Vào lúc mặt trời đã ghé thấp, chúng tôi tới gần con sông Viluy. Mặt trời Bắc cực, cứ thủng thẳng, chần chừ trên bầu trời – vào mùa xuân, ngày ở đây dài không muốn hết - rồi cuối cùng, nằm lên dãy núi trước khi lặn hẳn. Con sông nhỏ nước màu sẫm, trên mặt vẫn còn lớp băng mỏng. Sau một con thác, bỗng chẻ thành hai nhánh bao vây lấy một hòn đảo nhỏ trông như hình một chiếc bánh ngọt bị rừng Taiga bao phủ. Ánh mặt trời chiếu như lửa phản chiếu xuống nước tạo thành những mảng màu nâu thẫm mềm mại. Trên rừng Taiga vẫn còn những dải màu sáng trắng hơn chạy dọc những ngọn thông.
Đó chính là chỗ chúng tôi phải sống và làm việc cho đến hết mùa xuân. Nhiệm vụ chúng tôi là lập bản đồ địa chất vùng này. Đội trưởng chúng tôi đã yêu cầu viên chỉ huy máy bay lên thẳng hãy bay vài vòng phía bên kia bờ trái sông Viluy để tìm cho chúng tôi một địa điểm hạ trại thuận tiện. Cuối cùng máy bay hạ xuống một cánh rừng thưa, sau đó chúng tôi bắt tay vào việc dỡ hàng. Liền sau đó máy bay lại bốc bay về căn cứ. Anh em lái đang vội, vì trời gần tối.
Sau khi trải qua những cành thông thơm phức xuống đất, chúng tôi dựng cái lều tròn lớn. Ai nấy đều mệt lử và liền đó lăn ra ngủ say sưa.
Nửa đêm tôi tỉnh giấc vì một tiếng động mà tôi cứ ngỡ rằng đó là cơn giông. Những tiếng sấm nghe như xa như gần, và điều kỳ lạ, chúng nổ liên tiếp không ngừng. Trên trời không có những tia chớp ngoằn ngoèo, và trời cũng chẳng mưa.
Tôi bước ra khỏi lều, sương mù dầy đặc quánh như khói, và tôi đã hiểu vì sao có cái tiếng động lạ kỳ tựa hồ những tiếng sấm rền nơi xa. Băng tan. Sông Viluy cuối cùng đã tan băng!
Đến sáng, người chúng tôi rét cóng, chúng tôi rửa ráy ở một con suối lạnh giá, rồi cùng ngồi ăn sáng.
Tiếng băng tan ngày càng mạnh. Băng vỡ tạo thành tiếng động ầm ầm trong khi nước sông sủi sục và kêu ì oạp. sương mù dâng cao và tràn lên các ngọn đồi, làm lộ rõ dòng sông nhỏ, lúc này mới thấy rõ nó đẹp lộng lẫy lạ kỳ. Dọc hai bờ sông, bên trên những tảng băng nhỏ, là những thân cây đang trôi, tựa hồ như có ai cưa đứt chúng và quẳng chúng xuống dòng nước xiết, cùng những tảng đất đá to lớn. Các tảng băng leo lên nhau, phá vỡ nhau, rồi chìm nghỉm xuống nước, nom hệt như những con gấu trắng đang giỡn nhau. Đây đó lộ ra những miền không có băng, mặt nước phản chiếu màu xanh lam của bầu trời sớm mai.
Đội trưởng của chúng tôi, người có tai thính, đột nhiên đứng dậy, tay vẫn còn cầm cốc và anh đứng ngây người rất lâu, lắng nghe tiếng băng tan ầm ĩ.
- Hình như có người nào đang kêu…Chẳng lẽ tớ lại nhầm…Nhưng không, lại kêu đó.
Lần này thì không còn hồ nghi gì nữa. Tiếng kêu vọng từ phía thượng nguồn. Tiếng kêu than van, tuyệt vọng, rất giống tiếng một người kêu. Ai là người cần được cấp cứu ở đây, lúc này, giữa rừng Taiga xa hẳn nơi con người sinh sống? Hoặc giả là một thợ săn bị nạn? Một nhà địa chất lạc đường?
Không còn kịp trao đổi ý kiến với nhau, chúng tôi nhào ngay ra phía dòng sông. Một người trong bọn chúng tôi, còn chui vào lều lấy một cuộn thừng biết đâu chẳng có dịp dùng.
Tiếng kêu tới gần, không nhỏ đi một chút nào. Không, một con người không thể kêu to như thế được.
Thế rồi từ xa hiện ra một hình thù màu sẫm, trên một tảng băng đang trôi giữa dòng sông. Dần dần, chúng tôi nhìn rõ một thân hình dài và to lớn, những cẳng chân mạnh mẽ và những nhánh sừng hùng dũng. Đó là một con nai phương Bắc cỡ lớn.
Khi tảng băng chở nó trôi ngang qua chúng tôi, con nai nhìn thấy bóng người liền ngừng kêu.
Nó bước lại mép tảng băng và đứng ngây ra nhìn chúng tôi. Chính lúc đó đã xảy ra cái điều không sao cứu vãn được: mép bên kia của tảng băng nổi bềnh lên, trong lúc mép bên phía con nai đang đứng lại chìm nghỉm xuống. Con vật lẽ ra phải lui bước, để lấy thăng bằng trên tảng băng đang trôi…Nhưng vì nó mải nhìn chúng tôi nên đã không kịp làm động tác đó. Tảng băng chao đảo và con nai rơi nặng nề xuống nước. Cái mõm dài của nó mất hút một lát rồi ngoi lên được, xung quanh bị băng ép chặt. Dòng nước xiết cuốn nó đi thật nhanh, và chúng tôi thì chạy dọc theo bờ sông.
- Nó chết đuối mất thôi!
- Làm sao mà nó mắc kẹt ở đó được nhỉ?
- Có gì đâu? Nó định vượt sông bằng cách bước qua các tảng băng, nhưng lúc trôi tới thác thì bị cuốn.
Từng lúc, từng lúc, đầu con nai lại ngoi được lên trên mặt nước.
Cách chỗ chúng tôi hạ trại chừng năm trăm thước, dòng sông vòng thành một khúc quanh. Dòng nước bắt đầu đầy con vật vào phía bờ…
- Nó kiệt sức rồi…
- Nó sắp bị cuốn đứt rồi!
- Quăng cho tôi cuộn dây!
Đó là đội trưởng của chúng tôi, vừa lên tiếng. Anh quấn nhanh dây quanh thắt lưng. Anh ra lệnh:
- Tháo nhanh!
Tôi nhả dây dần dần. Anh nhảy từ tảng băng này sang tảng băng khác, anh tới gần được con nai, và chỉ cách nó chừng mười lăm thước. Nửa đường, một tảng băng vỡ đôi ra dưới sức nặng của anh, nhưng anh đã kịp nhảy sang tảng băng bên cạnh và chỉ bị nước ập vào ủng thôi. Cuối cùng anh tới sát được con nai. Mắt con vật đòng đọc đỏ máu tưởng chừng như sắp lòi ra. Đội trưởng lấy thăng bằng và cuộn một nút thòng lọng ở đầu dây, rồi buộc chặt lấy cặp sừng con nai. Đoạn đường trở về dễ hơn nhiều, vì người đi cứu nai đã có sợi dây căng thẳng làm nơi bấu víu.
Tôi không còn nhớ phải mất bao nhiêu thời gian mới đưa con vật vào bờ. Một giờ…có khi tới hai…Bị kiệt lực vì một cuộc đấu tranh không cân sức, con nai không thể đứng vững trên đất bằng nữa, và khi tới được bờ, nó liền nằm kềnh ra.
- Không được tới gần! - Đội trưởng chúng tôi la lên – Nó có thể húc các cậu!
Đội trưởng chúng tôi cũng không dám tới gần con nai để tháo dây, anh cắt sợi dây ở khoảng cách còn hai ba mét, rồi lui thật nhanh và xem xét.
Lát sau, khối khổng lồ kia bắt đầu ngọ ngoạy. Sau vài lần cố đứng dậy không nổi, cuối cùng con nai đã đứng dậy được. Nó quay đầu lại nhìn chúng tôi, rồi chạy nước kiệu về phía trước, chân vẫn hơi tập tễnh. Và nó cũng chẳng nghĩ tới việc tháo đoạn dây trên sừng ra nữa.