Ông Nghiêm, trưởng phòng giáo dục, bước vào cơ quan thì gặp ông Thái, bí thư chi bộ, phó phòng phụ trách bổ túc văn hóa, ngườI Thái bình, đã ngồi đó từ lúc nào và đang say sưa với tờ báo Nhân Dân. Thường ông Thái là ngườI vào cơ quan sớm nhất. Nghe tiếng chân, ông Thái ngẩng lên :
- Chào anh Bảy.
- Anh vô đây chút coi.
Vừa nói, ông Nghiêm vừa đi thẳng vô phòng làm việc. Ông Thái đứng dậy, lật đật xỏ dép đi theo.
- Vừa rồi công đoàn và chi đoàn giới thiệu ai vào Đảng.
- Thưa anh, cũng đúng như dự kiến của mình, anh em giớI thiệu cậu Nguyễn và cô Hạnh.
- Hạnh nào ?
- Dạ Hạnh lớn phụ trách đấy.
Ông Nghiêm gật gù :
- Được, nhưng cậu Nguyễn thì để coi lại, tôi mới nghe người ta phản ánh cậu ấy còn quan hệ nam nữ linh tinh, hình như đang giao du với thành phần tiểu tư sản, con của một sĩ quan ngụy, để tôi xác minh kỹ rồi sẽ có ý kiến với chi bộ.
- À, gay nhỉ ! Sắp hết năm rồi, không làm nhanh thì không đạt chỉ tiêu.
Suy nghĩ giây lát ông Nghiêm nói :
- Anh gợi ý chi đoàn giới thiệu thêm cô Hạnh nhỏ coi sao.
- Cô Hạnh kế toán trưởng ?
- Ừ, tôi thấy nó cũng phấn đấu lắm.
- Vâng ạ.
Ông Thái đi rồi mà ông Nghiêm vẫn còn ngồi đó trầm nghâm suy nghĩ, Nguyễn mới về phòng chưa được một năm mà đã làm được nhiều việc, năng lực tốt quá, lý lịch cũng tốt, thật uổng. Ông Nghiêm chép miệng, nhớ lại cái hôm ghé qua cộng đoàn huyện, nhìn tờ báo tường của ngành gởi dự thi mà ông tức lộn ruột. Tờ báo mang tựa đề Xung Kích vẽ một đoàn người nào là công nhân, nông dân, chiến sĩ, trí thức... đang tiến lên phía trước dưới lá cờ nước bay phất phới. Chủ họa sĩ vẽ rất đẹp, ông hết sức hài lòng, chỉ có điều, cái ngôi sao vẽ xéo, chủ họa sĩ giải thích lá cờ đang bay lượn, theo định luật phối cảnh thì phải vẽ như vậy mới sinh động. Ông Nghiêm không chịu, ông không cần định luật, định liết gì cả, yêu cầu vẽ lại ngôi sao cho ngay ngắn, có năm cánh đều nhau đàng hoàng. Chủ họa sĩ phải xóa đi vẽ lại. Ông đứng xem cho đến khi vẽ xong và rất hài lòng với ngôi sao mớI, trông thật nghiêm túc. Thế mà, khi qua công đoàn huyện, gặp lại tờ báo của mình ông mới ngã ngửa, cái ngôi sao vẫn xéo như cũ ! Ai dám cả gan sửa lại ?
Ông Nghiêm hầm hực quay về phòng mời chủ họa sĩ lên chất vấn. Té ra là phòng Nguyễn chỉ đạo, lại còn bảo là cậu ta chịu trách nhiệm, khỏi thông qua lãnh đạo nữa. Thật là quá quắt, tự tiện sửa đổi chẳng thông qua ý kiến thủ trưởng, chẳng những làm mất uy tín mà còn có thái độ coi thường ông. Ông giận lắm nhưng chưa thèm nói ra, đợi ban giám khảo phê bình hoặc bị trừ điểm, ông sẽ có cơ sở kiểm thảo Nguyễn một trận. Bây giờ lại tới chuyện mèo mỡ linh tinh thật khổ.
Ông Nghiêm móc bọc thuốc để trên bàn, vấn một điếu phì phà. Chợt nghe tiếng nhân viên cười reo phía trước, ông vộI bước ra.
- Cái gì cười dữ vậy bay ?
- Chú Bảy, tờ báo mình đạt giải nhất rồi.
Ông Nghiêm vẫn chưa tin :
- Thật không đó ?
- Con mới ở bên công đoàn về, đã tổng kết điểm rồi.
Ông Nghiêm ngớ người, chẳng lẽ ban giám khảo không thấy khuyết điểm đó, hay là ông đã sai. Ông quay vào phòng, tuy lòng băn khoăn nhưng không khỏi mừng thầm.
Đã một năm trôi qua, chưa kết nạp được Nguyễn vào Đảng, ông Nghiêm rất áy náy. Cậu ta làm việc giỏi, có nhiều sáng kiến hay, mặc dù có cái chưa vừa ý ông. Ví dụ như việc bắt các trường may khẩu trang cho các em học sinh quét lớp, Ông thấy chưa cần thiết khi kinh phí còn eo hẹp. Nguyễn cứ cương quyết làm, đợi lúc ông nghỉ phép, cậu ta ký thông báo chỉ đạo các trường, ông về thì chuyện đã rồi. Nhưng chuyện ấy có thể bỏ qua được, còn chuyện Nguyễn quan hệ tình cảm với cô giáo Hằng ở thị xã là con của một thiếu tá ngụy, thì không thể lỡ đi được. Ông và tập thể đã hết lời khuyên can, giáo dục, yêu cầu cắt đứt mà Nguyễn vẫn khư khư bảo lưu quan điểm của mình. Quả là, tụi trẻ bây giờ mê gái không cần đến sự nghiệp. Ông Nghiêm thầm tiếc cho Nguyễn, nhưng cũng khổ tâm cho ông khi không phát triển được người cán bộ trẻ có năng lực ấy. Ông Nghiêm bàn tính với ông Thái là nên qua báo cáo tình hình cho ông Đạm, hiện giờ là phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp. Có lẽ phải nhờ ông Đạm làm công tác tư tưởng với Nguyễn, và chuyện chậm trễ trong việc phát triển cậu ta, ông Đạm không trách được.
Tính là làm, hai ông sang ủy ban gặp ông Đạm. Trình bày chưa hết chuyện, ông Đạm đã biết cả rồi.
- Giờ anh tính sao ? - Ông Đạm hỏi.
- Chúng tôi định nhờ anh gọi Nguyễn về làm công tác tư tưởng tiếp tục, chớ chúng tôi hết cách rồi.
- Tôi làm nhiều lần rồi, nhưng vẫn cứng đầu không nghe. Tôi thì tôi giao cho các anh, giao cho tổ chức có biện pháp với nó, tôi không phiền đâu.
- Anh Hai à, cậu Nguyễn là người thông minh, có năng lực, lại còn trẻ, tương lai chắc chắn sẽ sáng lạng nếu giải quyết được về vấn đề tình cảm của cậu ấy. - Ông Thái nói.
- Anh nói vậy thì tộI nghiệp cho cậu Nguyễn. Trách nhiệm của tụi mình là phải lo, không nên bỏ rơi cậu. - Ông Nghiêm dừng lại một lát như để suy nghĩ thêm, rồI nói tiếp :
- Tôi có một cách, bàn với các anh xem sao. Không lay chuyển được cậu Nguyễn, bây giờ ta làm công tác tư tưởng với cô Hằng, có lẽ dễ hơn.
- Đúng đấy ! - Ông Thái nói, nếu cô ta thật sự thương cậu Nguyễn thì sẵn sàng hy sinh, buông tha cho cậu ấy.
- Các anh tính sao thì tính, có gì báo cho tôi hay. - Ông Đạm đứng lên choàng qua vai ông Nghiêm, mĩm cười nói. - Tôi tin tưởng các anh.
- Cám ơn anh Hai, chúng tôi về.
Đã hơn năm rồI, Nguyễn cứ hẹn lần lừa mãi, Hằng suy nghĩ, không biết có việc gì trục trặc bên gia đình anh không. Nhưng thấy Nguyễn điềm tĩnh và tới lui với mình bình thường, Hằng tạm yên lòng. Trưa nay, vừa hết giờ dạy, cô lên văn phòng và gặp hai người khách đợi cô từ lúc nào.
- Cô là Hằng ?
- Dạ thưa hai bác gặp cháu có việc gì không ạ ?
- Cũng có chút việc, xin phép cô nán lại ít phút cho chúng tôi bàn chút việc, có được không ?
- Dạ, được mà. - Hằng thoáng lo âu, kéo ghế ngồi xuống.
- Tôi xin tự giới thiệu với cô, tôi là Tư Thái, thủ trưởng của Nguyễn, còn đây là anh Bảy, đại diện cho gia đình cậu Nguyễn.
Linh tính báo cho Hằng biết có chuyện chẳng lành, cô hồi hộp lắng nghe, không khí bỗng lắng xuống nặng nề.
- Hôm nay chúng tôi đến đây bàn với cô một việc riêng, mong cô bình tĩnh và góp ý với chúng tôi để vấn đề đạt được kết quả tốt đẹp.
- Mong bác vào thẳng cho.
- Vừa rồi cơ quan và gia đình phát hiện Nguyễn có quan hệ tình cảm với cô. Chính vì vậy mà cậu đã gặp khó khăn trong vấn đề phát triển Đảng. Chúng tôi thấy cậu Nguyễn là một ngườI có tài, tương lai rất rực rỡ, nếu không phát triển được thì sẽ bị mai một, chẳng những thiệt thòi cho bản thân cậu ấy mà còn cho cả đất nước nữa. Vì vậy chúng tôi đến nhờ cô một việc, mong cô hứa giữ kín, nhất là đừng cho cậu Nguyễn biết, giúp chúng tôi có điều kiện phát triển cho cậu ấy.
- Cháu hứa giữ kín, nhưng cháu giúp được gì cho anh ấy ?!
Ông Thái quay nhìn sang ông Nghiêm. Ông Nghiêm sửa lại ghế ngồi, nói thật khẽ và không nhìn Hằng :
- Các bác thấy cháu và Nguyễn kéo dài cũng không thể xây dựng hạnh phúc được, chỉ làm khổ nhau thôi. Tốt hơn nên tìm giải pháp có lợi cho cả hai người. Bác biết là cháu rất thương Nguyễn, chắc cháu không thể nào can tâm nhìn sự nghiệp chính trị của Nguyễn bị chôn vùi. Nên bác muốn kêu gọi lòng hy sinh của cháu, hãy cắt đứt quan hệ tình cảm với cậu Nguyễn.
Hai tai Hằng ù lên, cô không còn nghe gì nữạ Trước mắt cô, gương mặt phúc hậu của ông Bảy bổng nhòe đi, méo mó một cách đáng kinh sợ. Căn phòng như chao nghiêng, hai tay cô bấu vào thanh bàn, nhưng nó đã rã rời Hằng gục mặt xuống bàn, không cần biết tới hai ông khách đang ngồI sượng sần, khổ sở.
Khi Hằng bình tĩnh lại, cả khu trường đã vắng tanh. Cô vừa qua một cơn ác mộng, nhưng đó là sự thật hay chiêm bao. Cô đang ngồi đây, vừa nói chuyện với ai, Hằng từ từ nhớ lại. Trời ơi đó là sự thật, một sự thật không thể chối cải được. Nước mắt cô chảy dài Hằng thất thểu bước đi, chân như không chạm đất. Cô loanh quanh ngoài chợ một hồi rồi trở về trường ngồi đợi buổi học chiều. Hằng không muốn mang khuôn mặt này, tâm trạng này về nhà. Học trò của cô hôm nay ngồi học rất trang nghiêm vì không hiểu cô giáo gặp chuyện gì buồn mà nước mắt cứ chực rơi. Hết buổi dạy, thầy hiệu trưởng cho mời Hằng lại. Cô đinh ninh là hai người kia đã gặp ban giám hiệu và vẫn là vấn đề hồi trưa, nên Hằng chuẩn bị tinh thần đón nhận. Thầy hiệu trưởng thấy mặt Hằng đỏ hoe tưởng là cô đã biết trước nên ông đi thẳng vào vấn đề và trao cho cô quyết định buộc thôi việc vì lý do lý lịch. Hằng nghe như đất trời sụp đổ, cô ngồI trơ ra đó. Hôm nay có lẽ là ngày tăm tối nhất đời cô.
Hằng về ngã bệnh mấy ngày, Nguyễn đến thăm, cô chỉ nói là mình bị cảm. Đầu cô nặng nề như treo ngàn khối đá. Nhắm mắt lại, Hằng thấy toàn là giông bão. Cô nắm tay Nguyễn, nghe lòng dịu lại, nhưng càng nhìn anh, đầu cô càng nhức nhối. Cô nên nói với Nguyễn chuyện ấy không ? Hằng suy nghĩ hoài, càng suy nghĩ cô càng mệt. Chuyện của cô và anh đến đây chắc là hết, không còn lối thoát nào khác. Khi Nguyễn ra về, Hằng hoảng hốt, mê sảng, tưởng là đã mất anh vĩnh viễn. Những liều thuốc an thần giúp cô dễ chịu hơn. Và suốt mấy ngày đêm, Hằng chiến đấu vớI chính mình bằng những cuộc đối thoại vô hình.
Nguyễn ơi, em có thể hy sinh cho anh, như người ta yêu cầu. Trái tim em không chịu làm điều đó, vì nó đã quá yêu anh, không thể nào thiếu nhịp đập của trái tim anh mà sống nổi. Nhưng cứ đeo anh hoài, anh sẽ khổ vì em, sự nghiệp đời anh sẽ tiêu tan, gia đình anh cũng sẽ chối từ. Em biết làm sao đây ?! Em sẽ quên anh, có một cõi nào đó cho em quên anh không ? Còn anh, anh có quên em được chăng ? Ôi thời gian, mi có xóa mờ được hình bóng người thương, mi có là liều thuốc nhiệm mầu hàn gắn vết nứt con tim ? Anh Nguyễn ơi, đời chúng mình đã khổ nhiều rồi, đường sắp tới lại còn lắm truân chuyên. Vậy anh hãy ở lại, thời gian và sự căm giận sẽ giúp anh quên được em và nguôi được nỗi lòng. Đường truân chuyên sắp tới này để mình em đi, nỗi khổ này hãy để mình em mang. Em sẽ sống suốt cuộc đời để yêu anh, để tôn thờ hình bóng anh, và nếu có kiếp sau em sẽ đầu thai để làm người yêu anh, chỉ yêu anh trong mộng, yêu anh một mình mà thôi. Xin mang hình bóng anh theo cuộc hành trình vô định, xin đập đầu tạ tội cha mẹ, xin tạm biệt các em ngoan của chị...
Hằng lành bệnh và tươi tỉnh lại nhưng không dấu được nỗi niềm u uất trong khóe mắt. Nguyễn đinh khi nào sẽ hỏi Hằng vì hình như có chuyện gì xảy ra với cô. Nhưng anh chưa kịp hỏi thì Hằng xin bà Xuân đi thăm bạn và cũng để bồi dưỡng sức khỏe ở Hà Tiên.
Đã bảy ngày trôi qua, Hằng vẫn chưa về, Nguyễn trông đợi nôn nao trong dạ. Anh đến trường Hằng dạy hỏi xem cô xin phép mấy hôm mới biết cô bị buộc nghỉ dạy. Nguyễn bàng hoàng, như vậy là Hằng có chuyện buồn mà giấu anh, Nguyễn giận lắm, nhưng anh có vẻ bớt trông đợi, vì anh biết cô cần đi cho nguôi ngoai nên có khi về trễ. Nhưng đến ngày thứ mười, Hằng vẫn chưa về, Nguyễn và bà Xuân thực sự lo lắng, chưa bao giờ cô sai hẹn với gia đình và với anh, Nguyễn vừa rời nhà bà Xuân thì thư của Hằng cũng về tới. Đọc xong, bà Xuân và các con khóc sướt mướt, khóc lặng lẽ với nhau trong ngôi nhà trống lạnh vì vắng thêm một bóng người. Hôm sau, Nguyễn cũng được thư Hằng ở cơ quan, lá thư ngắn gọn, nhòe nước mắt, làm bung vỡ tim anh.
Rạch Giá, ngày...
Anh Nguyễn thương yêu,
Khi anh nhận được thư này, em đã bên kia đại dương. Nguyễn ơi, chuyện em ra đi em không thể để cho anh biết được, ngay cả mẹ em. Anh tha thứ cho em và hãy quên em như một người phản bội.
Anh sẽ ngạc nhiên và không thể nào tin được chuyện xảy ra như thế này đâu, nhưng đó là sự thật. Em đã hiểu hết mọi chuyện gia đình và cơ quan của anh, nên em phải có cách xử lý của mình, xin anh đừng trách. Trong đời, đây là lần đầu tiên em giấu anh, nhưng cũng là lần sau cùng vì em không còn bên anh nữa.
Anh Nguyễn ! Nếu em tiếp tục ở lại bên anh, sẽ làm anh khổ mà thôi. Tại em mà sự nghiệp anh không phát triển, tại em mà anh đổ vỡ tình cảm với gia đình. Nếu em ở lại, chúng mình cũng không thể nào xây dựng hạnh phúc được, vì bên cạnh đang có nhiều thế lực ngăn cản chúng ta, anh nào có hay. Thôi thì, số phận mình là thế, phải chấp nhận thôi. Chúng ta có duyên mà không có nợ, biết sao hơn ! Cách giải quyết hay nhất là em phải đi xa, đến một nơi không bao giờ quay trở về được. Có như thế, anh mới có thể quên em và xây dựng lại cuộc đời. Còn em nơi đất khách cũng hy vọng tìm được cuộc... sống... và... quyên... được... anh !!!
Xin anh đừng chửi rủa em tội nghiệp.
Mong anh hạnh phúc. Vĩnh biệt.
Ngô Thị Vĩnh Hằng.
Nguyễn lăn lộn trên giường rồI đập phá như thằng điên, anh tức, tức lắm. Tại sao lần này Hằng tự giải quyết vấn đề một mình, và giải quyết một cách vụng về như vậy. Cô quá ngu xuẩn, anh chửi rủa cô, rồi nấc lên như một đứa trẻ.
Bạn bè trong cơ quan chạy đến gọi cửa Nguyễn, chẳng biết việc gì xảy ra mà anh quậy như thế, Nguyễn trấn an mọi người rồi xin phép để mình được yên, đóng sầm cửa lại. Anh lôi cả nhật ký, thư từ ra xé hết. nhưng khi cầm tấm hình Hằng lên, tay anh bỗng rụng rời. Anh nhìn cô trong ảnh, muốn nói với cô điều gì đó mà không thể nói được. Trời ơi, đôi mắt đó đang nhìn anh, đôi mắt suốt đời anh không quyên được. Nhưng anh đã mất cô thật rồi. Nguyễn muốn nghĩ ngược lại, Hằng sẽ quay về với anh mà thôi. Nhưng dường như, sự thực không phải là thế ! Hằng ơi, em quay lại đi, anh sẽ lạy em một trăm lạy.
Nguyễn và bà Xuân tức tốc đi Rạch Gía tìm Hằng với hy vọng cô chưa kịp đi, hoặc bị bắt lại thì càng hay. Bà Xuân coi lại đồ đạc trong nhà mới hay mất ba lượng vàng, đúng là Hằng có ý đồ vượt biên thật sự. Nguyệt cô bạn gái của Hằng tiếp hai người với tâm trạng buồn bã :
- Hằng ở đây ba ngày, trông nó buồn rười rượi. Cháu bận đi làm, tối mới về tâm sự với nó. Nhưng Hằng chỉ tâm sự chung chung, chẳng chịu nói rõ chuyện gì. Khuya hôm ấy Hằng đi sớm, nó gọi cháu dậy từ giã đột ngột. Cháu hỏi nó đi về hay đi đâu, nó nói là nó đi xa nữa, Hằng nắm tay cháu nói vĩnh biệt. Cháu sợ quá, nhưng không cản nó được.
- Đúng là Hằng đã đi rồi. Nguyễn ôm đầu tuyệt vọng, Anh ghé qua công an hỏi thăm có tàu vượt biên nào bị bắt mấy ngày nay không ? NgườI ta trả lời là không có. Như vậy thì giờ này Hằng đã ở Thái Lan, trong tay bọn cướp biển, hay đang dật dờ trên mặt nước. Tim anh đau như ai xé, một quyết định dại dột đã làm tan nát hai mảnh đời, Nguyễn im lặng với lòng tăm tối. Bà Xuân thì sụt sùi, sụt sùi...