Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Giận anh , thương chú

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 746 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giận anh , thương chú
Bùi Nghĩa
Cơn mưa rào mùa hạ, gõ lộp độp trên tấm vải lều. Tô bừng tỉnh giấc. Năm nay, không đủ giường, nên anh ta và gia đình người em phải cắm lều sau khu nhà D. Suốt đêm, anh không chợp mắt, vì sân cỏ nghiêng nghiêng và không quen ngủ lều nên đến gần sáng sớm anh mới nhập vào giấc mơ, hồn qua cõi mộng. Mới sáng sớm, mà trời đã mưa ta ! Như vậy là sáng nay, hết được đi đánh banh rồi. Nghe nói năm nay cao thủ nhiều lắm đấy ! Mười năm thành lập mà ! Không như những năm trước. Mới gắn giây mới vào “bảo đao” ; Giây ruột mèo mà đánh sân ướt thì kể như là tiêu ngay. Trời vẫn sương mù, đất còn ngáy ngủ, nhưng ráng thức dậy chạy một lát để giãn gân giãn cốt, sau khi ăn trưa ngủ lại cũng được.
Mắt chưa mở tỏ, nhưng chân anh như một cái máy, rời khỏi trung tâm, chạy qua khu đồi bên cạnh ven khu rừng, cây cỏ xanh tươi, màu lá bóng láng, ướt sũng sau cơn mưa. Mùi đất ướt xông lên gợi nhớ không khí sau những trận mưa đầu mùa ở thành phố nơi anh đã lớn lên.
Trong khu rừng vắng người, gió thổi thì thào, lành lạnh mát rượi bên má. Vài giọt nước còn đọng trên lá, thỉnh thoảng rơi lịch bịch trên đất xám chưa thức hẳn còn mềm nhũn.
Chạy đến ngả ba của con đường mòn, anh thấy cũng đã thấm mệt. Nhưng anh nghe tiếng chân chạy chầm chậm trước mặt anh. Một cành cây dài thò ngang, quất vào sườn anh, làm anh đau nhói. Tô lấy lại tinh thần, thấy xa xa, có một cô thanh nữ đang chạy bộ với cái quần trắng dài bó sát, phần trên thì chiếc áo lụa màu vàng nhạt rộng dài, gợn sóng phập phồng trong gió. Bên bờ vai nhỏ tròn ngà ngọc, những hạt nắng sớm tung tăng trên tóc gió bay bay nhún nhảy .
Anh nghiến răng, chạy nước rút, tim đập loạn, nghe gió rít bên tai, rồi đến sau dáng người thanh nữ. Này cô bé bận bộ đồ trắng kia ơi ! Chạy chầm chậm chút, chờ cho chạy chung... với nhé!
Thi quay đầu lại nhìn. Má Tía ơi ! Anh chàng nào mà tóc tai không chải, râu ria chưa cạo, tướng người ốm ốm cao cao, hai tay dài lòng thòng như tay vượn, mắt đeo kính cận như “Tây đui” đang chạy lỉnh kỉnh, nói lanh chanh sau lưng tui đây. Mà còn muốn làm quen nữa ! Thi trừng mắt, giả bộ không nghe lời anh nói, cố tình chạy nhanh hơn.
Tô phải chạy rút theo, nên thở hổn hển, mặt mày trắng xanh, nhưng còn ráng ghẹo tiếp Chao ơi ! Tuổi con gì mà sao chạy nhanh thế ! Hay là sáng nay, mới uống sữa... con beo ?
Thấy cô thanh nữ làm thinh, không trả lời, anh đành dùng tình bằng hữu Đừng giận nhé ! Chúng mình chắc chắn học cùng trường mà. Có chi đâu mà thẹn thùng, ái ngại, tôi tuổi con thỏ nên chạy nhanh lắm, nên nếu không trả lời, tôi theo tận phòng đấy nhé !
Thi giận tím mặt, nhưng đành phải trả lời Anh này vô duyên, giữa khu rừng yên tĩnh, mà kêu ơi kêu ới. Còn nhận làm bà con anh em nữa, nói như là thiệt vậy.
Tô ngựng người Vậy cô bé không đi dự đại hội TVK(*) hay sao ? Như vậy, với dáng người xinh xinh, đôi má hồng hồng, tóc dài bay bay trong gió, chắc cô bé là cô ca sĩ từ miền Nam đến, nên thân đài các, cốt tiểu thư nên làm thinh, làm thiết.
Thi nhíu mày Tui tên Thi, không phải là cô bé nhé. Không phải là tiểu thư, cũng không phải là ca sĩ. Còn nếu anh đi dự đại hội, thì Thi phải gọi bằng Chú . Về chuyện nhận cùng trường thì không dám nhé ! Vì Thi là dân học trường chuyên chứ bộ, Chú học TVK còn Thi học LHP(*). Vả lại, khi xưa trường Chú học đâu có phải là trường chuyên.
Thầy Cô ơi ! Học hành dưới một mái trường, cùng với cách dạy nghiêm khắc ấy, mỗi hè về cũng dưới những cây phượng đỏ nghiêng nghiêng dưới nắng, hò hẹn ngày tựu trường, nếu không là anh em cùng trường thì Thi diễn tả tình cảm này ra sao ? Có thương thì thương cho tròn. Tiếng ni, tiếng nớ sá gì tên kêu ? Còn nếu kêu anh bằng chú giữa cánh rừng vắng teo, thì Thi thật lắc léo vì em cũng đâu còn bé tí teo. Và vả lại, tôi đây, đầu TVK, đuôi LHP. Vậy sao Thi có mặt ở đây ?
Chú học cùng trường, thì chắc cũng học một bài học. Thầy Cô thường nói “Tiên học lễ, hậu học văn”; Khi gặp nhau giữa đường thì phải gọi người lạ bằng chú.
Tô bị kê, lúng túng nhưng cố gỡ gạc ‘Tôi người khoẻ như voi, trí lanh như cáo, chân nhanh như beo, mắt sáng như mèo. Nếu Thi gọi tôi bằng chú thì tôi rầu lắm đấy ! Vậy Thi tuổi con gì mà nói chuyện không những tinh ranh mà còn nề nếp như thế ?
Thi nhí nhảnh Thi cầm tinh con khỉ. Chú mắt sáng như mèo, tuy rằng mèo không ở trong "dần, thân, tỵ, hợi" tứ hành xung, nhưng khỉ này, giống như người, chắc chắn không thích bà con anh em với những con mèo ăn vụng. Nhìn râu Chú, một cọng trắng, ba cọng đen; Hoặc là Chú là mèo ăn vụng, tối ngày liếm sữa mà quên chùi mồm, hay là Chú đã lớn bằng tuổi anh Ba Thi. Vì vậy Thi phải gọi sao cho đúng phép ? Nếu gọi anh thì lơ chơ, lỡ cỡ, nên kêu bằng chú vậy, để người ta không chê cười ! Hơn nữa, vì Chú gọi Thi bằng bé này, bé nọ.
Tô đuối lý đành trả lời Giận chi mà giận sâu xa thế. Nhưng Thi có giận anh nhưng lại thương chú, gọi tôi bằng chú cũng được.
Hai người chạy chầm chậm, song song bên nhau, ra khỏi khu rừng, lên dốc trở về trung tâm họp mặt.
Đến ngay hàng rào, Thi trách móc Chú chạy xích ra đuôi nhé ! Thi đi trại với gia đình người bác họ. Chớ...chớ chạy song song làm người ta dị nghị, hiểu lầm không tốt nha !
Anh trả đũa Hai đứa mình là chú cháu mà sao Thi sợ thiên hạ dèm pha gì ?
Thi nhíu mày Thôi...thôi đi ! Giữa thanh thiên, bạch nhật phải nề nếp, trong sạch chứ. Còn Chú là chú... mèo đấy chứ là chú gì ? Nói xong, cô ta chạy một mạch về ngay khu nhà ngủ.
Trước sân nhà họp, người người lần lượt đến ăn sáng, có những người tụ năm, tụ bảy nói chuyện về thầy cũ, trường xưa, có nhóm hăng say bàn bạc tổ chức buổi văn nghệ, đố vui tối nay.
Anh vào lều lấy khăn đi tắm, đầu óc nhẹ nhàng, trong lòng lâng lâng nhưng nôn nao muốn gặp lại người bạn mới, miệng huýt gió ...
Buổi chiều mùa hạ gần như đã qua đi, nhưng trời còn sáng khi mọi người tụ họp đông đủ cạnh lò nướng thịt trên bãi cỏ sau dãy nhà trọ. Dưới hiên sau nhà, từng gia đình hay từng nhóm bạn cười nói quanh những dãy bàn ăn thô sơ, dã chiến được đặt bên bãi cỏ còn ẩm ướt, lấm tấm những hạt bụi nước sau mưa. Hôm nay là dịp được nghe say mê các Thầy Cô thuyết trình về những kỷ niệm giảng dạy, bày tỏ những ý kiến về kinh nghiệm trong đời sống, và cũng là dịp tham dự những sinh hoạt ngoài trời hay vui đùa thể thao chạy nhảy. Vì vậy, người người tay cầm dĩa ăn, đi lại thong thả với vẻ mặt thư giãn. Trên những vỉ nướng rộng, những giọt mỡ bóng, từ những miếng thịt đỏ ửng lấm chấm tiêu hành, thỉnh thoảng nhỏ xuống đám than hồng chợt cháy xèo xèo.
Trong không khí thơm lừng mùi thịt nướng, có chút gì độc đáo vì như thoang thoảng hương mật ngọt xen lẫn với mùi gia vị, tay cầm dĩa xà-lách, Tô bước đến bàn ăn của gia đình người em họ.
Đang chăm chú ăn, thình lình sau lưng anh, có tiếng người chợt gọi Chào "Chú" mèo ăn vụng. Không hẹn mà gặp, không chờ mà hiện ra nhé !
Trang, người vợ của em Tô, mừng rỡ Chào Thi, sao mày đi ăn trễ vậy ? Xin giới thiệu ông anh nhé. Cô ta quay lại nói với anh Thi, học cùng trường đấy ! Mà hai người đã biết nhau rồi thì phải ?
Anh nheo nheo mắt Chào nàng tiểu thư Thi một lần nữa ! Có duyên nên gặp, có số nên cố mà ghét nhau...Tôi không phải là mèo ăn vụng đâu. Tên cúng cơm của chú mèo này rất thơ mộng đấy nhé, Hàn San Tô... Xin đố Thi, tên này nghĩa là gì ?
Thi cười ngất, ranh mãnh Vậy mà nói tên này nên thơ, nên văn. Tô là tô chén, hàn là khi Ba Mẹ gây lộn, gia đình xào xáo, nên tô sành, chén sứ bay loạn xạ, loạn xị. Nên sau đó phải hàn lại...
Tô bình tĩnh trả đũa ngay Trời Phật ơi ! Người sanh sau, học muộn mà dám ngạo tên cúng cơm tôi nhé ! Tô là ngoại thành Cô Tô đấy cô. Học LHP có biết câu thơ bất hủ, diễn tả không khí tịch liêu này không ? Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Cô ta nghênh mặt Thầy Cô ơi ! Đừng ăn hiếp người học sau ! Tưởng dân trường chuyên không biết câu thơ đó sao. Còn biết lúc nửa đêm, tiếng chuông chùa nhắc lại tình thầy trò huynh đệ khắng khít của ông thầy tu Hàn San và người đệ tử nữa.
Không dám đâu nhé. Thi học trường chuyên lại qua đây học bách khoa về môi trường, thì chắc chắn là biết nhiều khoa rồi...
Thi không kém, trêu tiếp Nhưng Chú Tô có nhiễm căn tu khi tên là Hàn San không đã ? Hay vẫn còn tham, sân, si...?
Anh trả miếng Không phải chỉ có thanh nữ như Thi mới biết ăn nói như chim hót trên cành, vui nhộn, yêu cuộc đời lúc sôi nổi, khi mặn nồng. Tôi vẫn còn yêu đời lắm nhé!
Trang tiếp lời Anh Tô còn là người thích học thích hành nhưng cũng thích ăn thích ngủ, thích đùa thích giỡn, thích hát thích ca,... chỉ không thích thiện tâm mà thôi. Nhưng tại sao, Thi gọi anh Tô bằng chú như thế ? Hai người như chó với mèo vậy.
Cô ta nghiêng nghiêng đầu, nhắc lại Chú không học trường chuyên, tụi mình học trường chuyên. Hơn nữa, chú Tô tuy là người lớn, dễ thương, nhưng còn dê thể, râu một cọng dài, hai cọng ngắn. Nên Thi phải rạch ngay ranh giới cho rõ ràng, minh bạch mới được.
Tô khôn ngoan, đề nghị Thi học trường chuyên, lại không chịu nhận làm anh em. Tôi xin đố hai câu này, nếu Thi không đáp được thì phải gọi Chú bằng anh nhé ! Còn tài cao thì muốn tôi cõng suốt ngày cũng được.
Rồi, Chú đố đi, nhưng không được ăn gian nha.
Mắt anh tinh rãnh Thi đã học bách khoa, đầu óc lô-gích. Hôm nay là thứ 7, ngày mai là chủ nhật, nhưng xin được hỏi câu này : Ở nơi nào, thứ 6, đi sau thứ 7 ?...Có khó lắm không ? Hìhì hì...
Thi cũng không kém Tưởng hỏi câu gì khó khăn. Nghe lời đáp đây nha : trong quyển lịch, thứ 6 tuần sau, đi sau thứ 7 tuần trước, đúng không ?
Anh giải thích ngay Thiên địa ơi ! Tôi đâu có nói tuần trước, tuần sau đâu. Nói vậy, thì trả lời theo cách người đi du lịch bay vượt qua Thái Bình Dương, đi từ Việt Nam thứ 7 đến nước Mỹ thứ 6 cũng được... Hai câu trả lời này không trúng.
Thi không đồng ý Thi phản đối nha, Chú đâu có giao trước rằng phải tính cùng một tuần lễ. Người lớn phải nhường nhịn chứ không được ăn hiếp nhỏ.
Trang hoà giải Như thế thì Thi cũng đáp được một nửa rồi. Anh đồng ý không ?
Anh mỉm cười Thi đúng là dân trường chuyên và xong bách khoa rồi qua đây học tiếp về môi trường, nên môi dài, miệng rộng, không khi nào chịu thua. Cho trúng một nửa cũng được vậy.
Giọng Thi lém lỉnh Dân thi đố vui để học mà, nhưng tha Chú về cái tội ăn nói xuyên tạc về môn học của Thi. Còn câu thứ hai ?
Anh nói chậm rải Giao trước rồi nhé, Thi trả lời không được thì bắt buộc phải chấp thuận làm anh em, không lưng chừng, lỡ cỡ, nửa nạc, nửa mỡ. Chú ý nghe nhé ! Trong những dịp vui, người ta đốt pháo, pháo nổ. Rang bắp, bắp cũng nổ. Thi lại tuổi con khỉ khôn ngoan lanh lẹ, vậy Thi có biết trong 12 con giáp, con nào không rang, mà cũng nổ ? Nhưng tôi nói trước nhé, con người không được tính vào danh sách này.
Thi suy nghĩ một lát nhưng không tìm ra lời đáp Thầy Cô ơi ! Lúc trước, mấy chú học gì mà giờ đố lắc léo vậy ?
Giọng anh tinh quái Lúc trước tuy không học trường chuyên, nhưng cũng học tiếng Việt. Còn câu đố này, Thi suy nghĩ đến ngày mai đưa câu đáp cũng được. .
Sau đó, cả bàn trò chuyện vui vẻ, tiếng cười tiếng nói giòn giã trong không khí nhộn nhịp ngoài trời với làn gió nhẹ thỉnh thoảng thổi lành lạnh, rồi sang phòng họp xem buổi văn nghệ đặc sắc ngày lễ họp mặt.
Buổi trình diễn chấm dứt, nhưng có tiếng nhạc nhảy nổi lên, dập dìu trong không khí thân mật, làm người người gần lại với nhau hơn. Anh mời Thi ra sàn, quay cuồng trong một điệu valse. Anh dìu Thi theo tiếng nhạc; Nhưng không biết vì anh cố tình quay quay nhanh chóng, hay vì tiếng nhạc nhịp nhàng, tình tứ, lúc mặn nồng, thánh thót khi khoan thai, êm ái mà hai người càng khắng khít với nhau hơn.
Tiếng nhạc quay cuồng ngừng lại, Thi chóng mặt lắm, những ánh đèn nhạt nhoà trở thành những dải lụa xanh, đỏ, tím, vàng bay bay múa múa. Bên ngoài, trời cao lấp lánh những vì sao, gió thổi mơn man bên cành cây cạnh giòng suối chảy. Nhưng lúc ấy, Thi vẫn còn chút sáng suốt, khẽ hỏi Anh... ủa quên nữa... Chú trao Thi lời giải của những câu đố ban nãy đi ! . Anh nghiêng đầu nói thì thào bên tai Thi những lời giải đáp. Những sợi tóc rối ướt vướng víu trên mi mắt anh, toả hương thơm lúc thoang thoảng như hoa trà, khi nồng thắm như bông lài trong một đêm sáng trăng miền thôn dã.
Nghe xong, mắt ngắm lại, cô ta tựa đầu vào vai anh với giọng dễ thương, nói khe khẽ, thì thầm Thi chịu thua... Đêm nay, nhưng chỉ đêm nay thôi, thương Chú... nên Thi xin gọi Chú bằng anh nha ! Không gian chợt lắng đọng và thời gian như ẩn vào trong tâm tư. Nhưng có tiếng rượu mừng của bàn nào bên cạnh nổ giòn ran trong không khí đằm thắm của ngày lễ hội.
(*) TVK : Trương Vĩnh Ký, LHP : Lê Hồng Phong
¨¨¨ 09/2004



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 919

Return to top