26
Đoàn người đi về hướng mặt trời mọc. Họ đi vào buổi sáng, nghỉ chân khi mặt trời đứng bóng, xế trưa lại đi tiếp. Cậu chăn cừu ít trò chuyện với anh chàng người Anh vì anh ta thường chúi mũi vào sách. Thế là cậu bèn lặng lẽ quan sát cuộc hành trình của người và vật qua sa mạc. Giờ thì mọi thứ khác hẳn ngày đầu. Hôm ấy thật là ồn ào và lộn xộn; tiếng con nít khóc lẫn với tiếng thú vật kêu, thêm tiếng các trưởng toán và các khách thương gắt gỏng ra lệnh. Trong sa mạc, ngược lại, chỉ có tiếng gió thổi liên tục, sự yên ắng và tiếng chân thú vật. Ngay cả các trưởng toán cũng ít trò chuyện với nhau.
“Tôi đã nhiều lần đi qua những đồi cát này”, một người phu lạc đà kể vào một buổi chiều tối. “Nhưng vẫn thấy sa mạc quá mênh mông, chân trời thì xa tít tắp khiến con người thấy mình vô cùng nhỏ bé và kính sợ đến không nói nên lời”.
Tuy chưa từng vượt sa mạc cậu vẫn rất hiểu ý người phu nọ. Mỗi khi nhìn biển cả hay ánh lửa cậu đều thường ngồi lặng hàng giờ, không nghĩ ngợi gì, chỉ trực cảm quyền lực của thiên nhiên vô cùng vô tận.
“Mình đã học được từ bầy cừu và các món hàng pha lê, tại sao sa mạc lại không dạy mình được ít điều chứ”, cậu ngẫm nghĩ. “Sa mạc, theo mình, còn cổ xưa và thông tuệ hơn nhiều.”
Gió thổi mãi không ngừng. Cậu nhớ lại cái ngày ngồi đón chính ngọn gió này trên cổ thành ở Tarifa. Có thể lúc này đây ngọn gió đang ve vuốt lông lũ cừu của cậu khi chúng đang đi tìm cỏ và nước trên vùng Andalusia bát ngát.
“Đúng ra chúng đâu còn là cừu của mình nữa”, cậu nghĩ và không thấy tiếc nuối. “Nhất định chúng đã quen với chủ mới và quên mình rồi. Thế là phải. Ai quen lang thang đây đó nhiều như lũ cừu đều biết rằng nhất định sẽ có một ngày phải chia tay thôi - giống như phải lên đường.”
Rồi cậu nghĩ đến cô con gái chủ tệim vải và đinh ninh rằng cô đã lấy chồng. Có thể cô đã lấy một người bán kem, hoặc một chàng chăn cừu cũng biết đọc và biết kể những chuyện thú vị trên đời. Cậu nào phải là người chăn cừu duy nhất có bản lĩnh đó đâu. Rồi cậu đoán già đoán non rằng có thể cậu đang trên đường lĩnh hội được loại ngôn ngữ vũ trụ, bao trùm cả quá khứ lẫn tương lai của nhân loại. Phỏng đoán này làm cậu phấn khởi. Mẹ cậu vẫn quen gọi đó là “trực cảm”. Cậu dần dà hiểu rằng cảm nhận bằng trực giác nghĩa là tâm linh mình bất chợt chìm ngập trong dòng chảy của toàn vũ trụ, nơi cuộc đời của mọi con người đều liên kết thành một chuỗi, nơi mọi chuyện đều tỏ rõ, vì tất cả đều “đã được viết sẵn” từ trước rồi.
“MAKTUB”, cậu nói và nhớ đến ông chủ hàng pha lê. Sa mạc chỉ toàn cát với đá. Khi đoàn gặp một vùng toàn đá thì họ phải tìm cách đánh vòng khá xa. Còn khi cát quá mịn đối với chân lạc đà thì họ tìm lối khác có lớp cát chắc hơn. Thỉnh thoảng lại thấy có vùng phủ đầy muối vì trước kia nơi đó là biển. Gặp những nơi như thế thì lũ vật thồ giở chứng bất kham không chịu đi tiếp khiến những người phu lạc đà phải dỡ hàng xuống, vác hàng trên vai, vượt qua những nơi địa hình hiểm trở rồi mới lại chất lên như trước. Khi một trưởng toán ngã bệnh hay chết dọc đường thì các phu lạc đà rút thăm cử người thay. Nhưng dù có phải đi vòng bao nhiêu đi nữa thì đoàn vẫn không bao giờ quên đích. Khi đã vượt qua mọi chướng ngại rồi thì sao trên trời sẽ lại chỉ cho họ hướng của ốc đảo. Rạng đông, khi thấy sao sáng trên bầu trời là họ biết rằng sao kia báo hiệu một nơi có phụ nữ, nước, chà là và cây cọ. Chỉ có chàng người Anh là chẳng biết gì cả vì hầu như anh ta chỉ chúi đầu vào sách. Cậu chăn cừu cũng có một quyển sách và cậu thử đọc trong mấy ngày đầu. Nhưng rồi cậu thấy quan sát đoàn là lắng nghe tiếng gió thú vị hơn. Rồi khi đã quen dần và thấy quí con lạc đà của mình thì cậu quẳng quyển sách đó đi. Tuy rằng mỗi khi giở nó ra đọc cậu vẫn hi vọng một các dị đoan rằng sẽ gặp được trong đó một nhân vật lẫy lừng, nhưng giờ đây cậu cho nó chỉ là gánh nặng vô ích.
Lúc này cậu đã quen thân với người phu lạc đà vẫn đi cạnh mình. Tối tối, khi tất cả quây quần bên đống lửa, cậu kể cho ông ta chuyện thời còn đi chăn cừu. Trong một lần chuyện vãn như thế ông ta kể cậu nghe về đời mình.
“Tôi sống ở một nơi gần Al Kahira”, ông ta nói. “Tôi có một vườn rau, một lũ con và một cuộc sống êm đềm mà tôi ngỡ rằng cho đến ngày chết cũng không thay đổi. Một năm nọ được mùa bội thu, thế là chúng tôi hành hương đến Mekka để làm một bổn phận duy nhất chưa hoàn tất trong đời tôi. Tôi có thể yên tâm nhắm mắt được rồi và lòng tôi thanh thản lắm. Nhưng một ngày kia động đất, nước sông Nil tràn qua đê. Điều mà tôi tưởng rằng chỉ xảy ra cho người khác đã đến với chính mình. Lũ lụt khiến hàng xóm sợ mất vườn ô-liu, vợ tôi sợ lũ con có thể chết đuối, còn tôi hoảng kinh lo động đất sẽ tàn phá cơ nghiệp của mình. Nhưng sợ cũng thế thôi. Sau vụ đó đất đai không trồng trọt gì được nữa và tôi phải tìm cách khác để nuôi sống gia đình. Cho nên hôm nay tôi làm phu lạc đà. Nhưng lúc ấy tôi thấm thía lời dạy của Allah: không ai phải lo trước về điều chưa xảy tới cả vì mỗi người đều có thể đạt được cái mình muốn và cái mình cần. Chúng tôi chỉ lo mất cơ nghiệp, sợ cho mạng sống và cây cối của mình thôi. Nhưng nỗi sợ đã qua đi khi hiểu rằng diễn biến của đời mình và cả của quả đất đều đã được một bàn tay Người viết trước cả rồi”.
27
Thỉnh thoảng họ gặp một đàon lữ hành khác trong đêm mà đoàn này luôn luôn đang có cái mà đoàn kia thiếu, như thể đúng là tất cả đều do một bàn tay quyết định vậy. Các toán trưởng trao đổi thông tin về bão cát và tụ tập bên đống lửa kể đủ chuyện về sa mạc. Một lần khác đoàn gặp những người Beduin ăn mặc kín từ đầu tới chân trông rất là thần bí; Họ theo dõi lộ trình của từng đoàn lữ hành để cảnh báo đoàn về các bọn cướp và về các bộ tộc hiếu chiến. Họ đến và đi đều lặng lẽ, ăn mặc toàn đen, chỉ để hở đôi mắt. Vào một buổi tối như thế người phu lạc đà đến tìm cậu chăn cừu đang ngồi cùng chàng người Anh bên đống lửa.
“Nghe đồn rằng có thể xảy ra đánh nhau giữa các bộ lạc”, ông ta nói.
Họ ngồi lặng thinh. Cậu chăn cừu cảm thấy có một nỗi sợ bàng bạc đâu đó tuy không ai nói gì cả. Một lần nữa cậu lại hiển được thứ ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ của vũ trụ. Một lúc sau chàng người Anh mới hỏi có nguy hiểm gì không.
“Ai đã vào sa mạc rồi thì không quay lại được nữa”, người phu lạc đà nói. “Khi không còn đường lui thì chúng ta phải tìm ra cách nào tốt nhất để tiến tới. Mọi chuyện khác phó thác cho Allah, kể cả sự nguy hiểm”.
Và ông ta kết thúc bằng cái từ thần bí: “Maktub”.
“Anh nên chú ý quan sát các đoàn lữ hành kĩ hơn”, cậu nói với chàng người Anh sau khi người phu đi khỏi. “Họ phải đi lòng vòng hoài đấy nhưng lúc nào cũng nhắm hướng mục tiêu”.
“Còn cậu nên đọc nhiều hơn về thế giới đi thôi”, chàng kia đáp. “Sách cũng bổ ích như đoàn lữ hành vậy”.
Đoàn người và vật dài dằng dặc đi nhanh hơn tới phía trước. Không phải họ chỉ giữ yên lặng trong ban ngày, mà ngay cả tối đến họ cũng chỉ rì rầm trò chuyện quanh đống lửa. Rồi một ngày nọ trưởng đoàn quyết định không được đốt lửa nữa để tránh gây chú ý. Họ quây đám thú vật lại thành một vòng tròn, còn người chen chúc bên trong cho đỡ lạnh; trưởng đoàn còn cắt đặt người mang vũ khí canh gác vòng ngoài.
Một đêm chàng người Anh không ngủ được. Anh ra rủ cậu đi dạo qua các đồi cát trải dài quanh khu trại. Đêm đó trăng tròn. Cậu kể cho anh ta về đời mình. Anh ta thích thú nghe chuyện cửa hàng pha lê làm ăn khấm khá lên từ khi có cậu giúp việc ở đấy.
“Đó là nguyên lí cơ bản chi phối mọi sự đấy”, anh ta bảo. “Trong thuật luyện kim đan người ta gọi nó là tâm linh vũ trụ. Khi ta tha thiết mong ước điều gì thì ta gần gũi với tâm linh vũ trụ hơn. Nó luôn luôn có tác dụng tích cực”
Anh ta còn nói rằng điều này không phải là đặc trưng của con người đâu. Mọi loài trên trái đất đều có tâm linh, dù đó là khoáng vật, cây cỏ hay thú vật; thậm chí ngay cả một ý niệm cũng thế.
“Mọi thứ trên trái đất đều biến dịch không ngừng, vì thế giới này sống động và có một tâm linh. Chúng ta là một bộ phận của tâm linh này và hiếm khi chúng ta ý thức được rằng nó có ảnh hưởng tích cực đến việc chúng ta làm. Và cậu nên biết rằng ngay cả từng chiếc bình pha lê trong cái tiệm nọ đều đã góp phần vào sự thành công của cậu đấy”.
Cậu im lặng ngắm nhìn mặt trăng và cát trắng. Lát sau cậu nói: “Tôi đã quan sát đoàn suốt dọc đường đi qua sa mạc. Đoàn và sa mạc nói cùng một thứ tiếng nên đoàn được phép đi băng qua nó. Đoàn cân nhắc từng bước đi một để được hoà điệu thì đoàn đến được ốc đảo. Bất cứ ai trong chúng ta đến đây, dù can đảm có thừa nhưng không hiểu được thứ ngôn ngữ ấy thì sẽ chết ngay từ đầu”.
Hai người cùng ngắm mặt trăng.
“Đó chính là phép kì diệu của dấu hiệu”, cậu nói tiếp. “Tôi đã nhìn thấy được các trưởng toán nhận biết ra dấu hiệu của sa mạc như thế nào, cũng như cách tâm linh của đoàn hội ý với tâm linh sa mạc”
Lát sau chàng người Anh nói: “Tôi phải quan tâm đến đoàn nhiều hơn mới được”.
“Còn tôi thì cần phải đọc lô sách của anh”, cậu đáp
28
Đó thật là những quyển sách kì lạ, viết về thủy ngân, muối, rồng và vua chúa. Cậu chẳng hiểu gì cả. Dẫu sao cũng có môt ý chính xuyên suốt gần hết mọi quyển, đó là: mọi sự vật đều góp phần diễn giải cho tổng thể. Trong một quyển nọ cậu phát hiện ra rằng văn bản quan trọng nhất của thuật luyện kim đan chỉ vẻn vẹn có mấy hàng thôi, viết trên một phiến ngọc lục bảo.
“Tên nó là Tabula smaragdina”, chàng người Anh nói, tự hào vì đã dạy cho cậu được ít điều mới.
“Tất cả những sách này dùng vào việc gì?”
“Để diễn giải những hàng chữ đó”, anh đáp song có vẻ không tự tin lắm.
Quyển sách cậu chăn cừu thích hơn cả kể về cuộc đời những nhà luyện kim đan nổi tiếng nhất. Họ là những người hiến cả đời mình cho việc tinh hóa im loại trong phòng thí nghiệm. Họ tin rằng khi kim loại được nung nóng nhiều năm thì chúng sẽ mất đi những tính chất nguyên thủy, chỉ còn lại cái tâm linh vũ trụ thôi. Tâm linh vũ trụ này sẽ giúp họ hiểu được mọi sự trên mặt đất, vì nó là thứ ngôn ngữ kết nối mọi sự vật với nhau. Họ gọi phát kiến này là “Đại công trình”, gồm một phần lỏng và một phần rắn.
“Chẳng lẽ quan sát con người và dấu hiệu không đủ để phát kiến ngôn ngữ này sao?” Cậu hỏi
“Cậu chỉ giỏi giản đơn hóa tất cả”, chàng người Anh bực mình đáp. “Luyện kim đan là một việc quan trong, đòi hỏi mỗi bước phải làm đúng theo chỉ dẫn của thầy”.
Cậu được biết phần lỏng của “Đại công trình” gọi là “Thuốc trường sinh bất lão”, chữa được mọi bệnh tật, khiến nhà luyện kim đan trẻ mãi. Phần rắn gọi là “Đá tạo vàng” .
“Phát hiện ra “Đá tạo vàng” có phải đơn giản đâu”, chàng người Anh nói. “Các nhà luyện kim đan kiên trì nhiều năm trong phòng thí nghiệm, nhìn ngọn lửa tinh hóa kim loại. Họ nhìn ngọn lửa cho đến khi mọi cao ngạo của thế giới này biến mất dần. Rồi một ngày kia họ nhận thấy rằng tinh hóa kim loại cũng là trong sách hóa chính mình”.
Nghe thế cậu liền liên tưởng đến người chủ của hàng pha lê. Ông ta thấy rằng rất nên lau chùi các bình trong cửa hàng vì như thế cả ông lẫn cậu đều gột rửa được mọi tạp niệm. Bây giờ thì cậu tin chắc rằng cũng có thể học được thuật luyện kim đan trong cuộc sống hàng ngày.
“Hơn nữa”, anh ta nói tiếp, “Đá tạo vàng có một tính chất độc đáo. Chỉ cần một mảnh vụn của nó đủ biến một khối lượng lớn kim loại thành vàng”.
Nghe thế cậu lại càng quan tâm hơn đến thuật luyện kim đan. Cậu nghĩ chỉ cần chút ít kiên nhẫn là có thể biến tất cả thành vàng. Cậu đọc lại cuộc đời một vài người đã làm được việc này: Helvatius, Elias, Fulcanelli, Geber. Toàn là những chuyện hấp dẫn cả. Những người này đều đã đi trọn con đường đời họ chọn. Họ đi đây đi đó, gặp gỡ các bậc trí giả khác, làm những việc thần kì ngay trước mắt những kẻ hồ nghi; họ có trong tay “Đá tạo vàng” và “Thuốc trường sinh” Nhưng khi cậu muốn biết làm cách nào để tự mình đạt được “Đại công trình” thì đành bó tay, vì chỉ có những đồ họa, những chỉ dẫn ghi bằng mật mã và những văn bản khó hiểu