Ngày hôm sau, tôi sửng sốt thấy mình mệt rũ, buồn bã và uể oải như ốm cả tháng nay. Nhưng tôi là người vui tính, và sự vui tính này bắt nguồn từ chỗ dồi dào sức khỏe và thể lực tráng kiện. Tôi bao giờ cũng chịu đựng mọi rủi ro và bất hạnh một cách nhẹ nhàng, đến nỗi đôi lúc, cảm thấy buồn cho bản thân là không hiểu sao mình lại có thể vui được trong những hoàn cảnh chẳng thích hợp chút nào. Ngày nào cũng vậy, vừa bước chân xuống giường, việc đầu tiên tôi làm là cất tiếng hát dăm ba câu hoặc đùa với mẹ. Nhưng sáng hôm ấy, sự vui tính lệ thường đã biến mất, tôi cảm thấy mình bất hạnh và lòng buồn nặng trĩu và tuy đã mười hai giờ rồi mà chẳng hề thấy đói. Mẹ nhận thấy tâm trạng khác thường của tôi, nhưng tôi bảo mẹ là do kém ngủ.
Mà kể cũng đúng như vậy, có điều tôi cho rằng sự tổn thương sâu sắc này về mặt tinh thần mà Giacomo đã gây nên khi hắt hủi tôi là lý do biểu hiện của sự việc ấy. Tôi đã nói rằng gần đây tôi nhìn nhận một cách bình tĩnh nghề nghiệp của tôi, và tôi chẳng có lý do gì để từ bỏ nó. Nhưng tôi vẫn hy vọng yêu một ai đấy và được yêu, thế mà Giacomo lại ghét bỏ tôi, tuy anh đưa ra những lời giải thích nghe đến là rối rắm, song tôi vẫn thấy trăm sự tại cái nghề của tôi, vì vậy tôi liền thấy nó đáng căm ghét và xấu xa không chịu nổi.
Tính tự ái là một con thú khó hiểu bình thản ngủ dưới trận mưa rất nặng hạt nhưng bỗng tỉnh giấc, bị thương gần như chết vì một vết xây xát nhẹ, vô nghĩa. Những lời tôi thốt ra khi treo áo bành tô của mình vào tủ đã dằn vặt tôi, gây nên cho tôi nhiều đau khổ và hổ thẹn. Tôi đã hỏi anh: “Anh thích căn phòng của em không? Ấm cúng đấy chứ?”.
Tôi nhớ lại là anh không đáp gì cả, mà chỉ đưa mắt nhìn quanh, lúc đó qua nét mặt, tôi chẳng rõ anh suy nghĩ những gì. Bây giờ tôi hiểu đấy là anh cau mày tỏ vẻ khinh bỉ. Tất nhiên anh nghĩ rằng: “Căn phòng của một cô gái đĩ bình thường”. Nhớ lại, tôi thấy ngượng chín cả người, đặc biệt là tôi đã thốt lên những lời ấy với một giọng đầy tự mãn. Tôi có thể hình dung ra đối với một người có giáo dục và nhạy cảm như anh, căn phòng của tôi chỉ là một ổ gian phi nhơ bẩn, đáng bị ghê tởm gấp đôi vì cái thứ đồ đạc thảm hại này nhằm vào những mục đích nào đấy.
Nếu có phải trả giá đắt để những lời nói lố bịch ấy không buột ra khỏi miệng tôi thì tôi cũng xin chịu, nhưng biết làm thế nào được, tôi đã nói mất rồi. Tôi như người bị rơi vào một vòng luẩn quẩn không tài nào bứt ra được, Hơn nữa, trong câu này thể hiện đúng con người tôi – như ý nguyện của chính mình và sẽ mãi như vậy trong cuộc đời. Quên đi những lời này hoặc cố thuyết phục bản thân rằng tôi đã không thốt ra chúng, dẫu sao cũng là quên đi chính bản thân mình, tự thuyết phục rằng tôi không tồn tại.Những suy nghĩ này đầu độc tôi như tác động từ từ của thuốc độc ngấm dần dần vào dòng máu lành của tôi. Thường sáng ra, dù nằm khoèo trên giường lâu thế nào đi chăng nữa, sớm hay muộn tôi cũng thấy chán ngấy chẳng muốn nằm thêm, và bất chấp ý muốn của bản thân tôi, thân xác tôi cứ hất tung chăn ra và tôi bật dậy khỏi giường. Thế nhưng hôm ấy thì lại khác hẳn: buổi sáng đã trôi qua, đã đến giờ ăn sáng, và cố bắt ép mình thế nào tôi cũng không thể ép mình nhúc nhích trở dậy được. Tôi cảm thấy cơ thể không sinh khí của tôi trở nên cứng đờ. Đồng thời tôi cũng cảm thấy mình bị ốm và mệt lử tựa hồ như mình phải ráng hết sức lực và rất chật vật với thành được sự bất động này. Tôi cảm thấy mình hệt như chiếc thuyền mục nát bị vứt bỏ - ta thường gặp những loại thuyền này ở các bãi đầm lầy. Bụng con thuyền đó đầy loại nước màu đen, nếu ai vừa trèo vào thì đáy thuyền liền bị bục ra, con thuyền từng êm ả đậu ở đấy hàng năm ròng sẽ chìm nghỉm trong chốc lát. Tôi không biết mình nằm nhìn trân trân vào khoảng trống không, chăn trùm kín đầu như vậy trong bao lâu. Tôi nghe tiếng chuông đổ giữa trưa, sau đó điểm một, hai, ba, bốn giờ. Tôi đã khóa cửa, chốc chốc mẹ lại lo lắng bước đến bên cửa và gõ cửa. Tôi đáp tôi dậy ngay và yêu cầu mẹ để mặc tôi.
Khi mặt trời đã lặn, tôi đánh bạo. cố gắng - phải nói đây là một sự cố gắng phi thường – tung chăn và vùng dậy.
Toàn cơ thể tôi trở nên rã rời và rệu rạo. Tôi rửa ráy, mặc áo xống, đi đi, lại lại, nói đúng hơn là lết khắp phòng. Tôi không suy nghĩ gì hết nhưng nhận thấy – không phải bằng lý trí mà bằng toàn bộ con người mình - rằng từ nay trở đi, tôi sẽ không thể tiếp những người khách thông thường của mình được nữa. Tôi ra gặp mẹ và bảo tối nay hai mẹ con sẽ cùng nhau đi dạo phố, rồi vào một tiệm cà phê ăn uống chút gì đấy.
Niềm vui của mẹ - chẳng là mấy khi mẹ được đi dạo chơi như vậy – không rõ vì sao đã làm tôi bực mình, và tôi lại nghĩ rằng mẹ bắt đầu phinh phính và sệ ra, còn cặp mắt sùm sụp ánh lên một vẻ ngập ngừng giả dối. Nhưng tôi cố nén không buột mồm thốt ra những lời thô bạo sẽ làm tiêu tan ngay tâm trạng vui vẻ của mẹ. Chờ mẹ mặc áo, tôi ngồi bên bàn trong căn phòng may tranh tối tranh sáng. Làn ánh sáng nhờ nhờ màu sữa của ngọn đèn đường lọt qua cửa sổ không treo rèm, rọi vào chiếc máy khâu và lan trên tường. Tôi ngó mặt bàn và thấy những con bài màu sáng, như vậy là mẹ đã ngồi bói bài trong các buổi tối dài lê thê và buồn bã. Bỗng một cảm giác kỳ lạ trỗi dậy xâm chiếm tâm hồn tôi: tôi hình dung mình ở vị trí của mẹ, hoàn toàn cảm thấy rõ tâm trạng của mẹ khi chờ cô con gái Adriana khi cô ta đang bận với người tình của cô. Chắc cảm giác này xuất hiện do tôi ngồi trên chiếc ghế của mẹ, bên bàn của mẹ, nhìn những con bài vứt ngổn ngang. Đôi khi những nơi chốn nhất định nào đó góp phần vào việc nhập vai như vậy, chẳng hạn, một người khi tới nhà tù liền có ngay cái hãi hùng, tuyệt vọng, cái cảm giác cô đơn mà tù nhân có thời bi đày đọa ở đấy đã trải qua. Nhưng căn phòng may hoàn toàn không phải là một trại giam, và nói chung mẹ chẳng phải chịu những nỗi thống khổ kinh khủng khiếp mà tôi gán cho mẹ một cách thiếu suy nghĩ. Mẹ vẫn sống như trước, không có gì thay đổi. Chắc hẳn cách đây mấy phút tôi có ác cảm với mẹ. Bỗng tôi hiểu rõ cuộc sống của mẹ và thế cũng đủ để nhập vai. Những người tốt bụng, khi muốn bào chữa cho các hành vi đáng chê trách, trong những trường hợp tương tự thường bảo: “Anh cứ thử ở cương vị của chúng tôi thì rõ”. Do đó, trong khoảnh khắc nào đó, tôi cảm thấy mình ở cương vị của mẹ, nét tới mức tôi hình dung ra mình chính là mẹ.
Tôi hóa thân thành mẹ, nhưng hoàn toàn nhận thức rõ điều này, điều mà tất nhiên không xảy ra với mẹ. Nếu không thế nào mẹ cũng phản đối. Tôi bỗng cảm thấy mình già nua, da dẻ nhăn nheo, mệt mỏi và hiểu thế nào là tuổi già. Nó không chỉ thay đổi dáng vẻ con người mà còn biến con người thành thân tàn, lực yếu. Mẹ thì sao? Đôi lúc thấy mẹ cởi áo tôi chẳng để ý tới bộ ngực nhẽo và thâm thâm, tới cái bụng vàng ệch và rung rung của mẹ. Bô ngực đã nuôi dưỡng tôi, cuộc sống của ta đã nảy sinh từ cái bụng ấy, - bây giờ tôi cảm thấy rõ mồn một tất cả những điều ấy, và mang nặng nỗi đau, nỗi buồn của mẹ khi mẹ thấy cơ thể mình đã thay đổi đến vậy. Sắc đẹp và tuổi trẻ đã làm cho cuộc sống xem ra cũng sống được, thậm chí còn dễ chịu. Nhưng khi sắc đẹp tàn phai, tuổi trẻ trôi qua... Tôi rùng mình hoảng sợ và bừng tỉnh thoát ra khỏi cơn ác mộng. Tôi vui mừng là tôi, Adriana, trẻ và đẹp, còn mẹ già và xấu đi, chẳng bao giờ con được như tôi. Đúng lúc đó, như một chiếc máy bị ruồng bỏ không ai nhòm ngó bắt đầu từ từ hoạt động, những suy nghĩ - chắc là đã từng dồn dập kéo đến ám mẹ khi một mình ngồi đợi tôi tại đây - nảy nở trong nhận thức của tôi. Tất nhiên, đoán biết được một người đàn bà như mẹ suy nghĩ những gì trong hoàn cảnh đó kể cũng chẳng khó khăn. Ở đại đa số người đời, đấy chỉ là những suy nghĩ lên án và khinh bỉ, vì thường ai chịu đặt mình vào địa vị người khác, mà chỉ cố tìm lý do để trách móc. Nhưng tôi yêu mẹ nên hình dung ra mình ở địa vị của mẹ, tôi biết rằng vào những giây phút ấy, mẹ chẳng hề lo lắng về tôi, sợ hãi cho tôi hay không thấy hổ thẹn, tóm lại, suy nghĩ của mẹ không chút liên quan tới việc xem lúc đó tôi đang làm gì. Tôi biết rằng suy nghĩ của mẹ xoay quanh những chuyện dớ dẩn vô nghĩa thường nảy ra trong đầu các bà già nghèo khổ và ngu tối. Họ suốt đời không thể nào tập trung suy nghĩ, dù chỉ hai ngày thôi, về một vần đề. Những suy nghĩ sâu sắc và những tình cảm mãnh liệt, thậm chí khó chịu nhất và tiêu cực nhất cũng cần có thời gian và sự chăm sóc, tựa như những cây non cần có một thời gian dài để thích nghi với thủy thổ và đâm rễ. Thế những chỉ có những suy nghĩ nhỏ nhoi chín muồi trong trái tim mẹ: buồn phiền và những mối quan tâm hàng ngày giống như cỏ dại. Như vậy là trong lúc tôi bán mình trong phòng tôi, thì ngoài này, mẹ ngồi bói bài, tiếp tục suy nghĩ về những chuyện vụn vặt quen thuộc, nếu có thể gọi như vậy những gì mẹ sống nhiều năm nay kể từ thời ấu thơ đến tận lúc này: về giá thực phẩm, những chuyện đơm đặt của xóm giềng, về tiền nhà, bệnh tật – mong sao đừng ám hại hai mẹ con tôi - về công việc mẹ phải làm và những điều vặt vãnh khác tương tự. Và có lẽ, khi nghe tiếng chuông nhà thờ gần bên vọng tới, mẹ nghĩ: “Adriana đã được tự do”. Không biết mẹ còn nghĩ những gì gì nữa? Bây giờ, sau khi đã thâm nhập được vào những dòng suy nghĩ của mẹ, cả phần hồn lẫn phần xác tôi đều hòa nhập với mẹ, và chính vì vậy tôi hiểu rõ mẹ tuốt tuột không hề có sự thêu dệt, tôi lại thấy yêu mẹ và thậm chí yêu hơn cả trước đây.
Tiếng kêu cọt kẹt đã bứt tôi ra khỏi dòng suy nghĩ. Mẹ thắp đèn lên và hỏi:
- Sao con lại ngồi trong tối thế?
Lóa mắt trước ánh đèn, tôi đứng dậy và im lặng nhìn mẹ. Tôi nhận thấy mẹ mặc toàn đồ mới. Mẹ không đội mũ, vì chẳng bao giờ mẹ đội cả. Mẹ mặc áo dài bằng vải đen thêu, tay xách chiếc túi da đen có khóa mạ vàng, cổ khoác khăn quàng bằng lông. Mẹ nhấm ướt mái tóc bạc, chải đầu cẩn thận và vấn thành một búi nhỏ và chặt ở đỉnh đầu, xung quanh găm đầy kim băng. Mẹ thậm chí còn thoa ít phấn hồng lên cặp má, hôm nào còn gày đét, bây giờ thì đã phinh phính. Tôi bất giác mỉm cười trước cái vẻ trịnh trọng và ăn diện của mẹ. Tôi tiến đến bên mẹ và nói giọng dịu dàng như mọi lần:
- Ta đi thôi, mẹ.
Tôi biết mẹ thích thong thả dạo chơi vào giờ cao điểm trên các đường phố chính, nơi có những cửa hàng sang trọng. Do đó, hai mẹ con tôi đã lên tàu điện và xuống ngay đầu phố Quốc Gia. Hồi tôi còn nhỏ, hai mẹ con tôi thường dạo chơi dọc theo phố này. Chúng tôi bắt đầu đi từ quảng trường Esedra, thong thả dạo từ hè phố bên phải, dán mắt nhìn hết tủ hàng này đến tủ hàng khác, cứ đi như vậy đến tận quảng trường Venezia. Đến đây, chúng tôi sang hè bên kia, mẹ cầm tay tôi dẫn đi, chúng tôi vẫn chăm chú ngó hàng hóa trong các cửa hàng và quay trở về quảng trường Esedra. Sau đó chẳng mua gì hết và cũng chẳng dám bước qua ngưỡng cửa của một trong vô số tiệm cà phê, mẹ dẫn tôi về nhà, mệt mỏi và buồn ngủ rũ người. Tôi nhớ rằng, tôi không thích những buổi đi dạo đó, vì tôi khác với mẹ là mẹ hài lòng trong công việc chiêm ngưỡng suông, còn tôi ao ước vào cửa hàng, mua sắm và mang về một thứ gì đó đẹp đẽ bày dưới làn ánh sáng chói trang của những tấm kính sáng loáng. Nhưng tôi rất sớm nhận rõ rằng chúng tôi nghèo vì vậy không nên bộc lộ những tình cảm của mình. Chỉ một lần, tôi không nhớ vì sao tôi lại giở chứng, đứng ngay gần giữa đường, mẹ kéo tay tôi, còn tôi cứ khăng khăng một mực không chịu đi và khóc ầm lên. Cuối cùng không đừng được, thay vì món quà mong ước, mẹ đã tặng tôi hai cái bạt tai điếng người đến nỗi tôi quên đứt ngay nỗi đau xót khôn nguôi.
Thế là tôi lại khoác tay mẹ đến quảng trường Esedra tựa hồ như tất cả những gì tôi mới kể trên đây mới xảy ra hôm qua thôi. Đây, những tấm phiếu trên vỉa hè, những đôi chân đi giày nho nhỏ, giày cỡ bự, giày cao cổ, giày cao gót và không có gót, dép xăng đan, tôi nhìn xuống cứ hoa cả mắt. Còn đây là khách qua đường người đi ngược, kẻ đi xuôi, người từng cặp, người từng nhóm, kẻ lủi thủi một mình, phụ nữ, đàn ông, người chậm rãi bước, kẻ vội vã, ai trông cũng giống nhau, chắc chính vì vậy họ muốn nổi trội hẳn lên – áo xống giống nhau, mũ giống nhau, mắt mũi mặt và môi cũng giống nhau. Còn đây là những cửa hàng: cửa hàng bán đồ lông thú, cửa hàng giày dép, văn phòng phẩm, đồ kim hoàn, đồng hồ, sách, hoa. Đây là cửa hàng vải, đồ chơi, dụng cụ gia đình, cửa hàng quần áo hợp thời trang, cửa hàng bít tất và găng tay, tiệm cà phê, rạp chiếu bóng, nhà băng. Đây là những cửa sổ rực ánh đèn trên các tòa nhà, và hẳn là những người trong nhà tung tăng đi lui đi tới khắp các căn phòng hoặc ngồi bên bàn cần cù lao động. Đây là những bảng quảng cáo sáng ánh đèn, trước sau vẫn không thay đổi. Góc phố nào cũng có những người bán báo, bán hạt dẻ rang, túm tụm đám người thất nghiệp mời khách qua đường mua bản đồ nước Mỹ hoặc dây cao su quấn ô. Còn đây là những người ăn xin, ngay ở đầu phố, một người mù đeo kính đen, tay cầm mũ đứng dựa vào tường. Xa xa một chút, một người đàn bà, trông chẳng khác gì một bà già ôm sát một đứa bé vào bộ ngực nhẽo của mình. Xa hơn nữa một người cụt tay ngồi nhấp nhổm chỗ đáng lẽ là tay thì lại là một mỏm cụt vàng ệch nhợt nhạt trông tựa đầu gối. Lại rơi vào cái đường phố này, giữa ngần ấy thứ quen thuộc, tôi bỗng thấy buồn vì cảnh vật nơi đây không có gì thay đổi. Tôi bất giác giật nảy mình tựa như bị lột trần giữa phố: một nỗi khiếp sợ lạnh người lan khắp cơ thể tôi. Từ trong một tiệm cà phê vọng ra tiếng đài thu thanh, một giọng nữ nồng nhiệt hát vang. Năm ấy đang có chiến tranh với Ethiopia, nên người đàn bà hát bài “Mặt nhọ”.
Mẹ không nhận thấy tâm trạng của tôi, vả lại, tôi cố giấu không để mẹ nhận thấy. Như tôi đã nói nhìn bên ngoài tôi là một người xởi lởi, thùy mị, điềm đạm nên khó đoán được nội tâm của tôi. Song, dẫu sao tôi cũng thấy bối rối (người đàn bà hát một bài hát đến là lâm ly). Môi run run, tôi hỏi mẹ:
- Mẹ còn nhớ mẹ đã dẫn con đến phố này ngó các tủ kính bày hàng không, mẹ?
- Nhớ, - Mẹ đáp – nhưng dạo đó mọi cái đều rẻ hơn... chẳng hạn như cái túi này, con có thể mua nó với giá vỏn vẹn ba chục lia – Chúng tôi rời cửa hàng tạp hóa và tiến đến bên cửa hàng đồ trang sức quý. Mẹ dừng lại ngó xem các đồ trang sức quý rồi nói với giọng thán phục: - Con xem kìa, nhẫn ra nhẫn... có trời mới biết được nó giá trị bao nhiêu... còn cái vòng vàng kìa... mẹ không thích nhẫn và vòng lắm... mẹ mê chuỗi ngọc kia. Một dạo mẹ cũng có chuỗi hạt san hô... nhưng sau buộc phải bán mất.
- Hồi nào thế mẹ?
- Ồ, lâu lắm rồi.
Chẳng hiểu sao tôi chợt nghĩ, làm lụng thế mà mãi tới nay không mua nổi cho bản thân một chiếc nhẫn xoàng xĩnh. Tôi bảo:
- Mẹ à... con quyết định từ nay sẽ không dẫn ai về nhà nữa, chấm dứt.
Lần đầu tiên tôi đã nói rõ với mẹ về việc của mình. Mẹ nhìn tôi với vẻ mặt mà giây phút đó tôi không hiểu rõ và đáp:
- Thì mẹ đã nhiều lần bảo con... thích gì làm vậy... con hạnh phúc là mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc rồi.
Song trông mẹ chẳng giống một con người hạnh phúc. Tôi nói tiếp:
- Con sẽ lại bắt đầu cuộc sống trước đây... Mẹ sẽ lại phải cắt và may áo sơ mi.
- Mẹ đã làm thế bao năm nay - Mẹ đáp.
- Chúng ta sẽ không có những đồng tiền như bây giờ - Tôi nói, giọng gay gắt - Thời gian gần đây hai mẹ con mình hơi xả láng một chút... Để con nghĩ xem con sẽ làm gì.
- Con sẽ làm gì? - Mẹ hy vọng hỏi.
- Con không biết nữa – Tôi đáp – có thể con sẽ làm người mẫu, cũng có thể con sẽ giúp mẹ cắt may.
- Con giúp gì mới được chứ? - Mẹ rầu rĩ nói.
- Cũng có thể - Tôi nói tiếp – con sẽ xin làm một chân người hầu... biết thế nào được?
Mặt mẹ trở nên đau khổ và buồn bã thậm chí hốc hác, nỗi vô tư đã tuột khỏi mặt mẹ tựa như chiếc lá khô bứt khỏi cây trước làn gió thu lạnh đầu tiên. Song mẹ đã nói, giọng tin tưởng:
- Tuy con đấy... mẹ đã bảo con rằng mong sao con được hạnh phúc.
Tôi biết rằng trong lòng mẹ đang bị giằng xé trước hai tình cảm mâu thuẫn nhau: tình yêu đối với tôi và sự ham muốn cuộc sống thoải mái.Tôi xót thương mẹ tuy tôi cho rằng mẹ nên lựa chọn một thôi thì hơn: hoặc tình yêu, hoặc sự tính toán. Nhưng đấy là chuyện hiếm có trên đời, chúng ta quen sống với cung cách lấy những thói hư tật xấu của bản thân hủy diệt những đức tính tốt đẹp của mình.
- Con thích cuộc sống như trước đây của con, không thích cuộc sống hiện nay nữa... con biết là có làm như vậy, con cũng chẳng được cái gì hay ho cả. – Tôi bảo.
Sau những lời này, hai mẹ con tôi im lặngkhông ai nói thêm câu nào. Mặt mẹ tái đi ngả sang màu xám, thậm chí cái vẻ gày gò trước đây lại thấy hiện lên qua lớp má hồng. Mẹ vẫn chăm chú ngó nhìn các tủ kính bày hàng, vẫn dừng lại lâu bên chúng, nhưng niềm vui và sự tò mò trước đây đã lụi tắt. Mẹ ngắm nhìn và dừng lại như cái máy,còn đầu óc mãi suy nghĩ gì đấy. Có lẽ mẹ ngó các tủ kính, nhưng không nhìn thấy gì, hoặc nói đúng hơn, không thấy hàng hóa bày trong tủ, mà thấy trước mặt mình một chiếc máy khâu bàn đạp đạp liên tục, kim khâu trồi lên thụt xuống như điên cuồng, những chiếc áo sơ mi khâu được một nửa vứt trên bàn, mảnh vải đen bọc hàng đã may xong và được mang đi khắp thành phố trả cho khách. Còn tôi, tất cả những điều này không ảnh hưởng gì đến việc tôi ngó nhìn tủ kính các cửa hàng. Tôi ngó nhìn rất rõ mọi thứ và suy nghĩ hoàn toàn tỉnh táo... Tôi phân biệt được rõ những đồ vật có ghi giá bày sau lớp kính, và thầm nhắc đi nhắc lại rằng nếu tôi không thích hành nghề của mình - thật quả là như vậy – thì xét cho cùng tôi chẳng còn biết làm gì khác nữa. Lúc này, tôi có khả năng mua đại bộ phận các mặt hàng trong tủ kính này, nhưng nếu một khi làm người mẫu hoặc làm những công việc khác tương tự thì đành phải vĩnh viễn không dám mơ tưởng đến điều ấy, lúc đó hai mẹ con tôi phải sống một cuộc sống chật vật, nghèo túng, thiếu thốn, chịu đựng những hy sinh không cần thiết và phải tiết kiệm một cách vô lý như trước đây. Bây giờ tôi còn hy vọng ai đó sẽ tặng tôi một thứ đồ trang sức quý. Còn nếu như tôi quay trở lại cuộc sống cũ, đồ trang sức quý đối với tôi xem ra khó đạt được và khó với tới như sao trên trời. Tôi cảm thấy ghê tởm sự tồn tại trước đây của tôi, và tôi thấy nó khờ dại, nặng nề và vô hy vọng, đồng thời tôi cảm thấy toàn bộ tính chất lố bịch của sự việc đã khiến tôi định thay đổi cuộc đời. Trăm sự cũng chỉ do một tay sinh viên tôi đã phải lòng, nhưng lại không chịu biết tới tôi, chỉ do tâm niệm là anh ta khinh bỉ tôi. Chính vì vậy nên tôi muốn trở thành một con người khác. “Kể cũng đáng tự hào thật, tôi nghĩ, song chẳng nên vì niềm tự hào ngu dại ấy mà đặt mình, đặc biệt là mẹ, vào cái cảnh thảm hại trước đây”. Tôi bỗng hình dung thấy Giacomo, thấy cuộc đời của anh ta, một cuộc đời đã xích lại gần và quyện với cuộc đời tôi trong một thời gian ngắn rồi tách ra đi theo con đường của mình, còn tôi tiếp tục đi trên con đường đã dấn vào trước đây. “Nếu mình gặp một người dù nghèo khổ yêu mình và lấy mình, đó lại là chuyện khác – tôi nghĩ – liệu có đáng làm hỏng cuộc đời mình vì cái ý muốn nhất thời ấy không?”. Trước ý nghĩ này, lòng tôi thấy nhẹ nhõm và thanh thản. Về sau, bao giờ tôi cũng thấy nhẹ nhõm và thanh thản không chỉ khi vượt qua những khó khăn xuất hiện trước số phận tôi, mà cả những lúc xông vào những khó khăn ấy. Tôi có sao cứ giữ nguyên như vậy, chẳng nên đổi chác làm gì. Tôi có thể - kể cả kỳ quặc những thôi kệ - hoặc là một người vợ tốt, hoặc là một phụ nữ bán mình, nhưng nhất định không phải là một kẻ nghèo khó kiệt sức và chịu túng thiếu chỉ vì một mục đích duy nhất – không để mất niềm kiêu hãnh về bản thân. Cuối cùng, cam chịu với số phận của chính mình, tôi mỉm cười.
Chúng tôi đang ở gần một cửa hàng bán đồ lụa và len của phụ nữ, mẹ bảo:
- Con xem kìa, chiếc khăn trùm đầu đẹp quá, kể mẹ có một cái cũng thích.
Bình tĩnh và vui vẻ trở lại, tôi ngước mắt ngó nhìn chiếc khăn mẹ thích. Nó thật nhã, hình trắng đen vẽ chim và cành cây. Cửa hàng mở rộng cửa, ngoài phố đã thấy có một cái quầy trên để một chiếc hộp ngăn ra lamg nhiều ngăn trong đó khăn vứt ngổn ngang bừa bộn. Tôi hỏi mẹ:
- Mẹ thích chiếc khăn này à?
- Ừ, nhưng sao?
- Mẹ sẽ có nó bây giờ... nhưng trước hết mẹ đưa chiếc túi của mẹ cho con, mẹ xách túi của con đây.
Mẹ không hiểu đầu đuôi ra sao và ngạc nhiên nhìn tôi. Chẳng nói chẳng rằng tôi xách chiếc túi bằng da đen của mẹ, còn giúi vào tay mẹ chiếc túi của mình vì nó hơi bé. Mở khóa túi ra và dùng ngón tay giữ cho nó không sập vào, tôi đủng đỉnh bước tới cửa hàng ra vẻ như định mua một thứ gì đó. Mẹ chẳng hiểu sao, nhưng không dám hỏi, cũng bước theo tôi vào. Tôi tiến đến bên chiếc hộp có nhiều ngăn và bảo cô bán hàng:
- Chúng tôi muốn chọn một chiếc khăn.
Cô bán hàng bày ra trước mặt tôi và nói:
- Đây là khăn lụa... đây là khăn Cashmir... đây là khăn len... còn đây là khăn bằng bông.
Tôi đứng sát quầy, tay cầm túi hơi thấp hơn vùng thắt lưng, còn tay chọn khăn, đảo tung lên, giơ ra chỗ sáng ngó kĩ, so sánh về hình vẽ và màu sắc.
Loại khăn có họa tiết trắng đen như vậy ít ra phải có cả tá. Tôi cố ý kéo một chiếc khăn ra ngoài mép hộp và để một đầu nó rủ lơ lửng xuống quầy. Sau đó, tôi bảo cô bán hàng:
- Thật tình, tôi muốn mua một chiếc khăn rực rỡ hơn.
- Chỗ chúng tôi có loại thượng hảo hạng, - Cô bán hàng đáp – nhưng đắt đấy.
- Chị làm ơn lấy cho tôi xem.
Cô bán hàng quay người lại và lấy ra ở trong tủ một chiếc hộp. Tôi vội đứng né người khỏi quầy một chút và mở túi xách ra. Tôi cầm một đầu khăn kéo xuống và nhanh như chớp áp người vào quầy.
Trong lúc đó, cô bán hàng lôi ra khỏi tủ một chiếc hộp bằng bìa các tông, đặt lên trên mặt quầy và đưa cho tôi xem những chiếc khăn lớn hơn và đẹp hơn. Tôi bình tĩnh ngó chúng một hồi lâu đưa ra vài nhận xét về màu sắc và hình vẽ, rồi đưa cho mẹ xem, mẹ nhìn rõ mọi việc và sợ tái mặt, chỉ lẳng lặng gật đầu.
- Giá bao nhiêu hả chị - Cuối cùng tôi lên tiếng hỏi.
Cô bán hàng nêu lên một cái giá. Tôi đáp, giọng lấy làm tiếc:
- Chị nói đúng, quả thật là quá đắt, ít ra cũng là với tôi, dẫu sao, rất cảm ơn chị.
Chúng tôi ra khỏi cửa hàng và tôi vội đi tới một nhà thờ gần nhất, tôi sợ cô bán hàng có thể nhận ra chiếc khăn bị mất và đuổi theo chúng tôi. Mẹ khoác tay tôi và nhớn nhác nhìn quanh hệt như một kẻ đang say không hoàn toàn tin chắc rằng quanh mình toàn người tỉnh, vì thấy mọi người chao đảo và xô nhau. Tôi cố nén để khỏi bật cười, trông mẹ thật tức cười. Bản thân tôi, tôi chẳng biết mình ăn cắp chiếc khăn làm gì, xét cho cùng, sự việc này chẳng có nghĩa lý gì cả, vì tôi đã ăn cắp một lần rồi - ở nhà chủ Gino tôi đã lấy cắp chiếc hộp đựng phấn – trong chuyện này, bước đầu tiên rất quan trọng. Bây giờ tôi cũng cảm thấy một cảm giác vui thích như lần trước. Xem ra tôi hiểu biết khá rõ kẻ cắp. Vài phút sau, chúng tôi đến bên nhà thờ, tôi hỏi mẹ:
- Ta vào nhà thờ một lát chứ, mẹ?
Mẹ đáp, vẻ phục tùng:
- Tùy con.
Hai mẹ con bước vào ngôi nhà thờ nhỏ màu trắng có hình dáng tròn tròn và hàng cột chạy dọc các bức tường làm cho nó trông có vẻ như một phòng khiêu vũ. Tai đây có kê hai hàng ghế. Một làn ánh sáng tuôn qua cửa sổ trên mái vòm, rọi vào mặt ghế nhẵn bóng. Tôi ngước mắt lên nhìn và thấy toàn bộ mái vòm đều vẽ tranh, vẽ những thiên thần đang dang cánh bay lượn. Tôi liền cảm thấy yên tâm, những vị thần tuyệt vời và đầy quyền lực kia sẽ che chở cho tôi và cô bán hàng phải đến tối mới nhận ra chiếc khăn bị mất. Cảnh im ắng long trọng, mùi trầm, ánh sáng mờ mờ tối trong nhà thờ làm cho đầu óc tôi đỡ căng thẳng sau cảnh ngược xuôi ngoài phố và ánh nắng quá gắt. Khi vội vã bước vào nhà thờ, tôi gần như phải đẩy mẹ vào, còn bản thân tôi thấy yên tâm ngay, và nỗi sợ của tôi đã tan biến. Mẹ tìm kiếm cái gì đấy trong túi xách của tôi mà lúc nãy mẹ vẫn xách nơi tay. Tôi đưa cái túi cho mẹ và khẽ bảo:
- Mẹ đội khăn vào đi.
Mẹ mở cái túi ra và choàng lên đầu chiếc khăn vừa ăn cắp được. Chúng tôi nhúng mấy ngón tay vào nước thánh và ngồi xuống hàng ghế đầu ngay trước điện chính.
Tôi quỳ sụp xuống, còn mẹ vẫn ngồi trên ghế, tay đặt trước bụng, mặt khuất sau tấm khăn lớn. Tôi biết mẹ đang lo và tôi bất giác so sánh thái độ bình tĩnh của tôi với nỗi bối rối đang day dứt lòng mẹ. Tôi đang ở trong một trạng thái tinh thần thanh thản, êm dịu và tuy nhận thấy mình có hành vi bị tôn giáo lên án, song không thấy lương tâm bị cắn dứt và bây giờ tôi cảm thấy được gần Chúa hơn lúc chẳng làm gì đáng chê trách và làm việc suốt đêm mà không có đủ tiền tiêu. Tôi nhớ là tôi đã giật mình sau khi nhìn thấy cái đường phố đâyph người ấy và được an ủi trước ý nghĩ cho rằng Chúa thấu suốt lòng tôi, không hề thấy tôi có ý nghĩ xấu xa – đây là điều an ủi tôi sống trên đời này, và đây cũng là điều xóa bỏ tội lỗi cho mọi người nói chung. Tôi biết rằng Chúa ở trên trời cao đâu phải để lên án và trừng phạt tôi, mà để cứu tôi khỏi sa vào chốn lầm lạc, vì sự tồn tại của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào ý Người. Như một cái máy, tôi đọc đi đọc lại những lời cầu nguyện, mắt nhìn lên điện thờ nơi tượng thánh nhờ nhờ nổi lên dưới ánh nến. Tôi thấy đấy là tượng Đức Mẹ, và tôi hiểu rằng Đức Mẹ sẽ chẳng để tâm tới những chuyện không đâu, như xem xét hành vi của tôi trong chuyện này nọ ra sao, quan trọng hơn là vấn đề khác, như liệu tôi có thể hy vọng được Đức Mẹ phù hộ cho trong cuộc sống không. Tôi chợt thấy bức tượng thánh nằm lọt giữa ánh sáng các ngọn nến đang thắp sáng sẽ ban phúc cho tôi. Tôi nhận biết được điều đó qua làn hơi ấm khác thường bỗng lan tỏa khắp người tôi. Như vậy, tôi được hạnh phúc, tuy chẳng hiểu gì trong cuộc sống, chẳng rõ con người sống để làm gì.
Mẹ ngồi xa chỗ tôi, buồn bã và đăm chiêu, chiếc khăn mới tụt xuống trán. Mẹ ngoái lại nhìn tôi, không thể không mỉm cười âu yếm.
- Mẹ cầu nguyện đi... mẹ sẽ thấy thanh thản hơn – Tôi khẽ nói.
Mẹ giật mình, sau vài giây lưỡng lự, miễn cưỡng quỳ xuống, chắp hai tay lên ngực. Tôi biết mẹ không còn tin vào Chúa nữa, trong con mắt mẹ, tôn giáo chỉ là một thứ lừa dối và nhằm mục đích duy nhất là buộc mẹ phải dịu dàng lãng quên mọi nỗi gian truân và vất vả của cuộc sống. Đồng thời mẹ máy móc lắp bắp môi. Thấy vẻ mặt không thành kính, rẫu rĩ của mẹ, tôi lại mỉm cười. Tôi những muốn an ủi mẹ, bảo rằng tôi đã suy nghĩ lại, rằng mẹ đừng lo, sẽ không có cái công việc trước đây nữa. Trong cách cư xử của mẹ có một cái gì đó trẻ con thế nào ấy. Mẹ giống như một cô bé bị thất hứa không được ăn kẹo, chính là nét đặc trưng xác định thái độ của mẹ đối với tôi. Nếu không có điều này thì có thể nghĩ rằng mẹ định lợi dụng nghề của tôi vào mục đích vụ lợi của mình, nhưng tôi biết không phải vậy.
Cầu nguyện xong, mẹ làm dấu thánh, nhưng vẻ miễn cưỡng và uể oải, tựa hồ như muốn chứng tỏ rằng mẹ làm vậy chẳng qua chỉ vì tôi. Tôi đứng dậy và ra hiệu tỏ ý rủ mẹ ra. Ra tới ngưỡng cửa nhà thờ, mẹ tháo khăn trùm đầu xuống, gấp cẩn thận bỏ vào túi xách. Hai mẹ con quay lại phố Quốc gia, tôi đi tới quán giải khát:
- Ta uống chút rượu vermut, mẹ ạ - Tôi đề nghị.
Mẹ phản đối:
- Thôi thôi, chẳng cần đâu... hoàn toàn không cần thiết chút nào.
Nhưng giọng mẹ có vẻ vừa hài lòng, lại vừa rụt rè. Mẹ lúc nào cũng vậy, đó chẳng qua là do thói quen trước đây sợ phải tiêu nhiều tiền không cần thiết.
- Cần chứ mẹ! Một cốc vermut – Tôi nói.
Mẹ lẳng lặng theo tôi bước vào quán giải khát.
Đây là một quán cà phê có bán cả thức ăn, tường ốp bằng gỗ vàng tâm nhẵn bóng, trong các tủ kính rộng thấy có bày các hộp đẹp trông thật thích mắt. Hai mẹ con tôi ngồi khuất một góc, một gọi hai cốc vermut. Mẹ hơi sợ khi nhìn thấy người phục vụ, và ngồi im, bối rối đưa mắt nhìn xuống sàn. Khi người phục vụ bê rượu vermut ra, mẹ nhấc cốc lên môi, đặt cốc xuống bàn, rồi đưa mắt nhìn tôi, giọng nghiêm chỉnh:
- Ngon thật!
- Rượu vermut mà – Tôi giải thích.
Người phục vụ lại bưng ra một đĩa bánh ngọt, tôi đẩy đĩa bánh về phía mẹ và mời:
- Mẹ ăn bánh đi.
- Không, không, lạy Chúa...
- Mẹ ăn đi mà.
- Tí nữa về nhà ăn không ngon miệng.
- Một chiếc thì chẳng sao đâu – Tôi nhìn đĩa bánh, chọn một chiếc có lớp kem và mời mẹ: - Mẹ ăn cái này này, không sao đâu...
Mẹ đỡ chiếc bánh và nhỏ nhẹ cắn từng miếng nhỏ, chốc chốc lại nhìn chiếc bánh, vẻ tiêng tiếc.
- Bánh ngon thật đấy! – Cuối cùng mẹ nói.
- Mẹ ăn chiếc nữa đi – Tôi mời.
Lần này không phải mời mọc nhiều, mẹ cầm chiếc bánh thứ hai. Uống xong cốc vermut hai mẹ con im lặng ngắm nhìn cảnh nhộn nhịp trong quán. Tôi nhận thấy mẹ thích thú ngồi tại cái góc này. Sau khi uống cốc rượu vermut và ăn hai chiếc bánh ngọt, mẹ tò mò nhìn đám khách mà không nói nên được lời nào. Chắc lần đầu tiên tới một quán cà phê thế này, và trước những ấn tượng mới mẻ, mẹ không biết nói sao nữa.
Một bà trẻ tuổi dắt một cháu gái mặc áo bành tô ngắn, có cổ lông màu trắng, đi tất và găng tay trắng bước vào quán. Người mẹ chọn trên tủ kính một chiếc bánh ngọt rồi đưa cho cô con gái. Tôi bảo mẹ:
- Hồi con còn nhỏ mẹ chẳng bao giờ dẫn con vào hiệu bánh kẹo cả.
- Dẫn sao nổi, hả con - Mẹ đáp.
- Thế mà bây giờ con lại đưa mẹ tới đây – Tôi bình tĩnh đáp.
Mẹ im lặng, rồi buồn bã nói:
- Như vậy là con trách mẹ đã vào đây... Thì mẹ có muốn vào đâu.
Tôi túm tay mẹ và nói:
- Con chẳng oán trách gì mẹ đâu... Con rất vui là đã đưa mẹ tới đây... bà ngoại chẳng bao giờ đưa mẹ tới hiệu bánh kẹo, phải không mẹ?
Mẹ lắc đầu nói:
- Từ năm mười tám tuổi, mẹ chẳng ra khỏi phạm vi chúng ta đang ở.
- Bây giờ mẹ thấy đấy – tôi nói tiếp – trong mỗi gia đình thể nào cũng có một người, sớm hay muộn sẽ lựa chọn công việc khác mọi người... cả mẹ và bà ngoại, chắc cả cụ ngoại cũng không làm cái công việc... như con sẽ làm... trước thế nào, sau cứ mãi mãi như vậy.
Mẹ chẳng nói gì cả, và hai mẹ con ngồi im lặng nhìn mọi người xung quanh thêm mười lăm phút nữa. Sau đó tôi mở ví lấy thuốc lá ra hút. Thường những phụ nữ như tôi khi hút thuốc ở chỗ công cộng sẽ gây sự chú ý của đàn ông. Song vào giây phút đó, tôi không có ý định bắt khách, thậm chí tôi còn quyết định nghỉ ngơi ngày hôm ấy cho ra trò. Chẳng qua tôi muốn hút thuốc, có vậy thôi. Ngậm điếu thuốc trên môi, tôi rít một hơi và nhả khói ra đằng mồm và đằng mũi, sau đó kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay ngồi nhìn mọi người.
Nhưng thật bất ngờ, trái với ý định của tôi, cái động tác đó có một vẻ gì khêu gợi, nên tôi nhận thấy một đàn ông đứng cạnh quầy tay cầm tách cà phê bỗng sững người như hóa đá, tách cà phê như lơ lửng trong không gian, người đó chằm chằm nhìn tôi. Đấy là một người đàn ông không cao lớn, tuổi trạc bốn mươi, trán thấp, tóc quăn, mắt hơi lồi và hàm bạnh. Gáy anh ta u lên, trông tưởng như không có cổ. Trông anh ta tựa như một con bò mộng chúi đầu, đứng đờ ra bất động khi thấy tấm vải đỏ trước khi lao vào húc. Anh ta đứng im không nhúc nhích, tay cầm tách cà phê, mắt nhìn tôi. Anh ta ăn mặc bảnh bao, nhưng không đến nỗi quá phong lưu. Chiếc áo bành tô ngắn bó lấy đôi vai lực lưỡng của anh ta. Tôi buông sụp mí mắt, thầm nghĩ xem có nên quan hệ với loại người như vậy không. Tôi đoán ngay anh ta thuộc loại đàn ông chỉ cẩn một cái liếc mắt dịu dàng là đỏ cả mặt lẫn tai, nhưng tôi vẫn chưa biết rõ liệu mình có ưng anh ta không. Ý muốn quyến rũ anh ta thôi thúc tôi mãnh liệt như sức sống âm ỉ đang thúc những mẫm non mơn mởn nhủ lên khỏi lớp đất cứng. Ý muốn này mãnh liệt tới mức tôi liền bỏ ngay cái mặt nạ đoan chính. Tất cả những sự việc trên diễn ra vỏn vẹn sau một tiếng đồng hồ khi tôi quyết định bỏ nghề của mình. Rõ ràng là còn biết làm sao được nữa, sự việc đó mạnh hơn tôi, tôi nghĩ, và tôi đã nghĩ tới nó một cách vui vẻ, vì sau giây phút bước ra khỏi nhà thờ, tôi đành cam chịu số phận, sự cam chịu này phải trả giá bằng một cái giá đắt hơn bất kỳ một sự từ chối có lợi nào. Như vậy là, sau một phút suy nghĩ, tôi đưa mắt nhìn người đàn ông. Anh ta vẫn đứng chỗ cũ, bàn tay to tướng đầy lông nắm chiếc tách, cặp mắt như mắt bò dán chặt nhìn tôi. Lúc đó, như người ta vẫn thường nói, tôi đưa anh ta vào đường ngắm, giở giói mọi trò láu lỉnh ma quái của mình, tôi mỉm cười và nhìn anh ta say đắm một hồi lâu. Anh ta không quay đi chỗ khác mà nhìn lại tôi, nhưng, như tôi dự đoán, mặt đỏ gay. Anh ta uống vội tách cà phê, đặt tách xuống quầy, rồi với vẻ quan trọng và oai vệ tiến tới chỗ thu tiền để trả tiền. Ra đến ngưỡng cửa, anh ta ngoái lại nhìn và gật đầu nhìn tôi với vẻ như ra lệnh. Tôi đưa mắt đáp đồng ý. Khi anh ta bước ra ngoài, tôi bảo mẹ:
- Con phải đi ra đây một tí, mẹ ạ... Mẹ ngồi lại đây một lát nhé, con không thể về cùng với mẹ được.
Do mải nhìn mọi người, mẹ hơi giật mình vì bất ngờ.
- Con đi đâu... để làm gì cơ?
- Con có người đợi ở ngoài phố - Tôi đứng dậy và nói - tiền đây, mẹ, mẹ trả xong, mẹ về nhà nhé... con sẽ về nhà trước mẹ, nhưng không phải một mình.
Mẹ bối rối nhìn tôi, tôi có cảm giác mẹ bị lương tâm cắn rứt, song mẹ vẫn ngồi im không nói gì. Tôi gật đầu chào mẹ, rồi bước ra ngoài. Người đàn ông đợi tôi. Tôi ra đến ngoài phố, anh ta liền nắm chặt cánh tay tôi:
- Ta đi đâu đây?
- Về nhà em.
Như vậy là sau mấy tiếng đồng hồ bị dày vò về tinh thần, tôi đã cự tuyệt đấu tranh chống lại điều tôi đã coi là số phận của mình và lại cố bám chắc lấy nó như người ta túm chặt kẻ thù mà không thể quật ngã được, và tôi liền cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Chắc có người sẽ bảo chấp nhận sự khinh bỉ, nhưng có lợi thì tốt hơn là khước từ nó. Song tôi đã nhiều lần tự hỏi không hiểu sao nỗi buồn và ác cảm cứ bám rễ trong tâm hồn những con người không muốn sống một cách đứng đắn, nhưng lại tin theo những lý tưởng cao siêu, và không hiểu sao, ngược lại, những người coi cuộc đời mình chẳng ra sao, buồn thảm và vô mục đích thì lại thường là những con người vui vẻ và vô tư. Tuy nhiên, mỗi người tuân thủ không phải các quy tắc mà là bản tính của mình – cái định trước số phận thực sự của người đó. Thế mà bản tính tôi lại đòi hỏi tôi phải duy trì bằng mọi giá tính vui tươi yêu đời, sự dịu dàng thùy mị và thái độ bình tĩnh. Và tôi đã phục tùng.