Thành “Thép” đứng đối diện với Lâm Dơi.
Lâm Dơi đứng đối diện với Thành “Thép”.
Hai thằng đứng im lìm căng thẳng, Thành “Thép” tỏ ra cực kỳ kiên nhẫn.
Y ngực nở, bụng thon, cả người hầu như không có một tí mỡ nào, chỉ toàn là bắp thịt nổi cuồn cuộn, đúng là một con mãnh thú chiến đấu.
Có một thời y từng theo đoàn “Sơn Đông Mãi Võ” khắp cả lục tỉnh, nhưng bản tính côn đồ nên bị Sư phụ đuổi ra khỏi đoàn, lang thang các nơi không khá, cuối cùng y tìm đến đầu quân cho Sơn Cẩu. Từng theo ghe hải tặc dùng mã tấu trấn áp để cướp của, Thành “Thép” nổi danh võ nghệ cao cường và tàn bạo. Lần này y muốn đấu với Lâm Dơi, muốn thế vào chỗ của Lâm Dơi để kiếm chút lợi lộc.
Cũng như họ Lâm, Thành “Thép” chiến đấu chỉ bằng hai tay không, bàn tay của y nhìn rất gồ ghề, bàn tay của một cao thủ chuyên luyện “ngạnh công”, vì thế y chiến đấu rất sòng phẳng, rất tự tin, rất trần trụi…
Thành “Thép” tung thử vài cú đá thăm dò, những cú đá của một cao thủ nghe phần phật, nhưng đá như vậy thì không qua nổi hai bàn tay quỷ của Lâm Dơi được. Vì thế y chọn lối đánh cận chiến, áp sát, lối đánh này có thể phát huy tối đa sức mạnh của “thiết sa chưởng”.
Bàn tay sắt thép của y đã từng bẻ cong cả nhíp xe hàng, và bây giờ đang bẻ cổ Lâm Dơi.
Cổ Lâm Dơi chắc là còn cứng hơn cả nhíp xe hàng nữa, bởi vì Thành “Thép” bẻ mãi mà không gãy, còn đến khi Lâm Dơi bẻ thì “thép” lại gãy rời.
Sau lần đó danh tiếng của Lưu Đại Lâm trở nên như một thành trì bất khả xâm phạm. Trong này có hàng mấy ngàn con người, biết bao tên tù cộm cán nhưng đều cảm thấy ớn lạnh khi đối diện Lâm Dơi. Y trở nên khinh địch, càng kiếm chác thậm tệ, nhưng y chưa đụng đến được Mười Hổ vì tiếp cận ông ta rất khó. Ngoài ra ông ta lại tỏ ra thân với Trực trại và tay “Tổng đại diện”, vì thế họ Lâm cũng còn phải dè chừng, y chưa chắc thắng…
Hơn nữa vẫn còn Sơn Cẩu.
Sơn Cẩu đang phải dẫn quân đi đồng, y cũng lên làm đội trưởng một đội.
Trước sau gì thì giữa Lâm Dơi và Mười Hổ cũng phải có người sống kẻ chết – đối với Lâm Dơi thì đây là cơ hội duy nhất, vì Mười Hổ mà trở về đời thì y tất sẽ phải chết - Nếu cả hai cùng chết thì kẻ được lợi nhất lại chính là Sơn Cẩu. Vì thế Sơn Cẩu rất thong thả, đâu có gì mà phải vội vàng?
Thỉnh thoảng vào dịp lễ cũng được nghỉ vài ba ngày, được ăn uống tươm tất hơn chút ít, những dịp đó tha hồ nằm ngủ bù cho những lúc phải làm quần quật. Bên ngoài cửa sổ chỗ ĐHC nằm là cả một dãy chuồng chim câu, nên suốt ngày nghe tiếng chim bồ câu “gù gù”, có khi nhìn thấy chim trống âu yếm chim mái, thấy chúng cùng nhau săn sóc chim con. Nhiều khi cả đàn bồ câu cùng tung cánh bay trên bầu trời, chìm vào trong áng mây cao vút.
“…Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân
Gửi lời chim yêu thương tới Miền Nam quê hương
Nhắn ràng ta ngày đêm mong nhớ…”
Tối tối nghe tiếng chim câu “gù” lại càng thấy nhớ cuộc sống ngoài đời, nhớ những ngày cất bước tự do trên đường xa vạn dặm.
“…Trời quê hương trong xanh như lời hát
Biển quê hương ru êm êm bờ cát
Đưa chúng ta cùng đi
Ra Bắc hay về Nam
Là thương nhau em bắc cầu cho tàu anh tới
Là yêu nhau… mấy suối em cũng lội
Là yêu nhau… mấy núi anh cũng trèo…”
Tới mùa gặt lúa là cả trại trở nên rộn ràng, tất cả quân trong trại được huy động để làm cho kịp mùa gặt. Những lúc ấy gương mặt người nào cũng hớn hở vì ra đồng mùa này có thể cải thiện được thêm rất nhiều.
Cả một cánh đồng mênh mông tít tắp đến tận chân trời, những ô mà lúa đã chín đều rạp xuống, còn những ô gần chín thì lúa còn vươn cao, mùi lúa chín thơm lừng trong gió. Từng cơn gió thổi mơn man, mát rượi, gió xào xạc, gió ngất ngây, gió thổi từng đàn chim én bay ào ạt, thổi bay những cánh cò chấp chới và hàng đàn chim mỏ nhác sà xuống cánh đồng vàng rực mênh mông uốn lượn như sóng biển. Tất cả mọi người cùng để chân trần lội qua những bờ ruộng nứt nẻ, đạp lên từng bờ đất khô cằn, lâu lâu lại có những vũng nước sâu ngập đến ngang ngực, hay phải lội qua dòng kinh ngang bảy tám mét, nước ngập lút đầu.
Hiếm khi có một không khí vui tươi và tự do như thế.
Bắt đầu vào cuộc gặt thì đám “ba-vớ” sẽ chạy tuốt lên phía đầu kia của đám ruộng để phủ lưới, hai người cắt giỏi nhất sẽ cắt theo đường xéo từ hai bờ tả hữu đến lưới để ngăn không cho chuột chạy ra ngoài, lối cắt này gọi là “cắt cừu”. Nhiều lúc một “cừu” như vậy bắt được cả trăm con chuột đồng mập ú, QG quân đồng thu về tất cả, một phần để biếu xén cho thượng cấp, một phần để buổi chiều nhậu với các chiến hữu, một phần mang ra chợ bán, phần ít ỏi còn lại cho mấy thằng “ba-vớ” để chúng cải thiện thêm. Còn đám tù thì vừa cắt lúa vừa săn chuột, thằng nào hên gặp được hang lươn coi như trúng mánh, nhưng chuyện này cũng rất hiếm vì QG quân đồng có một đội ngũ chuyên đi đào lươn bắt rắn riêng. Lâm Dơi trong lúc rảnh cũng đi bắt lươn, bắt cá, bắt chuột cống nhum về nộp, đó là một nguồn thu nhập không nhỏ cho cán bộ.
Cắt lúa theo kiểu “cuốn chiếu” như thế này vừa không mệt nhọc và ít hao tổn công sức. Nhưng phải làm theo kịp thời gian đã định, luôn đề phòng thời tiết thay đổi đột ngột sẽ làm hư hao những ô ruộng còn chưa kịp chín tới hay quá chín.
Vui nhất là trong lúc cắt lúa được mấy ổ trứng chim mỏ nhác hay chim cốc, nhiều khi có cả chim non. Nhiều người mang về phòng nuôi, lấy tre đan thành những cái lồng chim rất đẹp. Có thằng quí chim, suốt ngày coi sóc, nâng niu cứ như là dân chơi chim chính hiệu. Nhiều người lại nuôi chuột cống nhum, con chuột to như con mèo, nặng cả ký lô, rất khôn, nhiều khi dạy làm xiếc cho cả phòng xem rất nhộn.
Sau mấy tuần đi gặt thì bất ngờ có tù mới nhập trại, lần này chỉ duy nhất một người. Kẻ mới vào thật to lớn kinh khủng, giả sử nếu Đồng Đen và Huyền Hòm đứng gần kẻ này thì chắc cũng trở thành bé xíu.
Chiều hôm đó y vào phòng của ĐHC, cả tám chục con người trong phòng dường như đều trở thành tý hon cả. Y ngồi sừng sững như một quả núi, bộ mặt to như cái mâm, nom rất kẻ cả : “giang hồ gọi ta là Đồng Đỏ”.
Đồng Đỏ, cái tên này cũng nghe quen lắm, bây giờ mới được diện kiến.
Gương mặt này không thể là của người Việt được, nó bè bè, phèn phẹt, mũi kỳ lân, mắt lại một mí, nó đích thực là một gương mặt của người Tàu.
Qua khỏi sông Dương Tử đi sâu về phía bắc của Trung Quốc, có một số vùng quanh năm tuyết phủ, người dân đặc biệt to lớn dị thường, to còn hơn cả người Châu Âu hay Mỹ đen nữa. Sau thất bại của Thái Bình Thiên Quốc, một số chạy thoát dùng thuyền vượt biển và họ đến tận mũi Cà Mau lập nghiệp, hẳn Đồng Đỏ là hậu duệ của những người này, vì thế mà y mới có cái vóc dáng khổng lồ như thế. Người Đồng Đỏ lại đầy những lông, ngực lông lá rậm rạp, hai tay và hai chân cũng vậy, rậm rịt như con đười ươi, đích thực là người của vùng Hoa Bắc, của Đại Hán.
Đồng Đỏ chỉ cần vỗ nhẹ tay là cái bệ xi măng mẻ một miếng lớn, kình lực thật là kinh khủng.
Những môn công phu thuộc về “ngạnh công” nếu tự luyện sẽ cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến nội thương chết bất cứ lúc nào. Để hỗ trợ khí lực, bồi bổ nội tạng, người Hoa thường dùng “Huyết Lình”, “Nấm Ngựa”.
Trên các đỉnh núi đá cao, các bờ đá, họ để những tờ giấy “xuyến chỉ” cực mỏng, những con khỉ cái tới kì kinh khi lê lết qua những chỗ đó vô tình dây những giọt máu lên những tờ giấy. Sau một thời gian, những tờ giấy thẫm đỏ đó được mang về làm thuốc uống, trị lao lực, nội thương,…
Ở những đồng cỏ có những bầy ngựa hoang, khi ngựa đực và ngựa cái giao phối, tinh trùng ngựa rớt xuống những khúc gỗ mục sẽ mọc lên một loại nấm trắng, dài chừng một tấc. Thứ nấm này có tác dụng tăng cường khí lực khi tập những công phu đòi hỏi những va chạm mạnh.
Tương truyền huyết lình là thuộc âm, còn nấm ngựa là thuộc dương.
Còn một vị nữa là “Thiên niên tuyết sâm”, nhưng mấy khi có được?
Ở những vùng núi cao, suối chảy xiết, có một loài cá giống như cá chép chuyên bơi ngược dòng. Loài cá này thịt chắc và có vị đắng chứ không ngọt, dùng cá này nấu cháo có vị ngai ngái như ngải cứu, là một thứ cháo đại bổ cho người luyện các môn thuộc về “ngạnh công”, phòng trị nội thương lục phủ ngũ tạng.
Nếu không có mấy vị thuốc quý này thì uống máu rùa vàng, máu rắn hổ mang, mật gấu rừng, cao hổ cốt, thịt rắn biển, yến sào, bào ngư, mèo mun, gà ác, chuối chát… cũng tạm được. Tuyệt đối không được lạm dụng tân dược như thuốc giảm đau, tăng lực, trợ tim… sẽ dẫn đến cái chết bất cứ lúc nào.
Đồng Đỏ tỏ ra là một đại cao thủ về môn Kung-fu, nom y rất tự tin. Hẳn là có kẻ mướn y vào trong này…
Trời đã cho Mười Hổ một bầy tôi hùng mạnh như Lâm Dơi, nhưng khi họ Lâm trở nên giàu có thì y đã bắt đầu suy nghĩ khác, y muốn độc chiếm tất cả, và Mười Hổ bỗng nhiên có một kẻ thù nguy hiểm vì kẻ này vốn từng là một đệ tử ruột được tin cẩn, được giao trọng trách…
Bây giờ thì tòi ra một Đồng Đỏ chẳng biết từ đâu tới, một cao thủ Kung-Fu, một cao thủ của Đại Hán?
Chưa biết thế lực nào đứng sau lưng Đồng Đỏ, đủ cái bản lãnh đưa người vào tận cái nơi tuyệt địa này, có được một cao thủ vô địch như thế?