Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cây Lẻ Bạn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 595 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cây Lẻ Bạn
Nguyễn Thu Phương

    Cây sau vườn nhà nội. Một cây mai chẻ cành từ gốc, thành một cây đôi. Thế song thụ. Cành bên này to khoẻ vững vàng, mùa xuân trổ hoa vàng rực với những bông cánh to, dày dặn. Cành bên kia mảnh mai, thanh thoát, bông mỏng manh, thưa thớt, vàng nhè nhẹ. Rõ ràng là chung một gốc, nhưng chia ra hai đời sống riêng gần như độc lập, rõ ràng hai tính cách. Thiên nhiên vốn sẵn nhiều bí ẩn, và cái sự bí ẩn này là một trong số đó, có thể giản đơn với con mắt các nhà sinh vật học, hay các bậc làm vườn chơi kiểng kỳ cựu như ông nội tôi – rằng do tính trội, gien trội hay tính lặn, gien lặn gì đó của hai nhánh mai. Ông tôi nói:
    - Người ta còn ép được cả những cây lớn trong một chậu kiểng thành bon-sai, rồi bẻ cành, uốn nhánh, tỉa ngọn, cắt lá, tạo dáng, ghép nối đủ kiểu cũng đâu có gì là lạ. Người ta làm được tuốt.
    Và cả vườn kiểng của ông đã minh chứng cho lời ông nói.
    Sự thật, cây mai đôi kia chẳng hề có sự can dự gì của ai. Tự nhiên nó thành ra như vậy. Đó mới là cái làm tôi thích, gây được cho tôi ấn tượng. Ông biết vậy, nên những lúc trầm ngâm ngồi uống trà dưới gốc mai – thứ trà ướp bông lài thơm dậy đặc biệt, uống vô đắng chát nhưng hậu ngọt, nước vàng sánh mà chỉ có cô Út mới biết cách châm làm ông vừa lòng – ông vẫn thường gật gù với tôi, "bây lớn lên, thay ta săn sóc cái vườn kiểng này được". Tôi đứng vòng tay, ông cho ngồi mà chẳng dám ngồi, biết ông khen thiệt chứ không vì cưng chiều theo kiểu cháu đích tôn mà nói vậy, lòng vừa vui vừa sợ.
    Tôi được cả nhà ưu ái. Ba tôi lập gia đình trễ, nghe kể thời trai trẻ người cũng kỳ hồ lang bạt lắm. Đến khi gặp mẹ thì đã lớn tuổi, phần không thể tránh né sự thúc giục của ông bà nội, vì chỉ có ba là con trai duy nhất, phần vì ba quá yêu mẹ. Mẹ tôi thì lại không thuận lợi về đường con cái cho lắm, lấy ba mấy năm, mẹ cùng bà nội đi khắp các chùa miếu đền thờ trong vùng cúng kiếng mãi, mới sinh ra được tôi. Ai cũng nói như vậy thì tôi là con cầu tự. Trời khiến sao tôi lại giống ông nội tôi như đúc, giống ngay từ lúc sanh ra. Nội thương tôi bằng một tình cảm nâng niu là lẽ dĩ nhiên, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc, lễ giáo khắt khe đã thành nếp. Tính tôi tuy ương bướng, nhưng nể sợ ông nội một phép. Và nhất là tôi rất thương cô Út, người cô dịu dàng và xinh đẹp nhất nhà trong ba người em gái của ba.
    Cô Ba, cô Tư lấy chồng đã về bên chồng rồi dọn ra ở riêng từ lâu, chỉ còn lại cô Út ở nhà. Ông tôi khó nhưng cô Út khéo chiều ông nhứt. Ba tôi nhiều khi còn làm phật ý ông, chứ cô Út thì hầu như không bao giờ. Từ ngày bà nội tôi mất sau một căn bệnh trầm kha, ông càng trở nên khó tính, chỉ còn hỏi han tôi và sai bảo cô Út này nọ, còn thì không vừa ý một ai khác. Ba nói có lẽ thời trai trẻ phiêu bạt của ba đã để lại dấu ấn không vừa lòng trong ông, nên tình cảm cha con có một khoảng cách không thể nào lấp đi cho hết. Còn bà nội như một sự dung hòa, gắn kết các người thân trong gia đình lại với nhau; mất bà, mỗi người trở thành một cõi riêng khó bề buộc ràng vào nhau như trước. Mẹ tôi thay bà, làm người xây tổ ấm, đã không kham nổi. Mẹ là con gái thành phố, da trắng tóc dài môi đỏ. Đôi mắt mẹ đen huyền, có hai đuôi kéo dài ra ướt át. Ba hay kể thời yêu mẹ, ba phải vất vả lắm mới giữ được, và càng vất vả hơn để lấy được mẹ. Mẹ có lẽ cũng yêu ba nên mới chịu về quê làm dâu, mới chịu học để hòa nhập vào nếp sống ở đây. Cho dù vậy, vẫn có cái gì đó lấn cấn trong lòng, làm cho mẹ có vẻ của người ở tạm. Biết nhập gia tùy tục, nhưng không bỏ sạch cái cốt cách thị thành vốn có, là căn nguyên làm cho mẹ không đủ sức thay bà nội trong gia đình.
    Có những đêm trăng, ông tôi biểu cô Út trải tấm chiếu sau nhà, dưới gốc cây mai đôi. Ông uống rượu một mình, không mồi nhắm. Nửa chừng, ông kêu tôi đến. Tôi đứng khoanh tay chờ, ông cho phép rồi mới dám ngồi xuống mép chiếu. Ông nói, giọng có thấm cái chất cay đặc trưng của xứ sở, nghe hơi đã thấy kéo dài ra và ươn ướt:
    - Hứa với nội, con sẽ không bao giờ rời bỏ xứ mình.
    Dĩ nhiên là tôi hứa. Mười ba tuổi, tôi còn biết gì hơn là làm vừa lòng người ông mà mình luôn hằng yêu kính. Trí óc non nớt cũng chưa kịp vẽ ra cho tôi những cuộc phiêu lưu nào xa hơn khóm tre đầu xóm, xa hơn cây cầu dẫn ra bến bắc. Ông vui lòng lắm, gật gù “Giỏi. Giỏi...”, rồi ông rót rượu ra chung, “Thưởng cho con...”. Tôi bưng chung rượu bằng hai tay, nhắm mắt hớp một cái. Rượu nóng ran, cay xè xộc vào mũi, chảy tới đâu biết tới đó. Tôi hoa mắt thấy một màn sương mù mờ kéo trước mắt, cổ họng khát cháy, bừng bừng toàn thân. Ông tôi cầm lại cái chung không, vỗ đùi:
    - Thằng nhỏ này ngon dữ đa. Khá!
    Nhưng rồi ông tôi không còn phải uống rượu một mình nữa, khi chú Hảo về tới xóm. Chú Hảo là người buôn kiểng ở thành phố. Nghe truyền xứ tôi có nhiều kiểng lạ, quý hiếm và lâu đời, chú về trước là chơi cho biết, sau là coi có thể làm ăn gầy dựng cơ nghiệp lâu dài được không. Coi xong vườn kiểng của ông tôi, chú cứ tấm tắc hoài. Nghe chú gọi mình là “nghệ nhân”, ông cười gạt đi:
    - Tao chỉ là người làm vườn, nghệ nhân nghệ nhiếc gì bây ơi.
    Chú Hảo rổn rảng – chú vốn có cái chất giọng trầm vang, rất rổn rảng, dễ lôi cuốn những người đối diện:
    - Bố mà ở trển là kể như "nghệ nhân" mất đất từ hồi nào. Nhưng con biết bố đâu có màng danh phận.
    Ông tôi cười khả khả, ai nói trúng ý ông thì ông thường cười vậy. Ông tỏ ra quý chú Hảo đặc biệt. Ông biểu đã về đây rồi thì cứ ở luôn trong nhà đừng ngại gì, coi như con cháu. Được lời, chú Hảo giành lấy cái võng. Ngày ngày, chú lân la đi các vườn kiểng trong xóm. Chẳng bao lâu, chú gầy dựng được phong trào làm kiểng để xuất bán, không đơn thuần chỉ là một thú chơi nữa. Xưa, chuyện mua bán chỉ là ăn may, thỉnh thoảng dăm ba mối, bây giờ chú sẽ tổ chức làm đại trà, quy mô. Chú đi đi về về như con thoi. Ở một thời gian lại trở lên thành phố, lại về, lại lên...
   Chú nói chú quan hệ rộng, làm ăn với rất nhiều nơi. Lần nào từ thành phố xuống, chú cũng không quên mua quà cho tôi. Những món đồ chơi đẹp lạ lùng chưa từng được thấy từ thành phố làm tôi thích mê. Tôi bắt đầu ước ao có lần được làm một chuyến đi về quê ngoại, bắt đầu mơ tưởng về phiùa bên kia bến bắc. Mẹ tôi từ ngày lấy chồng chưa một lần trở lên thành phố, vì ông bà ngoại tôi mất đã lâu, mẹ ở với người dì, mà bà dì ấy thì cũng đã đi xuất cảnh rồi, nên cũng chẳng còn ai thân thích. Có chú Hảo, mẹ bắt đầu lục ra trong ký ức những kỷ niệm xưa, mẹ hỏi han hằng giờ về thành phố, khuôn mặt đẹp của mẹ tươi tắn, như sáng bừng lên niềm vui thích, chẳng khác gì một đứa trẻ con được nghe câu chuyện lạ. Mẹ nói, “Bao nhiêu năm rồi còn gì...”.
    Hễ chú Hảo nhắc tới một chốn thân quen nào mà mẹ từng biết thì mẹ lại ồ lên, “Vậy sao...”. Rồi mẹ hào hứng kể chuyện cũ. Có một người cũng thích nghe chuyện của chú Hảo, đó là cô Út. Cô hay làm bộ như đang mải bận một việc gì đó, nhưng cứ nhìn cái vẻ quanh quẩn của cô không dám rời xa chỗ chú Hảo và mẹ ngồi, tôi biết cô lắng nghe không sót một câu chữ nào. Tôi có thể hiểu được điều này, bởi chính tôi cũng thích mê câu chuyện ấy. Nhưng cũng có thể cô Út vì một lý do khác, bởi có lúc chú Hảo ngồi nhậu với ông, cô cũng một điệu quẩn quanh. Rồi lúc chú Hảo hỏi han tôi, lúc chú soạn kiểng, chăm chú ghi chép, đánh giá, rồi loay hoay tính toán gì đó, cô cũng y hệt vậy...
    Một lần, ông biểu:
    - Hảo nè, tao còn một đứa con gái, bây có ưng làm rể tao không, có chịu về xứ này không?
    Nghe những lời đó, cô Út vọt vô trong buồng, mặt đỏ lựng có lẽ y chang mặt tôi lúc uống chung rượu đầu đời với ông nội. Còn chú Hảo lặng im, cười cười. Ông hiểu cái cười ấy như lời thỏa thuận. Từ đó, chú Hảo trở thành đứa con rể tương lai của ông. Cô Út dịu hiền trở nên duyên dáng hơn và trẻ trung hẳn ra. Tuổi ba mươi bốn của cô vậy là muộn mằn, nhưng cũng phải nói là vẫn còn may mắn. Chú Hảo to cao, mặt vuông, mày đậm, tướng tá chắc nịch, ra dáng đàn ông lắm. Lại giỏi giang làm ăn như vậy. Ba tôi cũng tán thành mối tình đó. Ba đem những kinh nghiệm thời yêu mẹ ra “phổ biến” với chú Hảo. Chú Hảo thì nói:
    - Em long đong lận đận cũng nhiều, nên tới từng tuổi này cũng chưa có vợ. Có phước lắm mới được làm rể nhà mình.
    Những lần sau đi thành phố về, chú đã không quên mua quà cho cô Út, ngoài những món quà cho tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên, thấy chú còn mua quà cho cả mẹ tôi. Mẹ giải thích, "Mẹ gởi tiền nhờ chú ấy mua". Thứ trà móc câu chú mua biếu ông, ông uống khen quá chừng. Có chú, không khí gia đình trở lại ấm áp, vui vẻ như hồi còn bà nội. Ngay cả vợ chồng cô Ba, cô Tư, ngay cả mấy đứa em tôi mỗi lần về chơi cũng khoái chú.
    Cô Út cười nhiều hơn, cô không còn lặng lẽ đi ra đi vô trong nhà như xưa nữa. Cô bắt đầu trêu chọc tôi rồi cười, như thể muốn phát lộ cái vui trong lòng mình ra cho mọi người đều biết. Không phải cô không từng có những mối tình, trước đây cũng có nhiều ông chú trong xóm đã vo ve nhờ tôi đem thơ về cho cô, nhưng đó là những bức thơ tình xấu số, cô Út đọc lén ông, rồi lén ông đốt sạch, không hồi âm cho ai...
    Đám cưới được ấn định vào tháng chạp âm lịch, trước hôm đưa ông táo một bữa. Năm đó nhuận nên mai nở sớm. Cây mai đôi ra bông vàng rườm. Cô Út có lẽ tưới nó quá nhiều, nên không nhặt lá mà nó cứ ra liên tục hết lứa này tiếp lứa khác. Ông không la mắng gì, còn nói vậy là điềm may.
    Cả nhà tíu tít chuẩn bị cho đám cưới. Còn một tuần nữa đến đám cưới thì chú Hảo về thành phố sắp xếp để đưa người nhà xuống. Cô Út may một chiếc áo dài màu vàng bông mai, ngày nào cũng đem ra săm soi ngắm nghía.
    Vụ mất tích của mẹ tôi ba ngày trước đám cưới làm mọi người như xìu xuống. Ai nấy bỏ dở công việc tất tả tìm kiếm, nhưng không có một dấu vết gì. Tuyệt nhiên không.
    Đến khi ba tìm được lá thơ mẹ để lại trong tủ, mới hay mẹ bỏ nhà đi theo chú Hảo. Ông nổi cơn giận dữ, ông trách chú Hảo thật nặng lời: "bất nghĩa, bất tình". Cô Ba dượng Ba, cô Tư dượng Tư cũng oán thán. Cô Út lủi vô trong buồng nằm khóc ỉ ôi, khóc mãi như không thể ngừng. Không một ai nhắc tới mẹ, mọi tội lỗi trách oán đổ hết lên đầu chú Hảo, người đã che mắt mọi người bằng cái đám cưới với cô Út, để rù quến mẹ. Có lẽ không ai nỡ dày vò ba, sợ sẽ làm ông đau khổ thêm nữa. Ba lặng thinh vật vờ như một cái bóng. Nỗi khổ đau và nhục nhã kéo gầm mặt ông xuống, phủ cấp kỳ hàng tá nếp nhăn xung quanh mắt và khoé miệng ông. Còn tôi, tôi không dám ra ngoài xóm nữa. Bọn bạn tôi, luôn cả con Tằm mắt to như hai hột nhãn đen láy mà tôi rất quý mến, cũng bán tín bán nghi dò hỏi: "Nghe nói, mẹ anh bỏ nhà đi theo ông Hảo hả?", còn người lớn thì thẳng thừng: "Mẹ mày là thứ đồ đàn bà hư!". 
    Một đêm, tôi nghe tiếng lục đục trong gian buồng của ba mẹ mà bây giờ chỉ còn mình ba. Lẫn với tiếng nức nở lõm bõm của cô Út, tiếng lục đục đó nghe như thu dọn đồ đạc. Rồi ba tới giường tôi, khều nhẹ, ra dấu im lặng. Tôi theo ba ra sân sau, vẫn còn ngái ngủ. Ba bảo đi với ba, ba đã chuẩn bị đồ đạc hết rồi. Tôi hỏi đi đâu mà đi giữa đêm hôm vậy. Ba nói đi tìm mẹ, đi ban ngày sợ ông nội không cho. Tự nhiên tôi lắc đầu "con thương ông lắm, không đi với ba đâu". Ba bảo kiếm được mẹ rồi về. Tôi nói nếu vậy phải cho ông biết. Ba cộc cằn hất tôi ra, bỏ đi một nước không thèm nói chi nữa. Rất lâu sau đó cũng không thấy có tin tức gì của người. Ở nhà, cô Út uống thuốc rầy tự tử, đúng vào mùng bốn Tết. Nhánh mai nhỏ hơn của cây mai đôi từ đó cũng tự nhiên mà chết rụi, trong khi bên đây, cành mai lớn vẫn dồi dào sinh lực, cuồn cuộn sức sống, vẫn còn bông...
    Ông không chịu nổi, vác dao chặt luôn cây mai từ cành nhánh cho tới tận gốc rễ. Ai cũng tiếc cây lực lưỡng với bao nhiêu cành nhánh nhỏ xum xuê tươi tốt. Dù vậy, không ai dám cản ngăn ông. Chặt xong, ông ra mả cô Út, ngồi trầm tư cả buổi chiều...
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 670

Return to top