Có bắt tay vào việc rồi mới thấy khó; muốn là một chuyện, được lại là một chuyện khác, cho dù có thủ thuật hay không có thủ thuật, có kế hoạch hay không có kế hoạch. Về đến căn cứ Victoria, việc đầu tiên là tôi đến gặp đại úy Boggs để biết tình trạng hàng tồn kho của đơn vị thế nào. Tại phòng ăn tập thể, tôi thấy Boggs cầm tấm bìa kẹp hồ sơ, đang lẩm nhẩm đếm một số vật dụng trên sàn. Boggs chìa cho tôi xem tờ giấy: - Anh xem cái này. Đây là lệnh trưng dụng hàng trăm tấm gỗ dán do trung úy Macy ký mấy tháng trước; người đi lãnh hàng là hạ sĩ Reynolds. Trên tờ lệnh xuất kho còn ghi rõ là những tấm gỗ dán này dùng để thay sàn nhà của phòng ăn tập thể đã bị mục nát. Không những tôi không thấy mấy tấm gỗ dán mới đó trên sàn nhà này, mà xuất kho hàng trăm tấm như thế thì lót ba lớp sàn vẫn còn dư. Bởi vậy liếc thoáng qua là tôi biết ngay có điều gì không đúng. Một trăm tấm gỗ tương đương với hai trăm bộ vuông. Tôi không muốn nói cho Boggs là tôi biết những tấm gỗ dán này bây giờ ở đâu. Tôi hỏi gặng: - Còn mất những thứ gì nữa? Boggs liếc xuống phía dưới tấm bìa kẹp hồ sơ, đọc từng thứ một: - Xem nào! Hai máy truyền tin, hai ống nhòm hồng ngoại tuyến, hai kiện lương khô, 5 bánh xe sơ-cua. Tôi không chắc lắm, nhưng hình như mất hai cái súng M-79, hai két lựu đạn cay, mìn, cả một mớ lựu đạn cầm tay nữa. Khó mà truy mấy quả lựu đạn cầm tay, còn hai khẩu súng M-79 thì Reynolds nói là đã bị hư hỏng qua một trận đụng độ mà trung úy Macy quên không làm bản báo cáo… - …đáng lẽ phải thấy mấy tấm bạt dựng lều cỡ trung nữa kia, vậy mà cũng chẳng thấy. Reynolds lại nói là hắn thấy trung úy Macy có dùng trước đây. Theo bản tồn kho thì chúng ta có một cái máy phát điện mới toanh, nhưng cái máy cũ đâu thì tôi cũng không thấy. Đây, còn cái này nữa, cái giàn máy kéo bị đánh cắp. Reynolds nói là đơn vị đóng trước đây khi chuyển trại, móc cả giàn kéo vào xe rồi đem đi luôn. Chuyện này đúng ra là phải báo cáo cho quân cảnh. - Để tôi hỏi bên quân cảnh cho. Mitch chắc phải có bản báo cáo đó. Tôi có cảm giác bản báo cáo phải có ở bên ban quân cảnh nhưng tôi vẫn không tin là đơn vị trước đây lấy cắp cả giàn kéo. Boggs đập đập bìa kẹp hồ sơ vào chân: - Mới nhìn sơ qua mà đã vậy, nếu kiểm cho thật kỹ thì không biết còn mất đến đâu nữa. May mà tôi vẫn còn cái ghế này ngồi. Không biết thằng cha Macy làm ăn cái giống gì ở đây? Không lạ gì khi thấy cái tên Reynolds dính líu quá nhiều đến những vật bị mất. Nếu hắn lấy cắp những món đồ này rồi thuồn ra thị trường chợ đen thì chắc chắn mỗi một thứ hắn phải tạo ra một lý do nào đó để giải thích cho có vẻ hợp lý. Nếu không tìm được lý do thì hắn lại đổ cho trung úy Macy; trong khi viên chỉ huy cũ lại ở cách xa đến nửa vòng trái đất thì làm sao mà đối chất. Tôi trở lại chuyện điều tra: - Có thằng nào trong tiểu đội tuần tra đi Phú Biên sau khi tôi dẫn thằng Thiel về ngày hôm qua không? Tôi muốn biết thằng nào đã đi báo cho Tiger để hắn tẩu tán hàng quân đội ra khỏi làng trước khi tôi đến điều tra. Đại úy Boggs nhíu mày cố nhớ lại rồi à lên một tiếng: - Thiel! Khoảng một tiếng sau khi anh dẫn nó về, nó nói với tôi là hạ sĩ Reynolds bảo nó đi Phú Biên để lấy quần áo giặt ủi về. - Thế anh có nghe Reynolds bảo nó thế không? - Không, tôi bận bịu với mấy tờ giấy quân trang quân dụng tồn kho nên nghe nói thế thì tôi cho phép chứ có kiểm chứng lại đâu. Mấy món hàng tồn kho do thằng Reynolds đếm so với những gì tôi đếm thì cách xa một trời một vực. Bởi thế tôi không để cho nó đếm nữa. Đếm thì mệt thật nhưng thà vậy còn hơn là tin vào những con số ma của thằng hạ sĩ. Ngày hôm sau tôi ra lệnh giam riêng chúng nó mỗi đứa một chỗ. Reynolds bị giữ tại văn phòng trưởng quân cảnh. Watson thì bị canh chừng tại lều chỉ huy. Jefferson bị dẫn độ đến chỗ làm việc của Mitch trong khi Thiel thì bị giam tạm tại buồng của tù nhân chiến tranh. Tôi để dành căn lều chỉ huy thuộc Nha Điều Tra Tội Ác để chờ Mitch dẫn thằng Collins đến. Mitch hiểu vai tuồng cần phải đóng để giúp lột mặt nạ cả bọn. Tôi lần lượt đi từng chỗ giam giữ từng đứa, đập vào mặt bọn chúng những chi tiết mà chúng tôi đã thu lượm được như, Berkley than với Willard về chuyện có thể bị thanh toán vào buổi sáng trước khi bị giết, chi tiết láo khoét khi dựng lên trận đụng độ bất ngờ với bọn Việt-cộng vì cái áo của Berkley không thủng một lỗ đạn, ông già ở làng nói có sáu người lính Mỹ ở lại cả đêm, năm sáu phát súng nghe bắn trong đêm đó và thấy người khiêng một cái xác trên lưng chạy về phía đường mòn, những hàng quân đội mất mát ở nhà kho – tôi kể rõ từng thứ một – cuối cùng tôi nói đến tên Tiger. Vậy mà chúng nó vẫn không suy suyển một tí nào. Tôi đã chứng minh cho chúng nó biết là cả căn cứ này – kể cả bên quân cảnh – không ai tin câu chuyện đụng trận hoang đường đó đâu, thế mà trước sau như một, cả bọn vẫn khư khư giữ lấy những chi tiết tưởng tượng. Tôi dí vào mặt bọn chúng cái áo thấm máu lành lặn của Berkley, và tôi được trả lời đại khái như bắn nhau thừa sống thiếu chết thì ai mà để ý đến, hoặc tôi không nhìn thấy khi nó bị bắn, hoặc đơn giản hơn, tôi không biết gì hết. Tôi chú tâm đến Thiel, đánh nó mạnh nhất bằng những đòn cân não, nhưng nó cũng ngơ ngơ ngáo ngáo như thằng mán. Tôi mong nó chỉ giả vờ đóng kịch mà thôi: - Đây nè, Thiel! Tôi biết rất rõ việc gì đã xảy ra. Thay vì đi tuần tra dọc theo đường mòn, các anh đến làng, ngủ với mấy con gái điếm mà thằng cha Tiger mang đến cung phụng. Đây không phải là lần đầu các anh bỏ nhiệm vụ để ngủ với gái. Và chuyện xảy ra đêm hôm đó, các anh cãi vã nhau phải không? Có phải là Berkley không muốn thấy các anh thuồn hàng quân đội ra bán cho thằng Tiger, đúng không? Anh nói cho tôi nghe đi, ai là người bắn Berkley đêm hôm đó? Khuôn mặt Thiel lạnh như tiền: - Tôi không biết, ông Hatchett! Tôi không hiểu ông kiếm được những chi tiết đó ở đâu. Berkley bị bắn chết trên con đường mòn mà tôi đã chỉ cho ông hôm qua. Tôi hơi mất bình tĩnh: - Bắn, bắn cái con khỉ, Thiel! Nó bị bắn trong căn nhà thổ mà các anh hú hí với gái và các anh khiêng cái xác của nó ra con đường mòn, tạo ra một trận đụng độ tưởng tượng bằng cách bắn lên trời vài phát súng. Tôi tin chắc là các anh chỉ bắn ba phát, không hơn không kém. - Ông không thể bắt tôi khai những điều tôi không biết, ông Hatchett. Ông chỉ nghi ngờ chúng tôi qua lời nói của một ông già, thế thôi. Cả đời tôi chưa bao giờ đặt chân đến cái làng đó chứ đừng nói là ngủ đêm. Ông còn tin lời lão già là có gái điếm do ông Tiger nào đó chở đến để cung phụng bọn tôi. Tôi hỏi thật ông, ông trả cho lão già đó bao nhiêu? Còn ai trong làng nữa kiểm chứng những lời khai đó không? Tôi bực mình bước ra khỏi lều, không thèm trả lời câu hỏi ngoan cố của Thiel. Đến chỗ mấy thằng kia, tôi cũng nghe những câu trả lời tương tự. Jefferson giải thích: - Lão già đó có thể là Việt-cộng. Tại sao ông không nghĩ xa hơn một chút, ông Hatchett! Ông muốn gì mà lão không nói. Có thể tôi có ghé qua cái làng nhỏ nhỏ đó, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu lần. Tôi ghé chân nhiều làng quá nên không nhớ rõ cái làng mà ông nói đến nữa. Watson thì phân trần: - Tôi không biết gì về cái áo của thằng Berkley. Ngay cả tôi không thấy cái áo của nó đêm hôm đó. Ông có biết chắc là đêm đó nó không cởi nút áo ra không? Nhiều khi trời nóng quá, nó cởi áo ra không chừng, bọn Việt-cộng thấy rồi cho nó một băng đạn. Đơn giản chỉ có thế! Reynolds trợn mắt: - Ông nghĩ là tôi lấy trộm mấy cái đồ quân đội đó à? Cái giàn máy kéo phải nằm trong bản báo cáo bên quân cảnh. Đơn vị đóng ở đây trước chúng tôi đã lấy cắp. Chuyện đó xảy ra thường quá, ông Hatchett, đơn vị này lấy cắp quân trang của đơn vị kia. Mấy tấm gỗ dán chắc phải được dùng vào việc gì khác thay vì dùng để sửa sàn nhà ăn. Tôi không nhớ rõ trung úy Macy làm gì với mấy tấm gỗ đó. Tôi lại càng không biết gì về cái áo của thằng Berkley. Tôi không giải thích được tại sao áo nó lại không thủng một lỗ nào. Có thể nó cởi áo ra không chừng. Tôi chẳng biết gì về thằng cha Tiger nào đó. Cánh rừng này nghe nói cũng có nhiều tigers lắm, ông biết điều đó không, ông Hatchett? Đây có phải là khu rừng mà Teddy Roosevelt trước đây đến săn hổ? Mà thời đó thì đất nước này chưa có tên là Việt-nam. Tóm lại, tôi không biết thằng cha nào tên Tiger cả! - Tôi sẽ cho anh biết là mấy tấm gỗ dán bây giờ đang ở đâu. Tôi bắt đầu phản công… cả mấy trăm tấm gỗ dán dùng để dựng cái nhà để các anh chơi gái. Reynolds thách thức: - Ông chứng minh cho tôi xem. Hắn biết giống như tôi biết, mấy tấm gỗ dán không có mã số thì làm sao mà truy cứu. Tôi lờ đi, làm như không biết sự xấc xược của hắn: - Tôi cũng cho anh biết thêm về cái áo. Berkley ở trần khi nó bị bắn trong căn nhà gỗ đó. Nó cởi áo ra để hú hí với gái cho thoải mái, rồi có chuyện gì đó để nó bị bắn. Trước khi vác xác nó ra con đường mòn, các anh đã mặc áo lại cho nó nhưng các anh lại quên là áo phải có lỗ đạn để phù hợp với lời khai của cả tiểu đội. Anh cũng không biết là Willard đến nhà xác và thấy cái áo. Tôi nói thế có đúng không? Reynolds nhìn trừng trừng về phía trước: - Tôi chưa hề đặt chân đến cái làng mà ông nói. Chưa bao giờ! Chưa bao giờ lai vãng gần khu vực làng cả chứ đừng nói là ngủ đêm. Vẻ tự mãn thoáng hiện trên khuôn mặt của tay hạ sĩ lì lợm. Hắn bắt được sự thất vọng của tôi qua những lời buộc tội, biết rằng tôi không làm được gì bọn chúng nếu không có những bằng chứng hiển nhiên. Hắn ngửa người ra sau, hai tay đan vào nhau, vẻ mặt tự tin: - Tôi tìm thấy xác của Berkley trên đường mòn. Thiel cho tôi biết là ông đã thấy vũng máu ngay chỗ đó. Cả vỏ đạn nữa. Có thể tôi lầm khi nói thằng Berkley cài nút áo. Có thể nó không cài nút áo không chừng. Hơn nữa khi đụng trận… Tôi bực mình cắt ngang: - Tôi biết, tôi biết, khi đụng trận tình hình làm các anh rối trí… - Đúng! Ông hiểu được vậy thì tốt quá. Tôi thấy đã đến lúc cho Collins xuất hiện. Tôi tập hợp cả bốn đứa chúng nó vào một lều. Một bên cửa lều được vén lên để chúng nó thấy rõ ràng Mitch lái xe chở Collins đến. Từ trong lều, cả bọn thấy Mitch dẫn Collins đi từ bên quân cảnh sang bên Nha Điều Tra Tội Ác. Mitch cầm trong tay cái ống nhòm hồng ngoại tuyến, đúng ra là mượn tạm của một người lính quân cảnh, để diễn đúng vở tuồng đã được soạn trước. Mitch cố ý cầm chiếc ống nhòm để cho cả bọn trông thấy, vẫy vẫy tay làm ra vẻ như đang nói chuyện với Collins về cái ống nhòm. Đôi mắt của cả bốn thằng đều dán cứng vào hoạt cảnh diễn ra khá thành công. Tôi mở màn: - Thấy chưa! Bạn của các anh đã hợp tác với chúng tôi. Cuối cùng Mitch cũng chụp được thằng Tiger. Các anh thấy Mitch đang cầm cái gì trong tay chớ? Cả đám không thốt một lời nào. Thiel úp cả mặt vào hai bàn tay. Tôi bắt đầu thấy vết nứt trên bức tường đá. Reynolds nhếch môi cố ý làm ra vẻ bất cần nhưng vẫn không che dấu được sự lo âu trên nét mặt. Còn hai thằng Watson và Jefferson thì mở mắt tròn xoe nhìn không chớp, miệng cũng ngậm tăm. Tôi rời căn lều. Ngay cả nếu vở kịch vừa rồi không gây một tác động nào với bọn nó, tôi vẫn hy vọng là Collins sẽ khai. Với một giọng nói tự tin, hết sức tự tin, tôi nhìn cả bọn: - Các anh ở đây suy nghĩ cho kỹ. Tôi cho các anh một cơ hội chót để các anh nói rõ sự thật. Đây là cơ hội cuối cùng của các anh. Tôi sẽ hỏi chuyện Collins để xem nó khai ra sao. Các anh cứ nói chuyện với nhau đi và cho tôi câu trả lời. Tôi đi sang lều để gặp Collins. Tin tức từ thằng này còn tệ hơn những đứa kia. Mặc dù hắn không vênh vênh váo váo như Reynolds nhưng câu chuyện của nó đại khái cũng như những đứa khác. Tôi chán nản nhưng cũng hiểu tại sao bọn nó lại che dấu cho nhau. Đây là một đơn vị gồm sáu người. Giống như bao đơn vị khác, mạng sống của từng người trong đơn vị gắn chặt với nhau, nâng đỡ nhau trong những tình huống ngặt nghèo nhất, cùng nhau chiến đấu dưới lằn tên mũi đạn. Tiểu đội ăn uống với nhau, ngủ, vui đùa, chia sẻ những mẩu chuyện gia đình, thổ lộ những ước mơ về tương lai. Sống chết bên nhau như thế nên chuyện bao che cho nhau là điều dễ hiểu. Lời khai của Collins giống hệt như những đứa khác; nào là Berkley bị Việt-cộng bắn chết trên đường mòn, nó không biết gì về cái áo của Berkley ngay cả chuyện Reynolds kéo cái xác ra khỏi tầm đạn. Nó chỉ biết bắn, bắn xối xả vào bọn Việt-cộng. Tình hình làm hắn rối trí không thấy gì hết (trời ơi! tôi phải nghe câu này đến bao nhiêu lần nữa, mặc dù đó là sự thật nếu có đụng trận). Nó nghĩ rằng nó chưa bao giờ đến cái làng con con đó, không biết ai tên Tiger, cũng không biết ai mua bán gì về hàng quân đội. Không có ý kiến gì về chuyện thằng Berkley nói là có đứa sẽ thanh toán nó. Nó còn nói thêm là thằng nông dân Berkley kỳ quặc lắm kia, nó không giống con giáp nào. Tôi đành dẫn Collins lại lều của cả bọn. Tôi thở dài nho nhỏ. Lúc nãy ra khỏi lều với niềm tự tin bao nhiêu, bây giờ trở lại tôi cảm thấy một nỗi thất vọng ê chề bấy nhiêu. Trong một thoáng, tôi bỗng có ý nghĩ bọn nó nói thật; hay là Berkley bị Việt-cộng bắn thật. Nhưng ý nghĩ chỉ thoáng qua thôi rồi tan biến vì tôi tin lời nói của ông già. Tôi đã đến chỗ Berkley bị bắn và thấy không một cành cây nào bị gãy. Tôi đã nghe Willard nói về Berkley, tôi cũng cầm trong tay chiếc áo không một lỗ thủng. Tôi có cảm tưởng là sự đoàn kết của bọn thằng Reynolds đã tia rụng dần lòng tự tin và sự quả quyết của tôi. Chắc chắn diễn tiến câu chuyện đã xảy ra theo đúng như tôi đã lập luận trước mặt chúng nhưng trở ngại chính của tôi hiện tại là không có lấy một bằng chứng hiển nhiên nào. Tôi không có một cái gì để buộc chúng nó có mặt tại xóm nhà bẩn thỉu vào đêm hôm đó. Chỉ cần chứng minh là chúng nó có mặt tại căn nhà của thằng Tiger thì mọi diễn tiến sau đó đều được chấp nhận dễ dàng. Khi bước vào lều, Collins nháy mắt với Reynolds trong khi hắn chỉ nhếch môi, gật đầu nhè nhẹ. - Này ông Hatchett, nếu xong rồi tôi xin phép để trở về trại để sắp xếp đồ đạc. Ngày mai tôi phải có mặt ở sở chỉ huy để làm thủ tục về nước. Tôi bỗng trở nên tức giận, giọng gay gắt: - Không được ai đi đâu cả! Từ sáng đến giờ lần đầu tiên lời hăm dọa của tôi thấy có hiệu quả. Reynolds cau mày: - Ông nói thế là thế nào? - Tôi đã nói rồi, các anh không một người nào ra khỏi lều cho đến khi cuộc điều tra chấm dứt. Các anh sẽ ăn, ngủ, tiểu tiện, đại tiện ở đây cho đến khi hoàn tất. Cuộc điều tra của tôi chỉ mới khởi sự mà thôi... Và chỉ thẳng vào mặt tên hạ sĩ: - …tôi sẽ đình chỉ lệnh thuyên chuyển của anh về trung tâm huấn luyện Fort Dix. - Ông… ông… làm gì? Đôi môi của Reynolds giật từng cơn. Nhìn nét mặt hoảng hốt của thằng hạ sĩ, tôi cảm thấy thật sảng khoái trong lòng: - Không những tôi có quyền làm mà tôi đã làm. Anh nghe rõ chưa, tôi đã ra lệnh đình chỉ lệnh thuyên chuyển của anh vô thời hạn, cho đến khi có lệnh tôi. Đúng ra tôi chưa làm nhưng tôi nghĩ tôi có quyền yêu cầu đình chỉ lệnh thuyên chuyển và tôi sẽ làm ngay sau khi về đến nha chỉ huy. Thiel lo lắng thấy rõ: - Thế cuộc điều tra kéo dài bao lâu, thưa ông? Tôi đã được lệnh giải ngũ trong tháng này, có thể sớm hơn. - Bao lâu hả? Không cần biết bao lâu. Nó kéo dài đến đâu các anh ở lại đến đó. Tôi khuyên các anh đừng vội tổ chức tiệc ăn mừng trở về. Thiel không kềm giữ được xúc động: - Trời ơi! Lần đầu tiên tôi có cảm giác đang thắng thế. Reynolds hỏi gặng: - Nếu cuộc điều tra không đưa đến một kết quả nào thì chúng tôi có được trở về nước không? - Trường hợp đó thì được nhưng tôi phải bằng lòng với kết quả kia và tôi khuyến cáo các anh lần nữa, tôi khó tính lắm, không dễ gì bằng lòng đâu. Bỗng chuông điện thoại reo. Một người quân cảnh nhấc ống nghe lên và trao cho tôi: - Lính quân cảnh gác ở cửa trước muốn nói chuyện với ông. Tôi áp tai vào ống nghe: - Ông Hatchett, tôi là Jone canh gác ở cổng trước. Có một người đàn bà người Việt đòi nói chuyện với ông. Bà ta không biết tiếng Anh vì vậy ông cần người thông dịch. Tôi chuyển điện thoại bây giờ đây. May quá, có anh lính Lực Lượng Đặc Biệt lái xe ngang nên tôi nhờ anh ta nghe điện thoại dùm tôi luôn. Anh nghe máy và nói lại với tôi rằng người đàn bà đó muốn kể lại câu chuyện người lính Mỹ bị bắn chết tại làng nơi bà ở. Bà ta chứng kiến vụ bắn chết người và bà cũng làm việc cho cái ông nào đó tên là Tiger. Tôi sợ mình nghe lầm nhưng không, anh lính nói rõ ràng từng tiếng với riêng tôi. Ồ! Hoá ra một trong những cô gái điếm. Tôi đã nghĩ nếu cuộc điều tra bế tắc, tôi phải đi Phú Biên tìm cho ra những cô gái đó để hỏi thêm chi tiết. Chuyện gì xảy ra đêm hôm đó, ngoài tiểu đội của thằng Reynolds, những cô gái này là những nhân chứng hùng hồn nhất. Điều làm tôi hy vọng là những cô gái này không có một tình cảm ràng buộc nào với bọn Reynolds nên sẽ không dối trá và chắc chắn sẽ khai hết cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Chưa kịp tìm thì bây giờ một trong những cô gái đó muốn nói chuyện với tôi. Ôi! Trên đời lại có những may mắn bất ngờ dễ thương đến thế! Tôi nói vào ống nghe với anh lính quân cảnh: - Tôi sẽ có mặt ngoài đó ngay. Đối xử với cô ta tử tế nghe. Nên tỏ thái độ kính trọng, đừng chọc ghẹo cô ta, nghe không? Nhiều cô gái Việt trông thật dễ thương, quyến rũ. Tôi sống trên đất nước này đủ lâu để có nhận xét đó. Những cô gái làm việc cho thằng cha Tiger chắc chắn phải mặn mà, sắc sảo chứ không thể xoàng xoàng được. Tôi chỉ sợ bọn quân cảnh nhìn thấy cô ta đẹp rồi có cử chỉ sàm sỡ thì hỏng chuyện lớn. Tiếng anh lính quân cảnh làm tôi yên tâm: - Ông đừng lo, tôi sẽ giữ ý tứ. Tôi bảo một người quân cảnh sang bên khu quân báo tìm người thông dịch rồi quay sang bọn Reynolds: - Các anh không được bước ra khỏi lều, chờ tôi quay trở lại. Hình như một trong những cô gái các anh ôm ấp đêm đó muốn khai báo điều gì. Nhìn khuôn mặt xám ngoét của cả năm thằng trong tiểu đội 2/11, tôi biết màn bí mật đang được dần dần kéo lên. Bước ra ngoài, tôi thở ra một hơi dài, lòng sung sướng hồi hộp, không ngờ diễn tiến vào phút cuối thuận lợi cho tôi như thế. Vừa đến cổng trại, đến lượt khuôn mặt tôi lại xám ngoét khi nhìn thấy người đàn bà. Người đàn bà đang đứng chờ tôi ở cổng trại không phải là cô gái điếm trẻ trung, quyến rũ như tôi tưởng. Đó là người đàn bà ngồi khóc than thảm thiết khi chúng tôi bước vào làng ngày hôm qua. Bà chính là mẹ của thằng nhỏ đưa tin của Sommers đã bị Việt-cộng chém chết bằng mã tấu.
Nỗi Lòng Người Mẹ Câu nói đầu tiên của tôi là: - Nói với bà là tôi không thể trả tiền cho bà được đâu. Không phải là tôi không muốn nhưng tôi không thể làm chuyện đó được. Tôi nghĩ bà là một nhân chứng sống nên không thể vi phạm luật được. Người thông ngôn nói với bà khi ngồi trên xe quay trở lại lều, nơi bọn Reynolds đang nhấp nhổm ngồi chờ. Tôi cố ý lái xe thật chậm để bà ta có thì giờ lấy lại bình tĩnh trước khi đối điện với cả tiểu đội 2/11. Người thông dịch quay sang tôi: - Bà ta nói là không muốn nhận tiền của ông. Tôi liếc mắt sang ghế bên cạnh để nhìn rõ người đàn bà đang ngồi ủ rũ với một nỗi buồn câm nín. Trời cao nguyên về chiều lành lạnh mà bà ta chỉ khoác mỗi tấm khăn lên đôi vai xương xẩu, còm cõi. Chiếc áo cánh bạc màu trông bẩn thỉu như chưa được giặt cả tháng trường. Cái quần lãnh, tôi nghĩ là màu đen, cũng đã bạc phếch, nhớp nhúa, rộng thùng thình so với tấm thân gầy yếu. Tay bà cầm chặt cái nón, loại nón to có chóp nhọn rất phổ biến ở xứ sở này, để che bớt luồng gió tạt vào khuôn mặt ngả sang màu vàng sậm, đã hằn nhiều vết nhăn, nứt nẻ như mảnh ruộng khô cằn trong cơn hạn hán. Người thông ngôn ngồi ở băng sau, chồm người về phía trước, chuyển dịch câu hỏi của tôi: - Hỏi xem bà ta thấy gì đêm đó? Tại sao bà ta lại có mặt trong căn nhà đó? - Bà ta nói, đôi khi bà làm việc cho ông Tiger. Bà có nhiệm vụ tiếp nước cho mấy cô gái và những anh lính Mỹ. Vài lần bà mang đến những món mà cả bọn đòi hỏi. Sau khi mọi người đi hết, bà lại có nhiệm vụ dọn dẹp, chùi rửa cho sạch sẽ. - Thế chuyện gì xảy ra trong đêm mà người lính Mỹ bị bắn chết? - Đêm đó, cả bọn cãi nhau kịch liệt. Bà ta không hiểu chúng nó cãi nhau về chuyện gì nhưng bà biết rằng cả bọn uống đã say mèm rồi. Rồi bọn chúng vấn thuốc, thuốc gì… gì đó, hút với nhau. Tôi đỡ lời: - Cần sa! Rồi sao nữa? - Bà nói là anh lính Mỹ bị bắn chết, từ trong phòng với cô gái bước ra, to tiếng với một anh lính Mỹ khác, đẩy xô anh đó sát vào tường, rồi anh lính Mỹ bị xô cầm súng bắn chết anh kia ngay. - Thế bà có thể nhận diện được bọn nó hay không? - Bà nói là sau khi bắn phát súng đầu tiên, tất cả mọi người thay phiên nhau bắn một viên nữa vào người anh lính Mỹ. Bà còn nhớ rõ mặt từng đứa. Bà tin rằng anh lính Mỹ đã chết vì khi bà chạy xô đến, nắm lấy tay anh lính thì người anh luỗi hẳn đi, thở hắt ra và từ từ nhắm mắt. Cả bọn xô bà ngã qua một bên, rồi chúng nó thay phiên nhau bắn mỗi đứa một viên vào xác anh lính. - Thế khi đó mấy đứa kia làm gì? - Bà ta nói cả bọn sợ lắm. Chúng nó lại cãi nhau. Bà ta đoán có thể chúng không muốn bắn vào cái xác nữa. Nhưng cuối cùng cả bọn đều bắn. Cãi nhau nữa. Rồi một anh tìm cái áo lính của anh bị chết, mặc vào cho anh ta và vác lên vai chạy ra khỏi làng. - Như vậy là một đứa bắn trước, sau đó mỗi đứa đều bắn một viên. Thế chúng nó bắn vào đâu? Người thông ngôn nói ở đây và đưa tay vẽ một vòng tròn vào vùng ngực. Tôi thắng xe lại: - Thế thằng cha Tiger có mặt ở đó khi chúng nó bắn không? - Không! Ông Tiger có mặt khi cả bọn đến và ngay sau đó, ông ta rời làng. Ông ta trở lại vào ngày hôm sau để chở mấy cô gái về Phú Biên. - Bà có biết tên và chỗ ở của mấy cô gái không? - Có, bà ta biết rất rõ. Lời khai của bà ta có thể không chắc chắn lắm nhưng nếu kiếm được những cô gái kia, phối kiểm lại lời khai thì chắc chắn buộc cả tiểu đội đã có mặt tại làng vào đêm hôm đó. - Bà ta làm gì sau khi cả bọn rời làng? - Bà nói là bà dọn dẹp chùi rửa như mọi lần và bà ta cũng lấy thật nhiều đất rải trên vũng máu của anh lính để ruồi và kiến khỏi bu đến. - Người lính Mỹ bị bắn nằm chết ở đâu? - Ngay phía sau cánh cửa. - Bà đổ đất ngay phía sau cánh cửa, phải không? - Vâng! Đúng thế, ông Hatchett. Tôi muốn dừng xe lại ôm lấy bà ta để cám ơn. Bà đã biết Berkley bị bắn chỗ nào trên người, bà lại biết đống đất chất ngay phía sau cánh cửa. Từng đó dữ kiện đủ để tôi xác quyết là bà nói thật. - Hỏi tại sao bà ta lại không nói cho tôi biết khi chúng tôi đến làng điều tra? Có thể là bà đã thấy tôi trả tiền cho ông già khi mua tin tức nên bà cũng muốn kiếm chút đỉnh khi kể cho tôi tường tận câu chuyện. Bây giờ thì bà chưa muốn được trả tiền nhưng sau khi cuộc điều tra kết thúc, bà ta lại đến vòi tiền tôi cũng nên. Cũng có thể bà ta cho tôi biết nội vụ vì bà theo Việt-cộng, mà theo Việt-cộng thì cứ làm cho nội bộ bọn Mỹ xáo trộn lên là xem như một chiến thắng rồi. Nếu sự thật bà ta là Việt-cộng thì những lời khai của bà cần phải được kiểm chứng. Nhưng Sommers lại không tin như vậy, vì anh ta biết rõ lai lịch của bà hơn tôi. - Bà nói ban đầu bà không muốn dây dưa với lính Mỹ. Mãi cho đến ngày hôm qua khi thấy ông đến làng bà ta mới đổi ý. Sở dĩ bà lén lút đến đây vì không muốn dân làng biết bà nói chuyện với một nhân viên của Nha Điều Tra Tội Ác. Tôi gài số xe: - Nói với bà là tôi muốn bà nhận diện tất cả những người có mặt trong đêm đó. Từ người lính bắn phát súng đầu tiên và những người lính còn lại. Bà ta gật đầu nhè nhẹ, biểu lộ sự đồng ý. Tôi nghĩ mỗi đứa đều bắn một viên vào người Berkley, thảo nào chúng nó dối trá cho nhau vì tay đứa nào cũng dính chàm cả. - Nói với bà là tôi rất đau buồn khi nghe con bà chết. Người thông dịch nói với bà ta khi chúng tôi bước xuống xe jeep tiến về phía cửa lều. Bà liếc xéo tôi, đôi mắt trũng đen sâu hun hút chứa đựng một chút giận dữ, gần như kết án lời an ủi của tôi không thành thật lắm. Tôi bỗng có cảm giác bà đang đổ hết mọi tội trên đầu tôi, một người lính Mỹ, là nguyên nhân gây ra cái chết của con bà. Tôi nghe bà lẩm bẩm những câu có vẻ tức giận bằng tiếng Việt. Người thông ngôn nói: - Làm sao ông tỏ vẻ thương tiếc về cái chết của con tôi? Bọn Việt-cộng băm nó ra từng mảnh và tôi thù ghét chúng. Nhưng nếu không có một người lính Mỹ nào trên đất nước này, có lẽ bọn Việt-cộng không có một lý do chính đáng nào để chiến đấu. Không có chiến tranh thì thằng con tôi giờ này vẫn còn sống. Anh thông ngôn nhếch bên vai như biểu bộ sự đồng ý. Bà ta không ưa gì chúng tôi và cũng không thích bọn Việt-cộng. Những người lính miền Nam thì không nói, họ chiến đấu vì lý tưởng của chính họ; còn chúng tôi chiến đấu vì một lý do nào đó, khác hơn mà đôi khi chúng tôi cũng cảm thấy mơ hồ, không rõ nét. Trong tận đáy thâm tâm, hình như bà có ý nghĩ chúng tôi đã góp phần giơ cao lưỡi mã tấu, chặt nát thân xác đứa con bà ở mé bìa rừng, cũng như đưa đến cái chết của chồng bà ở Phú Biên và ngay cả cha mẹ bà nữa không chừng. Trước khi bước hẳn vào lều, tôi bâng khuâng tự hỏi tại sao bà lại chọn tôi giữa một đám người để nói chuyện? Tại sao bà lại dây dưa vào một chuyện mà ngay từ đầu bà đã không muốn?
***
Vừa dẫn người đàn bà tiến vào lều, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những khuôn mặt xanh xám của cả năm thằng thuộc tiểu đội 2/11. Miệng chúng nó há hốc như thể một sức nặng vô hình đang kéo trì cả hàm dưới xuống nên không thể ngậm miệng lại được, thân hình run rẩy như cành cây trước cơn bão cấp tính. Chúng ngồi chết lặng trên chiếc ghế xếp, đôi mắt mở trừng trừng nhìn người đàn bà. Đã có thằng lầm bầm chưởi rủa nho nhỏ. Còn thằng khác thì không kềm được hai tiếng trời ơi nghe rõ mồn một. Không một đứa nào đứng dậy, tôi nhắc nhở: - Các anh quên tác phong quân đội là khi có một phụ nữ bước vào phòng, tất cả đều phải đứng dậy à! Hạ sĩ Reynolds phá lên cười hô hố. Tiếng cười khả ố của hắn nghe thật lạc điệu giữa cơn run sợ của đồng bọn. Hắn là người duy nhất không chịu đứng dậy: - Phụ nữ? Mụ già quỷ này mà ông gọi là phụ nữ à! Không đời nào tôi đứng dậy vì con mụ này. Ngay phía sau Reynolds, sừng sững một anh quân cảnh da đen đứng như quả núi đá. Tôi bảo anh: - Hạ sĩ Reynolds không chịu đứng dậy, nhờ anh giúp một tay được không? - Được chứ! Người quân cảnh trả lời. Anh ta vươn đôi bàn tay hộ pháp, chộp lấy vai của viên hạ sĩ, hất nhẹ một cái, cả thân hình thằng Reynolds đứng bật thẳng dậy như lò xo. Hắn vùng vằng sửa lại áo: - Bỏ tay mày ra, thằng mọi đen! Người quân cảnh phủi nhẹ hai tay vào nhau, nhếch môi hừ nhẹ không để ý đến lời miệt thị màu da của thằng Reynolds. Có lẽ anh ta đã nghe những lời miệt thị đó trước đây rồi nên không ngạc nhiên lắm; hơn nữa đó cũng là một trong những điều được huấn luyện tại trường quân cảnh: bình thản trước những lời lẽ lăng mạ của bọn lính, bao gồm cả những lời sỉ nhục về màu da. Tôi không ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của người lính quân cảnh mà lại ngạc nhiên trước phản ứng tức giận của Jefferson, không gì thì hắn cũng là người da đen. Jefferson ném một cái nhìn sắc, dữ dội về phía thằng Reynolds. Người đàn bà chỉ mới hiện diện chưa đầy năm phút mà tôi nhận thấy đã có sự rạn nứt giữa tình đồng đội keo sơn - cứng như một bức tường đá - của tiểu đội 2/11. Một bức tường đá mà tôi muốn phá vỡ bằng nhiều phương cách và cảm thấy gần như bất lực. Bỗng nhiên, cả bọn năm thằng trở nên bồn chồn, tức giận, thấp thỏm, đứng ngồi không yên; không còn nét vênh váo, cố chấp với câu chuyện đụng trận hoang đường được nghe đi nghe lại nhiều lần đến độ nhàm chán. Bà chưa điểm mặt một đứa nào hết mà đã thấy có hiệu quả như vậy nên tôi tin chắc rằng chẳng mấy chốc sự gan lì cả tiểu đội sẽ tan như bọt biển trước người đàn bà mong manh, yếu đuối này. Tôi chỉ tay vào cả năm đứa: - Bà có biết những người này không? Người đàn bà bình tĩnh nhìn cả bọn rồi trả lời: - Những người này và anh lính bị bắn chết đến làng đã nhiều đêm. Đây là những người có mặt trong căn nhà khi anh lính bị bắn chết. Tôi gặp mặt họ nhiều lần nên nhớ rõ. - Ai là người bắn đầu tiên? Đây là câu hỏi then chốt. Không khí trong lều đột nhiên lắng xuống, không một tiếng thở. Bên ngoài, buổi chiều đang xuống dần, ánh nắng thoi thóp bò qua cửa lều thành một vệt dài vàng vọt chạy mãi đến chân người đàn bà. Người ta còn nghe được liếng lá xào xạc ở trên ngọn cây, đong đưa ngay bên cạnh lều. Thời gian giữa câu hỏi và câu trả lời của người đàn bà xem chừng lâu lắm. Cuối cùng, tiếng người thông ngôn: - Bà ta nói anh lính đó bị xô đứng sát tường và cầm súng bắn. Ngón tay của bà chỉ thẳng vào người hạ sĩ Reynolds. Hắn gầm lên: - Con mụ già nói dối. Mụ là Việt-cộng. Tôi đã nghĩ con mụ này là Việt-cộng. Tôi nhìn anh lính quân cảnh da đen: - Hạ sĩ Reynolds không ý tứ lời nói gì cả, ăn nói cộc cằn quá. Nếu anh ta nói xàm nữa, nhờ anh khóa cái miệng lại, được không? - Được chứ! Người lính quân cảnh cười mỉm. Tôi quay sang người thông ngôn: - Thế còn những người kia? - Ngay sau khi Reynolds bắn anh lính Mỹ, anh này… bà chỉ vào Watson, bắn phát thư hai, rồi… bà chỉ vào Collins, bắn phát tiếp, …bà lại chỉ vào Jefferson và sau cùng là Thiel, bắn hai phát cuối. Thiel úp mặt vào giữa hai bàn tay. Những đứa khác, ngoại trừ Reynolds, cúi gầm mặt. Reynolds nghiến răng nhìn bà trừng trừng. Tôi hất đầu: - Anh có ý kiến gì không, Reynolds? - Ồ! Ông cho tôi nói hả? Đây! Tôi hỏi ông, ông tin con mụ già này hay tin chúng tôi? Tôi cho ông biết mụ già này là Việt-cộng. Tôi luôn luôn nghĩ con mụ này là Việt-cộng. - Anh biết gì về bà, Reynolds, nói cho tôi nghe! Anh đã từng nói với tôi là chưa bao giờ đặt chân đến làng, thế mà anh lại biết người đàn bà này là Việt-cộng. Nếu anh không đến làng làm sao anh biết chắc bà là Việt-cộng? Jefferson chợt lên tiếng: - Im cha cái miệng mày lại, Reynolds. Ông Hatchett nói đúng, mày nói nhiều quá. Mày nói nhiều nên sai nhiều, mày biết không? - Vậy mấy người này biết Tiger không? - Dĩ nhiên là biết. Ông ta mang gái đến cho cả đám mà… bà lại chỉ vào Reynolds… anh này thường ngồi nhâm nhi với ông Tiger, đôi khi ra khỏi nhà nói chuyện riêng trước khi ông ta rời làng, để lại mấy cô gái cho cả sáu người. Có lúc anh ta mang theo vài cái thùng gì đó rồi bỏ lên xe jeep của ông Tiger để chở đi. Ồ! Mấy người này rành ông Tiger lắm mà. - Bà có biết những gì bỏ lên xe jeep không? Bà ta nhún vai trả lời cho anh thông ngôn: - Bà không thấy rõ vì bà bận rộn phục vụ nước nôi cho mấy anh này. Hạ sĩ Reynolds bỗng xen vào: - Ông Hatchett, ông trả cho bà này bao nhiêu? Tôi gật đầu ra hiệu cho anh thông ngôn. Anh chuyển dịch câu trả lời của bà cho Reynolds: - Bà ta nói là không muốn nhận một đồng nào! Ông này cũng không trả cho bà một xu. Reynolds trở nên tức tối hơn bao giờ. Hắn gào lên: - Ông vẫn còn tin lời của con mụ nhà quê này. Thế ông hỏi xem tại sao con mụ này lại muốn khai như thế? Câu hỏi này thật quan trọng. Đúng! Tôi lo lắng nhìn bà và tôi cũng muốn biết tại sao bà lại dây dưa vào chuyện này mà ngay từ đầu bà đã không muốn. Nếu bà trả lời là ông Tiger bảo tôi phải khai hết thì tất cả mọi chuyện đều hỏng, hỏng bét. Khi đứng trước toà, câu trả lời của bà có thể đạp đổ tất cả những sự tin cậy của một nhân chứng then chốt. Trong thâm tâm, tôi vẫn tin tưởng bà tự ý khai chứ không bị ép buộc từ một phía nào. Tôi bảo người thông ngôn chuyển dịch câu hỏi của Reynolds. Nét mặt bà bỗng trở nên hoà hoãn hơn. Người ta đọc được những nét bình an trên khuôn mặt, một sự đoan chắc tin tưởng vào những điều sắp nói. Hình như bà đang chờ một câu hỏi tương tự như thế và rất muốn trả lời để thổ lộ nỗi niềm chất chứa từ bấy lâu nay. Bà hít vào một hơi dài như để sắp xếp tư tưởng cho mạch lạc và khi nói, bà tuôn ra không ngừng những ý nghĩ đã gói ghém trong trí, đến nỗi người thông ngôn bắt không kịp nguồn tư tưởng của bà: - Sau khi anh lính Mỹ bị bắn chết, tôi chạy đến cầm lấy tay anh ta. Người anh luỗi dần nhưng bàn tay của anh vẫn nắm chặt lấy tay tôi. Ngay lúc đó tôi không nghĩ nhiều về cái chết ngoài sự kiện là anh ta còn quá trẻ. Tôi đã mất chồng và cha mẹ, nên một cái chết nữa ngay trước mắt tôi chỉ làm cho lòng tôi thêm chai đá. Vài ngày sau, đứa con duy nhất của tôi bị bọn Việt-cộng giết. Thân tôi bây giờ trở nên trơ trọi giữa trần gian này, không chồng, không cha mẹ, không con cái. Tôi giống như một cụm mây cô đơn bay lững lờ trên vòm trời xám. Tôi phiêu du vô định như một cụm mây… Lòng tôi chợt chùng xuống. Bà ta chưa bao giờ đọc những áng thơ tuyệt vời của Wordsworth, nhưng bà đã vẽ ra một ý thơ, đã thốt lên những vần thơ đi vào lòng người. - …tôi đã khóc hết nước mắt thương nhớ con tôi và tôi chợt nhớ đến cái chết của anh lính trẻ; lòng băn khoăn tự hỏi không biết người mẹ của anh ta sẽ ra sao khi nghe tin dữ… Tôi hỏi người thông dịch là bà ta đang nói đến mẹ của Berkley phải không. Anh ta gật đầu. - …tôi nghĩ nhiều về người mẹ của anh lính trẻ. Tôi biết chắc là bà sẽ buồn lắm. Không chừng bà cũng là một nông dân chân chất như tôi. Cuộc sống của bà có khó khăn lắm không? Bà và tôi, ở hai phương trời xa lạ, không biết mặt nhau cũng chưa hề nói chuyện với nhau bao giờ, nhưng chúng tôi giống nhau ở chỗ là đã làm mẹ, và bây giờ mất con, sống đơn côi. Con của bà chết vì người Mỹ, con của tôi lại chết vì người Việt. Cuộc chiến tranh này đã làm chúng tôi mất mát quá nhiều. Chính vì thế mà tôi cảm thấy rất gần gũi với người mẹ, chưa hề biết mặt, của anh lính trẻ. Tôi cắt ngang: - Nói với bà, mẹ của Berkley cũng là một nông dân. Người thông ngôn nói cho bà biết., bà mỉm cười nhẹ: - …tôi không biết nước Mỹ. Có người nói với tôi là nước Mỹ lớn lắm. Rất giàu có với những nông trại bạt ngàn. Tôi có thấy vài tấm hình đâu đó. Còn tôi, tôi là một người đàn bà nghèo khổ, trong nhà chỉ có vài con heo, dăm con gà. Tài sản tôi chỉ có thế. Nhưng tôi giống bà mẹ của anh lính trẻ vì chúng tôi đã cưu mang những đứa con, nuôi chúng lớn khôn và cùng mất con cách nhau chỉ vài ngày. Vì thế, tôi khóc cho con tôi nhưng tôi cũng khóc cho anh lính trẻ, cả người mẹ của anh ta nữa. Bằng đuôi mắt, tôi thấy Thiel lắc lắc đầu như xua đuổi một ý nghĩ nào đó rồi đứng bật dậy, mắt nhìn mông ra phía cửa lều, lắng tai nghe người đàn bà kể lể: - Tôi đến đây nói cho ông biết những gì xảy ra đêm hôm đó cũng như những điều tôi suy nghĩ từ mấy ngày qua. Tôi cũng muốn người nào đó khi đến gặp mẹ của anh lính bị chết, nói là con của bà không chết tức tưởi một mình đâu. Lòng người mẹ sẽ quặn đau khi không ở bên cạnh con trong những giây phút cuối cùng của con mình, vuốt đôi mắt để đứa con đi vào giấc ngủ ngàn thu. Nói với bà rằng tôi đã nắm chặt lấy bàn tay của con bà trong những giây phút cuối dùm bà. Một phần nào an ủi tôi khi làm được chuyện này với cương vị là một người mẹ. Anh ta đã không chết cô đơn. Thiel lắc đầu mạnh hơn nữa, đôi mắt hắn đỏ hoe. Mọi người bùi ngùi nhìn người đàn bà ốm yếu, đang cầm chiếc nón trong tay, bày tỏ những lời chân thành nhất của một người mẹ. Trên khuôn mặt của vài ba người, đã thấy long lanh những giọt nước mắt. Riêng thằng Reynolds vung tay, trợn mắt: - Ô! Vài ba cái chuyện tầm phào. Con mụ già này bày nhiều trò. Nó không chứng minh được điều gì cả ngoài chuyện mụ chính là Việt-cộng. Cho dù không hiểu Reynolds nói gì, bà chẳng thèm để ý đến những lời lẽ khiếm nhã của hắn. Bà tiếp tục: - Ông nên đưa cái này cho mẹ của anh ta. Bà mẹ sẽ giữ làm di vật để nhớ đến đứa con của bà. Sau khi những người này khiêng xác đi, tôi tìm thấy nó nằm trên sàn nhà gần cánh cửa nơi anh ta chết. Người đàn bà moi trong túi áo cánh bạc phếch ra một vật, và xoè lòng bàn tay thô nhám cho tôi thấy vật đó. Nỗi lòng của người mẹ bà vừa thổ lộ nói lên tình mẫu tử không biên giới, không phân biệt màu da, không giới hạn chủng tộc. Một người mẹ cảm thấy được sự mất mát và đau thương của một người mẹ khác, cách nhau cả một đại dương vời vợi. Nhưng đối với một người làm công việc điều tra như tôi, cái vật bà vừa đưa ra cho tôi thấy có giá trị trước luật pháp gấp trăm nghìn lần tình mẫu tử. Đó là cái móc xích cuối cùng, chí tử, một bằng chứng hùng hồn và hiển nhiên không thể chối cãi được. Tôi đã tìm mọi cách để buộc cả tiểu đội có mặt tại căn nhà tối hôm đó mà vô vọng. Lời khai của bà - nếu cần, cộng thêm lời khai của mấy cô gái điếm - và vật đang nằm trong lòng bàn tay của bà, đủ để buộc tội cả năm thằng. Vật bà xoè ra cho mọi người thấy là cái bật lửa Zippo mới toanh, trên đó có khắc hàng chữ: Robert Berkley Tiểu Đội 2/11 Sư Đoàn 6 Bộ Binh. - Bà tìm thấy cái bật lửa này trong căn nhà vào đêm hôm đó? Người thông ngôn nói với tôi sau khi bà xác nhận lần nữa: - Đúng thế, ông Hatchett! Tôi cầm lấy cái bật lửa Zippo, đưa cao lên cho mọi người thấy và tuyên bố: - Trước mặt mọi người, tôi có một người lính Mỹ, thề sẽ nói sự thật trước tòa án quân sự, đã xác quyết rằng Berkley là sở hữu chủ chiếc bật lửa này, vài tiếng đồng hồ trước khi đi tuần tra với các anh. Làm thế nào mà chiếc bật lửa này lại lạc vào trong căn nhà tối hôm đó trừ phi… trừ phi các anh kéo nhau đến đó chứ không đi tuần tra trên con đường mòn đã được giao phó? Lần đầu tiên, lần đầu tiên kể từ khi tôi bắt đầu cuộc điều tra, cả năm đứa trong tiểu đội 2/11 câm lặng. Thằng Reynolds đưa đôi mắt lạnh lùng nhìn người đàn bà. Collins đưa tay vuốt mặt, vuốt luôn cả làn môi dưới. Watson và Jefferson ngồi rũ người trong lòng ghế, mắt trợn trừng dán chặt vào đôi bàn chân. Thiel đầu lắc lư như người lên đồng, nhìn trân trân vào cái bật lửa, đưa hai tay bụm lấy miệng cố ngăn hai tiếng trời ơi đừng thoát ra. Cuối cùng, bức tường đá sập đổ hoàn toàn.
Lá Thư Những ngày kế tiếp, Thiel là người sốt sắng cộng tác với chúng tôi nhất. Diễn tiến của câu chuyện xảy ra, theo lời khai chi tiết của Thiel, gần đúng như những gì tôi đã suy luận trước đây. Berkley, theo lời kể của Thiel, ngay từ đầu đã khó chịu vì những món hàng quân đội mà Reynolds lén lút bán cho thằng cha Tiger. Thật ra, Berkley không quan tâm mấy về những tấm gỗ dán chở lên Phú Biên để bán cho Tiger. Rồi những hàng quân dụng vô thưởng vô phạt như mấy kiện lương khô, Berkley cũng không nói gì. Nhưng khi Reynolds bán những cái ông nhòm hồng ngoại tuyến, súng M-79, đạn dược thì Berkley không thể ngồi yên chấp nhận được. Trong khi đó, thằng cha Tiger được voi đòi tiên. Khi hắn bàn với Reynolds về những vũ khí chiến lược như loại súng chống chiến xa (LAAWs – Light Anti-Armor Weapons), loại súng bắn một lần, chính xác, hủy diệt xe tăng rất hiệu quả thì Berkley lên tiếng phản đối ngay. Chính vì Berkley chống lại việc mua bán các loại vũ khí chiến lược nên mới xảy ra cuộc cãi vã và bị bắn chết. Reynolds sợ Berkley sẽ đi báo cáo với viên chỉ huy trưởng mới – đại úy Boggs – nên nó phải giết người để bịt miệng. Hắn bắt tất cả tiểu đội phải bắn một viên vào người Berkley để bảo đảm sự bí mật. Thiel không đồng ý nhưng bị ép mãi nên cuối cùng hắn bắn vào bả vai. Thiel nghĩ lúc hắn bắn Berkley đã chết rồi. - Mỗi lần đi tuần tra, chúng tôi đều lên Phú Biên để báo cho Tiger để hắn mang gái đến làng vào buổi tối hôm đó. Tất cả những lời khai của Thiel không có gì mới lạ, vì tôi đã đoán trước được diễn tiến của vụ giết người. Chỉ có sự tiết lộ sau cùng của Thiel làm tôi quá sửng sốt. Sommers ngồi bên cạnh tôi để ghi nhận những lời khai của Thiel. Anh ta cầm một xấp giấy báo cáo của tiểu đội tuần tra. Sommers cầm một tờ giấy lên: - Đây, bản báo cáo về một trung đội Việt-cộng di chuyển trong vùng này do các anh viết. Thế chuyện này cũng láo khoét như những lần cáo cáo trước phải không? - Ồ! Không, chuyện trung đội Việt-cộng thì là sự thật. - Anh trông thấy trung đội Việt-cộng đi ngang qua làng hả? Nguyên cả trung đội? Bọn anh nằm ôm ấp mấy con điếm ở trong nhà mà lại thấy cả một trung đội Việt-cộng thì chuyện lạ thật. Thiel lắc đầu: - Không! Chúng tôi không thấy nhưng có một thằng nhỏ đến gặp khi chúng tôi bước vào làng. Tôi không biết nó là ai, nhưng biết chắc nó ở trong làng đó. Thằng nhỏ khoe rối rít với chúng tôi là có thấy Việt-cộng mặc dù nó chỉ nói lõm bõm được vài chữ tiếng Anh. Hạ sĩ Reynolds kéo nó ra ngoài để nói chuyện. Một lúc sau hắn quay lại và nói với chúng tôi là thằng nhỏ vừa cho hắn một tin tức rất sốt dẻo, đáng được viết vào bản báo cáo tối nay. Thằng nhỏ nói là mấy tối trước có thấy một trung đội Việt-cộng đi ngang qua làng. Reynolds cũng trả cho thằng nhỏ vài đồng để thưởng công. Vừa nghe đến đó, Sommers giận sôi lên, hỏi gằn từng tiếng: - Thằng nhỏ không nói được tiếng Anh, thế ai thông dịch cho thằng Reynolds? Thiel ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời: - Tiger. Sommers xoay người bước ra khỏi lều, nện những bước chân giận dữ lên sàn gỗ. Đến ngay cửa lều, Sommers đứng lại, quay người, hét to vào mặt Thiel: - Đồ ngu! Các anh đã giết chết thằng nhỏ đưa tin của tôi. Thằng Tiger là Việt-cộng, anh biết không? Tôi thở dài nhớ đến cái nhìn của bà mẹ. Cái nhìn trách móc với ý nghĩ những người lính Mỹ cũng góp phần vào việc giơ cao lưỡi mã tấu để chém vào thân thể đứa con của bà. Và câu chuyện của Thiel đã chứng minh rằng điều bà trách móc là đúng. * * * Lá thư hai trang của tôi gởi cho bà mẹ của Berkley viết đã gần xong. Tôi đã hứa với người đàn bà là sẽ kể rõ từng chi tiết trong thư, nhất là những lời bà muốn nói với mẹ của Berkley. Đó là nguyện vọng của bà. Tôi muốn người thông ngôn dịch để bà đọc nhưng bà chỉ muốn về làng ngay, không thiết tha một điều gì nữa. Nhìn bóng dáng gầy gò của bà khuất ở cuối đường mòn, lòng tôi bùi ngùi khôn xiết và bâng khuâng tự hỏi cuộc đời của bà, của một người mẹ, sẽ ra sao với những tháng ngày cô đơn sắp tới. Kiếp nhân sinh sẽ trôi về đâu, và lúc nào sẽ dừng lại hết khổ đau? Tôi không thể trả lời cho tôi những câu hỏi quay cuồng trong tâm trí. Mãi mãi rồi tôi vẫn không thể tìm được câu trả lời thoả đáng. Tôi cũng hứa với bà sẽ gởi cái bật lửa Zippo cho bà mẹ Berkley sau khi nhận được tin cả tiểu đội bị kêu án nặng nề và bị giam giữ tại Leavenworth. Gởi đi một lá thư báo tin dữ, kể hết những nỗi niềm của một người mẹ ở phía bên này đại dương, tôi vẫn cố làm được nhưng không biết phải kết thúc lá thư này thế nào cho đẹp nghĩa. Ở trên bàn giấy, nằm lây lất một tờ tạp chí Star and Stripes; trong đó có bài tường thuật về cuộc hòa đàm đang tiến hành tại Ba-lê. Một tư tưởng chợt hiện đến, tôi cắm cúi viết ngay lên trang giấy: Tôi đang đọc bài tường thuật về Henry Kissinger, ngoại giao đoàn, nhân viên Toà Bạch Ốc, các nhà chính trị, và các tướng lãnh đang bắt đầu một cuộc hoà đàm với các nhà lãnh đạo miền Bắc tại Ba-lê. Họ nói rằng cuộc hoà đàm có thể kéo dài trong một năm để đi đến những thoả hiệp danh dự cho cả hai bên. Tôi bỗng băn khoăn tự hỏi thật sự có một nền hoà bình ô nhục không? Trong thời gian một năm, còn bao nhiêu người nữa phải nằm xuống để cho các nhà lãnh đạo tìm kiếm một chút danh dự? cho riêng mình? cho đất nước mình? Trong khi viết kể về cái chết của con bà, tôi cũng tự hỏi nếu những người vợ goá bụa, những người mẹ mất con của cả hai bên cùng ngồi xuống để tìm kiếm một thoả hiệp hoà bình thì sao? Tôi nghĩ chắc chắn sẽ không có những hàng rào ý thức hệ như các nhà lãnh đạo thường dùng để làm chậm hẳn diễn tiến của việc đàm phán. Dù sao đi nữa, tôi vẫn mong họ sẽ nhanh chóng đạt được một thoả ước. Xin thành thật chia buồn, Carl Hatchett Chuẩn Úy Nha Điều Tra Tội Ác Quân Lực Hoa Kỳ
Tôi niêm kín lá thư, mệt mỏi đứng dậy tiến về phía cửa sổ, thả ánh mắt vào khoảng không gian vô tận, xa khỏi tầm căn cứ của Sư Đoàn 6 Bộ Binh, nhìn về hướng thành phố Pleiku đang đứng im lìm lặng lẽ như chiêm niệm một nỗi buồn u uất, và ngước mắt nhìn lên bầu trời cao xanh thẳm. Trên trời có hai cụm mây trắng bồng bềnh trôi.