Trong sách "Mạnh Tử", có đến hai mươi chín chỗ trích dẫn lời của Khổng Tử, chứng tỏ Mạnh Tử sùng bái Khổng Tử gần như tuyệt đối, coi Khổng Tử là Thánh tổ, tự đặt mình vào cương vị của kẻ có sứ mạng truyền bá Khổng học. Sự thật là ở thời Mạnh Tử, phạm vi ảnh hưởng của đạo Nho vẫn còn hạn hẹp, so với Đạo gia và Mặc gia, thậm chí với Pháp gia, hãy còn đứng vào vị thế yếu kém, nhờ vào tài hùng biện và tư tưởng bén nhạy của Mạnh Tử mới đem lại cho Nho học đương thời, có được một chỗ đứng tương xứng.
Quan niệm "Đạo thống" (Đạo lý của nền văn hóa truyền thống) của nhà Nho, bắt nguồn từ lập luận "lý tưởng hóa cổ Đế của Khổng Tử. Lập luận đó có nghĩa là, Khổng Tử đưa các vị cổ Đế Nghiêu, Thuần, và Hạ Ngu vào khuôn mẫu tiêu biểu cho nhà Nho, coi chính cổ Đế là người lãnh đạo thực tiễn đạo Nho, cho nên mới tạo được cục diện thái bình thịnh trị, rất có lợi cho việc tuyên dương, truyền bá Nho học. Quan niệm "Đạo thống" trên đây, khi truyền tới tay Mạnh Tử, thì trở thành khuôn mẫu cố định của nhà Nho. Hơn nữa, khi luận về đức tính cao cả của bậc thánh chúa, vĩ nhân an bang tế thế, ngoài ba vị cổ Đế Nghiêu, Thuấn, Ngu ra, Mạnh Tử còn kê thêm vua Thang, (Chu) Văn Vương, (Chu) Võ Vương cùng với Chu Công, Khổng Tử nữa. Cũng bởi Mạnh Tử đã đem "Đạo thống" của nhà Nho, đóng khung thành "Thường Đạo" một cách máy móc, cho nên Người đã mạnh tay bác bẻ các học thuyết khác, bất chấp giá trị của họ ra sao, đều coi như dị thuyết, thậm chí là tà thuyết. Lời phê phán như vậy tuy có thiếu công bằng, nhưng cũng chứng tỏ Mạnh Tử hết sức trung thành với đạo Nho.
Điểm rất quan trọng trong luận thuyết của Mạnh Tử là, nhận định con người "Tánh bản thiện". Người bảo rằng? "Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi; tu ác chi tâm, nhân giai hữu chi; cung kính chi tâm, nhân giai hữu chi; thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi". (Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, ai cũng có lòng thẹn ác, ai cũng có lòng cung kính, ai cũng có lòng thị phi), rồi giải thích thêm rằng: "Trắc ẩn chi tâm, nhân giã; tu ác chi tâm, nghĩa giã; cung kính chi tâm, lễ giã; thị phi chi tâm, trí giã. Nhân, nghĩa, lễ, trí, phi do ngoại thước ngã giã, ngã cố hữu chi giã". (Lòng trắc ẩn đó là nhân, lòng thẹn ác đó là nghĩa, lòng cung kính đó là lễ, lòng thị phi đó là trí. Nhân, nghĩa, lễ, trí, không do bên ngoài hun đúc ta, mà là vốn đã có sẵn trong lòng ta. Sau Mạnh Tử, các nhà Nho thêm chữ "Tín" của Khổng Tử vào, gộp thành "Nhân, Nghĩa, Lê, Trí, Tín", năm đức tính căn bản của đạo Nho.
Khổng Tử nhấn mạnh chữ NHÂN, Mạnh Tử coi trọng chữ NGHĨA. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đời khinh nghèo chê hèn, Mạnh Tử cực lực chống lại bằng cách đề cao đức tính "Cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly đạo". (Dù có nghèo cũng không mất nghĩa, khi đã khá cũng giữ đúng đạo). Mạnh Tử đã nghèo suốt đời, cũng vì "Bất thất nghĩa, bất ly đạo", nhưng Mạnh Tử cũng nhờ kiên trì tâm niệm "Bất thất nghĩa, bất ly đạo" đó, mới trở thành nhân vật bất hủ. Qua những trang lịch sử, chúng ta thấy có kẻ tranh nhất thời, có kẻ giành thiên thu, khác nhau chỉ một chữ NGHĨA mà thôi.
Tư tưởng của Mạnh Tử có phần tân tiến, giầu tinh thần dân chủ hơn Khổng Tử, như khi luận về cách cư xử giữa quân thần (chúa tôi), Khổng Tử thường đặt nặng về phần bề tôi phải như thế nào, chẳng hạn: "sự quân tận lễ" (Thờ chúa phải tận trung theo lễ) và "Dĩ đạo sự quân, bất khả tắc chỉ" (Lấy đạo mà thờ chúa, nếu chẳng đạt thì thôi). Ngược lại, Mạnh Tử thiên trọng về phần quân vương nên làm sao, như câu: "Hiền quân tất cung kiệm lễ hạ". (Chúa hiền chắc chắn là người biết kính cẩn, tiết kiệm và trọng kẻ dưới). Hơn ni74a còn có ý thức dân chủ sơ bộ như câu: "Dân vi quý, quân vi khinh". Cho nên Người đã khuyến cáo bậc sĩ phu, khi "Lễ mạo suy, tắc khử chi". (Khi chúa đối với ta thiếu lễ độ, thì nên bỏ đi ngay). Như vậy là, Mạnh Tử còn "Quân tử" hơn Khổng Tử nữa. Trong thời gian Mạnh Tử Ở nước Đằng, Đằng Văn Công có hỏi: "Phải làm thế nào mới trị nước được tốt?" Thưa rằng: "Việc dân chính chớ nên trì hoãn... Đạo vì dân là, hễ (dân) có hằng sản là có hằng tâm, vô hằng sản thì vô hằng tâm. Một khi (con dân) đã không có hằng tâm, thì đâm ra phóng đãng, tà xỉ, chuyện gì mà chẳng dám làm. Chừng dân can vào tội, rồi bị hình phạt, thì còn đâu là dân lành". Tư tưởng này của Mạnh Tử rất ăn khớp với câu "Tiên phú hậu giáo" của Khổng Tử, đều chủ trương dành quyền tư hữu tài sản cho dân. Đó là vấn đề căn bản nhất trong xã hội loài người, xưa cũng như nay, mà đòi hỏi tối thiểu là "Dân dĩ thực vi thiên". (Chữ THIÊN đây là Trời, có nghĩa là cao hơn hết, quan trọng nhất. Nhưng có nhiều người hay hiểu lầm câu này ra thành "Dân dĩ thực vi tiên" TIÊN đây nghĩa là trước tiên). Khi vua Đằng hỏi ý kiến về chế độ Tĩnh điền" (Chia ruộng ra làm chín thửa như hìnhchữ "Tĩnh", cho tám hộ làm, khu chính giữa là công điền, do tám hộ hợp sức canh tác, phần thu hoạch đó thuộc về của công) của nhà Chu, thì Mạnh Tử đáp: "Chính trị nhân đức, được bát đầu từ chỗ có ranh giới... Khi ranh giới đã rõ, rồi chia lộc hưởng theo phần, là xã hội ổn định". Xem đó, mặc dầu Mạnh Tử cực lực đề xướng "Vương đạo , hy vọng có một tân chính quyền đứng lên thống nhất thiên hạ, đang lâm vào tình trạng rối ren, nhưng cũng muốn tân chính quyền đó, vẫn giữ lại phần nào chế độ cũ. Điểm này cho thấy, Mạnh Tử không bác bỏ toàn bộ lý tưởng phục hưng văn hóa nhà Chu của Khổng Tử. Nhưng chẳng may, đời sau nhóm Tống Nho ngộ nhận là, đạo Nho nhất thiết phải bảo thủ nền văn hóa truyền thống, biến họ thành những nhà trí thức "không tưởng", trước vấn đề chính trị thực tế, nên bị mang tiếng là "Hủ Nho".