Chiều hôm nay chấm dứt mấy ngày thi của Thục. Tôi tới chỗ hẹn đón Thục trước nửa tiếng, vừa lúc cơn mưa đổ ụp xuống, ào ạt như chưa bao giờ có một cơn mưa nào lớn như vậy. Tôi vào ngồi trong quán nước hút thuốc nhìn mưa và chờ Thục. Bên ngoài mưa mù mịt không còn thấy rõ những đỉnh cây và những căn nhà phía trước mặt quán. Mấy hôm Thục buồn, bài làm không yên tậm Chiều nay Thục thi sinh ngữ, tôi mong Thục ra về với một nụ cười nở trên môi. Chiếc xe đạp dựng ngoài gốc cây trước cửa quán lấp lánh những giọt nước bám. Con đường chạy ngang hiu hắt không bóng người đi, không một bóng xe nào vượt qua với tiếng rè rè của nước bắn tung ra hai bên đường. Tôi đốt thuốc liên miên, ly cà phê đã cản và được đổi bằng một ly nước trà nhạt thếch.
Gần giờ tan, mưa ngơi bớt. Từ trường Thục thi tới đây cũng cách một khoảng xạ Chiều nay tôi không giữ lời hứa với Thục được. Tôi phải tới tận cổng trường đón nàng. Con đường mưa trơn, những bước chân Thục về, tôi không yên tâm. Chờ một lúc mưa tạnh hẳn chỉ còn là những hạt nước nhỏ, tôi trả tiền và đạp xe chạy nhanh tới đón Thục cũng vừa kịp lúc Thục đi ra. Tôi gọi làm Thục giật mình. Thục hoảng sợ thật sự. Nàng đi sát vào lề đường như trốn mọi người, tôi chạy xe theo phía sau. Thục cự:
- Bảo Đông chờ đằng chỗ cũ sao Đông không chịu?
- Trời mưa to quá, thấy không?
- Mưa thì mưa, ăn nhằm gì.
- Sợ Thục bị ướt lạnh.
- Có áo mưa mà.
- Thục lên xe đi, định đi bộ luôn về nhà sao.
- Chút nữa.
- Xa rồi, tụi bạn Thục không đứa nào thấy hết.
- Rủi ông già bất tử đi đón Thục chiều nay đứng lẩn quẩn đâu đây thì chết mất xác.
- Không có đâu. Trời mưa lớn như thế này mấy ông già làm biếng đi ra đường lắm.
Thục dừng lại, ngó trước ngó sau. Mặt sợ hãi khuất trong chiếc nón đi mưa.
- Lên xe đi, làm gì mà đứng ngó hoài vậy?
- Đông bị ướt hả?
- Ăn nhằm gì, lạnh chút xíu thôi.
- Có thể bị cảm mưa.
- Tối về mượn dì Hạnh đánh dầu, uống thuốc, không sao đâu.
Thục lên xe. Tôi đạp vội. Vượt qua những đôi mắt tò mò có thể làm Thục thêm hoảng sợ. Tôi tức cái tánh hay sợ của Thục. Thật ra tôi nghĩ, chẳng ai để ý làm gì. Mọi người đều lo bàn tán đề thi, bài làm. Những gương mặt tươi vui hay những gương mặt buồn rầu chảy dài cũng chẳng dính dáng gì tới tôi và Thục. Vậy mà Thục cứ sợ. Thục thúc vào lưng tôi:
- Chạy đường khác đi Đông.
- Đường nào?
- Đường nào vắng vắng.
- Không về nhà à?
- Bữa nay có thể về trễ một chút.
Tôi mừng quá, quanh xe vội, suýt nữa đụng phải người chạy xe trờ tới phía sau. Thằng này chắc làm bài không được nên mặt buồn rười rượi, khó khăn như chim cú. Nó định gây lộn với tôi, nhưng Thục nhéo tôi một cái đau điếng bảo chạy nhanh tới. Tôi đành phải nghe theo. Con đường này vắng ngắt, mưa lại còn vắng hơn. Hình như chỉ có mình tôi và Thục. Nàng có vẻ yên lòng, và tôi có thể đạp xe chậm lại, rất chậm. Tôi hỏi:
- Làm bài được chứ?
- Tàm tạm.
- Nghĩa là khá hơn mấy hôm trước.
- Hy vọng như thế.
- Chắc chắn Thục đâu.
Tôi nói câu đó nhưng không tin tưởng lắm. Tuy nhiên không còn câu nói nào khác cho Thục yên lòng hơn nữa. Đối với người quá lo xa như Thục, cách tốt nhất là tạo ra những hy vọng. Thục cũng nói:
- Hy vọng môn này vớt điểm cho môn kia.
- Không buồn nữa chứ?
Thục trả lời tôi bằng mây tiếng cười nhỏ. Tôi nghe hơi ấm của bàn tay Thục sờ lên lưng tôi, chỗ áo ướt. Thục có vẻ lo lắng:
- Đông lạnh không?
- Sơ sơ.
- Không mang theo áo mưa à?
- Quên.
- Chứ thường nhớ cái gì?
- Thục.
Tôi lại bị ăn một cái nhéo đau điếng. Tôi rướn người, chiếc xe loạng choạng làm Thục sợ hãi. Tôi cười:
- Coi chừng ngã nhào cả hai đứa.
- Đông xạo quá trời.
- Nhớ mà cũng xạo nữa sao?
- Ừ, Đông mà nhớ ai.
- Không tin thật hay không tin giả vờ?
- Không tin thật.
Tôi muốn quay lại cốc lên cái đầu bướng bỉnh của Thục. Lúc nào cũng nói cái giọng làm tôi tức muốn điên lên. Tôi im lặng đạp xe không thèm nói gì nữa. Thục thấy tôi im lặng lâu quá, đoán tôi giận nên thúc vào hông hỏi:
- Giận hả?
- Giận làm gì cho mệt.
- Sao im lặng như pho tượng thế.
- Không tin thì nói làm gì nữa, bây giờ đưa Thục về nhé?
Thục muốn khóc.
- Cũng được.
- Cũng được nghĩa là sao?
Không nghe Thục trả lời. Như thế đấy, hễ mỗi lần tôi giận Thục thì bị Thục giận lại. Tôi sắp sửa thua đến nơi, đành pha trò:
- Chăc tụi mình không hợp.
Thục im thin thít. Tôi cười:
- Hôm nào đi xem thầy bói, dưới chợ có ông thầy bói mù, bói hay lắm, xem tại sao hai đứa mình khắc khẩu.
Thục vẫn mím môi. Tôi chọc Thục tiếp:
- Bữa trước đi coi, ông bảo Thục có bồ rồi.
Thục bật lên một tiếng ngạc nhiên:
- Hả?
Tôi la lớn:
- Ông thầy bói mù ấy bảo Thục có bồ rồi.
- Nói ẩu.
- Thục giấu hoài. Thôi bữa nay đưa Thục về một lần cuối, mai mốt bồ Thục sẽ đưa Thục về. Không chịu nói trước để người ta “de” mai mốt đụng độ kỳ lắm.
Tới phiên Thục la lớn:
- Đông phịa chuyện vừa chứ.
- Ông thầy bói mù bảo như thế chứ ai biết gì mà phịa.
- Ừa, có bồ, rồi sao?
- Thì trả Thục về với bồ của Thục.
Tôi dừng xe lại giữa đường, bắt chước một tài tử trong phim, giọng sắc như dao:
- Thục xuống xe đi.
Thục nhảy xuống xe đi ngay vào lề.
Một trận gió lớn thổi qua làm rung chuyển những ngọn cây, nước mưa rơi xuống lạnh buốt. Thục không nói gì, cúi mặt lầm lũi đi. Tôi chờ cho Thục đi một khoảng xa mới đạp xe nhanh theo, thắng lại chận trước mặt Thục.
- Thục, lên xe.
Thục trừng mắt nhìn xe. Đôi mắt giận dữ nhưng nước mắc cũng ràn rụa long lanh. Thục nói :
- Đông ác lắm, Đông về một mình đi.
- Đùa mà.
- Không có đùa gì hết.
- Lên xe đi Thục.
- Đông chạy một mình ra chợ chở ông thầy bói mù đó đi chơi. Thục không đi nữa đâu.
Thục chạy băng qua con đường trước mặt, nàng ngoắc lia lịa ông xích lô đang đậu xe dưới một gốc cây. Ông xích lô đạp xe tới, Thục trèo vội lên. Tấm bạt che bít bùng giữ kín mặt Thục ở trong. Tôi gọi Thục mấy tiếng nhưng Thục im lặng. Ông xích lô ngạc nhiên ngó tôi, rồi đạp xe đi theo tiếng gắt của Thục. Tôi chạy cặp theo xe, hỏi lớn:
- Thục về thật à?
Một lúc sau mới trả lời:
- Đông ra chợ chơi với ông thầy bói mù, tin ổng chứ tin Thục làm gì.
- Đùa mà, đâu có ngờ Thục giận dữ như vậy.
- Không có đùa như thế.
Hình như Thục khóc. Mưa đột nhiên trở lớn. Những giọt mưa đổ nhanh, tới tấp bắn vào mặt xe. Ông xích lô đạp nhanh, tôi đạp nhanh theo. Ông đạp nhanh hơn nữa, tôi cũng ráng sức đạp cho kịp. Thục hé tấm bạt ra nhìn tôi lại đóng kín. Một lúc Thục lại hé ra, lần này Thục nói, giọng lo lắng:
- Đông chạy theo làm gì, ướt hết. Tối về bị cảm.
- Chết cũng được, cảm mà ăn nhằm gì.
- Đông liều quá.
- Còn hơn thế này nữa.
- Rồi Đông chạy hoài như vậy sao?
- Tới nhà Thục thì thôi.
Thục lại che tấm bạt. Ông xích lô già nhưng khoẻ hơn tôi nhiều. Ông đạp xe bon bon như không biết mệt. Tôi phải gắng sức đạp theo sợ bị Ông bỏ rơi. Tôi vừa mệt vừa lạnh, và tôi muốn khóc. Chắc ông ta nghĩ tôi hóa điên. Xe quẹo sang đường khác. Tôi gắng sức đạp nhanh lên để bắt kịp Thục. Đường trơn như mỡ, mưa lớn đổ tối tăm mặt mũi. Tôi nghe đau xót hai mắt, nước mắt ràn rụa. Thục bỗng mở tung tấm bạt che phía trước bảo ông xích lô dừng lại. Rồi Thục nhảy xuống đường chạy vào lề đứng. Tôi cũng dừng xe lại móc tiền trả cho ông xích lộ Tiền ướt hết tôi cũng không biết là bao nhiều. Cứ móc tiền trả cho ông già và dắt xe chạy vào chỗ Thục. Ông xích lô ngơ ngác một hồi rồi đạp xe đi. Tôi lạnh quá, như bị ướp trong nước đá. Tôi bắt đầu run. Thục lo ngại nhìn tôi, nước mắt Thục bỗng chảy xuống má. Tôi sung sướng với cái lạnh của mình, của gió mưa bên ngoài trời. Thục nức nở nói:
- Tại sao Đông liều như vậy?
- Vì sợ Thục giận.
- Mai mốt Thục sẽ hết giận.
- Mai mốt là một thế kỷ dài. Đông sẽ nhớ Thục đến chết mất, nhớ lịm hồn, nhớ đứng, nhớ ngồi không yên.
- Thục cũng thế, nhưng phải giận Đông một lần thật lâu Đông mới hết bịa chuyện.
- Bây giờ còn giận không?
Thục im lặng cúi đầu. Tôi không nhìn rõ giữa những giọt nước mắt Thục và những giọt mưa. Gương mặt Thục toàn nước, nước ràn rụa, mờ tối, tôi rút khăn tay ra định lau cho Thục nhưng khăn tay tôi cũng đã ướt. Tôi run lập cập. Hai đứa đứng nép sát vào cái mái che của một ngôi ngà lạ. Thục cũng lạnh, bàn tay của Thục tái xanh. Tôi nắm lấy. Thục rụt về nói:
- Ngoài đường, Đông.
- Không có ai cả. Chỉ có mưa.
- Mưa cũng ngó thấy nữa, chứ bộ.
Thục cười, tôi thương Thục quá. Tóc tôi ướt đẫm nước, bây giờ tôi mới hay điều đó, những cọng tóc rối bời, bê bết trên mặt tôi nghe vị mặn của những giọt nước thấm qua môi. Tóc Thục cũng ướt. Tôi bỗng có cảm tưởng hai đứa như hai con chim bị mưa.
- Bao giờ mưa tạnh hả Đông?
- Làm sao biết được.
- Chắc Thục rớt quá.
- Lúc nãy hy vọng đậu, bây giờ bảo rớt. Chắc tại mưa.
Hai đứa ngó nhau cười. Mấy đứa con trai dầm mưa đạp xe ngang qua chỗ chúng tôi, chúng nhìn vào. Hình như Thục nhận ra trong bọn có một đứa quen. Thục bàng hoàng nép sâu vào trong, sợ hãi nói:
- Có một đứa quen, sợ nó thấy Thục rồi.
- Kệ nó.
- Thằng ở trước nhà, nó thấy thì chết.
- Nó thấy chỉ khổ đau thêm cho nó chứ ích gì.
Thục ngạc nhiên:
- Sao lại khổ đảu
- Biết đâu nó cũng “mết” Thục.
- Lại nói bậy nữa, Đông không bịa chuyện không được sao?
Tôi cười, dì Hạnh bây giờ chắc cũng đã về nhà. Tôi không biết chiều nay dì làm bài được không. Mấy hôm đi thi, không nghe dì nói gì. Từ hôm đi Sài Gòn về tôi nhận thấy dì đổi khác. Đôi mắt như buồn hơn, xa vắng hơn. Và dì thường im lặng. Tôi mong những ngày thi trôi qua sẽ đem lại cho dì Hạnh những ngày thảnh thơi. Mùa hè còn đó, trên những hàng phượng chưa già. Màu đỏ của phượng còn tươi thắm dì sẽ nghe ve kêu ròn rã trong cây lá, trong trời cao nhẹ mây. Đồng thời mưa cũng xoa dịu hết nỗi bức rứt, nỗi buồn chán một thời con gái của dì. Thật ra, tôi cũng không hiểu sao dì Hạnh buồn, và thật sự dì có buồn như tôi tưởng không. Sống trong ngôi nhà yên lặng đó dễ cảm thấy cô đơn, cảm tưởng như không còn ai bên ngoài. Tôi sẽ khuyên dì Hạnh chơi nhiều, đi về quê tôi chẳng hạn.
- Đông lạnh lắm phải không?
Tiếng hỏi bất ngờ của Thục làm tôi giật mình. Tôi lạnh thật. Gió từ hướng sông thổi lên, những cơn gió mang theo hơi nước lùa vào da thịt ướt. Tôi nói với Thục:
- Lạnh thật.
- Đông về nhà thay quần áo khô, không thôi bị cảm.
- Cảm mấy ngày?
- Lâu lắm, nhẹ cũng ba hôm mới khỏi.
- Thục có tới thăm không?
- Rảnh mới tới được.
- Thi xong rảnh chứ còn làm gì nữa.
- Sợ đi về quê bất nghờ.
- Đừng thèm về. Ở đây vui hơn.
Thục ngước mắt nhìn tôi:
- Lúc nãy Đông nghĩ gì mà thừ người vậy?
- Nghĩ tới dì Hạnh.
- Mong Hạnh làm bài được.
- Hai người sẽ đậu hết. Lúc đó tha hồ ăn khạo Phải ăn khạo lớn đấy nhé.
- Nếu rớt?
- Rớt cũng ăn khạo cho đỡ buồn.
Thục cười khúc khích. Tôi kiếm đủ chuyện để chọc cho Thục cười, và quên lạnh. Nếu bây giờ có một điếu thuốc hút chắc thú vị lắm. Gói thuốc của tôi đã bị ướt hết từ lúc nãy. Tôi cũng không nhớ là ném nó từ lúc nào. Thục đứng co ro trong lớp áo mưa rộng thùng thình. Tôi khoanh hai tay trước ngực, chân khép lại, bám chặt dưới đất để khỏi run. Mưa có vẻ dịu lại, và một lúc sau tạnh dần. Tôi kéo Thục chạy vội ra, trèo lên xe đạp thật mạnh cho hơi nóng bốc trong người đuổi bớt hơi lạnh. Thục cười:
- Rồi Đông sẽ thành một cua – rơ xe đạp.
- Lúc nãy chạy đua với ông xích lô vui ghê.
- Ai thắng?
- Đông thắng. Dĩ nhiên. Nếu không Thục đã về nhà.
Thục cười nhỏ:
- Đông liều ghệ Nếu Thục giận về thật thì sao?
- Đông sẽ tới trước nhà Thục đứng cho hết cơn mưa rồi sáng mai vào nhà thương nằm ca bài “Tình đời thay trắng đổi đen” chứ còn sao nữa.
- Ai mà thay trắng đổi đen, tại Đông bịa chuyện nói bậy thì có.
Chúng tôi vui vẻ nói chuyện với nhau trên khắp mấy con đường dẫn về nhà Thục. Trời mù mù, lạnh căm. Nhưng áo tôi khô dần, cái lạnh cũng ngơi đi. Mưa xong một trận lá cây rụng dài trên đường, bông phượng rụng đỏ mặt cỏ. Trước một ngã ba dẫn về nhà Thục có một cây phượng già, trong cơn mưa lớn đã trốc gốc nằm bẹp một bên đường. Thục thấy vậy kêu lên:
- Chết rồi, cây phượng quen thuộc đã ngã.
- Chắc nó lạnh.
- Hết mùa mưa đi về khoảng đường này sẽ thấy trống. Ngày xưa có cây phượng ngó rực rỡ cả một góc trời, buồn ghê.
- Chắc lũ ve cũng mang họa vào thân.
- Đông nói gì?
Tôi cười lớn, biết chắc là Thục sẽ không hiểu câu tôi vừa nói. Còn cách nhà Thục một khoảng. Thục nói:
- Xuống ở đây đi Đông.
- Chút nữa còn xa quá mà.
- Được rồi. Đông chạy nhanh về nhà thay quần áo khộ Chạy đường khác, đừng chạy ngang qua nhà nhỏ Hương thấy. Lần trước nó thấy rồi đó.
Thục nhảy đại xuống đất, đi vội vàng như lẩn trốn ai. Tôi lại đứng nhìn theo Thục cho đến khi Thục khuất hẳn sau cánh cổng đầy hoa giấy đỏ mới quay xe lại đạp xe nhanh về nhà. Lúc gọi cổng tôi mới thấy lạnh. Cái lạnh như kéo ập tới làm tê dại hết những sợi máu trong người. Tôi run lập cập, dì Hạnh khoác áo mưa ra, mở cổng cho xe. Dì ngạc nhiên khi thấy tôi ướt sũng như chuột. Dì nói:
- Đông dầm mưa à?
Tôi dắt xe vào, không kịp trả lời dì. Tôi muốn nằm lăn ngay ra trước thềm. Dì Hạnh chạy xốc tới. Giọng dì hốt hoảng:
- Đông làm sao thế?
- Bị nguyên một đám mưa, bây giờ thấy rét cóng tay chân.
- Mau thay quần áo khô, dì đốt lửa lên rồi ngồi xuống hơ, nghe!
- Tôi chạy vội lên phòng thay quần áo. Khi trở xuống dì Hạnh đã đốt xong lửa trong cái lò than. Những cục than cháy đỏ nổ lốp bốp. Dì để nó dưới chân ghế và nói:
- Đông hơ đi, không bị cảm thì nguỵ Uống viên thuốc này.
Dì Hạnh trao cho tôi viên thuốc cảm và ly nước. Tôi bỏ viên thuốc vào miệng, ực nước. Xong ngồi cúi người hơ hai bàn tay trong ngọn lữa. Bên ngoài gió rì rào, mưa trở lại và kéo dài chắc tới đêm. Hơ một lúc, hơi ấm chuyền vào người, tôi đã bớt lạnh. Dì Hạnh đã sửa soạn xong bữa cơm sau khi thi về. Dì đưa mắt nhìn tôi:
- Đã đỡ lạnh chưa Đông?
Tôi gật đầu.
- Đón Thục hả?
Tôi ngượng ngùng giải thích:
- Chờ lâu quá, khi về lại bị mưa, ướt hết. Thục cũng ướt. Lại giận nhau ngoài đường. Dì làm bài được không?
- Tạm.
- Hy vọng đậu ưu chứ?
Dì Hạnh cười, lắc đầu:
- Trêu dì đấy hả, đậu không biết đã nổi chưa mà đòi đậu ưu.
- Thục chiều nay làm bài cũng tạm được. Mấy hôm về cái mặt như méo xệch đi.
Dì Hạnh nhìn ra ngoài trời, thở nhẹ:
- Hôm nay thì thảnh thơi rồi. Hết lo, hết thức khuya. Dì thấy khoẻ hẳn ra.
- Trong khi đó Đông bắt đầu mệt.
- Dạo này Đông đi chơi nhiều.
- Từ hôm nay bắt đầu học. Không đi chơi nữa, rớt cũng buồn lắm, dì Hạnh nhỉ?
Dì cười. Tôi khều những cục than, tiếng than nổ lốp bốp lại nổi lên.