Hè đã đến, lại được tới trường luôn luôn là một điều vui thú. Lại có những cây bút mới và bút chì mới phát. Bút chì thì càng vót nhọn càng nức mùi hương cây tuyết tùng. Các bài trên trang sách mới phát phần lớn đều quăn góc và ghi đầy những lời bình chẳng có gì hay ho cùng những hình vẽ thô lỗ. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng được phát đôi ba cuốn sách vừa mới in xong, thơm nức mùi giấy mới và mùi mực in. Riêng năm học này, ngay đầu tiên tới trường đối với tôi càng không thể nào quên, vì tôi đã được lên học lớp Bốn. Bọn học sinh lớp Bốn chúng tôi phải ngồi ở những hàng ghế phía trên của phòng học lớn, chúng tôi chẳng thèm để ý đến bọn ngồi phía sau. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ lớn như bọn ấy. Và chúng tôi cũng có đủ tư cách riêng cùng hứng thú riêng, khiến chúng tôi chẳng đến nỗi phải đau khổ vì cái tội mình còn nhỏ quá, còn ít tuổi quá.
Sau nữa là có hai trong số các giáo viên mới của tôi là những người thực sự có tài năng. Cô Stafford đã làm cho môn văn thành một môn học tuyệt diệu. Và cô Wallen thì yêu môn sinh vật cũng bằng tình yêu của mẹ tôi với môn học đó.
Tôi chỉ có mỗi một điều miễn cưỡng khi nghe tiếng chuông báo học đầu tiên vào tháng Mười năm1918 ấy, là tôi phải chấm dứt vụ hè sống cùng với Rascal và phải nhốt kỹ nó vào trong một cái chuồng làm bằng giây thép tựa như chuồng gà. Tôi đã di chuyển cái cũi chó to tướng của con Uxo tới chính cửa ra vào của Rascal. Vì rất có thể có một anh chàng táo tợn hoặc một con chó nào đó cả gan mò vào dinh cơ của con gấu trúc nhà tôi. Biết rõ là nó được tin cậy, con Uxo nằm canh chừng ngay cạnh chuồng gấu của tôi, cái mõm to tướng của nó cùng đôi mắt sâu và thông cảm của nó dõi trông chú tù nhân bé bỏng đang nằm bên trong lớp dây thép. Còn Rascal thì lò dò ra sát vai con chó, vỗ về cái mũi con chó, và lần nào cũng thế, con chó săn nòi cũng chỉ khẽ liếm cái bàn chân nho nhỏ chìa với nó một cách thân tình. Khi con Rascal kêu hoặc gầm gừ rung trong họng, con Uxo trả lời bằng một tiếng sủa to, cộc cằn yêu thương và thường kết thúc bằng một tiếng hú thân thiện. Con ngựa Denibruc cũng quan tâm tới chuyện này, từ tàu ngựa kế bên cũng thêm vào một tiếng hí dịu dàng. Và thế là mảnh sân sau ấy đã có một cảnh bầu bạn thực thụ rồi. Tôi làm mọi cách có thể để làm cho việc cầm tù chú gấu của tôi thêm dễ chịu. Tôi luôn luôn ít ra là mỗi ngày cùng ăn một bữa trong chuồng của Rascal, và trước khi tôi đi học cũng như sau khi đi học về, thế nào chúng tôi cũng phải sống bên nhau. Tôi mang nó ra vườn để nó giúp tôi thu hái đậu khô và bí. Nó thích để cho tôi thu dọn lá, khi ấy nó nấp vào một đống lá mới gom lại, và xổ ra “ oà ” tôi từ những địa điểm bất ngờ nhất. Và nó đã trở thành một tay phụ việc thực thụ trong một công việc mới của tôi là đi bán báo. Nó thu hút khách mua ở bất kỳ ở đâu chúng tôi đi bán.
Đã từng có hàng trăm ngàn người đi bán tờ Bưu điện chiều thứ bảy khi họ còn là những chú nhóc con, và tôi đã tham gia vào đội ngũ họ hồi tuần lễ đầu tiên của tháng Mười. Lúc đó tôi túng tiền lắm, tôi thấy mình phải làm việc nhiều hơn nữa thì may ra một lúc nào đó mới đủ tiền mua buồm cho chiếc du thuyền nhỏ của mình. Thế là, cho Rascal ngồi trong cái giỏ trên xe đạp, tôi đạp tới toà báo và cửa hàng văn phòng phẩm do Frank Asher đứng chủ, ở toà báo lớn ngay cạnh ngôi nhà Ngân hàng Thuốc lá. Những chồng báo lớn tới nơi vào chuyến tàu ngày thứ ba, và mỗi người chúng tôi thử lấy năm chục số đem bán. Trên trang bìa là một cô gái với một vòng hoa quấn quanh lá cờ ngành Bưu điện. Và tôi còn mang ấn tượng mạnh hơn nữa, khi biết rằng tờ báo này đã được tổng thống Franklin sáng lập.
Cả ông chủ hiệu Asher lẫn viên quản lý cơ quan bán hàng của công ty xuất bản Curtis, đã đưa ra một quyết định ma mãnh vì một ý đồ tuyệt vọng muốn bán tống bán tháo một tờ tạp chí, trong số báo công ty đó kinh doanh. Vì vậy, cứ nhận bán năm chục tờ Bưu điện thì chúng tôi có nhiệm vụ phải bán năm tờ Nhà quý tộc địa phương. Thành phố chúng tôi là nơi đầy rẫy những chủ nông trại về hưu, quý tộc cả đấy, nhưng chẳng ai trong bọn họ muốn mua tờ báo này. Thế nhưng, Rascal đã trở thành một vật quảng cáo sinh động khiến cho chúng tôi lắm khi mời được người mua cả hai tờ báo liền.
Hai chúng tôi tha nhau trên xe đạp trong cát bụi ngày thu, miệng gào lên: “ Bưu điện chiều thứ bảy năm xu đây! Bưu điện của quý ông đây, năm xu, chỉ năm xu thôi! Bưu điện chiều thứ bày đây! ” Có tin đồn đại xầm xì rằng năm nay về môn sinh vật học, chúng tôi sẽ đuợc học những điều về sự sống. Phần lớn chúng tôi đều có biết qua quýt và sai lạc về vấn đề này, nhưng riêng tôi thì vẫn còn rất mơ hồ không hiểu cơ thể con người ta được cấu tạo như thế nào. Song, vì tôi chưa tròn mười hai tuổi, nên tôi cũng chẳng hoàn toàn thất vọng về sự ngu dốt của mình.
Thế nhưng điều làm tôi khó hiểu là, một người dễ thương tinh tế như cô Wallen, người mắt sáng và tóc óng ánh, làm sao lại có thể dạy cho một lớp học chung cả con trai và con gái về chuyện phát triển nòi giống. May sao, chuyện đó chỉ xảy ra mãi lâu về sau này, và cô đã phải dùng nhiều tháng ròng, thông qua việc dạy các con thú nhỏ hơn, để dẫn chúng tôi đi tới vấn đề đó.
Giáo viên sinh vật học của chúng tôi, có cách thức dạy riêng cho môn học hấp dẫn. Cô đã dạy học theo cách dùng bản năng. Khi thấy có những con ngỗng trời đang bay qua trên bầu trời tháng Muời, cô liền gọi tất cả chúng tôi lại bên cửa sổ để nghe tiếng quàng quạc xa xôi của chúng, và nhìn theo chúng bay về phương Nam thành hình như chữ V. Cô kể cho chúng tôi nghe cách thức từng con ngỗng đực thay nhau bay vào vị trí khó khăn ở đỉnh nhọn chữ V, phá vỡ lực cản của không khí, để cho những con bay ở phía sau đuợc dễ dàng, và cách thức cũng chính những con đực dũng cảm ấy – đôi khi là một con ngỗng đực goá vợ - một thân một mình canh gác suốt đêm cho cả bầy được ngủ. - Chúng ta ở đây dưới đúng một nhánh của Đường bay lớn Missisipi – Cô nói – Chính vì thế mà chúng ta có cơ may kỳ diệu được thấy hàng ngàn, hàng ngàn con chim di trú lên hướng Bắc vào mùa xuân và lại bay về hướng Nam vào mùa thu. Sau đó cô kể với chúng tôi rằng những con ngỗng trời đó ( giống như những con thiên nga ) kết bạn cùng nhau suốt đời, con này theo con kia, mùa này sang mùa khác, chúng nuôi nấng chú ngỗng con tại miền Bắc cực, tới mùa đông lại đưa con tới nuôi tại các nhánh sông phương Nam… - Chính vì vậy – Cô nói - nếu ta bắn một con ngỗng trời hoặc thiên nga, thì thật là một điều độc ác. Vì như vậy sẽ khiến cho có một con goá bụa suốt đời.
Ngay từ buổi học đầu tiên, cô đã làm chúng tôi hết sức chú ý, khi cô hỏi xem chúng tôi có những con vật nuôi gì được chúng tôi cưng. Phần lớn đứa nào cũng có một con chó, một con mèo, một con hoàng yến hoặc một chú ngựa nhỏ. Riêng tôi là đứa duy nhất trong lớp lại có một con gấu trúc. Nhiều con vật nuôi của chúng tôi đã đựơc cô bảo đem tới lớp vào những ngày khác nhau trong giờ sinh vật học. Cô bảo thằng Babcock đem tới trường con chó Fox bé nhỏ, bảo những đứa khác đem tới trường con cá vàng, con vẹt, và một con sóc được thuần dưỡng. Nhưng Rascal và tôi có vinh dự được mời đầu tiên. Sau buổi học, tôi nán lại một chút để nói với cô Wallen về con gấu trúc của tôi, và nêu ra với cô một câu hỏi làm tôi trong một thời gian dài lấn bấn mãi. - Thưa cô, có khi nào những con gấu trúc, lại trở thành người được không ạ? – Tôi hỏi cô, lòng đầy hy vọng. - Chà, Sterling, em có ý nghĩ kỳ lạ thật đó! - Houton, ở cạnh nhà em, chú ấy nghiên cứu nhân chủng học. Và chú đề ra lý thuyết hai bàntay là thầy dạy học cho bộ não. - Có thể - Cô giáo tôi nói và ngẫm nghĩ - rất có thể như vậy. - Chú ấy còn cho rằng, do tổ tiên chúng ta, giống khỉ, đã đứng thẳng được, đã dùng đôi bàn tay và đã tạo ra những công cụ đơn giản, vì thế đã làm cho bộ não phát triển. - Đó là một tư tưởng rất hấp dẫn – Cô giáo tôi nói. - Thế đó, con gấu trúc của em luôn sử dụng đôi bàn tay và mỗi ngày một thành thạo. Vì vậy, trong vòng một trăm triệu năm nữa chẳng hạn, rất có thể loài gấu trúc sẽ phát triển thành một thứ gì đó giống như con người ta chứ? - Những chuyện kỳ lạ đã từng xảy ra – Cô nói – Cô rất mong được xem con gấu trúc thông minh của em. Cô mỉm cười với tôi thật hiền dịu, mà chẳng cười phá lên nhạo tôi và cũng không cho câu hỏi của tôi là ngờ nghệch. Tôi ra về với ý nghĩ: cô Wallen quả là con người đặc biệt. Buổi sáng, cái bữa Rascal được mời tới trường, tôi chải lông cho nó thật cẩn thận cho tới khi màu lông đen sậm trên mình nó bóng láng lên và bộ lông đen xám trước ngực nó nềm ra tựa như lông cừu non. Tôi dùng nước bạc đánh bóng biển khắc tên nó, và dùng xà bông giặt yên cương để rửa sạch cái cổ dề và dây giữ mảnh dẻ. Dẫu sao thì đây cũng là ngày đầu tiên Rascal tới trường, và tôi những mong nó gây được ấn tượng tốt đẹp nhiều nhất. May mắn sao, giờ sinh vật học lại là giờ đầu tiên buổi sáng đó, nên chúng tôi cũng không phải chờ đợi lâu la gì. Hành vi của Rascal, có thể nói là xuất sắc. Sạch sẽ, chải chuốt, linh hoạt và lễ phép, nó ngồi trên bàn của cô Wallen, tưởng chừng như nó đã sống gần hết cả cuộc đời ngắn ngủi của nó để dạy các giờ sinh vật vậy. Nó dò xét cái chặn giấy bằng thuỷ tinh của cô giáo ( cái chặn giấy này, khi lắc lên thì tạo ra một trận bão tuyết trên một cái làng nho nhỏ ), và nó xem xét một cách thú vị cái quả cầu thủy tinh bé con đó. - Như các em thấy đó – Cô Wallen bắt đầu - giống gấu trúc có tính tò mò. Sau đó cô ghi lên bảng: Gấu trúc - gốc từ một tiếng thổ dân da đỏ có nghĩa là “ kẻ hay gãi ” Stihnen giơ tay và nói luôn: - Nó gãi vì nó có rận phải không ạ? Câu hỏi này gây ra một trận cười, và cô giáo phải giữ trật tự liền. Tôi giơ tay lên và được phép nói: - Thưa cô Wallen, con Rascal sạch sẽ vô cùng ạ. Hằng ngày nó đều đi bơi và cả đời nó chưa hề có một con rận ạ. - Theo ý cô – Cô giáo nói - người da đỏ muốn nói giống gấu trúc gãi, cào, đào bới để kiếm trứng rùa và những thức ăn khác dọc bờ biển. Đôi khi nó cũng đào để bắt giun đất nữa. Thằng Stihnen quắc mắt lên và ngồi phịch xuống ghế. - Các em có thấy con gấu trúc này giống loài vật nào khác? – Cô giáo hỏi. - Nó giống một con gấu nhỏ - Thằng Babcock nói. - Em nói đúng, Babcock – Cô đáp – Nó là anh em họ của gấu và đôi khi được gọi là “ gấu rửa ráy ”, bởi vì nó rửa ráy mọi thức nó ăn như các em sẽ thấy đây. Cô lấy một viên phấn và viết lên bảng: Procyon lotor. Tên khoa học bằng tiếng Latin của gấu trúc. Nghĩa của Lotor là “ người rửa ráy ” Tôi thấy thích thú vì cô Wallen đã cho chúng tôi biết một đôi điều hấp dẫn, mà thậm chí chính tôi cũng không biết về Rascal. Rồi cô đem ra một cái xoong tráng men nông của phòng thí nghiệm trong đó không chỉ có nước mà có cả một con tôm nữa, thế mới lạ chứ. Và cô đặt trước mặt Rascal vẫn ở trên bàn của cô. - Bây giờ các em hãy xem Rascal sẽ làm những gì. Rascal giống hệt như anh hề nhỏ kỳ khôi, nó vẫn thường như thế, nhìn đảo quanh lớp học và nhìn ra phía cửa sổ, rồi run rẩy khua hai tay vào trong cái xoong nông choèn. Nó biết rõ con tôm nằm ở chỗ nào, nhưng nó vẫn còn đang khoe khoang tí chút. Đột nhiên, toàn thân nó cứng lại một chút, và hai giây sau, con mồi đã được nó túm chặt và được nó trân trọng rửa ráy trước khi vào tiệc. Lúc đó cả lớp đều sung sướng như Rascal và gần như tất cả mọi người đều vỗ tay. - Gấu trúc là giống ăn tạp – Cô nói và ghi từ đó lên bảng – Nghĩa là gần như nó có thể ăn mọi thứ. Nó sống từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, và từ miền nam Canada sang Mehico. Mỗi lứa sinh, gấu trúc có thể đẻ từ hai tới sáu con con, và đẻ ở một thân cây rỗng. Những con gấu trúc con đó rất giống mẹ, chúng theo mẹ để mẹ dạy cho cách bắt cá ở dưới đầm ao. Đó là những con vật hiền hoà nếu không bị tiến công, nhưng nó có thể giết chết một con chó nếu bị dồn vào thế bí. Cô bảo tôi kể vài điều ngắn gọn về những điều tôi hiểu biết được qua con gấu trúc của mình, và tôi đứng trước cả lớp vừa nói vừa ve vuốt Rascal. Tôi nghĩ cả lớp đều chăm chú tới hai chúng tôi, trừ thằng Stihnen ra, nhất là khi Rascal leo lên vai tôi và bắt đầu nghịch vớ vẩn cái tai tôi. - Đôi khi, tôi còn cho nó ngủ cùng giường nữa – Tôi thú nhận – Đó là một con vật nuôi kỳ thú. Sau đó thì đứa nào cũng muốn được sờ nó một cái. Thế là từng đứa bạn học của tôi đi tới và ve vuốt nó, một vài đứa con gái có vẻ hơi sờ sợ một chút. Thằng Stihnen đi cuối hàng, dáng đi thõng thượt, mắt gian xảo và cười nhăn nhở giễu cợt. Tôi đoán có chuyện gì xảy ra, nhưng hơi muộn. Đúng lúc nó tới bên con gấu trúc, Stihnen rút một chiếc roi bằng cao su to tướng ra và vụt vào mặt con Rascal. Trước đây rất ít khi tôi nghe thấy con Rascal gào lên điên giận như thế. Lần này quả là một cơn cuồng nộ thật sự - một tiếng thét chiến đấu cho tới chết và chỉ trong một thoáng Rascal đã ngoạm hàm răng nhọn sắc vào bàn tay to mập của Stihnen…. Thằng Stihnen gào lên đến nỗi đứng trong phòng hội đồng cũng nghe thấy. Nó nhảy chồm chồm, tay run lên, miệng gào: - Gấu điên! Gấu điên! Phải bắn bỏ nó đi, gấu điên! Giọng nói của cô Wallen lạnh lùng và nghiêm: - Stihnen, mọi người trong phòng này đã nhìn rõ em làm gì. Nếu em cho rằng đây là con gấu trúc bị bệnh dại, thì em không cần một sự trừng phạt nào khác nữa, ngoài việc em được mình thử xem thật sự bệnh dại là như thế nào. Đây, em hãy xoa iốt vào chỗ vết cắn. Giờ học đã hết. Còn Sterling, em có thể ở lại một chút được chứ? Tôi không biết cô sẽ còn quyết định điều gì, nhưng tôi thấy sự trừng phạt của cô với thằng Stihnen thế là quá đủ nghiêm rồi. Cô nói: - Cô rất tiếc, nhưng trong tình hình này, em sẽ phải nhốt con gấu trúc của em vào chuồng suốt ngày đêm trong mười bốn ngày liền. Nếu nó có hiện tượng bệnh dại thì chúng ta còn có đủ thời giờ chữa chạy cho Stihnen. - Nhưng thưa cô, nó không dại – Tôi cãi lại – Cô đã thấy rồi đó ạ. Chỉ vì bạn… - Chắc chắn là cô có thấy. Và cô tin chắc đó là con thú hoàn toàn lành mạnh. Nhưng chúng ta cứ phải đề phòng. Cô im lặng một lát. Khi cô quay lại với tôi, nét mặt cô đã thay đổi, và cô nói một cách bình thản: - Rascal, là một con vật nuôi kỳ diệu. Cám ơn em đã đem nó tới lớp và cám ơn báo cáo miệng rất hay của em nữa. Cô vỗ về Rascal và nói thêm: - Tốt hơn hết là em hãy đem nó về nhà và nhốt vào lồng, Sterling ạ. Cô sẽ nói với các thầy cô khác lý do em vắng mặt từ giờ cho tới hết buổi chiều. Trong khi tôi đạp xe về nhà với con Rascal trong giỏ treo ở xe, nó đã hoàn toàn quên mất trận chiến vừa xảy ra rồi. Và cái ngày đầu tiên hai chúng tôi cùng chui vào chuồng để chịu hình phạt, hai tuần lễ là một ngày thu trong trẻo, nhẹ nhõm…Tôi có một ý nghĩ điên rồ và trìu mến thế này: nếu phải giam Rascal lại, thì cũng phải giam cả tôi với nó. Chúng tôi ngồi ăn những quả hồ đào vỏ mềm, ước mong rằng sẽ được ngồi như thế này mãi mãi bên nhau, cùng chia xẻ những bữa ăn bên nhau. Thật chẳng may là thằng Stihnen lại không chết vì bệnh dại. Mà thực ra thì những vết răng cắn vào tay nó đã lành rất nhanh. Thế nhưng hình phạt với Rascal và với tôi thì vẫn còn kéo dài. Chúng tôi trở thành những bạn tù trong rất nhiều giờ mỗi ngày theo khả năng tôi có thể tới được với nó. Rascal xem chừng bắt đầu đẫy người ra để chuẩn bị cho mùa đông tới. Tôi cho nó ăn bất kỳ thức gì nó thích, và vì thế mà tuy phải sống giam trong chuồng, chúng tôi chẳng đến nỗi khổ sở cho lắm. Vào ngày bị giam thứ mười bốn, khi thấy nó không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu bệnh dại nào, tôi bèn mở chuồng, và hai chúng tôi lao ra với cuộc sống ngày thu. Chúng tôi đi bộ ngược lên phố và quành xuống con đường mòn thôn dã, đi vào thế giới rực màu vàng đỏ của mùa thu. Đó là một ngày trong mùa thu hái của người da đỏ. Những đống lúa mạch bù xù, nhạt màu như những tấm lều bằng da hoẵng, mọc lô nhô in trên nền cong cong của bầu trời xanh mênh mông, và những cây gỗ thích như bốc lửa trên chỏm. Đi ngang qua vườn quả của Baden, chúng tôi nhặt vài trái táo. Rồi đi dọc tiếp theo con đường mòn hai bên là những hàng rào đầy trái cây dại, Rascal đã nhuộm cho mõm nó thành màu nâu sậm vì ăn nhiều trái quá. Cứ mỗi lần thu tới, lại phải xem xét những cây hồ đào và cây óc chó định lấy quả, và phải ước lượng số lượng chuột xạ sống trong những vùng bùn và ao có hy vọng bẫy được. Đó là một thú vui chơi tôi thường cùng làm với thằng bạn Dinisen. Vì Dinisen không có nhà, nên Rascal cùng tôi đi làm công việc khảo sát trước với nhau. Đến bên bờ một vũng nước lớn có thể bơi qua được, chúng tôi buồn rầu nhìn thấy một cây óc chó lớn bị chặt cụt, trước đó là một cây khổng lồ, và chỉ mấy tháng trước nó còn đứng sừng sững ở đó. Tôi thường vẫn ngồi nghỉ chân dưới bóng cây to lớn đó mỗi lần thu tới, và hai tay thường sậm nâu đi vì nhuộm màu vỏ quả óc chó. Chính nơi đây tôi đã bắt được một con bướm thuộc loại Óc chó Hoàng tộc để đưa vào bộ sưu tập. Giờ đây cái cây to lớn đó, cùng nhiều cây óc chó khác vào mùa này đã bị hạ để làm báng súng. Tôi tìm được một viên đá phấn trong đầm nước, và bằng những chữ to tướng giận dữ, tôi viết lên thân cây cụt: NGUYỀN RỦA KẺ NÀO CHẶT CÂY NÀY. Ấy thế nhưng, càng lang thang theo những đầm những ao lên mạn Bắc, dần dần tôi đã quên nỗi giận dữ đi. Chưa từng khi nào tôi được nhìn thấy nhiều ổ chuột xạ mới đến thế - những đống lau xậy xếp thành hình chóp, với những lối vào chui dưới nước, tạo thành những ngôi nhà thực sự cho giống gậm nhấm vô hại với bộ lông kỳ thú ấy. Tôi đã từng nuôi nhiều chuột xạ nhỏ và thả chúng ra. Tôi chưa khi nào dám giết hoặc lột da những con chuột xạ do chính tay tôi nuôi dưỡng. Rascal cùng tôi ngồi im lặng bên bờ một cái đầm đang có vài con vịt trời bơi qua bơi lại và rỉa lông rỉa cánh. Chiều bắt đầu xuống, những con chuột xạ bình thản đi tới những căn nhà làm dở, và chúng bắt đầu vặt những bông lau, ngậm vào miệng để tha xuống làn nước bằng lặng, xây nốt những ngôi nhà cho cao thêm.
Đầy hạnh phúc, chúng tôi lang thang trở về thành phố trong bụi, trong màu sắc vàng đỏ của những cây thích câm lặng trong ánh sáng đang tắt dần.