Đời, sự tuôn thao bất tuyệt ấy, không thể nằm yên trong một hình thức nhất định nào. Ta dừng lại một nơi nào đó, trong thời gian hay trong không gian, là tự phản bội, là từ bỏ cuộc đời. Vì sống là đi chứ không phải dừng lại. - Trong mấy năm lại đây, cuộc thế đổi thay một cách nhanh chóng chưa từng thấy bao giờ. Em có cảm tưởng như đang ngồi trong rạp hát. Và khí chịu nhất là trên sân khấu quanh đi quẩn lại chừng ấy con hát, thay đổi mặt mày, sắm vai đủ lớp: trung đấy và nịnh cũng đấy, ác đấy và thiện cũng đấy vào cửa này là bằng hữu, qua cửa kia là kẻ thù! Lòng người xoay như chong chóng. Em cảm nghe một nỗi trơ trọi vô cùng: bạn bè với ai đây, chân thành với ai đây?
Ngọn cỏ xoay chiều theo hướng gió, đã đành, vì nó là vật vô tri. Em chỉ ngạc nhiên xao lòng người cũng dễ dàng uốn rạp mình theo mọi xu thế được!
Đấy là điều buồn nhất và đáng tủi nhục nhất cho con người!
Trái lại, có một hạng người khác, tuy không đáng khinh bỉ, nhưng lại đáng e ngại hơn. Ấy là hạng giữ độc quyền về tin tưởng của mình, nên đã độc đoán, tàn nhẫn với những kẻ không tin tưởng như họ. Họ làm như chân lý là của riêng họ, và ai không theo họ là những kẻ tà ngụy không đáng cùng chung sống dưới một vòm trời. Thái độ ấy tạo ra bao nhiêu tai họa, mà kết quả chỉ có thể là sự thoái hóa, nếu không phải là sự diệt vong.
Xưa kia, trừ Phật giáo, nhiều tôn giáo đã gây ra không biết bao nhiêu cuộc tàn sát, giết choc, chỉ vì muốn giữ độc quyền về tín ngưỡng. Cái họa ấy chưa hết, quyền tự do tín ngưỡng chưa được áp dụng triệt để ở mọi chân trời, thì ngày nay tiếp theo cái họa độc quyền phát xít…
Có cần phải áp bức, ác độc, giết chóc nhiều hơn nữa mới hiểu rằng chân là một điều rất tương đối; mỗi hoàn cảnh tạo ra những tư tưởng khác nhau; và những phương pháp tàn bạo để bắt kẻ khác theo mình chỉ làm cho người ta xa lánh mình hơn nữa.
- Có lẽ không ai không hiểu như thế. Nhưng khi người ta đã tin tưởng một cách chân thành vào giá trị tuyệt đối của một học thuyết, chủ nghĩa gì, người ta chỉ quý trọng có học thuyết, chủ nghĩa ấy và dễ độc đoán với những ai không chia cùng họ một tin tưởng. Có lẽ đay là trạng thái thông thường về tâm lý…
Trong sự tìm chân lý, điều kiện cần thiết đầu tiên là thái độ khoan hòa, rộng rãi, không ai có quyền viện sự trung thành với tin tưởng riêng của mình để độc đoán bạo tàn với những kẻ khác. Sự đời có muôn hình vạn trạng, cần phải có muôn vạn con mắt, lỗ tai để nghe ngóng khắp nơi. Không nên bít kín chúng lại hay bắt buộc chúng chỉ hướng về một phía. Nếu ai cũng hiểu rằng mọi học thuyết mọi tư tưởng đều có mục đích chung là cải thiện đời sống, đưa nhân loại đến gần sự thật hơn, khi ấy mọi người ở trường này hay phái nọ đều phải nhận thấy rằng mình là những tay thợ đang thực hiện một lý tưởng chung; và mọi học thuyết mọi chủ nghĩa đều là những cuộc thí nghiệm để đến mục đích chung ấy cả. Vả lại, sao ta dám chắc ta đã đi đúng đường và bao nhiêu kẻ khác đi sai? Đối với kho tàng chân lý quý báu mà nhân loại gom góp được qua bao nhiêu thế hệ chảy trôi, mỗi chúng ta chỉ là kẻ chài lưới đang ra công mò mẫm trong bể sâu huyền bí bao la, là cái vũ trụ này, để lượm lặt những hạt châu chân lý và vứt vào kho báu tinh thần kia. Nhưng để làm tròn sứ mạng ấy, đã bao lần, ôi đã bao lần và có khi suốt cả một kiếp sống, suốt nhiều kiếp sống chúng ta tưởng đã nắm được trong tay một hạt ngọc quý, nào hay khi đưa ra ánh sáng, thì đấy chỉ là một hòn đá sỏi!
- Em tưởng thái độ rộng rãi gần như dè dặt ấy sẽ làm con người ta không thể hoạt động mạnh mẽ được và cũng khó mà làn cho họ chân thành với tin tưởng học. Có lẽ đấy là nguyên nhân chính khiến một số đông người đời hay thay đổi lý tưởng của họ như thay áo chăng?
Không em ạ! Chúng ta phải phân biệt hai hạng người, tuy bề ngoài giống nhau nhưng kỳ thực xa nhau như trời với vực. Một hạng chỉ biết làm nô lệ cho lòng tham danh, chuộng lợi của họ, nên khi nhận thấy ở đâu có thể thỏa mãn đuợc dục vọng thấp hèn là ngả ngay về đấy. Hạng ấy tất nhiên chỉ để chúng ta khinh bỉ.
Nhưng có một hạng người khác, đáng kính chứ khôg thể khinh được. Ấy là hạng chỉ biết phụng sự chân lý. Họ có thể ruồng bỏ tất cả: tiền tài, danh vọng, bản thân để lắng nghe tiếng gọi của sự thật. Không một trở ngại nào có thê cản ngăn họ. Họ chính là những người chân thành nhất, chân thành với sự thật, với cuộc đời. và chỉ có sự chân thành ấy mới là quý báu nhất. Bao nhiêu thứ chân thành khác chỉ có một giá trị tương đối, tạm bợ mà thôi. Cuộc đời là một sự tiến bộ, mọi sự vật đều phải đổi thay. Một lý thuyết, một chủ trương dù hay bao nhiêu cũng chỉ sống được một thời. Trên bức thang tiến bộ, chúng chỉ là những cấp bực mà nếu muốn trèo cao chúng ta bắt buộc phải dẫm lên và rời bỏ chúng lại.
Con tằm phá bỏ cái kén trong ấy nó đã tự giam để tuân theo nhịp sống. Đời sống tinh thần thoát ra những hình thức nhất thời để được tồn tại mãi mãi. Con tằm sống cho sự sống, không phải sống với cái kén. Nếu nó trung thành với cái kén, nó sẽ tự giam chết mình ở trong. Để được thích hợp với cuộc đời rộng rãi, không bờ bến, và luôn luôn biến đổi, chúng ta bắt buộc phải san bằng những gì nhất thời tạm bợ. Như thế gọi là chân thành với cuộc đời chân thành với sự sống. Mà có chân thành với cuộc đời, với sự sống mới mong đi sát lẽ thật, vì lẽ thật nằm trong sự sống linh động, nóng hổi, đổi thay.
Về tinh thần cũng như vật chất, dừng lại, tự trói buộc lại, ở một nơi nào đó trong thời gian hay trong không gian là tự hủy. Sống có nghĩa là luôn luôn chọn lọc và tiến triển.