông Mell hỏi tôi làm trò gì trên đó.
- Xin lỗi thầy, - tôi nói, - em đang nhìn xem con chó nó ở đâu.
- Chó ư ? - ông nói, - Chó nào ?
- Cái con phải đề phòng nó cắn đó.
- Không, Copperfield. - ông nghiêm giọng nói, - không phải là chó, mà là một cậu bé. Tôi được lệnh là treo tấm bảng này sau lưng cậu. Tôi rất tiếc phải dùng biện pháp này với cậu, nhưng tôi buộc lòng phải làm như thế.
Cùng lúc đó ông đặt tôi xuống đất và buộc tấm bảng lên vai tôi. Đi đến đâu tôi cũng khổ tâm phải mang theo nó.
Không ai có thể hình dung nổi tấm bảng đó làm tôi đau khổ đến thế nào. Họ có thể nhìn thấy tôi hay không, nhưng bao giờ tôi cũng tin rằng có người đang đọc nó.
Hết ngày nọ đến ngày kia trôi qua trong đơn điệu và nỗi phấp phỏng sắp đến ngày khai trường.
Tôi lại thấy mình bé nhỏ, tội nghiệp trong căn phòng tối tăm, hai bàn tay ôm lấy đầu, ôn lại bài học ngày hôm sau rồi gấp sách vở lại, trèo lên ngủ trong căn phòng gần như hoang vắng, và khóc thầm trên giường nhớ mẹ tôi hoặc chị Peggotty.
Một hôm ông Mell thông báo với tôi buổi tối ông Creakle sẽ tới. Trước lúc đi ngủ, Tungsby -người đàn ông có chiếc chân gỗ đưa tôi đến trình diện ông Creakle.
Tôi run rẩy bước vào. ông Creakle, một con người tráng kiện, có một túm tòng teng đeo vào dây đồng hồ, ngồi trong ghế bành, một chiếc cốc và một cái chai để cạnh ông ta.
- ồ ! - ông Creakle lên tiếng, - chàng trai có bộ răng cần phải mài cùn đi đây rồi ! Bảo nó xoay người lại.
Tungsby xoay người tôi để phô tấm bảng cho ông Creakle đọc, đọc xong lão xoay lại để tôi đối diện với ông Creakle, còn lão đứng bên cạnh ông ta.
Bộ mặt ông Creakle dữ tợn, cặp mắt ti hí, sâu hoắm. ông ta có chiếc mũi nhỏ, chiếc cằm rộng, đỉnh đầu lơ thơ vài sợi tóc hoa râm, và bóng nhờn vuốt xuống giữa cái trán có những mạch máu nổi lên.
Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất là ông ta không nói được thành tiếng, chỉ nói thì thào..- Nào - ông Creakle nói, - có gì báo cáo với tôi về cậu bé này ?
- Chưa có gì, - lão chân gỗ đáp. - Chưa gặp dịp đấy thôi.
- Lại đây, cậu ! ông Creakle vừa nói vừa ra hiệu cho tôi.
- Lại đây, - Lão chân gỗ vừa nói vừa lặp lại hiệu lệnh như thế.
- Ta có may mắn được biết ông bố dượng của cậu. - ông Creakle vừa thì thầm vừa véo tai tôi. -Đ ó là một người đàn ông đàng hoàng, một con người đầy nghị lực. ông biết ta và ta quen ông.
Cậu có biết ta không ? Hử ? - ông Creakle vừa nói vừa bấm vào tai tôi kiểu đùa cợt độc ác.
- Thưa ông, cháu chưa được biết ạ. - Tôi vừa đáp vừa lùi lại, không nén nổi một tiếng kêu khe khẽ.
- Chưa biết hử ? - ông ta nhắc lại. - Nhưng cậu sẽ biết ta ngay thôi, hử ?
- Cậu sẽ biết ông ấy ngay, hử ! - Lão chân gỗ nhắc lại.
Sau đó tôi biết rằng nhờ có giọng cực khỏe, lão Tungsby được làm thông ngôn cho ông Creakle với học trò.
- Ta sẽ cho cậu biết ta là ai. - ông Creakle vừa lầm bầm vừa buông tai tôi sau khi xoắn cái cuối cùng khiến nước mắt tôi trào ra. - Ta là một người Tac-ta.
- Một người Tac-ta. Lão chân gỗ nói.
- Khi ta nói : "Ta sẽ làm điều gì đó" là ta làm, - ông Creakle nói, - và khi ta nói: "Ta muốn điều gì đó" là ta muốn nó bằng được.
- Ta muốn nó bằng được. - Tungsby nhắc lại.
- Bây giờ đây, cậu bạn trẻ, - ông Creakle nói, cậu có thể đi được rồi đấy.
- Xin vâng, thưa ngài... - Tôi lắp bắp, - cháu xin phép được bỏ tấm bảng trước khi học trò tựu trường...
Không biết ông ta làm thật hay chỉ muốn ra oai với tôi, nhưng ông nhảy ra khỏi ghế bành và tôi hối hả chạy thoát thân, không đợi lão chân gỗ, không dừng lại lần nào, đến tận phòng ngủ, tôi vẫn run bắn cả người suốt nhiều giờ liền.
Sáng hôm sau, ông Sharp, phụ tá của ông Creakle tới. Đó là một người nhỏ nhắn với chiếc mũi rất to có vẻ tế nhị.
Tóc ông dài và lượn sóng, nhưng tôi được cậu học trò đầu tiên đến tựu trường cho biết là ông Sharp mang tóc giả.
Người học trò cho tôi biết chuyện đó, đổi lại anh hỏi vô số điều về tôi và gia đình tôi. Anh ta tên là Tommy Traddles. Đó là anh bạn tốt nhất trên đời. Nhờ có anh mà những học trò khác không chế nhạo tôi nhiều về tấm bảng. Vài đứa còn vuốt ve tôi như thể tôi là một con chó, nhưng, nhìn chung, tôi đã lo ngại điều tệ hơn thế.
Tôi chỉ được chính thức chấp nhận vào ký túc sau khi một anh tên là J.Steerforth đến. Anh nổi tiếng học giỏi và rất đẹp trai, ít nhất cũng hơn tôi quãng sáu tuổi. Tại chiếc lều nhỏ trong sân. Anh tìm hiểu về những chi tiết dẫn đến hình phạt của tôi và tuyên bố rằng, theo anh, đó là một "sự nhục mạ chưa từng thấy", tôi mãi mãi biết ơn anh về điều này.
Các bạn học mới cho tôi biết rằng ông Creakle hoàn toàn đúng khi tuyên bố ông ta là một Tac-ta.
Đó là người tàn nhẫn nhất và hắc nhất trong các thầy giáo; không có ngày nào mà ông ta không tự tay trừng phạt những học trò phạm lỗi. ông ta hoàn toàn không biết làm gì ngoài việc trừng phạt, Steerforth nói vậy. ông ta còn dốt nát hơn cả cậu học trò kém nhất. Người ta đồn rằng ông thành giáo viên quản trị ký túc xá sau khi đi buôn hou-blon bị vỡ nợ tại một khu phố ở Luân Đôn.
Tôi được biết rằng ông Sharp và ông Mell được trả mức lương thảm hại, rằng khi nào trên bàn ông Creakle có cả thịt nóng và thịt nguội thì thế nào ông Sharp cũng buộc phải thích thứ nguội.
Các lớp vào học ngay sau ngày khai trường. Sau bữa điểm tâm, ông Creakle vào, có Tungsby tháp tùng. Tôi tự hỏi không biết vì sao lão ta lại hét "Im lặng" với cái giọng dữ tợn như thế, đến nỗi tất cả chúng tôi đều sững sờ, câm lặng. Thấy môi ông Creakle mấp máy và tiếng ông Tungsby lặp lại những lời sau :
- Các trò nhỏ, đây là một học kỳ mới. Hãy chăm lo đến những gì các em làm trong học kỳ mới này. Tôi khuyên các em hăng hái học tập, bởi vì tôi, tôi sẽ kiên quyết trừng phạt các em. Tôi không nhụt chí đâu. Dù các em có xoa đến mấy cũng không xóa nổi những lằn roi của tôi đâu. Và bây giờ tất cả hãy vào việc.
Chúng tôi vâng lời. Hết tuần này sang tuần khác trôi qua. Một hôm. Traddles lỡ đá bóng làm vỡ một miếng kính cửa sổ. Đến bây giờ tôi còn rùng mình khi nghĩ lại cái thời điểm định mệnh đó. Cứ như là quả bóng nẩy trúng vào mái đầu tôn kính của ông Creakle vậy.
Tội nghiệp Traddles ! Chiếc áo vét và cái quần xanh của anh trở nên quá chật khiến chân tay anh nom như những cây xúc xích bị bó chặt. Anh là người vui tính nhất đồng thời là người khổ nhất trong cả bọn chúng tôi. Ngày nào anh cũng bị đánh đòn.
Steerforth hết lòng bảo vệ tôi, và tình bạn của anh rất có ích cho tôi, bởi không ai dám động đến những người được anh đoái thương.
Anh không thể giúp tôi chống lại sự tấn công của ông Creakle vốn rất nghiệt ngã với tôi. Nhưng lúc nào tôi phải chịu đau khổ nhiều hơn thường lệ, anh lại tiếp cho tôi lòng can đảm và khiến tôi mang ơn anh về điều đó. Sự ngặt nghèo của ông Creakle đã một lần có lợi cho tôi, đó là cái lợi duy nhất tôi có thể phát hiện ra. Một hôm, ông ta chợt thấy tấm bảng của tôi làm ông vướng khi ông đi qua phía sau chiếc ghế dài và ông muốn vừa đi vừa quật cho tôi một gậy. Do đó, tấm bảng được nhấc đi và tôi không thấy lại nó nữa.
Một buổi tối Tungsby tới và kêu toáng lên:
- Copperfield có khách !
Thật không ngờ khi tôi thấy ông Peggotty và Cham tại phòng ăn. Chúng tôi thân mật bắt tay nhau và tôi cười rất to nhiều đến nỗi phải rút khăn tay lau nước mắt.
- ông có biết mẹ tôi có khỏe không, thưa ông Peggotty ? - Tôi hỏi. - Và chị Peggotty thân mến của tôi có khỏe không ?
- Rất khỏe ! - ông Peggotty đáp.
- Cả bé Emilie, cả bà Gummidge nữa ạ ?
- Rất... khỏe, - ông Peggotty nhắc lại.
Trước khi ra về ông Peggotty và Cham tặng tôi hai con tôm hùm to tướng, một con cua bể lớn và một làn to tôm giảo.
- Bọn tôi biết cậu thích những thứ này. Chính tay bà Gummidge luộc đấy.
Phần cuối học kỳ lẫn lộn trong tâm trí tôi với những nếp quen hàng ngày của cuộc sống buồn tẻ của chúng tôi. Mùa hè đã qua và mùa thu đã tới.
Buổi sáng thức dậy, trời lạnh. Nhưng ban đêm trời còn lạnh hơn. Buổi tối, phòng học của chúng tôi tù mù và ít được sưởi ấm, sáng ngày ra quả là một hầm nước đá. Chúng tôi hết ăn thịt bò luộc lại thịt bò quay, hết cừu quay lại sang cừu luộc và ăn bánh với bơ hôi dầu.
Tôi nhớ lại rằng, sau khi tưởng chừng thời gian như không nhúc nhích, viễn cảnh xa xôi về những ngày hè cuối cùng đang lại gần chúng tôi. Tôi lo rằng, người ta không đưa tôi trở về nhà mẹ và khi được tin mẹ tôi nhắn, tôi nơm nớp lo sợ chẳng may bị gãy chân trước ngày lên đường thì sao. Rồi cái ngày ấy cũng đến.
Tôi theo xe hòm thư của Yarmouth và ngủ đêm ở khách sạn Dauphin. ông Barkis đến tìm tôi lúc chín giờ sáng. Khi tôi đã ngồi trên xe, ông Barkis trèo lên và ngựa chạy nước kiệu như thường lệ. Cuối cùng tôi về đến nhà. Người đánh xe hạ chiếc hòm của tôi ở cửa vườn. Tôi men theo con đường mòn dẫn về nhà, đưa mắt nhìn khắp các ô cửa sổ. Cứ mỗi bước tôi lại e ngại nhận ra ở một ô cửa nào đó khuôn mặt dễ sợ của ông Murdstone hoặc của bà chị ông ta. Về đến nhà, không thấy ai, tôi mở cửa mà không gõ. Trời chưa tối, tôi nhè nhẹ và rụt rè bước vào nhà.
Vào đến tiền sảnh, tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi trong phòng khách phụ. Bà hát khe khẽ như tôi thường nghe thấy lúc nằm trong lòng bà khi còn bé tí. Nghe bà rì rầm điệu hát một cách suy ngẫm và cô đơn, tôi tưởng bà chỉ có một mình, và tôi nhè nhẹ bước vào. Bà ngồi bên lò sưởi đang cho một em bé bú và áp chặt bàn tay em vào cổ mình.
Bà rạng rỡ ngắm nó và hát ru nó ngủ. Trong phòng chỉ có mình mẹ tôi.
Tôi lên tiếng, bà giật mình và sửng sốt kêu lên.
Nhận ra tôi, bà gọi: David của mẹ, con trai thân yêu của mẹ và đến trước mặt tôi giữa căn phòng bà quỳ xuống, vừa hôn tôi vừa kéo đầu tôi áp vào ngực bà, gần đứa bé đang ngủ, và bà đưa bàn tay đứa bé lên môi tôi.
- Em con đấy ! - Mẹ tôi vừa nói vừa vuốt ve tôi, - David, con trai ngoan của mẹ, con trai tội nghiệp của mẹ !
Và bà vẫn ôm chặt lấy tôi, hôn tôi. Bà vẫn giữ lấy tôi khi chị Peggotty chạy vào ngồi luôn xuống nền nhà bên cạnh chúng tôi.
Tôi được biết ông Murdstone và bà chị ông ta đang đi thăm quanh vùng đến đêm mới về.
Chúng tôi ngồi ăn với nhau bên lò sưởi. Peg-gotty chỉ muốn phục vụ chúng tôi, nhưng mẹ tôi bắt chị ngồi ăn cùng.
Tôi thấy mẹ tôi mỉm cười khi chị Peggotty ngắm bà, nhưng tôi thấy rõ rằng bà có vẻ nghiêm trang và tư lự hơn trước.
Sau bữa tối, chị Peggotty đặt em bé vào nôi, và sửa lại áo và tã lót cho nó. Sau đó chị thu dọn bàn ăn, rồi chị mang ra hộp đồ khâu. Sau khi dùng trà, Peggotty cời lửa và gạt tàn cây nến, còn tôi đọc một chương cuốn sách nói về loài cá sấu. Chị Peg-gotty đã rút cuốn sách ấy ra từ túi áo chị; tôi tin rằng chị đã giữ nó bên mình từ ngày tôi vào ở ký túc xá. Chúng tôi rất sung sướng và buổi tối hôm ấy không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.
Gần mười giờ đêm thì nghe thấy tiếng bánh xe.
Mẹ tôi vội vàng đứng lên nói rằng đã quá khuya rồi, rằng ông Murdstone và bà chị ông muốn trẻ con đi ngủ sớm, do đó tốt nhất là tôi lên phòng ngủ. Tôi không để nhắc đến lần thứ hai.
Tôi chưa gặp lại ông Murdstone lần nào từ cái ngày đáng ghi nhớ về trọng tội của tôi. Sáng hôm.sau tôi ớn lạnh cả người với ý nghĩ phải xuống nhà ăn lót dạ. Chần chừ mãi tôi đành bước vào phòng ăn. ông ta đang đứng bên lò sưởi. Cô Murdstone đang pha trà.
Sau một lát ngập ngừng, tôi tiến lại gần ông và nói :
- Xin ông tha lỗi cho cháu, cháu rất tiếc về những gì cháu đã làm, và hy vọng ông sẵn sàng bỏ qua cho cháu.
Ông chìa tay cho tôi, bàn tay tôi đã cắn. Tôi không sao ngăn nổi nhìn vào cái vết đỏ còn hằn trên đó. Nhưng mặt tôi còn đỏ hơn cái sẹo khi nhìn thấy nét hiểm ác dữ trên gương mặt ông ta.
- Thưa cô, cô có khỏe không ? - Tôi hỏi cô Murdstone.
- ồ! - Cô Murdstone vừa thở dài thốt lên vừa chìa cho tôi chiếc kẹp đường thay vì đưa tay cho tôi, - Được nghỉ hè bao lâu ?
- Một tháng, thưa cô.
Sáng nào cô Murdstone cũng đánh dấu trên tấm lịch một ngày trôi qua. Thời gian càng trôi đi, cô càng tỏ ra vui vẻ như con khướu.
Một buổi sáng, tôi bước vào phòng chỗ cô ấy đang làm việc cùng mẹ tôi, em bé của tôi mới được mấy tuần đang ngủ trên đùi mẹ. Tôi ẵm nó. Cô Murdstone kêu thất thanh làm tôi suýt nữa đánh rơi cái bọc quấn thằng bé.
- Chị Jane thân mến! - Mẹ tôi kêu.
- Lạy chúa tôi! Clara, mợ không nhìn thấy à ?
- Thấy gì kia, chị Jane ?
- Thấy nó bế đứa nhỏ, - Cô Murdstone kêu lên, thằng bé bế đứa nhỏ.
Cô ta sững người vì khiếp sợ, cô bật dậy xô lại giằng lấy thằng bé từ tay tôi. Từ đó tôi bị cấm không được đụng đến đứa bé bất kể vì lý do gì, và bà mẹ tội nghiệp của tôi, dù có không đồng ý cũng phải dịu dàng xác nhận sự cấm đoán ấy và nói :
- Chắc hẳn là chị có lý, chị Jane thân mến.
Tôi chẳng thấy thoải mái với bất kỳ ai. Những người yêu quý tôi không dám biểu lộ tình cảm của họ, những người không yêu tôi thì tỏ rõ thái độ đến mức lúc nào tôi cũng cảm thấy lúng túng, vụng về và ngốc nghếch.
Những ngày nghỉ hè kéo dài nặng nề cho đến một buổi sáng cô Murdstone lên tiếng trong khi đưa cho tôi tách nước trà.
- Hôm này là ngày cuối cùng.
Tôi ra đi không buồn phiền. Tôi bị rơi vào trạng thái mụ mẫm và chỉ hơi tỉnh ra được một chút với ý nghĩ được gặp lại Steerforth, mặc dù hình ảnh ông Creakle lấp ló phía sau.
Ông Barkis lại xuất hiện trước chấn song cửa.
Tôi ôm hôn mẹ tôi, cả em bé của tôi, và tôi cảm thấy thật là buồn tuy nhiên không phải vì rời xa.mẹ và em, mà bởi một cái hố ngăn cách đã hình thành giữa họ và tôi. Chiếc hôn của mẹ tôi có âu yếm đến mấy, thì nó cũng không in trong ký ức của tôi bằng tiếp theo sau là lời vĩnh biệt.
Tôi đã ngồi trên chiếc xe của người chở hàng, thì thấy mẹ tôi gọi. Tôi nhìn ra. Bà đứng một mình bên hàng rào, nâng bổng em bé trên tay để tôi nhìn thấy nó. Trời rét, nhưng tiết trời bình lặng, không một sợi tóc, một nếp áo nào của bà lay động, trong khi bà đăm đắm nhìn tôi và nâng em bé lên cho tôi nhìn.


<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 968

Return to top