Sau hơn ba mươi năm lưu lạc, mỗi năm chúng ta đều có dịp nhìn lại cuộc chiến Việt-nam với một nỗi u hoài. Thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chán ghét chiến tranh, đang cổ võ một thế giới sống chung hoà bình. Thế hệ lớn lên trên mảnh đất đầy dẫy bom đạn trước 75, lại có một cái nhìn khác hơn về một cuộc chiến không thể tránh khỏi. Cho dù có nhiều quan điểm khác nhau, chúng ta – những kẻ lưu vong – phải nhìn nhận rằng sự chiến đấu của dân quân miền Nam bảo vệ quê hương là một điều chính đáng. Chúng ta đã chiến đấu cho lý tưởng tự do, công bằng mà bây giờ hơn 75 triệu đồng bào ruột thịt đang khao khát dưới ách chế độ Cộng-sản. Vì thế, cho dù di cư vào miền Nam, cho dù vượt biển sống xa quê hương nhưng chúng ta vẫn luôn luôn tự hào về những gì chúng ta đã làm, đã gắng sức làm. Sự thất bại đưa đến ngày 30 tháng 4 chỉ là hậu quả mặt trái của một cuộc chiến mà chúng ta không được may mắn tham gia quyết định. Câu chuyện dưới đây cũng nói lên một phần mặt trái của cuộc chiến đó. Bất cứ cuộc chiến nào cũng có một vài khía cạnh bẩn thỉu cuả nó. Đó là một thực tại mặc dù lý tưởng chiến đấu thật cao quý, vĩ đại. Harford trình bày cuộc chiến dưới một khía cạnh tiêu cực nhưng cái hình ảnh sống động, gây cảm xúc nhiều nhất trổi vượt lên trên tất cả mọi nhân vật khác trong truyện là hình ảnh của một người mẹ, mang đầy tính người. Tình mẫu tử không bao giờ có biên giới, vượt qua những chướng ngại về màu da, chủng tộc. Truyện khá dài, nguyên tác “CÁI CHẾT TRÊN ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”, xảy ra ở một căn cứ quân đội Mỹ, đóng tại Pleiku. Tình tiết có lúc thắt, lúc mở, diễn tiến lôi cuốn nên xin quý độc giả kiên nhẫn đọc để hiểu rõ thêm một khía cạnh khác của cuộc chiến Việt-nam. Bây giờ xin mời độc giả vào truyện…