Đang coi phim ở phòng khách, nghe tiếng lách cách của chùm chìa khóa tra vào ổ, Việt vội tắt ti vi; bỏ vào phòng. Một người đàn ông trung niên, nhỏ con, khắc khổ, mở cửa bước vào. Tiếng người đàn bà trong nhà bếp hỏi vọng ra:
− Anh về đấy à?
− Ừa, anh mới về? Thằng Việt đâu rồi em?
− Nó mới xem ti vi đó mà, chắc là ở trong phòng. Để em vào kêu nó ra.
Người đàn bà gõ cửa, gọi:
− Việt, mở cửa cho mẹ!
− Có gì không mẹ?
− Ba mày đi làm về, ra chào ổng một tiếng, rồi cả nhà ăn cơm.
− Con đang bận học, mẹ với ba ăn cơm trước đi, tí con ăn sau.
− Không ăn cũng ra ngoài với mẹ. Mở cửa cho mẹ. Mau!
Việt uể oải đứng dậy mở cửa phòng. Xong, Việt trở lại giường. Nằm xuống. Tay Việt cầm quyển sách, mắt nhìn lên trần nhà, hồn thì mãi để đâu đâu. Bà An, mẹ Việt, mở lời:
− Con đang giận ba à?
Im lặng. Bà tiếp:
− Có phải vì ổng không mua cái máy chơi game Play Station gì đó? Nếu phải thì con sai rồi. Con đã lớn, năm tới vào đại học rồi mà còn như vậy...
Bà lắc đầu, nhìn con. Việt hơi lớn tiếng nói với mẹ:
− Ba thiệt là keo quá mà. Xin cái gì cũng không cho. Đụng gì cũng la, cũng nhăn nhó. Cái thì nói không tiền, cái thì la quá đắt. Đã vậy còn phân bì, "compare" với thằng Andrew... Nếu con biết ba như vậy thì chẳng thèm qua Mỹ làm gì. Ở Việt Nam còn sướng hơn.
Thêm một chuỗi im lặng. Người ta có thể nghe cả tiếng nước róc rách phát ra từ bể cá cảnh đặt trên bàn; tiếng tích tắc chuyển động của cây kim gió chiếc đồng hồ treo tường. Người đàn bà dường như đang suy nghĩ những lời con vừa nói. Cậu con, cũng như mẹ, đang nghĩ lại những lời mà mình vừa thốt ra. Cậu biết cậu đang làm mẹ buồn. Cậu tự trách, không biết sao mình lại nói như vậy. Có lẽ là do sự giận hờn nhỏ nhen hay sự bực tức nào đó. Nhưng, nhưng cậu biết mọi chuyện đã lỡ. Lời nói đã thốt ra thì khó hòng thâu lại. Cậu đang tìm lời để giải thích về sự bực dọc của mình.
− Mẹ ... Con...
Bà An ngắt lời con:
− Mẹ biết con không được vui, nhưng con lớn rồi cũng nên tập suy nghĩ chín chắn. Những gì ba con làm đều có mục đích riêng của ổng. Nếu ổng keo kiệt đem tiền đi cờ bạc, đàn điếm, hút sách, hay gì khác thì con có quyền trách ổng. Đằng này, ổng để dành tiền lo cho gia đình thì con trách gì?
− Nhưng con...
− Con làm sao?
− Con thấy nhiều khi ba quá đáng. Con không nói làm gì. Còn mẹ? Ba có mua gì cho mẹ từ ngày mình qua đây chưa? Ngày sinh nhật của Mẹ, ngày lễ Tình Yêu, dịp Tết, dịp Noel... Con thấy không ai như mẹ cả. Nhẫn nhục, chịu đựng, hầu hạ ba đủ điều. Đã vậy còn cằn nhằn mẹ khi dọn cơm không đúng giờ hoặc đi chợ mua đồ nhiều,... nên con không thích ba.
Bà An im lặng suy nghĩ về những điều con bà vừa mới nói. Bà biết ở xã hội hiện đại này không còn "Chồng Chúa Vợ Tôi". Tuy bà sống ở Mỹ, nhưng bà luôn nghĩ rằng mình là người Việt Nam. Một người phụ nữ Việt, thuần tuý, dù sống ở đâu đi chăng nữa cũng là người Việt Nam. Những chuyện hình thức bên ngoài như quà cáp bà cho là yêu thương bề mặt, không quan trọng. Từ khi làm vợ rồi làm mẹ, bà luôn nghĩ rằng mình sẽ làm tất cả để giữ cho gia đình an vui. Nuôi dạy con nên người. Ngoài ra, bà không suy nghĩ đến những việc khác. Có lần vào những dịp lễ bạn bè đem khoe này khoe nọ; những thứ mà chồng họ mua tặng, bà cũng tủi lòng. Họ cũng hay nói với bà nên lo cho mình, bảo chồng quan tâm đến một tí... Ý họ bà hiểu, nhưng bà không thể chạy theo xã hội vật chất để đánh mất con người. Nếu ai nói này, nói nọ, bà trả lời thẳng với họ: "Con người tạo ra nghi thức, xã hội.... Những nghi thức, xã hội ấy ta không nên ràng buột mình để chạy theo chúng. Nếu còn ở Việt Nam thì chắc mọi người sẽ không hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia.... Rồi đem ra so sánh."
− Mẹ...
Bà An giật mình. Bà nói:
− Con không hiểu nỗi tình cảm của gia đình Việt Nam. Những thứ quà cáp đó chỉ tượng trưng, chứ không mang ý nghĩa thiêng liêng, tình cảm gì cho lắm. Mẹ chỉ cần gia đình an vui là đủ.
− Mẹ... Nhưng...
− Thôi mẹ để cho con suy nghĩ lại. Mẹ biết rồi đây con sẽ hiểu và thông cảm cho ba con.
Bà An rời khỏi phòng. Thời gian trôi đi. Mọi người đều nghĩ rằng câu truyện không vui trong gia đình rồi cũng chìm vào quên lãng. Họ tiếp tục sống, học, và làm việc như thường ngày.
Việt vẫn còn giận ba. Cậu không còn giận chuyện quà cáp nữa. Nhưng Việt cảm thấy tưng tức trong lồng ngực mỗi lần nhìn người ta đi mua đồ cho vợ, cho con nhân những dịp lễ lớn. Việt nghĩ rằng ông ích kỷ, ông không thương gia đình. Việt biết đó chỉ là suy nghĩ "yêu thương" mà cậu học được ở xã hội mà cậu đang sống. Nhưng, có lẽ mẹ cậu không nghĩ vậy?
Việt tốt nghiệp trung học và chuẩn bị lên đại học. Cậu được nhiều trường danh tiếng nhận vào. Cậu đang phân vân việc chọn trường thích hợp. Những trường mà Việt thích đều ở xa nơi cậu sinh sống. Cậu đang lo ngại về khoản tiền chi tiêu, sách vỡ trong những năm đại học. Cậu đang phân vân...
Cánh cửa phòng hé mở, người đàn ông trung niên, nhỏ con, khắc khổ, ló đầu vào hỏi:
− Con đang làm gì vậy?
− Dạ không gì. Có chuyện gì vậy ba?
Người đàn ông ngồi xuống đệm, nhìn con. Ông chậm rãi hỏi:
− Con đã chọn trường đại học nào?
Việt chưa kịp trả lời, ông tiếp:
− Nếu chưa, chọn trường con thích nhất và tốt một tí. Tiền bạc không thành vấn đề.
Ông trao cho Việt một phong bì mầu kem lớn. Ông nói:
− Đây là sổ và thẻ trương mục ngân hàng của con. Số PIN là 2980 . Ba đã bỏ tất cả tiền bạc mà ba dành dụm từ trước đến nay để dành cho con ăn học. Thôi ba không quấy rầy con.
Người đàn ông rời khỏi phòng. Việt nhìn dáng ông qua làn nước mắt mà quên đi cám ơn. Ông đi được một lúc, Việt mới sực tỉnh và chạy theo ba. Việt ôm chầm lấy ông. Hai cha con ôm ghì lấy nhaụ . Im lặng. Họ không nói một lời. Những giọt nước mắt của hai cha con cứ trào ra thay cho lời nói.
Trong bếp, người đàn bà nhìn hai cha con ôm lấy nhau, bà ta mỉm cười. Những giọt nước mắt hạnh phúc rơi ở khoé mi của người đàn bà.
-----------
PIN = Personal Identification Number (Số mật mã của trương mục ngân hàng).