Anh rút trong cặp chiếc bi-đông nhôm đựng đầy nước đưa cho Hạnh Hoa. Chị mở nắp, ngửa cổ uống ngon lành. Anh nhìn chị. Cái cần cổ trắng nõn dưới ánh sao, trông mờ mờ như một miếng ngà. đó là sở hữu của anh nên anh hoàn toàn biết rõ. Cả mùi da thịt, cả từng ngấn hằn. Lòng anh rạo rực. Anh khẽ nói:
- Em đẹp quá.
Người đàn bà yêu dấu của anh mỉm cười:
- Lúc nào anh cũng cứ nói một câu ấy. Chúng mình đã già đi rồi. Em đã ba mươi hai và anh đã ba mươi năm làm sao còn đẹp cho được?
Ðại úy Vũ Sinh khăng khăng nói:
- Không. Ðối với anh hai mươi năm nữa em vẫn là người đàn bà đẹp nhất.
Hạnh Hoa nắm tay anh xiết chặt. Chị nhìn vầng chán bướng bỉnh của anh với ánh mắt vuốt ve thầm qua bóng tối.
Hai người đi như trong cơn mê, theo con đường cỏ giữa cánh đồng. Trăng hạ tuần nhô khỏi bờ cong của ngọn đồi soi lờ mờ hình bóng họ. Những cơn gío hoang dại từ vùng núi đất tràn về, hăng ngái mùi cây lá, mùi nhựa thông lẫn với loài hoa không tên nào đó. Gío tràn mênh mông trên cách đồng, đùa rỡn những ngọn lúa, vò rối những búi tóc tiên và uốn chừm hoa tím ngắt xuống hôn lên những đốm nhỏ li ti hoa cúc dại vừa hé nở.
Người đàn ông và người đàn bà quên hết những đắng cay, tủi nhục, đau khổ mà họ đã phải chịu đựng trong khoảng thời gian chia cách. Nỗi nhớ sâu xa từ những đêm dài thao thức cuốn hút họ lại với nhau, không gì ngăn cản được...
Chừng dăm phút sau,có tiếng chân chạy thình thịch trên đường. Hai người nhìn về phía làng. Họ ngạc nhiên vì thấy dăm sáu bóng người lô nhô tới:
- Ðứng yên. Giơ tay lên. Hễ chống cự chúng tao bắn.
Tiếng hò hét khiến người đàn bà rã rời chân tay; Vũ Sinh đặt chiếc cặp da dưới chân cho ngay ngắn, và lần mò nắp cặp, lấy khẩu K.59 bên trong. Anh đã hiểu. Dân quân du kích trong làng tưởng họ là kẻ gian lên vây bắt.
Hạnh Hoa hiểu ngay ý nghĩ của người yêu. Chị giữ tay anh lại:
- Em xin anh, đừng liều lĩnh...
Ðám dân quân đã vây kín quanh họ, ánh đèn pin thô bạo chiếu xấc xược vào mặt hai người. Vũ Sinh chưa kịp nói, một cậu chừng mười tám đã quát:
- Hai người ra đây làm gì? Phá hoại hợp tác xã hay hủ hóa? Giấy tờ đâu, đưa xem.
Hạnh Hoa đáp giọng run run:
- Chúng tôi đi chơi, không đem giấy tờ.
Cậu dân quân quát to hơn:
- Không có giấy tờ hả? Thế thì về ủy ban xã, không lôi thôi gì hết.
Tiếng quát của cậu ta chưa tệ hại bằng câu nói lẩm bẩm sau đó:
- Hừ, không có giấy tờ, rõ là gái điếm rồi. Cứ về ủy ban rồi xem...
Câu nói bắn vào óc đại úy Vũ Sinh một mũi tên tẩm nọc rắn. Anh cầm khẩu K.59 lên.
Và một tiếng quát từ xa:
- Cái gì thế hả? Chờ tôi đã...
Người thở hổn hển, chạy huỳnh huỵnh tới là xã đội trưởng. Anh ta đứng dừng lại, nhận ngay ra đại úy Vũ Sinh, khẩu K.59 trong tay, chỉ cần một tíc tắc là viên đạn có thể vọt ra từ họng súng tý hon kia để găm vào một cái đích nào đó. Xã đội trưởng đã từng là học viên của đại úy. Ngoài chương trình lên lớp trong trường, anh thường được các huyện mời huấn luyện.
Xã đội trưởng quát to:
- Các cậu đi về, tất cả...
Và anh ta nói với Vũ Sinh:
- Báo cáo anh, anh thông cảm... Hai hôm trước hợp tác xã vừa mất một đôi bò nên họ lầm...
Ðám dân quân tưng hửng kéo nhau về.
Còn lại hai người. Họ ngồi im bên nhau rất lâu. Sau đó, Vũ Sinh nắm bàn tay người yêu nói:
- Anh xin lỗi em... Tha thứ cho anh... Chỉ vì anh mà em phải chịu nỗi cực nhục này.
Người đàn bà ôm đầu anh vào lòng, những giọt nước mắt nóng bỏng của chị lặng lẽ rơi xuống má anh, từng giọt, từng giọt...
* * *
Ngay tuần lễ sau, đại úy Vũ Sinh viết thư khuyên Hạnh Hoa lấy chồng. Anh không thể kéo dài nỗi đau khổ của chị. Chị còn phần đời phía trước. Anh không muốn phần đời đó cũng hẩm hiu như đoạn đời đã qua. Cùng với lá thư gửi Hạnh Hoa, anh làm đơn xin chuyển lên một đơn vị ngoài đảo. Nhưng lúc đó, những đoàn quân đã chống gậy vượt Trường Sơn nối nhau tiến về phương nam. Ðơn chuyển đổi của Vũ Sinh được chấp thuận ngay lập tức. nhưng không phải ra hải đảo mà là vào Nam. Mặt trận nóng bỏng đang mở ra phía ấy. Trước khi anh lên đường thì nhận được hàm thiếu tá mà lẽ ra
anh đã lĩnh bảy năm về trước. Ngày thiếu tá Vũ Sinh qua Hà Nội, trên đường đi vào miền trong là ngày mồng sáu tháng chín năm một ngàn chín trăm sáu lăm. Anh đi được ba ngày, tại đơn vị cũ anh công tác. Hiệu Trưởng trường huấn luyện hạ sĩ quan nhận được một chiếc phong bì đề tên: Vũ Sinh, không có tên họ người gửi nhưng ông đã biết đó là ai rồi. Ông thở dài, cẩn thận cất chiếc phong bì đó vào hộp đựng giấy tờ, huân chương của mình:
- Ðể đây, nếu sau này cậu ấy còn sống trở về thì...
Con tắc kè bỗng kêu lên đâu dó.
Và ông hiệu trưởng kiêm bí thư đảng ủy trường huấn luyện lại thở dài lần thứ hai, không biết vì lý do gì. Ông ta mở tờ báo định đọc, nhưng thấy chán ngắt nên lại bỏ vào ngăn kéo. Và ông đi ra sân...
*
* *
Mười năm sau đó...
Sau ngày giải phóng sài gòn và thống nhất đất nước, thượng tá Vũ Sinh từ một lữ đoàn đóng ở Ðắc Lắc trở về. Anh ghé thăm hai đứa con. Ðứa lớn học ở đại học luyện kim ở Nga về, đang làm ở Bộ cơ khí luyện kim. Ðứa con gái nhỏ hai mươi hai tuổi, đang học đại học Thủy lợi nhưng đã sắp lấy chồng. Cô bé dẫn người yêu tới chào bố với vẻ ngượng nghịu sung sướng... thượng tá nói với cặp trai gái những lời dịu dàng, thấm đượm kinh nghiệm chua cay:
- Tôi không đòi hỏi gì ở cô cậu đâu. Chỉ một tiêu chuẩn thôi: Ðã thật yêu nhau chưa?
Cô gái đỏ mặt, lắc hai bím tóc:
- Bố cứ đùa.
Thượng tá mỉm cười đáp:
- Bố không đùa đâu. Ðó là chuyện nghiêm chỉnh. Phải bạc đầu mới hiểu được câu nói đùa ấy đấy con ạ...
Vũ Sinh về thăm bố mẹ. Anh gắp vợ ngay ở cổng. Bốn mươi hai tuổi nhưng chị đã phát phì ra. Tóc cũng bạc từng món. Hai người chào nhau như những người quen chào nhau trước cổng cơ quan.
- Chị đi làm về.
- Vâng anh về chơi.
- Không, chị cứ vào nhà tự nhiên, tôi đi ngay bây giờ...
Nhưng Lựu biết điều, nên chị đã quay xe, sang ở căn nhà nhỏ bên phố một tuần. Một tuần đó, bố mẹ Sinh và anh được quây quần bên nhau. Trở lại Hà Nội, thượng tá gặp đứa con trai, chuyện trò với nó vài ngày. Cả hai tránh không nhắt tới mối quan hệ của anh với vợ. Ðứa con trai đã là một thanh niên hiểu biết. Và nó biết nên dừng câu chuyện với người cha ở đâu...
Xong tất cả những công việc đó, thượng tá Vũ Sinh vẫn cảm thấy mình chống chếnh như thiếu hụt một cái gì đó mà anh khó mường tượng nổi. Hơn một tuần suy nghĩ, anh không thể dối lòng mình, anh quyết định đi tìm thăm Hạnh Hoa. Dẫu bây giờ, chị đã có chồng mới, có thể có hai đứa con nữa, và chị sẽ tiếp anh như tiếp một người khách cùng đi một chuyến tàu.
Anh tới nơi Hạnh Hoa ở cũ. Ngôi nhà hai tầng ngày xưa đã được tu sửa lại, thay lượt vôi vàng bằng lớp vôi xanh. Khung cửa sổ thân quen có bên cánh mất hai răng chớp và bên kia mất hai con chốt gỗ cũng đã được sửa sang, sơn màu xanh thẫm. Hai cánh nghiêm chỉnh mở xòe ra hai bên. Cả đến cầu thang lên cũng đã được thay tay vịn... Người gặp anh trước tiên là chị Cúc béo:
- i giời ơi, đại úy Sinh đấy ư?... Con Hoa nó chờ anh mãi, tưởng anh chết rồi...
Rồi không đợi anh nói một lời nào, chị chạy huỳnh huỵch lên gác:
- Hoa ơi là Hoa, mẹ con Hạnh Hằng đâu? có khách...
Vũ Sinh đi theo chị. Chi vừa gọi toáng lên trong hành lang xong lại hổn hển quay lại nắm tay anh lôi xềnh xệch đi.
- Nó không ở căn nhà cũ nữa đâu? ở đằng này cơ, rộng thêm bốn mét nữa.
Hạnh Hoa bây giờ ở tít cuối hành lang. đúng là căn phòng rộng hơn vì nó cộng thêm diện tích nối đi mỗi chiều hai mét. Khuân cửa đang đóng im ỉm bỗng mở ra. Rồi một thiếu nữ xuất hiện.
Vũ Sinh rùng mình. Anh tưởng như mình nhìn thấy người đàn bà mình yêu buổi đầu tiên trên sân khấu. Khi chị bước ra giới thiệu tiết mục, trong tấm áo dài màu cam.
- Mẹ ơi, có khách...
Không, đó là bé Hằng Hoa, con gái chị. Cô cất tiếng nói lanh lảnh. Cô đã lớn đến thế rồi sao?... Vũ Sinh bước từng bước tới căn phònh. Căn phòng cuối cùng của hành lang.
Cô gái chạy vào nhà được một tích tắc, người mẹ bước ra. Thượng tá Vũ Sinh chớp mắt. Hạnh Hoa người đàn bà yêu dấu của anh. Vẫn là người ấy, không thể nào khác được. Vẫn mái tóc đen đổ xuống ngang lưng gương mặt hơi tròn, tuy gầy đi nhưng không biến đổi mấy, vẫn cặp mắt đen vời vợi, vẫn đường lượn vành môi trên mà ký ức anh thường lóe lên những tia chớp nhớ nhung trong suốt mười năm đằng đẵng ở chiến trường.
Chị không kêu, không gọi, cũng không bối rối khi anh tới. Chị đăm đăm nhìn anh với ánh mắt ngày xưa. Thượng tá Vũ Sinh lạnh toát người trong một thoáng hồ nghi: Không lẽ Hoa chưa lấy chồng? Không lẽ... Chị kêu lên một tiếng, giống như tiếng của con chim bị thương. Và hai dòng nước mắt tuôn tràn lên gương mặt. Người đàn ông đứng im một chỗ. Hai chân run bắn lên, run hơn cả khi anh sốt trong rừng. Anh phải cố kìm mình để khỏi ngã:
- Vậy ra là.. em đã...em đã...
Vũ Sinh lắp bắp, không nói được hết câu.
Cô thiếu nữ Hằng Hoa bước ra nhìn anh trách móc:
- Chú là Vũ Sinh phải không?...Thế mà chẳng cho cháu biết trước.
Cô kéo tay anh vào, giọng mắng mỏ như giọng một bà già mắng cháu:
- Chú vào nhà đi chứ. Sao cứ đứng ngoài hành lang thế này?