Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> CHỊ ĐÀO, CHỊ LÝ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22805 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

CHỊ ĐÀO, CHỊ LÝ
Hồ Biểu Chánh

Chương 11

Trong lúc ngoài nhà lầu của bà lớn, mẹ con cậu Khánh đương vui đãi mấy bạn trẻ, Khánh với Hòa nói cách dạy dỗ bên trường Trương Vĩnh Ký cho Đào với Lý biết trước thì trong tiệm Thái Hòa, vợ chồng chủ tiệm cũng ngồi ăn với ông giáo Hiệp.
Ông chủ Thái nhắc chuyện cậu Khánh vô mời hồi nãy, ông khen cậu ôn hòa lễ phép, ông nói chừng khai trường Đào với Lý đi học có bạn như vậy dìu dắt thì ông bớt lo. Bà chủ Hòa tiếp nói lại có thêm cậu Hoài đi với Khánh hồi nãy đó, cùng học một lớp, thi đậu một lượt với Khánh, vậy thì Đào và Lý được quen thêm một người bạn học trước nữa nên hết bợ ngợ. Bà lại nhắc qua bà mẹ của Khánh, bà khen người trẻ tuổi, có sắc đẹp giàu sang mà không kiêu hãnh, tánh tình thuần hậu lời nói khiêm cung, bà không có con gái nên bà yêu Lý với Đào cứ căn dặn hai trẻ qua nhà bà chơi cho bà vui, bà coi hai trẻ như con cháu đừng ái ngại chi hết. Bà chủ Hòa còn nói rằng không biết bà đó tên gì, gốc gác ở đâu, chồng bà hồi trước là ai, làm chức gì mà tôi tớ gọi bà là “bà lớn“ mà bà biểu Tòng kêu bà là “dì Hai”.
Ông giáo Hiệp nghe bà chủ tiệm nói chuyện đó ông mới nói: “Cách mấy bữa trước có một người quen với tôi ở phía Suối Chà xuống đây mua tủ áo. Ngồi nói chuyện với tôi, người đó nói người coi vườn đất của bà Cao Thị Ngọc ở nhà lầu tại đường Testard, gần ngã tư đường Flandin. Tôi có nói ông chủ tiệm mới mua nhà ở khít một cái nhà lầu đó, ông bà biết người chủ nhà lầu là một góa phụ nhưng không hiểu là ai mà họ gọi là “bà lớn”. Tình cờ gặp dịp may tôi mới hỏi thăm. Nhờ người quen đó dẫn gốc tích cho tôi nghe tôi hiểu rồi. Bà Cao Thị Ngọc nầy là con gái của ông cả Cao Văn Hớn, hồi sanh tiền ông ở làng Bình Phước, nhà ở theo con đường từ chợ Bình Phước vô Suối Chà thuộc ngọn rạch Gò Dưa. Ông Cả Hớn hồi trước là tay cự phú ở vùng đó. Trong tỉnh Gia Định nầy ai cũng biết danh ông. Người ở vùng đó ai cũng nhờ nghề trồng mía đạp đường mà làm giàu. Nhưng người ta có đất trồng mía mỗi người có năm mười mẫu là nhiều, duy chỉ có một mình ông cả Hớn ổng làm chủ hơn hai trăm mẫu đất mía. Ông mướn bạn và mua phân tro, ổng mướn nhơn công trồng cho ổng gần một trăm mẫu mía. Còn lại bao nhiêu ổng cho những người không có đất mướn mà trồng. Ổng cho mướn giá cao mà tờ tá ổng lại buộc những người mướn đất phải bán mía cho ổng chớ không được bán cho người khác. Ổng có mía nhiều rồi ổng mới lập một lò đường lớn, rồi đạp mía làm đường tán, đường thẻ, đường khạp, đường mỡ gà đủ thứ. Ổng chịu mối với mấy chủ dựa đường ở dưới Sài gòn và Chợ Lớn họ mua về mà bán lại cho bạn hàng chở đi bán khắp lục tỉnh. Ổng dùng mía nhà và mía của tá thổ mà làm ra đường không biết bao nhiều mà kể cho xiết. Cuộc làm ăn của ổng to tát mà dễ dàng như vậy mỗi năm trừ sở phí ra rồi ổng còn lời cả chục muôn bạc. Ổng làm hơn mười năm ổng thành triệu phú, hồi đời đó trong vùng ai cũng gọi ông Cả Hớn là “vua đường“ không ai dám bì với ổng. Được thuận buồm xuôi gió, ổng thấy bước đường tương lai của ổng chớn chở; giá đường lại vùn vụt tăng lên hoài, chắc ổng sẽ giàu thêm luôn luôn rồi đây tiền bạc không biết để vào đâu cho hết“.
Ông chủ tiệm nói: “Té ra bà lớn ở nhà lầu đó là con của ông Cả Hớn hay sao? Hồi nhỏ tôi ở Lái Thiêu, tôi có nghe danh ông Cả Hớn giàu to lắm mà“.
Bà chủ tiệm nói: “Hèn chi bà Ngọc bây giờ có tiền nhiều nên bề ăn ở coi sang trọng quá“.
Ông Giáo Hiệp nói tiếp: “Cuộc làm ăn của ông cả Hớn đương phát đạt xân xẩn như vậy, nào dè bọn tư bổn Pháp dòm thấy xứ mình có đất trồng mía nhiều mà làm đường được, họ mới hợp hội hùn vốn khẩn đất trồng mía trên vùng Đức Hòa và lập nhà máy mà nấu đường cát với rượu mía để bán. Hội có thế lực mạnh nên nhà nước Pháp phải cho xáng lên đào kinh trong đất của hội đặng rút phèn trồng mía cho tốt. Hội làm ra đường cát trắng với đường mỡ gà mà bán cho người quen dùng đường thẻ, đường tán của mình thuở nay nên ít ai chịu mua đường đó, họ chê đường ít ngọt lại giá mắc. Hội thấy đường của hội sản xuất bán không chạy, hội muốn dẹp hết cả lò đường của người mình, để cho hội chiếm độc quyền làm đường mà bán, không cho người mình làm đường thẻ, đường tán nữa. Hội bàn tính với nhà nước Pháp sao đó không biết, mà nhà nước lại ra lịnh nhơn dân ai trồng mía để làm đường đều phải chở lên Đức Hòa bán chớ không được phép làm đường riêng mà bán … Mấy lò đường nhỏ của người mình đều phải dẹp hết chớ không được hoạt động nữa“.
Ông chủ nói: “Nhà nước Pháp làm cách đó chẳng khác nào giựt chén cơm của dân. Ngang quá“.
Ông Giáo nói: “Bởi vậy trong mấy tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh người mình thuở nay trồng mía nhiều bây giờ không được làm đường mía họ xôn xao dữ quá. Té ra người mình làm mọi trồng mía rồi phải chở đem dâng cho người Pháp để họ làm ra đường mà bán mắc đặng họ thủ lợi. Nhà nước thực dân Pháp làm cách nầy cũng như họ đã cấm người mình không được mở thêm ruộng muối, để cho dân phải mua muối của hội Pháp ngoài Cà Ná, lại cũng như họ ép buộc người mình trồng thuốc phải bán cho mấy hãng Pháp vấn thuốc điếu mà bán, chớ không được xắt mà bán chỗ khác“.
Bà chủ nói: “Làm như vậy nên nhơn dân oán hận đáng số quá“.
Ông Giáo nói: “Mà bán mía cho hãng người Pháp có phải dễ đâu bà. Mía đốn rồi phải mướn ghe chở lên Đức Hòa mà nạp. Người trồng ít thì chở một hai ghe không khổ cho lắm. Ngặt người có mía nhiều như ông Cả Hớn chở biết chừng nào mới hết. Vả trồng mía hễ tới mùa thì phải đốn, ở đâu cũng vậy. Nếu để quá kỳ bị nắng mía mất nước. Nếu phải đốn mía ở vựa mà chở đi lần lần, mía đốn lâu để nó hôi rượu. Khổ chưa. Đã vậy qua mùa mía tỉnh nào cũng đốn mà chở nườm nượp. Hãng chia bung họ định giá nào dân cũng phải bán, chớ chê rẻ rồi chở bán cho ai được mà chê. Mà nếu chở lên tới hãng mua liền thì cũng dễ chịu. Hãng liệu mua mỗi bữa đủ cho máy chạy mà thôi, bởi vậy ghe mía phần nhiều phải đậu mà chờ năm mười ngày mới bán được. Rồi chừng bán có ghe họ chê mía không nước hoặc hôi rượu họ không chịu mua, phải đổ hết xuống sông chèo ghe không mà về. Cái đó càng khổ hơn nữa chớ. Ở mấy tỉnh trồng mía, nhơn dân than phiền dữ quá, nhưng có lịnh của nhà nước Pháp ép buộc như vậy họ mới tiếp trồng thứ khác không thèm trồng mía nữa chớ biết làm sao.”
Ông Cả Hớn đã mất lợi lớn mà còn bị hại, ông tức giận không chịu nhịn thua. Ổng cậy Biện Tố làm đơn kêu nài. Ổng biểu chép ra ba bổn rồi ổng gom hết những người trồng mía tựa nhà, ổng đọc đơn cho họ nghe, rồi ổng biểu ký tên với ổng đặng ổng thay mặt đi hầu quan chủ tỉnh mà kêu nài. Nếu quan chủ tỉnh không chịu bãi lịnh cấm mà để cho dân thong thả trồng mía làm đường như cũ thì ổng sẽ ra Tòa kiện, dầu phải tốn hao mấy ngàn mấy muôn ổng cũng chịu hết, không để cho bà con chịu đâu. Hơn 40 người trồng mía đều uất ức nên nghe ông cả nói như vậy ai cũng hăng hái ký tên hoặc lăn tay vào đơn đặng ổng đi kêu nài dùm.
Ông cả xuống chợ Bà Chiểu hầu quan Tham biện chủ tỉnh Gia Định mà đưa đơn. Quan Tham Biện nói đó là lịnh của quan trên dạy ông phải thi hành, bởi vậy ông không có quyền bãi bỏ. Ông lại cắt nghĩa rằng đường của người Việt làm dơ dáy bán cho dân ăn sợ sanh bịnh. Hãng lập ra có máy làm đường cát sạch sẽ dân ăn có đủ bảo đảm về vệ sinh, lại làm đường nhiều để bán ra ngoại quốc làm lợi cho cả nước. Ông biểu về khuyên dân trồng mía thêm cho nhiều đặng khoán trương nền kinh tế trong nước. Trồng mía có hãng bao mua cho thì có lợi quá, tại sao mà lại kêu nài. Ông Cả cắt nghĩa về sự hãng độc quyền mua nên mía không có giá, lại hãng còn làm eo sách, thiệt hại cho người bán mía, bởi vậy nếu nhà Nước không bãi bỏ lịnh ép buộc đó chắc dân uất ức sẽ thù nước Pháp. Tham Biện cười rồi kiếm cách mà trả lời với ông Cả, khuyên ông về cắt nghĩa cho dân nghe mà dạy dân lo trồng tỉa, chẳng nên nghe lời kẻ háo loạn xúi giục rồi kêu nài bậy bạ mà ở tù bị tội.
Ông Cả nghe lời hăm he ông càng thêm tức nên ra khỏi Tòa Bố ông không chịu về, ông ra Sài Gòn đến phòng một trạng sư người Pháp, đưa một bổn đơn cho trạng sư xem và cậy làm đơn mà kiện vụ nầy ra Tòa, đặng Tòa lấy luật công chánh mà phân xử cho dân ở thôn quê nhờ, trạng sư dạy thông ngôn dịch lá đơn cho ổng nghe rồi ổng nói việc nầy thuộc về huấn lịnh của nhà cầm quyền hành chánh, Tòa Hộ cũng như Tòa Hình không có thẩm quyền mà phân xử được. Nếu ông Cả muốn cậy ông giúp mà kêu nài đặng hủy bỏ luật lệ bất công hà hiếp nông dân mà làm lợi “nhà tư bổn“ thì ông sẽ tận lực mà giúp cho. Ông sẽ dắt ông Cả đến ra mắt quan Thống đốc, ông Cả kể các điều thiệt hại của nông dân trồng mía cực khổ, lại tốn hao nhiều lại bán mất giá, có mía mà không được làm ra đường mà bán, lại để cho hãng làm đường bán mắc đặng thủ lợi to, rồi ông sẽ tiếp mà cắt nghĩa thêm rành rẽ cho quan Thống Đốc thấy chỗ bất công coi người nói lẽ nào rồi ông sẽ làm đơn nữa, ông dùng lý lẽ nhơn đạo, ông dùng thuyết chánh trị khéo léo mà công kích chế dộ thực dân. Ông Cả nghe luật sư nói cứng cỏi thì ông khoái chí ông chịu cậy ông Trạng sư giúp ông cãi với quan Thống đốc. Ông hỏi Trạng sư định tiền công bao nhiêu.
Trạng sư nói 2 ngàn, ông lấy bạc mà đóng liền. Trạng sư cũng khoái nên dùng dây thép nói kêu văn phòng Thống đốc mà xin định ngày giờ cho ông dắt thân chủ của ông đến ra mắt đặng bày tỏ nỗi khổ của nông dân về luật lệ mới qui định cuộc trồng mía làm đường. Người ta trả lời chiều bữa sau 4 giờ thì lại được.
Trạng sư biểu ông Cả về rồi bữa sau lối 2 giờ rưỡi ra đặng ông dắt đi.
Ông Cả Hớn về thuật chuyện ông đi kêu nài cho mấy người ở gần nghe. Biện Tố là người viết đơn cho ông, anh có 7 mẫu đất mía anh có ký tên trong đơn, nên anh xin ông cho anh theo đặng anh tiếp với ông mà kêu nài cho mạnh mẽ hơn.
Chiều bữa sau ông cả Hớn với Biện Tố khăn đen áo dài đàng hoàng ra hiệp với Trạng sư mà đi kêu nài. Ông Cả ỷ có Trạng sư theo ủng hộ, ông không sợ gì hết, quyết giáp mặt với chúa tể thực dân, ông sẽ trút túi oan ức của người dân Việt cho quan Pháp hiểu đám nông dân xứ nầy tuy thất thế nên bị kềm kẹp song cũng còn biết giận, cũng còn dám thù những kẻ cậy quyền cậy thế mà hà hiếp, toan lợi dụng công lao khổ của họ toan cướp giựt chén cơm của họ, chớ chẳng phải ngu hết đâu.
Thống Đốc vui vẻ tiếp rước Trạng sư với hai thân chủ, ông mời ngồi tử tế. Trạng sư nói một hồi rất lâu, ông cả với Biện Tố không biết tiếng Pháp nên không hiểu cái lẽ nào. Ông nói rồi ông dỡ cặp da lấy lá đơn kêu nài mà trao cho quan Thống Đốc. Ông Thống Đốc nhận chuông. Có một người mở cửa vô. Ông nói ít tiếng, người ấy ra rồi cách một chút có một viên quan Việt vô. Ông đưa lá đơn. Người Việt cầm vừa coi vừa nói tiếng Pháp với Thống Đốc. Thống Đốc nhã nhặn nói một hồi. Người Việt đó mới cắt nghĩa hãng đường của người Pháp lập ra chủ tâm muốn mở rộng nền kinh tế trong nước chớ không phải cói ý bóc lột nông gia, có hãng làm đường thì người trồng mía có sẵn chỗ cho mình bán mía, dân có đường sạch sẽ mà dùng và Nhà Nước được thâu thuế số đường xuất cảng, mọi người đều có lợi hết. Ông hứa ông sẽ viết thơ cho chủ hãng mà dạy hễ nông gia chở mía đến bán thì phải mua liền không nên làm khó nữa. Ông khuyên ông Cả về dạy dân cứ lo trồng mía làm phương tiện mà giữ gìn quyền lợi của dân. Vậy dân chẳng nên nghe lời xúi giục của kẻ ham quậy nước cho đục mà thả câu, nên gieo ác cảm trong lòng dân đối với nhà nước.
Ông Trạng sư nói chuyện với ông Thống Đốc một hồi nữa rồi đứng dậy dắt hai thân chủ về văn phòng của ông. Ông biểu thông ngôn khuyên hai người về nghỉ để ông lo vụ nầy cho. Ông sẽ thay mặt viết thơ mà kêu nài nếu không có hiệu quả thì ông sẽ cậy vài tờ báo chữ Pháp viết bài mà công kích chế độ thực dân và tố cáo người thay mặt cho nước Pháp cai trị xứ nầy là đệ tử của chế độ đó nên phục vụ quyền lợi của thực dân không kể quyền lợi của quần chúng.
Ông cả Hớn với Biện Tố ra về chắc ý mình sẽ đựợc thắng lợi trong vụ tranh chấp nầy.
Ông cả Hớn có mạng làm giàu to, nhưng về hào vợ con ông không được mau mắn cho lắm. Lúc đó ông chưa tới sáu mươi tuổi, mà vợ ông đã mất rồi, mất cách ba bốn năm trước để lại cho ông có một người con gái là cô Cao Thị Ngọc bây giờ ở dưới Sài Gòn đó mà thôi, chớ không có con trai. Con gái ông đã được 20-21 tuổi rồi, hồi nhỏ ông có cho cô ở học trong Nhà trắng năm sáu năm, chừng vợ mất ông mới đem con về đặng hủ hỉ với ông cho trong nhà lợt bớt cái vẻ hiu quạnh. Ít con nên ông cưng, ông sắm xe hơi để cho con đi chơi. Cô Ngọc tuy là con nhà giàu ở vườn song nhờ có học ở Nhà Trắng nhiều năm nên cô quen với nhiều bạn gái giàu sang, cô có trí thức rộng rãi, cô có giáo dục về xã hội cũng như về gia đình, chớ không phải lù mù như nhiều cô gái quê khác. Cô còn hơn bạn gái vài điểm nữa là cô có sắc đẹp diễm kiều, mà tánh nết lại ôn hòa, cử chỉ lại khiêm cung nho nhã. Có xe hơi ban đầu cô đi thăm chị em bạn dưới Sài Gòn thì sốp phơ lái xe cho cô đi. Cô tập lái xe trong ít tháng cô lái xe cũng lanh như sốp phơ rồi, nhiều khi cô đi chơi một mình không cần sốp phơ theo nữa.
Lúc sau đó có nhiều chỗ gắm ghé muốn cưới cô Ngọc. Ông Cả cứ nói con ông còn nhỏ, để thủng thẳng ông lựa người nào đó có đủ tài đủ trí mà tiếp tục giữ gìn sự nghiệp của ông rồi ông sẽ gả, không gấp gì. Con ông có một đống bạc chồng chất trong nhà, thiếu chi người ham muốn mà phải lo gả sớm.
Ông Cả đi kêu nài về sự hãng độc quyền góp mua mía bà làm đường đó, tối ông về ông thuật mọi việc cho con nghe. Cô Ngọc nghĩ có Trạng Sư giúp biện hộ cho nông dân được thong thả làm ăn, bởi vậy cô không lo chi lắm.
Cách vài tuần sau, buổi sớm mơi, ông Cả đi thăm sở mía, cô Ngọc đứng dựa cửa sổ trong buồng mà ngó ra vườn, trí lửng lơ, sắc mặt có vẽ lo lắng, nên cô buồn hiu. Tình cờ người nhà vô cho hay có khách lạ đến. Cô vội vã đi ra ngoài cửa thì thấy có một chiếc xe hơi lớn đậu ngoài lộ và có bốn năm người lạ mặt đương đi vô sân. Cô đứng chờ mà hỏi coi khách đến việc chi. Người đi đầu mặc âu phục thiệt đẹp, tuổi đã bốn mươi, tướng mạo nghiêm chỉnh đàng hoàng, khi vô tới thềm người hỏi phải nhà ông Trần Cao Hớn ở đây hay không, cô Ngọc nói phải, người ấy nói người là nhân viên Sở Mật Thám dưới Sài Gòn liên kết lên kiếm ông cả có chuyện quan hệ, cô Ngọc nói ông thân cô mới đi ra ngoài sở mía. Cô mời khách vô nhà ngồi chờ đặng cô sai người đi cho ông thân cô hay.
Người đó vô ngồi còn mấy người đi theo thì đứng ngoài cửa sổ. Thấy người nhà đi kêu công Cả thì người đó ra dấu cho một người đứng ngoài đi theo rồi hỏi Biện Tố nhà ở chỗ nào. Cô Ngọc nói ở phiá trong cách đây hai cái nhà. Người khách đó kêu một người đứng ngoài biểu đi mời Biện Tố lại đây nói chuyện.
Khách tỏ ý muốn đi xem làm đường, cô Ngọc thấy hơi lo nhưng phải dắt khách qua chỗ đạp dường cho khách xem. Biện Tố lại trước thấy cô Ngọc ở bên lò đường, đương cắt nghĩa cách thức làm đường cho khách hiểu, anh ta đi ngay lại đó. Khách hỏi Biện Tố phải anh có đi với ông cả kêu nài về sự bán mía và làm đường hay không. Biện Tố nói phải, khách biểu ông Cả về rồi sẽ nói chuyện.
Ông Cả Hớn về tới. Ông mời khách trở vô nhà. Biện Tố với cô Ngọc đi theo. Khách mới xưng mình là trưởng phòng tra vấn trong Sở mật Thám. Vì có tờ tố cáo hai ông nên phải lên rước hết hai ông xuống sở đặng hỏi và lấy khai.
Ông Cả nóng giận nên ông nói lớn: “Thuở nay bọn nông dân chúng tôi làm ăn thong thả, không bao giờ dám phạm phép nước. Người ta ỷ quyền ỷ thế muốn cướp giựt chén cơm của chúng tôi nên chúng tôi mới đi kêu nài. Đi đâu thì đi, dầu lên tới trời chúng tôi cũng khai ngay ra như vậy chúng tôi có sợ gì đâu“.
Người khách cười và khuyên ông ra xe mà đi xuống Sở Mật Thám rồi sẽ nói chuyện.
Ông Cả đưa chìa khóa cho con, biểu mở tủ lấy cái bóp với áo dài cho ông. Ông bỏ bóp vào túi rồi bận áo. Ông dặn cô Ngọc cất chìa khóa và ở nhà coi nhà rồi ông cùng với Biện Tố ra xe hơi mà đi với khách.
Ông chủ tiệm nói:“Ông Cả với Biện Tố bị Sở Mật Thám bắt chớ gì!”.
Ông Giáo nói:“Phải, bắt giam hơn nửa tháng, người quen với tôi cũng có ruộng mía nên thuật tỉ mỉ cho tôi nghe đủ hết. Ông nói chừng ông Cả về thuật lại mới biết người lên nhà bắt ông đó là ông Phủ Tạ Tấn Cù, một nhơn viên cao cấp của Sở Mật Thám Pháp, ông giúp sức cho sở đắc lực, lập nhiều công lớn nên nhà nước ban cho ổng chức phủ hàm, chớ ổng không phải Phủ thiệt thọ trong ngạch Huyện Phủ. Tuy vậy mà ông Cả Hớn nhờ ổng lắm“.
Bà Chủ nói: “Chắc ông Cả gả con cho ông Phủ đó, nên bây giờ cô Ngọc trong nhà lầu đó mới được người trong nhà gọi là bà lớn“.
Ông Giáo nói: “Bà đoán trúng. Nhưng để thủng thẳng tôi nói hết cho ông bà hiểu. Những người trồng mía có đứng tên trong đơn kêu nài họ hay ông cả với Biện Tố bị Sở Mật Thám bắt thì họ xanh mặt, sợ cũng sẽ bị bắt nữa. Cô Ngọc chờ đến chiều không thấy cha về, đến sáng cũng không có. Cô nóng nảy biểu sốp phơ đem xe ra đặng cô đi Sài Gòn. Cô đến phòng Trạng sư mà nói cho ông hay sớm mơi hôm qua Sở Mật Thám có sai người lên nhà bắt ông Cả với Biện Tố chở đi đến sáng nay cũng chưa thả về.
Trạng Sư ngạc nhiên. Ông quay dây thép nói mà kêu Sở Mật Thám, ông hỏi thăm cụ Cả Hớn là thân chủ của ông, rồi ông nổi giận ông nói với cô Ngọc rằng bọn cá mập bóc lột dân cần lao, dân ngước mặt lên mà phản kháng, bây giờ chúng nó kiếm cớ cáo ông Cả làm đầu xúi dân nghịch nhà nước. Chúng nó tra vấn muốn buộc ông về tội khuấy cuộc trị an. Làm Trạng Sư, lúc Mật Thám tra xét ông không có quyền can. Vậy cô cứ về nghỉ, đừng sợ chi hết. Chừng họ giải ông Cả qua Biện Lý ông sẽ ứng trực mà biện hộ mạnh mẽ cho ông Cả. Ông sẽ viết báo mà kể tội ác của chế độ thực dân ở xứ nầy cho hoàn cầu biết.
Tuy trạng Sư nói cứng song cô Ngọc về nhà cô lo sợ đêm ngày ăn ngủ không được. Mấy người đứng đơn với ông Cả họ càng sợ hơn. Có người nhát quá giao đám mía cho vợ coi chừng họ đi bậy mà ẩn mặt cho khỏi bị bắt. Mà mấy người làm gan mà ở nhà thì họ sợ bị tình nghi nên không dám léo đến nhà ông cả mà hỏi thăm. Còn cô Ngọc ngày nào cô cũng có xuống dưới Sài Gòn mà lóng nghe tin tức cha. Đôi ba bữa cô ghé thăm ông Trạng Sư một lần, lần nào ông cũng khuyên cô an lòng để mặc ông lo cho. Ông vận động nên nhựt báo Pháp văn bắt đầu nói tới vụ đó. Một bữa cô bạo gan đi ngay vô Sở Mật Thám tìm ông lên bắt cha cô hôm nọ mà xin phép thăm cha cô. Ông Phủ Cù niềm nở tiếp rước nhưng ông dùng lời nhã nhặn mà nói vì ông Cả bị cáo về tội làm quốc sự nên ông không dám vị tình mà cho cô thăm được. Ông lại nói nhỏ cho cô nghe rằng riêng về ý ông thì ông biết ông Cả là người ngay thẳng, ổng ưa làm ăn chớ không ưa bạo động. Ổng sẽ tận tâm kiếm kế mà cứu giùm ông Cả cho cô. Ông khuyên cô yên tâm coi nhà và nhắc tôi tớ săn sóc mấy sở mía. Việc nầy cô phú cho ông tự lo cho, cô đừng sợ đừng buồn chi hết.
Cô Ngọc cám ơn rồi ra về, trong lòng bớt lo. Cách mười bữa sau, ông cả mướn lô ca xông mà về với Biện Tố. Cô Ngọc mừng hết sức. Mấy người trồng mía với bà con lối xóm đều tựu lại mừng ông. Người ta hỏi việc đó đã xong hay chưa, thì ông Cả nói nhờ ông Phủ Cù che chở mọi bề nên ông mới về được. Nhưng việc nầy cũng còn lòng vòng chưa xong.
Cách ít bữa ông Phủ Cù lái xe một mình lên thăm ông cả Hớn lúc gần tối và mời ông Cả đi xuống Chợ Lớn ăn cơm với ông đặng bàn tính công việc riêng. Cô Ngọc đã quen với ông Phủ, lại nghe cha nói ổng là người ơn, bởi vậy cô niềm nở lo trà nước mà đãi khách. Ông Cả đi với ông Phủ quá 12 giờ khuya xe mới đưa về.
Bữa khác ông Cả mời ông Phủ lên nhà ăn cơm với ông rồi hai người rù rì nói chuyện với nhau đến khuya ông Phủ mới về.
Cô Ngọc dòm thấy cha thân mật với ông Phủ Cù là một nhơn viên có thinh thế lớn trong Sở Mật Thám Pháp thì cô hết lo nữa. Một bữa cô thỏ thẻ thưa với cha rằng, vì hôm trước cha bị việc rắc rối làm cho cô rầu lo nên cô bịnh. Nay có một bạn gái dưới Sài Gòn muốn đi Đà lạt ở dưỡng sức ít tháng nên rủ cô đi nghỉ đặng có chị em cho vui. Cô muốn xin cha cho cô đi nghỉ đặng có bạn. Ông Cả sẵn lòng cho phép con đi nghỉ để ông ở nhà ông lo làm ăn cho xong. Ông biểu con lấy năm mười ngàn mà đi chơi, muốn ở bao lâu tùy ý song mỗi tuần gởi thơ về cho ông biết tin tức vậy thôi.
Cô Ngọc đi rồi, thiệt mỗi tuần cô có gởi thơ về thăm cha. Cô nói may hôm đi cô có đem hờ theo 10 ngàn đồng nên cô kiếm mướn được một biệt thự nhỏ mà đẹp, trong nhà có đủ đồ dùng chung quanh có đủ thứ hoa đua nở. Cô mướn người ở nấu ăn và dọn dẹp trong nhà, phải chỗ cho cô nghỉ mà tiếp dưỡng lắm nên cô xin cha cho phép cô ở lâu lâu.
Ông Cả trả lời biểu cô ở tới chừng nào cũng được, nếu có cần dùng tiền thêm thì cho ông hay đặng ông mua bưu phiếu gởi lên cho.
Trong lúc cô Ngọc vắng mặt ông Phủ Cù cũng vẫn tới lui bàn tính vun trồng mía và làm đường với ông Cả hoài. Được chừng một tháng ổng cho ông Cả hay ổng vận động mà giữ gìn quyền lợi cho ông cả đã có mòi xuôi thuận. Ông Cả mừng. Tháng sau ông Phủ lại cho hay nhà nước Pháp chấp thuận ý kiến của ông nên đương tính sửa đổi chế độ trồng mía và lập lò đường lại, có lẽ trong ít tháng nữa ông Cả sẽ làm ăn như hồi trước mà nhờ có nhà nước bảo đảm nên ông Cả sẽ hoạt động mạnh hơn.
Ông Cả đắc ý gởi thơ cho con hay và biểu con cứ ở trên Đà Lạt mà tiếp dưỡng sức khỏe chừng nào ông với ông Phủ Cù sắp đặt cuộc làm ăn xong hết ông gởi thơ cho hay rồi sẽ về.
Nhờ vận hội như vậy cô Ngọc mới được ở yên trên Đà lạt mà nghỉ hơn sáu tháng, rồi nhà nước Pháp qui định chế độ lò đường thế nầy: không cho phép lập lò đường mới thêm nữa, nhưng các lò đường đã có rồi trong các tỉnh thì được phép tiếp tục hoạt động như thường, chỉ buộc mỗi lò không được sản xuất đường nhiều hơn số đã sản xuất mỗi năm trước. Trong mỗi vùng trồng mía đạp đường nhà nước chọn chủ lò đường lớn hơn hết mà ủy quyền thanh tra kiểm soát mấy lò đường nhỏ không cho sản xuất đường nhiều quá số cũ. Ông Cả Cao Văn Hớn được chỉ định làm thanh tra cầm quyền kiểm soát các lò đường trong tỉnh Gia Định, cũng như ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, mỗi tỉnh đều có đặt một vị thanh tra riêng vậy. Còn trồng mía thì nông dân ai có mía nhiều chở lên Đức Hòa mà bán thì hãng sẵn lòng mua giùm cho hết, mua lẹ làng và mua đồng một giá với mấy lò đường nhỏ.
Thế thì ông cả Hớn nhờ có ông Phủ Cù vận động giúp sức nên ông tranh đấu đã đắc thắng hoàn toàn. Ông đã không mất số lợi lớn của ông. Mà còn có quyền kiểm soát các lò đường trong tỉnh nữa. Ông hân hoan cực điểm ông gởi thơ cho cô Ngọc hay rồi biểu cô về mau mau.
Cô Ngọc về tới ông gả cô cho ông Phủ Cù. Vì cô Ngọc là gái mới lớn lên, còn ông Phủ Cù đã gần năm mươi tuổi tóc đã điểm bạc tự nhiên cô dụ dự. Ông cắt nghĩa lợi hại cho cô nghe. Ông nói sự nghiệp to tác của ông ngày sau sẽ về cô hưởng hết. Cô phải có một người chồng trộng tuổi có đủ tài đủ trí như vậy mới gìn giữ sự nghiệp của ông được. Huống chi ông mang ơn Phủ Cù nặng quá, nhờ người nên ông khỏi tù tội, mà cũng khỏi mất lợi, lại được thêm oai quyền. Ông ép uổng nên cô Ngọc phải ưng. Ông gả con cho Phủ Cù, rồi mua nhà lầu ngoài Sài Gòn cho con rể ở“.
Bà chủ tiệm nói:“Té ra chồng bà hồi trước làm ông Phủ nên tôi tớ mới kêu bà là bà lớn. Lại ổng lớn tuổi hơn bà nhiều, nên ổng mới chết trước mà bà còn nheo nhẻo. Bây giờ nhờ có ông Giáo nói tôi mới hiểu. Hồi nãy tôi có biểu cậu Khánh về thưa với mẹ để tôi ở trong nầy ăn cơm rồi tôi sẽ về chơi, vậy để tôi đi về cho khỏi thất ước với người lớn và sắp nhỏ cũng khỏi trông“.
Anh sốp phơ cũng đã ăn cơm rồi, bà Hòa mới lên xe mà về. Vô nhà bà hay các con vẫn còn ở chơi bên nhà lầu, bà mới đi qua đó. Bước vô nhà thấy mấy cô cậu đương ngồi bên phòng khách uống nước đá mà nói chuyện, còn bà Ngọc thì nằm bên ván. Bà Ngọc thấy khách, bà lật đật ngồi dậy chào mừng. Bà kêu bằng chị, mời đi ngay lại bộ ván mà ngồi với bà và nói: “Từ sớm mơi tới giờ có mấy cháu qua chơi thiệt tôi vui quá. Ở gần phải có tình thân thiện với nhau, mình kết nghĩa chị em đặng qua lại chơi cho vui. Tôi có dặn mấy cháu kêu tôi bằng dì hai, chớ đừng kêu bằng bà nghe lợt lạt lắm. Tôi xin bà chị vui lòng cho phép tôi kêu bằng chị còn chị cứ kêu tôi bằng em xưng hô như vậy có tình hơn. Tôi nhỏ tuổi thì tôi làm em là phải“.
Bà Hòa chịu để sắp nhỏ kêu bà Ngọc bằng dì hai, còn phận bà thì bà xin để bà kêu bằng cô vậy thôi.
Bà Ngọc nhắc lại chuyện hồi sớm mơi, bà có xin Đào với Lý lúc nầy bãi trường mỗi bữa qua nói chuyện chơi với bà một vài giờ cho bà vui. Hai cô ái ngại sợ thiên hạ dị nghị. Bà bảo đảm gìn giữ không để cho ai thất lễ với hai cô đâu. Bà xin bà Hòa vui lòng cho phép hai cô mỗi bữa qua chơi đừng nghi ngại chi hết.
Bà Hòa biết bà Ngọc là con nhà giàu sang tử tế, lại thấy bà có tình thành thiệt yêu con bà, nên bà vui lòng cho con thong thả qua chơi.
Chủ khách thân mến vui chơi tới năm giờ chiều rồi cậu Hoài về. Bà Hòa cũng từ giã mà về với ba con, để chủ nhà nghỉ.

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 709

Return to top