Năm, mười năm nữa
Bùi Nghĩa
Phố ấy chiều nay rộn ràng. Gió biển thổi vỗ về, đưa mùi rong từ khơi bay đến lúc gần lúc xa trong khí trời mằn mặn. Giọt nắng cuối tháng chạp tung tăng, linh hoạt trên môi hồng, bên mắt sáng long lanh của những cô gái đang dạo phố trong ngày cuối tuần lành lạnh. Một người đàn ông ngừng chiếc xe gắn máy mới được lau sạch bên những cái ghế gỗ của quầy bún bò của Bà Ba. Trên đôi dép bằng còn thơm nức mùi da mới, cái quần ka ki đen dày và chiếc sơ mi hai túi màu xanh da trời giản dị. Đôi mắt sâu với hàng mày rậm, dưới những lọn tóc cong cong vì gió ẩm miền biển, mũi anh cao nhưng rộng, tướng người dong dỏng cao. Bà Ba nói thầm trong bụng “Nhìn da dẻ ứa mồ hôi như rứa, môi ửng ửng trong tiết trời gần Tết, chắc chắn không phải là người ở thành phố ni”. Quầy bà ở cạnh chợ, nên đôi lúc có vài khách người Nhật, Hàn Quốc có ghé ăn. Họ ăn vội hít hà, qua loa rồi bỏ đi nhanh chóng nhưng làm sao có khách ngoại nào dám chạy xe ở thị xã ni, xô bồ, loạn xạ, bon chen. Anh ni chắc mới về thị xã đây !
- “Cậu ăn chi rứa ?”
- “Bác cho một tô bún bò Huế, và một ly trà đá. Trời sao nóng quá hả bác !”
- “Cậu nói rứa chứ năm nay trời có tiết Hàn đấy ! Chắc cậu không quen khí hậu ni.”
- “Sao bác đoán hay thế ?”
Bà Ba mỉm cười,
- “Cậu nói ngộ quá hè. Quần áo ni cậu mua trong chợ, cậu mặc thế nhưng cậu đâu giấu được cái cơ thể không quen khí hậu nhiệt đới ni được. Trời mát như rứa mà trán cậu lấm tấm mồ hôi, mồ kê...”.
Bát bún bò nghi ngút khói. Rau tươi cắt nhuyễn thơm lừng, hất vào mũi. Mắt Đăng bâng quơ nhìn ra đường phố đầy xe đạp và xe gắn máy qua lại không ngừng trên lòng đại lộ. Buổi chiều cuối tuần trước Giáng Sinh điểm những gì thánh thiện và thiêng liêng trên những thì thầm đồng nhịp. Vài cặp tình nhân âu yếm trò chuyện trên những chiếc xe màu xanh, đỏ. Anh ăn chậm rãi, như bắt trọn hương vị bát bún vào những tế bào vị giác, ăn không hít hà, không tuồn tuột. Thỉnh thoảng, anh cất tay lên, nhìn giờ, rồi đưa quay mặt ra hướng trung tâm. Anh ni đang chờ đón ai mô.
- “Cậu ăn bún chậm rãi quá hỉ ? Nước bún có được ngọt không cậu ?”
Anh nhìn bà Ba,
- “Bún này bác nấu ngon không có chỗ chê. Năm, mười năm nay rồi mà cũng còn xe bún của bác.”
- “Rứa cậu đã đến ăn bún tôi rồi à ? Răng tôi không nhớ hỉ ?”
Anh mỉm cười,
- “Sao bác nhớ được hết lượng khách của bác được ? Ở đây là chợ và vả lại lần trước tôi ăn là cách đây năm, mười năm nay rồi.”
Bà Ba cười tươi,
- “Nếu là ngon, răng cậu lại không đến ăn thường xuyên ?”
- “Hôm nay, mới về thị xã thăm bà con, nên ghé lại ngồi ăn lại tô bún bác nấu.”
- “Cậu đi dạo phố cuối tuần một mình à. Mà răng không đi chung với bạn bè, anh em ?”
Anh đáp,
- “Lần trước tôi đi với cô bạn gái, nhưng lần này chỉ đi một mình thôi.”
Kỷ niệm xa xôi chợt bay về. Những ngày cuối tuần trên chiếc xe gắn máy, anh nhìn qua vai khuôn mặt cô sinh viên trường kinh tế thon thả, nước da ngâm ngâm, mịn màng.
oOo
Hôm ấy, lá vàng chưa rụng ngập lối đi trong công viên vườn thượng. Hàng cây cao rung rung trong gió đầu đông trở lạnh. Những cảm nhận len lén vào trong suy nghĩ, chiếm dần cả không gian và thời gian cho anh biết được hương tình ban đầu mỏng mảnh mơ ảo, giờ là mặn mà nồng thắm. Men tình ban đầu nhẹ nhàng, giờ là đắm say. Lên màu, điểm sắc, tỏa hương, gây vị, dáng hình hiện tỏ dần dần, lụa là, ngà ngọc rồi mỗi ngày một vẻ, thu hút không cưỡng lại được, như đã có tự ngàn xưa, đi đến từ vô tận. Như nắng sớm, xanh xao nhưng vương vấn màu quyền lực, chưa cuồn cuộn nhưng dâng tràn chầm chậm. Như khói như mây nên không bắt được, thấp thoáng ẩn hiện, người ta xua đi, hương vẫn còn đó, lúc gần lúc xa.
Thy Anh hơn anh hai tuổi, thích mặc những bộ áo gọn ghẽ, nhẹ nhàng. Thy Anh chọn như thế cũng phải, người cao, nên trong những bộ bằng vải mỏng như thế làm anh mê mệt. Hôm nay, hẹn đi dạo phố, Đăng đứng đợi trước nhà sách, thì Thy Anh đến.
- “Hôm nay, Thy xinh tựa người trong tranh, thanh như màu nắng sớm.”
- “Phải không ? Dân trường kinh tế mà, đâu như người mới đậu tú tài.”
Mỗi lần Thy Anh nhắc đến việc chông chênh này làm Đăng hật hũng. Chu cha ơi, ác vậy nhưng đúng đấy, nhưng không biết có cố ý hay không? Muốn mở trận chiến hay sao đây ?
Thy Anh nói tỉnh bơ,
- “Giận rồi sao ? ”
- “Không đâu, giận làm gì ?”
- “Người ta thương nói ‘Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một’ mà !”
- “Thương hay thường. Nói sao nghe như thật vậy ? Nhưng hôm nay, Thy thích đi đâu ?”
- “Đi vào tiệm sách mua một cuốn truyện, rồi tụi mình đi ăn bún nha! Hay là Thy đãi Đăng ăn khoai đi. Xứ này nhiều khoai lắm !”
Anh ngạc nhiên,
- “Mình người xứ Nẫu, lúc nhỏ thường hay ăn khoai rồi.Thy Anh khỏi đãi ăn thêm chi cho khô cổ.”
Mắt Thy Anh ranh mãnh,
- “Thy đãi Đăng ăn khoai, 5 loại khoai để Đăng mắc nghẹn mà không cãi với Thy như những lần trước. Tánh Đăng hay ăn hiếp người khác, nhất là đối với Thy.”
- “Trời đất, sao hôm nay Thy mưu sự như thế ! Thy nói thật hay nói chơi ? Vậy xứ này có khoai gì ?”
- “Thì khoai lùn, khoai môn, khoai từ, khoai chuối, khoai lang.”
Chưa có dịp nào hai người nói chuyện một cách bình thường. Có lúc Đăng nói ngạo, hay dùng lời móc méo, hay có khi cô bạn gái nói xiên, nói ngược, vì chỗ đứng của mỗi người chưa được xác định hẳn. Người này muốn tìm hiểu sau những chắc chắn của mối tình cảm chớm nở, những buổi dạo phố song vai hay những cái liếc đồng lõa, người kia còn giấu những suy nghĩ gì. Cũng chưa hẳn như thế. Các sợi tơ vô hình đang buộc tình cảm của hai người vẫn còn mỏng mảnh, là một sự liên hệ không thuộc vào tiêu chuẩn của thế hệ. Những chênh vênh này làm mỗi người muốn biết sau những lúc không gặp nhau, có chút gì đã bể vỡ hay không. Mặc dầu trên đường phố, dáng dong dỏng cao và cách ăn mặc thanh tú của hai người làm họ rất xứng đôi. Nhưng Thy Anh là cô sinh viên truờng kinh tế hơn Đăng đến hai năm. Vì vậy, khi gặp nhau họ muốn xem vị trí của mình có gì thay đổi, hoặc những điều lệ của tiêu chuẩn thông thường có làm lung lạc tình cảm của người đối diện.
- “Hôm nay, Đăng muốn nói với Thy một điều quan trọng. Vì vậy, sau khi mua sách, mình đi ăn ở quầy bún bà Ba đi !”
Thy Anh tính mở miệng đùa nhưng nhận thấy vẻ mặt nghiêm túc của anh. Chà, hôm nay có chuyện gì mà nét mặt Đăng căng thẳng như thế ?
Hai người bước ra khỏi tiệm sách. Đi qua lòng phố chiều, nắng nghiêng nghiêng làm dáng vóc yêu kiều bâng khuâng. Gió mùa đông se se lạnh len vào tay áo, Thy Anh rùng mình nhưng trong lòng vẫn ấm áp lạ. Những giờ phút bên nhau có phải là hạnh phúc hay không ? Thy Anh tìm mãi mới chọn được một cuốn truyện vừa ý và Đăng chọn mua một phương pháp học tiếng Pháp. Thy Anh hỏi thì Đăng trả lời “Đăng mới được giấy phép đi du học.”
- “Ê, bồ đi xa tức là sắp được làm người lớn rồi đấy. Sao cứ lầm lầm lì lì như vậy ?”
Câu hỏi làm Đăng bật cười,
- “Người lớn là sao ?”
- “Là biết ăn nói, biết lựa lời để chuyện trò. Nhưng phải thành thật và nói bằng tiếng nói của con tim. Nhất là trong những giờ phút còn lại và hiếm hoi như thế này.”
- “Trời ! Con tim này đang lộn xộn, rối bời đây. Đăng đang tự hỏi phải làm sao sống trọn những giây phút này còn được sánh vai với Thy.”
- “Đăng nói gì nghe ghê vậy ? Vài năm nữa bồ về chứ có gì đâu ? Nói vậy chứ dễ lắm, hôm nay có bao nhiêu tiền thì đãi Thy ăn hàng hết đi !”
- “Sợ Thy ăn không hết đâu nhé ! Dì Mười mới cho mấy chục ngàn đây. Bụng Thy thon thẳng chắc chắn không ăn nổi một tô bún lớn nữa là khác. “
Chiều xuống, bóng hàng cây trồng dài trên bến nghiêng ngã, lắc lư nhiều hơn khi hai ngườI băng ngang qua cầu dẫn vào trung tâm. Những bọt nước theo làn nước nhấp nhô từ từ trôi dạt rồi tan vào biển cả.
Anh chợt nói :
- "Đăng hỏi Thy câu này nhé : Thy thấy không khí hôm nay có gì buồn mơ hồ không ?"
- "Bồ được đi Tây, sung sướng thấy mồ ! Thy không thấy buồn đâu cả, chỉ thấy đang đói bụng mà thôi!"
- "Còn lại vài giây phút bên nhau, mà Thy cứ nghĩ đến chuyện ăn không thôi. Biết đâu cuộc đời phiêu bạt, tụi mình không còn gặp nhau nữa rồi sao ?"
- "Không gặp nữa thì gặp người khác. Có gì đâu mà lo với lắng ?"
- "Nhưng Thy là người đặc biệt mà ! Trong cuộc đời dĩ nhiên sẽ có nhiều dịp gặp gỡ, nhưng gặp được người làm ta nhớ suốt cuộc đời thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi."
- "Chà, hôm nay nịnh hay quá nhỉ !"
- "Khi còn trẻ trung, thì người nào cũng nghĩ rằng tìm được người hiểu mình không khó, nhưng phần đông tìm cả đời mà không gặp, và luôn luôn mong ngày nào được hội ngộ người đối tượng."
Thy Anh cúi quay mặt hướng vào trong, đôi mắt ngấn lệ. Bước chân cô ta đi nhẹ như tựa đang đi trên tấm thảm bằng bông gòn. Tại sao người ta lại lựa những giờ phút chia tay để nói những gì mình có ở trong tim ? Hạnh phúc thật mỏng manh. Khu vườn yêu thương chợt mở nhưng ngày mai nó sẽ khép lại. Ánh nắng chiều nay sao rực rỡ lạ. Thy Anh muốn ôm trọn cả bầu khí trời mát lạnh. Cảnh vật lung linh, màu sắc nhuyễn nhặc. Đi ngang công viên, cỏ non mịn màng mọc đều, hương thơm thoáng nhẹ. Hôm nay là hạnh phúc, ngày mai là nhớ nhung. Cũng con đường rộng này, cùng phố xá thân nọ, những hàng cây giờ đây đón chào đôi bạn. Nhưng ngày mai, lề phố ấy trở thành thênh thang, hiên nhà đó hoá ra nghiêng ngã, bóng mát kia sẽ mất dáng người thân, trở nên màu sẩm, rồi cảnh vật biến dạng, lạc lõng, trống vắng, nhạt nhoè.
Nàng hít mạnh không khí vào,
- “Vậy Đăng nhớ viết thư thường xuyên nha !”
- “Chắc chắn là sẽ viết thư nhiều. Nhưng những sâu đậm của lá thư không thể thay thế được các nụ cười, sức sống thật của tấm lòng. Những dòng chữ chỉ là một khung trời ảo, song song với cuộc đời mà những người thân muốn chia sẻ với nhau. Làm sao bằng những buổi hẹn như lúc này, được cùng sống trong một khoảng trời chung, được nghe tiếng thở của người đối diện, được nhìn trước mắt những gì mà chỉ riêng người mình cảm thông mới có thể trao lại.”
- “Thôi thôi đi ! Sao hôm nay bồ mơ mộng như thế ? Cuộc đời có những lúc gần, lúc xa. Có như vậy người ta mới quý được những giờ phút bên nhau chứ lị.”
- “Không có mơ mộng nhiều đâu Thy ơi. Không những đi xa là thử thách, để biết rõ mình muốn gì, mà môi trường sống sẽ thay đổi. Những điểm tựa mà ta tưởng là chân lý, từ từ biến dạng hay sẽ được thay thế bởi tiêu chuẩn của xã hội mới. Người ta còn nói ‘Xa mặt, cách lòng’ mà.”
- "Chao ơi ! Bồ nói như vậy là bồ sẽ quên Thy phải không ? Nếu vậy, bồ biết trước thì đừng làm như thế !"
- "Đúng như vậy. Nhưng ở trong môi trường nào cũng vậy, làm sao quên được dáng đi thanh thoát, nụ cười trên khuôn mặt thon thả, hay là hương tóc thoáng thơm của Thy được ?"
- "Đừng nịnh đầm nha ! Chưa đi Tây mà đã thành Tây rồi đó."
Hai người ngồi ăn bún. Đăng thích nhất là nhìn cặp mắt sáng, màu nâu đen nháy và long lanh giữa màu xanh thật nhạt. Nắng đã tô mỏng một làn da óng ánh mịn đều trên đôi vai tròn thon rắn chắc. Thy Anh ngẩng đầu lên, thấy anh nhìn chăm chú, chợt mỉm cười,
- "Đừng nhìn nhiều như vậy làm nước da Thy mất màu hết. Ăn bún đi. Con trai không được nhìn con gái như vậy đâu."
- "Thy không cho nhìn nhưng vẫn cứ nhìn, lúc đi xa cho đỡ nhớ. Thời gian và xa cách vẫn là kẻ thù của trí nhớ mà !"
- "Chỉ có làm bác sĩ mới được nhìn người khác phái như vậy thôi nha ! À quên nữa, bồ tính học nghành gì ?"
- "Đăng sẽ không chọn nghành kinh tế đâu nhé vì hoài vọng của người trẻ không chỉ có kinh doanh và tiền bạc như có người đã chọn đâu."
- "Trời ơi ! Bồ muốn xỏ xiên gì đây ? Làm kinh tế không có nghĩa là tiền bạc không thôi. Người làm kinh doanh giỏi cũng là người tạo ra việc làm cho người khác cơ mà. Việc làm cũng là cơ may của người ta để tạo nên hạnh phúc đấy !"
- "Nhưng người làm kinh doanh nghĩ vào vụ lợi trước nhất. Người nào mà nghĩ đến hạnh phúc người khác là chỉ có đóng cửa hãng sớm. Vì vậy, nếu được Đăng tính học nghành Y, nhưng sao trí nhớ lại kém nên không biết phải chọn con đường nào ?"
- "Phật Chúa ơi ! Giờ mới biết bồ thương người như thế ! Thương mình trước đi, hay là có rộng lượng hơn thì thương Thy trước đã."
Bất ngờ, nhưng có một động cơ vô hình thúc đẩy anh bước vào vườn thiên đàng chợt mở.
- "Rồi nhé ! Nhưng chỉ thương ít mà thôi, vì sợ thương nhiều rồi vài tháng nữa, nhớ nhiều thì khổ lắm."
Sau một chút bối rối vì được nghe bất ngờ những câu mà hai người không thường xuyên trao đổi, Thy Anh trả miếng,
- "Không sao đâu. Nếu bồ viết thư nói rằng nhớ Thy nhiều thì tui nhớ lại rồi huề, hết nhớ."
Đăng phì cười,
- "Thy nói như nhớ có âm dương cộng trừ vậy. Người học kinh tế có khác lúc nào cũng tính toán."
- "Bồ không muốn học Kinh Tế để có thể hiểu những chuyện đơn giản như vậy, thì ráng học Hoá đi, cũng có ion cộng trừ như vậy."
- "Đúng rồi. Khi nào học xong Hoá còn có thể về biến Thy làm người ngoan ngoãn hơn chẳng hạn."
- "Nói vậy mà không biết những điều căn bản. Muốn ăn hiếp Thy thì phải học Tâm Lý hay Xã Hội. Chứ học Hoá chỉ đi làm công cho người làm kinh tế mà thôi. Người học Nhân Văn lúc nào cũng hơn người học Kỹ Thuật trong xã hội hết, vì biết người ta ra sao thì mới biết đè đầu đè cổ người ta được."
Đăng không muốn chịu thua, nên quay lại nói với bà bán,
- "Dì Ba lần sau bán tô bún cho cô này, nhớ đừng bỏ rau cải gì hết vì hôm nay, sao cô này cãi vã nhiều quá đi thôi."
Mặt trời đã thấp ở cuối chân trời. Thy cố tình ăn chầm chậm, như muốn kéo dài mãi giây phút bên nhau.
- "Thy ăn no chưa ? Để Đăng đưa Thy về nhé ? Nhưng trước khi chia tay, Thy có muốn nói gì không ? Có giận hờn, chê trách gì thì cứ nói hết đi. Nếu không thì lâu lắm mới có thể gặp lại đấy."
- "Hôm nay sao ăn mau no quá nhỉ ? Còn chê trách thì có nhiều, ví dụ như tính hay ăn hiếp, và tính nói không thật lòng hay xiên xỏ. Trời sắp tối rồi, nhưng trước khi chia tay, Thy muốn cho bồ một điều ước. Bồ muốn Thy tặng món quà gì ? Cái gì Thy cũng chiều hết."
Anh nhìn thẳng vào đôi mắt Thy, mặt anh chồm tới trước,
- "Thật không đấy? Đăng muốn được làm một chuyện này, nhưng Thy phải tin vào thật lòng của Đăng nhé ! Thy phải nhắm mắt lại."
Thy Anh bối rối,
- "Tin là không tin rồi đấy. Nhưng bồ sẽ làm gì mới được ? Đừng có làm bậy bạ nha. Nói thử xem đi !"
- "Vậy mà nói rằng cái gì Thy cũng chiều hết."
- "Nhưng có những chuyện không thể nào người ta phạm giới được, nhất là giữa phố đông người như chiều nay."
Giọng anh ranh mãnh,
- "Nhắm mắt đi, đưa hai tay ra, rồi sẽ biết. Không mất mát gì đâu mà sợ run người như vậy ? Chiều một lần đi mà !"
Thy Anh do dự một lát, rồi nhắm mắt lại, đưa hai bàn tay trước người.
- "Bây giờ nói thật nhé. Đăng muốn hôn lên hai chỗ trên người của Thy."
Thy mở bừng mắt ra, nhíu mày,
- "Trời, đã nói là không được cơ mà ! Hôm nay sao bồ kỳ dị thế ?"
- "Đừng ăn gian nhé. Như sắt như đá, một lời hứa, có cứa cũng không đứt. Nhắm mắt lại đi. Có nói là không khó khăn gì đâu, và quanh đây chỉ có người không quen, không ai tò mò dòm ngó đâu."
Thy miễn cưỡng nhắm lại đôi mi. Lúc đầu, trò chơi làm nàng lúng túng nhưng nàng nghĩ rắng Đăng là người tế nhị. Đôi môi nàng bặm lại, nhưng Thy tự nghĩ có gì đi nữa cũng là ngày cuối mà hai người gặp nhau, và dù sao nàng cũng sẽ tha thứ.
Gió mát thổi ghẹo bên má và nắng ấm đùa chơi trên áo cho lòng Thy thấy lâng lâng, chới với diệu kỳ. Rồi nàng cảm nhận bàn tay rắn chắc nâng nhẹ những ngón tay mình. Một cảm giác nồng cháy ướt át trên lưng bàn tay trái, rồi một nụ hôn khác trên lưng bàn tay phải. Nàng nghe Đăng nói thì thầm, đam mê,
- "Hôn trên bàn tay thứ nhất, để hẹn Thy năm năm nữa trở lại nơi này nếu tụi mình phiêu bạt mỗi đứa một nơi. Bàn tay Thy năm ngón như là năm năm sẽ đến. Hai bàn tay, mười ngón như mười năm chẳn, lúc nào cũng trước mắt để Thy không bao giờ quên được buổi hẹn thứ hai này. Có giận hờn, đổi thay gì, Thy cũng nhớ đến hai buổi hẹn này nhé !"
oOo
Mười năm chẳn, mười năm cuộc đời, anh không còn là cậu sinh viên non nớt của ngày trước. Những bước chân vào cuộc đời sôi nổi biến anh thành người chính chắn và từng trải hơn. Triệu khuôn mặt đã trôi ngược đường anh đi. Thế mà anh vẫn tưởng buổi hẹn năm nào là ngày hôm qua. Chiếc xe bún của bà Ba vẫn cũ kỹ như năm nào. Mặt bà có xạm nắng hơn, dấu vết của thời gian đã hiện rõ hơn trên khuôn mặt của người suốt ngày chung đụng với gió sương từ khi trời chưa tỏ cho đến khi đèn nhà phố phường gần như tắt hẳn. Phố xá có đổi thay, có thu nhỏ lại và những bức tường giờ đây có rêu phong, in đậm nét thời gian. Bạn bè, người thân đi mỗi người một ngả. Riêng anh đã có đi ngàn, vạn dặm. Con chim én đã bay qua những cánh đồng bao la, đã vượt trên ngọn núi đồi cao ngất. Mùa đông này đến, con chim én bay từ miền giá lạnh xa xôi, trở lại nhìn riêng góc phố này vẫn giữ hương tóc và dáng vóc của người xưa.
Mặt trời đã xuống thấp ngang chân trời biển. Ánh sáng kém đi làm mùi rong dễ được nhận ra trong gió miền biển thoáng nhẹ.
- Tôi đoán rằng cậu đang chờ ai đó phải không ?
- Bác nói đúng. Mà gần đây, bác có để ý đến một cô thanh nữ, cao cao, nước da ngâm ngâm đến ăn ở xe bác không ?
Bà Ba nheo nheo mắt,
- Mà cô bạn của cậu có đẹp gái hay không ? Mà làm cậu phải chờ suốt buổi rứa !
- Bác vui quá. Nhưng nói đúng ra tôi và cô ta hẹn nhau đến đây mười năm trước khi ăn lần cuối ở đây, vì vậy quên mất không biết cô ta có xinh xinh như trong trí nhớ.
Đột nhiên, mắt bà sáng lên,
- Tôi nhớ ra cậu là ai rồi. Cậu tên là Đăng ? Mấy năm trước có một cô thanh nữ gửi lại một bức thư, nhờ tôi khi gặp cậu để trao lại.
Bà moi moi trong hộc tủ, rồi trao cho anh một bức thư nhăn nheo, đã cũ lắm rồi, dọc theo những cạnh thư có những viền xanh đỏ.
Anh nhìn dòng chữ viết thân thuộc của Thy Anh trên giấy thô đã trở màu. Trong lòng anh, có tràn đầy những nỗi vui. Những dòng chữ dưới mắt như vượt thời gian.
Sài Gòn, ngày ...
Thy viết thư này 1 năm sau khi Đăng đi du học, hiện giờ Thy đã 21 tuổi, đang viết những dòng chữ này và hy vọng Đăng đọc 5 năm sau khi chúng mình xa nhau, như là Đăng đã hẹn.
Những hình ảnh của Thy mà Đăng giữ trong trí nhớ là những hình ảnh của cô sinh viên cách đây 5 năm. Lúc đó, Đăng nghĩ rất xa, sao hay vậy ? Khi đề nghị buổi hẹn này, ý tưởng lạ đời ghê đi. Làm sao lúc ấy Đăng đã đoán được những thay đổi, những sự kiện bất ngờ mà không ai thấy trước ? Sau khi giải phóng, bạn bè thân thuộc đi tứ tán, mỗi người một nơi. Gia đình Thy cũng đi lên Sài Gòn, rồi Thy và Đăng không còn liên lạc nhau được nữa.
Khi Đăng hẹn gặp lại 5 năm sau, chúng mình chiến thắng thời cuộc đổi thay, nhưng không chiến thắng được thời gian, không xoá được sự chênh vênh của tuổi tác. Vì thế, nên Thy viết bức thư này để chúng mình sống trọn mối tình ngang trái, có được như những mối tình bình dị khác, để Đăng vẫn giữ mãi bóng hình của cô sinh viên 20 tuổi, trẻ mãi trong suy tưởng của Đăng.
Nếu Thy không đến được thì bồ đang đọc thư này dưới ánh mắt và suy nghĩ của 1 người đàn ông hơn Thy 2 tuổi. Dĩ nhiên là đối với cô sinh viên năm thứ 3 trường Kinh Tế, cô sinh viên đang viết những dòng chữ này đấy. Cô sinh viên thèm được gọi người mình thương bằng anh, thèm được ôm trong vòng tay của Đăng. Giấc mơ thật giản dị nhỉ ? Nhưng chỉ có cách này, với sự việc như thế, mới xóa đi được sự cách biệt của ‘Nhất, gái hơn hai…’’ mà thôi.
Những người có được những điều kiện giản dị, trong tiêu chuẩn, họ đâu có biết hạnh phúc của họ, Đăng nhỉ ? Người con gái được gọi người tình mình bằng anh, và người con trai gọi người thương một cách âu yếm em, như một nốt nhạc trong trẻo, như một giọt sương trong ban sáng.
Thy gọi thầm nốt nhạc ấy như muốn ngỏ một mối tình muôn thuở, vì mối tình này đơn sơ, nhưng mối tình Thy mơ phải là một mối tình tuyệt diệu, vì tình này đã lấp đầy cả không gian, thanh thoát như tiết trời ban sớm, thoảng hương cánh hồng mới nở, nhiều sắc, nhiều màu như những viên kẹo ngọt lịm, như cầu vòng trong nắng sớm, vì nó là ban ngày, là ban đêm, là giấc ngủ, là mộng mơ, là tất cả... nói sao cho hết và nó sẽ theo chúng mình mãi cho đến cuối cuộc đời.
Chúng mình có gặp những gì trắc trở nhưng Thy thiết nghĩ, biết đâu trong những năm dài sắp tới, sẽ có những huyền diệu nào biến chúng mình sống trọn những gì là khuôn khổ anh nhỉ ? Vì vậy, Thy vẫn hy vọng, vẫn mộng mơ có ngày nào đó chúng mình sẽ sống trọn mối tình tuyệt vời nhưng chân thật này trong những yên lành, trong những tiêu chuẩn và điều kiện rất bình thường của xã hội. Thy.
P.S.: Ngày hẹn năm năm,
Sao hôm nay, Bồ không đến nhỉ ? Chắc Đăng không xin được giấy nhập cảnh phải không ? Thy cũng biết rằng mấy năm nay, ít người được về thăm đất nước lắm. Đăng đừng quên mười ngón tay Thy nha.
Thư này, Thy đưa cho bà Ba, để khi nào gặp Đăng thì trao lại. Thy.
Chiều đã tàn, đêm sắp đến. Suốt buổi chiều anh trông ngóng dáng vóc của Thy Anh sớm hiện trên con đường xưa. Mười năm dài, mọi vật đã đổi thay nhiều. Có lẽ thời gian và xa cách đã xoá bỏ những lời cuối mà hai người đã trao nhau. Tìm đâu nữa bóng dáng người xưa năm ấy. Lỗi của anh hay là lỗi của thay đổi không ngừng của thời cuộc. Tìm đâu nữa những phút giây bên thềm ngưỡng cửa yêu thương. Có những khu vườn chỉ chào đón vào những thời điểm nhất định nào thôi, sau đó cánh cửa sẽ khép lại và sẽ không bao giờ mở nữa.
Anh đứng dậy trả tiền cho bà Ba, liếc nhìn lần cuối về hướng trung tâm thị xã. Anh thất vọng lắm. Chân anh cất bước hướng về con đường xưa. Nhưng sao có phép màu gì xảy đến, từ sau, tiếng giày đi chầm chậm rồi có mười ngón tay mềm mại, mát lạnh đưa đến bịt đôi mắt anh. Bên vai, tiếng thở của Thy vẫn quen thuộc như thuở nào. Tiếng cười khúc khích vang lên trong khoảng không gian bé nhỏ quanh xe bún của bà Ba đặt dưới hiên nhà.
Lá giây leo vướng víu trên tường nhà ai, thẫm đặc màu đỏ rượu, lẻn màu vàng óng ánh, đang run rẩy e ấp giọt nắng chiều cuối cùng đột nhiên bừng sáng một màu rực rỡ lạ...