Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Ai Mang Hột Nút Đi Rồi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 608 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ai Mang Hột Nút Đi Rồi
Đồng Sa Băng

 
 
 

 
Khi vừa lớn lên, biết đi rong trong xóm, hái trộm xòai, ổi của thiên hạ là tui biết “huýnh” lộn rồi. Tui không to con lớn tướng hơn ai, nhưng ai chọc tức tui là tui nhảy vào “huýnh” liền. Cho nên lúc đó mặt mũi tui thường có những vệt trang điểm bắt đắc dĩ. Có lần thằng Phúc con ông Mau bán cá, to con hơn tôi nhiều, nó chọc tui, tui “huýnh” nó, nó “huýnh” tui. Tức qúa hôm sau tui thừa lúc nó không để ý, tui đè đầu nó vào giữa hai song cửa sổ nhà trường, thụi cho nó một hồi, thả ra, thấy trên trán nó có hai lằn thẳng băng, tui bỏ chạy. Những ngày học trường tiểu học Nghĩa Thành, không hiểu tại sao mà dường như tuần nào tui cũng lâm trận. Có lúc phục kích tụi nó trên những đám đất cày, rồi chọi đất nhau tưng bừng. Những giờ ra chơi đập lộn với mấy thằng ở Thuận Phong bị ông hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Anh cho thụt dầu đừ đầu gối, nhưng vừa đứng dậy thì thấy ngứa ngáy tay chân….
 
Rồi những ngày đầu vào Sài Gòn, mười một mười hai tuổi, cảnh người đều xa lạ và tui bị cô lập chặt chẻ nên dường như … hiền ra. Nhưng sao thấy tức lắm, nhất là mỗi khi tui nói cái gì là tụi nó bu lại nói: “Hỉ, hỉ, mầy noái cái gì”. Có những lúc tui nhẩm: “Nói tụi bây không hiểu thì tao đấm cho tụi bây hiểu”. Nhưng rồi tui cũng thụt tay vào túi, vì tụi nó đông qúa mà nơi đây tui không biết tẩu thoát ở đâu cho yên. Một hôm tui dẫn thằng cháu ra sông Sài Gòn câu tôm. Lúc đó ở kho 18, Tân Thuận Ðông, dưới cầu tàu có nhiều tôm hùm lắm. Hai chú cháu tui đang ngồi dung dăng dung dẻ câu tôm, lại gặp đám mấy thằng “Hỉ, hỉ, mầy noái cái gì”. Tụi nó thấy tui nó không chọc ghẹo nữa mà nó nhảy ùm xuống sông tắm. Tự nhiên tui thấy cần câu tui rung động. À! gặp tôm bự rồi. Tui kéo dây câu lên, thì con tôm nó búng búng, giựt giựt thấy tê lắm. Tui mừng quá, từ từ kéo lên, giữa đường nó giựt một cái thật mạnh. Ðứt mẹ nó dây cước rồi! Tui cuốn dây lên, thấy tiếc quá. Nhìn xung quanh thì thấy tụi nó ngóc đầu dưới nước lên, nó dơ giây cước cho tui xem còn nói: 

“Ê coái nầy phải của mầy không?”
 
Tui điên lên rồi, không nói không rằng gì hết, tui chạy tới đám quần áo của nó, ôm hết trong mình. Tui dấu một khúc gỗ trong người:
 
- Tụi bây ngon thì lên đây lấy lại quần áo.
 
- Ê đừng giỡn mặt nhe mậy, tụi tao không tha cho hai đứa bây đâu.
 
- Lên đây.
 
Vậy là tụi nó bò lên, tui liền nhảy đến phan lên đầu, lên lưng nó, chịu không nổi nó lại nhảy xuống sông.
 
- Nề, quần áo tụi bây đây, lặn xuống đó mà lụm. Tui ném đống quần áo xuống sông, lấy cây nhận chìm xuống nước xong hai chú cháu chạy lẹ … về.
 
Thời gian trôi qua, tui cũng lớn theo. Tui bắt đầu học lối nói của người miền Nam: “A hôm nay tui dzià sớm nha, bà nhớ bỏ con cá ghô dô cái ghổ để nó khỏi nhảy gột gột”. Nói riết rồi cái lưỡi tui cũng quen đi. Và càng ngày những lời nói như “En không en, téc đèn đi ngủ. Súng bén phèng phèng, nó la xung pheng, xung pheng” cũng vắng bóng đi.
 
Hồi đó, tui rời gia đình ở Quảng Ngãi vào Sài thành sống với hai người anh. Ban ngày hai ông anh tui, người đi làm, người đi học. Tui thì học ở trường tiểu học Tôn Thất Thuyết, Khánh Hội.
 
Sau này tui theo anh Hai về sống ở Tân Thuận Đông. Những buổi chiều đi học về, buồn qúa, tui tập bè bạn với đám anh em thằng Hải thằng Nam. Anh em tụi nó con nhà khá giả và hiền lành, nhà nó có cái ao nuôi cá tui thường qua đó chơi. Nhưng vì chơi với bọn anh em thằng Hải, nên tui bị thằng Tư con ông Khải nó ghét lắm. Mà thằng Tư thì nó lớn hơn tui nhiều. Một hôm tui đi chơi ngang qua nhà thằng Tư, thấy tui nó ra đi bên cạnh và xô tui xuống ao trước nhà nó cái ùm. Tức mình lắm, tui đâu có làm gì nó đâu, tui bò lên khỏi ao, ướt như con chuột lột, tui cầm cục đá chạy kiếm nó:
 
- Ð.M, mầy ngon thì ra đây, tao không sợ mầy đâu.
 
Cửa nẽo kín nghít, không nghe thấy gì hết.
 
- Mầy không ra hả, coi đây: Chản, chản….
 
Một hàng hai cái lu đựng nước mưa của ông già nó bể tan tành, nuớc chảy lai láng, tui thấy hả dạ lắm. Tui đi về nhưng mặt méo xẹo vì tức cái thằng trời đánh ỷ lớn ăn hiếp tui.
 
Một năm vào Sài thành sao tui thấy bực quá, đi đâu cũng bị tui nó kêu “Bắc kỳ ăn cá rô ki, ăn nhằm lụ đạn chít cha Bắc Kỳ”, nay còn bị nó xô xuống ao nước như con chuột lột.
 
Ngày xưa tui đâu có tệ như vậy. Nhưng mà cũng thấy tội nghiệp cho mấy ông Bắc Kỳ, những việc gì tui làm tụi nó khen là tui nói tui người Trung Kỳ, còn những chuyện tui phá họai nó, nó chửi tui Bắc Kỳ, thì tui làm thinh.
 
Sau ngày tắm ao bắt đắc dĩ đó, tui về xin ông anh:
 
- Anh Hữu, cho em đi học võ đi.
 
- Tiền đâu mà đi học võ mậy?
 
Tiền? À tiền đâu mà đóng học phí đây. Cái thân của tôi làm gì ra tiền mà bày đặt đóng tiền nầy tiền kia. Hai ông anh tôi còn khối người ngoài quê để lo, chứ đâu phải chỉ có một mình “công tử bột” tui đâu. Nhưng mà mối thù tắm ao sình hôm nọ không lẽ quên luôn sao?
 
Tôi hỏi anh em thằng Hải thằng Nam nó chỉ cho tôi ra kho 18, vào buổi chiều mấy người lính Mỹ nó cần người phu khuân vác, xếp đồ may ra tìm việc làm ban đêm. Tôi liền thử thời vận, chiều hôm sau tôi mặt đồ của ông anh tôi, lụng thụng trông có vẻ lớn thêm một chút, tôi ra kho 18 … xếp hàng.
 
Thấy ông lính cầm sổ ra tôi cũng chen lấn vơi đám đông kia, tay đưa lên, miệng thì ” Me, me, me Sir”. La mõi miệng. Nhưng giờ bóc nhân công cũng qua rồi, đoàn người được chọn thì biến vào bên trong, còn lại những người thất nghiệp như… tôi, buồn qúa, đá vài hòn sỏi trên đường, lăn lăn không biết rơi vào vũng nước nào.

Ngày đầu tiên thất bại. Nhưng nghe bác Hai nói “Thất bại là mẹ thành công” nên chiều hôm sau tôi lại ăn mặt như chiều hôm qua và ra…. xếp hàng.
 
Những buổi tối sau khi ăn cơm xong là tôi biến mất đến khuya mới về.
 
Rồi một hôm tôi cũng như mọi ngày, đi… xếp hàng, và “Me, me, me Sir”, ông lính đó chỉ chỉ về hướng tôi, không cần biết chỉ tôi hay chỉ ai, tôi liền chen lấn đám đông chui qua, vậy mà tôi lọt được hàng rào.
 
Tối đó tôi không về nhà như thường lệ, tôi vào sân trong, khoái chí, tôi đá tung những hòn đá trước chân tôi: “Sướng quá, tao có việc làm rồi.” Tôi la lớn lên như thế. Tôi quyết giữ lấy cái việc làm thơm nầy nên tôi làm việc siêng năng lắm, bà xếp muốn cái nào tôi làm liền cái đó.
 
Tôi sẽ có tiền đi học võ, tôi làm việc say mê, đêm tàn, sáng đến lúc nào tôi không hay. Khi tan sở người ta trả cho tôi 90 đồng tiền công cho buổi tối đó. Lần đầu tiên tôi làm ra tiền bằng chính mồ hôi nước mắt cuả mình.
 
Ngày kế đó đi học về, tôi qua chơi với anh em thằng Hải, tôi khoe anh em nó là “Tao có tiền rồi, hôm nào tao mua cà lem đãi tụi bây,” một chút thôi rồi về làm bài, xong cơm tối là tôi lặn đến qúa nửa đêm mới về lại nhà.
 
Rồi những ngày kế tiếp tôi mệt quá, đi học về làm bài xong, tôi chợp con mắt một chút để có sức tối nay đi khuân đồ. Lâu lâu tôi mới có dịp qua thăm anh em thằng Hải. Cuộc đời va chạm với giới lao động còn quá sớm, tôi thấy cũng vui và nhiều lúc tôi cũng thấy lính quýnh, lúng túng đến đỏ mặt.
 
Có một chỗ làm tuy không bền vững nhưng cũng có để dành một ít tiền, tôi xin anh tôi đi học võ, lần nầy thì anh không từ chối được, tôi nói:
 
“Anh thấy đó, em đi đâu cũng bị tụi nó chọc Bắc Kỳ nầy Bắc Kỳ nọ và ăn hiếp hoài, bực qúa.” Tôi ghi danh vào võ đường Odokwan, cuả võ sư Nguyễn Bình ngoài xa lộ Phan Thanh Giảng. Học Taekwondo.
 
Mấy năm sau gia đình tôi từ Quảng Ngãi vào hết trong Sài Gòn. Vì mới vô chưa có nhà cửa nên cha me tôi ở tạm nhà anh tôi một thời gian đợi tìm nhà.
 
Mấy đứa em tôi nói tiếng Quảng đúng tiêu chuẩn một trăm phần trăm nên lúc nào cũng là đề tài cho mấy đám con nít trong xóm chọc ghẹo. Lúc nào tôi cũng rầu vì chuyện này. Một thời gian sau, cha me tôi dọn nhà xuống xóm dưới ở cho rộng và dể chịu hơn. Nhưng đi đến đâu anh em tôi cũng bị mang cái tên ác nghiệt là Bắc Kỳ, và mấy đứa nhỏ không bao giờ được chơi bình đẳng như mọi đứa trẻ khác.
Tôi không còn làm người phu khuân vác trong kho 18 nữa, mà tôi kiếm đước một chân làm trong cơ quan USAID.
 
Năm đó tôi đang đeo đai nâu. Thằng Tư ngày xưa xô tôi xuống vũng sình bây giờ đã gia nhập binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến.
 
Một hôm, trên đường ghé thăm nhà anh tôi, căn nhà sàn nên phải làm đường vô bằng một cái cầu. Khi tôi đến đầu câu thì đụng mặt thằng Tư, tôi nhắc nó:
 
- Mầy nhớ tao là ai không? Nó biết và nhớ tôi lắm chớ, nhưng nó nói:
 
- Tao xin lỗi mầy chuyện ngày xưa.
 
Lúc đó tôi không tức giận nữa, tôi hỏi nó:
 
- Mầy muốn chơi một trận sòng phẳng không? Xô lén người ta không anh hùng đâu. Nó lại xin lỗi nữa nên tôi lách qua một bên cho nó đi.
 
Những năm sau này có lẽ môn Taekwondo đã huấn luyện tôi trầm tính lại, không còn ngứa tay chân như ngày còn nhỏ. Vã lại tôi cũng biết tầm lợi hại của cú đấm, cái đá của mình nên tôi không dám dùng bừa bãi. Nhưng mọi sự nhịn nhục, khiêm tốn cũng đều có giới hạn, và chuyện gì đến nó sẽ đến.
 
Vào một buổi sáng chủ Nhật, trên đường đến sở làm, tôi ghé thăm anh Hai tôi. Khi mới vừa đến đầu ngõ thì tôi nghe tiếng la ó ỏm tỏi của ông Tiếu, người Tàu bên cạnh nhà anh tôi.
 
Ông ấy đứng ngoài đầu ngõ đạp phá cái cầu vào nhà anh tôi và chửi bới om sòm.
Tôi dắc xe đi qua và vào trong nhà. Bên ngoài ông Tàu vẫn không ngớt lời chửi rủa anh tôi, nói là anh tôi làm cầu lấn đất ổng. Nghe ổng chủi rủa nhiều qúa, tôi bước ra và nói:
 
- Ông bình tĩnh đi, nếu anh tui lấn đất ông thì vẫn còn đó, ông đi thưa cảnh sát đi, đâu cần phải chửi rủa như vậy, mà cái cầu nầy đã có từ mấy năm nay có khác gì đâu.
 
Nghe tui lên tiếng ổng còn làm dữ:
 
- Nị ngon hả, nị ra đây, lụ má, ra đây ngộ lá chít cha nị luôn.
 
Xưa nay tui biết ông Tiếu nầy có Thiếu Lâm, tối tối ổng thường ra trước sân đá đá mấy cái rồi mới vô ngủ. Tui không trả lời ổng, ổng lại lên cơn chửi tới, giậm sàn đùng đùng, làm như đất nầy là đất của cha ổng bên Tàu mang qua không bằng!
Tui vẫn khoanh tay đứng đó nghe ổng chửi, càng lúc ổng chửi còn có bài bản hơn. Nào là: “Lụ má lị, ông tằng cố tổ, thằng cha thằng mẹ lị ở đâu đến đây chiếm đất chiếm đai tao á, hôm nay tao đập tao phá nhà pây cho piết á.”
 
Nãy giờ nghe ổng chửi bực mình qúa rồi, tui liền bước ra giữa cái cầu:
 
- Tiếu cái lụ mụ nị á, nị không được chửi nữa đó nghen.
 
- A, nị là cái thằng con nít mà nị dám chửi ngộ á.
 
- Sợ gì không chửi, tiếu cái lụ mụ nị đó.
 
Mặt mày đỏ như con cóc tía, hắn xăng tay áo lên thật cao, miệng la chí choét, chạy lanh quanh như gà mắc đẻ. Hết chửi ngoài ngõ, hắn lại chạy qua cái sân hàng xóm bên cạnh nhà anh tôi mà chửi:
 
- Nị ra đây, ra đây, ngộ tả chít cha nị luôn, lụ má.
 
Những tiếng la chửi của hắn đã đánh thức sự tò mò của thiên hạ, nhất là đám con nít trong xóm. Lúc nầy mọi người lớn, bé đều ra xem như xem xi nê vậy đó.
 
Hắn xùng máu lắm rồi, thế nào hôm nay hắn phải “tả” ai đó mới làm nguôi cơn giận của hắn. Mà ai đó vào nữa, chỉ có thằng tui, vì tui dám lắm mồm chửi lại hắn. Nghĩ đến đánh lộn, tôi lại thấy sao mình mâu thuẫn qúa. Ngày xưa bị người ta ăn hiếp nên muốn đi học võ để “huýnh” lại, nhưng bây giờ có võ rồi thì tôi lại không muốn giải quyết sự việc bằng cú đấm, cái đá nữa. Thấy lạ không!
 
Tôi nhớ có lần song đấu giao hữu ở võ đường. Tôi, đai nâu cấp hai, đấu với đai nâu cấp một (sắp lên đai đen). Tôi dùng đòn tô-lô-cha-ki, đưa một vòng từ dưới lên trên xong đổ ngược ức bàn chân xuống, quạt ngay quay hàm dưới của đối thủ, vì đòn hư trước và đòn thật sau, tôi làm lẹ qúa, đối thủ đỡ không kịp nên quay hàm dưới trẹo qua một bên, và máu đổ.
 
Sau đó tôi thấy hối hận và tội nghiệp anh bạn kia quá. Nhưng thao trường mà, chuyện võ sinh bị trúng đòn là chuyện hằng ngày ở huyện, tôi cũng không ngoại lệ đâu. Rồi còn biết bao nhiêu trận đấu giao hữu nữa mà cuối cùng cũng chỉ chứng minh cho tui thấy, những cái đá, cú đấm của mình bây giờ không còn tầm thường như ngày xưa nữa, mà có thể gây thương tích trầm trọng cho đối thủ.
 
Bây giờ đối diện với ông Tiếu hàng xóm của ông anh tui đây, tui biết ổng có Thiếu Lâm và ổng cũng biết tui có Thái Cực Ðạo. Ổng cở tuổi ba mươi và tui chỉ là chàng trai mới lớn tuổi mười bảy, mười tám. Tôi rất bình tĩnh và khuyên ổng nên đi can thiệp cảnh sát để họ giải quyết, nhưng những lời nói của tôi đã không làm ổng thay đổi mà còn làm cho ổng nỗi trận lôi đình thêm lên. Anh Hai tôi nói:
 
- Thôi mặc kệ nó, để nó chửi mõi miệng nó im thôi, mầy đi làm đi.
 
Tôi nghĩ và biết chuyện hôm nay không thể giải quyết bằng lời nói được. Càng lúc càng gay cấn hơn, ông Tiếu lúc nầy đã nóng máy lắm rồi. Ổng đứng trên mãnh đất trước sân nhà ông Năm Cụt mà chửi và khiêu khích tôi không chừa một lời nào.
 
Ðến lúc nầy thì tôi cũng không còn bình tĩnh suy nghĩ phải trái gì nữa. Giống như người ta nói “cây muốn lặng, mà gió chẳng ngừng.”
 
Tiếng reo hò của đám con nít mỗi lúc ồn ào thêm. Mọi người đều dán cặp mắt trên mãnh đất trước nhà ông Năm Cụt.
 
Mai, con ông Năm Cụt, cô bạn hàng xóm cùng lớp với tôi cũng có mặt hôm đó, nàng cũng đang hồi hộp theo dõi. Ðã đến nước nầy rồi, tôi không chịu nổi những lời thô tục của tên chệt hàng xóm nầy nữa.
 
Không nói năng một lời, tôi liền tung đôi chân nhảy qua hàng rào, cao hơn một mét, giữa nhà anh tôi và nhà ông Năm Cụt, thì tiếng reo hò của đám con nít lại nổi lên to hơn, như để thay thế tiếng chuông bắt đầu trận đấu.
 
Tôi vừa chạm chân xuống đất thì hắn liền hét lên “Chít cha lị nề”, và đi liền ngay sau tiếng nói khó nghe của hắn là cái chân dài lòng thòng từ đâu bay vèo tới. Tôi liền lách người và đưa tay gạt qua một cái, hắn rơi xuống mặt đất.
 
Tôi giữ lại tư thế chiến đấu. Miệng hắn lúc nầy không còn chí choé như hồi sớm nữa.
 
Hụt cú dể ăn nhất hắn cay cú tôi lắm. Nơi tôi đứng hơi chật nên tôi liền tung ngọn yap-cha-ki bay để tống hắn ra, liền theo đó hắn quạt ngang dưới chân tôi, tôi nhích chân lên và nhảy ra xa một chút. Hắn liền bám sát tôi và tống thẳng hai cú đấm liên tục, tôi đưa tay tạt ra và luì lại.
 
Hắn liền sà người phóng tới bằng chân mặt và đá trúng vào vai tôi. Tôi nhấp chân trái làm đòn hư, bồi liền theo cú đá vòng vào người hắn, hắn đỡ, chân mặt tôi vừa chạm đất là chân trái đá móc 180 độ vào ngay ngực của hắn, bịch một cái. Hắn lảo đảo và bay ra xa liền. Hắn tiến lên bằng một đòn chân hư và liên tục phạt vào mặt tôi bằng đòn tay, tôi bị trúng đòn ở gò má.
 
Tiếng reo hò của đám con nít lại một hồi la to lên, dường như tụi nó muốn tui bị ăn đòn thì phải!
 
Tui liền yap-cha-ki bay tới hắn tới tấp, vừa yap-cha-ki vừa tô-lô-cha-ki tui gác lên ngực, lên cổ hắn liên tục làm hắn phải chùn chân và lảo đảo. Bây giờ thì tiếng reo hò lại về phiá tôi. Thừa thắng xông lên, tôi liền bồi luôn mấy cú đá vòng và nện luôn hai bàn chân song phi vào ngực hắn. Hắn trúng đòn tui liên tiếp, tự nhiên tui thấy tội nghiệp và không tấn công nữa.
 
Trong lúc tôi đứng nhìn thì hắn la khóc và chạy về nhà lấy khúc gỗ. Hắn trở lại, tôi thủ sẵn, hắn nhào tới và phạt thẳng khúc gổ bổ xuống đầu, tôi liền dùng chân đá tạt lên khuỷu tay hắn, lòng bàn chân tôi chạm vào khuỷu tay, bật một cái, khúc gỗ văng ra khỏi tay.
 
Tôi đã tước vũ khí của hắn. Hắn liền nhào tới người tôi, tôi đẩy hắn ra bằng cú đấm. Hắn không vào được hắn la như bò cắt cổ, tôi thấy thương hại và không tấn công hắn nữa. Tôi chỉ đỡ những cú đấm đá rời rạc. Hắn thực sự đã thua dưới vũ lực của tôi rồi! Tôi đang đứng hiên ngang giữa những con mắt mà ngày xưa có những lần khinh thường, và những con mắt hằng ngày đánh đập những đứa em tôi. Giờ đây tôi thấy những con mắt đó không dám nhìn thẳng vào tôi nữa mà trên đó có những tia sáng khâm phục.
 
Hắn vẫn chưa bỏ cuộc, tiến tới tôi. Bất thình lình tôi bị hai người đàn ông từ phía sau ùa tới ôm tôi lại, nói rằng can tôi ra không cho đánh nữa. Nhưng nếu can trận đánh thì phải can hai bên chứ, sao lại chỉ ôm mình tôi và để ông Tàu kia vào tấn công tôi!
 
Tôi bảo thả tôi ra, nhưng hai người đó không thả và còn ôm cứng tôi lại hơn. Hai người đàn ông đó là bạn của tên chệt, Tư Lùn và Năm Cụt. Tôi liền dùng cùi chỏ lắc vào hông hai người, đau quá chịu không nỗi, hai ổng thả tôi ra. Không nói một lời, hai người ôm xương sườn lui vào trong nhà. Ông Tiếu vừa khóc vừa chửi tui nát nước. Thấy không còn hy vọng gì nữa, ông trở về nhà.
 
Tui lầm bẩm trong miệng: “Thì ra ông chỉ có bấy nhiêu thôi, sao không liệu sức mà làm hoà ngay từ đầu thì đâu đến nỗi.”
 
Như vậy là xong, tôi “huýnh” ổng trúng đòn nhưng người học võ như ổng thì không sao đâu, chỉ là một bài học để sau nầy đừng làm phách nữa thôi. Cũng đã trưa rồi, tôi phủi quần áo đi làm.
 
Tôi nhìn vào nhà Mai, thấy tôi nàng nguýt một cái, tôi thấy trong ánh mắt nàng chứa đầy oán trách.
 
Tôi bước ra đầu đường thì bổng nhiên nghe tiếng người đàn bà từ ngoài đầu hẻm chạy vào, vừa chạy vừa khóc lóc, chửi bới om sòm. Thì ra là mẹ của ông Tiếu. Vưà đến nơi bả chửi: “Sao nị tả con ngộ, tiếu cái lụ mụ nị a.” Bả xông vào người tui, tui đẩy bả ra.
 
Rồi người con, hắn lại chạy ra nữa. Hai mẹ con xông vào “huýnh” tui. Tức mình quá tui thoi cho hắn một cái, lọt xuống ao sình, từ đầu đến chân lem luốt như con chuột cống! Hắn bò lên đi về một mạch. Ðến đây thì bà già hắn cũng bỏ cuộc chơi luôn. Vậy là hai mẹ con đứng trước nhà mà chửi để trừ. Thỉnh thoảng lại chêm vô một tràng tiếng chệt tui nghe điếc lỗ tai.
 
Tôi định lấy xe đi làm thì đứa em tôi nói:
 
“Anh lén đi ngõ sau đi, một đám năm thằng em của ổng ngòai chợ chạy vaò kià, tụi nó có dao nữa.” Tôi thấy chuyện không còn đơn giản nữa, tôi liền lòn ngõ sau nhà bà Ðạt đi ra, tôi đi vòng trong xóm thì đứa em tôi mang xe đạp đến cho tôi. Tôi dông đi làm luôn.
 
Chiều lại em tôi lên cho biết tụi nó kiếm hoài không có tôi, nó bỏ về. Anh em ông Tiếu là đám anh chị ngoài chợ Tân Thuận. Thấy chuyện không lành anh tôi nhắn tôi tối đừng về vì tụi nó đón đường tôi ở cầu Tân Thuận mỗi tối. Vậy là đi làm xong tôi ghé vào nhà bà Dì ở Hoà Hưng ở tạm.
 
Câu chuyện “huýnh” lộn của tôi được bàn tán xôn xao ở xóm Tân Thuận. Tôi tưởng rồi sẽ êm xuôi, nhưng không ngờ ổng cứ âm thầm cho đám cô hồn đón tôi trong bóng tối. Anh Hai tôi bèn mời mấy bô lão trong xóm lại để nói chuyện đâu cho ra đấy. Thế là một cuộc họp bô lão sẽ xẩy ra.
 
Một tuần sau ngày tôi đại náo Tiếu gia trang, trên bàn họp có đầy đủ năm ông lão trong làng, anh tôi, anh Thanh, ông Tiếu, ông Năm Cụt và Tư Lùn. Tôi không được dự buổi họp.
 
Tiếng bàn tán xôn xao trong bàn họp, xong một ông lão đứng lên nói:
 
“Qua sự việc chúng tôi thấy thì anh Tiếu nầy sai rồi, thôi thằng Tiếu chú mầy bỏ qua đi và đừng bảo em út hại chú em kia.”
 
Cuộc họp tan, anh Hai tôi cám ơn mấy ông lão và ra về. Từ đó tôi lại tự do đi làm và về nhà như thường lệ.
 
Chuyện tôi “huýnh” ông Tiếu chắc từ đây xong rồi. Nhưng còn Mai, tôi chưa có dịp gặp lại Mai từ ngày tôi “huýnh” lộn trước sân nhà nàng. Không biết Mai sẽ đối xử với tôi như thế nào?
 
Tôi biết Mai từ khi tôi về với anh Hai ở Tân Thuận. Thời gian ban đầu tôi chỉ biết Mai ở đó và hàng ngày hai đứa tôi vẫn gặp mặt nhau trên đường, cũng như mọi đứa trẻ khác trong cái hẻm. Nhà nàng ở sát vách nhà anh tôi, nhưng ít có khi nào tôi và nàng nói chuyện với nhau (con nít mà, biết cái gì mà nói, chưa cự lộn nhau là may). Nhưng thời gian trôi qua mau, Mai đã lớn. Nàng có làn da trắng, khuôn mặt trái soan và đôi mắt bồ câu. Ba nàng là người Miên lấy vợ Việt, quê của Mai ở Vĩnh Long. Có lẽ vì lai giữa Miên và Việt, và lớn lên ở miền sông nước Cữu Long nên nàng mới có vẻ đẹp của làn da trắng đó.
 
Thỉnh thoảng tôi ra ngồi trên hàng ghế trước nhà anh tôi và nhìn qua nhà Mai. Có lần nàng đang đi ra bắt gặp đôi mắt tôi nhìn nàng, nàng nguýt một cái xong trở vô nhà. Không khí ở đây có một cái gì thay đổi, tôi thấy ngồ ngộ và từ đó tôi thường ra ngồi trên hàng nghế trước nhà, nhưng không thấy Mai ra nữa.
 
Rồi một hôm tôi ngồi đó nhìn trời nhìn mây, bỗng nhiên tôi thấy Mai gánh gánh nước ngoài ngõ đi vào, bốn mắt nhìn nhau, không hiểu tại sao thùng nước của Mai đổ nhào xuống đất. Nàng lính quýnh với đôi thùng, mặt đỏ gay, Mai lấy đòn gánh đánh vào chiếc thùng kêu lẽng kẻng:
 
- Người ta gánh nước kệ người ta, ngó cái gì, hứ!
 
Nàng đang hành hạ hai chiếc thùng vô tội kia, tôi bèn chạy ra nói:
 
- Ủa! hai cái thùng đó có lỗi gì mà Mai “huýnh” nó dữ dzậy.
 
- Kệ người ta, hết chỗ ngồi rồi hả. Nàng ngồi bệt xuống đất.
 
- Chuyện Mai gánh nước và chuyện tui ngồi chỗ kia có ăn nhậu gì đâu.
 
- Sao không, ai bảo anh nhìn tui gánh nước.
 
- À! gánh nước đâu có sao đâu, bộ Mai mắt cở hả, thôi, để tui ra gánh gánh khác về cho Mai nhé.
 
Thế rồi tôi lấy đòn gánh, thùng thiết của Mai ra gánh về cho nàng một gánh nước để đền cái tội tôi ngồi không đúng chỗ, không đúng lúc.
 
- Nước của Mai đó, lần sau tui không ngồi đây nữa đâu.
 
- Anh….
 
Từ đó tôi thường nói chuyện với Mai, và Mai thường nhờ tôi chỉ Lượng Giác cho Mai.
 
Cũng gần một tháng từ ngày tôi “huýnh” lộn trước sân nhà Mai, tôi không tiện lui tới nhà anh tôi. Hôm nay tôi trở lại thăm và tìm Mai.
 
Một tháng trôi qua, không biết có ai chỉ Lượng Giác cho Mai không? Tôi bước chân lên cây cầu đó, nhìn vào nhà Mai thấy tối thui, cửa nẽo đóng kín. Sao lạ vậy, Mai đi đâu rồi? Tôi đang bàng hoàng suy nghĩ về Mai, không lẽ có gì xảy ra cho Mai sao? Tôi đang dán mắt vào khung cửa nhà Mai, thì, “Chú Mười, chú Mười, có cái nầy cho chú nè”. Ðứa bé con anh tôi chìa tay đưa cho tôi một phong bì.
 
Anh Vân.
 
Em biết anh ngạc nhiên khi đọc lá thư nầy lắm. Hôm đó nhìn anh “huýnh” ông Tiếu em sợ lắm, nhiều lúc em nhắm mắt không dám nhìn vì sợ anh trúng đòn. Nhưng may quá, anh không sao hết. Nhưng khỉ nè, anh học võ ở đâu mà “huýnh” hay quá dzậy. Anh nhớ không, mấy nhỏ xem anh “huýnh” nó reo hò ỏm tỏi, nào là ồ … coi ổng song phi kià, ồ đá đẹp quá … em cũng hồi hộp và hảnh diện lắm, anh hiểu em không? Mấy ngày sau em nghe tuị nó nói đừng đụng tới mấy đứa em ổng nữa, coi chừng quẹo giò đó … Nhưng mà hôm đó thấy khỉ thoi Ba em, em buồn lắm, nhưng ổng không sao đâu, ổng cũng không phải mà!
 
Em đợi anh mấy tuần nay nhưng không thấy bóng dáng anh đâu hết, bộ anh muốn tránh em hả. Khỉ à, đừng có nghĩ bậy nghen, em không giận anh đâu. Nhưng không biết từ nay em có còn được anh dẫn đi ăn kem, và đưa em đi dạo phố trong những buổi chiều tắt nắng nữa không, và lấy ai chỉ cho em những bài toán kia đây. Anh đừng gánh nước cho ai nghe hông! Em ghét khỉ rồi! Anh biết hông, gánh nước đó, ngoài em ra, em không cho ai dùng hết. Nhưng thôi rồi, chắc mình không có duyên bền lâu, nhũng ngày ngắn ngũi gần bên anh, em cũng vui lắm rồi.
 
Ở Sài thành bây giờ công ăn việc làm hiếm lắm, Ba Má em dọn về quê rồi, em phải theo về quê. Xa anh, em buồn lắm. Hôm anh “huýnh” lộn trước sân, anh rớt hột nút áo, em nhặt được, em sẽ giữ nó bên em maĩ để sau nầy những lần nhớ anh em sẽ nhìn nó.
 
Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.
 
Bé của anh – Mai.
 
Tôi sờ lên bâu áo, ai mang hột nút đi rồi!



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 680

Return to top