Căn phòng kín bưng, có khoảng mười hai người dự họp, nhiều lứa tuổi khác nhau. Người đàn ông bệ vệ đứng lên, triển khai cuộc họp theo đúng tác phong của ông, nhanh, gọn. - Các đồng chí! Những tài liệu ở trước mắt các đồng chí, sau khi đọc xong phải về lại. Và bây giờ, tôi tuyên bố bắt đầu kế hoạc "Nước về nguồn". Sau khi tổng hợp các nguồn tin từ địa phương đến trung ương, được tổ chức "Vì hòa bình thế giới" và Interpol, với sự xác nhận của luật sư nhà Bruller ông Lưu Triệu Vĩnh. Ta có đủ tư liệu hình thành sự việc như sau: - Năm 1966, đồng chí Trần Dụng đã nhận được 24 viên kim cương nhà Bruller gởi tặng kháng chiến, không thông qua tổ chức "Vì hòa bình thế giới". Vì là số tài sản quá lớn của một nhà tư bản nổi tiếng, nên sự việc này được giữ kín, ít ai biết có chỉ thị dùng tài sản này hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam. Đồng chí Trần Dụng là trưởng ban kinh tài, nên được toàn quyền sử dụng khi cần đến, và đồng chí chưa kịp làm gì thì đã bị mưu sát ngay chiến dịch Mậu Thân. Hai mươi bốn viên kim cương biến mất, trung ương và lực lượng giải phóng miền Nam thì ngỡ ngàng, số tiền khổng lồ hàng năm đồng chí Trần Dụng chuyển đến, trong đó có cả tiền 24 viên kim cương. Bây giờ nêu nghi vấn 24 viên kim cương thuộc về tay ai? Chil Sơn, kẻ mưu sát đồng chí Dụng hay còn nằm đâu đó do anh Dụng bí mật cất giấu? Nghi vấn về Chil Sơn đã được loại trừ, anh được phục hồi danh dự điều này chỉ nội bộ biết và chuyển sang nghi vấn 2, đó là một đối tượng tầm cỡ, có danh tiếng, tài sản, là Việt kiều yêu nước được nhiều bằng khen và các cấp lãnh đạo quan tâm. Bà Hoàng thị Thanh Vân - giám đốc công ty may mặc Thế Giới. Chúng ta có cơ sở để nghi vấn bà Hoàng thị Thanh Vân chính là Trần thị Quỳnh Dao qua các yếu tố sau: - Một, ngôi nhà bà Vân đang ở là nhà anh Dụng ngày xưa, bà ta đã mua lại nó qua người trung gian với giá gấp đôi giá trị thực căn nhà. - Hai, ở quanh nhà và vườn luôn bị đào xới và lấp lại công phu như chưa từng đào, có hình trong hồ sơ, các đồng chí xem đi. - Ba, người mang tên Jean Bruller thuộc hãng trinh thám tư nổi tiếng nhất thế giới, đang ngồi trước các vị, đã xác nhận, trong mười năm, hãng anh đã được năm nhà tài phiệt ở các nước mướn điều tra hai mẹ con quốc tịch Việt Nam, với năm tên tuổi khác nhau nhưng chỉ là một. Cuối cùng, họ đã mất tích tại Anh quốc. - Bốn, ngay khi họ mất tích, có vụ ánh xảy ra tại Anh quốc, một vụ án nghiêm trọng, đó là nhà giải phẩu thẩm mỹ nổi tiếng nhất nhì thế giới Richard Morgan bị chết cháy cùng toàn ê kíp mở tại dưỡng đường tư, hồ sơ các bệnh nhân bị hủy. Bây giờ đi vào vấn đề chính, qua nhiều nguồn tin, ta có một nhân chứng sống có thể khẳng định được Trần thị Quỳnh Dao chính là Hoàng thị Thanh Vân, đó là Elsa Remark quốc tịch Đức, nhân tình tri kỷ của Richard Morgan. Elsa Remark năm nay 32 tuổi, thành viên mật của hiệp hội hòa bình thế giới. Nghề nghiệp: phóng viên. Trước khi Morgan chết, Elsa có đến Anh thăm ông, và lúc cô đi châu Á, có lưu lại nhật ký ở hiệp hội, trong nhật ký công tác có một đoạn ghi như sau: "tại sao họ đẹp như thế, lại muốn biến thành người khác để về lại quê hương? Hy vọng đến Việt Nam ta sẽ gặp lại họ". Ngay trong nhật ký ghi trước hai ngày khi Elsa rời Anh quốc và Morgan chết. Và qua nguồn tin nữa, ta biết chắc, 24 viên kim cương còn trong nước, và bà Dao quay trở về với mục đích chiếm đoạt, song song đó để trốn sự tầm nã ở các nước và lại dùng thủ đoạn cũ lường gạt để làm giàu. Bây giờ ta có ba nhiệm vụ. Thứ nhất, khẳng định và lột mặt nạ mụ Dao. Thứ hai, thu hồi tài sản nhà nước, làm sáng tỏ cái chết của đồng chí Trần Dụng. Thứ ba, công bố tội trạng mụ Dao với các nước, chứng tỏ sự đoàn kết gắn bó của an ninh Việt nam với Interpol quốc tế. Các đồng chí có ý kiến gì không? Người lớn tuổi nhất buổi họp là ông Thường. Ông hỏi: - Ta cứ cho là bà Vân là mụ Dao đã được Morgan giải phẫu, chính mụ đã giết chết Morgan, hủy toàn bộ hồ sơ, thế vì lẽ gì lại bỏ qua Elsa? Và tại sao Elsa im lặng khi nghe người tình chết đầy nghi vấn lại không quay về làm sáng tỏ. Pierre Vian mặt lạnh như tiền, đưa tay lên. Anh nói tiếng Việt khiến cả phòng họp ngạc nhiên trừ Phong. - Tôi có thể trả lời, vì chính tôi, thay mặt hiệp hội yêu cầu Elsa im lặng. Có ba lý do. Thứ nhất, vì hiệp hội vẫn còn quan hệ chặt chẽ với các tổ chức an ninh thế giới. Hãng trinh thám Conan-Doyle không ngoại lệ, bởi hãng có tôn chỉ đạo đức trong nghề nghiệp. Thứ hai, vì bảo vệ Elsa, cô ấy là đồng chí của chúng tôi. Thứ ba, mụ Vân không hề biết Elsa, Morgan tính kín đáo, không một ai, kể cả trong hồ sơ ở cảnh sát biết về quan hệ hai người. Morgan lại không có người giúp việc, ở nhà riêng không hề có dấu tích Elsa. - Rõ rồi. - Ông Thường lại hỏi tiếp - Thế sao bây giờ ta không gặp ngay Elsa, để tốn thời gian công tác? Phong đưa mắt qua Jean Bruller, hắn nhún vai, cũng bằng thứ tiếng Việt chuẩn mực trả lời: - Vì cô ấy đang có nhiệm vụ quan trọng đặc biệt ở Trung Quốc, không thể gặp bất cứ ai, kể cả người của hiệp hội và vì... ông giám đốc Cao Nguyên Xanh muốn chơi trò mèo vờn chuột. Thiếu Úy Văn Tiền Đường mật danh K3 đứng lên cau có: - Tại sao ông giám đốc khách sạn lại... - Lại có mặt ở cuộc họp tối mật này chớ gì? - Phong chặn ngang câu nói. Người đàn ông bệ vệ khoát tay: - Ta đi vào nhiệm vụ thôi. Nhân tiện, tôi tuyên bố, ông Phong sẽ đồng chỉ huy cùng tôi trong chiến dịch "Nước về nguồn". Nào, triển khai kế hoạch thôi các đồng chí. *** - Khu đất này có hợp ý em không? Họ đứng giữa khu đất rộng vùng ven Sài gòn. Khu đất thật lý tưởng bởi rất gần thành phố nhưng lại tránh được sự náo nhiệt. Nàng như tựa hẳn vào hắn, sáng mắt thơ ngây rạng rỡ: - Em thích lắm. Chừng nào khởi công hả anh? Hắn ôm nàng âu yếm nói: - Anh định sau đám cưới. Đúng ra có nhà, tổ chức cưới hay hơn, nhưng chờ lâu quá anh chịu không nổi. Câu nói dứt, hắn đã cướp lấy bờ môi đang kề cận hôn say đắm. Cô bủn rủn, đê mê đón nhận. "Ta chưa bao giờ được hôn như thế, chưa người đàn ông nào khiến ta có cảm giác tuyệt vời này. Ta và anh ấy thật xứng đôi, sẽ là Retbalơ và Xcarlet hạnh phúc". Ta phải làm sao để có hạnh phúc vĩnh viễn? Tử Vân! Động não đi... Họ vẫn mê mải hôn nhau. Người con gái bứt môi rời khỏi người chồng sắp cưới nói nhanh: - Anh à! Em nghĩ đợi làm nhà xong sẽ cưới, được không? Và đừng cho mẹ biết mình sắp có một căn nhà, để mẹ bất ngờ chơi. Hắn không chịu, lắc đầu lia lịa: - Anh muốn cưới gấp. - Hắn rên rỉ - Tử Vân! Cho anh cưới đi. Xa em một giờ anh muốn điên. - Anh phịa - Cô hờn lẫy nũng nịu - Anh còn bao nhiêu đàn bà bên ngoài, mới đêm qua, ở với cô con gái ông Tường đến khuya. - Ối trời! Vì làm ăn thôi. Em biết mà, anh và cô ấy suốt đời bàn về âm nhạc, cô ấy đánh piano cho anh nghe, dĩ nhiên là để quyến rũ anh, nhưng có em rồi, anh không cần ai nữa. hãy tin anh. Cô gái cắn môi suy nghĩ, một lúc chớp mắt nai, nói: - Em sẽ dành thời gian cho anh nhiều hơn. Nếu sợ mất em, mình bí mật đăng ký kết hôn trước, nhưng lễ cưới phải đợi làm xong nhà. Hắn tỏ ra bứt rứt đến tội nghiệp. - Tại sao? Anh muốn chính thức, có cần gì giấu giếm? Tử Vân! - Hắn thì thào - Em biết anh rất hư đốn mà. Từ khi có em, anh xa rời mọi thú vui qua đường, anh muốn là của em, chỉ với em, một mình em. Tử Vân! Anh hết chờ đợi nổi nữa rồi. Má cô gái đỏ bừng như ráng chiều, quay mặt hờn: - Anh hư quá. - Cô chạy ù ra xe. Hắn chạy theo chui vào xe, năn nỉ tiếp. Cô lắc đầu, nói. - Với điều kiện, anh phải nghe em. - Được, anh nghe. Cố giấu nụ cười đắc thắng, cô nói: - Trước nhất đưa em về chỗ anh, em sẽ nói. Chiếc xe hơi lăn bánh về Sài gòn. *** Cùng giờ, tại nhà riêng, bà Thanh Vân tiếp giám đốc công ty Rose-Pari, ngài Jean Bruller, ngài trợ lý kiêm chuyên gia đá quí Pierre Vian và cô thư ký Bình Minh. Hai bên thỏa thuận, nhanh chóng việc mở văn phòng giao dịch, đưa ra hợp đồng ký kết. Trước lúc đặt bút ký, bà Thanh Vân chợt hỏi: - Ông có hứng thú tham quan công ty may mặc của tôi không? Mắt hai gã đàn ông nhìn bà Vân đau đáu, tay ra hiệu cho Bình Minh. Cô đọc vanh vách mọi con số có được ở công ty may mặc Thế Giới. Bà Thanh Vân mỉm cười ký ngay và nói: - Thì ra ông điều tra tôi khá kỹ. Thế tại sao việc mở công ty Rose-Pari lại độc quyền không dính gì đến tập đoàn đá quí châu Âu nhà Bruller cha và con? Ông Jean Bruller, ông có thể trả lời tôi không? Jean Bruller giật mình, ấp úng: - Bà.. bà.. biết... - Hắn vụt bình tĩnh lại - Suy cho cùng ra, điều ấy đâu quan trọng gì? Bà muốn làm ăn với Rose-Pari cơ mà. Dù là công ty độc lập, tôi vẫn có hậu thuẫn từ cha tôi, bà biết đó, tôi là con độc nhất nhà Bruller. - Cho nên tôi đã ký. - Bà Thanh Vân tươi cười - Bây giờ ông cho biết kế hoạch đầu tư của ông đi. Bình Minh dịch vanh vách, sau đó đưa ra xấp hồ sơ. Bà Thanh Vân xem chăm chú và giật mình: - Ông muốn sửa lại mặt tiền và tổ chức các buổi biểu diễn thời trang tại đây? - Dĩ nhiên. Vì đây là địa điểm tuyệt diệu. - Tôi không đồng ý. Hãy chọn các nhà hát lớn hoặc các trung tâm văn hóa, nơi đây chỉ cần mở một phòng trưng bày và đưa hàng bày bán ở các siêu thị, những cửa hàng bán độc quyền Rose-Pari. Jean Bruller ngẫm nghĩ: - Chúng ta sẽ thỏa thuận thêm về vấn đề này, giờ bà nên xem dự án tu sửa mặt tiền toà nhà này. Bình Minh trải bản vẽ kết cấu và hoàn thành ra bàn. Quả nhiên tráng lệ hơn, hiện đại hơn vẫn giữ được lối kiến trúc Pháp bậc thầy. Jean Bruller nói thêm: - Bà đã chọn đội ngủ thí công, công ty may mặc rất tốt, vậy nếu bà đồng ý, tôi giao bà cùng Pierre giám sát việc tu sửa này, chỉ cần nhớ cho, phòng tôi và hắn riêng biệt, có lối đi riêng bên ngoài. - Còn cô Bình Minh? - Cô ấy có mặt trong giờ làm việc thôi. Luôn tiện cho bà biết, thời gian chậm nhất là nửa tháng phải xong. Tiền thuê bên Cao Nguyên Xanh đắt kinh khủng. - Được. Tôi cho tiến hành ngay. Họ chia tay nhau thật chân tình thắm thiết. Pierre hôn tay nữ chủ nhân rất lâu, nhìn "nàng" đắm đuối, nói câu tiếng Anh tồi nhất thế giới, đại để là, rất sung sướng được cùng làm việc với "nàng" và hỏi có thể có hân hạnh được mời uống trà không? - Vâng. Một buổi tối nào đó. - Bà Vân bật cười nói, khi đầu miên man nghĩ chuyện "nuốt" Rose-Pari. *** Họ ngồi ở phòng không số, lặng lẽ uống rượu, mỗi người chìm đắm vào cõi riêng mình. Cánh cửa phòng mở ra, rồi khép nhanh. Thiên trên tay có lá thư, chìa qua Phong, nói mắt không nhìn hắn: - Chil Sơn gởi anh. - hắn quay ra ngay. - Chú Sơn! - Phong rạng rỡ, mở vội lá thư. Ba năm rồi chú không cầm bút, không chuyện trò với ai trừ K Lan. Chú gởi thư nhất định có việc quan trọng. Nhưng hắn hoàn toàn thất vọng, vì thư chỉ vài dòng ngắn gọn: "Sơn Dương! Có lẽ chú không còn đi lại được, nếu có dịp cháu về đây gặp chú. K Lan đang chờ. Chil Sơn". - Chil Sơn nói gì? - Jean hỏi. Hắn thờ ơ chìa lá thư, Jean đọc rồi hỏi: - Cậu thất vọng gì? Vì thư không có gì à? - Ừ. Mình đang lo. Mụ ta đã ba năm đào xới, mà không tìm được bộ sưu tập kim cương, mình sợ rằng nó không nằm ở đó. Vậy nó nằm ở đâu chỉ chú Sơn với ông Dụng biết. Nhưng chú có vẻ như không biết tí nào. Chẳng lẽ ông Dụng không tin chú Sơn? Hay vì chết đột ngột chưa kịp.... - Cậu quên rồi à? Từ khi nhận bộ sưu tập kim cương đến lúc ông Dụng bị mưu sát là hai năm. Hai năm, muốn làm gì ông ấy đã làm xong Pierre cau có: - Này! Còn bên hãng sơn thì sao? Nơi ấy chính là nơi đóng bộ chỉ huy và văn phòng làm việc ông Dụng nằm ở đó. - K1 đang tiến hành tìm kiếm, có khó khăn vì hạn chế giờ, họ chỉ làm vào ban đêm, tránh sự chú ý nhiều người. Nhưng theo báo cáo thì nơi ấy cũng từng bị đào xới và trong suốt ba năm nay bảo vệ hãng sơn đổi hai lần. Cả hai, có nhân dạng giống Lý Tài và Huỳnh Hùng đang cho xác minh lý lịch. Phong đứng lên buột miệng than: - Mình ngỡ dễ dàng, không ngờ mất ba năm trời vẫn chưa kết thúc, làm hai cậu liên lụy. - Tôi có thấy điều ấy nhưng Bruller dường như cần cảm ơn cậu thì phải. - Bình Minh? - Phong nhún vai - Jean! Cố quên đi. Cô ta không thể là một nửa của cậu. Trái tim cô ta đang chao đảo vì gã bảo vệ của tôi, dòng sông Tiền Đường. Hắn uống cạn cốc rượu, đứng lên: - Về biệt thự trắng nhớ cẩn thận. Jean, cậu chắc tìm được chứng cớ tội phạm của mụ ta ư? - Nhất định. Gần mười năm, công ty tôi theo dõi khắp nơi, biết mụ có hai cố tật, chỉ chưa nắm được. Một là tính cuồng dâm háo sắc, hai là tính thích sưu tầm lưu lại kỷ vật, những nạn nhân của mụ, ngoài mất số tài sản, còn mất những đồ trang sức nhỏ trên người , những trang sức độc đáo đó, đắt tiền được đăng ký bảo hiểm. Tôi nhất định lôi được mẹ con mụ ra tòa án quốc tế. Phong gật đầu, bước ra ngoài, hơi khựng bước chân một chút, vì ngay lối đi, Thiên đang nắm tay Bình Minh, còn cô cố lấy lại. Phong tỉnh bơ đi qua, nói với lại: - Cô cứ để hắn nắm một tí, cho máu hắn nguội bớt đi. Vả lại, điều ấy như khúc dạo đầu bản tình ca, không làm tay cô mòn đi chút nào. Hắn xuống hết mấy lần cầu thang, qua lối cứu hộ băng qua vườn hoa định xuống phòng bảo vệ, vụt nép lại vì Nguyệt Cầm đang ngồi bên Lâm, cúi mặt. " Yàng ơi! Hôm nay ngày gì mà hoa tình nở nhiều đến thế?". Hắn lắc đầu trở gót qua khu lễ tân, lòng cồn cào nỗi nhớ về K Lan. Hắn không biết chẳng phải hoa tình nở mà là giông tố nổi lên. Nguyệt Cầm đang cố khoác bộ mặt lạnh lùng nói với Lâm: - Anh điên sao? Người ta có chồng có con. Có phải anh muốn bị đưa ra xử lý trước công đoàn? Tôi cho anh biết, đây là cơ hội cuối cùng, bằng không tôi ngồi ghế chủ tịch cộng đoàn không vị nể đâu. Lâm đổ khùng, thật khác tính điềm đạm, mực thước thường ngày: - Tôi nói sao cô mới hiểu đây? Chồng Phụng là đồng chí của tôi, anh ta đang sa ngã, cả hai đang cần tôi giúp đỡ, hàn gắn, còn cô lại nghĩ bậy. - Tôi có hỏi Phụng, chị ấy nói gia đình rất êm ấm. Lâm ôm đầu: - Vì cô ấy tự ái, không muốn ai biết. Cô nghĩ xem, lâu nay Phụng tự hào về mình, về người chồng lý tưởng, thế rồi bây giờ tuyên bố chồng bỏ bê, điều ấy làm sao cô ta chấp nhận. Nguyệt Cầm đứng lên, cô muốn gào to, muốn gục vào vai Lâm nói: "Thế còn em? Em đang cần anh an ủi, quan tâm, sao anh cứ thờ ơ". Nhưng cô không thể. Cô sợ nghe anh nói rằng: "Không". Cô bỏ đi. Lâm ngẩng lên hốt hoảng đuổi theo. - Cầm! Cầm à! Cô nghe tôi nói. Giá Cầm nán lại, cô sẽ có được điều muốn có. Nhưng cô chạy đi, đâm sầm vào Đức. Anh ôm vội cô, hỏi: - Chuyện gì hả Cầm? Lâm khựng lại, nhìn sững, chua chát bỏ đi. "Thì ra thế. Từng bên nhau công tác, từng đỡ đạn cho nhau ngoài tuyến đầu biên giới phía Bắc kia mà". *** K Lan vứt vội chiếc xe đạp, nhảy luôn lên mấy bậc thang vào nhà ríu rít: - Chú Sơn. K Lan về rồi. Chil Sơn đang khắc những vết nhăn trên mặt tượng người mẹ, ngưng tay, ngẩng lên: - Hôm nay không có khách ư? Cô quì xuống bên Chil Sơn, hồn nhiên: - Có. Nhưng K Lan từ chối hướng dẫn. Bọn họ làm K Lan không thích, thế là K Lan chạy ù về chơi với chú. Chil Sơn thoáng nét cười trên gương mặt không cảm xúc: - K Lan phá chú thì có. Bức tượng còn chưa xong. K Lan lấy mũi dao khắc tượng dắt vào vách, nắm tay Chil Sơn nói: - Hôm nay y sĩ Min đi hái thuốc rồi. K Lan sẽ xoa bóp cho chú ở nhà, mai mới đi chạy vật lý nhé. Chil Sơn không nói lẳng lặng gật đầu. K Lan giấu nỗi buồn, từ hôm ra thành phố, gặp cấp lãnh đạo nào đó, chú Sơn có thay đổi, không còn chán nản, tuyệt vọng, đòi chết. Nhưng chú trở nên trầm lặng quá, đánh mất mọi buồn vui trên mặt, lẫn trong giọng nói, chú ăn, ngủ, tập luyện đều đặn, nhưng đẽo tượng không có hồn, chỉ là bức tượng trơ trơ, thỉnh thoảng nhìn về chốn xa xôi nào chú lẩm bẩm điều gì đó như cầu xin. K Lan đỡ Chil Sơn nằm ra chiếc chiếu. Cô bắt đầu xoa bóp theo lời chỉ dẫn, miệng liến thoắng: - Hồi ấy, chú Sơn nhỏ mà oai ghê há chú? Có gì vui kể K Lan nghe không? Nhìn K Lan. Chil Sơn liên tưởng Sơn Ca. Nàng lúc xưa cũng lém lỉnh hồn nhiên, lại thêm xinh đẹp lạ kỳ từ khi còn bé, khiến Sơn yêu quí, cưng chiều. Cô bé cũng rất quí anh Sơn, bởi anh Sơn luôn giúp đỡ và bảo vệ mẹ. Suốt bảy năm bên nhau, ngày giải phóng miền Nam, anh Sơn về lại quê hương cao nguyêngió núi, mây ngàn, cô bé Sơn Ca đã mười hai tuổi, ôm anh Sơn khóc ngất, đòi đi theo để rồi bốn năm sau, gặp lại, cô đã là thiếu nữ tròn trăng, đẹp trinh trắng, cao quí khiến Chil Sơn điên đảo sóng lòng. Suốt mùa hè năm ấy, Sơn Ca được mẹ gởi lên chỗ anh Sơn nghỉ hè với lý do đang quá bận bàn giao tài sản đợt cuối cho nhà nước. Với Chil Sơn, mùa hè đó là kỷ niệm đẹp nhất đời. Chil Sơn ở đâu, Sơn Ca ở đó, khi lên núi, lúc xuống rẫy, khi tắm suối, lúc hái hoa. Chil Sơn đẽo tượng giỏi, Sơn Ca hát rất hay. Chil Sơn lấy củi, làm gạo giỏi, Sơn Ca nấu cơm ngon. Lửa gần rơm dễ cháy, Chil Sơn biết nên cố kìm lòng. Nhưng vào một ngày cuối hè, khi Sơn Ca sắp về lại thành phố, bên rẫy cà phê chín mọng, tay Chil Sơn và Sơn Ca vô tình hái chung nhánh quả cà phê, Sơn Ca giữ luôn bàn tay Chil Sơn, đôi giọt trong veo ứa từ ánh mắt đen tròn, lăn dài trên đôi má. Cô Sơn Ca không nói lời nào cả, chỉ nhìn thôi, khóc thôi mà khiến Chil Sơn, người hùng dân tộc K Ho tan nát con tim gang thép, đầu óc rối bời, ấp úng: - Đừng khóc, Sơn Ca, đừng khóc. - Anh không giữ được Sơn Ca ở lại với anh ư? - Sơn Ca về đi học mà. - Sơn Ca không học được. Nhìn đâu cũng thấy anh. Chil Sơn, về với Sơn Ca. - Không được. Đây là quê hương anh. Sơn Ca khóc òa, vụt ôm ghì Chil Sơn thổn thức: - Vậy cho Sơn Ca ở lại với anh. Người anh hùng xã Lát run lên trong đôi tay mềm dịu thơm tho, run lên khi làn da Sơn Ca dính vào, sát vào da thịt cứng như thép nguội của mình. Tay anh luống cuống trên vòng eo nhỏ xíu, và chẳng biết vì sao, lúc nào, môi anh đã đậu lên môi Sơn Ca hé mở, thật khờ dại, ngu ngơ lẫn ngọt ngào, để rồi dưới bụi cà phê um tùm trái chín, nối tiếp mãi những nụ hôn dài bất tận. - Sơn Ca! Anh... - Chil Sơn. Đừng nói gì cả. Sơn Ca muốn anh nhớ mãi Sơn Ca. - Nhưng... em mới... mười sáu tuổi. Em phải học Sơn Ca ạ. Mắt nàng rớm nước, gật đầu: - Sơn Ca biết. Sơn Ca sẽ về đi học, đợi trưởng thành sẽ được sống với Chil Sơn. Nhưng anh phải hứa với Sơn Ca một điều, còn ba ngày ở lại, anh nhớ kể hết mọi chuyện, mọi kỷ niệm về ba với anh cho em nghe. - Được rồi, Sơn Ca. Anh kể... - Chú Sơn! K Lan gọi lớn đầy lo âu khi thấy Chil Sơn lại như người mất hồn. Chil Sơn giật mình sực tỉnh. - K Lan! Không có gì, chú nhớ ông Dụng. Chú biết khắc tượng là do ông ấy dạy đó K Lan. Ông ấy là nhà điêu khắc giỏi. Ngoài gia đình, điêu khắc là niềm vui duy nhất của ông ta. Những lúc suy tính kế hoạch hay chưa nghĩ ra điều gì, ông thường ngồi khắc tượng, bức tượng chỉ hoàn thành khi ông giải quyết hết mọi vấn đề. - Chú còn lưu lại vật nào của ông ấy không? - Còn. Cái tượng nhỏ hình chú nhỏ K Ho đánh trống là của ông ấy tặng, chú luôn mang theo bên mình mấy mươi năm nay. Ông ấy lúc tặng chú có nói: "Mai sau nếu phải xa nhau, thấy tượng nhớ người", nên chú rất trân trọng. K Lan đến chỗ bàn viết, cái bàn nhỏ Chil Sơn đặt làm việc lúc về nhà. Thấy tượng nhỏ xíu cỡ sáu phân, khắc thật tinh xảo, cô cầm lên ngắm nghía, trở lại bên Chil Sơn đưa cho ông. - Đẹp lắm. Bậc thầy trong nghề điêu khắc đó chú. Ông ấy là tinh hoa nước nhà, không ngờ bạc mệnh như vậy. Chú Sơn, đúng là ông ấy bệnh chết sao? Chil Sơn ôm đầu. Anh nhớ lại hình ảnh đêm ấy, trước giờ nổ súng, gã thiếu niên Giang Sơn vào phòng làm việc và kinh hoàng thấy ông nằm gục trên bàn. - Chú vẫn có linh cảm ông ấy bị giết chết, nhưng không có thời gian tìm hiểu. Vì chỉ còn nửa giờ là hiệu lệnh tấn công, chú phải thay ông Dụng hoàn thành nhiệm vụ tối quan trọng này. Thế là chú băng mình đi khi tiếng súng rền vang khắp đô thành. Chú quay về đã thấy ông được phát hiện, rồi chú bị cuốn hút vào chiến dịch. Khi xong, ông đã mồ yên mã đẹp. K Lan! Cháu biết đó. Lúc ấy, đang chiến tranh, chúng ta hoạt động bí mật, không thể làm gì, và mãi tới giờ... - Bây giờ càng có điều kiện xác minh cái chết ông tiến sĩ, sao không làm ? Khoa học đã chứng minh dù trải qua bao năm vẫn tìm được nguyên nhân dẫn đến cái chết mà. Chil Sơn đau khổ trong lòng. Ông nhớ đến bảy năm cùng bà Dao sống một mái nhà, tình như ruột thịt, cùng nuôi dạy Sơn Ca. Bà Dao là người khôn khéo, thông minh, lại xinh đẹp, nhạy bén trong thương trường, nên chỉ hai năm cơ nghiệp phát triển lớn. Khi tổ chức đến móc nối và cho bà biết rõ việc làm của Trần Dụng, bà khẳng khái nhận tiếp nối bước đi của chồng và hoàn thành tốt đẹp cho tới khi thống nhất. Vậy mà... - Có cơ sở nghi bà Dao giết chồng, hiện đang điều tra. - Vậy... Sơn Ca? - K Lan sững sờ. - Cháu im đi. - Chil Sơn gầm lên - Không mắc mớ gì đến Sơn Ca. Cô ấy lúc đó rất nhỏ, và mãi mãi là người tốt. Không đâu. Cô ấy không làm điều tồi tệ ấy. Cô ấy là con ông Dụng. Cô ấy bị ép đi thôi. Rõ chưa? Tất cả hồ sơ ta có, chỉ nói về tội mụ Dao, không hề có tên Sơn Ca. K Lan hết hồn đứng lên, lùi dần ra cửa, băng xuống mấy bậc nhà sàn, chạy vù. Cô chạy mãi đến bờ suối, ngồi xuống thở dốc, buồn bã nghĩ: "Mình hứa với Sơn Dương chăm sóc cho chú Sơn đàng hoàng mà vậy đó. Chọc chú giận kinh!". Cô sơn nữ gục đầu vào tay, chợt thấy bức tượng nhỏ còn tron tay mình, cô thờ ơ ngắm nghía, rồi bỗng nhiên nhìn chăm chú. Lạ thật! Tượng điêu khắc nhỏ như vầy, làm sao rỗng ruột được. Nó được đẽo gọt từ những khối gỗ nhỏ mà. Nhưng rõ ràng có đường lằn rất nhợt quanh tượng như là đường ráp nối vậy. Chẳng lẽ nó được ráp từ hai mảnh? Để coi. K Lan nhìn thật kỹ, đầu lan man nhớ tới lời Sơn Dương nói lúc đi: "Bây giờ không còn là chuyện của chú Sơn mà là tài sản quốc gia bị chiếm hữu. Chuyện những cái chết chưa sáng tỏ. Công lý chưa trừng phạt được kẻ gây tội, anh phải xa em rất lâu, hãy thay anh chăm sóc chú Sơn, nhớ khéo léo hỏi nhiều chuyện ngày xưa, anh rất cần những điều nhỏ nhặt ấy để giải tỏa một điều thật lớn lao, nếu có gì nghi ngờ hãy gọi cho anh theo số..." K Lan mân mê pho tượng lắc đầu một mình. Pho tượng có liên quan gì đến chuyện lớn lao chớ. K Lan ơi. K Lan! Đừng tìm cớ xuống thành phố tìm Sơn Dương nữa. Cô nén nhớ nhung, đứng lên rời con suối thân thương về nhà. "Khi nào chú Sơn vui mình sẽ kể chú nghe chuyện bức tượng ghép này, ông tiến sĩ gì đó thật ngộ...".