Ngay ngày hôm sau, tôi đến căn phòng có kê đồ gỗ để thăm Gisella. Đang là giữa trưa. Thường thì vào giờ này Gisella mới ngủ dậy và mặc áo xống đi gặp Ricardo. Tôi ngồi xuống chiếc giường chưa được thu dọn, còn Gisella cứ đi đi lại lại khắp căn phòng tranh tối tranh sáng, giữa những chiếc áo dài và áo lót vứt ngổn ngang bừa bãi. Tôi bình tĩnh kể cho cô ta nghe mình đã đến gặp Astarita ra sao. và anh ta cho biết Gino có vợ và một con như thế nào. Nghe tin ấy, Gisella thốt lên, chẳng ra vui mừng, chẳng ra ngạc nhiên, rồi đến ngồi trước mặt tôi và ôm lấy vai tôi.
- Cậu nói gì vậy... không thể như thế được... có vợ, có con... đúng thế không?
- Con gái anh ta tên là Maria.
Rõ ràng cô ta muốn hỏi tường tận mọi chuyện và bàn cãi tin này, nhưng bị cụt hứng trước vẻ bướng bỉnh của tôi.
- Có vợ và một con gái... con gái tên là Maria... Thế mà cậu nói chuyện ấy cứ thản nhiên như không à.
- Thế biết nói thế nào?
- Cậu không buồn à?
- Tất nhiên là buồn.
- Thế nghĩa là anh ta bảo Gino Molinari có vợ và một con nhỏ đúng không?
- Đúng.
- Thế cậu bảo gì Astarita?
- Chẳng bảo gì cả, biết bảo gì được?
- Thế cậu đã xử sự ra sao? Khóc chứ?... Xét cho cùng đây là một sự cố đối với cậu.
- Không. mình không khóc.
- Bây giờ cậu làm sao lấy được hắn ta nữa! – Gisella thốt lên, vui vẻ và sốc nổi - Đểu cáng thật... Nhẫn tâm đến thế là cùng... một cô gái khốn khổ, sống có thể nói vì mỗi mình hắn ta... Bọn đàn ông đểu cáng đến thế là cùng.
- Gino chưa hay biết mình đã biết rõ mọi chuyện. – Tôi nói.
- Ở địa vị cậu, cô bạn thân mến ạ - Gisella thốt lên, vẻ xúc động – Mình sẽ nói thẳng toàn bộ sự thật vào mặt hắn ta, và cho hắn ta vài cái bạt tai ra trò.
- Mình đã hẹn hắn ta trong vòng mười ngày nữa – Tôi đáp – Mình nghĩ chúng mình sẽ vẫn giữ những mối quan hệ của chúng mình như trước đây.
Gisella ngả người ra sau, mở to mắt ngạc nhiên:
- Nhưng để làm gì? Cậu vẫn thích hắn ta à? Sau tất cả những chuyện hắn ta đã gây ra cho cậu?
- Không – Tôi đáp và cố gắng lắm mới kìm nén được xúc động – Bây giờ mình không mê hắn ta lắm... Nhưng – Tôi do dự và sau khi vượt qua được bản thân, tôi nói tiếp: - Đâu phải bao giờ cái tát và lời sỉ vả cũng là công cụ trả thù tốt nhất?
Gisella im lặng nhìn tôi trong giây lát, cô ta nheo mắt và ngả đầu về phía sau tựa như các họa sĩ vẫn thường làm khi ngắm các tác phẩm của mình, rồi thốt kêu lên:
- Cậu nói đúng đấy... thế mà mình không nghĩ ra... cậu có biết ở địa vị của cậu, mình sẽ xử sự ra sao không? Mình rất thản nhiên để mặc hắn ta trong tình trạng đui mù hạnh phúc, rồi một ngày nào đó, hấp, thế là mình cho cu cậu rơi luôn. – Tôi không đáp lại một lời nào. Một phút sau, cô ta nói tiếp, giọng hào hứng: - Mãi lúc này mình vẫn còn sững sờ cả người... Có vợ và một con gái... thế mà trước mặt cậu hắn ta cứ nhơn nhơn ra điều ta đây trong trắng chưa có vợ con gì hết, mà lại còn bắt cậu mua đồ gỗ, may đồ cưới, bày vẽ đủ điều! – Tôi một mực im lặng. – Thì chính mình – Gisella lên giọng, vẻ trịnh trọng - Cậu phải thừa nhận, chính mình đã biết tỏng ngay hắn ta, và mình cũng bảo cậu rồi, phải không nào? Cái con người ấy nó lừa dối cậu, tội nghiệp Adriana.
Gisella ôm hôn tôi. Tôi cứ để cô ta hôn, rồi nói:
- Đúng, nhưng điều đáng sợ nhất là vì hắn ta, mình đã tiêu hết tiền của mẹ mình.
- Thế mẹ cậu biết chuyện chưa?
- Chưa, hiện nay thì chưa biết.
- Về tiền nong thì đừng lo – Cô ta kêu lên – Astarita chết mê chết mệt cậu, nếu cậu muốn bao nhiêu hắn ta cũng sẽ đưa.
- Mình chẳng muốn thấy mặt Astarita – Tôi đáp - Bất kỳ ai cũng được, trừ Astarita.
Phải công nhân Gisella không phải là loại người quá ngu đần. Cô ta liền hiểu ngay rằng, ít ra lúc này không nên nói đến Astarita, và đồng thời cũng hiểu rõ lúc này tôi đang nói “bất kỳ ai cũng được” có nghĩa là gì. Có ta làm ra vẻ trầm ngâm suy nghĩ, sau đó bảo:
- Xét cho cùng cậu nói đúng đấy, mình hiểu cậu... sau tất cả những chuyện vừa rồi, mình cũng chẳng khoái gặp Astarita lắm, hắn ta cứ muốn giở giói cái trò thượng cẳng chân hạ cẳng tay để tước đoạt mọi thứ... và hắn ta kể cấi chuyện Gino để trả thù cậu đấy. – Cô ta im lặng, rồi trịnh trọng tuyên bố: - Để việc này đấy cho mình, cậu có muốn mình giới thiệu cậu với một người sẵn sàng giúp cậu không?
- Muốn chứ.
- Để việc này mình lo.
- Có điều mình chẳng muốn bị trói buộc vào một ai nữa – Tôi nói thêm – Mình muốn được tự do.
- Để việc này mình lo – Cô ta nhắc lại lần thứ hai.
- Trước hết mình muốn hoàn lại toàn bộ số tiền cho mẹ mình – Tôi nói tiếp - muốn mua dăm ba thứ cho bản thân và cuối cùng, không muốn cho mẹ mình phải làm việc nữa.
Lúc này Gisella đã ngồi bên bàn trang điểm.
- Cậu bao giờ cũng quá nhân từ Adriana ạ. – Cô ta nói và vội đánh phấn lên mặt – Bây giờ cậu đã sáng mắt rõ lòng nhân từ đến đâu rồi đấy.
- Sáng nay mình không đi làm người mẫu – Tôi tuyên bố - Mình đã quyết định bỏ công việc đó.
- Đúng – Gisella hưởng ứng – Xét cho cùng mình làm cái công việc ấy cũng là vì... – Và cô ta nêu tên một họa sĩ - Chỉ cốt để anh ta vui lòng mà thôi, anh ta xong việc là mình té ngay.
Tôi hoàn toàn yên tâm, và lúc này thấy rất rõ cảm tình với Gisella. Tôi coi mấy lời “để việc này mình lo” như lời cổ vũ, lời tâm huyết và chân thành giải quyết trong chớp nhoáng mọi khó khăn của tôi. Tôi biết rất rõ Gisella muốn giúp tôi chẳng phải vì lòng mến yêu như trường hợp xảy ra với Astarita mà chẳng qua là cô ta, có thể vô ý thức, muốn tôi nhanh chóng sa vào tình cảnh hệt như cô ta hiện đang lâm vào, - vì có ai làm bất kỳ một việc gì không công đâu – và do lần này ý muốn của Gisella trùng với của tôi, nên tôi chẳng có lý do gì dể khước từ sự giúp đỡ của cô ta, tuy nó chẳng vô tư.
Gisella rất vội, cô ta đã muộn giờ đến gặp chồng chưa cưới. Chúng tôi, cùng ra khỏi nhà và bước xuống cầu thang tối om, dốc và hẹp trong căn nhà cũ. Lúc ra ngoài cầu thang do vẫn còn trong tâm trạng bị kích động, hoặc có lẽ do muốn làm dịu nỗi đau khổ của tôi và tỏ ra nỗi đau không phải của riêng tôi, Gisella bảo tôi:
- Mình bắt đầu cảm thấy Ricardo muốn chơi mình một vố như vậy.
- Anh ta cũng có vợ rồi à? – Tôi ngây thơ hỏi.
- Không, tất nhiên là chưa vợ... Ấy chẳng qua mình nghĩ anh ta đang xỏ mũi mình... mình tuyên bố với anh ta: anh thân yêu, em chẳng hám anh lắm đâu, nếu anh thích thì anh anh em em, không thích thì anh cứ việc tùy ý muốn cuốn đi đâu thì đi.
Tôi chẳng nói gì cả, nhưng nghĩ bụng: Tôi và Gisella khác nhau một trời một vực, và quan hệ của cô ta với Ricardo làm sao có thể ví với quan hệ của tôi với Gino. Xét cho cùng, cô ta chưa bao giờ ảo tưởng về Ricardo, và như đôi lúc tôi đã rõ, đôi lúc cô ta vô liêm sỉ phản bội anh ta, còn tôi, với tất cả lòng ngây thơ trong trắng của mình, tôi hy vọng trở thành vợ Gino và luôn luôn thủy chung với anh, vì không thể gọi trường hợp tôi nhượng bộ Astarita ở Viterbo là phản bội được, dù tôi có bị Astarita tố giác là phản bội. sợ nói ra Gisella sẽ giận, tôi đành im lặng. Ra tới cửa, chúng tôi chia tay nhau, hựn chiều tối mai sẽ gặp nhau ở quán cà phê. Cô ta yêu cầu tôi đừng đến muộn, vì chắc chắn cô ta sẽ không đi một mình. Sau đó Gisella ù té chạy đi.
Tôi thấy phải kể cho mẹ nghe mọi chuyện đã xảy ra, nhưng tôi không đủ nghị lực. Mẹ thực sự yêu tôi, nên khác với Gisella là người đã coi sự lừa dối của Gino chỉ là một bằng chứng khẳng định cô ta nói đúng và thậm chí cô ta còn chẳng buồn giấu vẻ đắc thắng của bản thân, tất nhiên là mẹ sẽ đau buồn và chẳng vui gì trước thắng lợi này của mẹ. Mẹ ước mong sao cho tôi được sống hạnh phúc, và chẳng bận tâm nó đến với tôi bằng con đường nào, chẳng qua mẹ cho rằng Gino không thể tạo dựng được hạnh phúc cho tôi. Sau một hồi lâu do dự, tôi quyết định không nói gì với mẹ. Cứ để chiều tối mai, chính mắt mẹ được chứng kiến mọi việc, và tuy tôi nhận thấy dùng cách này để mẹ nhận thấy rõ thực chất sự kiện đã đảo lộn cuộc đời tôi, có lẽ quá tàn nhẫn, song như vậy sẽ tránh được những lời giải thích, nhận xét và những cuộc trò chuyện đại loại như với Gisella, lúc đó cô ta tỏ ra hào phóng biết bao. Thực lòng mà nói, bây giờ cứ nghĩ đến việc chuẩn bị cưới xin, tôi thấy rộn cả người, và tôi chẳng muốn nghĩ cũng như nói với bất kỳ ai về chuyện này.
Sáng hôm sau, sợ những lời căn vặn của mẹ (vì mẹ đã thấy nghi nghi thế nào ấy), tôi bảo mẹ phải ra chỗ hẹn gặp Gino, rồi ra khỏi nhà và gần như biệt tăm suốt ngày. Tôi đã may cho mình một bộ đồ xám mới rành riêng cho đám cưới, định bụng sẽ mặc ngay sau lễ cưới. Đây là bộ diện nhất của tôi, tôi do dự, suy tính hồi lâu xem có nên mặc nó hay không. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ vẫn cứ phải mặc thôi, không hôm nay thì hôm khác. Hơn nữa nhận thấy đàn ông bao giờ cũng coi trọng cái vẻ bề ngoài, tôi cần phải gây một ấn tượng có lợi nhất, làm sao cố tạo ra được một dáng vẻ càng lịch sự càng hay để moi được nhiều tiền hơn, do đó tôi đã dứt bỏ mọi nỗi do dự của bản thân. Như vậy, lòng không xốn xang, xúc động, tôi mặc ngay bộ cánh sang nhất mà lúc này nhớ lại, nó chẳng lấy gì làm đẹp lắm, và nói cho đúng hơn, chẳng qua chỉ là một thứ đồ thảm hại, như mọi cái áo dài khác của tôi dạo ấy, sau đó tôi chải đầu, cẩn thận bôi một chút son phấn, song không đến nỗi thắm đậm hơn mọi ngày. Về điểm này tôi muốn nói rằng tôi không thể hiểu tại sao nhiều phụ nữ hành nghề như tôi khi bước chân ra vỉa hè lại bôi son trát phấn bự đến nỗi trông mặt cứ như một chiếc mặt nạ. Chắc vì lối sống của họ nên da dẻ nhợt nhạt, cũng có thể sợ không bôi đậm như thế thì không làm cho đàn ông chú ý hoặc đàn ông sợ không dám bắt chuyện với họ. còn tôi, tuy phờ phạc và mệt mỏi, tôi luôn giữ được da mặt màu bánh mật khỏe khoắn, chẳng cần phải làm bộ giản dị, tôi có thể nói rằng, ở ngoài phố, bắt cánh đàn ông phải ngoái lại ngắm tôi là chuyện không khó khăn gì đối với tôi, và cũng chẳng cần quá tốn kém những đồ trang điểm. Tôi thu hút sự chú ý của đàn ông không bằng cặp má ửng hồng, đôi mắt đa tình, không bằng mái tóc xoăn nhuộm màu vàng rơm, mà nhờ thân hình cân đối của mình – ít ra nhiều người đàn ông quả quyết với tôi như vậy - nhờ vẻ mặt điềm đạm và thùy mị, nụ cười để lộ hàm răng trắng vph mái tóc quăn dày màu hạt dẻ của tôi. Chắc những người phụ nữ nhuộm tóc và đánh phấn đỏ ửng mà không hiểu đàn ông đoán ngay ra mình đang có quan hệ với ai và đã có định kiến không tốt về họ. Sự mộc mạc và cái vẻ rất đoan trang của tôi làm cho đàn ông lúng túng, họ coi sự việc xảy ra như một sự bất ngờ ngẫu nhiên, thật ra đàn ông thích như vậy hơn là thỏa mãn nhục dục đơn thuần.
Mặc áo quần và chải đầu xong, tôi đến rạp chiếu bóng và xem một mạch hai lần cùng một phim. Khi ra khỏi rạp, trời đã khuya, tôi ra quán cà phê hẹn gặp Gisella. Đây là quán cà phê sang trọng khác với hiệu bánh mứt kẹo xuyềnh xoàng mà chúng tôi đã cùng Ricardo thường lui tới. Tôi đến quán này lần đầu tiên. Tôi liền nhận ra rằng không phải do tình cờ mà Gisella chon địa điểm này, cô ta muốn đề cao nhan sắc và tôn trọng giá trị của tôi. Tất cả những mánh lới và mưu kế ấy, cùng với những thủ đoạn khác mà tôi có lúc nhắc tới, quả thực có thể đảm bảo một cách đáng tin cậy hoàn cảnh vật chất của một phụ nữ, trẻ, đẹp đại loại như tôi và là mục tiêu mong muốn của nhiều phụ nữ. Nhưng đâu phải ai cũng đạt được điều này, và tôi rơi đúng vào số những người không gặp may ấy? do xuất thân là người bình dân, do đó tôi luôn nhìn những chốn sang trọng với cặp mắt hoài nghi: tại các quán ăn và các tiệm cà phê sang trọng, tôi luôn cảm thấy lúng túng, tôi ngượng nghịu mỉm cười hoặc liếc nhìn cánh đàn ông, tôi có cảm giác như mình bị đưa ra bêu giếu trước ánh đèn chùm pha lê chói chang. Ngược lại, tôi luôn ấp ủ một tình yêu sâu sắc và chân thành đối với các đường phố trong thành phố thân yêu cùng toàn bộ nhà cửa, nhà thờ, tượng đài kỷ niệm, cổng thành. Tôi quý trọng những đường phố thân yêu ấy hơn bất kỳ một tiệm ăn uống đặc sản hay quán cà phê sang trọng nào. Tôi thích đi dạo dọc các đường phố và đại lộ vào lúc chiều tối, đủng đỉnh bách bộ theo các tủ bày hàng thắp đèn sáng trưng, chốc chốc lại ngước mắt lên nhìn các mảnh trời dần tối lọt giữa các mái nhà, thích chen lấn trong các đám đông và không ngóai cổ lại khi nghe tiếng mời chào rành rọt của những người đàn ông mà vào lúc khác, có muốn gạ gẫm chỉ dám thầm thì vào tai tôi, tôi thích cứ đi đi lại lại mãi trên một đường phố và chỉ dừng chân lại khi mệt lử, nhưng tinh thần vẫn sảng khoái và cứ muốn đi mãi như đang vẩn vơ trong một khu chợ lớn bày toàn những vật mới lạ. Đường phố đã thay cho tôi cả khách sạn lẫn tiệm ăn và quán cà phê. Vì tôi sinh ra trong cảnh nghèo, và như chúng ta đã rõ, người nghèo biết cách tiêu khiển không phải chi tiền, họ ngắm các thứ hàng bày trong các tủ kính mà bản thân không tài nào mua được, ngắm mặt tiền các ngôi nhà mà chẳng có khả năng dọn đến ở. Cũng vì nguyên nhân ấy, tôi thích đến các nhà thờ có rất nhiều ở Rome và luôn mở rộng cửa đón mọi người. Trong những thánh đường giàu có, cái mùi nồng nặc và thâm căn cố đế của đám đông nghèo khó bốc lên giữa cảnh vàng son, đá hoa cương và những vật trang trí khác, đôi lúc bị mùi trầm át di. Tất nhiên, các signora giàu có chẳng bách bộ trên hè phố và chẳng đi nhà thờ, họ dùng xe hơi đi đó đi đây trong thành phố, người ngả lưng ra xe và đọc báo, tôi thích phố xá hơn mọi chốn khác, vì vậy tôi liền cắt đứt mọi sự giao tiếp mà theo ý Gisella, cần phải duy trì bằng cách hy sinh tất cả những tình cảm gắn bó sâu nặng nhất của bản thân. Không đời nào tôi chấp nhận sự hy sinh này, do đó, chừng nào tôi và Gisella còn kết bạn với nhau thì sở thích của tôi luôn luôn là đề tài cho những cuộc tranh cãi dữ dội. Cô ta không thích phố xá, có thái độ dửng dưng với nhà thờ còn đám đông gây ra cho cô ta cảm giác ghê tởm miệt thị. Nhưng tiệm ăn đắt tiền nơi những người phục vụ ăn cần rõi theo mọi động tác của khách hàng, những quán ăn và tiệm cà phê sang trọng nhất, cũng như những tiệm nhảy đúng mốt, nơi các nhạc công thắng những bộ quần áo đặc biệt, còn người nhảy toàn diện bộ đồ đại lễ là đối tượng mơ ước của Gisella. Tại đây, cô ta thay hình đổi dạng, thay đổi phong cách động tác, thậm chí cả giọng nói nữa. Tóm lại cô ta bằng mọi cách cố tỏ ra ta đây là một phu nhân thuộc xã hội thượng lưu mà cô ta coi là lý tưởng và như sau này chúng ta sẽ rõ, cô ta đã đạt được trong một chừng mực nào đấy. Nhưng thú vị nhất là cô ta gặp được người coi như thỏa mãn các kế hoạch hiếu danh của mình không phải trong các tiệm ăn sang trọng mà lại là nhờ tôi, chính ngay giữa đường phố, nơi cô ta ghét cay ghét đắng.
Tôi thấy Gisella đang ngồi với một người đàn ông trạc trung niên trong quán cà phê. Gisella giới thiệu với tôi anh ta là sìgnor Giacinti. Tôi cứ ngỡ anh ta có đôi vai rộng, vóc người trung bình, nhưng khi anh ta đứng lên, tôi thấy anh ta chẳng cao lớn chút nào, mà đôi vai rất rộng càng làm cho anh ta thấp hơn. Anh ta hình như cố tình để mái tóc dày, bạc trắng và óng ánh như cước theo kiểu “bàn chải” hy vọng rằng trông người có vẻ ca lớn hơn, những đường nét trên khuôn mặt hồng hào, béo khỏe của anh ta đều cân đối, thậm chí thanh tú như ở một pho tượng: trán tuyệt đẹp, đôi mắt đen to, mũi dọc dừa và cái miệng rất duyên. Nhưng vẻ kiêu căng thỏa mãn và khoan dung giả tạo, mới thoạt nhìn đã làm bộ mặt đẹp trai và oai nghiêm trông đáng ghét nhiều hơn.
Tôi hơi xúc động, nên sau khi bắt tay người đàn ông vừa mới quen xong, tôi im lặng ngồi xuống bên bàn. Giacinti làm như chẳng có chuyện gì cả, vẫn tiếp tục trò chuyện với Gisella, tựa hồ như sự có mặt của tôi ở đây là ngẫu nhiên, tuy thực tế họ bố trí mọi chuyện chỉ nhằm mục đích gặp tôi.
- Em không thể kêu ca phàn nàn gì cả, Gisella – Giacinti nói và đặt tay lên đùi cô ta – Liên minh của chúng ta, tạm gọi như vậy nhé, đã kéo dài được bao lâu rồi nhỉ?... Nửa năm à? em cho anh biết trong nửa năm nay, anh đã bao giờ làm phật ý em chưa?
giọng anh ta sang sảng, chậm rãi dằn từng tiếng một, nhưng rõ ràng không phải vì người mình tiếp chuyện, mà chẳng qua vì thích thú chính bản thân mình.
- Chưa, chưa – Gisella ngửa đầu về phía sau và đáp. Chắc hẳn từ lâu cô ta chán ngấy những chuyện đó.
- Nếu vậy, Gisella, em hãy nói cho Adriana biết – Giacinti nói tiếp, vẫn với giọng rành rọt – Anh không những trả không keo bẩn cho việc phục dịch – Ta thỏa thuận với nhau coi cái việc ấy là phục dịch nhé – và mỗi lần từ Milan tới, anh đều mua tặng em một món quà gì đấy... Em còn nhớ anh đã tặng em một lọ nước hoa của Pháp không? Một lần khác, anh đã tặng em một con búp bê bằng xoa và đăng ten, em nhớ chứ? Phụ nữ cho rằng đàn ông chẳng hiểu gì về dessous(1) nhưng anh là một ngoại lệ may mắn, hà... hà!
Anh ta điềm tĩnh cười, để lộ hàm răng đẹp tuyệt trần, trắng muốt khó mà tin rằng đấy là răng thật.
- Cho xin điếu thuốc – Gisella nói, giọng hơi lạnh lùng.
- Có ngay – Anh ta đáp, vẻ vội vã và mang tính chất bông đùa.
Anh ta mời cả thuốc tôi, lấy một điếu châm hút và nói tiếp:
- Chắc em còn nhớ chiếc túi anh mang đến cho em lần trước?... Cái túi bằng da dày, to như thế này này... vừa tiện lại vừa mốt... sao, em không xách nó nữa à?
- Nhưng đấy là chiếc túi dùng để đi chợ - Gisella nói.
- Anh thích tặng quà – Anh ta quay sang tôi, bảo – Dĩ nhiên, không phải đơn thuần là vấn đề tình cảm – Anh ta lắc đầu và nhả khói ra đằng mũi – mà còn do ba lẽ nữa: thứ nhất, anh thích nghe cảm ơn, thứ hai, các, món quà tặng chẳng phụ lòng ai đã nhận quà, hy vọng sẽ được tặng nữa, thứ ba, phụ nữ quen xây mộng, còn quà tặng là biểu hiện của tình yêu, thậm chí khi hoàn toàn chẳng còn tình yêu nữa.
- Anh đến là ranh khôn – Gisella nói, giọng hờ hững, thậm chí chẳng buồn ngó về phía anh ta.
Giacinti lắc đầu và ngoác miệng cười:
- Không, anh đâu có ranh khôn... chẳng qua anh là người từng trải nhiều, biết cách rút ra những bài học và biết rõ ràng với phụ nữ thì phải trò chuyện theo một cách, với khách hàng một cách khác, còn với cấp dưới lại có cách trò chuyện thứ ba... Trong đầu anh, mọi cái đều được sắp xếp theo từng ngăn một, chẳng hạn, khi chú ý tới một phụ nữ nào đó, anh nhặt ra một phiếu và xem: nếu áp dụng biện pháp này thì chắc chắn sẽ thành công, còn biện pháp kia thì không xong, anh lại sắp xếp đâu vào đấy và hành động theo cách tương ứng, có vậy thôi.
Giacinti lại cười phá lên.
Gisella hút thuốc, vẻ buồn chán, còn tôi vẫn im lặng.
- Phụ nữ sẽ hài lòng về anh – Anh ta nói tiếp – vì họ biết rằng họ sẽ không bị thất vọng, chẳng là anh biết rõ yêu cầu, điểm yếu và sự đỏng đảnh của họ, chẳng gì anh cũng biết chiều lòng khách hàng, khách hàng chỉ cần nghe nửa lời cũng biết anh muốn nói gì, vì khách hàng rõ bản thân mình cần gì và anh cần gì... trên bàn làm việc của anh ở Milan có chiếc gạt tàn trên ghi hàng chữ “Xin đa tạ quý khách nào đã không bắt tôi phải mất thời gian vô ích” – Anh ta bỏ điếu thuốc lá xuống, kéo nhẹ tay áo lên ngó nhìn đồng hồ và nói tiếp – Anh thấy đã đến lúc cần phải ăn tối rồi đấy.
- Mấy giờ rồi?
- Tám giờ... xin lỗi nhé, anh quay lại ngay bây giờ.
Anh ta đứng dậy và tiến về phía cuối phòng đằng kia. Quả đúng là anh ta không cao lớn, vai rộng, có mái tóc dày bạc trắng và dựng đứng. Gisella dụi điếu thuốc lá vào mép gạt tàn và nói:
- Chán thật, độc nói về mình thôi!
- Mình cũng nhận thấy thế.
- Kệ hắn nói về bản thân, cậu cứ khích hắn lên – Cô ta nói tiếp - Rồi cậu sẽ thấy, hắn sẽ tiết lộ hàng đống bí mật, hắn cứ ngỡ hắn là ai đấy... song hắn được cái hào phóng và hay tặng quà.
- Đúng, rồi sau đó lại dùng những món quà ấy để đay nghiến.
Gisella không đáp, mà chỉ lắc đầu tựa như muốn nói: “Chuyện ấy thì chẳng tránh được đâu”. Chúng tôi ngồi im cho tới lúc Giacinti quay về, anh ta thanh toán tiền, rồi chúng tôi bước ra khỏi quán cà phê. Ra đến ngoài đường, anh ta bảo:
- Gisella này, chiều tối nay dành riêng cho Adriana, song không biết em có cho bọn anh cái hân hạnh là cùng ăn bữa tối không?
- Không, không, cảm ơn – Gisella đáp vội – Em đã có hẹn.
Chia tay với Giacinti và tôi xong, Gisella bước đi thẳng. Chờ cô ta đi xa, tôi bảo:
- Gisella là một cô gái rất tốt.
Giacinti bĩu môi đáp:
- Đúng, một cô gái khá tốt, cô ta có một thân hình tuyệt đẹp.
- Lẽ nào cô ấy lại làm anh phật ý?
- Anh cho rằng – Anh ta đến bên cạnh tôi, siết chặt cánh tay tôi quãng sát nách và tuyên bố - không nhất thiết phải chiếm được cảm tình, mọi người đều hiểu rõ công việc của mình... chẳng hạn: cô đánh máy không nhất thiết phải được cảm tình, cô ta phải đánh máy nhanh và không lỗi... còn người phụ nữ như Gisella phải biết cách thực hiện nghĩa vụ của mình, nghĩa là làm cho một hay hai tiếng đồng hồ anh sống với cô ấy thật dễ chịu, còn có cảm tình hay không thì chẳng thành vấn đề, nhưng Gisella không hiểu rõ công việc của mình.
- Tại sao?
- Tại vì lúc nào cũng chỉ nghĩ tới tiền thôi... và lúc nào cũng nghĩ người ta trả ít hoặc chẳng trả gì cả, tất nhiên anh không yêu cầu cô ta yêu anh, nhưng đây là nghề nghiệp của cô ta, người đàn bà phải xử sự như thực sự yêu anh, và tạo nên ảo ảnh trọn vẹn của tình yêu... thì anh trả tiền cho cô ta để làm việc đó mà... còn Gisella quá sống sượng tỏ ý mình làm tất cả những việc đó vì lợi lộc... Cô ta khỉ bỏ xừ đi được, không để cho người ta kịp lấy hơi sức, đã mè nheo mặc cả rồi.
Chúng tôi tới một quán ăn ồn ào, chật ních những người y hệt Giacinti, những người chào hàng, những nhà kinh doanh thị trường chứng khoán, nhà buôn, nhà kỹ nghệ tụ tập ở đây. Giacinti bước lên trước, đưa áo bành tô và mũ cho một chú bé và hỏi:
- Bàn của tôi chưa có ai ngồi đấy chứ?
- Dạ, thưa signor Giacinti, chưa ạ.
Chiếc bàn kê bên cửa sổ, Giacinti ngồi xuống và xoa tay hỏi:
- Em thích ăn ngon không?
- Có lẽ có đấy – Tôi đáp vẻ ngường ngượng.
- Tốt, anh cũng thích thế, ngồi vào bàn là phải ăn... Gisella chẳng hạn, chẳng bao giờ muốn ăn cả, cô ta bảo sợ béo... toàn chuyện tào lao, giờ nào việc ấy, ngồi vào bàn là phải ăn.
Rõ ràng anh ta hằn học giận Gisella.
- Đúng đấy – Tôi lưỡng lự nhận xét – Ăn nhiều phì người ra... mà một số phụ nữ không muốn phát phì.
- Và em nằm trong số những người phụ nữ đó chứ gì?
- Không đâu... người ta bảo em quá béo.
- Đừng bận tâm, chẳng qua vì ghen tị đấy thôi... như em vừa lắm, chẳng là anh cũng am hiểu những vấn đề này – Và Giacinti vuốt ve tay tôi như một người bố, tựa hồ như muốn vỗ về tôi.
Một người bồi bàn tiến lại gần, Giacinti bảo:
- Trước hết bỏ chỗ hoa này đi, vướng cả mắt. Sau đó dọn ra đây như mọi khi, rõ không hả? Nhanh nhanh lên đấy! - Rồi quay sang phía tôi anh ta nói tiếp: - Anh chàng kia biết rõ anh và khẩu vị của anh, cứ để anh ta lo liệu... rồi em xem, sẽ chẳng phải kêu ca phàn nàn gì hết.
Quả đúng là tôi không phải kêu ca phàn nàn gì, mọi món ăn bưng ra cho chúng tôi, tuy không phải là sơn hào hải vị, nhưng rất ngon và khá dồi dào. Giacinti ăn ngốn ngẩu vẻ ngon miệng, anh ta cầm chắc dao và nĩa trong tay, mắt không nhìn tôi và im lặng tựa hồ như ngồi một mình một bàn. Anh ta mải ăn tới mức quên bẵng cả vẻ đường bệ lừng danh của mình, anh ta ăn các thứ nhanh như sợ không kịp ăn no bụng và bị đói. Anh ta hau háu vớ đủ mọi thứ một lúc, tống miếng thịt vào mồm, tay trái liển bẻ một miếng bánh mì và đưa lên cắn, tay phải rót rượu vang và uống, mồm chưa kịp nhai thức ăn. Anh ta chép miệng liên tục, mắt nhìn hết thứ này đến thứ khác và lần nào cũng lắc đầu giống như một chú mèo đứng trước miếng mồi quá to. Còn tôi thì ngược lại, trái với mọi lần, tôi chẳng thấy đói chút nào. Thứ nhất là tôi sắp trao thân cho một người đàn ông mà tôi không yêu, thậm chí không quen biết, vì vậy tôi chăm chú quan sát anh ta, đồng thời cố phân tích những tình cảm của mình và hình dung xem làm thế nào để thoát khỏi tình thế. Về sau này, tôi không quan sát kỹ như vậy hình thức bề ngoài của những người đàn ông tôi có quan hệ, chắc cảnh túng bấn đã xô đẩy tôi phải làm những chuyện ấy. Nó dạy tôi mới thoạt nhìn đã tìm thấy ngay được ở một trong số họ những điểm gì đấy khả dĩ và khả ái để ít nhiều có thể chấp nhận được những mối tâm tình của họ. Nhưng chiều hôm ấy, tôi đâu thấy rõ cái mánh lới nghề nghiệp đó, chính vì vậy, ngay thoạt đầu tôi đã cố tìm một điểm gì đấy dễ thương trong con người và nhờ vậy lấp liếm được sự thân thiết bất đắc dĩ, có thể nói tôi đã tìm kiếm theo bản năng và vô ý thức một lối thoát. Tôi đã nói Giacinti khá bảnh và lúc này, khi anh ta im lặng và không hề con cà con kê về những tình cảm đang rộn lên trong lòng mình, xem ra anh ta chẳng còn vẻ đẹp trai nữa. Điều này có một ý nghĩa nào đấy, vì lòng nhục dục chiếm một phần lớn trong tình yêu, song đối với tôi nó chỉ là một phần nhỏ, bởi lẽ tôi chẳng bao giờ có thể yêu, thậm chí có thái độ đối xử tốt với một người đàn ông, dù cho đấy là một người tốt mã. Bữa ăn tối đã xong và sau khi thỏa thuê cơn thèm khát mãnh liệt và ợ to mấy cái, Giacinti háu ăn lại bắt đầu ba hoa. Tôi nhận thấy bản thân không thể ưng anh ta ở một điểm nào, ít nhất là cũng không thể phát hiện ra chút gì dễ thương ở anh ta. Giacinti chẳng những luôn mồm nói về bản thân - vả lại, Gisella đã báo trước với tôi điều ấy – mà nói chung là một người rất đáng ghét, tự mãn hiếm thấy. Anh ta kể những câu chuyện dài lê thê, tẻ ngắt về cuộc đời mình, đã chẳng đem lại danh dự cho anh ta, lại càng khẳng định ấn tượng ban đầu của tôi – không được tốt đẹp lắm - về anh ta. Chẳng có nét gì, tuyệt nhiên chẳng có nét gì ở anh ta làm tôi ưng cả, những đặc điểm mà anh ta coi là những ưu điểm, đặc biệt đáng huyênh hoang của mình thì tôi lại coi là những thiếu sót không thể dung thứ được. Sau này, thật ra khá hãn hữu, tôi đã gặp những người đàn ông tương tự, họ chẳng ra sao, dù cố gắng thế nào tôi cũng không phát hiện được ở họ một điểm gì gây thiện cảm, lần nào tôi cũng lấy làm lạ chẳng hiểu sao trên đời lại có những người như vậy, và tự hỏi không hiểu có phải tôi chẳng biết cách thoạt nhìn một cái phát hiện ra được ở những mặt tốt chắc chắn của họ hay không. Dù sao đi nữa, tôi quen dần với những loại người đối thoại chối tai, đã học được cách giả bộ cười đùa, nói chung xử sự theo ý muốn của khách hàng và có thái độ như họ mong muốn. Nhưng tối hôm ấy tất cả những điều tôi quan sát được đã gây cho tôi không ít những suy nghĩ buồn bã. Và trong khi Giacinti vừa ba hoa vừa lấy một que diêm xỉa răng, tôi nghĩ cái nghề mới của tôi chẳng nhẹ nhàng gì, cần phải biểu hiện niềm thích thú yêu mến mà bản thân chẳng hề cảm thấy, chẳng hạn như trường hợp Giacinti – anh ta đã thực sự gây cho tôi những cảm giác hoàn toàn trái ngược. Chẳng vàng bạc châu báu nào có thể mua được lòng khoan hậu, vì vậy, đặc biệt trong những trường hợp như thế này, khó có thể xử sự khác với cung cách của Gisella: cô ta chỉ quan tâm tới tiền và chẳng cần che đậy điều ấy. Và tôi nghĩ rằng tối nay tôi sẽ đưa cái anh chàng Giacinti ghê tởm này về căn phòng của tôi mà tôi đã bày biện không phải để dành cho những cuộc gặp gỡ như thế này, tôi cho rằng mình không gặp may, chắc tại số phận muốn ngay từ đầu tôi không quá ảo tưởng, vì vậy đã gửi đến cho tôi chính Giacinti, chứ không phải một chàng trai thơ ngây đi tìm kiếm những chuyện phiêu lưu tình ái, hoặc một anh chàng nào đó không quá hợm hĩnh - điều mà trên đời này có đầy rẫy, tóm lại, sự có mặt của Giacinti trong phòng tôi là dấu hiệu chứng tỏ tôi hoàn toàn từ bỏ hy vọng trước đây về một cuộc sống trung thực và êm ấm.
Giacinti hỏi luôn mồm, song anh ta không đần đến mức không nhận ra sự bối rối và nỗi buồn của tôi.
- Nhóc ơi, tại sao chúng ta lại buồn nhỉ - Anh ta bỗng lên tiếng hỏi.
- Không, không – Tôi lắc đầu, vội đáp.
Tôi suýt tin vào sự chân thành giả tạo của anh ta, bỗng tôi muốn giãi bày với anh ta những nỗi gian truân của tôi và kể lể đôi điều về bản thân, sau khi im lặng ngồi nghe như vậy...
- Thế thì tốt hơn – Anh ta bảo – Anh chẳng khoái mấy cô gái ủ rũ... vả lại anh mời em đâu để em buồn... có lẽ em cũng có duyên cớ để mang sầu muộn, thôi bỏ qua chuyện ấy, lúc này đang ngồi với anh thì xin em cứ để cái nỗi sầu của em ở nhà cho anh nhờ... Anh chẳng muốn biết công việc của em, chẳng muốn rõ em là ai, em gặp chuyện gì... anh không hơi đâu bận tâm những chuyện ấy, giữa hai ta có một giao kèo, tuy không thành văn bản, anh phải trả cho em một khoản tiền khá đậm, còn em có nhiệm vụ giải sầu cho anh một tối, có vậy thôi.
Giacinti nói tất cả những điều ấy với một giọng nghiêm túc và thậm chí hơi bực bội, rõ ràng là anh ta đã nhận thấy tôi không để tâm như anh ta muốn, lắng nghe những chuyện tào lao của anh ta. Cố che giấu những tình cảm đang rộn lên trong lòng tôi, tôi làm ra vẻ tự nhiên, đáp:
- Em có buồn gì đâu... có điều ở đây lắm khói và ồn ào quá, em hơi bị choáng một chút.
- Ta rời khỏi đây nhé? – Giacinti nói, giọng ân cần.
Tôi tán thành. Anh ta liền gọi bồi bàn đến thanh toán tiền rồi chúng tôi rời khỏi quán. Khi ra tới ngoài đường, anh ta hỏi:
- Chúng ta đến một khách sạn nào chứ?
- Không, không – Tôi vội đáp. Tôi sợ phải xuất trình giấy tờ, hơn nữa tôi đã quyết định từ lâu mọi chuyện. - Về nhà em.
Chúng tôi gọi xe taxi, tôi cho lái xe biết địa chỉ của mình. Xe vừa chuyển bánh, Giacinti đã ôm và hôn lên cổ tôi. Tôi bỗng nhận ra rằng anh ta quá chén, chắc bị say. Anh ta cứ luôn mồm nhắc đi nhắc lại cái từ “nhóc” tựa như người ta gọi trẻ con, từ này thốt ra khỏi miệng anh ta làm tôi thấy bực mình, nghe nó tức cười và thô bỉ. Lúc đầu tôi cứ để anh ta ve vuốt tôi, sau đó, tôi chỉ vào lưng anh lái xe và bảo:
- Anh đợi khi nào ta về đến nhà đã, được không?
Anh ta chẳng nói chẳng rằng, chỉ nặng nề ngả người ra lưng ghế, mặt méo xệch như bị một cơn bệnh nặng quật ngã, rồi tức giận làu bàu:
- Tôi trả tiền cho lái xe để anh ta chở tôi, chứ không phải theo dõi xem tôi làm gì trong xe.
Giacinti tin chắc có thể dùng tiền, đặc biệt là tiền riêng của anh ta để bịt miệng bất kỳ ai cũng được. Tôi không đáp lại câu nào và suốt chặng đường còn lại chúng tôi ngồi im không nhúc nhích, không hề chạm vào người nhau. Ánh đèn đường lọt qua cửa sổ xe, soi sáng giây lát mặt và tay chúng tôi, sau đó trong xe lại tối om, tôi sửng sốt nhận thấy rằng ngồi cạnh tôi là một người đàn ông mà cách đây mấy giờ tôi không hề biết gì về sự tồn tại của anh ta, thế mà lúc này lại đang đưa anh ta về nhà mình và phải ngủ với anh ta hệt như với người tình của tôi. Mải suy nghĩ như vậy tôi không nhận thấy chiếc xe đã tới nhà mình lúc nào. Tôi bừng tỉnh và ngạc nhiên đưa mắt nhìn quanh, xe đậu tại đường phố quen biết, ngay tại đầu cổng nhà tôi.
Khi ở chỗ cầu thang tối om, tôi báo trước với Giacinti:
- Em xin anh đừng làm ồn nhé, em đang sống với mẹ.
Anh ta đáp:
- Yên tâm, nhóc ạ.
Đến trước cửa, tôi dùng chìa khóa riêng mở cửa ra. Giacinti đứng sau lưng tôi, tôi không bật đèn, cầm tay anh ta dắt qua hành lang nhỏ, đưa về phòng tôi, nằm ngay ở phía trái. Tôi tiến lên, bật đèn ở bên giường và đưa mắt nhìn tựa hồ như tiễn biệt căn buồng ngủ của mình. Rơi vào căn phòng sạch sẽ và bày biện đồ gỗ mới, Giacinti thở phào nhẹ nhõm, chắc hẳn anh ta sợ phải thấy cảnh bần cùng bẩn thỉu. Anh ta cởi áo bành tô ném ra ghế. Tôi yêu cầu anh ta đợi một chút rồi bỏ ra ngoài.
Tôi tiến thẳng đến căn phòng chỗ mẹ đang còn ngồi khâu bên bàn. Thấy tôi, mẹ liền dừng tay và định đứng dậy, chắc định đi chuẩn bị bữa tối cho tôi như thường lệ, nhưng tôi bảo:
- Thôi mẹ ạ, con ăn rồi, vả lại... vả lại,,, trong phòng con hiện nay có một người, dù thế nào mẹ cũng không được vào đấy nhé.
- Người nào vậy? - Mẹ sửng sốt hỏi.
Một người mẹ ạ - Tôi vội đáp – Nhưng không phải Gino đâu, đây là một signor.
Và chẳng đợi nghe những câu hỏi mới, tôi bước ra khỏi phòng.
Về tới phòng mình, tôi khóa trái cửa lại. Giacinti đỏ bừng mặt vì sốt ruột, chạy lại ôm tôi. Anh ta hơi thấp hơn tôi, và để môi với tới được mặt tôi, anh ta đã ép tôi vào lưng giường. Anh ta định hôn lên môi tôi, nhưng tôi né được: khi tôi ngượng ngùng quay mặt đi, tôi đẩy được anh ta ra đúng vào lúc lửa tình đang bốc. Giacinti đam mê tình yêu với một sự thèm khát dễ dãi, thô bạo như khi lao vào miếng ăn, lúc vơ món này, lúc quơ món kia sợ không kịp nếm tất cả các món. Anh ta hoa mắt trước tấm thân tôi như trước các món ăn lúc còn ngồi trong quán. Sau đó anh ta muốn cởi áo tôi. Cởi lộ được vai và tay anh ta lại hôn tôi, tựa hồ như sự hở hang của tôi đã làm cho anh ta thay đổi ý định. Tôi sợ do quờ quạng thô bạo, anh ta sẽ làm rách chiếc áo dài nên bảo:
- Anh cởi quần áo ra, nhanh nhanh lên.
Giacinti liền buông tôi ra và ngồi xuống giường, cởi áo quần. Tôi cũng làm theo anh ta.
- Mẹ em biết rõ cả chứ? – Anh ta hỏi.
- Vâng.
- Thế bà cụ bảo sao?
- Chẳng bảo gì cả.
- Bà cụ có lên án em không?
Tôi tin đối với anh ta, những câu hỏi này chỉ mang tính chất kích thích mạnh cho cuộc phiêu lưu giật gân. Vả lại, hầu như người đàn ông nào cũng có cái đặc điểm ấy, hiếm thấy người nào không bị cuốn vào những câu lục vấn tương tự, phần vì tò mò phần vì do cảm thông để làm tăng thêm cái khoái cảm về thể xác.
- Mẹ không lên án, nhưng cũng không khuyến khích – Tôi lạnh lùng đáp, rồi đứng dậy khỏi giường và cởi bỏ áo lót – Em đã được tự do hành động theo ý mình.
Cởi áo xong, tôi cẩn thận đặt mọi thứ lên ghế, rồi nằm xuống giường, một tay luồn dưới đầu, tay kia duỗi ra áp lòng bàn tay vào bụng. Chẳng hiểu sao tôi nhớ lại chính vị nữ thần của đa thần giáo trong phiên bản mầu của ông họa sĩ đã đưa cho tôi xem và bảo tôi trông rất giống cũng nằm ở tư thế như thế này, tôi nghĩ cuộc đời tôi từ dạo đó đến nay đã thay đổi biết bao, nên bỗng cảm thấy buồn da diết. Trông thấy tấm thân của tôi, vẻ đẹp hoàn hảo của đường nét trên cơ thể tôi mà như tôi đã nói, khó mà nhận biết được dưới lớp áo xống. Giacinti sững sờ đến mức ngưng cởi áo quần và nhìn tôi chằm chằm, miệng há hốc vì ngạc nhiên.
- Nhanh nhanh lên – Tôi bảo anh ta – Em đang lạnh đây.
Cởi xong quần áo, anh ta nhảy bổ vào tôi. Mã người mà tôi mô tả tỉ mỉ làm sao thì cung cách cũng làm vậy. Tôi chỉ có thể nói thêm là anh ta thuộc mẫu đàn ông yêu sách quánhiều so với khoản tiền của mình, tuy vẫn chưa xùy ra, tựa hồ như sợ bị hố, bị bóp nặn. Chưa thỏa mãn, anh ta không tài nào quên được đồng tiền của mình và chẳng chịu bị thua thiệt. Chính vì vậy anh ta cố kéo dài bằng mọi cách thời gian gặp gỡ của chúng tôi và nhận đủ trọn vẹn tất cả những gì mà theo ý anh ta, anh ta được quyền hưởng. Do đó, anh ta chuẩn bị một hồi lâu, hệt như một nhạc sĩ lên dây đàn và cũng đòi hỏi tôi như vậy. Tôi cố chiều ý anh ta, nhưng cảm thấy chán ngán và ngay lập tức và bắt đầu minh mẫn, hờ hững và thậm chí ghê tởm, tựa hồ như đứng xa rõi theo không những anh ta mà cả tôi nữa. Vì vậy, với anh ta, tôi không thể có được cái thiện cảm mà tôi đã cố gây gợi một cách do bản năng trong tôi vào lúc buổi đầu gặp gỡ giữa chúng tôi, bỗng tôi thấy ngượng ngùng và bối rối, tôi cau mày.
Cuối cùng, anh ta nhoài người nằm vật xuống giường cạnh tôi. Anh ta bảo, giọng mãn nguyện:
- Em phải công nhận là anh không còn trẻ, nhưng với tư cách tình nhân thì hết ý.
- Vâng, đúng thế - Tôi lạnh lùng tán đồng.
- Phụ nữ đều bảo vậy đấy – Anh ta nói tiếp – Bé hạt tiêu mà, một số tay cao to gấp đôi anh, nhưng chẳng mùi mẽ gì.
Tôi thấy lạnh nên nhỏm dậy, kéo chăn đắp cho cả hai người. Cử chỉ đó của tôi là biểu lộ thái độ ân cần chú ý, anh ta bảo:
- Bé ngoan, bây giờ anh ngủ một giấc đây.
Sau đó Giacinti nằm co quắp bên tôi và quả là ngủ thật.
Tôi nằm ngửa, mái đầu bạc của anh ta ở ngang ngực tôi. Chăn phủ ngang lưng chúng tôi, tôi đưa mắt nhìn thân hình đầy lông có những nếp nhăn nhũn nhẽo để lộ cái tuổi chín chắn, tôi cảm thấy rõ hơn lúc này tôi phải nằm với một con người hoàn toàn xa lạ. Song anh ta đang ngủ vì vậy không trò chuyện, không nhòm ngó và cử động, tóm lại không bộc lộ cái bản tính ít có cảm tình của anh ta, và đang ngủ trông anh ta dễ thương hơn như những người khác, nghề nghiệp, tên tuổi, ưu điểm và nhược điểm đều biến sạch, nằm cạnh tôi chỉ là một cơ thể thở đều đặn. Kể cũng lạ khi anh ta ngủ ngon lành, tôi đâm ra gần như có thiện cảm với anh ta và vì vậy, cố nằm im không động đậy để anh ta khỏi thức giấc. Tôi đưa mắt nhìn mái đầu bạc của anh ta áp vào bộ mặt trẻ trung của tôi và cuối cùng, thấy có cảm tình với anh ta, một mối cảm tình mà tôi đã uổng công cố gây dựng trong lòng một hồi lâu. Điều đó làm tôi cảm thấy vui vui và ấm cả người. Tôi thấy hân hoan trong giây phút và mắt thấm lệ. Cần phải nói rằng cả lúc ấy lẫn bây giờ, tim tôi tràn ngập tình yêu thương không biết dành cho ai, tôi không do dự dồn những tình cảm của tôi cho những con người không xứng đáng, chỉ cốt mong sao chúng không bị bỏ phí vô ích.
Khoảng hai mươi phút sau, anh ta tỉnh dậy và nói:
- Anh ngủ có lâu không?
- Không, không lâu.
- Anh thấy dễ chịu lắm – Giacinti vừa nói vừa xoa xoa tay – Chà, thật dễ chịu làm sao... anh có cảm giác trẻ lại hai chục tuổi ấy.
Anh ta bắt đầu mặc áo quần, ầm ĩ bộc lộ niềm vui của mình. Tôi cũng bắt đầu lẳng lặng mặc áo xống. Quần áo mặc đâu vào đấy, anh ta hỏi:
- Anh muốn có dịp gặp lại em nhóc ạ... bằng cách nào đây hả?
- Gọi điện cho Gisella – Tôi đáp – Ngày nào em cũng gặp cô ta.
- Em bao giờ cũng tự do à?
- Bao giờ cũng tự do.
- Tự do muôn năm.
Sau đó mở ví ra, anh ta hỏi:
- Em muốn bao nhiêu?
- Bao nhiêu tùy anh – Tôi đáp, sau đó thẳng thắn nói tiếp: - Nếu anh cho nhiều nhiều là anh làm việc thiện, em đang rất cần tiền.
- Nếu anh đưa em nhiều – Anh ta nói – thì hoàn toàn không phải để làm việc thiện... Anh chẳng bao giờ làm việc ấy, anh đưa em nhiều chẳng qua vì em là một cô gái xinh đẹp và anh đã sống với em một tối thú vị.
- Tùy anh – Tôi nhún vai đáp.
- Mọi cái đều có giá và mọi cái đều được trả theo đúng nguyên tắc đó – Anh ta vừa nói vừa rút tiền ra khỏi ví - Việc thiện, đấy là chuyện vớ vẩn... em có những phẩm chất mà như Gisella chẳng hạn, không thể sánh bì được... Công bằng mà xét, em đáng được hưởng nhiều hơn Gisella, việc thiện chẳng liên quan gì tới chuyện này cả, bây giờ cho anh được khuyên em một điều: đừng bao giờ bảo: “bao nhiêu tùy anh”... Mặc cái bọn bán hàng rong với cái giọng ấy... Khi anh nghe nói “bao nhiêu tùy anh”, anh bất giác trả thấp hơn mức cần trả.
Giacinti nháy mắt, vẻ đầy ý nghĩa rồi trao tiền cho tôi.
Như Gisella đã nói trước, anh ta xem ra là một người hào phóng. Số tiền vượt quá mọi mong đợi của tôi. Khi cầm tiền, cảm giác thú vị và tòng phạm mãnh liệt lại xâm chiếm tôi như khi tôi cầm tiền của Astarita sau chuyến đi Viterbo. Điều đó có nghĩa là, tôi thầm nghĩ, tôi có thiên hướng đối với cuộc sống như vậy, và có lẽ tôi sinh ra để làm cái nghề tương tự, tuy tôi khao khát một điều hoàn toàn khác.
- Cảm ơn – Tôi bảo và chính bản thân cũng không rõ việc tôi làm, lòng đầy biết ơn, tôi hôn tới tấp lên cổ anh ta.
- Cảm ơn em – Anh ta đáp và chuẩn bị ra về.
Tôi cầm tay anh ta và dẫn qua hành lang tối om, bước về phía cửa ra vào. Tôi khép kín cửa phòng tôi và chưa tới ngưỡng lối ra, chúng tôi đã rơi vào chỗ tối om. Vào lúc đó tôi linh cảm thấy mẹ đang đứng nấp ở một góc nào đấy trong hành lang nhỏ mà tôi và Giacinti đang len lén bước. Có lẽ mẹ nâp sau cửa hoặc trong góc giữa tủ và bức tường, và lúc này chờ cho Giacinti đi khỏi, mẹ sẽ nhảy bổ vào tôi, túm tóc, lôi tôi ra đi-văng và bắt đầu đấm lấy đấm để. Tôi cảm thấy mẹ đang ở kề ngay bên cạnh, trong bóng tối, tôi có cảm giác như mẹ ở đằng sau tôi đang vươn tay ra và túm tóc tôi ngay bây giờ đây. Tôi thấy ớn lạnh nơi sống lưng. Một tay tôi dắt Giacinti, còn tay kia nắm chặt lấy tiền. Lúc ấy tôi nghĩ rằng nếu mẹ xô ra thì tôi sẽ liền đưa tiền ngay cho mẹ. Đây sẽ là một lời bóng gió thầm lặng và chính bản thân mẹ lúc nào cũng cứ xô tôi vào con đường như thế chỉ vì đồng tiền, và ngoài ra còn buộc mẹ đành phải im lặng, bằng cách lợi dụng lòng tham mà tôi biết đang chiếm một vị trí không nhỏ trong lòng mẹ. Tôi mở khóa cửa.
- Thôi tạm biệt... Anh sẽ gọi điện cho Gisella – Giacinti nói.
Tôi nhìn theo anh ta xuống cầu thang, nhìn theo đôi vai rộng và mái tóc bạc cắt kiểu “bàn chải”, rồi không buồn ngoái lại, anh ta giơ tay vẫy tôi, sau đó tôi khép cửa lại. Liền ngay lúc đó, như tôi dự đoán, mẹ nhảy bổ vào tôi. Nhưng không như tôi lo sợ, mẹ không túm tóc tôi, mà chỉ lúng túng ôm tôi, thoạt đầu tôi có cảm giác mẹ muốn ôm hôn tôi. Nhớ tới quyết định của mình, tôi quơ trong bóng tối tìm tay mẹ, rồi giúi tiền vào tay. Nhưng mẹ quay đi và chúng rơi xuống sàn. Toàn bộ cảnh này diễn ra trong nháy mắt và chẳng ai nói một lời nào.
Tôi bước vào căn phòng may và ngồi lên bàn. Mẹ ngồi xuống trước mặt tôi và nhìn tôi chằm chằm. Trông mẹ bối rối, nên tôi đâm ra lúng túng ngượng ngùng. Sau đó mẹ bảo:
- Con ạ, lúc con ở trong ấy, mẹ bỗng thấy sờ sợ.
- Mẹ sợ gì? – Tôi hỏi.
- Bản thân mẹ cũng không rõ nữa - Mẹ đáp - Mẹ thấy cô đơn... thậm chí lạnh cả người, rồi chẳng cảm thấy gì hết... mọi vật xung quanh cứ quay cuồng... hệt như khi uống rượu... mẹ thấy mọi thứ lạ lẫm thế nào ấy... mẹ nghĩ: đây là cái bàn, cái ghế, chiếc máy khâu... song không tài nào tự thuyết phục được rằng đây quả đúng là bàn, là ghế, là máy khâu... Thậm chí mẹ còn cảm tưởng mẹ không còn là mẹ nữa... Mẹ tự bảo: mẹ già lão, mẹ khâu may, mẹ có một con gái tên là Adriana, song mẹ không tài nào tự thuyết phục được mình tin điều đó... Để lãng quên, mới đầu mẹ nhớ lại tuổi trẻ của mình ra sao, sau đấy là lúc ở vào lứa tuổi con, mẹ nhớ lại mẹ đã lấy chồng, sinh con của mẹ ra sao... và mẹ phát hoảng lên, vì cuộc đời trôi qua như trong có một ngày, mẹ già đi mà không hề hay biết... và rồi sẽ chết. - Mẹ dứt lời, mắt vẫn nhìn vào tôi - Mọi việc sẽ diễn ra tựa hồ như mẹ đã không sinh ra trên đời này.
- Nghĩ tới chuyện đó làm gì hả mẹ - Tôi khẽ nói - Mẹ tuyệt nhiên chưa già đâu... Nói đến chuyện chết làm gì, mẹ.
Rõ ràng mẹ chẳng nghe tôi và nói tiếp tục như trong cơn mê, thật đau lòng khi phải nghe chuyện đó, tôi thấy giọng mẹ xem ra không thành thực.
- Mẹ đã bảo con, mẹ thấy sợ, và mẹ nghĩ: nếu con người chẳng muốn sống nữa thì dẫu sao cũng cứ buộc phải sống, phải không?... Mẹ không bảo người đó phải tự sát, muốn vậy phải dũng cảm, không, như đôi lúc người ta không muốn ăn hoặc đi lại, thề có vong linh hương hồn bố con... mẹ chỉ muốn chết thôi.
Mắt mẹ đầy nc mắt, môi run run. Tôi cũng bật khóc, bản thân không rõ tại sao, rồi đứng dậy ngồi xuống bên mẹ trên đi-văng và ôm hôn mẹ. Hai mẹ con cứ ngồi ôm nhau và khóc hồi lâu. Không có chuyện này, tôi đã bối rối và mệt mỏi lắm rồi, thế mà mẹ cứ nói mãi giọng thê lương làm tôi càng buồn hơn. Song tôi là người đầu tiên bình tâm trở lại, vì thật ra thấy mẹ khóc thì tôi khóc theo thế thôi. Nc mắt tự nó không trào ra nữa.
- Thôi, thôi nín đi mẹ - Tôi vỗ vào vai mẹ và bảo.
- Mẹ nói với con, Adriana, mẹ chẳng muốn sống trên đời này nữa - Mẹ ứa nc mắt nhắc lại.
Tôi lẳng lặng vuốt vai mẹ và để cho mẹ khóc cho chán thì thôi. Trong lúc đó, tôi tự nghĩ toàn bộ hành vi của mẹ chứng tỏ một cách hùng hồn rằng mẹ đang bị lương tâm cắn rứt. Thì mẹ chẳng thường bảo tôi phải nói theo Gisella bán mình cho được giá đấy ư? Nhưng nói một đằng, làm một nẻo, lúc này mẹ đã thấy rõ tôi đưa một người đàn ông vào nhà và tiền kiếm được đưa cho mẹ, tất cả những chuyện này là một đòn nặng giáng vào mẹ. Lúc này, chính mắt mẹ được thấy rõ kết quả của những lời khuyên răn của mình và đâm phát hoảng. Nhưng đồng thời, mẹ chẳng muốn thú nhận lỗi lầm của mình, và có lẽ còn cảm thấy nỗi hả hê cay đắng vì cho rằng lúc này đã muộn không thể sửa chữa lỗi lầm được. Và đáng nhẽ nói thẳng ra với tôi: “Con làm thế này không hay... lần sau đừng làm thế nữa”, mẹ lại nói về những điều mà giây phút đó tôi hoàn toàn chẳng quan tâm đến: về cuộc đời mẹ và ý nguyện muốn chết. Tôi thường có dịp quan sát một số người khi định làm một điều gì đáng chê trách, trước đó đã cố tự biện minh và không ngớt nói những chuyện cao siêu thế nào, nhằm đoan chắc với chính bản thân là mình vô tư và hào hiệp. Nếu trong những trường hợp tương tự nhiều người hành động hoàn toàn có dụng ý, thì người mẹ đáng thương của tôi lại vô thức trong vấn đề này, mẹ xử sự theo tiếng gọi của con tim và do hoàn cảnh bắt buộc. Song tôi tin lời mẹ khi mẹ nói rằng mình muốn chết. Tôi nhớ lại lúc biết chuyện Gino lừa dối, tôi cũng nào có muốn sống nữa? Bất chấp những ý nguyện muốn chết, cơ thể của tôi vẫn cứ tiếp tục sống và bắt phải khao khát yêu thương, bất chấp ý nguyện của tôi. Và tuy tôi thành thực muốn chết, muốn nằm trên giường và không bao giờ tỉnh dậy nữa, nhưng trong khi tôi ngủ, cơ thể tôi vẫn tiếp tục sống, máu vẫn chảy trong các động mạch, dạ dày vẫn tiêu hóa thức ăn, lông nách tuy đã cạo sạch nhưng vẫn mọc, móng tay vẫn mọc dài, da vẫn nhơm nhớp mồ hôi, sức lực vẫn được hồi phục, và khi sáng dậy mi mắt tự mở ra, mắt lại trông thấy cái thực tế đáng căm giận, tóm lại, tôi vẫn sống và vẫn cứ phải sống. rõ ràng tôi ngẫm nghĩ để tổng kết những suy tư của bản thân, cuộc sống thế nào đành phải chấp nhận nó như vậy.
Song tôi không nói gì với mẹ cả, vì nhận thấy ý nghĩ của tôi cũng chẳng vui vẻ gì hơn những câu chuyện của mẹ, và vị tất làm cho mẹ yên tâm. Khi tin chắc rằng mẹ sẽ không khóc nữa, tôi bứt ra khỏi mẹ và nói:
- Con đói lắm, mẹ ạ... - Quả đúng như vậy, vì lúc ở quán ăn, do xúc động, tôi không hề đụng tới các món ăn.
- Mẹ đã chuẩn bị bữa tối cho con rồi - Mẹ hồ hởi nói vì được giúp đỡ tôi, rồi bắt tay vào công việc thường lệ của mình - Mẹ đi hâm nóng lại ngay bây giờ đây.
Tôi ngồi xuống bên bàn ở chỗ mọi ngày vẫn ngồi và đợi. Lúc này, mọi suy nghĩ đều đã bay biến khỏi đầu óc tôi, tất cả sự việc vừa xảy ra chỉ còn đọng lại hương vị dịu ngọt của tình yêu trên đôi lòng bàn tay và vị mặn của nc mắt đã khô bám trên má. Tôi ngồi im không nhúc nhích và nhìn những chiếc bóng dài do ánh đèn rọi hắt lên mây bức tường trống trơn trong phòng. Mẹ bước vào tay cầm một đĩa thịt và rau.
- Mẹ không hâm súp, vì không được ngon lắm, vả lại còn hơi ít...
- Chẳng sao mẹ ạ, thế này đủ rồi.
Mẹ rót cho tôi một cốc vang đầy sát mép và như mọi ngày, ngồi xuống bên tôi, sẵn sàng làm mọi việc tôi nhờ, còn tôi bắt đầu ăn. Ngồi một lát mẹ lên tiếng hỏi, giọng băn khoăn:
- Bíttết có ngon không?
- Ngon ạ.
- Mẹ nài nỉ người bán thịt mãi mới được một miếng non.
Rõ ràng mẹ đã bình tĩnh trở lại, mọi việc lại đâu vào đấy như thường ngày. Tôi chậm rãi ăn, ăn xong co duỗi tay chân và ngáp một cách ngon lành. Tôi cảm thấy dễ chịu, động tác đơn giản này đem lại cho tôi một niềm khoan khoái, tôi cảm thấy mình trẻ khỏe và hạnh phúc.
- Con buồn ngủ ghê gớm – Tôi tuyên bố.
- Chờ mẹ chuẩn bị giường cho con - Mẹ sốt sắng và chuẩn bị đứng dậy đi ngay.
- Thôi mẹ ạ, không nên, để con tự làm lấy – Tôi ngăn mẹ lại.
Tôi rời khỏi bàn còn mẹ cầm lấy chiếc đĩa không.
- Sáng mai mẹ đừng đánh thức con dậy nhé, tỉnh lúc nào con dậy lúc đó.
Mẹ gật đầu chào tôi, còn tôi, sau khi hôn và chúc mẹ ngủ ngon, bước về phòng mình. Chăn gối bừa bãi trên giường. Nhưng tôi chỉ vỗ lại gối và sửa lại ga trải giường, rồi cởi áo xống, chui vào chăn. Tôi nằm một lúc, mắt mở thao láo nhìn bóng tối và đầu óc chẳng suy nghĩ gì cả.
- Mình là một con đĩ - Cuối cùng tôi lên tiếng tự bảo, để xem những lời ấy có tác động gì đến tôi không.
Song như tôi thấy rõ, chúng chẳng mảy may gây cho tôi một ấn tượng nhỏ nhoi nào, tôi nhắm mắt lại và gần như ngủ thiếp đi ngay lập tức.
Chú thích: (1). Quần áo lót của phụ nữ (tiếng Pháp).