Trong thời gian mấy ngày ở chơi nhà bà bạn Judith Buther, Ariadne Oliver nhận lời cùng bạn chuẩn bị một buổi lễ cho thiếu niên sẽ tiến hành vào buổi tối.
Lúc này, căn phòng dành cho buổi liên hoan đang tíu tít những bà, những chị bận rộn, họ đi tới đi lui, người kê bàn ghế, người mang hoa và những quả bí vàng đặt vào những góc dễ thấy nhất. Đó là công việc chuẩn bị cho hôm trước ngày lễ Các Thánh dành cho những khách mời từ mười đến mười bảy tuổi.
Oliver tách khỏi nhóm người bận rộn, tựa lưng vào một bức vách trống, ngắm nhìn một quả bí to tướng mà cô không biết dùng để làm gì. Cô hất đầu cho mớ tóc đang xõa xuống trán lật ngược lên, nói:
- Lần cuối tôi nhìn thấy những quả này là năm ngoái, ở Mỹ. Chỗ nào cũng có. Thú thật tôi chịu không tài nào phân biệt sự khác nhau giữa bí và bầu. Ai chỉ cho tôi được không?
- Xin lỗi chị – bà Buther đi vấp vào bạn, nói.
Oliver né mình tránh:
- Lỗi tại tôi. Chẳng giúp được gì, làm vướng chân mọi người.
Nhưng rồi cô vẫn nói tiếp:
- Đúng, tôi nhớ như in. Nhà nào, cửa hàng nào cũng treo những quả bí trên trần, mắc đèn sáng bên trong, trông rất ấn tượng. Tuy nhiên, ở bên đó, người ta trang hoàng nhà cửa, phố xá như thế không phải vào lễ Các Thánh, mà là vào ngày hành động từ thiện, cuối tháng mười một thì phải.
Các bà các chị đang mải miết làm việc, đi qua đi lại, chẳng chú ý đến lời nói của Oliver. Phần đến người đến giúp là những bà mẹ, ngoài ra có một, hai bà gái già mau mắn, ai có việc gì là xắn tay vào giúp. Các cậu con trai mười sáu, mười bảy tuổi xăng xái trèo lên thang hoặc ghế để trang trí, mắc những quả bí và những bóng thủy tinh nhiều mầu. Một số em gái đứng riêng một góc, cười khúc khích một cách vô duyên.
Bà Rowena Drake, đã đứng tuổi nhưng còn rất đẹp, và là người chủ trì lễ hội, tuyên bố:
- Cuộc liên hoan này, diễn ra hôm trước lễ Các Thánh, tôi quyết định gọi là liên hoan “Tuổi trên mười một”, vì chủ yếu dành cho các cháu tốt nghiệp năm nay ở trường “Elms” để rồi sang năm chuyển sang các trường trung học khác.
Cô Whittaker, giáo viên tại trường địa phương “Elms”, sửa lại chiếc kính kẹp mũi, đính chính:
- Bà Rowena, nói như vậy không hoàn toàn chính xác. Gần đây, chúng ta đã bỏ lớp “Trên tuổi mười một” rồi.
Lúc đó, Oliver chạy đến, nhìn xung quanh:
- Có việc gì để tôi làm giúp không? Ôi kìa, những quả táo đẹp quá! – bà reo lên khi thấy có người mang một liễn đầy táo đỏ.
- Táo ấy ăn chưa ngon lắm đâu – Rowena Drake nói – nhưng nó giúp cho buổi liên hoan vui thêm. Tôi dùng nó vào trò chơi đớp táo: bỏ táo vào một xô đầy nước, rồi dùng răng đớp táo lên. Táo mềm, dễ cắn lắm. Béatrice, cháu mang táo vào trong phòng sách hộ nhé? Thảm trong ấy đã cũ, nước có sánh ra cũng không sao. Joyce, cháu phụ trách việc đó nhé? Cám ơn.
Joyce, một bé gái lên mười khỏe mạnh, đỡ lấy chiếc liễn, vô ý để rơi hai quả táo lăn xuống đất ngay dưới chân cô nữ văn sĩ. Joyce nói:
- Cô thích táo lắm, phải không? Cháu đọc điều ấy trên báo, lại nghe nói trên tivi nữa. Đúng cô là người viết tiểu thuyết trinh thám?
- Phải.
- Thế thì lẽ ra tối nay chúng cháu phải dựng nên một trò mà cô thích: ví dụ, nhờ cô dàn cảnh một vụ án rồi yêu cầu mọi người giải đáp.
- Không, cảm ơn, không bao giờ nữa!
- Cô nói thế là thế nào ạ?
- Bởi vì một lần cô đã làm trò ấy, nhưng không kết quả.
- Nhưng cô đã viết rất nhiều truyện, bán chạy lắm?
- Đành thế.
- Và cô đã tạo ra một nhân vật thám tử, người Phần Lan?
Oliver gật đầu. Một cậu bé đứng gần, hỏi:
- Tại sao lại Phần Lan?
- Chịu, cô cũng không biết.
Lúc này bà Hargeaves, vợ Ông nhạc sĩ chơi đàn ống, đi vào, hổn hển mang theo một xô nhựa mầu xanh:
- Cái này dùng cho trò đớp táo, được chưa?
Cô Lee y tá, xen vào:
- Giá có xô bằng kẽm thì tốt hơn, bọn trẻ không dễ đánh đổ.
- Không sao. Đây, bà Rowena, tôi đem đến thêm một rổ táo nữa.
- Bà đem tất cả vào phòng sách hộ.
- Để tôi giúp bà – Oliver nói, rồi nhặt hai quả táo dưới chân, mặc nhiên đưa một quả lên miệng, cắn ngon lành. Bà Rowena giữ lấy quả thứ hai, đặt nó vào trong rổ táo.
Ơû một góc phòng, có tiếng bàn luận sôi nổi.
- Còn trò Snapdragon, chơi ở đâu?
- Trong phòng sách là tốt nhất, ở đó tối nhất.
Bà Drake phản đối:
- Không, làm ở phòng ăn hơn. Ta sẽ lấy một tấm cao su và một khăn dạ phủ lên cho khỏi hỏng bàn.
- Còn trò soi gương thần? Có phải soi vào gương sẽ thấy hiện lên khuôn mặt của người chồng tương lai?
Vừa ăn nốt quả táo. Oliver vừa bỏ giầy, ngồi phịch xuống ghế. Cô nhìn mọi người bằng con mắt khách quan và tự hỏi nếu cần phải viết một cuốn sách về họ thì sẽ bắt đầu ra sao. Những con người đáng yêu, nhưng ai mà biết được… Một khía cạnh nào đó, cô thấy vui vì chưa biết gì về họ. Họ là dân làng Woodleig Common, và bà bạn Judth đã kể cho cô về một vài người: Ví dụ, cô Johnson là có họ với ông phó linh mục… không, là em gái ông nhạc sĩ chơi đàn ống. Bà Rowena Drake được coi là người quan trọng trong làng, mọi việc hình như đều phải theo ý bà. Về lũ trẻ, cô chưa biết gì, trừ vài cái tên. Có Nan, Béatrice, Cathie, Diana, và Joyce, con bé vừa nói chuyện lúc nãy. Con bé này có vẻ tự mãn, hay hỏi, Oliver không ưa lắm. Ann là một con bé lớn ngồng, làm bộ làm tịch, đứng riêng với hai chàng trai mới lớn đầu tóc bù xù.
Một cậu bé nhút nhát và ốm yếu, đưa mấy tấm gương cho bà Drake vừa thở vừa nói:
- Mẹ cháu gửi bà mấy cái này, xem có được không.
- Cảm ơn Eđy.
Ann không bằng lòng:
- Đó chỉ là mấy cái gương bỏ túi bình thường, làm sao nhìn thấy mặt chồng tương lai trong đó?
- Có người không nhìn thấy, có người nhìn thấy đấy – Judith Butler đáp.
Ann quay sang nói với Oliver:
- Cháu đã đọc một cuốn truyện của cô: Cái chết con cá vàng. Xem được.
Joyce lập tức chen vào:
- Cháu không thích! Không có nhiều máu mẹ Cháu thích những vụ án đẫm máu kia.
Oliver lựa lời:
- Cháu không thấy là hơi tầm thường sao?
- Dù sao, thế mới hấp dẫn!
- Không nhất thiết.
- Cô biết không, cháu đã có dịp chứng kiến một vụ án mạng thực sự?
Cô giáo Whittaker cắt ngang:
- Joyce, em không được nói bậy!
- Thực mà, em xin thề!
Cathie tròn mắt nhìn bạn:
- Thật ư, Joycẻ Aùn mạng thật sự?
Bà Drake kêu:
- Đừng có nghe lời cái con bé ngố ấy!
- Cháu chứng kiến mà, cháu không nói dối!
Một cậu con trai, đứng vắt vẻo trên thang, ngừng tay hỏi:
- Loại án mạng nào thế, hở Joyce?
Béatrice phát biểu:
- Cháu chẳng tin tí nào.
Mẹ của Cathie đế thêm:
- Con bé bịa ra, cho ra vẻ quan trọng!
- Không đúng!
Cathie hỏi:
- Nếu vậy, sao bạn không đi báo cảnh sát?
- Bởi vì ngay lúc ấy, mình chưa biết đó là án mạng. Mãi sau này mình mới hiểu. Cách đây một, hai tháng, có người nói với mình một câu, mình mới chợt hiểu là đã chứng kiến một án mạng.
Ann bình luận:
- Rõ là bạn bịa chuyện. Thật vớ vẩn!
Béatrice gặng:
- Aùn mạng xẩy ra khi nào?
- Ồ! … nhiều năm rồi. Hồi ấy mình còn nhỏ.
- Ai giết ai?
- Mình không nói nữa, có ai tin mình đâu!
Cô Lee làm câu chuyện đến đây là ngừng, vì cô mang đến một cái xô bằng kẽm, thế là mọi người ồn ào cho ý kiến nên dùng xô nhựa hay xô kẽm trong trò chơi đớp táo.
Mọi người kéo vào phòng sách để xác định nơi sẽ diễn ra trò chơi, một vài cậu nhỏ tranh nhau biểu diễn thử. Đầu tóc các cậu ướt lướt thướt, thảm rải sàn bị nước đổ tung toé.
Cuối cùng, tất cả đều nhất trí dùng xô kẽm tốt hơn, xô nhựa không ổn định dễ bị xô đi đẩy lại.
Oliver mang tới một rổ táo nữa để thay thế những quả vừa được chơi thử nghiệm, và cô không đừng được, lại cầm một quả lên để ăn. Giọng Ann cười cợt reo lên sau lưng:
- Đúng là cô Oliver mê ăn táo.
- Đúng, cô có cái tật xấu ấy thật – Oliver đáp.
Dù sao cô cũng hơi ngượng, nên vội lui ra ngoài, định đi rửa tay rửa mặt. Cô đi vào cầu thang ở cuối lối ra vào, bậc thang lên nửa chừng thì có một thềm nghỉ, ở đó có cửa vào phòng tắm, trước khi ngoặt theo hình thước thợ để dẫn lên tầng hai. Ở cửa vào phòng tắm, một đôi trai gái đang quấn lấy nhau, có người đi qua cũng không rời. Đó là một cậu con trai mười bẩy tuổi và một cô gái còn rất trẻ nhưng thân hình đã rất nở nang.
Oliver khó chịu khi nhìn thấy cảnh đó. Cô nghĩ thầm: lớp trẻ ngày nay chẳng coi người lớn là gì. Song cô lại công nhận: hồi mình còn trẻ, mình cũng đã từng nghe nhiều lần nhận xét như thế!
- Xin lỗi, cho tôi đi qua.
Đôi trai gái miễn cưỡng tránh ra để nhường lối.