Khi tôi lấy lại thần hồn thì trời đã sáng bảnh.
Tôi nằm cong queo. Người ta đã đẩy tối xuống dưới gầm bàn.
Bọn người đến chiếm đóng tối qua chưa có ai thức giấc. Chúng nằm chồng chất đứa này lên đứa kia trên đống quần áo chăn đệm trải ra bừa bãi ngay giữa nhà tôi và ngáy pho pho. Ánh mặt trời ban mai lấp lánh lọc qua mấy tàng lá xanh, nhảy múa bên cửa sổ. Tiếng kèn rao hàng của người bán đậu phụ nghe lanh lảnh trên đường phố. Khung cảnh sinh hoạt thường nhật mà tôi có cảm giác là một hiện thực, nay lại kết hợp với một hiện thực khác - sự hiện diện của những kẻ chiếm đóng ngạo mạn kia - đang bày ra rõ ràng trước mắt tôi và làm cho tôi sợ hãi.
Nằm chính giữa bọn chúng là gã đàn ông ăn mặc lịch sự. Hắn ta đang ngáy, đầu gối lên khuỷu tay, cái áo khoác đắp lên bụng. Phía trái của hắn, bà cụ già, người đã khoảnh mất tấm nệm giường của tôi, nằm ngủ. Cái hàm dưới đong đưa hết bên mặt tới bên trái với sự đều đặn của chiếc đồng hồ quả lắc. Bên cạnh bà ta là người đàn bà với bộ quần áo mỏng nhẹ đang nằm tênh hênh, một cánh tay và một bàn chân lấn cả vào tấm nệm của bà lão. Dưới ánh sáng ban ngày, bộ quần áo óng ánh trên thân người đàn bà trông thật kỳ dị. Nó giống như loại y trang đặc biệt mặc trên sân khấu ôpêra dành cho diễn viên đóng vai người ngoại quốc đến từ một nước nào không rõ. Áo màu xanh lục, xếp thành nhiều nếp và có những dải hồng buông lơi không theo một thứ tự nào cả. Nó giống như miếng da cá được đánh vảy một cách vụng về. Gấu váy bà ta vén lên cao làm tôi nghĩ nó được cố tình để hớ hênh nên cảm thấy xốn xang khó chịu. Bên phải gã đàn ông ăn mặc lịch sự, hai cậu con cả và con thứ, đầu như muốn lọt tỏm vào bụng bố, đang nằm mặt đối mặt và đua nhau kéo gỗ. Mỗi lần tiếng thở cất lên là mớ tóc của người đối diện lại rung rinh. Dưới chân ông bố, cô con gái khoảng trên dưới mười bảy tuổi của hắn, tóc thắt bím, người gấp lại thành hình thước thợ, đang ôm đứa bé sơ sinh mà ngủ. Mặt của cô ta trông khá xinh. Phía trên đầu ông bố, nghĩa là ngay trước cái bàn tôi bị đẩy vào dưới gầm, cậu trai và cô gái, cả hai với vẻ tinh nghịch, đang nằm sấp mặt, đầu đối đầu trong một tư thế khá rắc rối. Cậu con trai chắc đang nằm mơ thấy mình đang chạy nên đôi lúc cổ chân vung lên như bị điện giật. Cô gái thì miệng cứ cục cựa như đang lẩm bẩm, kiểu này coi bộ cô ta ăn nói đáo để phải biết.
Tôi đưa mắt nhìn căn phòng một lần nữa. "Không, đây không phải là một giấc mơ", trong bụng tôi thầm nghĩ và khi vừa rầu rĩ lò mò bò ra khỏi gầm bàn thì đã cảm thấy toàn thân mình kêu răng rắc như những thanh tre bị bẻ đôi. Nghe tiếng động, người đàn bà đưa chân đá vào hông bà lão làm bà ta vội vã trở mình quay lại, nhưng may là cả bọn không ai bị đánh thức cả.
Tay bấu chặt cái lưng quần đang chực rơi vì vẫn chưa đeo thắt lưng, tôi cảm thấy trơ trọi như một chiếc đũa lẻ của một đôi đũa dùng xong vứt đi, khép nép vào đứng một góc phòng. Bất chợt cơn giận từ đâu tràn đến: "Đây là căn buồng của mình. Không thể nào để chúng nó muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Không tức sao được! Đáng lý ra mình phải vùng lên và tống cổ bọn chúng ra ngay từ đầu". Càng nghĩ ngợi, tôi càng thấy đó là một việc hiển nhiên, thế nhưng cùng lúc, hình ảnh bị ăn đòn tối hôm qua đã để lại trong đầu tôi một ấn tượng khiếp đảm. "Thế thì phải giải quyết vấn đề này một cách hợp pháp. Chắc chắn không ai chịu im lặng trước hành vi ngang ngược và trái với đạo lý thông thường như thế này. Xã hội có qui ước của nó chứ!"
Tôi chuẩn bị đi ra khỏi căn phòng không cho ai hay biết. Vừa lấy cái áo khoác móc trên tường xuống, tôi chợt nhận ra sợi thắt lưng mình tìm mãi không thấy đang mắc trên đó. Luồn tay qua ống tay áo xong, tôi kiểm điểm đồ vật bên trong các túi mới thấy cái ví của mình đã không cánh mà bay. Cả cái bật lửa, tẩu thuốc lẫn bọc thuốc lá rời cũng biến đi đâu. Cái thẻ để đi xe hàng tháng vẫn còn đó nhưng ảnh của S (cô bồ của tôi) và mấy tấm vé cơm vẫn quen kẹp vào một nơi thì đã mất dạng. Vật còn sót lại nguyên vẹn chăng chỉ là một mẩu bút chì gãy và quyển sổ tay.
Tôi hơi chưng hửng nhưng thực tình điều đó có gì đáng để tôi ngạc nhiên đâu! Dầu sao tôi cũng muốn đi ra để hít thở không khí của cuộc đời hãy còn biết nghĩa lý của bên ngoài và cũng để thủng thẳng suy nghĩ tìm mưu đối phó. Sau khi men theo bức tường đi lần ra, tôi rón rén tiến được đến cánh cửa ra vào. Thế nhưng khi vừa hết phập phồng vì ngỡ mình đã thoát hiểm, một bàn tay từ đằng sau bỗng đặt nhẹ nhàng lên vai tôi. Đó là bàn tay của cô con gái có khuôn mặt xinh xắn. Cô nhìn quanh với vẻ lo lắng rồi ghé mặt sát bên tôi thì thầm, hơi thở của cô thoang thoảng mùi sữa:
- Này, em khuyên anh thực tình. Trong lúc cả nhà chưa thức giấc, hãy chịu khó đun nước pha trà đi. Nếu được thì sửa soạn cơm sáng luôn thể. Mấy ông anh của em, sáng nào họ cũng dễ phát cáu. Nếu không bằng lòng, thế nào họ cũng triệu tập một cuộc họp và đặt anh vào một tình huống bất lợi cho coi!"
Kiểu đó thì tôi còn biết ăn nói làm sao nữa! Không trả lời cô ta, và vẫn cầm đôi giày trên tay (tôi hạ nó xuống, định xỏ vào chân nhưng nữa chừng lại đổi ý), nhẹ nhàng mở cánh cửa rồi bước ra bên ngoài. Giọng thì thào của cô bé như muốn đuổi theo tôi:
- Giày và quần áo là đồ em cho anh mượn tạm thôi đấy. Hôm qua, sau khi anh đi ngủ rồi, một phiên họp được triệu tập và mọi người đã ra quyết định như thế.
Cô chặn cánh cửa đang muốn đóng sập lại và nói tiếp:
- Giữ kín chuyện em thông tin cho anh nhé. Họ biết được sẽ nổi giận mắng em đó. Em thì em hiểu hoàn cảnh anh. Em có cảm tình với anh.
Người con gái chỉ gửi đến tôi một nụ cười qua ánh mắt rồi lật đật trở vào phía cuối phòng.
Bước được ra đến bên ngoài, điều tôi nghĩ trước tiên là phải tìm người để vấn kế về chuyện này. Cùng lúc, ý tưởng đó đưa tôi đến chỗ vô cùng hối hận về lối sống của mình từ trước đến nay. Bây giờ mới đâm ra tiếc hận: Phải chi mình biết giao hảo thân thiện với bạn láng giềng ở các căn hộ chung quanh. Có ai có thể chia sẻ nỗi niềm của mình đâu. Chẳng những thế, mình còn trở thành trò cười cho họ nữa.
Thận trọng từng bước một, tôi rón rén ra đến phía trước khu nhà xí, lúc đó mới xỏ được chân vào đôi giày. Xả xong cái bầu tâm sự, tôi đến bên bồn rửa mặt, khỏa nước rồi quệt ống tay áo sơ-mi chùi mặt, lúc đó mới sảng khoái đôi chút. Trong người tôi, sự can đảm như được nhóm bùng lên và tôi hạ quyết tâm:
-Được rồi, để mình đi báo mụ quản gia xem sao.
Phải nói đây là một quyết tâm vô cùng to lớn. Lý do người mà tôi sắp đi kể khổ và mong được sự ủng hộ đồng tình là cái mụ quản gia to tướng như con khỉ độc, mặt mũi ngu ngơ khờ khệch, tham lam thì gấp đôi người thường, miệng mồn đanh đá mỗi bận đi thúc tiền mướn nhà. Con người ấy, mỗi khi hình dung ra, tôi chỉ thấy đó là một kẻ địch mà mình chưa bao giờ có gan chạm trán.
Mụ quản gia lúc đó đang chống cùi chỏ trên thành cửa sổ nhìn ra mặt đường, phì phèo ống điếu cầm trên tay theo nhịp chương trình tập thể dục mà máy ra-đi-ô bắt đầu phát thanh ra rả. Đôi mắt ti hí nhiều lòng trắng của mụ liếc xéo một cách hằn học về phía mấy bà nội trợ đang tụ tập bên cạnh vòi nước máy công cộng. Thấy tôi tiến tới, mụ chẳng thèm động đậy, chỉ ném vòng quanh người tôi một tia nhìn lạnh lùng. Mỗi khi đôi môi ngậm ống điếu hé ra, tôi có cảm tưởng trên đó có những đường xếp nếp màu tím nhạt, và khóe miệng mụ như muốn lay động để chuẩn bị bật ra một âm thanh kiểu như "Tiền nhà đâu?". Tôi nghĩ mình phải ra tay trước nên vội vàng tiến đến gần, cúi đầu chào và nở một nụ cười mà chính tôi cũng không thấy có hiệu quả bao lăm:
- Thưa thím, tôi có một chuyện nhờ thím giúp cho.
Nghe tôi nói, cặp môi của mụ căng ra và run lên bần bật làm tôi đâm hoảng, vội cụp vòi:
- Dạ, hôm qua, hôm qua, có một bọn hết sức kỳ cục...
Thế rồi tôi đem nguyên những chuyện xảy ra tối qua kể ra một hơi. Nghe xong, mụ quản gia chỉ gõ ống điếu nghe một cái cộp rồi ngoảnh mặt nhìn ngoái lại:
- Cha mẹ ơi, ông nói cái chi chi, tui chẳng hiểu ất giáp gì hết.
- Khó khăn gì đâu mà thím không hiểu! Chỉ xin thím chứng minh cho bọn đó biết căn hộ số 10 thuộc về tôi thôi mà.
- Tui đâu cần biết căn hộ nào thuộc về ai đâu. Ở đây chỉ cho người nào trả tiền nhà sòng phẳng mướn phòng thôi hè. Hể trả đủ tiền thì dầu người đó là ai, tôi không cần biết.
- Nhưng mà cái việc trả tiền nhà nó phải đi đôi với quyền được cư trú chứ. Nay tôi là người trả tiền mướn căn hộ số 10 đó, cớ sao có những kẻ cha căng chú kiết đâu đâu không liên hệ với tôi lại có quyền xông vào chiếm đóng như thế?
- Quyền với chẳng quyền. Người mướn nhà làm gì cứ việc tự do, điều đó chẳng dính líu tới tui. Nói ngắn gọn cho ông dễ hiểu: căn hộ đó há, tụi tui không cho người mướn mà cho tiền mướn.
Mụ quản gia ngẩng đầu lên nguýt tôi một cái dài rồi tiếp tục:
- Thôi đừng bày đặt chuyện nọ kia. Hình như ông còn thiếu tiền nhà tháng này đó nghe. Để đầu óc thanh thản kiếm cách thanh toán nó đi ông ơi!
Khi xuống dưới nhà gặp mụ, tôi đã nghĩ sự việc sẽ không dễ dàng nhưng đầu ngờ bị đối xử một cách thô bạo như vậy. Chưng hửng, định đi ra ngoài mà rốt cuộc tôi lại đứng ngẩn ngơ trên bậc thang đá trong sân một đổi lâu, quên cả thời gian đang trôi qua.
- Ê, chào ông!
Bất chợt có ai vỗ vai và chụp lấy cánh tay tôi.
-Sao, coi bộ đang tính kế gì đó phải không cha?
Đó là cậu con thứ trong cái gia đình đã đến chiếm đóng nhà tôi. Miệng cậu ta ngậm cái bàn chải đánh răng của tôi mới toanh vừa mua về, quanh miệng bọt còn trắng hếu. Vừa lúc đó thì bà góa tướng dâm dật ở căn hộ số 3 cũng đang cầm cái quạt hỏa lò tình cờ đi tới.
- Dạ, chào bà!
Cậu ta bèn đưa cái tay đang nắm bàn chải đánh răng lên vẫy chào thân thiết như bạn bè quen biết lâu ngày. Bà góa cũng gửi lại một cái nhìn đầy tình ý rồi tiếp tục đi len qua giữa tôi và cậu con trai. Thế mà cậu ta hãy còn chạy theo và nắm lấy tay ả:
- Chết chưa, thuốc đánh răng dây ra cả đây. Xin lỗi nhé!
Câu ta đưa tay ra thoa nhẹ bên hông ả làm bộ phủi phủi rồi quay về phía tôi:
- Cha nội ơi, ông già ổng đang triệu tập buổi họp, liệu mà đến tham dự ngay đi!
Bà góa này từ truớc vẫn thường khi thì đưa mắt tống tình tôi, khi thì nhằm lúc không có ai ngoài hành lang, cố tình vén váy hoặc sửa lại nếp nhăn trên bí tất như muốn mời mọc. Tuy nhiên, tôi chưa hề chứng tỏ mình thiết tha gì đến ả, hay nói cho chính xác hơn, trước mặt ả, tôi chẳng có mảy may hứng thú. Vì lý do đó, cho dù chứng kiến cái cảnh đú đởn sống sượng giữa ả và tên con trai khó thương kia, tôi không hề thấy ghen tuông mà chỉ mường tượng sức mạnh toa rập của các thế lực thù địch. Khi nghĩ rằng kể từ đây chúng sẽ dùng nó để hủy hoại dần dần cuộc sống của mình, tôi không khỏi cảm thấy khó chịu.
Tôi không thèm đáp lời cậu ta và đang sửa soạn đi ra thì lại nghe hắn gọi chận tôi lại:
-Hội nghị sắp bắt đầu, không tham dự là chịu thiệt đó nghe cha. Đi nhanh lên!
Tôi phản ứng như thể muốn chống trả bằng cách nhanh chân bước ra ngoài đường nhưng nói như thế cũng không hoàn toàn đúng. Có thể là tôi chỉ bị động tác mạnh bạo của mình dẫn dắt thôi. Cuối cùng tôi bỗng quyết chí tiến phía bót công an tuy thường ngày mấy ông này không phải là hạng người tôi tin cậy cho lắm. Có lẽ vì tôi lúc đó không biết phải làm gì và rốt cuộc, cái chỗ còn sót lại mà tôi có thể đi tới là chỗ tôi ít muốn tới nhất. Nơi đó đã có hai vị nhân viên nhà nước, một trẻ một già, đang ngã lưng vào thành ghế, miệng hút thuốc với dáng điệu uể oải. Lúc tôi bắt đầu trình bày tình cảnh của tôi thì tay công an trẻ cố tình quay lưng lại để mặc kệ tôi, rồi như chợt nhớ ra điều gì, lật lật mấy trang sổ tay của mình và hý hoáy ghi chép gì vào đó. Chỉ có ông đồng nghiệp lớn tuổi hơn chịu nghe tôi trình bày nhưng với vẻ ủ dột, lâu lâu như thể khuyến khích kiểu chú cứ nói tôi nghe cho bằng cách ừ à chấm câu hoặc lắc đầu. Ông công an già ấy bảo:
- Té ra cơ sự như vậy đó? Mấy chuyện kiểu này, tụi tôi nghe đã ngấy lỗ tai. Anh cũng thấy, ờ, mà chắc anh không thấy không biết chừng, bọn tôi công chuyện ngập đầu đây nè. Chịu khó lần sau trở lại nghe, may ra lúc ấy tôi có chút thời giờ rảnh.
- Thế nhưng, thầy thông cảm cho, đối với tôi chuyện này gấp lắm, không thể chần chừ một phút được. Thầy coi, ví đựng giấy tờ bị họ tịch thu, nhà thì họ chiếm đóng, lộng hành tan hoang...
- Vé đi xe tháng còn trong tay chớ gì. Có gì cản trở việc anh đến sở làm đâu! Hơn nữa, cái trường hợp của anh, đứng ở địa vị tụi tôi, khó can thiệp lắm. Trước hết, anh nói anh không quen biết mấy người đó, điều này chỉ là chủ trương của riêng anh, chớ đã có gì làm chắc! Qua những ví dụ anh đưa ra thì tôi đã thấu hiểu lập trường của anh rồi nhưng nếu họ tự xưng là bạn bè thân thiết của anh , hỏi thử anh có bằng chứng nào trong tay để đánh đổ lập luận của họ không, hở?
- Lẽ phải và thường thức thôi cũng đủ.
- Bậy rồi, bao nhiêu đó không có ý nghĩa gì hết. Đối với chúng tôi, chỉ có chứng cứ cụ thể mới có giá trị. Anh đã thấy dù làm gì thì làm, dàn xếp câu chuyện này theo cách nào cũng đều gặp khó khăn chưa? Nếu anh cho phép tôi trình bày ý kiến cá nhân thì xin nói là tôi rất nghi ngờ khả năng mình giải quyết vấn đề. Nên thôi, đừng nổi nóng làm gì, ráng làm sao cho nó êm thắm.
Tôi chưa kịp lên tiếng đáp lời thì tay công an trẻ đã xen vào với vẻ bực dọc:
- Nếu vẫn cứ chộn rộn, chính anh sẽ mới là kẻ phạm pháp đấy nhé.
Anh ta vứt toẹt điếu thuốc lá, làm bộ đưa tay như để bắt lấy ống điện thoại nhưng bất thần quay phắt người lại, đẩy tôi ra bên ngoài.
Cứ như thế, tôi không về nhà, và tuy rằng hãy còn chưa đến giờ làm việc, đi thẳng đến sở luôn.