Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Sàigòn ngày dài nhất

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11913 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sàigòn ngày dài nhất
Duyên Anh

Phần Phụ Lục

    NHỮNG ĐOẠN VIẾT NGẮN VỀ QUÊ HƯƠNG
(Trong vidéo Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương)
Trung Tâm Thúy Nga Paris sản xuất
 
   Thù hận dân tộc khởi sự từ cây cầu định mệnh này. Nước mắt quê hương bắt nguồn từ dòng sông oan nghiệt này. Lịch sử nào cũng có những thời của chiến tranh và những thời của hòa bình. Thời của chiến tranh mười năm vừa qua trên giang sơn gấm vóc Việt Nam. Nó vừa qua bằng những giọt lệ. Không phải là giọt lệ reo vui hòa bình mà là giọt lệ bẽ bàng phân chia tổ quốc. Một lần huyền thoại Lạc Long Quân - âu Cơ. Một lần Thập nhị sứ quân làm đau đớn ý nghĩa đồng bào. Một lần sông Gianh buồn tủi. Và, bây giờ, sông Bến Hải ô nhục. Vẫn một dòng sông biểu tượng của xa rời tình tự, của đứt khúc anh em, nhưng hôm nay, dòng sông ngầu đỏ ý thức hệ. Thù hận dân tộc có xuất xứ rõ nét bằng ý thức hệ, bằng chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ với dân tộc chúng ta. Thì mặc kệ nó thôi, cái vĩnh cửu của Việt Nam là cần thiết. Tổ tiên chúng ta đã biết ngậm thống khổ, đã can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh, đã kiên nhẫn chiến đấu cho sự tồn tại vĩnh cửu của Việt Nam. Cuối cùng, sông Gianh chỉ còn là hồi tưởng một thời ta xa nhau, một thời tình yêu héo úa, một thời hạnh phúc ngẩn ngơ. Chúng ta cũng biết ngậm thống khổ, cũng biết can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh, cũng biết kiên nhẫn xây dựng lại một miền quê hương đổ vỡ sau hòa bình què cụt. Để lấp sông Bến Hải. Để con người gần gũi con người. Để anh yêu em, nhớ em như ca dao đã dạy chúng ta yêu nhau, nhớ nhau. Thế thì miền Nam thân yêu, cái nôi đời êm ái, đã ru chúng ta niềm hy vọng, đã phả vào hồn chúng ta nỗi ước mơ làm lại quê hương, làm đẹp quê hương, làm đoàn tụ quê hương, làm rực rỡ quê hương. Chúng ta tiếp nối kinh nghiệm của tiền nhân; ý chí của tiền nhân, dũng cảm của tiền nhân, vượt lên mọi thống khổ, vượt lên mọi thù hận. Để Việt Nam mãi mãi ngạo nghễ dưới mặt trời. Và, vậy đó sự phồn vinh bắt đầu ở miền Nam, ý nghĩa rạng ngời của đời sống bắt đầu ở miền Nam. Chúng ta sáng tạo một thời yêu thương thay đổi một thời thù hận. Chúng ta bắt nòng súng nở hoa thơm ngát hương nhân ái. Chúng ta bắt đạn câm. Chúng ta bắt tạo hóa mỉm cười độ lượng. Rồi, như tiền nhân, bằng trái tim bồi hồi, xao xuyến những giấc mơ xanh; bằng những nốt nhạc nhẩy múa trên môi: "Việt Nam, Việt Nam nghe tự vào đời... Việt Nam không đòi xương máu... Tự do, công bình, bác ái muôn đời..." Chúng ta đã có miền Nam, nơi đồn trú của tình tự dân tộc, của lãng mạn dân tộc, của cao thượng dân tộc, của thi ca chan chứa tình người, của tiểu thuyết tràn trề nhân bản, của âm nhạc đưa hồn lên cao. Để tô thắm triết lý Rồng Tiên, để keo sơn cái còn vĩnh viễn của Việt Nam. Chúng ta đã quên thở dài. Chúng ta cất tiếng hát...
 
     Buồn thay, chúng ta chưa được hát no đầy giọng ca, chưa được hát đẫy đà nốt nhạc thì cây cầu định mệnh kia cựa quậy, dòng sông oan nghiệt nọ nổi sóng, thứ sóng tham vọng của chủ nghĩa cộng sản xâm lược. Những giọt nước mắt Việt Nam bắt đầu ứa ra từ miền Bắc. Rồi những giọt nước mắt chẩy dài theo tuổi nhỏ quắt queo đeo trên lưng cái hiện tại ê chề miệt mài bước đường vô định, theo dân hiền bị cưỡng bức chuyên chở đau thương mà lê chân dọc lối mòn vô vọng. Nước mắt cùng máu rướm chân không thấm vào lòng đất quê hương. Nước mắt trên vai phụ nữ dân công gồng gánh. Nước mắt lên thác xuống ghềnh. Nước mắt nhục nhằn của thân phận Việt Nam đã làm cỏ rừng xúc động, đã làm đá suối nghẹn ngào. Họ thiếu trái tim nên họ không ái ngại đất lún. Họ thiếu con mắt nên họ không thương xót trẻ thơ vác súng đạn băng rừng, vượt núi. Và họ gây chiến tranh. Súng đã nổ. Đạn cộng sản khiến ứa máu thanh bình của chúng ta. Bây giờ là nước mắt miền Nam. Nước mắt của chết chóc, của thương tích, của sợ hãi. Nước mắt của mẹ già. Nước mắt của em bé. Nước mắt của tất cả. Phải làm những giọt nước mắt ngừng chẩy. Phải ngăn chặn chiến tranh. Tuổi trẻ miền Nam giã từ gia đình đi lo việc cứu nước, giữ nước...
 
 
                          ***
 
    Tổ quốc gọi, tuổi trẻ lên đường. Vất bỏ lại những phù phiếm vật chất và chấp nhận cuộc đời gian nan. Bởi vì, đã là lính, đã tình nguyện vào nơi gió cát. Những vầng trán kiêu hãnh ngẩng cao: Danh dự, Trách nhiệm, Tổ quốc Vinh quang bao giờ cũng phải trả giá bằng nhiệt tình và lòng tự phụ. Nhiệt tình là phóng thẳng lên phía quân thù, là chỉ biết tiến không biết lùi, là chỉ biết thắng không biết bại, là thèm sống vinh và sợ chết nhục. Tự phụ là vừa chiến đấu bảo vệ non sông ngoài tiền tuyến vừa bảo vệ hạnh phúc cho đồng bào ở hậu phương.
 
    Hãy hồn nhiên, em bé! Hãy nhẩy múa, hát hò, reo vui Em đừng thèm nghĩ đến chiến tranh, em bé nhé? Chiến tranh là ác quỷ. Đã có anh diệt ác quỷ. Em bé thiên thần ơi, mãi mãi là mắt ngọc, tóc ngọc, môi ngọc, lời ngọc, hồn ngọc. Để anh nhẹ bước chiến chinh. Người lính Việt Nam cộng hòa tuyệt vời. Chẳng còn ngôn ngữ nào cao quý hơn để vinh danh lính của chúng ta, những con người biết sống, biết chiến đấu và biết chết. Hơn cả hào hùng, lính của chúng ta lãng mạn nhất loài người, chấp nhận chiến đấu cho sự sống còn của dân tộc và cả cho tình yêu của mọi người. Nói rõ rệt, lính của chúng ta chiến đấu để làm rực rỡ ý nghĩa của Cái Thật, Cái Tốt, Cái Đẹp của con người. Đó là những người lính đi chiến đấu vì con người, vì tình người, vì đạo nghĩa Việt Nam, vì tình tự Việt Nam, vì những cái tồn tại vĩnh cửu của Việt Nam. Yên vui hậu phương, đó là mềm vui của người lính sa trường, đó là lý do chắc tay súng và ngắm đúng kẻ thù. Không có thứ huy chương nào xứng đáng cho sự hy sinh của người lính Việt Nam cộng hòa cả. Chắc chắn, họ không chiến đấu vì huy chương. Lý tưởng chiến đấu của họ chỉ được nhìn thấy khi chúng ta chứng kiến họ đứng giữa biên giới sống chết. Họ sống vì cái sống của mọi người. Họ chết cũng vì cái sống của mọi người. Người lính đã quên cả sự sống lẫn sự chết của mình. Và ngay cả lúc đứng giữa biên giới của sống chết, người lính Việt Nam cộng hòa vẫn còn thừa niềm xúc động để nhỏ nước mắt xót thương đồng bào mình trong điêu linh, tang tóc của chinh chiến. Có lẽ, chúng ta đã vô tình không chịu hỏi lính của chúng ta nghĩ gì. Vậy thì anh làm ơn trả lời đồng bào anh, anh đã nghĩ gì, người lính?
 
                           ***
 
      Không, anh còn khiêm tốn lắm, người lính Việt Nam cộng hòa. Đề đồng bào anh nghĩ về anh, nghĩ về lính lãng mạn, hào hùng mà biểu tượng là người lính nhẩy dù Nguyễn Đình Bảo. Quân sử việt Nam đã trân trọng viết bằng son thắm những trang chính xác về thiên thần mũ đỏ. Chẳng thể thiếu sót tên tuổi và chiến tích vang động đất trời của chiến sĩ dù. Hơn cả chính sử, ngoại sử, huyền sử, tiểu thuyết dã sử còn đưa lính mũ đỏ vào trong những lớp sương mầu thần thoại. Hãy hỏi những con chim đậu trên giây điện xem chúng có ngậm nhạc ngợi ca Nguyễn văn Đương, Nguyễn Đình Bảo. Hãy hỏi kẻ thù xem họ có nghiêng mình trước sự dũng cảm của những người lính dù ở lại Charlie. Cho phép tôi được nhỏ một giọt nước mắt muộn màng tưởng mộ những người lính dù đã đi vào lịch sử.
 
                         ***
 
     Chiến tranh là trò chơi thô bỉ. Không ai thích chơi trò chơi của chiến tranh cả. Con người sinh ra không phải để săn đuổi giết nhau. Chúng ta không chơi chiến tranh, chúng ta chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Vì thế, nước mắt còn ứa ra tội nghiệp cho tuổi trẻ miền Bắc bị cộng sản tước đoạt linh hồn đích thật Việt Nam để nhồi nhét vào đầu óc họ cái lý tưởng phi nhân bản, phi dân tộc, cái lý tưởng giải phóng bịp bợm của chủ nghĩa mù, của chế độ điếc, của lãnh tụ ngu. Hãy nhìn những người bộ đội "sinh Bắc, tử Nam"? Hãy nhìn họ, hãy suy nghĩ về cái chết của họ, sẽ có một lời kết án nghiêm khắc chủ nghĩa cộng sản. Cộng sản cứ đẩy họ vào một chiến thắng ảo tưởng. Bộ đội miền Bắc cứ chết thảm, cứ thua nhục... Bằng súng đạn, hỏa tiễn của Liên xô, Trung quốc, cộng sản Việt Nam đã cầy nát quê hương miền Nam của người Việt Nam, đã sát hại người Việt Nam. Rõ ràng, cộng sản Việt Nam vì cái chủ nghĩa quốc tế vô sản mà phản bội quốc gia. Chính nghĩa quốc gia thuộc về chúng ta, của chúng ta. Chính nghĩa ấy đã được người lính Việt Nam thắp sáng ở khắp chiến trường. Nơi nào người lính Cộng Hòa đến, nơi ấy cộng sản thảm bại. Nơi nào cờ vàng chiến thắng tung bay, nơi ấy tự do, thanh bình, no ấm. "Việt Nam không đòi xương máu". Chúng ta đòi hòa bình để xây dựng đất nước chúng ta phồn thịnh, dân tộc chúng ta hạnh phúc, thương yêu. đoàn tụ. Nhưng cộng sản điên cuồng "thề phanh thây, uống máu" chúng ta, chúng ta cần dạy dỗ họ những bài học nhân bản, để họ trở về con người đầy đủ nhân tính, để hủy diệt thú tính của họ. Chúng ta không thèm mơ ước chiến lợi phẩm tính bằng xác T-54, bằng AK, bằng B-40. Chúng ta mơ ước những cánh đồng lúa chín, những nhà máy phun khói, những chuyến tầu đến đi, những mái trường rộn rã tiếng chim non ca hót. Chúng ta không gây chiến mà chúng ta phải tham chiến. Và vì chiến tranh, chúng ta mất mát khá nhiều. Nước mắt vẫn rơi theo máu rơi. Những giọt nước mắt cay đắng nhất vẫn là những giọt nước mắt của người vợ lính đi nhận xác chồng tử trận.
 
                       ***
 
     Đã bao nhiêu người vợ lính mắt đẫm lệ đi nhận xác chồng? Đã bao nhiêu người vợ lính tìm thấy xác chồng và chẳng biết xác chồng mình ở đâu? Tôi lại xin được nhỏ giọt nước mắt muộn màng ngưỡng mộ chinh phụ của thời đại tôi. Và không thể nào tha thứ cho cộng sản. Chủ nghĩa hèn mạt của họ, thêm một lần, chứng tỏ sự phi dân tộc của họ. Họ đã xúc phạm đến cả những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Họ đã dẫm giép râu lên phong tục, tập quán ngàn đời của người Việt Nam. Cộng sản không khước từ một cơ hội nào để bắt máu chẩy, để đòi nước mắt rơi, để chém giết. Cộng sản đem chiến tranh vào thành phố. B-40 của họ đã thụt cháy bàn thờ tổ tiên của chúng ta ngày Tết. Họ đã bắn đạn AK nát phong bao mừng tuổi trẻ thơ. Đạn tội ác của cộng sản thay pháo đốt mừng xuân. Bầy thú dữ vô thành phố. Những gì đã xảy ra? Đi hỏi thùng rác đầu đường, thùng rác cũng phẫn nộ vì bị găm đạn cộng sản. Đi hỏi con chó rên rỉ dưới chân cột đèn, con chó cũng phẫn nộ vì bị găm đạn cộng sản. Đừng hỏi người. Đừng hỏi. Hãy nhìn khói bốc mù trời thành phố. Hãy nghe đạn nổ kinh hoàng. Hãy ngắm những khuôn mặt sợ hãi. Và những giọt nước mắt đêm xuân... Và rồi sẽ có một định nghĩa về những giọt nước mắt.
 

   Đánh đâu thua đấy, càng đánh càng thua. Cộng sản đã phải trả giá chua cay cho vụ Mậu Thân đến nỗi Hồ Chí Minh phẫn mà chết. Cộng sản lại tiếp tục trả giá chua cay cho mùa hè đỏ lửa. Họ đã phiêu lưu vào chiến tranh một cách dại dột. Họ không thể ngờ họ đã phải đương đầu với anh hùng miền Nam. Mỗi người lính Cộng hòa là một hào kiệt, một tráng sĩ... Sa lầy quân sự ở chiến trường miền Nam vì tham vọng xâm lăng, cộng sản đã bóc lột đến giọt mồ hôi lao động cuối cùng của dân miền Bắc. "Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng", dân miền Bắc đã phải dân công thủy lợi phục vụ chế độ bạo tàn hơn cả nô lệ thời thực dân. Phẩm cách con người hầu như bị tước đoạt hết và quyền sống thì chẳng còn. Vì "giải phóng miền Nam" mà dân miền Bắc đói khổ, ngu dốt, lạc hậu. Bộ đội đã mượn xuống tuổi 16? 16 tuổi phải cầm súng lao vào chỗ chết. Cái ưu việt của chủ nghĩa, cái nôi của loài người, cái đỉnh cao trí tuệ cộng sản ở những chiếc xe đạp thồ đá, thồ cây...
 
                          ***
 
     Nhưng mà giọt nước mắt cho Việt Nam bẽ bàng nhất, thê lương nhất thì lại ở đây, ở ngay nước Mỹ. Những kẻ phản chiến đã để lương tri của họ ngủ vùi trong một thời mê sảng. âu châu văn minh, âu châu của công bình, bác ái đã nhắm mắt lại toa rập với những kẻ phản chiến một chiều. Buồn cho âu châu ấy, âu châu của trí tuệ âu châu biết phán xét đã quên trí tuệ cựu lục địa, bám gót bọn chăn bò Mỹ để lên án bom đạn Mỹ và giả vở không đếm xỉa hỏa tiễn Liên xô, đại bác Trung quốc. Rốt cuộc, âu châu và Hoa Kỳ đều bị đám khố rách cộng sản huyễn hoặc một cách đáng thương hại. Thế trận thay đổi bằng sự trợ giúp đắc lực của phản chiến Mỹ, báo chí Mỹ, truyền thông Mỹ và âu châu. Chúng ta khó tin sự phản tỉnh. Bởi vì, cá sấu chưa cười khi nhai nghiến con mồi. Bởi vì, nỗi khổ của dân tộc chúng ta vẫn còn sáng giá cho bọn làm dáng tiến bộ, làm dáng hòa bình...
 
                             ***
 
      Nỗi khổ của dân tộc chúng ta còn là đường rầy oan nghiệt cho chuyến tầu hữu nghị phản phúc của nước lớn nghiến nát thô bạo. Bom Mỹ, hỏa tiễn Liên xô, đại bác Trung quốc đã tàn phá đất nước chúng ta hai mươi năm. Nhân danh ai, nhân danh cái gì? Lái buôn súng đạn, phù thủy chủ nghĩa đem thân phận tổ quốc chúng ta, đem xương máu dân tộc chúng ta mua bán, đổi chác? Chẳng có gì cao quý để nhân danh cả, ngoài quyền lợi tư bản và quyền lợi cộng sản. Những tâm hồn tư bản bần tiện, những tâm hồn cộng sản bần tiện, những tâm hồn bá quyền bần tiện, bọn đấu thầu chiến tranh lại lột lưỡi đấu thầu hòa bình. Mỏ con ó cứ nhọn. Móng vuốt con gấu cứ sắc ác điểu và ác thú ôm nhau hôn, ôm nhau khiêu vũ trên bãi tha ma. Cùng với sự phản phúc của tư bản, sự bẻ gẫy lương tâm của thế giới tự do, nước mắt Việt Nam ứa ra cho một chia lìa đòi đoạn...
 
                         ***
 
     Chúng ta lại ra đi. Lần này chúng ta bỏ tổ quốc ra đi. Làm sao có thể đo được mức độ nước mắt Việt Nam tuôn rơi cho một chuyến đi não nề? Nước mắt chia lìa tình tự dân tộc, hai mươi năm trước bắt nguồn từ dòng sông Bến Hải. Bây giờ, nó bắt nguồn từ dòng sông nào? Có lẽ, người Việt Nam sẽ đặt cho dòng sông ấy một cái tên. Phải, một cái tên. Để nhớ. Để kể cho con cháu nghe. Tên nó là Phản Bội. Thế thì nước mắt chia lìa tình tự dân tộc, hai mươi năm sau, bắt nguồn từ dòng sông Phản Bội. Hai mươi năm hai lần người Việt Nam sống đời du mục, thân phận du mục của thời đại đông đầy chó sói chủ nghĩa, cá sấu ý thức hệ. Lần thứ nhất, chúng ta tỵ nạn trên quê hương chúng ta. Lần thứ hai, chúng ta tỵ nạn ở những nơi chốn nào trên trái đất? Ôi, di cư? Ôi, di tản? Di tản ê chề gấp bội di cư. Hai mươi năm, tưởng chừng mới hôm qua. Mới hôm qua 1954...
 
                          ***
 
    Người Mỹ nói "lịch sử đã sang trang ? Chúng ta phải hiểu họ chẳng còn thiết tha gì tới lý tưởng khai phóng tự do, dân chủ nữa. Con thò lò nào cũng có sáu mặt lương tâm. Và nó có thể thản nhiên cắn gẫy bất cứ thứ lương tâm nào không có lợi cho nó. Nhìn lại di cư 1954 để so sánh di tản 1975, chúng ta mới vỡ lẽ. Nước Pháp thua trận vẫn còn chinh phục được lòng biết ơn của chúng ta, vì họ đưa chúng ta vào Nam tử tế, họ xứng đáng văn minh và nhiều văn hóa. Nước Mỹ thua trận là thua hết. Họ thiếu văn hóa. Tinh thần trọc phú bần tiện Mỹ thể hiện rõ rệt ở cuộc di tản 1975 tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở sài gòn. Họ cam kết bảo vệ tự do, dân chủ miền Nam, họ đem danh dự tiệp Chủng Quốc Hoa kỳ làm lời hứa. Rồi họ phản phúc. Chúng ta thật sự hiểu lòng dạ Hoa kỳ từ lúc Gerald Ford tuyên bố: "Lịch sử đã sang trang." Sự sang trang của lịch sử hoa kỳ ngoạn mục nhất, đối với họ, là cảnh tượng người Việt Nam đi tìm tự do một mình bằng thuyền gỗ lênh đênh trên đại dương. Bây giờ, thuyền nhân Việt Nam dũng cảm hơn dân tộc Mỹ, hơn loài người. Thuyền nhân Việt Nam vinh danh Tự Do cao quý Thuyền nhân Việt Nam đã mở mắt cho thế giới hoan lạc, ích kỷ bằng những giọt nước mắt khó quên của một thời đại mê sảng. Chẳng hiểu bọn phản chiến Mỹ ngu xuẩn, tôi mọi không công cho cộng sản có dám căng mắt nhận diện thuyền nhân Việt Nam ở địa danh buồn bã Poulau Bidong, Poulau Tengah, Sikew, Palawan, Song- kla... Hãy nhìn kỹ, thế giới thiển cận và trí tuệ những kẻ lên án chiến tranh Việt Nam tại âu châu, Mỹ châu và úc châu! Hãy nhìn kỹ xem những người trải dài thân phận mình suốt cuộc chiến hai mươi năm có phải là những người hiếu chiến, có phải là những người gây chiến, có phải là tội phạm chiến tranh? Không, người Việt Nam đấy, người Việt Nam nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, của chủ nghĩa tư bản, của hỏa tiễn Liên xô, của bom đạn Hoa kỳ, của sự tráo trở, bịp bợm hèn mạt của các nước lớn đấy. Lý tưởng tự do dân chủ của Mỹ, lý tưởng cách mạng giải phóng của Liên xô đã bị người Việt Nam yêu quê hương mình tha thiết phải bỏ quê hương, bỏ sự nghiệp ngàn đời của tổ tiên để lại mà sống kiếp lưu đầy. Và những giọt nước mắt Việt Nam lưu vong ứa ra. Những giọt ngọc Việt Nam đánh dấu mốc đường oan của nhân loại. Em yêu dấu, hãy để những giọt nước mắt Việt Nam vang vọng đất trời...
 
Giọt nước mắt nhục nhằn
trên xiềng gông chung thân
Giọt nước mắt đợi chờ mòn nỗi đá ôm con
Giọt nước mắt thê lương
Giọt nước mắt quê hương
nghe buốt răng sâu, cây thù lá hờn...
Giọt nước mắt chẩy dài
theo thuyền nhân lênh đênh
Giọt nước mắt nghẹn ngào
biển ướp muối khô tim
Giọt nước mắt oan khiên
Giọt nước mốt cô đơn
ngơ ngác hỡi em quê người đảo điên
Giọt nước mắt lung linh màu nàng ngoan
hong tâm sự nát tan
mai em mình lớn khôn
ôi giọt nước mắt cho những thân phận sốt se
cho những tâm hồn tái tê
cho những con người não nề...
Giọt nước mắt tỏ tình thương ngàn xua hư vô
Giọt nước mất tội nghiệp còn thế giới hoang vu
Giọt nước mắt tâm tư
Giọt nước mắt ươm mơ
rơi xuống em ơi. xanh ngọc vàng tơ...
 
        Phải lắm, em ạ, chúng ta chẳng cần những giọt nước mắt thế giới xót thương chúng ta. Chúng ta nhỏ nước mắt xót thương chúng ta và xót thương thế giới. Anh muốn giọt nước mắt của em, giọt nước mắt thuần khiết Việt Nam của em, nhỏ xuống làm lay động cái bóng tối u mê phủ kín lương tri của loài người. Hãy khóc, em ơi, bởi vì, những giọt nước mắt sẽ làm anh em mình khônlớn, sẽ làm anh em Việt Nam mình khôn lớn. Chúng ta cần thiết khôn lớn bằng những giọt nước mắt thống khổ. Để làm lại quê hương Việt Nam mai này. Chúng ta đi không phải ở lại. Chúng ta đi để về, sẽ về, phải về. Thiên đường đích thực là quê hương chúng ta, là Việt Nam yêu dấu, chỉ là Việt Nam thôi. Mọi nơi khác đều là cõi tạm và đều trống vắng. Vậy thì, anh rất sợ nước mắt không còn long lanh trong mắt em. Khi ấy, em đã quên nỗi khổ. Và em quên nỗi khổ, anh quên nỗi khổ, anh em mình không thể trở về Việt Nam được. Thế nên, những giọt nước mắt lưu vong sẽ nhắc nhở chúng ta một thời bơ vơ trên những thiên đường lạnh buốt. Giọt nước mắt hôm qua nhỏ xuống vuốt ve nỗi khổ. Giọt nước mắt hôm nay nhỏ xuống nuôi dưỡng nỗi khổ. Chúng ta quên nỗi khổ, ta quên luôn quê hương ta, dân tộc ta. Em yêu dấu, anh muốn tâm sự:
 

Giả sử ngày mai em về Sài gòn
em sẽ mang gì cho quê hương?
Em có còn gì cho quê hương?
sau nhiều năm biệt xứ
sau nhiều năm quá khứ nhầu úa?
Giả sử ngày mai em về Sài gòn
Em có còn là em nữa không?
Em có còn ngọt ngào suối trong
Em còn thuộc ca dao,
còn giữ áo cho nhau thuở nào?
Sợ em đã quên mùi hoàng lan đêm xuân
quên hương cau, thông vàng, bụi phấn
Dậu hoàng cúc thu dạt dào nỗi mình xưa
nhớ chăng em. thềm trưa mây mưa?
ôi giả sử ngày mai em về Sài gòn
Em thành người xa lạ quê hương
Em thành người đường quen xóa bóng
Linh hồn em lạnh cóng
Em vừa hay đã mất Sài gòn
 

Thế thì những giọt nước mắt lưu vong sẽ soi sáng nỗi khổ Việt Nam, em ơi! Nỗi khổ ấy ở quê nhà, nỗi khổ ấy ở quê người. Nỗi khổ ấy chỉ hết khi những giọt nước mắt vỡ ra thắp rực một hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là ngày anh em mình hồi hương. Em, ngày mai sẽ đến. Anh em mình về Việt Nam như loài én báo hiệu mùa xuân trên khắp đất nước. Đêm đen của chủ nghĩa cộng sản tuyệt tích. Chúng ta đã xóa nó rồi.
 
                           ***
 
 Tiếng khóc Việt Nam vút lên trời. Trăng ngậm ngùi. Tiếng khóc Việt Nam phóng ra biển. Biển xao xuyến. Mẹ già nằm đó. Mẹ đợi chờ định cư mòn mỏi. Mẹ chết. Linh hồn mẹ lại vượt biển về quê hương. Đất quê hương sẽ ấm hồn mẹ. Mẹ đã đến Sài gòn bồi hồi như đêm vĩnh biệt thành phố ấy.
 
                         ***
 
 Nhưng Sài gòn ra sao? Nước mắt vẫn cần cho thành phố bất hạnh đó. Một thi sĩ viết:
 

Sài gòn trong nhà gửi nỗi buồn
Ra sân, ra ngõ trống, đời trơn
Ra phường, ra phố, ra tăm tắp
Nơi những đề lao giữa núi rừng
Sài gòn trong nhà mẹ ngóng con
Mắt sông cát lấp đã rêu cồn
Miệng thầm kinh nguyện lòng nghi hoặc
Ôi mãi cầu xin vẫn mỏi mòn
Sài gòn trong nhà vợ nhớ chồng
Nhớ khùng, nhớ dại, nhớ lung tung
Nhớ nhiều, nhớ mãi. không quên nhớ
Buổi tối tay anh bị siết còng
Sài gòn trong nhà con đợi cha
Năm sáu mùa xuân bố vắng nhà
Bao giờ bố mới về đây bố
Con lớn khôn rồi biết xót xa
Sài gòn trong nhà đầy ưu phiền
Rất hài hoà cảnh tượng chìm đen
Tủ giường. bàn ghế, nồi, xoong, chảo
Cùng với người chung một nỗi niềm
Sài gòn trong nhà vắng như tờ
Lâu lâu giọt nhỏ vọng hồn xua
Chú thạch thùng quen thôi tặc lưỡi
Và con nhện cũng chán giăng tơ
Sài gòn trong nhà, Sài gòn ơi
Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi
Hãy im lặng đến thời lên tiếng
Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời
 

Sài gòn trong nhà buồn bã, Sài gòn ngoài phố ủ ê. Khuôn mặt chính xác của phồn vinh không giả tạo của xã hội chủ nghĩa đã phơi bày rõ rệt dưới ống kính trung thực của Tây phương. Nó là phần thưởng cao quý của những kẻ đòi hòa bình tức khắc ở Việt Nam. Hòa bình rồi đó. Hòa bình lâu rồi đó. Người đổi đời sống với ma ở nghĩa địa. Người lượm từng chiếc túi ny-lông dơ bẩn rửa sạch để bán kiếm tiền mua gạo chợ đen. Hòa bình rồi đó. Thù hận khởi sự, nhân quyền bị chà đạp, nhà tù mở rộng cửa lùa con người vô tội vào. Hòa bình rồi đó, một hòa bình rỗng tuếch, đói khổ. Thiên đường bánh vẽ cộng sản lộ nguyên hình. Cách mạng cai trị bằng chính sách gạo.
 

Ngày xưa roi điện thì còn
Ngày nay roi gạo hao mòn thịt xương
 

Vẫn thứ roi gạo phũ phàng đã quất nát bao tử dân miền Bắc, lại quất ê chề bao tử dân miền Nam. Ông Hồ Chí Minh hứa hẹn: "Đánh xong giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại bằng mười năm xưa." Chẳng phải thế đâu, chẳng bao giờ có xây dựng mà chỉ có băng hoại, băng hoại đến cả tình người. Con người tưởng đã được đoàn tụ trong khốn cùng, vẫn bị cưỡng bức ra đi. Lưu đầy tại quê nhà? Đi đâu? Những miền tù ngục ngụy trang kinh tế mới. Phấn cách mạng, son giải phóng đã nham nhở trên mặt hề chế độ cộng sản. Người Việt Nam lại đi, lại đói khổ, lại lếch thếch, lại bơ vơ. Và đó là định nghĩa tự do, hạnh phúc của Việt Nam dân chủ cộng hòa biến thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những ai còn ảo tưởng cộng sản nữa đây? Hãy nghe dân gian lên tiếng:
 

Từ khi ta có Bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào...
 

Mãi mà là khó khăn, là con người oằn vai, cong lưng thay trâu bò trong một xã hội tô son khẩu hiệu "Xã hội cộng sản không còn người bóc lột người". Cái xã hội tồi tệ đó, lãnh tụ ăn đặc táo và dân chúng ăn khoai mì, ngô, gạo hẩm ròng rã ba chục năm và sẽ ngàn năm...
 

Ai sinh ra cái củ mì
Hỏi: Để làm gì? Đáp: Để mà ăn
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì
 

Con người bị nô lệ hóa, bị bóc lột tận cùng sức lao động, bị đói khổ, bệnh hoạn. Vậy mà chế độ cứ trơ trẽn khoác lác "Lao động là vinh quang". Vậy mà Tố Hữu cứ nịnh hót Hồ Chí Minh:
 
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa của em thơ, lụa tặng già
 
Sữa nào tặng em thơ? Lụa nào tặng cụ già? Cụ già nằm rên rỉ trên nền đất trong căn nhà ọp ẹp vùng kinh tế mới. Em thơ vừa nhay vú mẹ vừa khóc vì mẹ ăn khoai mì vú làm sao căng sữa? Đảng thay người bóc lột người. Và người lam lũ, khốn nạn gấp trăm lần người dưới ách thống trị thực dân, đế quốc. Người đã có cách mạng, vẫn lao động thi đua với trâu bò. Người đã bị cưỡng bức "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" tồi tệ.

Và đây là Cung Thiếu Nhi của xã hội chủ nghĩa ấy, là trường học dạy bài "trồng người" của ông Hồ Chí Minh. Ở Cung Thiếu Nhi, ở Nhà Trẻ, ở Mẫu Giáo, ở Tiểu Học cộng sản, tuổi thơ đập đá mưu sinh, đập nát hồn nhiên hoa bướm. Tuổi thơ vừa đập đá vừa hát:
 
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến
đã thành công...
 

Kháng chiến đã thành công. Và hạnh phúc của tuổi thơ là đập đá. Em bé Sài gòn ơi, ngưng đập đá một chút, được không? Người chị dân công phẫn nộ, quắc mắt diều hâu chống đối cộng sản bóc lột sức lao động ơi, ngưng phẫn nộ một chút, được không? Em gái Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt ơi, ngưng cấy lúa một chút được không? Cho tôi hỏi:

- Sài gòn vui không em?
Và chúng ta đã nghe câu trả lời:
- Sài gòn chỉ vui khi các anh về.
 
                                     ***
 
   Các anh sẽ về. Quân ta sẽ về. Súng đạn sắp theo người về giải thoát dân tộc. Chúng ta có quyền hồi tưởng những chiến thắng Pleime, Bastogne, Bình Long, Kontum, Quy Nhơn, Quảng Trị, Đồng Tháp... Chúng ta có quyền nghĩ tới ngày động đất niềm vui. Bởi vì, chúng ta ra đi chiến đấu cho tự do, không đi tìm tự do. Bởi vì, chúng ta ra đi ngậm thống khổ và còn long lanh những giọt nước mắt, không đi tìm hoan lạc và những trận cười vô nghĩa. Đau khổ làm chúng ta khôn lớn, làm hy vọng phục quốc của chúng ta mọc mầm. Nước mắt làm chúng ta không quên nhục nhằn mất nước và tưới xanh hy vọng của chúng ta. Chúng ta sẽ về như những người lính Cộng hòa năm xưa đã về thủ đô Sài gòn sau mỗi vinh quang chiến thắng. Vùng trời quê hương ta sẽ rộn ràng câu ca nhân ái:

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đáp yên vui dài lâu

Bấy giờ, em ơi, giọt nước mắt cho Việt Nam đoàn tụ, hạnh phúc, thương yêu...
 
  10-1987
 
  NHỮNG ĐOẠN VIẾT NGẮN VỀ SÀI GÒN, VỀ VIỆT NAM
(Trong vidéo Giã Biệt Sàigòn )
Trung Tâm Thúy Nga, Paris, sản xuất
 
     Còn nhớ Sài gòn không? Thành phố tóc gẫy chia ly, thành phố mắt mờ giã biệt một cuối tháng tư lạc tay thù. Còn nhớ Sài gòn không" Những tháng nhung xanh cũ, những ngày lụa đào xưa, thành phố ấy, Sài gòn yêu dấu, mặt trời thắp sáng ước mơ, ánh trăng soi rõ kỷ niệm. Mỗi vỉa hè là một giải chiêm bao. Mỗi đoạn đường là một cơn hạnh phúc. Đã thấm niềm tưởng tiếc rồi đó, sau mười năm lưu lạc. Có chỗ nào tuyệt diệu hơn Sài gòn? Thành phố ấm quanh năm. Thành phố lá tương tư nhạc gió. Những đêm mưa, bụi khói khóc hư vô. Cổ tích ướp hơi thơ. Tình ái ngát hương thu nghìn cũ. Sài gòn dệt thơ làm nắng. Giữa tim hạ đã là xuân lãng đãng huyền thoại trong lối lụa Tú Xương, trên nền gấm Huyền Trân. Chỉ cần một câu vọng cổ, đã xao xuyến hồn già. Chỉ cần bước chân giao mùa, đã xanh mắt trẻ thơ, hồng môi thiếu nữ. Ơi thiếu nữ Sài gòn, những cô gái áo dài tha thướt phố phường, những cô gái áo ngắn gọn gàng công xưởng, những cô gái đồng phục nhịp nhàng trên đường xây dựng và bảo vệ quê hương, những cô gái Việt rộn ràng tiếng trống Mê Linh, miệt mài vó ngựa Bùi thị Xuân...

Vó ngựa lại một phen tung bụi mịt mù đất nước. Chiến tranh xâm lăng từ phương Bắc tràn xuống. Như tất cả tuổi trẻ thành phố, nông thôn, những chàng trai Sài gòn xếp bút nghiên theo việc đao cung, tạm biệt phồn hoa để dấn thân bảo vệ non sông. Mỗi tấc đất quê hương ông cha gửi lại đều ký thác bằng mồ hôi, nước mắt và máu. Thì chiến đấu giành lại từng tấc đất lọt vào tay quân thù cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt và máu. Tuổi trẻ Việt Nam đã kiêu hùng, vẫn kiêu hùng, mãi mãi kiêu hùng. Sự kiêu hùng ấy đã làm nên những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa...lại làm nên những chiến thắng Bình Long, Kontum, Quảng Trị... Tuổi trẻ Sài gòn đã vinh dự đóng góp xương máu cho những trang sử đấu tranh của giống nòi...
 
                                         ***
     Trái tim dân tộc đã nhiều lần rạn nứt phân chia đòi đoạn. Hôm nay, thêm lần nữa, trái tim dân tộc rướm máu. Những sợi máu vương đây đó. Trên nỗi đau. Trên niềm nhớ. Niềm nhớ có tên và niềm nhớ không tên. Sài gòn là một niềm nhớ không tên. Có nhớ Sài gòn không? Có nhớ niềm nhớ không tên, niềm nhớ ray rứt, niềm nhớ gặm nhắm thớ thịt ta từng phút, từng giây. Có nhớ cổng trường xưa anh chờ đón em về chiều thu muộn? Có nhớ con đường cũ lá me mưa xanh mướt ái ân? Sài gòn, niềm nhớ nhung trên những vệt sọn môi, trong ánh mắt và trong hơi thở. Sài gòn, niềm nhớ nhung trong hạnh phúc và trong đau khổ. Ở tuổi non và ở tuổi già. Ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua. Ở hôm nay ta sống và ngày mai ta chết. Ở nghìn dặm kẻ chân mây mù mịt. Ở tấc gang người cuối phố đầu phường. Ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương. Ở chiều bùng binh đèn mầu phố sắc...
 
                                           ***
 
      Từ một niềm nhớ không tên, Sài gòn đã thành nỗi đau có tên. Hãy hình tưởng, Sài gòn, người tình chung của ta, lạc vào tay thù. Hoa lạc tay thù có ố gương? Khi manh áo của loài chồn tinh phủ lên tên Sài gòn, thành phố của ta bị lột da. Như chính ta bị lột da vậy. Và đó là nỗi đau mưng mủ trong mỗi trái tim chúng ta. Những con đường hoa mộng cũ, bây giờ, hằn lên những thù hận, thống khổ, thê lương, ngậm ngùi. Nụ cười hôm qua là giọt lệ hôm nay. Hy vọng hôm qua là tuyệt vọng hôm nay. Đời sống đầy rẫy những đe dọa ban ngày, những hãi hùng ban đêm. "Nếu cột đèn biết đi, cột đèn sẽ vượt biển tìm tự do". Ai đã nói giùm tâm sự cột đèn Sài gòn? Dân tộc Việt Nam hiền hòa và luôn luôn bất hạnh, nào ngờ, sau một đổi đời nghiệt ngã, lại hóa ra thuyền nhân khốn khổ lênh đênh trên mặt đại dương chập chùng hệ lụy. Đất đưa người ra biển. Biển dẫn người về đâu? Về đâu và sẽ ra sao tháng năm biệt xứ xanh xao phiền muộn. Đất đưa người ra biển nhưng đất không chia xẻ với người thảm cảnh phiêu lưu. Biển dẫn người về đâu, dẫn về đâu, biển cũng chẳng hiểu nổi sự đói khát, niềm sợ hãi của người ra khơi. Thế đó, nhân loại có từ nỗi đau rõ rệt tên tuổi của chúng ta một danh từ nạm vàng tủi nhục: Thuyền nhân...
 
    Bỏ quê hương ra đi, để lại Sài gòn héo hắt trong tay thù. Còn nhớ Sài gòn không? Nghĩ gì về Sài gòn bây giờ? Sài gòn bây giờ ra sao? Đừng hỏi mưa, hỏi nắng. Mưa và nắng cũng buồn bã trốn khỏi thành phố rồi. Hãy hỏi mẹ lang thang góc phố. Hãy hỏi cha thất thểu đầu đường. Hãy hỏi chị ngồi lê chợ trời. Hãy hỏi em chầu chực bán máu đỏ đong gạo đen. Son phấn hoàng hôn những vỉa hè cơm áo. Nước mắt đêm khuya những cay đắng phận người. Sài gòn bây giờ như vậy. Đến vỏ cây già cũng bị lột đến ngọn cao. Đến muông thú Bách Thảo cũng gầy mòn, chết đói. Vẻ kiêu sa dĩ vãng là bệ rạc hiện tại. Bàn tay ngọc thiếu nữ Sài gòn đã kềnh càng ghẻ lở vì nước phèn thủy lợi cưỡng bức. Đôi mắt xanh em nhỏ đã trắng rã vì khoai sắn triền miên. Sài gòn ra đường không áo dài. Sài gòn ra đường không cười nói, líu lo. Cúi xuống là ngục tù, trại tập trung. Nhìn lên là công an độc ác. Thời tiết Sài gòn bây giờ ngậm đầy khắc khoải. Không khí Sài gòn bây giờ dằng dặc ngậm ngùi. Sài gòn bây giờ ở trong nhà với những phiền muộn, thở dài, với những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống miếng đời buồn tênh, ngao ngán...
 
                                           ***
 
      Nhưng có phải xa Sài gòn là lên thiên đàng hạnh phúc không? Hãy hình tưởng trùng dương nổi giận vô duyên cớ nuốt gọn thuyền nhân. Hãy hình tưởng sóng gió phũ phàng vùi dập thuyền nhân. Hãy hình tưởng hải tặc tàn bạo cưỡng hiếp, giết chóc thuyền nhân. Và, sau chót, hãy nhìn thật lâu, thật kỹ ngày tháng chờ đợi phát chẩn ân huệ định cư ở các trại tỵ nạn, gọi là Quán trọ trước cổng thiên đường. Hãy nhìn rõ ràng những bước chân em bé lên ba, lên năm, trên cát bỏng oan khiên quê người. Rồi sẽ hiểu tại sao "Tôi biết tôi sẽ buồn". Chừng đó lòng hoài hương bừng bừng sống dậy, thuyền nhân ao ước một ngày về cùng Sài gòn gấm vóc ngày xưa...
 
                                        ***
     Đâu riêng gì Sài gòn phá sản hôm nay. Quê hương ta, khắp nơi, đều bị phá sản, của cải và tình nghĩa, từ lá cờ hừng hực máu thù hận tanh hôi ngạo nghễ tung bay. Hà Nội đã rạc rài hơn ba chục năm rồi. Thiên đàng của đám người ảo tưởng và phản bội chỉ là thứ thiên đàng bánh vẽ Xã hội chủ nghĩa bước giật lùi. Không còn ai chết đói mà chỉ còn những ai đói rách triền miên. Đất nghìn năm văn vật, người sống bằng tiêu chuẩn vật, vật và người đồng hóa, vật và người chung một tâm sự và bị bóc lột như nhau. Những kẻ khố rách đi giải phóng những kẻ áo lành. Rốt cuộc, Sài gòn tăm tối, đoạ đầy, thê thảm ngang hàng Hà Nội. Hãy quan sát Hà Nội, thủ đô của "phẩm cách con người", "đỉnh cao trí tuệ và tiến bộ". Hãy tìm cho Hà Nội một định nghĩa chính xác về hạnh phúc. Vậy đó, những hình ảnh sống động và đích thực của Hà Nội và đang của Sài gòn dưới mầu cờ kiêu ngạo ngu xuẩn và sắt máu căm hờn. Vinh hoa của Sài gòn đã bị đẩy ra vỉa hè. Người mẹ ngồi cau mày trong nắng sớm. Người cha đứng nhăn nhó dưới mưa chiều. Gửi gì về cho Sài gòn? Một an ủi, một mơ ước hay một hứa hẹn? Thành phố, cây cỏ, nắng mưa, chim muông, người vật, vỉa hè, góc quán, gửi gì về? Gửi gì về?
 
       Gửi gì về cho vừa đủ một quê hương bỏ lại, một quê hương chất ngất sầu đau? Gửi gì về cho ruộng đồng bát ngát, cho sông nước mênh mông? Gửi gì về cho con kinh mới đào, cho con lạch vừa khơi? Gửi gì về cho bờ xa, cho bãi rộng? Gửi gì về cho đồi thấp, cho núi cao? Gửi gì về cho rừng sâu, cho biển thẳm. Gửi gì về cho lúa vào sữa, cho heo may giải đồng? Gửi gì về cho hoa bưởi, hoa cau? Gửi gì về cho sầu riêng, măng cụt? Gửi gì về cho câu hò lan tỏa, cho điệu ru ấm nồng? Gửi gì về cho đường thơm tình tự, cho ngói đình ái ân, cho nhịp cầu thương nhớ? Gửi gì về? Gửi gì về? ôi quê hương, chỉ khi khuất xa gần như vĩnh biệt, ta mới biết tương tư mùi rơm mới, mùi khói đốt đồng, mùi hoa hèn, mùi cỏ dại. Và ta mới thấy cái đơn giản nhất, cái bình thường nhất đều đã bùi ngùi nhất trên khói sóng hoàng hôn. Không có nơi nào đẹp hơn quê hương ta. Gửi gì về? Cho gửi một mơ ước trở lại.
 
                                  ***
 
 

Mơ ước trở lại thắp sáng hồi tưởng. Và bằng hồi tưởng ta về với quê hương ta. Vùng biển ta đó. Từ cao nhìn xuống. Nha Trang cát trắng với cầu Bóng huyền thoại. Rừng đồi ta đó. Đà Lạt nên thơ. Này hồ Than Thở. Nọ rừng ái ân. Ta vào trường Võ Bị tìm lại dấu chân cũ, hình bóng xưa của những chàng trai "vốn giòng hào kiệt". Những chàng trai ấy, bây giờ, ở đâu. Hẳn nhiên, nhiều người đã "áo bào thay chiếu anh về đất", về tận lòng đất Việt Nam. Để Việt Nam ngạo nghễ muôn đời Nhiều người đã ra đi, mang theo tâm sự Đặng Dung, chỉ mong sớm về giải thoát non sông kẻo chết già. Ta rời trường Võ Bị Quốc Gia sang trường Yersin chứa chan kỷ niệm. Ngôi trường còn đó, buồn bã với cảnh ngộ đổi lốt thay tên. Ngôi trường tự nhiên mơ mộng, một ngày nào, học trò cũ về làm xôn xao dĩ vãng. Hồi tưởng cho ta đôi cánh tự do bay. Một thoáng vỗ của hồi tưởng, ta đã ra công trường Hòa Bình của Đà Lạt mờ cao. Rồi ta lại bay qua đồi, vào thăm viện Đại Học Đà Lạt kiếm chút an ủi hiện tại hiu hắt. Và ta về, ta về cùng nắng ấm Sài gòn. Con đò đưa khách sang Thủ Thiêm. Cột cờ Thủ Ngữ khóc thầm vì vắng bóng lá cờ vàng sọc đỏ thân yêu. Bến Bạch Đằng đó. Phố Tự Do kia. Tiếng còi tầu nào réo gọi chuyện viễn du. Đợt sóng nào nhắc nhở vạt hoàng hôn sông khói. ôi, Sài gòn, một miếng Sài gòn thôi, đã đủ lòng ta ấm áp phương xa. Tưởng chừng hồn ta đang là đà trên Sài gòn. Hồn ta là phố phường cũ, là dinh thự xưa. Tự nhiên, ta muốn thầm thì với Sài gòn: "Em, Sài gòn ra sao? Còn nguyên màu áo, còn nuôi chiêm bao, còn chờ đợi nhau? Em, đường thương lối nhớ, cỏ cây quá khứ, nhạc chim lời gió, nước mắt mây mưa, đã mất gì chưa"? Đừng, đừng mất gì cả, bởi vì ta vẫn mơ một ngày về.
 
                               ***
 
  Hưng vong là luật chung của muôn đời. Dâu biển đã xẩy ra cho cả tư tưởng, nói chi một triều đại, một chế độ hay một chủ nghĩa. Một thi sĩ đã định nghĩa cái không bao giờ có dâu biển, không bao giờ chết:
 
Ai cũng chết cả rồi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam
Một thi sĩ khác định nghĩa thêm cái không bao giờ mất:
Me ơi, tha thiết lắm rồi
Mất gì không mất tình người Việt Nam
 

Người Việt Nam vĩnh viễn. Tình Việt Nam vĩnh cửu. Đã không mất con người thì không bao giờ mất quê hương. Và những kỷ niệm thuộc về quê hương cũng không mất. Còn đó, Sài gòn với Nhà Thờ Đức Bà, với Thảo Cầm Viên, với Bảo Tàng Viện, với Lăng ông Bà Chiểu. Còn đó, Huế với bầy phượng vĩ đỏ ối mùa hè rắc rơi sắc máu trên lối Huế cổ kính, thầm lặng. Còn đó, Huế với lăng tẩm, điện đài. Còn đó, Huế với "dấu xưa xe ngựa" với "nền cũ lâu đài". Còn đó, linh hồn tiền nhân bảng lảng trên lớp rêu phong, trên những thềm bậc vang bóng một thời. Hỡi tiền nhân bất hủ, có phải người không chết, người chỉ Tĩnh Tâm dưới hồ sen. Và ý nghĩa sống của người vẫn vàng thắm nhụy sen, vẫn thơm ngát hoa sen. Ta thèm rung một hồi chuông Thiên Mụ gọi về những xao xuyến Huế ở mỗi hàng cây, mỗi viên gạch, mỗi bờ tường, mỗi mái ngói, mỗi vạc đỉnh, mỗi hoa lăn của một triều đại đã khuất lấp ngậm ngùi. Còn đó, Huế với sông Hương núi Ngự, với cầu Trường Tiền, cầu Bạch Hổ. Còn đó, Huế với những lá đò dìu nhẹ trên mặt nước bình yên. Còn đó, Huế với giòng An Cựu "nắng đục mưa trong" và những con thuyền đêm đêm chở đầy trăng xuôi về Vĩ Dạ.
 

Sao em không về thăm thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá. xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có mặn mà
 
        Còn đó, Huế, còn nguyên đó, bờ sông với những cô nàng giặt chiếu, với những nụ cười thật đẹp, thật thơ. Còn đó sân trường Đồng Khánh bướm trắng tung bay. Còn đó cổng Viện Đại Học giấc mơ xanh thắm. Còn đó, còn nguyên đó, khi ta về Còn đó, Hà nội với hồ Tây, hồ Trúc Bạch, với con đường Cổ Ngư thơ mộng thuở học trò. Còn đó đền Quan Thánh. Còn đó đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, hồ Gươm, tháp Rùa. Còn đó khu Giảng Võ Văn Miếu, chùa Một Cột. Còn đó 36 phố phường...

Còn quê hương Việt Nam. Còn nguyên vẹn. Nếu ta đừng quên và đừng bao giờ đánh mất tình người Việt Nam, dù đi đến cuối đường oan biệt xứ. Mãi mãi Việt Nam. Mãi mãi Việt Nam...
 
 7-1986
Duyên Anh

<< Chương 12 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 965

Return to top