Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Chiếc Lexus và cây Ô liu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14407 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiếc Lexus và cây Ô liu
Thomas L. Friedman

Chương 7
Tháng 9 năm 1997, Thủ tướng Malaysia, bác sĩ Mahathir Mohamad đã sử dụng cuộc họp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hồng Kông để lên án những điều xấu xa của toàn cầu hóa. Đó là thời điểm các loại trái phiếu và đồng tiền của Malaysia đang bị các nhà đầu tư ngoại quốc tấn công. Mahathir gọi những nhà buôn tiền tệ là "đồ đê tiện", ông còn kết tội những "Siêu cường" và các nhà tài phiệt như George Soros đã buộc Á châu phải mở cửa những thị trường nội địa, khiến các nhà đầu cơ tài chính toàn cầu tràn vào lũng đoạn trong tư cách đối thủ cạnh tranh. Ông so sánh các thị trường vốn trên toàn cầu với hình ảnh "Một khu rừng rậm nhiệt đới với những con thú hung dữ", và nói bóng gió rằng chúng được một bè đảng Do thái điều khiển. Khi lắng nghe những công kích của Thủ tướng Mahathir, tôi cố gắng tưởng tượng về cách đối đáp của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Robert Rubin, cũng đang ngồi trong cử tọa để nghe ông Mahathir. Nếu được phép nói thẳng, có lẽ Rubin sẽ phản ứng như sau:
"Xin lỗi ông Mahathir, ông đang sống ở hành tinh nào vậy? Ông nói về chuyện gia nhập toàn cầu hóa cứ như là một lựa chọn vậy. Toàn cầu hóa không phải là một lựa chọn. Đó là một thực tế. Ngày nay chỉ có một thị trường toàn cầu. Và phương pháp duy nhất để ông có thể tăng trưởng và lôi kéo dân chúng của ông phát triển là phải sử dụng các nguồn cổ phần và trái phiếu trên toàn cầu, bằng cách mời các công ty xuyên quốc gia vào làm ăn ở Malaysia và bán sản phẩm từ các nhà máy của ông trên hệ thống thị trường thế giới. Và thực tế cơ bản nhất liên quan đến toàn cầu hóa là: Không có ai lãnh đạo - cả George Soros, lẫn "siêu cường" hay bản thân tôi đều không phải là những người chỉ đạo. Tôi không phải là người đã phát động toàn cầu hóa. Cả tôi và ông đều không thể chặn nó được - nếu không muốn xã hội của ông hay tôi phải trả một giá cực kỳ đắt, và chịu ngưng tăng trưởng. Ông cứ cố tìm người để đổ lỗi, để giúp giảm áp lực ở các thị trường nội địa. Nhưng thưa ông Mahathir, ông không tài nào tìm được ai đâu. Tôi biết điều đó khiến ông khó mà chấp nhận. Giống như việc nói với người ta rằng không có Chúa vậy. Ai cũng như ai, đều tin, muốn tìm và buộc ai đó phải đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng trên thương trường tài chính ngày nay có một bầy thú bao gồm những tay buôn cổ phần và tiền tệ cùng những nhà đầu tư tài chính xuyên quốc gia ẩn danh - họ móc nối với nhau bằng các mạng điện toán và Internet. Và Mahathir, xin ông đừng có vờ lẩn thẩn với tôi. Hai chúng ta đều biết rằng ngân hàng nhà nước của ông đã để mất ba tỷ đô-la trong vụ đầu cơ đồng bàng Anh hồi đầu những năm 90 - nên ông đừng nói thêm những điều xằng bậy, ra vẻ thánh thiện nữa. Bầy Thú Điện Tử không nương tay với bất cứ ai. Chúng không chấp nhận chuyện ai đó có hoàn cảnh riêng và độc đáo. Luật chơi của bầy thú rất nhất quán - đó là luật chơi dùng chiếc áo nịt vàng. Thưa ông, bầy thú này kiếm ăn ở 180 quốc gia, nên chúng không có thời gian để tìm hiểu tỉ mỉ những đặc điểm của Malaysia đâu. Chúng nhanh chóng quyết định xem ai là người tuân thủ luật chơi, thưởng rất hậu cho những đất nước có hệ thống tài chính minh bạch. Chúng không muốn thấy những sự đột biến gây sửng sốt. Đã nhiều năm, dường như Malaysia tuân thủ luật chơi của chúng và đã thu hút rất nhiều khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, giúp cho quý vị nâng thu nhập bình quân trên đầu người từ 350 đô-la lên tới 5000 đô-la trong vòng một hai thập niên. Nhưng đến khi quý vị bắt đầu phá luật lệ bằng cách vay nhiều quá để xây dựng quá mức thì, e hèm, bầy thú đã bỏ rơi quý vị. Có thực sự cần thiết phải xây hai tòa tháp cao nhất thế giới ở Kuala Lumpur không? Khi xây xong ông đã cho thuê được phân nửa diện tích của chúng chưa? Hình như chưa. Chính vì thế bầy thú đã giận dữ và đè bẹp ông trên đường kiếm ăn của chúng. Năm 1997, chủ số chứng khoán KLCI (tương tự Dow Jones) của Malaysia đã sụt 48%, và trị giá đồng tiền Malaysia sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm. Khi điều đó xảy ra, ông đừng có mong bầy thú giúp đỡ, rủ lòng thương, ông đừng lên án "hội âm mưu của nhóm người Do Thái", ông hãy đứng dậy, phủi quần áo, khoác lên tấm áo nịt vàng, và đi theo con đường bầy thú đã đi. Tất nhiên thật là bất công. Về một khía cạnh, hình như bầy thú đã dụ ông vào lối cụt: chúng hứa hẹn sẽ cho ông vay ngoại tệ giảm giá, ông đã lấy của chúng, rồi dùng để xây dựng quá nhiều những đập nước, nhà máy và tháp thương mại. Nhưng đó chính là điều đáng lo sợ. Không phải lúc nào bầy thú cũng đúng cả. Thưa ông Mahathir, chúng cũng mắc lỗi. Chúng phản ứng quá tay, tham vọng quá mức. Nhưng nếu những nền móng căn bản của kinh tế và tài chính của Malaysia là vững chắc, thì bầy thú, cùng tài chính, rồi sẽ quay lại với ông thôi. Bầy thú không ngu ngốc quá lâu đâu. Trước sau chúng đều muốn trợ giúp những ai duy trì được công tác quản lý kinh tế và đất nước một cách đúng đắn. Xin nói, khi còn là một thị trường mới trỗi dậy, với những "bong bóng" trong xây dựng đường sắt, Hoa Kỳ cũng phải trải qua những tình huống bấp bênh như Malaysia hiện nay".
"Ông cần phải kiểm soát tình thế và xây dựng những bước đệm để tránh những cú sốc đầu tư. Hàng ngày tôi theo dõi đường đi của Bầy Thú Điện Tử qua màn hình của hãng Bloomberg để bên bàn làm việc. Thông thường ở những nước có nền dân chủ, người ta bầu cho những chính sách của chính phủ hai hay bốn năm một lần. Nhưng bầy thú này biểu quyết tín nhiệm thường xuyên tới từng phút từng giờ. Bất cứ lúc nào ông cần, bầy thú đều có thể báo cho ông chính xác vị trí của nền kinh tế của ông trong chiếc áo nịt ra sao, chiếc áo vừa hay rộng đối với đất nước của ông. Tôi biết ông nghĩ rằng tôi là một nhân vật hùng mạnh trong tư cách Bộ trưởng Tài chính của Hoa Kỳ. Nhưng thực ra, giống như ông vậy thôi, Mahathir, tôi cũng rất lo và phải đối phó thường xuyên với Bầy Thú Điện Tử. Những thằng ngu trong giới truyền thông thường đưa tôi lên trang nhất của báo chí, cứ làm như tôi thật sự là người đứng mũi chịu sào. Nhưng tôi ngồi đây lo lắng không rõ Quốc hội Mỹ có duyệt cho chính phủ, cho Tổng thống được phép mở rộng ngoại thương hay không - hay chúng tôi bị buộc phải hạn chế ngân sách để rồi bầy thú giận dữ, đạp nát đồng đô-la cũng như chỉ số Dow Jones. Hãy cho tôi được tiết lộ một chút bí mật, Mahathir, đừng nói với ai khác: trên bàn làm việc của tôi không có còn máy điện thoại đâu vì tôi hiểu hơn ai hết là: Không có ai để gọi đến cứu giúp".
Dẫu bạn không đồng ý, thì theo tôi, những điều tưởng tượng nói trên là sự thật. Các quốc gia ngày nay sẽ không thể tăng trưởng nếu không nhờ cậy đến Bầy Thú Điện Tử. Chúng cũng không thể tăng trưởng mạnh nếu không tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh của bầy thú, tránh được những cú sốc mà bầy thú gây ra. Cũng tương tự như đường dây điện cao thế nối vào căn nhà của bạn vậy. Thông thường đường dây đó giúp sưởi ấm và mang năng lượng vào nhà của bạn. Nhưng nếu bạn không có những hệ thống công tắc và đảm bảo an toàn, và nếu có những đột biến về điện thế, thì bạn có thể bị điện giật, đốt cháy thui.
Bầy Thú Điện Tử được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất tôi xin gọi là "Những con thú sừng ngắn". Nhóm này gồm những tay buôn chứng khóan, trái phiếu và tiền tệ. Họ buôn trên khắp thế giới và chuyển tiền rất nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác. Nhóm sừng ngắn gồm các tay buôn tiền tệ, các quỹ hưu bổng, hỗ tương, đầu cơ, các công ty bảo hiểm, các phòng giao dịch của nhà băng và các cá nhân đầu tư. Chúng có quy mô cỡ Merrill Lynch cho tới Credit Suisee, tới Fuji Bank hay trang web Charles Schwab nơi mỗi người nếu có một máy vi tính cá nhân và một modem thì đều có thể giao dịch qua mạng từ phòng khách.
Nhóm thứ hai tôi gọi là "Những con thú sừng dài". Chúng là những công ty xuyên quốc gia - những loại như General Electrics, General Motors, IBM, Intel hay Siemens - đang tham gia vào các hoạt động đầu tư trực tiếp, xây dựng nhà máy trên thế giới hoặc tìm ký những hợp đồng sản xuất dài hạn ở nhiều nơi để hợp tác sản xuất hay lắp ráp sản phẩm. Tôi gọi chúng là loại "Sừng dài" vì chúng cần phải cam kết dài hạn hơn mỗi khi quyết định đầu tư vào một quốc gia. Nhưng thời buổi này chúng vẫn có thể ra hay vào rất nhanh chóng.
Mặc dầu Bầy Thú Điện Tử được sinh ra và lớn lên dưới thời Chiến tranh Lạnh, chúng đã không bị tiêm nhiễm những trì trệ và cản trở của thời đó. Thời đó, phần lớn các quốc gia đều kiểm soát chặt chẽ vốn liếng của mình (ít nhất cho tới những năm 70), cho nên tư bản không thể bị chuyển dời xuyên biên giới một cách nhanh chóng và dễ dàng như trong toàn cầu hóa thời nay. Chiến tranh Lạnh khiến các con thú khó có thể được tập hợp trên toàn thế giới. Trong những nền kinh tế tương đối bị đóng cửa thuộc thời điểm trước những năm 70, chính phủ là cơ quan duy nhất thống lĩnh chính sách tiền tệ của đất nước, tự quyết mức lãi suất, chính sách tài chính của chính phủ, và chính sách tài chính là công cụ duy nhất quyết định và kích thích tăng trưởng. Trong Chiến tranh Lạnh, chính phủ Hoa Kỳ và Liên Xô có thể dễ dàng minh định được mức tăng thuế trong chính sách tài chính để phục vụ chiến tranh: "Chúng tôi cần những đồng đô-la thuế của đồng bào để chống giặc, đưa một người lên mặt trăng cho nhanh và xây dựng một hệ thống đường cao tốc để chuyển quân cho nhanh". Đồng thời các nước đang phát triển cũng tận dụng cơ hội để sống nhờ vào những siêu cường như Hoa Kỳ, Liên Xô hay Trung Quốc,hoặc sống nhờ những định chế tài chính quốc tế để xây đập, xây dựng quân đội và làm đường xá. Và dân chúng ở các nước đang phát triển lúc đó cũng không thấu hiểu cho lắm mức sống của những người khác trên thế giới, họ cam chịu mức sống thấp trong một nền kinh tế chậm rãi và tương đối bị khóa kín.
Sự xóa bỏ kiểm soát dần dần đối với tư bản trong những năm 70, trào lưu dân chủ hóa tài chính, công nghệ và thông tin, Chiến tranh Lạnh kết thúc và những rào cản sụp đổ, tất cả làm xuất hiện một cánh đồng rộng lớn, trên đó các loại thú tha hồ tụ tập và chạy nhảy. Trên cánh đồng thẳng cánh cò bay đó, sau này được mở rộgn vào không gian điện toán, Bầy Thú Điện Tử có thể kiếm ăn, lớn lên, sinh sôi và lập bầy đàn trong những Siêu thị [tài chính]. Vào cuối thế kỷ 20, đầu tàu của hệ thống tài chính toàn cầu chính là khu vực tư nhân - Bầy Thú Điện Tử và các siêu thị tài chính đã trở thành, theo lời Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers có lần nói, "là nguồn vốn tư bản chủ yếu để tăng trưởng", thay thế cho khu vực công. Đó là thực tế trong các nước và quan hệ giữa các nước phát triển và khối đang phát triển. Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong những năm 90, gần 1.300 tỷ đô-la tiền vốn tư nhân đã tràn sang các nền kinh tế mới trỗi dậy, so với con số 170 tỷ đô-la trong những năm 80 và một con số nhỏ giọt hơn trong những năm 70. Không thể tìm được chỉ số nào rõ ràng hơn cho thấy Siêu thị nay đang dần thay thế các siêu cường trong lĩnh vực tập trung vốn để tăng trưởng.
Những siêu thị tài chính đó nằm ở Tokyo, Frankfurt, Sydney, Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông, Bombay, Sao Paulo, Paris, Zurich, Chicago, London và New York. Chúng là nơi những thành viên lớn nhất của Bầy Thú Điện Tử tập hợp để trao đổi thông tin, thực hiện giao dịch và phát hành chứng khoán và trái phiếu của công ty khác nhau. Theo Saskia Sassen, một chuyên viên về toàn cầu hóa thuộc Đại học Chicago thì tính đến cuối năm 1997, hai mươi lăm siêu thị đã kiểm soát tới 83% vốn của thế giới do các tổ chức quản lý và chiếm khoảng một nửa tổng số toàn cầu - khoảng 20.900 tỷ đô-la (tạp chí Foreign Affairs, 1/1999).
Bầy Thú Điện Tử và những siêu thị nơi chúng tụ tập kiếm ăn đã trở thành những nhân tố quan trọng trong hệ thống toàn cầu hóa. Dẫu cho chúng không gây chiến và xâm lược các quốc gia có chủ quyền, thì chúng hoàn toàn có khả năng tác động đến hành vi của các quốc gia đó bằng nhiều cách. Chính vì thế tôi nhận định rằng hệ thống Chiến tranh Lạnh được duy trì trên thế cân bằng giữa lực lượng của các quốc gia, trong khi toàn cầu hóa được duy trì bằng sự cân bằng cũng giữa các quốc gia với nhau, cộng thêm cán cân quan hệ giữa các quốc gia cùng Bầu Thú Điện Tử và các chuỗi siêu thị.
Từ ngày hệ thống viễn thông xuyên Đại Tây Dương được hình thành trong bối cảnh toàn cầu hóa thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, một thứ Bầy Thú Điện Tử đã xuất hiện và hoạt động, nhưng rồi suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, chúng không có được tầm quan trọng như ngày nay. Đặc tính mới mẻ của bầy thú ngày nay không phải ở chỗ chúng khác trước, mà ở chỗ tầm hoạt động và tính chất của chúng. Trong thời toàn cầu hóa hiện tại, bầy thú ngày nay, loại sừng ngắn cũng như sừng dài, đã kết hợp được kích cỡ, tốc độ và tính đa dạng của chúng tới một mức độ chưa từng có trong lịch sử. Ta so sánh giữa đuôi một con chuột với đuôi một con khủng long Tyrannosaurus, cả hai cùng được gọi là "đuôi", nhưng một cái, khi vẫy thì khiến cả thế giới khiếp đảm. Bầy thú trong thời toàn cầu hóa thứ nhất có thể được ví như cái đuôi chuột vậy; còn bầy thú trong thời toàn cầu hóa ngày nay giống như đuôi khủng long, mà mỗi lần vẫy, chúng tái tạo nền móng và hình thù của môi trường và thế giới xung quanh. Chương này sẽ giải thích làm thế nào mà Bầy thú đó có thể trở thành một nguồn tài lực hấp dẫn đối với tăng trưởng kinh tế ngày nay và đồng thời cũng là một thế lực đe dọa tới mức có thể lật đổ được các chính phủ.
BẦY THÚ SỪNG NGẮN
Điều mà bầy thú sừng ngắn làm người ta sửng sốt ngày nay là thức ăn của chúng - đó là những sản phẩm tài chính đa dạng. Hỗn hợp các loại cổ phần và trái phiếu, hàng hóa và hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền lựa chọn và hợp đồng phái sinh đến từ nhiều quốc gia và thị trường trên thế giới khiến bạn có thể đặt cọc đầu tư trên bất cứ mặt hàng hay dịch vụ gì.
Quả nhiên, khi tôi nhìn vào túi thức ăn của bầy thú tôi thường hình dung tới cảnh trong phim Guys and Dolls, trong đó Nathan Detroit muốn đánh cuộc với Sky Masterson rằng Mindy s có bán được nhiều bánh pho mát hơn là loại bánh làm từ trái cây. Nathan nói: "Tớ muốn biết, cậu có thể đoán nhanh: Mindy s bán nhiều bánh pho-mat hơn hay bánh trái cây hơn?"
Sky nói rằng theo lối nghĩ chủ quan của mình thì Mindy s bán nhiều bánh pho-mat hơn. Điều xảy ra sau đó là Sky sẽ đánh cuộc, đặt tiền vào bánh pho-mat, trong khi Nathan là người đã kiểm tra trong bếp, và biết chắc chắn, là Mindy s bán nhiều bán trái cây hơn (Nathan muốn đánh vào tính háu ăn của Sky). Sky là người rất thích đánh bạc. Thông thường, anh chàng sẽ cược vào bánh pho-mat như cái lối anh em nhà Salomon muốn đặt tiền vào khả năng lãi suất thay đổi. Nhưng Sky sau đó nhận ra có thể có một cái bẫy khi thấy Nathan rất háu, muốn đặt tiền nhanh chóng, mà đặt hẳn 1.000 đô-la.
Thành ra, thay vì chấp nhận đánh cuộc, Sky kể cho Nathan một câu chuyện ngụ ngôn. "Nathan, xin kể cho bạn một câu chuyện", Sky nói. "Cái ngày tôi ra khỏi nhà để đi chu du trên thế gian, bố tôi gọi tôi đến và nói, "Con ạ, con thông cảm vì đời bố không để dành cho con được chút vốn liếng đáng kể nào. Không để lại cho con được tiền nong, bố muốn cho con một lời khuyên. Khi chu du thiên hạ, sẽ có một thằng cha cho con xem một bộ bài chưa khui. Nếu thằng đó đánh cuộc là có thể khiến con Bồi Bích trong bộ bài nhảy lên và phun nước vào tai con thì con chớ có nhận lời đánh cuộc. Vì hầu như chắc chắn rằng hắn có thể làm được điều đó". Ở đây tôi không muốn nó rằng bạn đã gài bẫy trong chuyện đánh cuộc và bánh pho-mat..."
Nathan nói: "Không đời nào tớ làm chuyện đó?"
Sky: "Nhưng mà (nói đến đây, lấy tay che cà-vat của Nathan) nếu bạn thực sự muốn đánh cuộc thì tôi cuộc với bạn rằng bạn không thể đoán được màu của chiếc cà-vạt bạn hiện đang đeo trên cổ là gì, 1.000 đô-la?"
Nathan: "Không chịu".
Sau đó, nhìn chiếc cà-vạt của mình, Nathan thốt lên: "Đốm Ploka, không bao giờ có chuyện Nathan chấp nhận thua cả ngàn bạc vào chuyện đánh cá về ba cái mà cà-vạt".
Nếu Nathan và Sky sống trong thời nay thì có lẽ họ có thể mua loại trái phiếu phát hành dựa vào doanh số bán bánh pho-mat hay bánh làm từ trái cây trong bếp của Mindy. Và cũng có thể có những công cụ tài chính họ có thể mua sắm để tránh rủi ro cho việc đánh cược ấy, dẫu cược bánh ngọt hay bánh pho-mat hay là màu của cà-vạt. Do trào lưu dân chủ hóa tài chính, bất cứmặt hàng gì, bất cứ thứ gì thời nay đều có thể chuyển hóa thành chứng khoán. Bạn có thể phát hành trái phiếu trên bản thân bạn hoặc trên một năng khiếu mà bạn tự có, giống như ca sĩ David Bowie đã làm. Ông ta thu được 55 triệu đô-la khi bán trái phiếu Bowie hồi năm 1997, dựa trên bản quyền các đĩa nhạc của ông. Tờ The New York Times đã từng tung ra hàng tít: "Bản thân bạn cũng có thể được định mực khả tín (đáng được đầu tư) AAA".
Lesley Goldwasser, một người bạn của tôi là một tay buôn trái phiếu hàng đầu ở phố Wall chuyên chuyểnloại phim đang được sản xuất thành một thứ trái phiếu. Cô ấy giải thích các công đoạn như sau: "Giả sử bạn sở hữu một cơ sở cho vay tín dụng để mua nhà trả góp ở vùng Minneapolis và đang nắm trong tay 100 hợp đồng vay mua nhà ở địa phương, giả sử có giá trị 100 triệu đô-la, mỗi tháng thu về cho công ty một triệu đô-la tiền lãi và vố. Công ty này có thể kết hợp, tập trung toàn bộ các khoản tiền tài sản, tiền cho vay thành một mối, sau đó phát hành một loại trái phiếu bán cho dân chúng với giá 1.000 đô-la một trái phiếu. Lợi thế của chuyện đó là nó cho phép công ty này có thể thu hồi được 100 triệu đô-la (đang cho vay) ngay tức khắc, không phải đợi cho các khách hàng của công ty trả dần dần trong vòng 30 năm. Lợi thế đối với dân mua trái phiếu là hàng tháng, họ có thể nhận được tiền từ khoản ngân lưu của tiền vốn và lãi chảy về hàng tháng, lãi cao hơn mức tiết kiệm thông thường ở nhà băng vài điểm. Điều quan trọng hơn là những trái phiếu được hỗ trợ bằng địa ốc, hàng trăm căn nhà, cho nên mức an toàn là cao, dẫu cho có một hai rủi ro xảy khi người vay tiền không trả góp được".
"Như vậy, người ta nhận thấy rằng nếu có thể quy tụ được các khoản cho vay địa ốc, thì tại sao không quy tụ các phim truyện Hollywood - thậm chí những phim đang được sản xuất. Ví dụ nếu bạn là một hãng làm phim hiện chưa có khả năng vay tín dụng. Ngân hàng đầu tư của tôi sẽ xem xét 10 dự án làm phim của bạn. Chúng cũng không cần phải nằm trong quá trình sản xuất mà chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng. Sau đó chúng tôi sẽ đánh giá 10 kịch bản sẽ có triển vọng ra sao, dựa trên những thông số có trước đó: Ví dụ, một phim sẽ là dạng bán chạy nhất, nổi nhất, một phim bán rất chạy, hai phim thuộc loại tương đối, hai phim khác tồi hơn, và bốn phim khác thì vừa đủ tiền hòa vốn... Chúng tôi dựa vào cơ sở phân tích xác suất tính ra bạn sẽ kiểm được bao nhiều tiền trong 5 năm tới. Giả sử bạn phải chi 500 triệu đô-la nhưng sẽ đạt doanh thu là 600 triệu. Chúng tôi sẽ cho bạn vay 400 triệu đô-la với mức lãi suất tương tự như mức lãi suất của công trái trong vòng ba năm cộng thêm một hoặc hai phần trăm. Công ty của bạn sẽ phải hùn thêm 100 triệu cho chi phí làm phim. Sau đó, ngân hàng sẽ chia khoản vay 400 triệu đô-la thành trái phiếu, mỗi trái phiếu có giá 1.000 đô-la, bán cho dân chúng. Lãi của trái phiếu sẽ được thanh toán khi các phim của bạn bắt đầu được trình chiếu (khi bạn bắt đầu thu nhập). Như vậy, công ty của bạn từ chỗ không có danh tiếng, thiếu tài chính, nay đã vay được tiền để làm ăn, một khoản tiền mà bạn không đời nào vay được từ các ngân hàng. Đó là những công đoạn trong đầu tư hiện nay. Miễn rằng bạn làm ăn chu đáo, sản xuất hay biểu diễn hăng hái và dự tính chắc chắn được các mức thu nhập ổn định trong một thời gian nhất định, ngân hàng chúng tôi có thể biến chúng thành trái phiếu và thu hút vốn hầu bạn".
Và cho dù mặt hàng là bánh ngọt, tiền vay mua nhà trả góp, tiền nợ thẻ tín dụng, những khoản nợ xấu, tiền mua xe, tín dụng thương mại, dự án làm lại phim Titanic, nợ doanh nghiệp Brazil, trái phiếu chính phủ Lebanon, tài trợ tín dụng ôtô cho General Motors và những nguồn thu nhập của siêu sao nhạc rock David Bowie... tất cả đều có thể được chuyển hóa thành trái phiếu. Kiểm soát tín dụng càng cởi mở giữa các quốc gia thì con người ta sẽ tung ra phát hành thượng vàng hạ cám.. biến chúng thành chứng khoán, trái phiếu, phái sinh. Sự phát triển theo hướng chứng khoán hóa đó quả đã "làm thay đổi bản chất của các thị trường tín dụng", Henry Kaufman, chuyên viên kinh tế phố Wall cho biết.
Đó cũng là điều dễ hiểu. Thời trước, những khoản cha mẹ của bạn vay mua nhà, mua xe, nợ thẻ tín dụng, bảo hiểm nhân thọ và thậm chí những khoản chính phủ Brazil vay từ ngân hàng của cha mẹ của bạn, tất cả đều không được giao dịch tự do trên các thị trường mở. Chúng chỉ nằm trong các tài khoản cố định trong các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm, có giá trị không đổi, được cầm giữ cho tới lúc đáo hạn. Nhưng cho tới những năm 80 tất cả những khoản vay đó được chứng khoán hóa, quy tụ lại và được bán ra trong hình thức trái phiếu, được bán cho bạn và tôi và người cô của bạn, cho bất cứ ai. Các trái phiếu được phép trao đổi, mang giá trị bằng tiền, và của chúng lên xuống tùy thuộc vào mức độ lời lỗ của chính trái phiếu, vào sức khoẻ của các nền kinh tế, vào mức lãi của chúng trong tương quan với các tài sản khác. Hiệu ứng dây chuyền, theo Kaufman, cho thấy sự chứng khoán hóa đó đã mở ra một nguồn tài sản rất lớn, hàng ngàn tỷ đô-la mà trước đó chưa bao giờ được giao dịch, chưa bao giờ trở thành trái phiếu - "đưa vào thị trường thanh sát trong bối cảnh nhiều đổi thay". Tình trạng đó đã làm xuất hiện sự đa dạng trên thị trường tài chính - tạo dựng thêm nguồn thức ăn phong phú cho Bầy Thú Điện Tử - và cũng tăng mức độ dao động trong giá trị của tài sản trước đây chưa từng được giao dịch.
Những con bào tót đi đầu trong bầy thú chính là loại có thể đưa ra những giải thích hay nhất. Chúng nhớ lại cái thời Chiến tranh Lạnh, chúng được gặm cỏ trên những mảnh ruộng bị hàng rào cắt xẻ ra sao. Leon Cooperman, cựu Giám đốc chuyên trách về nghiên cứu của Quỹ Đầu tư Goldman Sachs, nay là Giám đốc dịch vụ đầu cơ của Qomega Advisor, công ty riêng của ông, đã nói với tôi vào năm 1998: "Trong suốt thời gian phục vụ Goldman Sachs - 1967 đến 1991, tôi không thể sở hữu một loại cổ phần nước ngoài hay tham gia một loại thị trường mới trỗi dậy nào. Giờ đây tôi sở hữu hàng trăm triệu đô-la tài sản trên các thị trường Nga, Brazil, Argentina và Chi Lê, và tôi thường rất lo về mức hối đoái giữa đô-la và đồng yên Nhật Bản. Đêm nào cũng vậy, trước khi lên giường, tội gọi điện để biết tỉ giá đô-la và yên là bao nhiêu, tìm hiểu thị trường Nikkei hay Hang Seng hoạt động ra sao. Chúng tôi đặt khá nhiều tiền vào những thị trường đó. Ngay bây giờ, anh Paul ở đằng kia", - ông chỉ một nhân viên của mình, người đang theo dõi các dữ liệu chứng khoán và trái phiếu trên một màn hình nhỏ - "đang mua đồng đô-la Canada. Chúng tôi đặt tiền ở mọi nơi. Hai mươi năm trước, tôi không phải lo lắng gì về chuyện này. Giờ đây, lúc nào cũng canh cánh lo âu".
Sau đó Copperman mở một ấn bản của tờ tạp chí Phố Wall và đọc cho tôi về những khoản tiền đầu tư khác nhau: "Xin hãy nhìn vào dây... đồng euro, công trái Hoa Kỳ, kỳ hạn S&P, bảng Anh, đậu tương, dầu rán, dầu thô, công trái Singapore, công trái Venezuela, NASDAQ 100, chỉ số Nhật Bản, chỉ số Dow Jones, quỹ hỗ tương, trái phiếu công ty dịch vụ tiện ích, trái phiếu lãi nhiều, trái phiếu công ty, trái phiếu trung gian..." cho đến khi tôi đứng dậy bỏ đi mà vẫn thấy ông ta đọc tiếp.
Tính đa dạng của các loại công cụ tài chính và các thời cơ đã trở thành cơ hội ngàn vàng đối với các nước phát triển cũng như đang phát triển và các doanh nghiệp - khiến cho một vài trong số họ tăng trưởng nhanh chưa từng thấy. Có lần tờ báo The Ecomonist nhận định: "Những nước nghèo, đang cần những khoản đầu tư lớn nay không còn bị trói buộc bởi thiếu vốn. Những người gửi tiền tiết kiệm không còn phải thấy tiền của họ bị giam hãm trong các thị trường nội địa - họ có thể tìm cơ hội đầu tư ở nước ngoài để tăng mức lãi trong số dư tiết kiệm của họ". (25/10/1997). Ngày nay, mỗi một quỹ tiết kiệm lớn ở Hoa Kỳ đều tung ra một dịch vụ đầu tư vào ít nhất một "thị trường mới" nước ngoài.
Khi bạn thấy có rất nhiều các sản phẩm, nhan nhản các loại thông tin cập nhật nhanh chóng, thì khả năng cạnh tranh, chớp lấy cơ hội của bạn trở nên nhỏ bé đi. Chính vì thế các nhà đầu tư phải tìm ra mọi cách để tận dụng những lợi thế cạnh tranh nhỏ bé để nhanh chân hơn cả thị trường còn lại.
"Khi gia nhập Goldman Sachs năm 1967", Cooperman hồi tưởng, "tôi đứng đầu phòng nghiên cứu và đã tuyển dụng các nhà phân tích. Thời đó, một nhà phân tích thường phụ trách theo dõi 75 công ty hoạt động trong khoảng sáu ngành công nghiệp. Gần đây, nói chuyện với một chuyên viên tôi từng tuyển dụng, anh ta nói anh làm việc quá sức khi chỉ phải theo dõi có 12 công ty mà thôi. Tôi cười. Chỉ có 12 công ty? Nhưng đúng là bạn phải theo dõi, nhìn sâu hơn nhiều, vào hoạt động của 12 công ty này để hiểu cung cách làm ăn của chúng. Đối với các dự kiện kinh tế cũng vậy. Thời xưa, mọi người theo dõi mức thất nghiệp chỉ dựa vào những con số mà chính phủ chính thức công bố. Nay người ta nhìn sâu hơn vào diễn biến trong bảng lương - lên hay xuống - vì chúng có thể là những yếu tô để bạn suy đoán và đặt cọc. Sau đó họ nhìn vào thành phần của bảng lương - ai được tăng lương, ai bị cúp bớt đi? Mức độ công việc đòi hỏi để được tăng lương nay lớn hơn nhiều".
Tôi biết có một tay đầu cơ tài chính đã mất hàng giờ đồng hồ nghiên cứu các dự báo thời tiết. Dự báo thời tiết! Anh ta giải thích, "đó là để phán đoán những khuynh hướng đột biến và mức độ chúng ảnh hưởng ra sao đối với các thông số kinh tế. Ví dụ, năm 1998, chúng ta không có mùa đông, như thế có vẻ như nền kinh tế sẽ khá hơn, và tôi đã dựa vào phán đoán như vậy để có thể đặt tiền phỏng theo phán đoán mức thay đổi trong lãi suất. Hay trong một tình huống khác: hiện tượng bùn trượt xuất hiện nhiều ở bờ biển phía Tây, trùng hợp với thời điểm chính phủ thu thập các thông tin kinh tế để tổng hợp các thống kê chính thức, như chỉ số giá tiêu dùng. Hiện tượng thiên tai đó ở những bang lớn như California chẳng hạn, có tác động đáng kể tới các thống kê chính thức. Tôi có thể nhận định, "hãy theo dõi cổ phiếu của hãng Home Depot, chuyên cung cấp các loại dụng cụ và nguyên liệu để sửa sang nhà cửa. Cổ phiếu của hãng có thể lên giá nếu bùn trượt hay lốc xoáy xảy ra". Hoặc tôi để ý đến những cơn bão tuyết xuất hiện vào thời điểm chính phủ soạn theo các con số thất nghiệp. Làm như vậy tôi có thể xác định được mức độ cính xác trong tính toán. Có thể mọi người lúc đó đang chờ đợi 250.000 việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp, nhưng vì bão tuyết, nên số lượng việc làm được tạo ra chỉ còn ở mức 150.000 cho thấy nền kinh tế đang đi chậm rãi và yếu ớt hơn là mọi người nghĩ - nhưng thực ra điều đó không đúng, vì những con số vào thời điểm đó bị chính yếu tố thời tiết tác động và làm thay đổi. Khi thống kê xuất hiện như vậy, mọi người tin rằng kinh tế đang tiến chậm lại, lãi suất sẽ được hạ xuống và đó là thời điểm thuận tiện để phát hành trái phiếu. Vậy bạn tích trữ trái phiếu, để dành chúng, tăng giá cho chúng khi xuất hiện thông số về thất nghiệp (thấp hơn dự kiến) rồi lập tức bán ngay, trước thời điểm các thống kê tiếp theo được công bố vào tháng sau (khi đó thống kê sẽ cho thấy những con số của tháng trước là không chính xác vì bị ảnh hưởng bởi yếu tối thời tiết). Tóm lại đó là cơ hội để tận dụng thời tiết để kiếm thêm chút đỉnh. Bạnh có thể dùng yếu tố thời tiết để tiên đoán giá hợp đồng dầu mỏ tương lai, dầu ăn hay lãi suất, điện, khí tự nhiên, bảng chỉ số giá tiêu dùng, giá dầu thô, khí đốt, lợn, đồng, vàng hay bạc..."
Rất nhiều thị trường, nhiều thông tin và rất ít cơ hội. Vậy khi mọi việc đổ bể thì đừng có gọi cho người môi giới của bạn, mà hãy trách móc nhân viên dự báo thời tiết.
Để kiếm tiền trên những thị trường như vậy, loại thú sừng ngắn không những cần một chút ít cơ hội - chúng cần thêm những khoản đầu tư lớn, ngày càng lớn. Hãy tưởng tượng một tỷ đô-la được treo trên đầu cây kim. Các tay buôn đã phát minh ra một loạt các loại sản phẩm giao dịch nghe rất kêu - swaps (hoán đổi), furtures (tương lai), forwards (triển kỳ), option (quyền chọn), derivatives (phái sinh), và indexations (tổng hợp) - rồi họ vay thêm thật nhiều tiền, nhiều hơn những khoản đầu tư của các thân chủ, để có đủ sức để mở rộng và trang trải cho các khoản đặt cọc. Điều đó khiến quy mô và mức độ giao dịch tăng lên rất nhiều lần và có vòng quay nhanh chóng hàng ngày trên khắp thế giới. Là người quản lý quỹ bạn có thể "trúng mánh" rất lớn, nhưng bạn cũng có thể phải chịu táng gia bại sản. Đó là lý do trong những năm gần đây chúng ta thấy có những đại gia môi giới đầu tư lớn (điển hình là hãng Baring) bị một tay buôn đơn lẻ, dùng kỹ thuật đòn bẩy, làm xiểng liểng. Hãy nhớ lại cái đuôi của con khủng long. Một người bạn của tôi làm việc cho một ngân hàng đầu tư kể lại là một khách hàng của họ, một quỹ đầu cơ có tổng số vốn ban đầu là 200 triệu đô-la. Nhưng sau khi dùng kỹ thuật đòn bẩy, quỹ này sở hữu 900 triệu đô-la trái phiếu của nước Nga và 5 tỷ đô-la trái phiếu Sallie Mae (đây là loại trái phiếu bao gồm các khoản vay của các sinh viên Mỹ). Khi nước Nga xảy ra khủng hoảng vào năm 1998, quỹ này mất hầu như toàn bộ giá trị trái phiếu của họ ở Nga. Họ phản ứng ra sao? Họ bán ngay một phần trái phiếu từ các khoản vay dành cho sinh viên Mỹ để trang trải cho phần thua thiệt ở Nga - làm thị trường trái phiếu sinh viên Mỹ sụt giá bất ngờ, làm ngân hàng đầu tư của bạn tôi thua thiệt đáng kể trên thị trường đó, mặc dầu họ không dính dáng gì đến nước Nga cả.
Không những thức ăn của Bầy Thú Điện Tử đa dạng hơn, mà chính bản thân chúng cũng thay hình đổi dạng theo rất nhiều kiểu, đặc biệt là loại sừng ngắn. Kaufman cho biết: "Kích cỡ tương đối của các ngân hàng thương mại, các cơ sở tiết kiệm và các công ty bảo hiểm nay trở nên nhỏ bé hơn. Một lớp các cơ sở môi giới thế hệ mới đã xuất hiện và đi tiên phong. Những cơ sở này có đặc điểm là họ chú trọng vào các hình thức đầu tư ngắn hạn, dùng đòn bẩy tài chính và khả năng nhanh chóng thâm nhập và rút lui khỏi thị trường, dù là các thị trường vốn, trái phiếu hay hàng hóa, họ muốn đảm bảo mức lợi nhuận tối đa cho mỗi cuộc đặt bạc". Đứng đầu trong những tay chơi thế hệ mới là những quỹ đầu cơ, họ tập trung những khoản tiền của những cá nhân và tổ chức giàu có, vay thêm tiền từ các ngân hàng để đặt đánh cuộc mới mức mạo hiểm cao - lãi cao trên sự chuyển động của giá hối đoái, cổ phần và trái phiếu trên khắp thế giới. Nhưng, theo Kaufman, trong những năm gần đây các ngân hàng lớn, các hãng môi giới, ngân hàng đầu tư, các công ty bảo hiểm, các phòng tài chính của các tập đoàn xuyên quốc gia và thậm chí các phòng giao dịch của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, tất cả đều cảm nhận nhu cầu cần thiết phải tự lập ra những dịch vụ đầu cơ giống như cơ chế của các quỹ đầu cơ nói trên. Cũng không lấy làm lạ khi ta thấy một ngân hàng đầu tư lớn trở thành một khâu môi giới cho một quỹ đầu cơ và cũng bắt chước cung cách làm ăn của quỹ này.
Hiển nhiên là một khi những hàng rào được phá bỏ thì người ta càng dấn thân vào những nơi mà trước đây họ chưa từng đặt chân. Bạn hãy tưởng tượng bối cảnh như sau: Ngân hàng Thai Farmers Savings & Loans một hôm nhận được cú điện thoại từ văn phòng Bangkok của Ngân hàng First Global Investment (trụ sở chính ở đảo Cayman): "Này, quý vị nên mua công trái Nga, họ trả lãi 20 phần trăm, và nếu đồng rup có xuống giá chút ít thì quý vị vẫn thắng to". Và bỗng nhiên, Ngân hàng Thai Farmers Savings & Loans sở hữu 20 triệu đô-la công trái Nga. Và khi những trái phiếu đó mất giá thì ngân hàng này, thường ngày vốn hỗ trợ nông dân trồng lúa, đi đến khánh kiệt. Thế giới bị sốc và kinh ngạc khi phát hiện số lượng các ngân hàng Hàn Quốc tích trữ bao nhiêu công trái của nước Nga khi kinh tế Nga suy sụp trong năm 1998. Khi tín dụng được cung ứng dễ dàng hơn thì điều thường xảy ra là "những kẻ khờ khạo", - những cơ sở thông thường không có mấy may mắn trong chuyện vay tiền, - nay được phép mược tiền, đặt bạc, cùng cạnh tranh với những tay sành sỏi. Chính những kẻ khờ khạo đó thực sự làm trầm trọng thêm những biến động tài chính, một khi tai họa xảy ra.
Sự kết hợp giữa các siêu thị tài chính và Internet đã giúp cho đầu tư toàn cầu nhanh chóng và dễ dàng hơn không những đối với những chuyên gia và còn đối với dân thường. Họ có thể buôn bán tài chính từ phòng ngủ của họ, thông qua kẻ môi giới trên mạng. Cạnh tranh giữa các cơ sở môi giới tài chính trên mạng hiện nay căng thẳng tới mức họ không dám lấy nhiều, thậm chí bỏ hẳn lệ phí giao dịch. Đầu tư toàn cầu giờ đây dễ đến mức khiến cho người dân ai cũng nghĩ thị trường ở đâu cũng thực hành lối làm ăn tương tự như ở phố Wall vậy. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers rất thích nhận xét: "Cũng giống như một khi có đường cao tốc, dân chúng phóng xe nhanh hơn. Rồi tai nạn, chết người, đương nhiên xảy ra nhiều hơn trên đường cao tốc, vì người ta thường đánh giá sai khả năng của bản thân, phóng nhanh hơn tốc độ được phép."
Tiếp tục câu chuyện ở Thái Lan, Ngân hàng First Global Investment gọi cho Ngân hàng Thai Farmens Savings & Loans và nói, "Quý vị nên dốc tiền mua công trái Thổ Nhĩ Kỳ, đây là thời điểm ngon lành nhất". Ngân hàng Thái trả lời, "Công trái của Thổ trả lãi 25 phần trăm? Ờ, chúng tôi không biết là người Thổ có một thị trường trái phiếu. OK, nghe lời khuyên của bạn, chúng tôi sẽ mua vài triệu đô-la trái phiếu". Khốn khổ là ở khâu này. Khi mọi người nghe "thị trường trái phiếu Thổ Nhĩ Kỷ", họ nghĩ, "ồ, phố Wall có một thị trường trái phiếu, Franfurt cũng có một cái, Tokyo cũng thế, vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ chắc cũng có đấy. Hay thật". Nhưng trên thật tế, quả là Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thị trường nhưng nó không tài nào giống như Phố Wall. Bạn sẽ nhận thấy điều này một khi công trái của Thổ xuống giá và bạn muốn bán vội chúng đi. Khi đó bạn sẽ thấy cái "chợ" ở đất nước này bé lắm, toàn người bán mà không thấy người mua, không thấy ai chuyển đổi giúp bạ, và không thấy lối thoát. Kaufman nói toàn cầu hóa các thị trường tạo một ảo tưởng là tất cả các thị trường "đều làm ăn hiệu quả, sẵn kẻ mua người bán và được tiêu chuẩn hóa thích hợp" và thêm nữa thông tin cùng mức độ minh bạch được đảm bảo trên tất cả các thị trường. Còn lâu mới thế. Hãy suy luận: Tổng giá trị của các cổ phần của hãng Microsoft vào thời điểm cuối 1999 là 600 tỷ đô-la. Lúc ấy, mức đó lớn hơn rất nhiều so với tất cả tài sản và cổ phần trên khắp các thị trường mới nổi của thế giới cộng lại.
Và ai ai cũng đang ráo riết làm ăn. Năm 1980, 4,6 triệu hộ dân người Mỹ sở hữu cổ phiếu trong các quỹ tín dụng. Năm 2000 hơn một nửa dân số nước Mỹ đầu tư trong các thị trường cổ phiếu, hoặc do trực tiếp mua hoặc gián tiếp (do quỹ tín dụng hoặc quỹ hưu bổng của họ đầu tư vào). Một hôm, tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn trên truyền hình CNBC hồi giữa năm 1999. Hôm đó, trong đài truyền hình, trước tôi là một tay chuyên gia cổ phiếu đang giải đáp thắc mắc từ khán giả từ khắp nước Mỹ gọi điện vào. Người phát thanh viên thông báo người gọi điện kế tiếp là "Adam từ Michigan". Adam có giọng nói như một cậu bé - nên người điều phối chương trình hỏi Adam bao nhiêu tuổi. Cậu này nói là mới 12! Adam hỏi người chuyên viên, "Gần đây cháu có mua CVS (một loại cổ phiếu hãng dược)không rõ cổ phiếu đó sẽ lên xuống ra sao?" (tôi thấy hiện tượng trẻ con mua cổ phiếu này thật lạ lùng nhưng cũng rất đáng lo). Những khoản tiền hưu bổng thuộc những quỹ tiết kiệm như IRA tăng từ mức 412 tỷ đô-la năm 1992 lên tới 1.600 tỷ đô-la vào năm 1997. 10 phần trăm trong số đó được đầyu tư vào các cổ phiếu trên toàn cầu. Và lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, ta thấy một ông Joe dân thường và một ông Bob triệu phú, cả hai cùng xem truyền hình CNBC để theo dõi mức cổ phiếu lên xuống. Năm 1998, hãng môi giới Charles Schwab tung ra một quảng cáo trong đó có một cặp vợ chồng trung lưu, Marion và Rick, ngồi xa lông, bàn về chuyến đi nghỉ hè của họ.
Marion: "Thời gian vừa rồi du lịch quanh đất nước, mình dừng lại ở chỗ đó, xem trên truyền hình thương mại thấy có cái thị trường đang xuống giá - có cái cổ phần anh với em muốn mua. Mình ra xe rồi gọi điện..."
Rick: "Đúng phải gọi điện Schwab, vì lúc đó anh không mang theo modem, nên không thể nào lên mạng để mua được. Lúc đó mình ở đâu nhỉ?
Marion: "Ở bang Utah".
Rick: "Utah?"
Marion: "Chúng mình lúc đó đang ở bang Utah?"
Rick: "Gọi điện thoại công cộng cho (hãng) Schwab?"
Marion: "để..."
Rick: "Mua cho được cái cổ phần đó. Thật sướng. Chúng mình đã mua được rồi. Sau đó đi về nhà".
Marion: "(Schwab) giúp chúng ta mua được cổ phần đó, trúng to rồi, thật tuyệt".
Marion và Rick, xin đóng mừng hai bạn đến với Bầy Thú Điện Tử. Tôi mừng là hai bạn này ăn ra làm nên. Nhưng trong môi trường mới với những công cụ đầu tư mới đã cám dỗ rất nhiều những Marion và Rick vào những thị trường mà đáng nhẽ họ không nên bén mảng vào. Chưa bao giờ trong lịch sử, ta thấy nhiều người đầu tư vào nhiều nơi đến thế trên khắp quả đất. Leon Cooperman chỉ ra rằng: "Trong năm năm vừa qua, người dân thường vốn chỉ đem tiền mua công trái chính phủ của họ cho chắc chắn, nay đã trút hết vốn vào các trái phiếu. Và những người vốn chỉ mua trái phiếu, chịu một chút mạo hiểm cao hơn, nay quay sang mua trái phiếu từ các thị trường tài chính mới mở như ở Nga và Brazil. Và những tay mua trái phiếu thị trường mới thì đâm đầu vào mua cổ phiếu của các thị trường đó. Điều tấtphải xảy ra là một số trong bọn họ đã trèo cao và sẽ có ngày ngã rất đau".
Sự hội nhập toàn cầu đã vượt xa mức hiểu biết của người ta. Nhờ có toàn cầu hóa, chúng ta biết về nhau hơn trước, nhưng chúng ta vẫn không biết rõ nhau. D8iều đáng lo ngại là sự đa dạng trong lớp thành viên mới của bầy thú đã được nhân rộng đến mức không những lớp lính mới mà thậm chí những tay tổ trong môi giới tài chính nay cũng không thể nhận biết và đánh giá đầy đủ được toàn diện tình hình. Tôi xin trích dẫn lời một giám đốc quỹ đầu cơ, khi phát biểu với Moises Naim, biên tập của tạp chí Chính sách Đối Ngoại sau cơn khủng hoảng về nợ nước ngoài ở Mexico: "Chúng tôi tiến vào châu Mỹ La tinh mà không biết chút gì về vùng này. Giờ đây, chúng tôi rút khỏi đó mà vẫn không hiểu gì về nó cả".
Trong khi bàn về tính đa dạng của Bầy Thú Điện Tử, có một điểm quan trọng chúng ta không được quên - bầy thú này không đơn thuần là lực lượng ngoại sinh. Chúng không chỉ là những quỹ tiền tệ tự do không bị chính phủ ràng buộc, không chỉ là những tay đầu tư hay những siêu thị tài chính từ xa đến. Trong đàn thú có những thành viên bản xứ. Sức mạnh của Bầy Thú Điện Tử không chỉ ở chỗ các nhà đầu tư bên ngoài ào ạt vào mua bán cổ phiếu và tiền tệ trong nước khi các rào cản bị loại bỏ. Nó cũng nằm ở chỗ các nhà tài chính trong nước được phép bước ra khỏi biên giới! Điều bí mật về bầy thú chính là ở chỗ những cơn giận dữ, những khủng hoảng do chúng gây ra không bắt đầu từ những quỹ đầu cơ ở phố Wall hay từ một ngân hàng lớn ở Frankfurt. Tai họa bắt đầu từ một nhà băng địa phương, một cơ sở tín dụng địa phương hay khi một người quản trị tiền tệ địa phương đổi ngoại tệ như đô-la chẳng hạn, rồi đặt cọc vào mức độ trị giá của chính đồng nội tệ trong thị trường đầu cơ tiền tệ. Nghiên cứu năm 1998 của IMF "Những quỹ đầu cơ và tính năng động của thị trường tài chính" đã ghi nhận rằng: những đánh giá đúng đắn về cuộc khủng hoảng đồng peso của Mexico năm 1994-1995 cho thấy "những cư dân trong nước, cứ không phải là những nhà đầu tư ngoại bang" đã đầu têu gây ra cuộc khủng hoảng đó. Trong thế giới các thị trường tài chính toàn cầu hóa, IMF kết luận: Các nhà đầu tư nước ngoài quản lý những dự án đầu tư đa dạng có thể gặp nhiều khó khăn, thiếu thông tin, khi họ theo dõi các điều kiện cụ thể trong các nước họ đầu tư. Đối với các thị trường tài chính mới, nhỏ nhoi, thì các nhà đầu tư lớn ít khi để ý và theo dõi chúng. Hậu quả là những cư dân bản xứ với những hiểu biết cặn kẽ tình hình địa phương của họ, thường là những người đầu tiên đầu cơ dựa trên chính đồng nội tệ ít khả năng chuyển đổi ở chính nơi đó. Và khi hệ thống thị trường tài chính mội địa và những giao dịch tài chính quốc tế được thả nổi, thì chính những cư dân địa phương nọ được lợi, hoán chuyển và mua ngoại tệ vào để giữ giá. Nói cách khác, chính những nhà tài chính Mexico, nhà đầucơ Indonesia, các ngân hàng Thái Lan đã khởi đầu những cuộc khủng hoảng làm suy yếu và phá giá đồng nội tệ, phá trị giá các loại trái phiếu và cổ phần trong những nước này - khiến những con thú khác trong bầy thú phản ứng giận dữ. Điều đó có lý, vì dân địa phương, thông qua bè bạn, cha mẹ và các quan hệ làm ăn, bao giờ cũng biết cặn kẽ chi tiết về hoàn cảnh kinh tế của đất nước mình - chính họ là những người đi đầu trong việc bỏ đi tìm kiếm những vùng đất mới tốt tươi hơn. Ngày nay, họ làm được điều đó một cách dễ dàng hơn - thay vì như trước kia khi họ phải lén lút chuyển tiền, phải mở tài khoản nước ngoài với điều kiện họ dùng tên người khác.
Richard Medlay, chuyên trách về phân tích độ mạo hiểm về chính trị và kinh tế cho nhiều ngân hàng quốc tế và các quỹ đầu cơ, đã kể với tôi rằng anh đã đưa ra những cảnh báo cho nhiều khách hàng về một khả năng các thị trường và tiền tệ ở Á châu sẽ suy yếu khoảng 5 tháng trước khi cơn khủng hoảng xảy ra tại vùng này, năm 1997. Làm được thế không phải anh ta có tài cán gì, mà chỉ do anh biết lắng nghe từ những thành viên Á châu của bầy thú. "Dấu hiệu đầu tiên tôi tìm thấy", Medley giải thích, "là khi những định chế tài chính địa phương chỉ muốn mượn ngoại tệ, thay vì nội tệ. Nếu một nhà băng Thái Lan khăng khăng không cho một thương gia nước này mượn tiền bằng đồng baht, mà chỉ cho mượn ngoại tệ, đô-la hoặc yên, có nghĩa là nhà băng lo lắng cho trị giá của đồng nội tệ. Bạn phải tinh ý đối với những cử chỉ nhỏ, lác đác như vậy, vì những thông số kinh tế chính thức ở các nước như thế rất kém chính xác và thiếu cập nhật. Trong những nền kinh tế theo lối gia đình trị như ở Á châu, thì bao giờ tôi cũng cho rằng, người địa phương biết nhiều hơn tôi".
Chính phủ Trung Quốc đã và đang miễn cưỡng làm cho đồng tiền nước này có khả năng chuyển đổi hoàn toàn thành ngoại tệ, không như ở các nước láng giềng. Không hẳn vì họ lo sợ sẽ không kiểm soát nổi mức đầu tư nước ngoài, họ cũng sợ không kém về cái khả năng cho thấy dân chúng của họ có thể dần dần chuyển đổi và phân tán tài sản từ Trung Quốc ra nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc có lý do chính đáng để lo nhu vậy: Có một chợ đen tiền tệ đã được hình thành trong lòng nước này, trong đó người ta đổi nội tệ đầu cơ lấy ngoại tệ. Một phóng viên thông tấn về tài chính người Mỹ đóng tại Thượng Hải đã kể cho tôi về một cuộc đối thoại giữa anh ta và một người bạn người Hoa. Người bạn Trung Quốc này phàn nàn với anh phóng viên về những "âm mưu" trong đó các nhà băng đầu tư và các quỹ đầu cơ hùa nhau bán phá giá các đồng nội tệ của Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia trong cuộc khủng hoảng 1997-1998.
"Vì sao họ làm thế đối với chúng tôi?" Thương nhân Trung Quốc hỏi anh bạn người Mỹ.
"Anh nói cho tôi hay", phóng viên người Mỹ hỏi lại, "gần đây anh có bán đồng tệ nào không để mua đô-la?"
"Có, tôi có bán", thương nhân người Hoa thú nhận. "Tôi hơi lo khi thấy tình hình như vậy".
Xin nhớ cho, rtong Bầy Thú Điện Tử, những con thú từ địa phương bao giờ cũng nhảy lên đầu tiên, mỗi khi có một chấn động đe dọa.
Không những lớn hơn và nhiều chủng loại hơn bao giờ hết, Bầy Thú Điện Tử ngày nay di chuyển nhanh hơn và liên hệ với nhau chặt chẽ hơn trước nhiều. Joseph Sassoon, một người đứng đầu hãng Goldman Sachs trong văn phòng ở London tham gia vào bầy thú từ năm 1982. "Ở London năm 1982, do chúng tôi đi trước New York năm hay sáu tiếng đồng hồ, chúng tôi thường không biết kết quả giao dịch ở thị trường Dow Jones ra sao mãi tới khi đến sở vào buổi sáng hôm sau", anh ta nói. "Một số các vị ở đây có máy Quotron (để theo dõi) và phương tiện chỉ có thế. Thời đó Goldman Sachs cho rằng có máy móc như thế là hay lắm rồi. Rồi một ngày kia, có một tay ở văn phòng Goldman Sachs ở New York đã thuê một cậu bé đến văn phòng lúc 3 giờ sáng, giờ New York, photocopy hai cột của tờ tạp chí Phố Wall mang tên "Đồn đại trên đường phố" và "Tiếp cận thị trường" - nói về những thủ thuật và mẹo mực giao dịch - rồi chuyển sang London. Làm như thế, chúng tôi ở London đã đi trước các hãng môi giới tài chính khác được vài giờ đồng hồ, khiến chúng tôi có thể giới thiệu bán và mua cho các khách hàng về các cổ phần ở New York trước khi các đối thủ của chúng tôi nắm được thông tin. Họ phải đợi cho đến khi thị trường New York mở cửa mới tiếp cận được thông tin từ bên đó. Phải mất một thời gian thì các đối thủ mới biết được thủ thuật của chúng tôi. Đây là nó đến năm 1982. Khi kể lại câu chuyện này cho đồng nghiệp của tôi ngày nay, họ nhìn tôi như thể tôi kể chuyện xảy ra từ thời cụ kỵ của họ vậy".
Quả có thế. Đi dạo quanh một văn phòng quỹ đầu cơ ở New York ngày nay, bạn thấy các nhân viên cầm những màn hình cá nhân xách tay, theo dõi thị trường từng phút, theo dõi sự lên xuống của trị giá các trái phiếu, thậm chí họ có thể thực hiện giao dịch ngay khi đi vào phòng vệ sinh nữa là về nhà riêng. Bánh xe giao dịch thời nay được bôi trơn thấy đáo khiến cho những khoản tư bản, được nhà kinh tế David Hale gọi là "tư bản du mục" có thể di chuyển trên thế giới, chen vào các cơ hội mua bán ở mọi nơi với chi phí di chuyển và giao dịch xuống tới mức số không, với thời gian hầu như trong chớp mắt. Cuộc chơi ngày nay có thể được tóm lược bằng nội dung một quảng cáo của hãng Credit Suisse/First Boston hồi năm 1998, khi họ cho ra đời một dịch vụ mới mang tên Prime Trade, cho phép trao đổi dịch vụ phái sinh được phát hành ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Quảng cáo kêu gọi: "Prime Trade: bất cứ thị trường nào, bất cứ lúc nào, bất cứ đâu".
Thực tế cho thấy khi có thêm nhiều người có thể được nối mạng đồng loạt, thu thập thông tin và giao dịch ở bất cứ đâu, đã khiến cho Bầy Thú Điện Tử ngày nay càng trở nên lớn mạnh hơn và đa năng hơn. Xưa nay người ta hiểu rằng, càng có nhiều thông tin cho các tay buôn thì thị trường của họ càng trở nên ổn định hơn. Nhưng dường như trên thực tế, thì ngược lại. Tôi đã trực tiếp học được điều đó. Ngày nay ở nước Mỹ, hành khách đi máy bay thường được phát một loại điện thoại di động, gắn với ghế giữa trong băng ghế của họ, gọi là điện đàm GTE. Hồi năm 1999, GTE nối điện thoại với sở giao dịch Dow Jones Industrial Average, American Stock Exchange và NASDAQ. Giúp cho bạn ngồi trên máy bay, bay trong giờ giao dịch, có thể theo dõi, trên màn hình và tai nghe, các hoạt động, trị giá lên xuống ở các thị trường đó, trực tiếp. Nếu bạn ngồi ở ghế giữa, bạn không tránh khỏi phải nhìn vào màn hình. Trong một chuyến bay sang Colorado, tôi đã dùng màn hình để kiểm tra mức lên xuống của một loại cổ phần tôi sở hữu. Dùng một thiết bị nối với điện thoại GTE, sau khi bấm tên của cổ phần vào màn hình, tôi kiểm tra giá của chúng từ hệ thông báo giá Bloomberg. trong chuyến bay đó từ Washington sang denver, tôi kiểm tra năm lần giá của cổ phần nọ và đã bán cổ phần khi hạ cánh. Tôi đã dùng điện thoại công cộng từ sân bay Denver, gọi cho nhân viên môi giới hạ lệnh bán - một điều mà cách đó một chục năm, tôi không tài nào có thể thực hiện được. Nhưng nhiều thông tin sẵn sàng như vậy không có nghĩa là thị trường ngày nay ổn định hơn. Edward Chancellor trong cuốn sách của anh về lịch sử đầu cơ tài chính, Devil tak the Hindmost, giải thích về sự ngộ nhận thông thường trong giới quan sát, rằng càng nhiều thông tin thì hoạt động của Bầy Thú Điện Tử càng ổn định hơn. Phần lớn các nhà phân tích, anh to nói, "cho rằng tiến bộ trong công nghệ thông tin sẽ dẫn đến sự ổn định và thịnh vượng. Trong thực tế, nếu các thị trường vốn dĩ đã có mức hiệu quả cao thì khi có thêm thông tin, chúng càng hoạt động hiệu quả hơn. Thậm chí chúng sẽ hoạt động một cách máy móc như một loại xe hơi chất lượng cao".
"Thật ra thì không thấy một dẫn chứng trong lịch sử nào cho thấy sự cải thiện về thông tin liên lạc sẽ sản sinh ra các loại thị trường tài chính dễ sai khiến hơn, hay hoạt động đầu tư thông minh hơn. Thực tế cho thấy những điều ngược lại. Trong quá khứ thông tin tài chính càng sẵn có và sự cải thiện điều kiện liên lạc có khuynh hướng càng hấp dẫn thêm các tay mơ vào cuộc chơi đầu cơ: thế hệ các tờ báo đầu tiên đã kích thích dẫn tới những dạng bong bóng South Sea, những cột báo phân tích "thị trường tiền tệ" trên các báo nước Anh, đã dẫn tới cơn sốt khoáng sản năm 1825, các hệ thống đường sắt tạo ra cơn đầu cơ các cổ phiếu đường sắt những năm 40 của thế kỷ này, cũng như việc xuất hiện băng giấy điện báo đã kích động những cuộc cá cược và vào những năm 20, khi đài phát thanh được phát minh đã gây kích động trong giới các nhà đầu cơ thời đó. Gần đây nhất là Internet. Dịch vụ này đã đưa cổ phiếu vào tận nhà người ta... nhưng cũng đã xuất hiện từng đám những "tay môi giới ban ngày", những tay đầu cơ tài tử tại gia, móc nối mua bán những loại cổ phiếu rẻ mạt do các công ty cung cấp trên mạng. Tính đến mùa hè năm 1998, năm triệu người Mỹ đã mở tài khoản với các hãng môi giới tài chính trên mạng, trong số đó có một triệu người bản thân trở thành các môi giới viên làm việc tại gia. Con số trung bình các tài khoản, và số lượt giao dịch họ thực hiện trên mạng cao hơn con số tài khoản trong các hãng đầu cơ truyền thống khoảng 12 lần. Có tin nói một số các nhà đầu cơ kiểu đó thực hiện khoảng một ngàn giao dịch mỗi ngày".
Quả có thế, thị trường NASDAQ là nơi bạn có thể thấy không phải là những quỹ tín dụng hay hưu bổng đã xô đẩy các cổ phần Internet lên xuống dập dìu. Thủ phạm chính là những tay môi giới tài tử, trao qua đổi lại quãng 200-300 cổ phiếu mỗi bận, không theo tính toán định hướng nào cả. Phần đông những người tham gia giao dịch như vậy không biết họ mua của ai và bán cho ai, họ chỉ biết một vài ký hiệu nào đó, của ai đó, mà thôi.
Nếu Bầy Thú Điện Tử đến thăm bạn thì trong một thời gian ngắn, chúng sẽ trút hàng tỷ đô-la và vào cổ phần và trái phiếu của công ty của bạn, đầu tư ào ạt vào nhà máy công xưởng bạn có. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều quốc gia đang bằng mọi giá móc nối cho được với những con thú trong Bầy Thú Điện Tử. Tuy nhiên khi các lý do chính trị, kinh tế hay xã hội khiến thị trường trong các nước này suy yếu và bất ổn, thì cũng chính bầy thú sẽ chuyển hóa sự bất ổn định lên tới mức cao hơn, làm cho hậu quả trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, trong bối cảnh thuận lợi thì chúng có thể nhanh chóng cải thiện tình hình và biến thị trường từ chỗ bé bỏng nhỏ nhoi đến chỗ thịnh vượng và ổn định hơn.
Alan Greenspan đã nêu rõ trong các phát biểu của ông, rằng cũng một hệ thống toàn cầu hóa "đã kích thích tăng nhanh mức độ di chuyển vốn của tư nhân, đồng thời cũng cho thấy sự gia tăng và lan tràn các hình thức đầu tư thiếu suy nghĩ". Vị thống đốc này nó thêm rằng "khó có thể tưởng tượng mức độ mất mát (1 tỷ đô-la) của chỉ duy một tay buôn, sử dụng công nghệ cao, đã khiến cho ngân hàng Baring sụp đổ năm 1995. Điều này khó có thể xảy ra trong thập niên trước đó, khi người ta chỉ đơn thuần buôn bán trên giấy tờ. Rõ ràng là khả năng gây lỗ của chúng ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây". Bộ trưởng Kinh tế Ai Cập Yousef Boutros-Ghali đã từng nói: "Ngày trước bạn ngồi trong phòng, lo lắng cùng vài trăm đồng nghiệp nhà băng, giờ đây đi đâu bạn cũng cảm thấy lo lắng. Nỗi lo lắng quả đã được dân chủ hóa".
Tuy vậy cũng có một điều an ủi trong hoàn cảnh hiện nay. Tai họa có thể xảy đến cực nhanh, nhưng cũng ra đi cực nhanh, nhưng rồi lại đến... Nhiều vấn nạn mới sẽ xảy ra, nhưng cũng nảy sinh nhiều giải pháp - miễn là đất nước của bạn làm ăn cho đúng đắn. Khi cuộc sống trôi đi gấp gáp thì cũng ít ai kéo dài thêm nỗi nhớ. Năm 1995, Mexico làm phật lòng các nhà cung cấp tín dụng, thì chỉ đến năm 1998, đất nước này lại trở thành điểm thu hút của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó không mấy ai còn nhớ đến nỗi đau năm 1995. Năm 1997, Hàn Quốc gần như khánh tận, thì đến năm 2000, thương gia ở phố Wall lại thấy nối đuôi nhau mua công trái của nước này.

<< Chương 6 | Chương 7 (tt) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 919

Return to top