Phục rời khỏi ga, đi đến tửu quán nọ, mua một ít lương khô rồi hỏi đường lên Lương Sơn Bạc. Người chủ quán hỏi:
− Ông lên Lương Sơn tìm thầy học đạo à?
− Dạ! Đường đi lên Lương Sơn có xa lắm không?
− Độ chừng sáu cây thôi, nhưng ông phải đi ngay kẻo muộn. Đường lên núi rất hiểm trở và thường có cọp. Ông chắc từ miền ngoài vào? Ông không nghe tiếng "cọp Khánh Hòa" sao?
Nói rồi người chủ quán đưa tay chỉ về phía núi trắng bảo:
− Ông cứ đi theo con đường mòn, qua khỏi ga xe lửa rồi cứ đi thẳng. Đi độ nửa giờ thì ông sẽ gặp một con suối, sẽ có gốc cây thị, rồi quẹo phải. Sau đó ông cứ đi thẳng, đi miết, ông sẽ gặp một khu rừng toàn hoa mai, đó là nơi ông sẽ tìm được người ông muốn gặp. Chúc ông may mắn.
Phục đi đến trưa, chàng mới đến gốc cây thị như người chủ quán tả. Người chàng mệt lả. Chàng mở gói lương khô ra ăn. Ăn no bụng, Phục đến bên bờ suối uống nước. Nước suối trong xanh, mát mẻ. Chàng uống xong rồi dùng nước suối rửa mặt. Phục cảm thấy người khoẻ hẳn. Chàng vươn vai, hít thở một hơi dài. Mùi trái thị chín, hoà lẫn với mùi hương lan rừng mọc xung quanh bờ suối thoang thoảng làm chàng ngây ngất đi giây lát. Chàng trở lại gốc thị, nhặt lấy một trái thị chín rồi đưa lên ngửi. Chợt chàng nhớ lại câu chuyện thần thoại cô Tấm hoá thành quả thị sống bên mé rừng rồi chờ nhàvua đến rước. Chàng mỉm cười với ý nghĩ thần thoại chợt hiện ra nhanh trong óc chàng. Không hiểu có cô Tấm nào sẽ hiện ra đón chàng không?
Tiếp tục lên đường, Phục mong tìm được thầy học đạo. Chàng càng đi, con đường càng trở nên gồ ghề, hiểm trở. Dọc đường toàn là những hoa trinh nữ mầu tím nhạt nở đầy, làm vướng chân chàng. Đi được vài cây số, Phục thấy một con thác lớn chắn ngang hướng đi. Phục lẩm bẩm:
− Ngộ thật, ông chủ quán nói mình sẽ gặp một vườn mai rừng, sao giờ lại gặp con thác chắn ngang?
Con thác chắn ngang lối đi. Phục nhìn lên ngọn thác, một mầu trắng xóa của nước đổ. Nằm dưới chân thác là những cụm hoa trắng nhỏ li ti. Chàng dừng chân, nhìn quanh để tìm xem có người nào đi rừng để hỏi đường lên núi. Nhưng bốn bề đều vắng lặng, ngoại trừ tiếng thác đổ. Chàng cảm thấy rờn rợn người. Chàng tính quay trở lại gốc cây thị để chờ người hỏi thăm, bất chợt chàng nghe tiếng sáo thổi. Phục đi về hướng ấy để tìm người thổi sáo may ra nhờ người ấy chỉ đường. Nghe tiếng động, người lạ ngừng tiếng sáo hỏi:
− Ông đi đâu thế? Lạc lối à?
Phục nhìn người lạ. Người lạ có mái tóc dài, mượt, nước da ngăm ngăm, dường như là người thổ dân. Bên cạnh nàng là một cái gùi mây. Chàng tiến đến bên nàng nói:
− Tôi lên Lương Sơn Bạc tìm thầy học đạo. Chẳng may bị lạc đường. Cô làm ơn chỉ dùm đường trở lại Lương Sơn.
Người con gái mở to đôi mắt, rồi lại thản nhiên đáp:
− Ông lại đi tìm ông ấy chăng? Ông đi nhầm đường rồi.
Phục ngơ ngác hỏi:
− Bây giờ tôi phải làm sao, thưa cô?
Phục đứng yên. Dường như người con gái miền núi nọ đoán được suy nghĩ của chàng, nàng nói:
− Giờ cũng xế rồi, ông trở lại không kịp nữa đâu. Ông tạm nghỉ lại nơi đây ngày mai sẽ lên đường tiếp. Đường tối rất gồ ghề lại có thú dữ...
Phục hỏi:
− Thế tôi ngủ ở đâu, thưa cô?
− Ở nhà tôi.
Người con gái trả lời. Nói rồi nàng mang gùi trên vai, dắt Phục đi theo con đường nhỏ, xuyên qua lòng thác. Con đường nhỏ nằm khuất sau những cụm hoa trắng, mà hồi nãy chàng không nhìn kỹ. Phục chợt hỏi:
− Nhà cô gần đây không?
Người con gái trả lời:
− Sau con thác này.
Hai người về đến nhà cô gái. Một người đàn bà, có lẽ là mẹ cô gái, đang nướng ngô bên cạnh một cô bé nhỏ. Cô gái đưa tay chỉ về phía bà ta nói:
− Mạ, có người này muốn đi Lương Sơn Bạc, nhưng lại lạc đường vào đây, xin ngủ tạm qua đêm.
− Lại một người muốn tìm ông ấy nữa à.
− Dạ.
Phục nhìn hai mẹ con họ mà chẳng hiểu họ nói gì. Qua những lời nói của họ, dường như họ quen biết vị thầy mà Phục muốn tìm đến để học đạo.
Sau khi ăn xong phần ngô nướng và một ít lương khô, Phục mượn tạm họ cái mền rồi ra ngoài võng nằm ngủ.
Sáng sớm, sương xuống. Cái lạnh của miền núi làm Phục tỉnh giấc. Chàng xuống bếp, cô gái nọ đang nhóm lửa nấu cơm. Chàng đến bên cô gái nọ hỏi:
− Cô dậy sớm thế?
− Dạ. Tôi dậy nấu cơm cho mạ và em ăn rồi cả nhà còn phải đưa ông đi.
− Đưa tôi đi à?
− Vâng, thưa ông. Đường lên Lương Sơn Bạc khó đi lắm, không để ông lạc thêm lần nữa. Vả lại chúng tôi cũng đi thăm ông ấy.
Chợt Phục nhìn quanh, rồi chàng hỏi:
− Ở đây không có nhà xung quanh sao cô?
− Lúc trước có, thưa ông. Nhưng họ cũng vừa dọn đi nơi khác non năm.
Phục ngồi xuống cạnh cô gái hỏi:
− Vậy, cô tên gì?
− Tên em là Lan.
− Hèn gì cô đẹp giống như một đóa lan rừng. Vừa thơm, vừa quyến rũ.
Cô gái nọ bẽn lẽn đáp:
− Lan mà đẹp chi ông? Ở ngoài suối thiếu gì lan...
− Vậy à?
− Mà tại sao ông lại đi Lương Sơn Bạc tìm ông ta làm gì?
− Tôi nghe nói ông ta là người đắc đạo, nên tôi tìm đến để xin học. Dường như gia đình cô có quen ông ta?
− Ông ta là gia chúng tôi đấy.
− Là gì thưa cô?
− Là gia, là ba tôi đấy.
− Ông ta là người tu hành mà còn lập gia thất sao cô?
− Ông ta có tu hành gì đâu thưa ông.
− Ồ....
Phục chợt lặng người. Chàng suy nghĩ mông lung.
− Ông à.... Ông sao thế....
Người con gái gọi Phục.
Phục giật mình, lắc đầu, trả lời:
− Không gì...
− Ngộ thật.... Ông còn muốn đi Lương Sơn Bạc không, thưa ông?
− Vâng...
Sau khi ăn cơm xong, Phục cùng gia đình Lan đi Lương Sơn. Phục lặng lẽ theo sau Lan. Tuy không nói gì nhưng trong lòng Phục bắt đầu dậy lên những suy nghĩ đối chọi nhau. Khó khăn lắm Phục mới tìm tới được chốn này vì chàng đã nghe nhiều lời đồn đãi về một vị sư đắc đạo ẩn dật ở Lương Sơn. Nhưng vừa rồi, cô Lan đã thừa nhận ông ấy là cha của nàng, làm Phục có phần thất vọng về người chàng đang đi tìm. Ông ta vào chốn rừng thiêng nước độc này để tu tập khổ hạnh, hay để tìm hái những đóa hoa miền núi? Phục muốn bỏ cuộc nhưng đã lỡ lên đến đây, chàng đành phải tiếp tục đi. Phục tự an ủi mình: "Biết đâu người mình tìm không phải là ngườụi mà gia đình cô Lan sẽ đi thăm."
Vượt qua rừng núi toàn hoa mai. Phục hỏi Lan:
− Mình gần tới rồi phải không cô?
− Vâng, thưa ông. Sao ông lại biết?
− Người ta bảo thế.
Đi được một đoạn đường, chàng gặp một người đi chân đất, mình mặc áo cà sa. Lan vui mừng nói:
− Gia tôi đấy.
Chàng ngờ ngợ hỏi:
− Đấy có phải ngài là sư Sãi không thưa cô?
Nghe hỏi, người ấy dừng lại, quay nhìn Phục và trả lời:
− Vâng, tôi tên Sãi, nhưng không phải là sư.
− Thế sao ông lại mặc áo nhà sư và mang danh sư Sãi.
− Tôi mặc áo nhà sư thì đã sao? Tôi có thể làm bất cứ việc gì tôi muốn. Có gì mà cậu lại thắc mắc. –Ông ta nhìn Phục rồi tiếp - Chắc cậu cũng giống như những người khác, coi trọng chiếc áo nhà sư này. Ai mặc nó vào sẽ lập tức được kính phục ngay. Người nào mặc nó mà không hành xử như một vị chân tu thì sẽ làm người đời thất vọng. Cậu phải nhớ rằng, chiếc áo chỉ là vật che thân, không thể nói lên được giá trị của người mặc nó.
− Thế sao người ta lại gọi ông là sư?
− Người ta gọi sao thì mặc. Đó chẳng qua chỉ là một danh từ, một khẩu hiệu mà người đời gọi nhau. Và người ta nghĩ sao thì mặc người ta. Tôi sống không cần người ta vì tôi muốn vượt khỏi tôi để đi tìm bản thân tôi thì có tội tình chi? Khi tôi vượt khỏi tôi, lúc đó tôi mới cảm thấy được sự nhàn rỗi của bản thân. Con người sống hiện tại hay thích nhìn về những thứ mà họ cảm thấy quen mắt. Còn những thứ trái mắt, như tôi mặc chiếc áo sư này, là người ta lại để ý, dòm ngó.
Ông ta vẫn thao thao bất tuyệt. Phục nhìn người đàn ông nọ, mà chàng nghe mọi người gọi là sư Sãi rất đắc đạo, rồi thất vọng tràn trề. Trong lòng chàng, từ lức quyết chí ra đi tìm thầy học đạo, chàng cứ ngỡ rằng chàng sẽ tìm gặp những người tu đạo trong hang núi. Hay ít ra những người ngồi thiền dưới một gốc cây cổ thụ. Chứ chàng không ngờ được rằng chàng lại gặp một người như thế này. Chàng hỏi một câu mà không chủ ý để nghe trả lời:
− Vì sao ông lại có gia thất trong khi ông muốn vượt khỏi mọi thứ trên cõi trần này?
− Vì tôi là con người, mà con người thì cần phải có sự điều hòa của thiên nhiên là phải có vợ, có chồng.
− Vậy tại sao ông không sống với họ, và có một cuộc sống bình thường?
− Vì tôi không muốn quấy rầy đời sống của họ. Và họ cũng không làm phiền lụy đến sự vượt khỏi của tôi.
− Vậy ông đã vượt khỏi ông chưa?
− Tôi đang đi tìm...
− Tại sao ông phải vượt khỏi chính mình? Đó là ý nghĩa cuộc đời của ông chăng?
− Có một triết gia cho là ý nghĩa của cuộc đời, ta chỉ có được nếu ta sống vượt lên trên nó, như tôi đã nói. Và ta cũng chỉ có được hạnh phúc nếu ta sống cao cả.
− Và ông cho đó là đúng?
− Tôi không biết. Vì phần lớn con người không hiểu phải sống thế nào, mới là sống vượt lên trên sự sống tầm thường. Cái mà ta nhiều lúc còn chưa thỏa mãn được làm sao vượt qua?
− Vậy theo ông, ý nghĩa của cuộc đời ở đâu?
Ông nhìn Phục chăm chăm rồi mỉm cười, trả lời:
− Tôi nghĩ đó là một câu đố, một dấu hỏi.
Hai người yên lặng. Không gian ở vườn mai cũng lắng đọng. Mọi sự như cô tịch hẳn, quanh quất chỉ có hương thơm của hoa tỏa ngát. Mặt trời xuống dần và họ vẫn đi tìm một cái gì đó, trong hư không...