Tấm lòng thành thiệt với lời nói khiêm nhường dễ gây cảm tình cho người ta, dầu cảnh đời dĩ vãng của mình có điểm nào không được đẹp, người ta cũng có thể làm lơ mà dung chế cho mình được.
Bà Hòa nhờ ông Giáo Hiệp bà biết được rõ tông tích của bà Ngọc vốn con một cự phú có sắc đẹp, có tiền nhiều mà lại lấy một ông chồng già, mặc dầu ông chồng là một tay sai trung thành của người Pháp, một cánh tay lợi hại của Sở Mật Thám Pháp là sở của chế độ thực dân tạo ra để gieo khủng khiếp trong đầu óc nhân dân; thuở nay đánh khảo đày lưu và giết chết không biết số bao nhiêu sanh mạng mà kể cho xiết. Cậu Khánh là con của một người hung bạo ấy mà cậu lại mềm mỏng nhỏ nhoi vui vẻ, dễ thương. Còn bà Ngọc là vợ của kẻ dữ tợn ấy mà bà lại tử tế hiền lành, không kiêu căng không làm mặt bà lớn. Có phải những đức tánh của mẹ con bà Ngọc như vậy đó làm cho bà Hòa quên đi địa vị tàn ác của ông Phủ Cù ngày trước, chỉ còn nhớ tánh tình cứng cỏi và sự nghiệp nguy nga của ông Cả Hớn mà thôi, nên bà mến mẹ con bà Ngọc, hay là tại bà Hòa gốc ở trong hạng nghèo khổ mà xuất thân, bây giờ bà nhờ Trời cho vợ chồng bà có cơm tiền đủ ăn lại có con gái con trai đều ham học hết, bà phỉ chí hài lòng nên bà rộng rãi với mọi người, không ghét ai không chê ai hết?
Mà cách cư xử của bà Ngọc và cậu Khánh thiệt cũng khó mà ghét hay là chê được.
Sáng bữa sau, ăn lót dạ rồi, bà Ngọc biểu con đi với bà qua thăm mấy mẹ con bà Hòa, bởi vì người ta đã đến thăm mình mà mình không đáp lại, té ra mình không biết lễ. Bịnh cũng phải ráng.
Bà Hòa đương ngồi trong nhà, thấy mẹ con bà Ngọc vô sân thì bà chưng hửng. Bà kêu Đào với Lý ra mà chỉ, rồi mấy mẹ con ra đứng trên thềm chực mà chào mừng.
Bà Ngọc đi chậm rãi, tuy mặc y phục thường như ở nhà chớ không có trang điểm, song gương mặt hiền lành lại sáng rỡ tướng đi yểu điệu lại khoan thai, người đã có sắc đẹp thiên nhiên, không tô điểm ấy là tô điểm, bởi vì vẻ đẹp của thợ trời có sẵn một ám lực thiên nhiên đủ gây mối cảm cho người, rồi nó hấp dẫn, lôi cuốn chinh phục tình yêu mạnh hơn là áo và phấn son.
Vô chưa tới thềm, không đợi chủ nhà chào bà Ngọc chúm chím cười nói: ”Trót hơn 10 năm tôi không còn thấy một chị em nào nữa hết. Trời xui khiến chị với mấy cháu về đây, chị tưởng tình lân cận, chị qua thăm tôi rồi chị còn thương thân hiu quạnh của tôi. Nên chị cho phép hai em Đào với Lý qua lại chơi với tôi đặng đời sống của tôi bớt lạnh lẽo một chút. Vì cái ơn tri ngộ ấy cho nên dầu sức khỏe suy kém tôi cũng ráng qua tạ ơn chị cho khỏi thất lễ. Ấy vậy mà cái nhà chị là cái nhà thứ nhứt tôi được hoan hỉ bước vào trong khoảng 20 năm sau nầy”.
Bà Hòa rất vui mà đáp: ”Vậy thì chánh cô đem hạnh phúc vào nhà mẹ con tôi. Mẹ con tôi chẳng những là hoan hỉ, lại còn thêm vinh diệu mà tiếp rước cô, với tấm lòng chơn thành khẩn vái cho cô khỏe mạnh đặng bà con qua lại chơi với nhau cho vui“.
Bà Hòa với mấy con niềm nở mời mẹ con bà Ngọc vào ngồi. Bà Ngọc rất thiệt tình, bà kêu Đào với Lý mà nói: ”Dì Hai với Khánh mới lót lòng rồi qua đây. Hai con ngồi nói chuyện chơi đừng có lo bánh nước gì hết. Bây giờ bên nầy với bên dì cũng như một nhà. Nếu dì có khát thì dì biểu đem nước cho dì uống, không cần phải lo“.
Thái độ của bà Ngọc càng phút càng gây thân yêu thêm hoài, không để chỗ nào trống cho cái chê hay cái ghét phát sanh ra được, bởi vậy rồi đó mẹ nói chuyện với mẹ, con nói chuyện với con, tạo ra một không khí êm ấm, thuận hòa và kéo dài cuộc vui vẻ đến gần 11 giờ mẹ con bà Ngọc mới từ mà về. Bà Hòa với mấy con phải theo đưa khách ra tới cửa rào. Đào với Lý phải hẹn buổi chiều sẽ qua chơi rồi mới trở vô được.
Từ đây, hai nhà khắn khít với nhau cũng như bà con ruột thịt. Ngày nào Đào với Lý cũng qua chơi với bà Ngọc, lần lần hết ái ngại nữa, hai cô tuông pha khi mở tủ lấy bánh mà ăn khi vô phòng kiếm sách mà đọc, cử chỉ chẳng khác nào con cháu trong nhà. Nhờ hai cô thân thiết gọi bà Ngọc bằng dì hai ngon lành, vẻ buồn của bà lần lần cũng lợt phai để cho nét tươi cười phát hiện trên mặt. Bây giờ năm bảy bữa không thấy bà Hòa qua chơi thì bổn thân bà Ngọc qua mà thăm bạn. Có khi thừa buổi chiều trời tốt, bà Ngọc qua mời bà hòa với Đào, Lý đi xe chơi với bà một vòng đặng hứng gió, bữa đi qua thương khẩu xem tàu ra vô, bữa đi vô Chợ Lớn chen trong cuộc rần rộ, bữa đi lên phía Phú Thọ, Chí Hòa thưởng thức cảnh vắng vẻ im lìm. Có bữa cũng vô Bà Chiểu rồi ghé tiệm bàn ghế cho bà Ngọc thấy cuộc buôn bán của vợ chồng bà Hòa, mà cũng cho bà Ngọc làm quen với ông Thái đặng hai đàng hiểu biết bụng nhau khỏi sanh nghi kỵ phá tan niềm hòa khí.
Cậu Hoài cũng hay lên chơi với cậu Khánh. Mà anh em hội hiệp thì thường dắt nhau qua thăm chị Đào chị Lý rồi rủ em Tòng đi chơi. Bà Hòa thấy hai cậu đều giữ lễ phép đàng hoàng nên nói chuyện chơi với Đào Lý bà không nghi ngại chi hết mà rủ Tòng đi dạo chơi bà cũng không lo sợ.
Hai nhà thân thiện khắng khít với nhau như vậy cha mẹ hai bên đều vui lòng, bà Ngọc bớt buồn nên bà hay rủ bà Hòa đi chơi mà vợ chồng ông Thái cũng mừng con đi học có bạn thân chăm nom binh vực.
Chừng khai trường cô Đào với cô Lý được qua học trường trung học Trương Vĩnh Ký học lớp thứ nhì chung 1 lớp với hai cậu Khánh và Hoài, hai chị em dặn nhau phải ráng mà học đừng để thua sút bạn trai người ta chê cười. Mấy cậu trai năm nầy có năm sáu cô gái học chung, mấy cậu cũng lo mà học cho hơn phái yếu để giữ danh dự cho nam tử.
Bữa đầu cô Đào thấy cậu Khánh cỡi xe gắn máy mà đi học, cô mời cậu đi chung xe hơi với chị em cô, chớ đi xe máy rủi trời mưa ướt hết. Khánh cám ơn, cậu nói bổn phận làm trai phải đi xe máy cho giãn gân cốt. Lại sớm mơi phải tập thể thao thường cậu phải đi sớm, nên đi chung xe không tiện. Bà thân cậu để sớp phơ ở luôn, bữa nào trời mưa thì sốp phơ sẽ lấy xe nhà đưa rước cậu.
Học được vài tuần ông Thái hỏi hai con học kịp bạn trai hay không. Hai cô nói kịp. Ông hỏi thăm sức học của Khánh, với Hoài thì hai cô nói cả hai đều học giỏi hết, cô Lý lại nói Khánh với Hoài cần tập thể thao lung lắm, ban đêm Hoài còn học Nhu đạo; các bạn đều nói Hoài giỏi Nhu đạo, nên dầu mấy anh lớn học lớp trên cũng kiêng nể Hoài. Vợ chồng Thái nghe nói như vậy càng thêm mừng, bởi vì Hoài được chúng bạn kiêng, mà Hoài kêu Đào với Lý bằng chị, vô trường chơi với nhau, thế thì có cậu nào dám động tới con mình mà sợ.
Trẻ nhỏ mắc đi học, bà Hòa với bà Ngọc ở nhà qua lại nói chuyện đời với nhau. Có bữa bà Ngọc biểu đem xe ra rồi mời bà Hòa đi xuống chợ Sài Gòn hoặc vô Chợ Lớn mua đồ. Có bữa bà Hòa rủ bà Ngọc vô Bà Chiểu mà viếng tiệm bàn ghế.
Một bữa hai bà nằm chơi với nhau, bà Hòa muốn gây cho bà Ngọc kể tung tích coi giống như chuyện ông Giáo Hiệp thuật hay không, nên bà hỏi thăm quê quán của bà nọ hồi còn nhỏ.
Bà Ngọc nghe hỏi tới việc trước thì bà buồn, bà dụ dự một chút rồi bà ngồi dậy mà nói: “Tôi gốc trên làng Bình Phước. Cha mẹ tôi sanh có một mình tôi, bởi vậy tôi không có anh chị em nào hết. Mẹ tôi lại khuất sớm, mất hồi tôi mới được mười mấy tuổi. Cha tôi làm ăn lớn có nhà cửa tử tế, có vườn, có đất trồng mía, có lò đường. Cha tôi không chịu cưới vợ khác, nói sợ mẹ ghẻ họ ăn hiếp tôi, mà có lẽ cha tôi mắc lo trồng mía làm đường có lợi to quá nên không có thì giờ rảnh mà tính tới sự chấp nối, cha con hủ hỉ với nhau, đến tôi khôn lớn mới gả tôi lấy chồng rồi mua cái nhà nầy cho vợ chồng tôi ở. Tội nghiệp cha tôi ở trển có một mình nhưng tánh ưa hoạt động nên cha tôi vui với công cuộc làm ăn rần rần không để ý tới cảnh già hiu quạnh. Cách ít năm, cha tôi mất. Nhà cửa, vườn tược, sở mía, lò đường đều bỏ hết không ai coi. Cha thằng Khánh không thể về trển ở mà tiếp tục làm công việc của cha tôi. Tôi xin trở về một mình tôi làm, ổng không chịu. Cùng thế tôi phải kêu người cháu họ của cha tôi cậy về ở nhà cha tôi, thay mặt cho tôi mà trồng mía mà làm đường, mỗi năm tính sổ lời được bao nhiêu tôi sẽ chia cho phân nửa. Đôi ba tháng cha thằng Khánh lên thăm một lần vậy thôi. Cha tôi chết, tôi buồn rầu rồi sanh bịnh, lại sợ thấy cảnh cũ tôi buồn thêm nữa nên tôi không dám đi. Khá, người bà con đó biết làm công chuyện, mà thay mặt cho tôi thì có sẵn nhà mà ở, được hưởng cây trái trong vườn, lại biết trồng mía làm đường có lợi lớn nên ảnh tận tâm lo mà làm, mỗi năm tôi chia số lời cho ảnh mấy chục ngàn, ảnh mừng quá mà tôi cũng không tiếc. Ngặt mạng số ảnh không được hưởng lâu dài nên ảnh làm được có mấy năm rồi thời cuộc lộn xộn xảy ra, nhà cửa với lò đường họ đốt phá tan hoang, cây trái trong vườn họ đốn rạp hết. Đất trồng mía cũng bỏ cho cỏ mọc, chớ còn ai đâu mà trồng. Năm kia cha thằng Khánh có nhắn anh bà con đó xuống rồi cậy ảnh về kiếm người cho mướn đất dùm, vì thời cuộc coi đã yên rồi, có lẽ trồng mía và lập lò đường lại được. Ảnh về ảnh cho mướn được một mớ đất lấy tiền đem về mướn nhơn công làm. Ảnh cũng lấy tiền lập lò đường lại rồi kế cha thằng Khánh mất. Tôi giao quyền cho ảnh lo làm. Khá, mùa rồi tôi có lợi được mười mấy ngàn. Năm nay trồng mía đã giáp đất hết, có lẽ mùa tới sẽ khá hơn“.
Bà Hòa nói:
- Đường bây giờ bán có giá quá. Nếu trồng mía được cho nhiều, đích thân mướn người làm đường dưới quyền của mình thì huê lợi lớn lắm.
- Hồi trước cha tôi làm mỗi năm lời cả trăm ngàn. Tôi yếu đuối đi đứng không tiện mà thiệt tôi buồn tôi không ham muốn làm giàu, nên tôi giao cho người ta làm. Mỗi năm có lợi bao nhiêu cũng được, miễn đủ cho tôi nuôi con ăn học vậy thôi. Tôi thầm vái Trời Phật cho tôi sống mà nuôi thằng Khánh đến khôn lớn cưới vợ cho nó rồi giao sự nghiệp của cha tôi cho nó đặng tôi yên lòng. Ngày sau nếu nó muốn làm giàu thì nó lo mà làm. Tôi mong ước có một điều là ngày tôi nhắm mắt theo ông theo bà, tôi trả dứt nợ đời không bỏ lòng thòng ở sau chút nào hết, tôi khỏi ôm ân hận theo xuống cửu tuyền vậy là đủ.
Đến chiều bà Hòa về nhà, bà nhớ câu chuyện của bà Ngọc nói thì trúng với lời ông Giáo Hiệp thuật hôm nọ. Nhưng bà Ngọc nói sơ lược, bà bỏ dẹp câu chuyện ông Phủ Cù giúp ông Cả Hớn chống với chế độ thực dân, lại cũng dấu biệt trường hợp ông Cả gả bà lấy chồng. Bà Hòa suy nghĩ rồi chắc bà Ngọc hổ phận trẻ mà lấy chồng già nên bà không chịu nói và chắc bà Ngọc bất mãn về cuộc tình duyên không được đẹp đó mà bà buồn rầu nên sanh bịnh.
Còn vài điểm khác nữa làm cho khó hiểu. Cuộc làm ăn của ông Cả Hớn có lợi to. Tại sao ổng chết rồi, rể ổng không chịu tiếp tục mà làm, lại phải giao cho người khác làm đặng họ thủ lợi, lại thủ một phần nhiều? Có phải tại gốc người ta là tay sai thực dân Pháp nên không dám lên ở cheo leo trên Bình Phước mà làm chăng? Mà với cái dĩ vãng không tốt đẹp đó, sao mấy năm hỗn độn người thoát khỏi tai hoạ đến năm rồi đây mới chết?
Đó là mấy điểm mờ mà bà Hòa muốn biết. Nhưng đó cũng là việc riêng của bà Ngọc, có lẽ vì đó mà bà Ngọc phải chịu đau khổ, không ham chức bà lớn, không tham tiền bạc nhiều bởi vậy bà Hòa không dám bươi móc ra việc kín của người ta giấu.
Đến bãi trường Tết, Khánh với Hoài tập đánh tơ-nít, lái xe hơi ban đêm. Hoài lại dạy dùm cho Khánh biết Nhu đạo.
Còn Đào với Lý nghĩ đời nay trai hay gái đều phải nên tập thể thao nên hai cô xin cha mẹ rồi mỗi buổi sáng ba chị em đi một vòng cho giãn gân cốt.
Học mãn niên khóa đó, Khánh với Hoài cũng như Đào với Lý đều được sắp theo ưu hạng nên lên lớp nhứt khỏi thi. Biết mãn năm nay sẽ bắt đầu thi tú tài, bốn trẻ đều nỗ lực học ngày học đêm. Hễ bền chí tự nhiên thành công, bởi vậy cuối năm bốn trẻ đều đậu Tú tài phần thứ nhứt.
Bà Ngọc vui mừng. Bà làm tiệc mời hết bốn trẻ vui chơi một bữa. Bà mời hết cả nhà ông bà Thái với Hòa lại cũng mời luôn vợ chồng ông Võ Quan Trứ là cha mẹ của cậu Võ Quan Hoài nữa.
Bữa sau vợ chồng ông Thái mời đãi lại tại nhà ông, cũng mời đủ hết như bữa trước.
Vợ chồng ông Võ Quan Trứ muốn đủ lễ thù tạc, ngặt tiệm buôn chật hẹp không thể đãi tại nhà được, nên vợ chồng ông cũng mời đủ hết và đặt cỗ tại một cao lầu trong Chợ Lớn.
Nhờ dịp thù tạc đó mà nhà của bà Ngọc với nhà của vợ chồng ông Thái càng khắng khít hơn nữa, hai nhà cũng như một, lại còn thân thiện thêm với vợ chồng ông Trứ, nên bà Ngọc rất vui lòng.
Vợ chồng ông Thái nhận thấy cái đà tiến thủ của nhà mình được xuôi thuận luôn luôn, thì lấy làm đắc chí, nên không cần nhớ dĩ vãng của thân sanh cậu Khánh ngày trước.
Khánh với Hoài đều ưa toán-pháp, lại nghĩ đời mới nầy là đời kỹ thuật, học môn toán pháp đắc dụng hơn, Cô Đào với cô Lý học toán cũng khá, cô Đào muốn ngày sau cô học thuốc đặng làm Bác sĩ còn cô Lý lại muốn học bào chế thuốc đặng sau làm Dược Sư. Vì vậy nên khai trường học lại cả bốn bạn trẻ đều học toán cũng còn học chung với nhau nữa.
Mẹ con bà Hòa trở vô nhà chơi cho bà Ngọc khỏi buồn. Đến xế Đào, Lý với Tòng về tắm rửa để cho mẹ ở lại.
Hai bà nằm nói chuyện chơi với nhau tới chiều bà Hòa mới về. Bà Ngọc đưa bạn ra cửa bà dặn tối làm ơn cho cô Lý qua ngủ với bà chơi cho vui, có sẵn cái phòng trên lầu có giường nệm tủ bàn đủ hết, Đào hay Lý qua ngủ đó được.
Bà Hòa nói ăn cơm rồi bà sẽ biểu Lý qua liền, đem sách qua bên nầy mà học .