17 giờ. Đường phố Sài gòn ngập đầy bộ đội miền Bắc nón cối và giải phóng quân mũ tai bèo và cỏ đuôi chó. Cỏ đuôi chó mỗi lúc một đông thêm! Chắc ăn rồi, chắc ăn lắm rồi, lính sư đoàn 304 gây khí thế cách mạng. Xe tăng của cộng sản, trước sau chỉ có mười chiếc, nghiến xích sắt thị uy khắp đường phố Sài gòn. Xe tăng thị uy xong đến mô-lô-tô-va Liên xô và GMC Trung Quốc. Máy phóng thanh oang oang bài ca Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước.
Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước
Giết lũ đế quốc Phá tan bè lũ bán nước Ôi xương tan máu rơi Lòng hận thù ngút trời -------
Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng Thề cứu lấy nước nhà Thề Chiến đấu tới cùng Cầm gươm ôm súng xông tới Vận nước đã tới rồi Bình minh chiếu khắp nơi
Nguyền xây non nước vững yên muôn đời... Và bài ca Tiến về Sài gòn: Tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù Tiến về Sài gòn ta giải phóng thành đô *... Cỏ đuôi chó hát theo. Vì hai bài hát lải nhải hoài nên cỏ đuôi chó thuộc lòng. Tôi nhớ lại: Hoạt cảnh này đã ba lần tôi được chứng kiến trong đời. Lần thứ nhất, buổi chiều 19-8-1945, năm tôi lên mười. Và tôi đã diễn tả thật trung thực trong cuốn Con Thúy, cuốn sách đã đưa tôi vào nhà tù cộng sản để chịu đựng những hệ lụy tự khai. Lần thứ hai, buổi sáng giữa tháng 7-1954. Một thị xã được giải phóng. Bộ đội cộng sản tiến vô thong thả. Cỏ đuôi chó mọc nhanh, tung hô những khẩu hiệu nịnh bợ. Bài hát thuộc nhanh của cỏ đuôi chó hồi ấy là bài Bàn tay chúng ta:
Hoan hô bàn tay anh Komsomol đã khơi dòng Volga đông. đã khơi nguồn hạnh phúc cho toàn dân.. Hoan hô bàn tay anh bạn Trung Hoa chắn sông Hoài ngăn đau thương nước không về toàn dân no ấm Raymondielle ngăn xe cho ngừng máu rơi ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng ta nhớ ghi tên người tươi sáng bàn tay anh đem về thêm bông bàn tay anh đem về thêm lúa bàn tay ta băng miền thương xót dắt dìu nhau tiến lên... Hoạt cảnh giải phóng lần hai, tôi đã viết ở cuốn Vẻ buồn tỉnh lỵ chưa kịp xuất bản và bản thảo đã bị tich thu. Hôm nay, lần thứ ba, tôi biết thêm hoạt cảnh giải phóng 1975. Ba mươi năm. Vẫn thế. Vẫn thế ở mỗi biến động lịch sử trên quê hương tôi. Nếu cái vẫn thế còn làm cho tôi xúc động là, ngay cả tâm hồn cỏ đuôi chó, đã không dấy lên giông bão thù hận khi họ được khích lệ tuyết hận bừa bãi. Có phải tình nghĩa Việt Nam mãi mãi chế ngự chủ nghĩa cộng sản. Sài gòn chỉ bị cộng sản và cỏ đuôi chó quấy rầy ngoài phố. Sài gòn không hề bị cỏ đuôi chó đập phá nhà cửa, giết người. Cộng sản không dám ra mặt hành động. Cộng sản bất lực thủ đoạn châm lửa phẫn nộ cho người Sài gòn sát hại người Sài gòn. Không có bạo động đổ máu vô lý cho hợp lý khi cộng sản vào Sài gòn. Đừng bao giờ nghĩ cộng sản nhân đạo. Mà nên hiểu miền Nam nhân bản, Sài gòn nhân bản không chấp thuận tàn sát theo ý cộng sản hay theo ý của bất cứ một chủ nghĩa phi nhân nào: Lịch sử nào sẽ ghi chép chính xác? Thứ lịch sử gian dối của Mỹ và Tây phương thân cộng đã toa rập cộng sản, đã giả vờ quên tình nghĩa Việt Nam mà đề cao sự khoan dung, đạo lý cộng sản khi cộng sản xuất hiện ở Sài gòn. Đạo lý làm người của cộng sản đã thể hiện rõ nét ở Huế vụ Mậu Thân. Nó sẽ thể hiện rõ nét hơn, sẽ "phanh thây uống máu quân thù , sẽ "cờ in máu chiến thắng" ở Sài gòn 30-4-75 nếu người Sài gòn muốn. Nhưng người Sài gòn không muốn, cả cỏ đuôi chó đáng ghét cũng không muốn, cộng sản đành thúc thủ. Để được tiếng nhân đạo. Cộng sản nói nhân đạo như tư bản nói nhân đạo, còn đốn mạt hơn cả đĩ điếm, ma cô giảng giải luân lý. Người ta cố tình quên rằng, chỉ cần mảy may lương tâm, cộng sản hết là cộng sản. Và người ta nên sáng suốt, nên thức tỉnh nhớ ràng, cái vỏ ngoài của cộng sản giống hệt áo thầy tu chân chính, những lời cộng sản nói hay hơn Chúa nói, Phật nói. Cộng sản quán triệt bí kíp "một thời im lặng và một thời lên tiếng" ở bất cứ không gian nào. Cộng sản xúi dục người quốc gia lăng nhục người quốc gia, chia rẽ người quốc gia rồi hô hào đoàn kết. Cộng sản nằm vùng, cộng sản hải ngoại còn tinh vi đến độ biết ẩn thân thật lâu, dám sống nghèo hèn, cố tình phô bày tác phong đạo đức, trình diễn đạm bạc, khuất thân hòa hoãn với những kẻ chống cộng dữ dội nhất. Để trở thành biểu tượng gương mẫu của người quốc gia chống cộng. Và, sau hết, đòn muôn thuở nằm trong bản chất cộng sản: Tìm mọi cách hạ bệ uy tín các tài năng của quốc gia để vô hiệu hóa sự chống cộng sản của các tài năng này; công khai đề cao tài năng của quốc gia trên các cơ quan truyền thông cộng sản để cô lập các tài năng này với quần chúng thù ghét cộng sản.
Sài gòn động bên ngoài, tĩnh bên trong - cái tĩnh lo âu Cái động đã tôn vinh cái tĩnh. Đã không có "đấu tranh giai cấp" tình nguyện, tự nguyện và... tự học tập như cộng sản mong muốn. Điều đó đã "giải phóng" biển máu đe dọa của Mỹ và biển máu toan tính của cộng sản. Chúng tôi thả xuống chợ Bến Thành. Ngạc nhiên vô cùng, tôi thấy, ở các đầu đường, góc phố, người ta đã bán cờ đỏ sao vàng và cờ trên đỏ, dưới xanh, giữa sao vàng. Cờ may ở đâu nhanh thế? Vải của chúng ta nhập cảng cả đấy Chúng ta đã có những thằng bán thuốc âu Mỹ cho kẻ thù, bán súng đạn cho kẻ thù, chúng ta còn những thằng sản xuất cờ cho kẻ thù nữa. Cờ bán đắt như tôm tươi Kẻ hân hoan chào mừng cộng sản mua cờ, kẻ sợ hãi cộng sản cũng mua cờ. Những người bán cờ trúng mối lớn. Con buôn biết cách khai thác... cách mạng vô sản! Đã nhiều nhà treo hai mầu cờ, hai thứ cờ. Tôi thấm mệt:
- Về chứ, Côn?
- Tao nghĩ mày nên đi quan sát thêm.
- Không đủ sức. Chỗ nào ở Sài gòn chiều nay cũng giống chỗ nào thôi.
Chúng tôi trở lại. Tòa Đô Sảnh đã treo cờ kẻ thù. Công viên trước Hạ Viện đã hết náo động. Xác chết của Trung tá Long đã được kéo đi vất ở xó xỉnh nào. Pho tượng thủy quân lục chiến Mỹ đổ rạp nằm úp xuống đất. Chẳng thể diễn tả nỗi ngập ngùi. Chúng tôi cắm cúi bước qua nhà thờ Đức Bà. Giáo đường đóng cửa kín mít. Bưu Điện đã treo hai thứ cờ và giải phóng quân kè kè AK canh gác. Trong khuôn viên Dinh Độc Lập, "nhân dân" đông đầy. Cánh cổng dinh mở rộng, "nhân dân" tự do ra vào, tự do chạy nhẩy, tự do la hét. Và đó là chiêu thức giải phóng đánh đúng tâm huyệt bầy cừu. Người ta có một sự so sánh giản dị: Nguyễn văn Liệu phong tỏa Dinh Độc Lập, cách mạng giải phóng Dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập, cái triều đình của những tên cầy cáo, rồi sẽ có một Hồ sơ đầy đủ về nó như một thâm cung cố sử. Thiệu cấm dân lai vãng quanh Dinh. Cộng sản mở bung cho dân vào Dinh. Sư mị dân của cộng sản, ít nhất, đã làm trí thức Lý Chánh Trung bồi hồi, cảm động mà rên rỉ "xin được nhận Hồ chủ tich làm Bác". Tôi không thích nhìn cái Dinh ấy. Nó mang tên Độc Lập. Không, nó phải mang tên Nô Lệ. Nhưng không thích nhìn Dinh... Nô Lệ - còn nô lệ dài dài - tôi lại phải nhìn cách mạng tuyết hận danh nhân Trương Vĩnh Ký. ở cuối vườn sao góc phố Duy Tân - Thống Nhất, đối diện với hãng xe Peugeot, pho tượng Trương Vĩnh Ký đã bị giật sập. Trương Vĩnh Ký có tội gì với cách mạng vô sản? Kẻ thừa thãi công lao với nền văn hóa Việt Nam, kẻ tiên phong mở đường văn chương quốc ngữ cũng là kẻ thù của cộng sản ư? Người ta sẽ được trả lời ngay khi nghe bài hát này:
Ta là người nông dân mặc áo lính chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm* ... Từ bốn nghìn năm đã có... cộng sản. Và các nhà nghiên cứu mác xít bảo là cộng sản nguyên thủy. Hùng Vương là kẻ thù của giai cấp vô sản. Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... đều là kẻ thù của giai cấp vô sản cả. Địa chủ Lê Lợi đã bóc lột giai cấp nông dân kỹ nhất? Thế thì Trương Vĩnh Ký, người đã tích cực đóng góp vào công cuộc làm thăng hoa chữ quốc ngữ để, từ chữ quốc ngữ, cộng sản Việt Nam xử dụng như võ khí tư tưởng mà truyền bá chủ nghĩa của mình, có bị thù hận là... "lô gích" rồi. Với cộng sản Việt Nam, tổ tiên của họ là Karl Marx, là Freiderich Engels, là Lénine... Họ rất nên vô ơn tiền nhân và rất nên thù hận tiền nhân tự bốn nghìn năm. Họ là quắc tế. Họ phủ nhận quốc gia. Những kẻ thân cộng sản làm dáng, những kẻ theo cộng sản ở hải ngoại nghĩ gì về "giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm"? Pho tượng Trương Vĩnh Ký bị giật sập nằm úp mặt xuống đất vườn sao. Cuốn sách trên tay ông chưa bị đập nát. Tôi mở mắt ngắm pho tượng. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi lại nghĩ đến thân phận những nhà văn chống đối tư tưởng mác xít hai mươi năm Sài gòn tự do. Và, hôm nay, khi ngồi viết những giòng chữ này ở thị trấn lrvine của Orange County thuộc tiểu bang California, tôi còn nghĩ đến thân phận những kẻ làm tay sai cho cộng sản Việt Nam trong lãnh vực chữ nghĩa và nghệ thuật. Họ có hiểu vì lý do gì Trương Vĩnh Ký cũng bị xóa bỏ. Và họ, họ là cái thứ gì, giá trị bao nhiêu để hy vọng tồn tại.
***
18 giờ 30. Chúng tôi có mặt ở ngã tư Hiền Vương - công Lý. Quân trang, quân dụng, võ khí vẫn xếp đống ngổn ngang trên vỉa hè. Súng đạn sẵn sàng, thừa mứa, tha hồ lượm mà bắn giết nhau vô tội vạ. Nhưng, người Sài gòn không giết người Sài gòn. Nhiều thanh niên biết xử dụng M16 đã lượm súng, bắn chỉ thiên vung vít. Bắn cho hả giận. Bắn cho quên nỗi nhục. Bắn rồi liệng súng, nước mắt ròng ròng. Thành phố rền vang tiếng đạn nổ chỉ thiên...Chúng tôi thản nhiên đi. Lúc này, vẫn còn nhiều người lính trên đường chạy về nhà mình. Tôi nhận ra những kẻ chiến bại bất đắc dĩ và tội nghiệp ấy, vì họ mình trần, quần xà lỏn, chân đất. Làm sao tôi biết chia xẻ tâm sự uất nghẹn của người lính quốc gia đường chiều 30-4? Những trang sách nào của những ông đại tá, trung tá của Cục tâm lý chiến "không chịu đứng chung đẳng cấp xã hội và văn học nghệ thuật" với người khác đã soi tỏ tâm sự uất nghẹn này? Bầy hạc gỗ của vua Vệ, bọn ý gẩy bút cùn chỉ đủ khả năng xướng họa thơ con cóc và vấy bẩn thiên hạ thì làm nổi trò trống gì mà cũng hiệu hiệu khẩu khí ôm mối thù nặng nghìn cân? Cho nên, chúng ta có hơn một nghìn trang "Việt Nam máu lửa quê hương tôi", gần một nghìn trang "Hồ sơ dinh Độc Lập", vẫn còn thiếu một trang viết về người lính buông súng, lột bỏ quân phục chạy về nhà mình tức tưởi, phẫn nộ và lo âu. Chưa bao giờ tôi thấm thía thơ Đặng Trần Côn bằng lúc này:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi Mặt chinh phu trăng rõi rõi soi Chinh phu, tử sĩ mấy người Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn... NHỮNG TỬ SĨ KHÔNG CẦN AI GỌI HỒN
Xe tăng cộng sản từ Long Khánh qua Gia Kiệm, Hố Nai định ra xa lộ Biên Hòa đã bị chặn đánh tại Tam Hiệp trước lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. "Chiến lũy Tam Hiệp", phải coi như thế, được sáng tạo bởi một số lính nhẩy dù, lính thủy quân lục chiến mà đại đơn vị đã tan hàng từ đêm 29-4. Họ phối hợp cùng nhân dân tự vệ và dân chúng Tam Hiệp, dùng máy cầy ủi đất đắp mô ụ nghênh địch. Mẩu chuyện này nghe kể và xem những thước phim của đài truyền hình Pháp ghi lại.
Trận chiến thật ngắn ngủi nhưng rất anh dũng. Không cần hỏa tiễn Tow của Mỹ viện trợ, không cần không lực Hoa Kỳ yểm trợ. Lúc ấy, người Mỹ đã "cút", ông đại sứ Martin cũng cuốn cờ sao xọc leo lên trực thăng bay ra hạm đội số 7. Thế giới nên công bình ghi nhận rằng, Mỹ đã "cút", ngụy đã "nhào", chỉ còn quân dân miền Nam chiến đấu chống cộng sản xâm lăng. Xe tăng cộng sản phải dừng lại. Chúng nổi giận bắn thẳng vào chiến lũy. Đạn của T-54 khạc tới tấp, khạc không thương xót. Quân dân ta chống trả kịch liệt. Những em nhỏ trên 10 tuổi bám sát các anh lính để được sai bảo. Một em trúng đạn giặc, máu me đầy mặt. Hai anh lính dìu em vào chỗ an toàn, băng bó cho em. Em bé khóc. Khuôn mặt hai anh lính ưu tư. Một hình ảnh đẹp nhất, nhân bản nhất của lính quốc gia. Cuộc chiến vẫn tiếp tục. Những người lính mà tướng lãnh đã bỏ trốn phóng lên phía trước. Đạn thù bắn như mưa. Lính của ta gục ngã trên những vũng máu danh dự, trách nhiệm, tổ quốc. Họ chết hết. Họ yên lòng vì họ thật sự biết họ chết vì tổ quốc, vì dân tộc. Trận chiến kết thúc mau lẹ. Xe tăng cộng sản nghiến lên xác lính của ta, nghiến lên xác của dân ta, san bằng mô ụ.
Chúng ngạo nghễ bò ra xa lộ và tiến vào Sài gòn. Bất ngờ, đến cây cầu nhỏ gần nhà máy xi măng Hà Tiên, xe tăng cộng sản bị lính chi khu Thủ Đức chặn đánh thêm. Súng phóng lựu đạn, súng mọc chê, súng đại liên của lính chi khu dũng cảm đã bắn cháy một T 54. Chiến trận cũng không thể kéo dài. Cộng sản làm chủ tình hình và kết thúc lẹ. Chúng khẩn trương chạy vô thành phố.
Những người lính nhẩy dù, thủy quân lục chiến và chi khu Thủ Đức đã hy sinh vào buổi sáng 30-4. Họ không cần ai mạc mặt, gọi hồn cả...