Con Diều
Lỗ Tấn
Bắc Kinh vào mùa đông, mặt đường phủ đầy tuyết. Những cành cây giơ lên giữa trời quang đãng, một vài cánh diều chấp chới xa xa. Đối với tôi, đó là một cảnh tượng lạ lùng và buồn thảm.
Vào độ tháng hai, khi nàng xuân đến, chính là mùa thả diều ở quê tôi. Mỗi lần nghe tiếng chong chóng kêu, ngửa mặt nhìn lên trời, tôi thấy ngay cánh diều “con cua” màu mực nhạt, hay cánh diều con rết màu xanh lá mạ, ngoài ra còn có những cánh diều ngói trông buồn tẻ, chúng bay thấp, không có chong chóng, cô đơn, thảm hại, rất đáng thương.
Nhưng vào mùa thả diều, dương liễu đã nẩy mầm trên mặt đất, những cây sơn đảo nở hoa sớm, phần nhiều đã đơm nụ, chúng hòa lẫn với màu áo quần trẻ con và cảnh sắc trên trời, hợp thành một vẻ yên ắng của ngày xuân.
Tôi đang ở chốn nào kia chứ ? Chung quanh là cái rét buốt xương của mùa đông giá. Tôi đã xa quê hương nhiều năm rồi, những mùa xuân xưa tưởng đã chết trong tôi nay lại hiện về, bay bổng giữa bầu trời kia.
Nhưng tôi vốn không thích thả diều, hơn thế nữa, tôi chán ghét chúng. Vì tôi cho đấy là trò chơi của những đứa trẻ vô tích sự. Em tôi lại khác tôi hoàn toàn. Lúc ấy nó mới chừng mười tuổi, gầy trơ xương, hay bệnh hoạn, thế mà nó lại mê thả diều lắm đấy.
Một phần vì nó không có tiền, một phần vì tôi cấm đoán, không cho nó chơi diều, nên nó chỉ còn biết há cái miệng dễ thương ra, mặt ngửa nhìn trời một cách mê mẩn, có khi đến hàng nửa ngày.
Khi thấy một cánh diều từ xa rơi xuống thì nó sợ hãi kêu lên, lúc thấy hai con diều “miếng ngói” đang cuốn vào nhau, và rồi chúng rời ra được thì nó thích chí nhảy ầm lên. Đối với tôi những cử chỉ của nó như thế quả thật khó chịu, đáng ghét.
Hôm nọ, đột nhiên tôi nghĩ rằng, hình như đã mấy ngày nay tôi không gặp mặt nó, nhưng tôi lại nhớ một điều, tôi đã thấy nó nhặt những cành cây khô trong vườn sau hè.
Và tôi chợt hiểu hết. Tôi vội chạy vào gian buồng nhỏ chứa những dụng cụ linh tinh, ít người lui tới. Tôi mở cửa thì quả nhiên bắt gặp nó giữa đống đồ lặt vặt bám đầy bụi. Nó đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ, mặt quay vào chiếc ghế đẩu lớn, khi nhận ra tôi, nó kinh hoàng đứng bật lên gương mặt tái hẳn và co rúm cả người.
Cạnh chiếc ghế to, có một khung tre được kết thành hình cánh diều bươm bướm nhưng chưa bồi giấy, trên ghế đặt một đôi chong chóng nhỏ là mắt con bướm, nó đang lấy từng mẩu giấy nhỏ dán lên và cũng gần xong rồi.
Tôi cảm thấy thỏa mãn vì đã khám phá ra điều bí mật ấy, nhưng lại tức giận khi nó dám lén tôi tự động cố làm trộm món đồ chơi của những thằng bé vô tích sự.
Ngay tức khắc tôi bẻ gãy một cánh của con bướm rồi vứt đôi chong chóng xuống đất, lấy chân đạp bẹp dí. Nếu nói về địa vị lớn bé, kể cả chuyện sức lực, nó đều không so sánh được với tôi, đương nhiên tôi là người chiến thắng hoàn toàn. Và khi đó, tôi ngạo nghễ đi ra, bỏ mặt nó đứng chết trân trong căn phòng chật hẹp với nỗi tuyệt vọng của mình.
Sau này, nó như thế nào tôi không hề biết mà cũng chẳng quan tâm.
Nhưng rồi sự trừng phạt đã đến với tôi. Sau một thời gian chúng tôi xa cách nhau, tôi là một người có tuổi trung niên. Thật bất hạnh cho tôi ! Khi tôi tình cờ xem một quyển sách nước ngoài, bàn về thiếu nhi, tôi mới hiểu ra rằng chơi đùa là một hành vi chính đáng của tuổi thơ, và đồ chơi là những vị thiên sứ của chúng vậy.
Lúc ấy, màn kịch hồi thơ dại, cái cảnh độc ác giết chết nguồn vui của một người mà đã hai mươi năm qua, chưa lần nào tôi nhớ đến, thì nay nó lại hiện về trước mắt tôi, khiến trái tim tôi biến thành một cục chì nặng chịch, trì kéo xuống.
Nhưng trái tim tôi không bị trì kéo để đứt rời mà nó lơ lửng đâu đâu, nặng trĩu, chình chịch và kéo xuống, trì xuống mãi …
Tôi cũng có cách khác để bù đắp những thiếu sót đã qua là xin lỗi em tôi và muốn nghe nó nói : “Ô ! em nào có giận anh”, chỉ có thế trái tim tôi mới nhẹ nhõm, việc ấy có thể thực hiện được.
Lần nọ, chúng tôi gặp nhau, gương mặt hai đứa đã hằn sâu thêm nhiều nếp nhăn dau khổ của cuộc đời nhưng trái tim tôi vẫn nặng trĩu. Chúng tôi dần dần nhắc đến chuyện ngày thơ ấu. Tôi liền thuật lại câu chuyện ấy, tự nhận lỗi mình thật quá điên rồ, cái khờ dại của thời bé con : “Ô ! em đâu có giận anh”.
Tôi nghĩ nó sẽ nói thế và tôi sẽ được bình an tâm hồn.
“Có chuyện đó à ?”. Em tôi cười và hỏi một cách ngạc nhiên như thế, như thể nó nghe chuyện của ai kia chứ.
Nó chả nhớ gì hết !
Quên hết, không hờn giận, có nghĩa là chẳng cần chuyện tha thứ. Không oán trách hoặc đó là chuyện nói dối.
Bây giờ ngày xuân quê hương tôi nằm trong khoảng trời xa lạ. Tôi còn gì mong ước nữa, lòng tôi lắng đọng hơn.
Chuyện xưa làm tôi nhớ những ngày đã mất, cái thời thơ ấu vương vấn nỗi buồn chơi với ấy mà. Tôi chỉ còn cách tìm nơi ẩn lánh trong bầu trời ngây ngất của mùa đông tuyết phủ.
Nhưng chung quanh tuyết rơi chỉ thêm nỗi lạnh lùng.
Vương Trung Hiếu dịch