Khổng Ất Kỷ
Lỗ Tấn
Các quán rượu ở Lỗ trấn có một cách sắp đặt khác hẳn nơi khác: Quán nào cũng có một cái quày to, hình thức thợ ngoảnh ra đường cái; phía trong quày có sẵn nước nóng lúc nào cũng có thể hâm rượu được. Trưa hay chiều, các bác thợ đi làm về, người nào cũng đến bỏ ra bốn đồng trinh mua một bát rượu, - đó là chuyện hơn hai năm về trước, bây giờ mỗi bát cũng phải đến nữa đồng - rồi đứng tựa vào quầy, uống khi còn nóng bỏng, vừa uống vừa nghỉ cho đỡ mệt. Nếu chịu bỏ thêm một đồng nữa thì có thể mua được một đĩa măng muối mặn hoặc một dĩa đậu hồi hương làm thức nhắm.
Còn bỏ ra hơn mười đồng thì có thể mua được một đĩa thịt xào. Nhưng những khách hàng này phần nhiều là bọn áo cộc không mấy ai chơi sang như vậy. Chỉ có những vị khách áo dài mới đi vào tận phòng trong, gọi rượu, gọi thịt, ngồi uống khề khà.
Từ hồi mười hai tuổi, tôi (1) đã đến làm công cho quán rượu Hàm Hanh ở chỗ cửa ô đi vào trấn.(2) Ông chủ quán bảo là tôi dáng người đần độn quá, e không hầu nổi các vị khách áo dài, thôi ra đứng ngoài làm việc vặt vậy. Khách áo cộc ở ngoài, tuy dễ dãi hơn nhiều, nhưng cũng lắm ông hay sách hoạch, kỳ kèo đáo để. Thường thường họ đòi được nhìn tận mắt xem rượu có thật múc ở vò ra hay không, đòi nhìn tận mắt xem trong ấm có nước lã hay không, lại đòi được nhìn tận mắt xem khi tôi đặt ấm vào nước nóng. Có thế mới an tâm. Kiểm soát chặt chẽ như vậy, thì làm thế nào mà pha nước vào đây! Cho nên được mấy ngày ông chủ quán lại bảo là tôi không thể đứng bán hàng được. May mà người đưa tôi đến đây là chỗ thân tình với ông ta lắm, nên ông ta không thải ra mà để cho tôi chuyên coi việc hâm rượu, một việc hết sức tẻ nhạt.
Từ đó, tôi đúng cả ngày trong quày, chăm chú làm công việc của mình. Tuy không đến nỗi không làm tròn phận sự, nhưng tôi thấy buồn và chán ghê. Ông chủ quán thì mặt dữ lắm, khách hàng cũng chẳng ai dễ thương, tôi khó lòng vui lên được. Chỉ khi nào có bác Khổng Ất Kỷ đến thì mới có thể cười được ít tiếng. Cho nên mãi đến nay vẫn còn nhớ bác ta.
Bác Khổng Ất Kỷ là người độc nhất mặc áo dài mà lại đứng trước quày uống rượu. Bác ta người to cao, mặt tai tái, giữa những nếp răn thường có vài vết sẹo, lại có một bộ râu hoa râm lổm xổm, rối như mớ bòng bong. Áo tuy là áo dài nhưng vừa bẩn vừa rách, hình như hơn mươi năm nay chưa hề vá mà cũng chưa hề giặt. Bác ta nói chuyện với ai, mở miệng là chi hồ giả dã(3) làm cho người ta chẳng hiểu gì hết. Vì bác ta họ Khổng, nên người ta mới lấy ba chữ Khổng ất Kỷ trong cái câu cũng khó hiểu: "Thượng đại nhân Khổng ất Kỷ"(4) in son trên các thiếp đồ mà đặt biệt hiệu cho. Hễ bác ta bước chân đến quán là bao nhiêu khách đều nhìn bác ta mà cười dậy lên hết. Có người hỏi:
- Ông Khổng ất Kỷ này! Sao trên mặt lại có một vết thương mới nữa rồi!
Bác ta không trả lời, nói vào trong quày:
- Hâm cho hai bát rượu, và lấy ra đây một đĩa đậu hồi hương nhé!
Rồi xỉa ra chín đồng trinh.
Mấy người kia lại cố ý nói to:
- Nhất định lại xoáy cái gì của nhà ai rồi!
Bác ta trừng mắt lên cự:
- Sao khi không các người lại bịa chuyện làm mất danh giá người ta đi như thế?
- Danh giá cái gì? Chẳng phải hôm trước chính mắt tớ trông thấy ông ăn cắp sách nhà ông Hà rồi bị treo ngược lên đánh là gì?
Bác ta đỏ mặt, trán nổi gân xanh, cãi lại:
- Lấy sách không phải là ăn cắp! Có biết chữ mới lấy sách chứ? Thế mà bảo là ăn cắp được à?
Tiếp theo là những câu khó hiểu nào là "Quân tử cố cùng" (5), nào là gì "giả hồ", làm cho mọi ngươi cười dậy lên. Trong quán ngoài quán không khí nhộn hẳn.
Nghe người ta bàn tán riêng với nhau thì bác Khổng ất Kỷ vốn cũng có đi học, nhưng thi mãi không đỗ, lại không biết lảm gì ra ăn, do đó, càng ngày càng túng quẫn đến nỗi gần phải đi ăn xin. May được cái viết chữ tốt, nên đi chép sách thuê kiếm cơm. Khổ một nỗi, tính nết không ra gì, thích rượu mà lại nhác làm. Ngồi chép được vài hôm, thế là cả người lẫn sách vở, giấy bút, nghiên mực đều biến mất tang. Mấy lần như vậy, chẳng ai thuê chép nữa. Không còn cách nào khác, bác ta đôi khi phải giở ngón xoáy. Nhưng ở quán rượu chúng tôi thì bác ta đứng đắn hơn ai hết, lúc nào cũng sòng phẳng. Có khi không có tiền mặt thì tạm ghi vào bảng. Nhưng chưa hết tháng, thế nào cũng trả đủ rồi, và tên bác ta lại được xóa đi.
Bác Khổng ất Kỷ uống hết nửa bát rượu thì sắc mặt lại đã trắng dã ra y như trước, không đỏ nữa. Có người đúng cạnh lại hỏi:
- Ông Khổng ất Kỷ này! Ông biết chữ thật đấy chứ?
Bác ta nguýt một cái, tỏ ý không thèm cãi lại. Thì họ đã nói tiếp:
- Làm thế nào mà đến một chút tú tài cũng không gỡ được hả?
Tức thì trông bác ta tiều tụy, bối rối hẳn, mặt tái mét, miệng lẩm bẩm cái gì. Lần này thì toàn những chi hồ giả dã, không hiểu chút gì cả. Lúc ấy, mọi người lại cười dậy lên. Trong quán ngoài quán không khí nhộn hẳn.
Nhân những dịp đó, tôi cũng có thể cười góp vào, ông chủ quán không mắng. Vả lại, mỗi lần thấy bác Khổng ất Kỷ, ông ta cũng thường hỏi đùa như thế làm cho ai nấy phải bật cười. Bác Khổng ất Kỷ biết là mình không thể cùng nói chuyện với những người kia được bèn quay lại nói chuyện với bọn trẻ con. Có lần bác ta hỏi tôi:
- Đã đi học chưa?
Tôi khẽ gật đầu.
- Đi học rồi à? Để ta khảo xem nào! Chữ hồi trong đậu hồi hương viết thế nào nào?
Tôi nghĩ bụng: người dáng như ăn mày thế kia mà lại dám khảo mình ư? Tôi quay mặt đi, không buồn trả lời. Chờ một hồi lâu, bác ta nói, giọng khẩn thiết:
- Không biết à? Để ta bày cho. Nhớ lấy nhé! Nhũng chữ ấy thì phải nhớ mới được. Tương lai làm ông chủ quán, biên sổ sách phải dùng đến đấy!
Tôi nghĩ bụng giữa ông chủ quán với tôi còn cách bậc nhiều lắm, mà ông chủ quán của tôi có bao giờ ghi chữ đậu hồi hương vào sổ đâu! Vừa buồn cười, vừa khó chịu, tôi trả lời uể oải:
- Ai mượn bác bày. Chẳng phải là thảo đầu trên chữ hồi là về là gì?
Bác ta ra vẻ thích thú lắm, gõ hai móng tay dài xuống mặt quày, gật đầu nói:
- Giỏi đấy! Giỏi đấy! Chữ hồi có bốn cách viết, biết không?
Tôi càng khó chịu, bĩu môi bỏ đi. Bác ta vừa nhúng móng tay vào rượu định viết lên mặt quày, nhưng thấy tôi thờ ơ thì lại thở dài, tỏ vẻ tiếc cho tôi lắm.
Có mấy lần, bọn trẻ con hàng xóm nghe tiếng cười cũng chạy đến xem, vây lấy bác ta. Bác ta lấy đậu cho mỗi đứa một hột. Ăn hết đậu, chúng nó vẫn đứng đấy không đi, mắt nhìn dán vào cái đĩa. Bác ta hoảng lên, xòe cả năm ngón tay ụp lấy đĩa, cúi khom xuống, nói:
- Chẳng còn bao nhiêu nữa!
Rồi đứng thẳng dậy, nhìn đĩa đậu, lắc đầu:
- Không nhiều nữa. Nhiều ư? Có nhiều đâu. (6)
Thế là bọn trẻ con cuời ồ lên, chạy tứ tán.
Bác Khổng ất Kỷ mua vui cho người ta như vậy đó, nhưng không có bác thì cũng thế thôi!
Một hôm, hình như vào khoảng hai ba ngày trước tết Trung thu, ông chủ quán ngồi thong thả tính tiền. Ông ta hạ tấm bảng xuống, bỗng dưng nói:
- Đã lâu không thấy lão Khổng ất Kỷ đến nhỉ? Còn nợ mười chín đồng trinh kia đấy!
Tôi mới sực nhớ ra là đã lâu lắm bác ta không đến quán thật. Một người khách nói:
- Làm thế nào mà đến được! Bị đánh què chân rồi!
Ông chủ quán nói:
- Thế à?
- Vẫn giữ cái thói ăn cắp. Lần này điên hay sao lại nhè nhà cụ Cử Đinh mà ăn cắp. Của nhà ấy mà hòng ăn cắp à?
- Rồi thế nào?
- Rồi thế nào à! Rồi viết tờ thú, xong là lôi ra đánh suốt đêm, què chân mới thôi!
- Rồi thế nào nữa?
- Rồi què chân.
- Què chân rồi thế nào nữa?
- Thế nào, ai biết được? Có lẽ chết rồi cũng nên.
Ông chủ quán không hỏi nữa, cứ ngồi thong thả tính tiền.
Tết Trung thu qua. Gió thu càng ngày càng lạnh, xem chừng gần sang đông. Tôi suốt ngày đứng cạnh lò cũng phải mặc áo bông. Một buổi chiều, quán rượu vắng khách. Tôi đang ngồi, mắt lim dim, bỗng nghe có tiếng ai gọi:
- Hâm cho một bát rượu nhé!
Tiếng nói nhỏ nhưng nghe quen lắm. Nhìn chẳng thấy một ai cả. Đứng dậy nhòm ra thì ra là bác Khổng ất Kỷ đang ngồi trệt dưới quày, ngay chỗ bậc cửa. Mặt bác ta đen sạm, võ vàng, trông không ra hồn người. Bác ta mặc một chiếc áo kép rách ngồi xếp bằng hai chân, dưới lót một tấm bao lác có hai dây thùng bằng rơm treo vào vai. Bác ta nhìn thấy tôi lại nói:
- Hâm cho một bát rượu!
Ông chủ quán cũng thò đầu ra nhìn và lên tiếng:
- Ông Khổng ất Kỷ đấy à? Còn nợ mười chín đồng trinh đấy nhé!
Bác ta ngẩng mặt lên vẻ tiều tụy:
- Món ấy... lần sau sẽ hay. Bây giờ, có tiền mặt. Rượu ngon đấy nhé!
Ông chủ quán vẫn như mọi lần, nhìn bác ta cười:
- Này ông Khổng ất Kỷ! Lại xoáy của ai cái gì rồi?
Nhưng lần này, bác ta không chối hẳn, chỉ nói một câu:
- Thôi đừng đùa.
- Đùa à! Không xoáy thì sao lại bị đánh què chân thế kia!
Bác ta nói khe khẽ:
- Ngã què... Ngã... Ngã...
Mắt bác ta nhìn ông chủ quán trông có vẻ van xin đừng nói nữa. Lúc đó, có mấy người cũng vừa đến. Họ cùng ông chủ quán cười dậy lên. Tôi hâm rượu, bưng ra đặt trên bậc cửa. Bác ta nắm trong túi áo rách lấy ra bốn đồng trinh bỏ vào tay tôi. Tôi thấy tay bác ta lấm những bùn. Thì ra bác ta đi bằng tay! Một lát sau, uống hết rượu, bác ta thong thả chống tay lết đi giữa tiếng nói tiếng cười của những người xung quanh.
Từ đó về sau, lâu lắm, tôi không hề thấy bác Khổng ất Kỷ đâu nữa. Cuối năm, ông chủ quán hạ tấm bảng xuống, nói:
- Lão Khổng ất Kỷ còn nợ mười chín đồng trinh kia đấy!
Đến tết Đoan ngọ năm sau, lại nói:
- Lão Khổng ất Kỷ còn nợ mười chín đồng trinh kia đấy!
Đến tết Trung thu thì không nghe nói nữa. Và cuối năm, cũng chẳng thấy bác ta đến.
Cho đến bây giờ tôi chẳng hề gặp lại. Có lẽ bác Khổng ất Kỷ chết thật rồi chăng?
Tháng 3 năm 1919
* Truyện này đăng lần đầu tiên tạp chí Tân thanh niên tháng 4 năm 1919. Cuối chuyện có mấy lời chua của tác giả như sau: truyện ngắn vụng về này, tôi viết xong một ngày mùa đông năm ngoái. Ý định lúc đó là miêu tả một cảnh sống trong xã hội để độc giả xem chơi, chứ chẳng có thêm ý gì. Nhưng từ khi dùng hoạt tự để in thì có người bỗng dưng dùng tiểu thuyết để công kích người này người khác. Nhà văn đó đi vào một con đường đen tối nên có thể làm cho tư tưởng người đọc cũng theo tư tưởng mình mà trở thành hư hỏng. Y đã lấy tiểu thuyết làm một thứ dụng cụ để hắt nước bẩn, người bị bẩn chưa biết là ai. Thật là một điều đáng thương, đáng giận hết sức. Cho nén tôi phải thanh minh ở đây để khỏi phải bị hiểu nhầm, làm hại đến nhân cách người đọc. 16-3-1919."
Chú thích
(1) Lỗ Tấn dùng ngôi thứ nhất. nhưng ông không hề làm công cho quán rượu Hàm Hanh bao giờ. Đây là một cách viết làm cho câu chuyện trở thành thân mật, có dáng dấp một thiên hồi ức.
(2) Theo Tôn Phục Viên trong cuốn Một vài việc về ông Lỗ Tấn và Chu Hà Thọ trong cuốn Nhà cũ của Lỗ Tấn, thì quán rượu Hàm Hanh là một quán rượu có thật. và cũng có một nhân vật giống như Khổng ất Kỷ. Ông này họ Mạnh, người ta gọi là Mạnh phu tử, và là bà con xa với Lỗ Tấn. Nhưng hình tượng này có một ý nghĩa điển hình. Khổng ất Kỷ đại biểu cho tầng lớp trí thức dưới trong xã hội phong kiến, bị chế độ khoa cử đầu độc trở thành một người vô dụng.
(3) Chi hồ giả dã các hư tự dùng trong văn ngôn. Ý là: nói theo chữ nghĩa trong sách, tỏ ra có học hơn người.
(4) Trên các thiếp đồ ngày trước thường có viết câu bằng chữ son như sau: "Thượng đại nhân, Khổng ất Kỷ. Hóa tam thiên, thất thập sĩ. Nhĩ tiểu sinh, bát cửu tử. Giai tác nhân, khả tri lễ dã". Câu này đã có từ lâu, từ đời Minh và có thể từ đời Đường, Tống. Thuờng đọc ba chữ một, giống như tam tự kinh, đại khái là kể sự nghiệp của Khổng tử và khuyên trẻ con gắng học. Những chữ này lại giản đơn nên dùng để tập đồ. Ở ta. ngày trước đi học chữ nho, cũng lấy câu này tập đồ.
Theo ông Hứa Khâm Văn, tác giả tập Phân tích Gào thét, thì chính là Thượng đại nhân, thánh ất dĩ tức là Thượng cổ đại nhân, Khổng thị nhất nhân nhi dĩ. Thời thượng cổ chỉ có một người vĩ đại là Khổng tử mà thôi). Chữ dĩ nhầm là kỷ. thành ra ý nghĩa không rõ. Ở Việt Nam, cũng thường đọc thánh ất dĩ
(5) Quân tử cố cùng, chữ trong sách Luận ngữ nghĩa là người quân tử dù trong lúc cùng khốn cũng giữ trọn tiết, không thay đổi.
(6) Câu này nguyên văn là: Đa hồ tai, bất đa dã, chữ trong sách Luận ngữ.
Trương Chính dịch