Hãy báo cho tôi biết chỉ số Nikkei cuối ngày và tỷ số đội Detroit.
- Michael Jordan, trên một quảng cáo trong đó anh đóng vai một quản trị viên phố Wall.
Dennis, tôi từ Ba Lan đến để ủng hộ anh.
- Nội dung biểu ngữ chào đón Dennis Rodman tại United Center, sân vận động của đội Chicago Bull, 11/4/1998 Tôi có vé suốt mùa đi xem đội bóng rổ Wizards NBA của Washington và mùa hè năm 1996 thật là đen đủi đối với các fan của Wizards. Hồi đó, Juwan Howard, ngôi sao tiền đạo của đội đã bị câu lạc bộ Miami Heat giàu có cám dỗ với số lương 120 triệu đô-la trong vòng bảy năm. Đội Wizards lúc đầu trả cho anh ta "có mỗi" 75 đến 80 triệu đô-la. Khi những đàm phán về hợp đồng của Howard lên đến mức sôi động nhất, tôi tình cờ gặp bình luận viên chính trị Norman Ornstein thuộc Viện Kinh doanh Hoa Kỳ, cũng là một fan của Wizards. Chúng tôi than vãn về khả năng Howard sẽ lọt về tay câu lạc bộ Miami.
"Anh có nhận thấy rằng," Ornstein nói, "tất cả là do lỗi của Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, NAFTA."
Chúng tôi cùng cười nhưng biết rằng nhận định của Ornstein cũng có lý. Nói đơn giản là toàn cầu hóa đã tạo ra một thị trường toàn cầu mở rộng và hợp nhất cho rất nhiều hàng hóa và dịch vụ. Vì thế khi một nước đã kết nối vào hệ thống này, những ai có tài năng hay kỹ năng đều có thể cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho một thị trường có quy mô toàn thế giới. Vận may của Juwan Howard là khi anh ta cải tiến được kỹ năng nhảy lên ném bóng đúng vào cái thời sụp đổ của tường Berlin, NAFTA, Liên hiệp tiền tệ châu Âu, GATT và những thế lực thị trường khác cho phép NBA trở thành một môn thể thao toàn cầu, trong đó các fan từ Moskva, tới Mexico và Miami có thể hùn vào cùng trả lương cho Howard. Giải NBA năm 1998 đã bán được một lượng hơn 500 triệu đô-la các mặt hàng bóng rổ, rổ bóng, áo phông, đồng phục và mũ, hàng hiệu NBA, ra bên ngoài nước Mỹ, đó là chưa nói đến hàng triệu đô-la bản quyền truyền hình qua vệ tinh hay qua cáp.
Ngày nay giải bóng rổ NBA đã bắt đầu trở thành đối thủ cạnh tranh với bóng đá thế giới. Quy mô toàn cầu của NBA ra sao? Bạn có biết loại búp bê Matrushka của Nga - bằng gỗ, cứ mở một con ra thì có một con khác ở trong, tiếp tục mở con thứ hai thì lại thấy một con khác, cứ thế... Khi tôi sang Nga vào năm 1989, lúc đó loại búp bê này mang hình tượng các nhà lãnh đạo Liên Xô và các Sa hoàng, bán rất chạy. bạn có thể mu loại có Lênin bên trong Stalin, bên trong Khrushchev, bên trong Brezhnev, bên trong Gorbachev. Nhưng hồi sang tường thuật cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1996, những con búp bê mới được bán bên ngoài điện Kremlin mang hình tượng Dennis Rodman bên trong Scottie Pippen, bên trong Toni Kukoc, bên trong Luc Longley, bên trong Steve Kerr, bên trong Michael Jordan! Đội bóng Chicago. Nếu không thích họ, thì mời bạn mua những con búp bê mang hình tượng các đội khác của giải NBA, bán rất chạy trong năm đó.
Trong khi toàn cầu hóa, giúp giải thích về sự may mắn của cầu thủ Howard, nó cũng giúp giải thích một hiện tượng khác - một hậu quả của việc kết nối vào toàn cầu hóa: trong những năm 80 và 90, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong các nước công nghiệp hóa đã tăng đáng kể, sau hàng chục năm ở mức tương đối ổn định.
Các nhà kinh tế sẽ giải thích cho bạn về nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch đó. Bao gồm sự di cư từ nông thôn ra thành thị, những thay đổi nhanh chóng về công nghệ tạo lợi thế cho các công nhân lành nghề, quyền lực của các nghiệp đoàn bị hao mòn, di trú vào các nước phát triển khiến cho sàn lương bổng tại đó bị hạ thấp và sự chuyển giao sản xuất từ các nước lương cao sang các nước có công nhân rẻ mạt.
Tất cả những nhân tố đó đều cần được tính đến khi xem xét khoảng cách giàu nghèo. Trong chương này, tôi muốn tập trung vào một yếu tố mà có thể là quan trọng nhất, và là yếu tố dễ nhìn thấy nhất ở những nơi mà tôi qua lại. Đây là hiện tượng "được thì ăn cả" - một thực tế cho thấy những kẻ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào đều có thể kiếm rất nhiều tiền vì họ đang phục vụ cho một thị trường, thị trường toàn cầu; trong khi những kẻ chỉ kém chút tài năng hoặc thiếu tài năng thì sẽ chỉ ăn quẩn ở các thị trường địa phương và thì thế thu nhập thấp hơn nhiều lần. Tờ USA Today cho biết ngày đầu câu lạc bộ Miami đã đề nghị chỉ trả cho Howard ở mức 98 triệu đô-la trong bảy năm, mức lương này tương đương với 3.267 năm lương của một thầy giáo với mức 30.000 đô-la năm.
Hai nhà kinh tế Robert H. Frank và Philip J. Cook trong cuốn sách của họ, Xã hội được thì ăn cả, nói toàn cầu hóa "đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng sự thiếu công bằng" vì đã tạo ra trên toàn cầu một thị trường trong đó người thắng cuộc sẽ được hưởng hết. Họ nói một khi các hàng rào mậu dịch bị gỡ bỏ hoặc thủ tiêu trên khắp thế giới, chi phí đi lại giảm xuống, các thị trường nội địa bị thả nổi và thông tin được truyền rộng rãi và miễn phí xuyên biên giới, thì một thị trường hợp nhất sẽ được tạo dựng đối với nhiều ngành nghề. Một nhân viên bán hàng khi xưa phải đi lại nhiều trên các địa bàn trong nước, thì nay đang dùng fax, điện thoại vệ tinh và Internet để vươn sang các nước khác hay các khách hàng toàn cầu. Người bác sĩ khi xưa chỉ khám trong bệnh viện của mình thì nay đã có thể chẩn đoán và tư vấn cho các bệnh nhân ở nhiều nơi khác trên thế giới thông qua hệ thống truyền dữ liệu. Một ca sĩ khi xưa chỉ hát cho dân của mình trong nước, nay có thể dùng công nghệ CD và hệ thống nghe hát - trả tiền trên truyền hình cáp, không những để đến với thính giả toàn cầu, như nhóm Beatles chẳng hạn, mà có thể thu tiền của họ bằng nhiều cách. Trong khi đó, Frank và Cook lập luận, việc xóa bỏ các điều luật chính thức cũng như không chính thức mà trước đây được dùng để hạn chế cạnh tranh - ví dụ luật dùng trong thể thao chuyên nghiệp, không cho phép một cầu thủ tự "bán mình" cho những nơi trả lương cao hơn, hay thông lệ trong một công ty cho phép một chế độ "sống lâu lên lão làng," hay thăng quan tiến chức nội bộ, không cho phép tìm nhân tài từ bên ngoài vào quản lý - đã góp phần làm xuất hiện một thị trường cạnh tranh và đấu giá quy mô toàn cầu. (Giới tiêu thụ cũng được lợi trong tình huống đó. Nếu bạn mắc những chứng bệnh lạ, thì qua Internet, bạn sẽ có điều kiện tìm thầy thuốc giỏi từ bất cứ nơi nào trên thế giới; và nếu bạn là một cổ đông của một vài công ty trong số 500 công ty do tạp chí Fortune liệt kê thì bạn có thể vui mừng khi thấy những công ty đó đang ra sức tuyển mộ nhân tài quản lý từ bên ngoài, có thể từ Australia xa xôi chẳng hạn, thay vì sử dụng các loại "lão làng" trong nội bộ các công ty.)
Bạn tập hợp những yếu tố kể trên và sẽ thấy được tình huống trong đó thị trường tiềm năng cho bất cứ mặt hàng hay dịch vụ nào, cho bất cứ ca sĩ hay nhạc sĩ, tác giả hay diễn viên, bác sĩ hay luật sư, vận động viên hay học giả... nay mở rộng từ đầu này sang đầu kia của thế giới. Sự cởi mở và cơ hội di chuyển chưa từng có trên thế giới sẽ khuyến khích và buộc các công ty, các ngành công nghiệp và các chuyên viên phải bung ra thế giới - nếu không thì sẽ có những người khác. Và khi một trong những người/công ty đó thành công - được gọi là "Hãng kế toán ấy," "Bác sĩ ấy," "Diễn viên ấy..." thì họ không những thành công ở Hoa Kỳ hay châu Âu, không chỉ ở Nhật Bản hay Trung Quốc. Họ có thể kiếm mức lợi nhuận và mức tác quyền khổng lồ từ tất cả mọi nơi cùng một lúc. Khẩu hiệu quảng cáo của hãng xe hơi Ford tóm tắt rất hay: "Ford: Chinh phục cả thế giới."
"Trong cái làng toàn cầu đó," Frank và Cook cho biết, những kẻ thắng cuộc - những kẻ có thể giao sản phẩm tốt nhất - sẽ có thể hưởng mức lợi nhuận khổng lồ. Hãy tưởng tượng một hãng mang tên Acme Radials, sản xuất lốp xe hơi ở Akron, Ohio. Trong quá khứ nếu chỉ thành công ở địa phương Ohio thì đã là thành công. Nhưng ngày nay, giới tiêu dùng ngày càng khắt khe lựa chọn, họ chỉ mong có những sản phẩm tốt nhất dù đến từ bất cứ đâu trên thế giới - vậy Acme sẽ phải tính, nếu họ làm ăn ngon lành, sản phẩm thượng đẳng thì lợi nhuận sẽ rất cao, ngược lại: nếu chất lượng không đảm bảo thì ngay cả ở Ohio họ cũng sẽ mất khách.
Frank và Cook cũng chỉ ra rằng trong khi những kẻ thắng cuộc sẽ kiếm rất nhiều từ thị trường toàn cầu thì những kẻ thiếu kỹ năng hay không có kỹ năng sẽ bị thua rất nhanh. Chính vì thế khoảng cách giữa vị trí đứng đầu và đứng thứ hai sẽ gia tăng. Tất nhiên trong nhiều lĩnh vực sẽ không có duy một kẻ thắng cuộc, nhưng những kẻ đứng đầu bao giờ cũng chiếm phần cực kỳ lớn. Các thị trường càng trở nên toàn cầu hóa và theo lối "được ăn cả" thì khoảng cách lợi nhuận hay sự bất bình đẳng trong thu nhập sẽ tăng nhanh chóng trong một nước, cũng như giữa các nước.
Sự bất bình đẳng đó đã trở thành một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của hệ thống toàn cầu hóa này. Theo một bài đăng trên tạp chí National Journal, thu nhập của các hộ nghèo khó nhất, chiếm một phần năm tổng các gia đình người lao động của nước Mỹ, đã giảm 21 phần trăm trong thời gian từ 1979-1995, trừ hao mức lạm phát, trong khi đó mức thu nhập của những gia đình giàu có tăng 30 phần trăm trong cùng thời kỳ. Ngày 30/5/1998, báo The Economist đăng Hoa Kỳ có 170 tỉ phú, so với 13 người, trong năm 1982. "Chẳng qua kinh tế phát triển rất tốt nên ai ai cũng nhanh chân chạy tới," tờ báo nói tiếp. "Nhưng sự bất bình đẳng đã tăng đáng kể trong vòng 30 năm, một điều ai cũng nhận thấy. Trong các tranh vui trên báo chí, Bill Gates từ chỗ được khắc họa là một người hùng nay trở thành một kẻ độc quyền chuyên bắt nạt kẻ yếu - theo kiểu Rockefeller. Phim Titanic đã cho thấy một cách nhìn sự vật theo lối Mác xít, khiến dân Mỹ rất khoát, đó là cảnh một vài người khách giàu có đi trên tàu đã kêu than vì rét." Sadruddin Aga Khan, Chủ tịch Quỹ bellerive, nghiên cứu tác động của toàn cầu hóa, đã cho biết tài sản Bill Gates trong một thời điểm tương đương với tài sản của 106 triệu người Mỹ nghèo khó nhất.
Có rất nhiều các ví dụ về ảnh hưởng của toàn cầu hóa thể hiện trong chênh lệch thu nhập và các hậu quả xã hội. Nhưng, như tôi đã nói từ trước, bạn có thể tìm hiểu tất cả các chi tiết của hiện tượng đó bằng việc nghiên cứu một nhóm người - thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia NBA, và đặc biệt là đội bóng vô địch thế giới năm 1997-98, đội Chicago Bulls.
Chủ nhân và cầu thủ của NBA là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong hệ thống toàn cầu hóa ngày nay - không ai có thể hiểu rõ và tận dụng cơ hội đó giỏi hơn David Stern, Chủ nhiệm hiệp hội. Trong một cuộc phỏng vấn, Stern giải thích với tôi là nhờ có trào lưu dân chủ hóa về công nghệ trong khối cộng sản cũ, NBA bỗng dưng tìm thấy "nhiều kinh mới để chuyển tải tường thuật các trận đấu của họ - thông qua cáp, đĩa vệ tinh, Internet, cáp quang và truyền hình truyền thống vào rất nhiều nước," Stern giải thích ngày nay NBA có quan hệ với 90 hãng phát thanh và truyền hình trên thế giới đưa hình ảnh các trận đấu của họ vào 190 nước, bằng 41 thứ tiếng. Thậm chí Trung Quốc đã cho phát trận đấu trong tuần vào chương trình sáng thứ bảy của họ. Nhờ có sự dân chủ hóa về tài chính, sự chấm dứt hàng rào quan thuế, cửa khẩu đi lại giữa các nước được mở rộng, một thị trường tiêu dùng được mở ra rất nhanh. Các công ty muốn vào thị trường này thường gắn cho hàng hóa của họ cái nhãn hiệu toàn cầu và có thể xuất hàng vào nhiều nơi khác nhau cùng một lúc. Logo và biểu trưng của NBA cùng các đấu thủ của họ đã trở thành một biểu trưng toàn cầu và được gắn lên các mặt hàng bán trên thế giới - kem đánh răng, giày dép hay các loại sản phẩm khử mùi - và khiến tăng độ tin cậy của các mặt hàng đó khi chúng được bán ở mọi nơi, từ Buenos Aires cho tới Bắc Kinh. Và nhờ có dân chủ hóa thông tin - và cùng đó là sự lên ngôi của Michael Jordan chẳng hạn, một thần tượng xuất hiện và được mọi người từ khắp toàn cầu cùng lắng nghe.
"Hãng Sprite đang có chương trình quảng cáo cùng một lúc ở Đan Mạch và Ba Lan, ở cả hai nơi, sản phẩm đều mang logo của NBA, khiến cho sản phẩm mang tính khả tín ở mọi thị trường," Stern giải thích. "NBA hiện có những văn phòng tiếp thị truyền hình ở Paris, Barcelona, London, Đài Loan, Tokyo, Hồng Kông, Melbourne, Toronto, New Jersey, Miami - cho châu Mỹ Latinh - và mexico City. Bây giờ chúng tôi thi đấu tám trận trong mùa tại Tokyo và hai trận tại Mexico City."
Năm 1990, các trận đấu của NBA được truyền tới 200 triệu hộ dân của 77 quốc gia. Năm 1998, số hộ dân đó lên tới 600 triệu tại 190 nước, 35 phần trăm số người vào mạng thăm trang
www.nba.com sống bên ngoài nước Mỹ. Dân chúng có máy tính từ 50 nước thường xuyên vào trang mạng đó. Từ năm 1994, số cầu thủ quốc tế sang thi đấu cho NBA đã tăng gấp bốn lần.
Để tìm hiểu thêm tôi đã đến phỏng vấn steve Kerr, một cây chuyên làm bàn ba điểm, chơi cùng Micael Jordan trong nhiều năm trong đội Chicago Bulls. Sự nghiệp của Kerr trong NBA bắt đầu ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ, khi bóng rổ chuyên nghiệp là môn hầu như chỉ dành cho người Mỹ, nhưng đang dần dần lên được mức toàn cầu. Kerr nói với tôi: "Cách đây khoảng hai năm, khi tôi sang Nhật Bản để tham dự trại [huấn luyện] bóng rổ do Sean Elliott [một ngôi sao khác của NBA] phụ trách, tôi không thể tin được khi thấy mức độ mà dân chúng ở quanh Tokyo nhanh chóng nhận ra tôi. Một buổi sáng tôi dậy từ năm giờ để đi xuống chợ cá Tokyo để xem họ đấu giá bán cá buổi sáng. Đó là một thú vui của du khách: bạn đến đó thấy bao nhiêu là loại cá ngừ, được đấu giá và bán mức 50.000 đô-la một lố. Cá nằm trên các đệm gỗ trên mặt đất, và tôi thì đi quanh quất, ngắm nhìn cá và những ngư dân đang làm việc. Nhưng mỗi khi tôi đi qua thì những người Nhật - ngư dân Nhật đã bước đến chào tôi và nói "A, Steve Kerr - Chicago Bulls." Sự việc đó diễn ra lúc năm giờ sáng ở chợ cá Tokyo.
Khi Chicago Bulls chơi một trận giao hữu trước giải ở Paris năm 1997 (giải này được mang tên Giải vô địch mcDonald s) khoảng 1.000 phóng viên và nhiếp ảnh viên đăng ký vào tường thuật - đông hơn mức trong các trận chung kết của NBA. Kerr nhớ lại: "Cũng cảm thấy là lạ khi dạo bước trên phố Paris thấy ai ai cũng biết đến mình."
Allen Alter, bạn tôi, biên tập viên của truyền hình CBS có lần đã cố gắng thu xếp visa để gửi một nhóm làm truyền hình sang Bắc Triều Tiên năm 1997. Anh ta đã hành động như cách của các biên tập viên giỏi - thường xuyên ve vuốt hai nhà ngoại giao cao cấp phụ trách cấp visa của Bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc. Một buổi tối trong một bữa tiệc, các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ngỏ lời rằng họ rất quan tâm tới bóng rổ NBA, vậy là Alter đã gửi tặng họ một băng hình của trận chung kết NBA năm 1997: Chicago Bulls đấu với Utah Jazz. Sáng hôm sau, những người Triều Tiên đó, (xưa nay rất miễn cưỡng trong việc hồi đáp công văn), đã gửi fax cho Alter, cám ơn anh và nói "cuốn băng đã được chuyển về Bình Nhưỡng trong túi thư ngoại giao." Một vài tuần sau đó có một phái đoàn ngoại giao từ Bắc Triều Tiên sang New York, và một thành viên trong đoàn đã thông báo với Alter: "Chúng tôi rất thích những vũ nữ múa cổ động - hình ảnh của họ gây hào hứng ở đất nước chúng tôi." Quả là "vị lãnh tụ kính mến của Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Il, trước kia được biết đã rất khoái phim Godzilla và nhà ảo thuật David Copperfield, nay đã chú ý tới hình ảnh những vũ nữ cổ động trong các trận đấu của giải NBA.
Nahum Barnea, bình luận viên chính trị hàng đầu của Israel, làm cho báo Yediot Aharonot là một fan cuồng nhiệt của NBA, và anh ta dễ dàng được thỏa mãn nhu cầu đó, vì các trận đấu của NBA được tường thuật trực tiếp trên truyền hình Israel mặc cho sự khác nhau bảy tiếng đồng hồ giữa Mỹ và Israel. Barnea nói khi đi thăm mẹ trong một nhà dưỡng lão vào ngày diễn ra trận đấu thứ 6, giải NBA 1997-98 giữa Chicago Bulls và Utah Jazz. Khi đang nói chuyện với mẹ anh, Barnea vừa bật TV để xem trận đấu. Bà mẹ thấy thằng con chăm chú xem, đã hỏi: "Đội nào là Israel?" Điều chưa bao giờ bà mẹ này nghĩ tới đó là làm sao con của bà lại có thể say mê xem một rận bóng mà trong đó không có đội nào của Israel.
Nhưng toàn cầu hóa đối với NBA đã gây ra những ảnh hưởng xã hội. Hãy nhìn vào băng ghế của Chicago Bulls, một đầu là Micael Jordan. Tạp chí Forbes đánh giá mức thu nhập của anh từ quảng cáo là 47 triệu đô-la, năm 1997, lương thi đấu năm đó là 31 triệu đô-la, tổng số thu nhập là khoảng 80 triệu đô-la. Năm 1998, trước khi Jordan ngưng thi đấu, tạp chí Fortune đánh giá là tác động tổng hợp của Michael Jordan vào kinh tế Mỹ từ ngày gia nhập NBA năm 1984, là "10 tỷ đô-la" - bao gồm mức vé bán chạy cho các trận đấu anh có mặt, bản quyền tường thuật bán cho nước ngoài, xếp hạng truyền hình, và việc ảnh quảng cáo cho các hãng thể thao như giày Nike... và các mặt hàng khác. Tờ The Sporting News cho biết "giá trị của Jordan" đã được ghi nhận khi anh quay lại NBA vào tháng ba năm 1995, sau 18 tháng đức quãng khi anh tham gia vào môn bóng chày. Giá trị chứng khoán của năm nhà tài trợ cho anh ta - McDonald s, Sara Lee, Nike, General Mills và Quaker Oats - tăng 3,8 tỷ đô-la trong vòng hai tuần." Chẳng thế mà công ty Upper deck, sản xuất bóng rổ và những quân bài trò chơi bóng rổ, đã quảng cáo trên tờ The Sporting News, cho thấy Jordan giữ trái đất trong tay, kích cỡ trái đất chỉ bằng một trái bóng rổ - với dòng chữ "kích cỡ thật."
Michael Jordan đúng là một kẻ thắng cuộc và lấy hết. Nhưng trong một đội bóng của NBA có tới 12 cầu thủ. Cùng trong đội hình với Jordan, cách Jordan 10 người, là một đấu thủ có mức ghi bàn chỉ kém chút ít, mức nhảy cao thấp hơn chút ít, mức ném rổ thiếu chính xác hơn - nhưng vẫn là một đấu thủ giỏi của NBA - anh ta tên là Joe Kleine. Lương của anh ta năm 1997 là 272.250 đô-la, mức lương thấp nhất của NBA, nhưng ít hơn thu nhập toàn bộ của Jordan khoảng 79.727.750 đô-la. Giữa hai cầu thủ là cùng một môn thể thao, cùng một tổ chức, cùng một đội bóng, cùng một đội hình thi đấu! Một lý do cho sự chênh lệch thu nhập của hai người là Michael Jordan có một thị trường toàn cầu dành cho dịch vụ và bút tích của anh, trong khi dịch vụ và bút tích của Kleine chỉ bao gồm trong sân vận động United Center của Chicago.
Sau trận đấu giữa Chicago Bulls và Orlando Magic ngày 11/4/1998, tôi đã đến phòng thay quần áo của Chicago Bulls để phỏng vấn Joe Kleine và đồng đội. Đến đó tôi đã thấy thực tế của thị trường toàn cầu được phản ánh. Trước khi căn buồng thay quần áo mở cửa đã có khoảng 30 phóng viên, báo chí lẫn truyền thanh - truyền hình, đứng ngoài chầu chực. Đến khi mở cửa buồng, thì cả ba chục con người lao vào vây chặt một cầu thủ, Michael Jordan. Trong đó có một toán truyền hình Nhật Bản, nói tiếng Nhật do một nữ phóng viên Nhật đi đầu, cô này không khỏi đỏ mặt khi thấy những cầu thủ cao chừng hai mét ăn mặc sơ sài bước khỏi buồng tắm. Ở Nhật Bản hiếm khi nào bạn thấy cảnh đó.
Nhưng giờ thì bạn hãy tưởng tượng cảnh buồng thay quần áo. Có 12 tủ đựng đồ cho 12 người, nhưng tất cả phóng viên chỉ tập trung vây quanh một tủ đựng đồ, của Michael Jordan. Micro và ống kính của phóng viên được chĩa vào cái ghế của anh ta, chờ đợi phút anh ta xuất hiện, hy vọng sẽ trích dẫn một lời nói của anh để đưa tin trên toàn thế giới. Trong khi đó các cầu thủ khác ra vào nơi các ngăn của họ mà chẳng có ai để ý đến. (Trừ Scotties Pipen, khi xuất hiện, đã thu hút được một vài phóng viên.)
Tôi tò mò đi đến gặp Joe Kleine, tự giới thiệu và hỏi anh ta xem anh có thấy bực mình khi có sự bất bình đẳng thu nhập giữa bản thân anh và Jordan. Kleine cho biết anh hiểu rất rõ về nguyên tắc người được thì ăn cả. Kleine nói: "Trong môn này, mức lương cho mọi người đã tăng lên, nhưng đối với những siêu sao thì đó là một bước đại nhảy vọt. Trong trường hợp của tôi, tôi đến đây thi đấu, và hưởng mức lương tối thiểu. Đó là lựa chọn của tôi và tôi không lấy làm tiếc về điều đó."
Trong xã hội cũng như trong nội bộ NBA đã có những hậu quả đến từ sự bất bình đẳng về thu nhập. Trong những đội bóng nơi có những cầu thủ chơi cùng với Jordan trong các giải, nhưng không được hưởng lộc như Jordan, đó là điều nghiêm trọng. Vì bao nhiêu tiền thưởng sẽ bị siêu sao chiếm hết, thì còn lại bao nhiêu để chia cho đồng đội của các siêu sao. Vấn đề đó được phản ánh trong báo cáo tài chính 1998-99 của NBA. Theo báo cáo thì trong 1998, số lượng cầu thủ có mức lương tối thiểu thuộc NBA chiếm khoảng 25 phần trăm và cao nhất từ trước đến nay. Tạp chí Petersen s Pro Basketball đánh giá: "NBA đang bắt đầu phản ánh thực trạng của xã hội Mỹ mở rộng: Người giàu thì càng giàu thêm, và nhiều những người thuộc trung lưu ở mức thấp có thể nghèo đi. "Năm ngoái (1996-97) khoảng một phần ba cầu thủ NBA - 110 trong số 348 cầu thủ - là những người chỉ được hưởng thu nhập tối thiểu," ông bầu Don Cronson của NBA cho biết. "Cứ cái đà đó thì năm nay, số lượng cầu thủ hưởng lương tối thiểu sẽ tăng lên tới con số 150. Ngoài những hạn chế về trần lương và những chi phí cho các siêu sao thì không còn mấy tiền để chi trả cho các cầu thủ có giá trị từ 1-2 triệu đô-la, những người thông thường đứng xếp hạng mức thứ tư đến thứ bảy. Vậy trong một đội 12 người, bạn có ba cầu thủ đứng đầu cùng năm cầu thủ hạng chót yên tâm thi đấu; những cầu thủ còn lại là những người bạn phải động viên và lấy lòng nếu muốn họ thi đấu nhiệt tình. Sẽ có những sự ghen tức và thất vọng hơn bao giờ hết. Những hố ngăn cách về thu nhập bao giờ cũng tạo ra những cảnh trớ trêu như ở trong buồng thay quần áo. Cũng là bản tính con người mà. Và điều đó chắc chắn sẽ giải thích cho bản chất của các cầu thủ bóng rổ nhà nghề thời nay." Ví dụ điển hình của sự phân biệt giai cấp trong mùa bóng năm ngoái là trường hợp Houston Rockets, trong đó bộ ba siêu sao kiếm được số lương 21 triệu đô-la, và trong các trận đấu chỉ thấy có hai chân trong mức trung bình (Kevin Willis và Mario Elie) và còn lại là các cầu thủ hạng xoàng lương tối thiểu. "Tôi được biết, đó là một đội bóng không được hòa thuận cho lắm," Cronson cho biết.
Đó là một vấn đề "thực sự nghiêm trọng," Steve Kerr cho biết, Kerr đã từng chơi cho hai đội khác thuộc NBA, trước khi gia nhập Chicago Bulls. "Có rất nhiều đội có những đấu thủ hưởng mức tối thiểu, họ thi đấu tận tình, trong khi có những đội những đấu thủ sau khi kiếm được khoảng bốn triệu, họ đã rời khỏi đội. Những người hưởng lương tối thiểu đôi khi sẽ rất bực mình, trong khi những người bỏ đội ngũ sau khi kiếm bốn triệu cũng sẽ cảm thấy tội lỗi." Được hỏi là có bao giờ anh ta ghen tị với Jordan, Kerr cho biết rõ ràng anh hiểu về toàn cầu hóa và chỗ đứng của bản thân anh. "Không, nói thật là không," anh nói. "Tôi nghĩ về hàng ngàn cầu thủ ở ngoài đời, họ rất giỏi nhưng không xin được vào đội. Tôi chỉ nghĩ về sự may mắn đối với bản thân."
Hố ngăn cách trong đội hình các đội của NBA cũng được phản ánh qua những vị trí của các ông chủ. Xưa kia những người chủ NBA vốn là những thương gia trong cộng đồng. Ngày nay chủ mới của NBA là những tập đoàn có mức thu nhập toàn cầu, họ trang trải cho các chi phí quy mô toàn cầu. Ai là chủ của đội New York Knicks? Công ty Cablevision System. Ai là chủ của Atlanta Hawks? Hãng Time Warner. Ai là chủ của Portland Trail Blazers? Comcast Cable. Của seattles SuperSonics? The Ackerley Group Inc. một tổ hợp truyền thông. Abe Pollin, chủ của Washington Wizards là một trong những chủ nhân người địa phương còn sót lại trước khi ông ta trở thành đối tác với Michael Jordan và một quản trị viên hãng AOL. Một trụ cột của cộng đồng Washington và là một mạnh thường quân vùng này, Pollin kiếm tiền từ các thương vụ địa ốc ở Washington và đã hứa với Juwan Howard số tiền gần bằng nửa trị giá của thương vụ của ông, nhằm có thể giữ Howard lại trong bảy năm, không cho anh, anh nhảy sang đội Miami Heat. Nhưng những ông chủ như Pollin, lớn lên trong cộng đồng, nay không còn mấy nữa, và điều đó khiến cho giá trị cộng đồng giảm đi nhiều.
"Rất hiếm khi mà Charles Dolan, Chủ tịch hãng Cablevision, chủ của đội Knicks, lại bước vào phòng thay quần áo của đội ở Madison Square Garden, "tờ The New York Times đăng tải (10/1/1999). "Vào cái thời 60 và 70, các ông chủ có thể mời cầu thủ đi nghỉ cùng với họ. Ngày nay, có những cầu thủ chẳng bao giờ được gặp chủ của họ." Quả thực khi hậu vệ Mike Piazza được đổi từ đội Los Angeles Dedgers sang đội Florida Marlins, rồi sang New York Mets vào tháng năm 1998, anh ta phàn nàn là chủ nhân của Dodgers ở xa xôi quá, khiến anh không tài nào liên lạc với họ được. Ai là chủ nhân của Dodgers? Đó là tập đoàn truyền thông của Rupert Murdoch mang tên Newscorp., Piazza mô tả là "chủ nhân xa rời cầu thủ, giống như nhân vật thần thoại vậy."
Sau cùng, cái khoảng cách trong đội hình và khoảng cách trong số các chủ nhân đã tạo nên những khoảng cách vị trí xã hội. Fan của Michael Jordan sẽ không bao giờ thắc mắc về lương bổng của anh ta, một khi anh tiếp tục tạo chiến thắng trong các giải thi đấu. Nhưng cái khoảng cách giữa những kẻ thắng và người thua trong kinh tế toàn cầu phản ánh trong những đồng lương thể thao vừa kể, đã nảy sinh những hậu quả xã hội. Người giàu và người nghèo ngày càng sống cách biệt, cho con cái đến học ở những trường khác biệt, sống ở những khu khác biệt, mua sắm đồ ở những tiệm khác biệt và đến thưởng thức thể thao ở những nơi khác nhau, tồi tệ hơn, có người đến được, người không. Nhưng giới yêu thể thao không còn được đi xem thể thao nhiều như trước, vì để trả lương hậu cho cầu thủ, giá vé đã bị tăng gấp nhiều lần và rồi chỉ có người giàu có mới mua được, sân vận động được chia ô cho nhiều giai cấp khác nhau, trong đó những người nghèo không mua được loại vé 75 đô-la đã chen chúc nhau ở một góc sân, nhai lạc rang xem thi đấu, trong khi những người giàu ngồi trong những lô ghế riêng, duỗi chân thoải mái và ăn món cua rán do bồi bàn phục vụ. Ngay cả những cầu thủ xuất thân từ tầng lớp đói nghèo đã nói về khoảng cách giữa bản thân họ và cái đám đông giàu có phần nhiều là da trắng đến xem họ thi đấu. "Bạn lao đầu ra sân, đuổi theo một trái bóng," một cầu thủ da đen không cho biết danh tính nói với báo Sports Illestrated, "rồi bị vấp vào một máy điện thoại di động của một thằng cha chủ ngân hàng đầu tư ném vào. Trong khi đó những người cùng sinh ra và lớn lên với bạn không có tiền mua vé vào xem. Vâng, đó là những điều khiến bạn phải suy nghĩ." Để trả 121 triệu đô-la trong bảy năm cho Shaquille O Neal, đội bóng Los Angeles Lakers đã phải tăng giá vé hạng xoàng nhất từ 9,5 đô-la lên 21 đô-la/vé, và giá thượng hạng của họ trong mỗi trận đấu là 500-600 đô-la. Michael J. Sandel, nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard cho biết, kết quả là sân đấu bóng, một thời là trung tâm của dân chúng trong cộng đồng "không còn là nơi công cộng để quy tụ các tầng lớp khác nhau trong dân chúng."
Khoảng cách mức sống giữa siêu sao thể thao với fan của họ đã trở nên một trời một vực. "Hôm trước tôi đọc thấy câu chuyện về võ sĩ quyền Anh Evander Holyfield người cho xây một căn nhà rộng 5.200 mét vuông," Steve Kerr nói với tôi. "Và tôi chắc rằng anh ta cũng có thiện ý khi làm chuyện đó, nhưng bài báo này trích dẫn anh ta nói sẽ mời những trẻ em nghèo khó đến tham quan căn nhà để chúng có thể thấy nếu làm việc chăm chỉ, chúng cũng có thể có căn nhà như vậy. Một căn nhà 5.200 mét vuông! Để có căn nhà như vậy thì chỉ có cách trở thành lực sĩ vô địch quyền anh thế giới, trên thế thới thì chỉ có một người làm được điều đó. Mọi sự giờ đây tùy thuộc vào những gì anh trả tiền mua. Có những cầu thủ đến trường học và nói với học sinh, "hãy đi học để sau này có thể mua được những gì mà tôi có." Tôi không nghĩ đó là một lời khuyên tốt. Một lời khuyên tốt phải là, hãy đến trường để bạn sau này có thể làm được bất cứ điều gì bạn muốn làm trong cuộc sống."
Khi tôi không dùng đến vé đi xem các trận đấu của đội Washington Wizard, tôi thuờng tặng chúng cho một người bạn của tôi, đang làm chân gác cửa. Anh ấy rất mừng, nhưng tôi thì rất buồn. Tôi buồn là anh ta rất hàm ơn khi được làm cái điều mà cha tôi và tôi thời trước thường dễ dàng thực hiện - hứng lên là đi xem các trận của đội Minneapolis Lakers, khi đó lương của cha tôi là 13 ngàn đô-la một năm.
Có điều gì đó không ổn, khi số đông dân chúng bị hắt hủi khỏi những lối sống như vậy. Cộng đồng đã bị băng hoại thêm một mức, bạn không mấy ngạc nhiên khi nhặt tờ Washington Times ngày 12/11/1997 và đọc mẩu tin sau đây: "Hai người dân thường bị giết hại ở Philadelphia sau một bất đồng về chuyện ai là hậu vệ giỏi hơn: Aillen Iverson và Philadelphia 76er hay Gary payton của Seattle SuperSonics. Sự cãi cọ đã chuyển sang đọ súng hôm chủ nhật sau trận đấu giữa 76er và Sonics. Derrick Washington, 22 tuổi, và người họ hàng của anh, Jameka Wright, 22 tuổi, đã bị giết trong vụ đọ súng ở công trường xây dựng Southwark Plaza."
Tôi biết rằng về nhiều mặt, một nền kinh tế hai tầng như vậy là điển hình trong nhiều giai đoạn của lịch sử nước Mỹ và sự nổi dậy của tầng lớp trung lưu là một hiện tượng thực sự trong những năm giữa thế kỷ 20. Cha tôi sẽ không tài nào hiểu được chuyện không thể đủ tiền đi xem một trận đấu bóng rổ, nhưng tôi có thể dám chắc là ông nội của tôi đã có thể hiểu được điều đó. Nhưng không may là cháu tôi sau này chắc cũng phải hiểu và chứng kiến điều đó.
Tôi dùng hình ảnh NBA làm một ví dụ không phải do tôi đồng cảm với những cầu thủ lương tối thiểu 272.250 đô-la/năm, mà vì nó phản ánh rõ ràng sự khác biệt về thu nhập đã và đang tạo những phản ứng khắp nơi trên thế giới chống lại toàn cầu hóa. (Tôi sẽ bàn chi tiết trong chương sau). Những hố ngăn cách về thu nhập đã xuất hiện khá nhiều ở bên ngoài nước Mỹ nơi những giai cấp trung lưu có số lượng nhỏ hơn, và những luật lệ chống độc quyền cũng như chia sẽ phúc lợi không chặt chẽ như ở Mỹ. Đây là một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan trong kinh tế toàn cầu hóa: Áo nịt nạm vàng, Bầy Thú Điện Tử, thương mại và thị trường tự do, tất cả khiến cho toàn thể xã hội tạo ra nhiều của cải và thu nhập nhiều hơn. Đó là thực tế. Nhưng những nguồn thu nhập đang ngày càng được phân chia không cân bằng và cùng với điều đó, cái chủ nghĩa tư bản đươc ăn cả, tự do khai thác đã trở nên mang mầm mống gây đảo lộn xã hội. Nhưng nếu cứ sống mãi với một nền kinh tế đóng cửa, được điều tiết chặt chẽ bằng cơ chế quan liêu thì toàn bộ xã hội sẽ nghèo đi và hỗn loạn càng có cơ diễn ra và diễn ra ở mức cao hơn - mà cũng không tạo ra được nguồn của cải để cứu giúp những người khốn khó.
Hãy nhìn trường hợp Cuba của Fidel Castro trong những năm 90... Fidel Castro đã hé mở cửa kinh tế Cuba và cho phép hình thành một khu vực kinh doanh tự do, điều đó ngay lập tức khiến xuất hiện những khoảng cách lớn về thu nhập. Một hướng dẫn viên du lịch nói với tôi khi tôi sang Cuba năm 1999: "Ngày trước tôi có thể có hai đôi giày và ông có ba đôi. Nhưng ngày nay, vì là hướng dẫn viên và có ngoại tệ, tôi có thể có tới 30 đôi giày, trong khi ông vẫn chỉ có ba đôi." Về lâu dài, những khoảng cách thu nhập đó, nếu tiếp tục mở rộng, sẽ trở thành những cái gót chân Asin của toàn cầu hóa. Có điều gì đó không ổn định về cái thế giới đang bị công nghệ, thị trường và viễn thông, khâu dệt lại cho chặt chẽ trong khi các giai cấp xã hội bị tách xa nhau hơn, ngày càng xa. (Chương cuối cùng của cuốn sách, tôi sẽ nói đôi lời về những giải pháp.)
Hãy xem xét mẩu tin sau mà tôi tình cờ đọc được trên các nguồn tin thông tấn: "PORT-AU-PRINCE (Reuters) - Haiti, đất nước nghèo nhất Tây bán cầu, lần đầu tiên sẽ được trang bị điện thoại di động từ chối tháng tám 1998, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho biết vào hôm thứ sáu. Chỉ có thiểu số các gia đình giàu có, giới đầu tư nước ngoài và thương gia mới có khả năng trả tiền dùng dịch vụ này. Thu nhập bình quân của người dân Haiti là khoảng 250 đô-la, giá nối mạng là 100 đô-la, và mức dịch vụ bảo hành hàng tháng là 20 đô-la." Nói cách khác, đối với thiểu số toàn cầu hóa trong dân chúng Haiti thì điện thoại di động là một dụng cụ làm việc hàng ngày, còn đối với đa số dân ở đó thì điện thoại di động là hai năm lương của họ.
Một hiện tượng bất ổn, nhưng không phải là hy hữu. Theo báo cáo của tổ chức Phát triển Dân số của Liên Hiệp Quốc, thì Internet nối kết dân chúng trong một hệ thống toàn cầu mới, nhưng cơ hội để sử dụng Internet vẫn chỉ nằm tại phần lớn trong các nước giàu có. OECD chiếm 19 phần trăm dân số thế giới nhưng chiếm 91 phần trăm tổng số người sử dụng Internet. Bulgaria có số máy chủ nhiều hơn tổ số máy chủ ở vùng tiểu Sahara, châu Phi, trừ Nam Phi. Ở Hoa Kỳ và Thụy Điển, cứ một ngàn người thì có 600 đường điện thoại trong khi ở Chad thì một ngàn người thì chỉ có một người có điện thoại. Nam Á, với 23 phần trăm dân số thế giới, chỉ chiếm một phần trăm trong số người sử dụng Internet trên thế giới. Tiếng Anh được sử dụng trong 80 phần trăm các trang mạng mặc dù trên thế giới cứ 10 người thì chưa tới một người biết tiếng Anh. Các nước công nghiệp chiếm giữ 97 phần trăm tác quyền các sản phẩm trên thế giới. Tôi chắc rằng các công cụ thông tin và Internet sẽ tiếp tục được phổ biến nhanh hơn là mọi người nghĩ, nhưng sự chia rẽ, bất bình đẳng về kỹ thuật số là đã rõ và đang góp phần gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, một phần năm dân chúng trong các nước có thu nhập cao cho ra 86 phần trăm tổng sản phẩm nội địa, chiếm 82 phần trăm thị trường xuất khẩu, 68 phần trăm lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp và 74 phần trăm đường điện thoại trên thế giới. Còn một phần năm dân số nghèo đói trong các nước nghèo nhất chiếm khoảng một phần trăm trong các con số kể trên. Không lấy gì làm ngạc nhiên là cái một phần năm giàu nhất tiêu thụ 45 phần trăm lượng thịt và cá, trong khi số một phần trăm nghèo khó chỉ tiêu thụ 5 phần trăm lượng thức ăn đó.
Và cái hố ngăn cách đó ngày càng rộng ra. Trong những năm 60, 20 phần trăm dân số thuộc các nước giàu có nhất có thu nhập cao gấp 30 lần thu nhập của số dân nghèo nhất thế giới, cũng chiếm 20 phần trăm trong dân số thế giới. Nhưng vào năm 1995, tổng thu nhập của những người giàu tăng 82 lần. Chẳng hạn ở Brazil trong năm 1960, 50 phần trăm dân số là người nghèo, họ chiếm 18 phần trăm thu nhập của đất nước. Đến 1995, họ chỉ còn chiếm 11,6 phần trăm tổng thu nhập trong toàn quốc, trong khi con số 10 phần trăm giàu có của Brazil chiếm giữ tới 63 phần trăm tổng thu nhập toàn dân. Tại nước Nga, số 20 phần trăm người giàu có nguồn thu nhập gấp 11 lần tổng thu nhập của số 20 phần trăm nghèo túng ở đây. Năm 1998, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, nhờ có toàn cầu hóa, các thương gia đang bán sản phẩm của họ cho "các nhóm thượng lưu toàn cầu", "tầng lớp trung lưu toàn cầu," và các "thanh thiếu niên toàn cầu," vì dù đang sống ở đâu họ cũng đang theo đuổi một trào lưu tiêu thụ thống nhất: nghe loại nhạc, xem băng video và mặc áo phông có thương hiệu "thịnh hành trên thế giới." "Hậu quả sẽ ra sao?" báo cáo này đặt câu hỏi. "Trước hết một loạt các lựa chọn được đặt ra cho rất nhiều người tiêu thụ - nhưng rất nhiều người trong số đó không đủ tiền để mua. Và sức ép tiêu thụ ngày càng lên cao. "Trào lưu đua đòi đã khiến dân chúng chuyển từ việc tiêu tiền để đủ ăn, đủ mặc, sang việc đua đòi với hàng xóm, rồi đến mức mua sắm bắt chước lối sống của những nhân vật giàu có và nổi tiếng thường chỉ xuất hiện trên truyền hình và phim ảnh."
Đến bất cứ đất nước đang phát triển nào bạn cũng gặp nhan nhản những hố ngăn cách giàu nghèo. Khi sang Rio de Janeiro, tôi đến phỏng vấn dân chúng vùng Rocinha, nơi họ chen chúc sống trong các khu ổ chuột tạm bợ, một khu vực nghèo, lớn nhất vùng Nam Mỹ. Khi đi xe đến đó, bạn sẽ gặp một ngã ba đường. Nếu rẽ phải bạn sẽ vào một con đường nhỏ, đi qua những khu vườn được trồng tỉa đẹp đẽ để đến Trường Tư thục American, trường đắt nhất đất nước, học phí khoảng 2.000 đô-la một tháng. Trường này nằm trong trung tâm vùng Gavea, khu vực bảo thủ nhất ở Rio, tuyển sinh học sinh cho trường thì "hạn chế".
Nhưng từ ngã ba đó nếu bạn rẽ trái thì sẽ vào được khu vực nghèo nhất, khu Rocinha, nơi dân chúng không kiếm ra nổi 2.000 đô-la một năm, và trường học ở đó thì tuyển sinh học trò "thoải mái". Hơn 100 ngàn dân chen chúc sống trong khu này. Nếu Brazil tiếp tục tăng trưởng kinh tế thì ngã ba đường đó sẽ được cải thiện. Nhưng nếu Brazil trì trệ thì nơi đó sẽ là giới tuyến mãi mãi chia đôi đất nước.
Để mặc tấm áo nịt nạm vàng làm vừa lòng Bầy Thú Điện Tử, Tổng thống Fernado Henrique Cardoso của Brazil đã phải ngay lập tức cắt giảm các chi tiêu về an ninh xã hội sau ngày ông nhậm chức do tái thắng cử, tháng mười năm 1998. Diana Jean Schemo, phóng viên báo The New York Times đã viết một bài về những người dân nghèo bị cắt trợ cấp xã hội ở Brazil. Tổng thống Cardoso đã bị chỉ trích kịch liệt khi ông gọi những người muốn về hưu và hưởng trợ cấp xã hội là "những cái mông đít." Schemo kể câu chuyện về Nilton Tambara, 54 tuổi, một công nhân luyện thép về hưu, người bắt đầu đi làm từ năm 11 tuổi, và đã cống hiến cho quỹ phúc lợi của Brazil suốt 33 trong số 41 năm làm việc trong đời.
"Liệu có cách nào giữ được bình tĩnh khi sống trên đất này hay không?" Tambara hỏi, khi ông đứng trước siêu thị Wal-Mart ở Sao Paulo, phàn nàn về việc ông ta không đủ tiền mua một chiếc thang gấp bằng nhôm, giá 16 đô-la. "Những giai cấp mà chính phủ nói đến - người giàu, người trung lưu và người nghèo - không thấy đâu. Tôi chỉ thấy có hai loại: người giàu và những kẻ khốn khổ."
Ở thủ đô Cairo, Ai Cập, bạn thấy khoảng 500 ngàn dân sống chui rúc trong những hầm mộ trong "Thành phố của người chết" - diện tích năm cây số vuông trong trung tâm Cairo. Và thành phố của những người chết chỉ nằm cách khu cộng đồng những người chơi golf, khu Katamya Heights, kín cổng cao tường, có 10 dặm. Khu này là một trong những phức hợp nhà ở, có vài trăm gia đình sinh sống, trông như một ốc đảo gồm nhà cửa, vườn, hồ nhân tạo, và khách sạn. Quảng cáo cho khu nhà này trên Internet cho biết: "Katamya Height là một khu cộng đồng giành cho những người chấp nhận thách thức trong môn golf và tennis và những sinh hoạt gia đình trong một môi trường sa mạc sạch sẽ. Trong khu vực này có sân golf 27 lỗ, tiêu chuẩn quốc tế, các phương tiện và một trường đào tạo đánh golf, một câu lạc bộ rộng 50 ngàn bộ, với nhà hàng và phòng nghỉ, bể bơi, các cơ sở giải trí và sức khỏe. Giá cho một người chơi golf bao gồm phí đi lại từ nơi nghỉ đến sân golf là 165 đô-la." Thu nhập bình quân của người dân Ai Cập trong năm 1998 là 1.410 đô-la/năm - vừa đủ để chơi khoảng chín ván golf.
Thái Lan là một đất nước có sự chia rẽ sắc nét giữa tầng lớp dân thành thị hóa, làm ăn theo hướng xuất khẩu, sống trong các trung tâm tài chính và sản xuất của đất nước và tận hưởng những lợi thế toàn cầu hóa, với khu vực nông thôn nghèo đói, đóng cửa, không nhìn nhận được toàn cầu hóa và cũng chẳng biết đến lợi lộc do toàn cầu hóa mang lại. Khi đồng tiền baht của Thái bị mất giá vào năm 1997, thì bộ phận dân chúng sống dựa vào đất đai trong vùng nông thôn, đã không tỏ ra cảm thông gì với những khổ đau của giới thương gia thành phố, ăn diện và nhiễm đầy toàn cầu hóa - những kẻ bị đào thải khi chính phủ bị buộc phải thả nổi đồng tiền.
Vào lúc đó ca sĩ tạp kỹ người Thái đã cho ra đời một bài bát theo lối nhạc rap mang tên "đồng baht trôi nổi." Bài hát là một đoạn đối thoại giữa một nông dân Thái với một ông chủ nhà băng. Tôi xin viết lại nội dung bài hát dưới dây, vì nó phản ánh rất hay sự xung khắc và ngăn cách giữa những người được toàn cầu hóa và giới xa rời toàn cầu hóa trong cùng một xã hội. Nếu không được sửa chữa, thì sự ngăn cách đó sẽ khiến cho sinh ra những người cùng nói một thứ tiếng những lại hoàn toàn không hiểu được nhau, chưa nói đến việc gắn bó với nhau.
Sau đây là lời bài hát được tạm dịch:
Bài hát khởi đầu với điệp khúc, "đồng [tiền] baht được thả nổi... Nổi bao lâu thì còn tùy thuộc vào tình hình. Hãy theo dõi đầy đủ tình hình."
Chủ nhà băng: "OK. Mọi người xem đây. Hôm nay, đồng baht đang trôi nổi."
Nông dân: "Hôm qua có cháu bé hai tuổi ngã xuống sông nhưng không bị chết đuối."
Chủ nhà băng: "Vì sao? Sao thằng cu đó không bị chết đuối?"
Nông dân: "Thằng bé ngã xuống nước, người ta thấy nó ngụp lặn trong nước. Đến khi chạy ra bời sông thì thấy nọ ngụp lặn trong nước. Đến khi chạy ra bờ sông thì họ thấy thằng bé đang bám vào một tờ baht được thả nổi.
Chủ nhà băng: "Anh không hiểu gì cả? Tôi đang nói đến chuyện thả nổi đồng nội tệ của Thái Lan."
Nông dân: "Nhưng, nếu không có tờ baht thì thằng bé đã chết chìm rồi."
Chủ nhà băng: "Đồ ngu, tôi đang nói đến việc thả nổi đồng tiền."
Nông dân: "Vì sao ông lại nói chuyện đó với chúng tôi? Quan trọng gì chuyện đó?"
Chủ nhà băng: "Tôi đang nói với các người vì các người cần phải quan tâm đến điều đó. Tôi nói vì sợ rằng các người không hiểu."
Nông dân: "Vì sao chúng tôi phải bận tâm tới những chuyện đó?
Chủ nhà băng: "Đó là những tư tưởng mang tính triết lý mà các ngươi phải để tâm đến."
Nông dân: "Vì sao tôi phải nghĩ đến điều đó? Chúng tôi có phải là những nhà hiền triết đâu?
Chủ nhà băng: "Anh là một thằng ngốc."
Nông dân: "Thực ra nếu tôi không phải là thằng ngốc thì tôi đã không trở thành người đứng đầu một quỹ tín dụng."[Hầu hết các quỹ tín dụng của Thái Lan đã bị khánh kiệt khi đồng baht bị mất giá.]
Điệp khúc: "Đồng baht của chúng ta đang được thả nổi. Khi đồng baht được thả nổi thì giá các mặt hàng cũng được thả nổi."
Chủ nhà băng: "(lên lớp) "Khi đồng baht được thả nổi đến đâu thì giá hàng hóa tăng đến đó. Đồng baht trượt giá đến đâu thì trong vòng một hai ngày giá của hàng hóa sẽ trượt theo mức đó. Mọi thứ trôi nổi, không thứ gì lặng chìm. Đó là thực tế."
Nông dân: "Vậy thì tại sao ông phàn nàn và than vãn suốt ngày?"
Chủ nhà băng: "Chúng tôi phàn nàn, hô hoán, chửi thề và sau cùng chúng tôi sẽ đi biểu tình trên đường phố, chặn các phố phường và rồi dân chúng nhìn thấy, thông cảm với chúng tôi và giúp chúng tôi giải quyết vấn đề đó."
Nông dân: "Vì sao ông lại nóng lòng muốn giải quyết vấn đề đó?"
Chủ nhà băng: "Để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, đồ khờ khạo ạ."
Nông dân: (cười phá vào mặt chủ nhà băng) "Ha ha ha. Nhìn lại mình xem. Ông kêu la như trẻ con vậy. Lúc trước thì nói năng hoạt bát, vậy mà giờ đây ông gào thét như vậy."
Chủ nhà băng: "Đồ khờ khạo."
Điệp khúc: "Đồng baht đã yếu hơn trước và gây bao nhiêu khó khăn cho chúng ta. Giá của mọi mặt hàng đang tăng vọt."
Chủ nhà băng: "Tiền của Thái Lan ra khỏi Thái Lan, mà ngoại tệ thì không thấy chuyển vào nội địa. Người Thái muốn ra nước ngoài để du lịch. Họ ra vào và mua đồ từ nước ngoài.
Nông dân: "Thì đã sao. Họ có tiền thì họ mua. Tiền của họ. Làm gì mà nhắng lên?
Chủ nhà băng: "Họ mang tiền Thái Lan ra ngoài, khiến cho tình hình trở nên bí bét hơn. Đồng baht mất hết giá trị, vậy là các nguồn vốn đầu tư trong nước cũng đi tong."
Nông dân: "Làm thế nào mà ông biết điều đó?"
Chủ nhà băng: "Tin tức ngày nào, tuần nào cũng nói. Anh không theo dõi tin tức à?"
Nông dân: "Tôi chẳng bao giờ nghe đài. Chẳng bao giờ đọc báo. Tôi không quan tâm tới chuyện ông nói. Tôi chỉ xem đấu võ truyền thống Thái Lan và giải vô địch bóng đá."
Chủ nhà băng: "Vậy thì đổi tính đổi nết đi. Hãy nghĩ đến những vấn đề của đất nước."
Nông dân: "Tôi chỉ lo rằng võ sĩ Thái Lan rồi bị người nước ngoài đánh bại trong giải vô địch. Đó không phải lả điều đáng lo hay sao?"
Chủ nhà băng: "Anh có biết đất nước ta vay bao nhiêu tiền từ nước ngoài?"
Nông dân: "Nhiều không?"
Chủ nhà băng: "Nhiều, nhiều ghê lắm. Anh là một thằng ngu. Anh không hiểu bất cứ điều gì tôi đang nói phải không? Tôi tốn hơi giải thích cho anh. Khi vay tiền từ nước ngoài, thì anh phải thanh toán, trả lại cho người ta."
Nông dân: "Nhưng chẳng lẽ cái người đi vay không có cách gì hưởng những đồng tiền vay đó?"
Chủ nhà băng: "Những thứ người như anh chính là loại đang phá hoạt đất nước và tiêu tốn tiền của. Anh là một phần của quốc gia Thái Lan, của gia đình Thái Lan, là những người phải chịu trách nhiệm cho việc chi tiêu quá đà hiện nay. Chúng ta đều cùng hội cùng thuyền cả."
Nông dân: "Nhưng tôi chưa cưới vợ. Và tôi hiện không có gia đình."