Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lời Nguyền Trên Ðá

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 639 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lời Nguyền Trên Ðá
Nguyễn Thị Long An

Hân cho sách vở với những dụng cụ dạy học,hình ảnh, poster vào các thùng giấy. Mớ quần áo treo trong tủ được xếp ngay ngắn đặt vào vali, tất cả mọi thứ phải làm xong để trả lại phòng trọ cho chủ nhà vào ngày mai. Dòm quanh căn phòng lần sau cùng để chắc chắn mình không để quên lại một vật gì trong chiếc phòng vỏn vẹn mấy tháng quen thuộc, chỉ nửa
niên học mà thôi. Khung giường nhỏ chơ vơ, chiếc gối xô lệch hững hờ như thầm thì chúng ta còn thấy nhau không đầy mười hai tiếng đồng hồ nữa. Vệt nắng buổi chiều soi
nghiêng qua song cửa sổ cho thấy rõ khoảng đất rộng ngoài kia cỏ mọc lan đến tận hông nhà không có bước chân người lui tới. Mọi vật chung quanh đều mỏi mệt như phần tháng ngày lưu lại nơi nầy. Lắc đầu thật mạnh Hân xua đuổi đi những uất nghẹn khi nhớ tới những ngày làm việc vừa qua.

Sáng hôm đó bà Hiệu Trưởng người Mỹ dẫn nàng xuống dãy nhà cuối cùng chỗ dành riêng cho số học sinh Việt Nam mỗi ngày đến học thêm những môn còn yếu kém, (bà Hiệu Trưởng nói
như vậy) để gặp một bà giáo già Việt Nam. Ðược biết thêm bà nầy là người dạy ở đây lâu năm, hiện đã hưu trí nhưng đang được lưu dụng làm việc bán thời gian với chức vụ như
là người điều khiển chương trình học thêm cho các em nhỏ Việt Nam đang theo học tại trường. Bà Hiệu Trưởng giới thiệu xong hai người rồi mới bỏ đi. Hân gật đầu chào bà giáo. Nàng vô cùng ngạc nhiên thấy bà ta dòm mình trân trối, dòm cho đến đổi há hóc miệng như đang gặp một quái vật lạ lùng thời tiền sử. Bà ta đứng sững người như bị ma quỷ hớp hồn.
Hân được dịp quan sát bà một cách tường tận trong thời gian ngắn ngủi nhưng lạ lùng đó. Người thấp bé, da đen đen, miệng hô nên môi trên của bà nhọn ra, lúc thừ mặt thoáng dòm có nét hiểm ác. Phải đứng chơ vơ ngỡ ngàng giữa
căn phòng Hân hết sức khó chịu. Một lúc lâu
như mới định tỉnh, bà lạnh nhạt mời nàng ngồi, trình bày về học trò và lớp học Việt Nam ở đây một cách sơ sài, cuối cùng bà đưa Hân qua căn phòng khác để gặp một thầy giáo và nói cô liên lạc với thầy đây, quyền quyết định sắp xếp việc làm là do thầy ấy. Lại bị ông thầy không lớn hơn mình bao nhiêu dòm chăm bẳm một lần nữa. Trông cách cư xử đó, Hân đoán biết bà ta muốn nhường quyền quyết định cho thầy giáo ấy. Rồi bà kêu Hân trở về căn phòng làm việc của bà, không nói gì với nàng, cũng không mời ngồi. cử chỉ bà tỏ ra rõ ràng không mấy thiện cảm ngay từ phút đầu với người cộng sự mới. Bỗng nhiên bà ta đứng dậy sang phòng của thầy giáo lúc nãy.
Hân ngồi đại xuống cái ghế trước bàn của bà ta, căn phòng giờ đây vắng vẻ. Nàng dòm tứ phía, lạ lẫm, linh cảm cuộc đời mình từ đây sẽ là miền biển sóng, chao động và thay đổi lớn, không còn ổn lặng như thời gian yên bình bên mẹ trước đây. Dường như bà ta sang bên đó để bàn bạc về mình. Sự ngỡ ngàng, áy náy kéo dài tới khi bà ta trở lại phân công cho dạy mấy lớp nhỏ. Hân như thấy mình thoát nợ khi chào họ ra về. bước ra khỏi phòng nàng thấy một người con gái lớn hơn mình vài tuổi đi lướt qua. Sững sốt, cô ta có gương mặt giống mình như in.
 Hân dòm cô ta cho đến khi cô khuất vào trong khung cửa một phòng học. Lạ! Sao trên đời có chuyện người giống người như vậy, giống như là hai chị em. Mà thôi, thắc
mắc làm gì, người giống người có gì là lạ lắm đâu. Việt Nam có mấy chục người thì phải có người giống nhau chớ! Vào lại văn phòng Hiệu Trưởng ghi ngày nhận việc Hân khám
phá ra cô gái mình gặp ở hành lang là con của bà giáo già ấy. Có lẽ sự giống nhau của hai người là lý do khiến bà dòm trừng trừng mình với vẻ sững sốt.

Những ngày tháng dạy học là một nỗi cực hình triền miên. Cuộc sống hàng ngày không thay đổi, chỉ trong tâm hồn có một thay đổi lớn, buồn bã và hay suy nghĩ, muốn bỏ việc trở về nhà bởi cảm thấy bơ vơ thiếu vắng những thân tình, ngay cả tình người đồng hương bình thường cũng không có ở đây. Không hiểu vì sao những bạn đồng nghiệp lạnh nhạt, coi như không phải cùng họ hằng ngày có với nhau những
nỗi vui buồn dưới mái trường của người khác xứ. Bất cứ việc làm nào cũng không thể sớt chia, mọi người hoàn toàn cách biệt như họ ở trong và tôi ở ngoài đời hay ngược lại.
Sau ba tháng làm việc bà đã bắt đầu thay đổi, làm khó dễ hay có những câu nói bóng gió xéo xiêng. Bà là người lớn nhưng hành xử những trò nhỏ nhen. Xúi biểu các cô giáo khác chọc tức, bỉ mặt, cố tình làm nhục, thậm chí coi như họ có chung cùng với bà ta một mối thù hận nào đó.
Không khí ngột ngạt ở một lớp học, thê thảm trùm xuống theo tháng ngày đầy ứ lên dần. Sự dè dặt, cẩn trọng, dịu dàng từng lời nói ngày lại ngày của Hân không dìm được mối a dua của bầy cẩu trệ, tăng dần để nhận chìm xuống đời của một kẻ lạ. Hân cúi đầu nhận chịu, dặn lòng giữ yên lặng
cho niềm hòa khí chan rưới xoa dịu nỗi hằn học của mọi người.

Cố tâm không suy nghỉ lan man, bỏ qua những nỗi muộn phiền trong công việc hầu tìm cho mình một thanh thản đơn sơ trong niềm vui của sự dạy dỗ. Từng buổi chiều tan học Hân ngồi nán lại soạn bài hay dạy kèm thêm cho một em còn yếu kém.
Ðọc thêm một bài văn phạm hay một quyển sách toán để mong tìm được phương cách cắt nghĩa dễ hiểu khi cần thiết.... Một hôm khi học trò vừa ra về, Hân đang sắp xếp lại những dụng cụ để dạy còn ngổn ngang đầy phòng học thì một ông già bước vào lớp. Thoạt nhìn thấy ông, Hân vô cùng bối rối, dường như đã gặp ông ta ở đâu, quen quá. Soát lại trí nhớ vẫn không tìm thấy căn cớ nào gợi nhớ. Ông ta đứng
ngay ngưỡng cửa dòm giỏ quan sát như vừa thấy điều gì mà từ xưa chưa bao giờ có, mặt hiện lên vẻ bỡ ngỡ. Hân chờ đợi khá lâu mới nghe ông ta cất tiếng chào.
Ông ngập ngừng :
- Xin lỗi cho tôi hỏi thăm, cha mẹ cô ở đâu?
Tên gì?
Cô giáo trẻ dòm thẳng vào mắt người đối diện, thầm nói ông nầy vô duyên, không quen biết mình bao giờ lại đột ngột hỏi dồn dập chuyện riêng tư. Nghĩ vậy nhưng Hân cũng ôn
tồn trả lời vì kính trọng người lớn tuổi:
- Thưa, cháu không có cha, chỉ có mẹ. Mẹ tên Ngọc Trang hiện đang ở một tiểu bang gần đây.

Tự nhiên mặt ông tái xanh, quày quã bước ra khỏi cửa đi mất dạng, bỏ lại sự bàng hoàng, ngơ ngác cho nàng. Hoạt cảnh biến thiên mau chóng và dị kỳ cho đến nỗi Hân tưởng như lạc vào trong một ngõ ngách của vùng kkhông gian huyền bí, liêu trai.

Từ đó về sau cử chỉ và cách đối của bà ta hoàn toàn là sự ngược đãi. Công việc dù nhỏ dù lớn bà ta đều sai phái và cắt cử nàng, không giao cho các cô giáo khác. Thương học
trò và trung thành với hoài bảo của mình, Hân cố gắng vượt qua mọi khó khăn để đạt mục đích. Có khi một ý tưởng chống đối, tạo loạn nổi lên trong tâm như một tiếng chuông đánh lên trong đêm vắng. Rồi tiếp theo là thực tế cuộc sống và tình trạng đáng thương của lũ học trò.
Ta nên buông trôi tất cả, đừng nghĩ ngợi tính toan, hãy như những chiếc lá rụng bên đường. Từ trên cao xuống, từ khoảng không về với khoảng không. Khinh đời và khinh tất cả những ai xung quanh.

Khi còn bên kia trời cũng đã thấy những nỗi chèn ép trù dập. Lửa hồng đốt cháy quê hương, lan tràn cho đến nỗi bao người phải trốn chạy tận xứ nầy vậy mà bây giờ mường tượng như ngọn lửa hồng đó tràn sang trà trộn nơi đây để đốt cháy cuộc sống thanh bình của một cô gái không có chút gì che đỡ. Cô, thầy giáo ở đây hằng ngày sang sảng giảng dạy
phải biết cư xử tử tế với mọi người, phải biết thương người cùng chủng tộc. Lá lành đùm lá rách, hay những câu ca dao mà những buổi chiều nào đám học sinh cũng ê a trong lớp
Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng
chung một dàn .
Vậy mà họ âm mưu với nhau triệt hạ đồng nghiệp chân ướt chân ráo đến, như là thành phố của riêng họ, không một
người xa lạ nào được tới chia sẻ công ăn việc làm của họ. Cũng là kẻ lạc loài như nhau trên đất nước tha nhân, đến trước may mắn được ăn trên ngồi chốc sao họ lại nhẫn tâm
chà đạp kẻ đến sau?

Hân thở dài ngao ngán cho lòng dạ con người. Hôm qua bà Hiệu Trưỏng kêu lên nói nầy nọ để xé khế ước. Chắc chắn là do sự dèm pha thêm bớt. Hất chén cơm người ta đang ăn trên miệng vì mối tư thù vu vơ nào đó. Tức giận muốn gây gổ lại cho hã nhưng nghĩ tới những lời của mẹ thường dạy ở nhà. Mẹ nói, sinh làm người dù chìm trong cảnh khốn khổ nào, cũng cố ngăn mình đừng nhúng tay vào điều thất
đức. Cái quí của con người là nhận ra cái xấu của mình để chân thật sửa chữa đồng thời nhận ra cái tốt của người khác để thương yêu kính trọng. Muốn đương đầu hầu làm sáng tỏ nguyên do sự cất chức để mong được nhận làm trở lại nhưng ích gì chuyện đó? Liệu khi làm lại mình có chịu nỗi hành động sói lang bẫy rập xung quanh không? Ðành nhận chịu sự ra đi. Ngày mai rời bỏ nơi nầy, nơi mà nửa năm quyến luyến với học trò và nửa thế kỷ sống trong buồn chán.

Hân uể oải đến chiếc bàn nhỏ nhấc điện thoại, nhấn số gọi về cho mẹ.
- Mẹ hả, mai con về nhà!
- Về chơi hả con?
- Không con về luôn, bị cho nghỉ việc rồi.
- Sao vậy?
- Con không biết nữa. Bà xếp Việt Nam của con thót mét sao đó, bà Hiệu Trưởng mới gọi cho biết ngày hôm qua.
- Bả tên gì ? Sao mà ác quá vậy?
- Bả tên Chơn mẹ à. Thôi nha, gặp mẹ ngày mai.

Chưa để ống điện thoại xuống, Hân còn nghe được tiếng lầm bầm của mẹ như là gặp oan gia, lời nguyền quá linh.... . Tiếng lầm bầm xen lẫn trong tiếng thở dài áo não bên kia đầu
dây

Chiếc xe đò nhỏ rời bến, phăng phăng chạy ra khỏi thành phố, đồng hồ trên tay chỉ đúng năm giờ rưỡi sáng. Hàng cây bên đường tối đen ủ mình dưới ánh sáng vàng vọt của dãy đèn đường. Khỏi ngoại ô, hướng trời đàng Ðông, dọc chân mây ánh lên lằn sáng một chút mây hồng và viền mây lần lần đổi màu từ da cam đến màu đỏ. Bầu trời đã sáng hẵn. Rặng
núi phía xa in rõ trên nền trời lam tím. Cảnh vật quê hương nơi nào cũng gợi nhớ trong tôi rõ nét và quen thuộc. Hai bên là những ruộng lúa, bông lúa nặng trĩu, hột đang ngậm sữa. Mấy căn nhà ven lề lộ lùi dần, đầu xe lướt tới như một con vật khổng lồ há miệng nuốt trộng con trăn dài trước mặt. Con đường thiên lý xa tít mù khơi mà đôi mắt tôi dòm trừng vào không gian còn đầy ấp hơi sương chừng như đã mỏi.
Tiếng máy xe vẫn nổ dòn như bản nhạc ru con. Dựa đầu vào băng ghế, giấc ngũ đến với tôi thật mau, triền miên cho đến khi tai tôi nghe từ đâu đó phát lên một tiếng ầm dữ dội và rồi tôi không còn biết gì đã xảy ra.

Mở mắt thấy mình đang nằm trên lề cỏ trong sự huyên náo khắp vùng. Liếc dòm bốn chung quanh nhiều kẻ đứng ngồi, trên mặt còn nét hoảng hốt với những vệt thuốc đỏ trên trán trên môi. Tôi ngồi rột dậy không cần suy nghĩ, trí óc như đã đông đặc, bưng bít hay rơi rớt trên đường. Ðưa tay rờ nắn khắp người, cảm thấy ê ẩm. Từ khoảng vai xuống
tới cánh tay áo trắng lỗ chỗ những vết máu. Không phải máu của tôi mà của những người bị thương nặng đặt nằm cạnh bên đang được đưa lần lên xe cứu thương.
Không biết bao lâu sau, hai chiếc xe đò mới được kéo vào
lề đường, hai đầu xe bể nát, dáng xe uốn éo, cong queo. Số
hành khách thoát nạn lần lượt đón xe khác đi mất. Tôi cũng
định rời khỏi nơi nầy tìm chiếc xe xuôi về thị xã xin quá
giang nhưng dòm lại vali quần áo và cái sắc nặng nề lòng
chùng xuống lưỡng lự.

Một cặp vợ chồng đang quanh quẩn tìm chỗ ngồi tạm và cuối cùng đến ngồi cạnh chỗ tôi. Họ không quá trẻ cũng chưa già lắm. Người đàn ông nét mặt nghiêm trang nhưng hiền hậu có vẻ trẻ trung hơn người vợ. Bà vợ dáng điệu bệ vệ, mặt có nét hiểm ác. Bà bỗng nhiên quay sang hỏi tôi :
- Cô đi một mình sao?
- Dạ em đi một mình.
Người đàn ông đứng lên hướng mắt về con đường từ thị trấn như chờ đợi ai. Bà vụt nói :
- Dường như tôi đã gặp cô ở đâu, trông quen
quá.
Tôi nói lấy lòng bà:
-Hình như em cũng đã gặp bà ở đâu rồi.

Thực ra tôi chưa hề trông thấy bà ta bao giờ. Nhưng giữa bà ta với tôi như sẵn có một mối liên hệ nào trong định mệnh.
Mặt trời đã gần hạ xuống khỏi ngọn cây trùng điệp phía xa. Người đàn bà cố nài nỉ tôi nhận phần bánh mì bà mang theo, nói rằng ăn cho lấy lại sức sau biến cố vừa rồi.
- Cô đi nghỉ hè?
- Dạ không, em đi nhận việc làm.
- Ở đâu?
- Dạ Ty Tiểu Học Vũng Tàu.
- Như vậy cô sẽ ở đâu khi đến nơi?
Bà vợ nhìn về phía người chồng :
- Nhà tôi rộng rãi, nhiều phòng trống, nếu cô chưa có chỗ ở, ở tạm nhà tôi ít ngày đã. Cô bằng lòng chứ ?
Tôi gật đầu và nói :
- Cám ơn bà nhiều. Nếu không có bà không biết
em phải ở đâu đêm nay.
- Em có vẻ mệt mỏi nhiều rồi.

Tiếng em của bà ta rất ngọt ngào khiến tôi cảm động. Tôi nói vì lúc xe đụng cửa xe bung ra, hất tôi văng xuống đám cỏ bên đường bất tỉnh một lúc, không bị thương nặng là may mắn lắm rồi.
Trong lúc chờ xe tới đón, ông chồng cứ luôn phàn nàn chiếc xe hư chưa sửa được phải nhờ xe bạn phiền quá. Tôi mệt mỏi thực sự đành phó mặt cho sự sắp xếp của bà ta miễn là có
chỗ nghỉ ngơi qua đêm nay rồi sẽ tính sau. Lúc ra đi tôi đã hẹn với cô bạn gặp nhau tại Ty Tiểu Học nhưng chiếc xe quái ác đã làm sai bét hết những điều dự tính. Hẹn gặp từ sáng tinh sương giờ tối mịt, nó đâu thể đợi chờ tôi đến giờ nầy. Cơn buồn bã từ đâu kéo tới tôi không nói một lời nào cho đến khi về đến nhà của họ. Ngôi nhà không mấy xa với thành phố, nhưng cách biệt hẳn với con đường tới chợ. Những lối đi vào nhà, quanh quẩn cạnh những hàng rào là vườn nhãn và những cây mãn cầu dai rậm lá. Trước nhà là mảnh sân trải sỏi dài tới hành lang mênh mông loáng thoáng
sương chiều. Bà vợ dẫn tôi vào phòng khách với những cửa sổ lớn giăng màn voan mỏng trắng tinh tương phản với tường vôi màu xanh lợt mát mắt.
Bà vợ hỏi:
- Em thích phòng dưới hay trên lầu?
- Dạ phòng nào cũng được, miễn thuận tiện cho bà.

Ở nhà, trong khung cảnh gia đình, người đàn bà trở nên dịu dàng và tôi có cảm tưởng từ phút nầy có một người bạn bên cạnh mình. Ðó là nhận xét khách quan, và chính sự đó làm tôi bâng khuâng suy nghĩ. Tôi trở về phòng riêng mình, cố gắng xua đuổi hết không khí bỡ ngỡ của người dưng kẻ lạ trong ngôi nhà rộng thênh thang và lạnh lẽo nầy. Dầu thế nào đi nữa tôi vẫn là người chịu ơn của bà ta. Tôi nằm
dật dựa trên chiếc giường rộng cho đến khi chị người làm mời tôi đến phòng ăn. Hai vợ chồng ngồi đó không biết từ bao giờ. Tôi ngồi xuống ghế theo lời giục giã của bà :
- Thôi ăn đi, ăn đi em, tiếng bà ân cần mời mọc.

Sau bữa ăn, hai vợ chồng mời tôi qua phòng khách uống trà. Tôi tự rót cho mình ly trà bốc khói, rồi ngồi vào lòng chiếc ghế nệm sâu. Họ đã vào phòng. Tôi ngồi đó một mình
yên lặng, mường tượng thấy vòm trời như đầy sao lóng lánh những tia chớp màu vàng.

Buổi sáng tôi thức dậy thật sớm, nhưng trong nhà không còn ai. Bà vợ đến trường mẫu giáo và người chồng thì còn ngủ trong phòng. Tôi nói với chị người làm đừng chờ cơm trưa. Chị người làm nói bà chiều mới về. Tôi có một chút áy náy suốt trong lúc thay áo cho đến khi ra đường. Gọi xe đến Ty nhận việc, rất may mắn được nhận dạy ngay tại trường tỉnh. Ngày đầu tiên tôi liên lạc được với người bạn gái độc nhứt ở đây, dù không mấy thân nhưng còn có chút phao để bấu víu. Buổi chiều về nhà tôi vào phòng bà để cám ơn và nói với bà tôi ra ở chung với cô bạn như đã thưa qua với bà trước đây.

Bà dòm sâu vào mắt tôi :
- Tôi không để em đi đâu, ít ra em phải giúp tôi một tay giữ ngôi trường mẫu giáo của tôi chứ.
Sự khẩn khoản của bà ta tôi đành ở lại. Ngày ngày đến trường học buổi sáng, chiều về lo sổ sách thâu xuất tiền nong cho bà ta. Coi như tạm yên thân trong lúc chân ướt chân ráo đến nơi nầy. Bây giờ tôi mới biết hình như người chồng là một ông tai to mặt lớn mới được thuyên chuyển về làm việc tại quê nhà do sự chạy chọt của bà. Những ngày ở đây tôi ít khi nói chuyện nhiều với bà ta, chỉ mỗi buổi tối trình sổ sách cho bà kiểm soát và tường trình những việc về trường sở trong ngày. Tôi đã làm việc cật lực do bản tánh siêng năng không để bà phải bận tâm đến nhiều vì vậy bà giao phó cho tôi mọi việc và thường xuyên vắng nhà, nói là đi về thành phố thăm hai đứa con gái đang nhờ bà ngoại nuôi dùm.

Ðời người là một bàn cờ sắp sẵn, thế cờ được dấu vào bên trong đầu óc của người bày trận mà tôi là một con cờ thủ thành. Tôi bâng khuâng nghĩ đến thân phận mình đang ở ngưỡng cửa cuộc đời. Người ta muốn biến cuộc đời tôi thành xí nghiệp, đánh đổi những thời gian quí báu của tôi bằng sự bù đãp một nơi ăn ở mà khỏi phải trả thêm một khoảng
tiền nào khác. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy bơ vơ và tủi thân. Tới một ngày nào tôi sẽ ở luôn đây và sẽ chết khô cằn như cuống lá.
Tôi nhớ đến ba tôi, ông thường ngồi vẽ dưới ánh nắng vàng hoe trong sân nhà. Từ ngày má tôi qua đời, ông đã không còn vẽ nữa và những ống màu cũng đã cạn khô. Không biết bây giờ ba tôi làm gì và có nhớ tới tôi đang buồn thiu nơi xa lạ nầy không ?

Chiều nay, từ trường về nhà như bao buổi chiều trước, tôi cảm thấy buồn bã lạ lùng, để nguyên cả giầy và áo quần nằm sấp xuống mặt nệm cho đến khi chị người làm mời ra ăn cơm. Thức ăn đã dọn sẵn trên bàn từ lâu. Nhưng chỉ có một chén đũa. Tôi hỏi, chị người làm nói bà đã đi vắng và ông thì
cũng chưa về. Quen như lệ thường, tôi ngồi vào bàn ăn vội vã một mình và ra phòng khách uống trà. Trở về phòng, cơn buồn ngủ từ đâu ập tới như phong ba bão táp kéo về một
hướng. Dường như tôi đã bị thuốc mê và thuốc đang ngấm lần vào cơ thể. Trong cơn say ngủ tôi mơ hồ thấy khuôn mặt của một người đàn ông cúi gần xuống khuôn mặt tôi bây giờ
đã vô tri gỗ đá không thể nào vùng lên, thể phách rã rời buông xuôi cho cơn mê chất ngất. Không biết bao lâu sau, trong đêm tối tôi bị bà ta dựng dậy với những tát tay tới tấp, hung bạo. Tôi bàng hoàng chưa ra khỏi cơn mê thì
những trận đòn khác bằng cán chổi lông gà giáng xuống người như sét đánh. Bây giờ tôi hiểu ra bởi trên người tôi không còn một mảnh vải che thân. Răng trên cắn môi dưới, tôi ghìm tiếng khóc nói với bà ta:
-Việc này tôi hoàn toàn vô tội.

Bên ngoài cơn mưa dữ dội đã biến thành bão lớn. Những cành cây chuyển mình răng rắc trên mái nhà, gió xoắn từng cơn quật xuống khu vườn nhà tan tác. Trong tiếng nước chảy ào ào lẫn với tiếng gió thét gào tôi nghe văng vẳng tiếng chửi the thé và tiếng nguyền rủa của bà ta trong khi con dao phay trên tay bà chặt chan chát vô tảng đá kê dưới một cái chưn cột nhà:
-Tao nguyền trên đá là đời mầy sẽ ế chồng tới già. Khổ sở suốt đời. Tao nguyền là nếu mầy có con thì con mầy sẽ bị tao trù dập và nó cũng không ngóc đầu lên nổi...
Tôi không sợ lời nguyền. Tôi còn quá trẻ để tin vào những lời vu vơ đó. Nhưng tôi xót xa cho nỗi đau đớn của bà, nỗi đau đớn bị phản bội. Tiếng khóc của bà thê lương quá khiến tôi quên đi cơn đau thể xác và sự thất vọng đến cùng cựa của mình. Tôi ngồi đó mắt ráo quảnh.

Sáng hôm sau, bà ta bắt buộc tôi phải xin thôi việc, đi khỏi thị xã. Bà nói không muốn thấy mặt tôi ở thị xã nầy, nếu không tôi sẽ không yên ổn được với bà. Tôi ra đi mang theo một oan tình chưa giải tỏa. Bà Chơn ơi! Không biết bao giờ tôi được minh bạch nỗi oan khiên.

 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 223

Return to top