Làng Bè
Nguyễn Thu Phương
Bè nhà tôi neo gần bè nhà hắn. Mùa này cha neo ở gần bờ, bắc cây cầu ván cho chúng tôi leo lên leo xuống. Nhà hắn cũng vậy. Từ nhà tôi sang nhà hắn, cũng bắc bằng tấm ván để tiện đi qua đi lại. Con sông bình yên chảy ở giữa, sóng lăn tăn vỗ ì oạp vào mạn bè.
Bếp nhà hắn xoay mặt vô bếp nhà tôi. Vì vậy, hầu như cả ngày tôi và hắn chạm mặt nhau. Tôi ôm rau muống lên bằm, thấy hắn đang trộn cám, lúc tôi nhóm lò, thấy hắn phơi mồi để nguội cho cá ăn, lúc tôi xay mồi, thấy hắn đóng than, lúc tôi se mồi thành từng viên, thấy hắn mở nắp sàn cho cá ăn rào rào bên ấy. Thấy qua thấy lại cả ngày, chuyện bình thường hàng xóm láng giềng đó thôi!
Đùng một cái, tôi thi đậu vào lớp mười. Đùng cái nữa, trường quy định mặc áo dài. Có điều áo dài trắng với quần đen, xứ quê mà. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho hắn nhìn tôi khang khác. Còn tôi thì từ đó không dám cho hắn thấy tôi ngó hắn. Nhằm lúc hắn không để ý, tôi quan sát, và nhận ra coi bộ hắn là lạ hẳn, cũng ra dáng học sinh trung học lắm. Không hiểu là tại sao?! (Hình như do giọng hắn bị "bể" đổi ồm ồm? Hay do mép hắn tự nhiên lún phún… râu? Hay do hắn vuốt nước tóc chải láng o kiểu đầu hai mái?)
Về nhà thì vẫn như xưa, hắn ở trần, hùng hục phụ cha mẹ và mấy ông anh. Còn tôi cũng lo phụ gia đình chăm sóc lũ cá. Vậy nhưng rõ ràng cười với nhau ngượng ngùng sao đâu. Không như trước. Dù hai cái bè của hai nhà chẳng xa ra hay gần lại thêm chút nào. Thằng Mẫn ròm trong lớp rêu rao ì xèo lên rằng hắn tuyên bố với đám con trai là hắn mà có bạn gái thì hắn săn sóc tỉ mỉ như săn sóc con cá basa. Trời ơi, mới ti toe lên lớp mười mà đã bày đặt "Nếu có bạn gái…" này nọ. Kể ra thì hắn so sánh cũng hay. Làm nghề nuôi, bất kể mình chăn nuôi con gì cũng phải lo săn sóc con ấy hết lòng thì mới có kết quả. nghề bè, ăn trên cá, ngủ trên cá, sống với cá. những lúc cho chúng ăn, cá lúc nhúc lao lên há miệng chen chúc đớp mồi, càng ngày chúng ăn càng mạnh và lớn lên thấy rõ. Đêm nằm nghe cá quẫy sùng sục, cá và người thân thiết đến mức thò tay xuống giỡn đụng từng con cá trong bè còn được, người nuôi thuộc tánh ý từng con. Cứ
thế từng mùa bảy tám tháng trời ròng rã, con cá nhỏ chút xíu như đầu tăm hồi nào thay da đổi thịt lớn lên bằng ba ngón tay, bằng cườm tay, rồi bằng bắp chân… Cá ăn mạnh, cá khỏe, đó là nỗi lo toan của người. Trong lớp tôi dân làng bè cũng nhiều, con Hoa cũng vậy, nghe được câu hắn nói nó trề môi: "Bạn gái mà đem ví với cá basa, bộ tính vỗ béo cho đủ ký đủ lượng để đem lóc thịt xuất khẩu hả". Nghĩ con nhỏ chanh chua nhưng nói cũng đúng. Đêm đó tôi nằm chiêm bao thấy tôi bị hắn thả xuống dưới bè ở chung với cá, cá quẫy đùng đùng kinh hồn. Sáng mai tỉnh dậy, chị Hai tôi la: "Mớ gì mà đêm đạp dữ, bộ gặp ma sao?". Tôi đỏ mặt, tự nhiên lại tưởng mình là bạn gái của hắn, chiêm bao gì mà kỳ!
Hôm đó xe đạp của tôi bị hư bất ngờ, trễ giờ đi học tới nơi. Chưa biết tính
sao thì hắn rà xe lại, tỉnh queo đòi chở giùm. Tôi ngại vô cùng nhưng kẹt quá đành chịu. Xe tôi hắn dắt đem gởi nhờ quán chị Ba nước mía gần đó. Bữa đó tới giờ ra chơi, Mẫn ròm bảo với hắn thật lớn như cố tình cho tôi nghe: "Bộ mày tìm được con cá basa của mày rồi đó hả?". Còn con Hoa, nó nháy mắt với tôi: "Hạ à. Chịu ông đó đi, bà ốm quá, để ổng nuôi mới mập lên được…". Suốt mấy năm cấp ba chết danh, cả lớp gọi tôi là "con cá basa" của hắn.
Từ sau bữa đó, tôi cố gắng giữ xe thiệt ngon để khỏi bao giờ phải mượn hắn chở nữa. Nhưng như mắc xui, liên tục cái xe thấy ghét cứ đổ chứng, hết bệnh này lại tật nọ. Có bữa nó không hư thì tôi lại vô ý để tà áo dài cuốn vô sên, dở khóc dở cười. ngộ là ở chỗ, lúc nào hắn cũng xuất hiện kịp thời để gỡ bí cho tôi. Cứ như hắn luôn theo dõi tôi vậy, (Cứ như hắn là hiệp sĩ trong mấy truyện cổ tích đi cứu công chúa)…
Ở nhà, hắn hay lân la kiếm cớ sang bên bè nhà tôi hỏi han mượn này mượn nọ: Khi là cuốn tập, hồi là cây viết, lúc là câu hỏi ôn kiểm tra một tiết… Cuối cùng chẳng còn gì để mượn hay để hỏi, hắn bèn rủ tôi học chung. Hắn học giỏi, tôi học làng nhàng. Học chung hắn được ích lợi gì đâu! Cha mẹ tôi thấy vậy thì ưng bụng lắm, biểu chị Hai và mấy đứa em chừa cho tôi mấy tiếng đồng hồ buổi chiều không phải làm gì để tập trung học bài. Hắn rất biết điều, ngoài việc kèm tôi học làm việc nhà mình xong rảnh giờ nào hắn lại qua bên nhà tôi phụ việc. Con trai sông nước, cần cù, mười sáu tuổi mà coi bộ hắn người lớn tới nơi rồi, vạm vỡ khỏe mạnh ra dáng, nước da nâu rám nắng ngời ngời. Những buổi chiều rảnh rang hắn thường lội (hắn lội giỏi lắm) qua bên kia sông hái cho tôi mấy nhánh bông tím mọc lẫn trong vạt cỏ cao, bông không có tên, hắn bảo tùy tôi chọn tên gì hay hay dễ nhớ, chỉ hai đứa biết. Tôi mân mê nhánh bông, hắn khá môn văn tôi dốt, rồi biểu tôi cứ vậy mà gọi, bày đặt chi…
Tối hôm đó, cha bảo chắc phải dời bè về nơi ngã ba sông. Nước ở đây không còn đủ độ trong, cá không đủ không khí để thở. Đêm đó, tôi nằm hoài không ngủ được, xa hắn tôi thấy buồn, không biết hắn có ngại mỏi chân - À quên, mỏi tay bơi - Mà không chịu đi thăm tôi hay không. Sáng ra, mới hay bè nhà hắn cũng một lượt dời đi. Tự nhiên, tôi nhìn hắn, thấy mắt cay cay. Còn hắn chẳng biết nghĩ gì nhoẻn miệng cười. Đến nơi mới, chúng tôi vẫn lại là láng giềng. Vẫn một tấm ván bắc qua hai bè, vẫn dòng sông bên dưới sóng vỗ lăn tăn ì oạp hiền hòa, vẫn thấy qua thấy lại cả ngày… Nhưng không hiểu, tôi và hắn chơi với nhau thân như vậy, tôi đã phải là bạn gái của hắn hay chưa?
Tôi cứ tưởng chỉ mình tôi suy nghĩ bâng khuâng vì điều đó, không ngờ một bữa kia, tôi bắt gặp trong vở tôi một lá thư. Chữ hắn. nét ngay ngắn, thẳng và dài. Chữ con trai gì mà đẹp. Hắn viết như vầy: "Hạ ơi. Hạ có bằng lòng làm bạn gái của tôi không?". Hỏi gì mà kỳ, giống như hỏi cá basa có phải là cá không. Hỏi vậy làm sao tôi trả lời được, hở trời!