Gió xuân
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Mùa Đông thả những giấc mưa lang lang qua trời thành phố chóng vánh như những cuộc ghé thăm vội vàng. Mặc. Đường phố vẫn thao thiết rộn ràng không một giờ an nhiên. Sáng sớm, bước ra có khi đã bực mình với những nút đường ùn tắc, phải ngửa mặt lên trời ngoi ngóp hít chút gió lành giữa đám tạp khí khói bụi ngờm ngợm… Gió. Cái khái niệm bình thường ấy thường bị quên lãng trong đầu óc kẻ nhàn rỗi bay bổng và thừa hơi tán hươu tán vượn. Gió. Hình như từ lâu lắm, người ta vô tình với nó khi cuộc sống có quá nhiều chuyện để nhớ.
Sáng. Đến cơ quan. Vào phòng, việc đầu tiên là bấm máy lạnh như một phản xạ, dù ngoài trời đang nắng hay mưa. Từ lâu, gió trời không còn ý niệm trong trí nhớ tôi. Vì từ lâu lắm rồi, không gian phòng máy lạnh đã trở nên môi trường sống thường trực. Nó làm cho cơ chế sinh học người ta cũng thay đổi để thích nghi dễ dàng. Ví dụ, ngoài phản xạ vào phòng là tìm chỗ bật máy lạnh ra, còn cảm thấy cái hơi lạnh phát ra từ chiếc máy trên đầu mình trở nên thân quen lạ, đến nỗi không có nó, là thấy không khí ngột ngạt và bức bối kinh khủng.
Máy lạnh làm chủ không gian sống: phòng ngủ máy lạnh, nhà bếp máy lạnh, cơ quan máy lạnh, phòng họp máy lạnh, tàu xe máy lạnh, toilet máy lạnh… Cứ đóng cửa lại và bật nút là có ngay chút ôn hòa cần thiết dù không biết ngoài kia đang là mùa gì, xuân, hạ, thu, đông… Nóng lạnh không còn là chuyện của thời tiết nữa mà là chuyện của con người ta. Về cơ bản, con người ta đã thay thế thiên nhiên khi chính thiên nhiên đang bất lực như một cỗ máy ngày càng thoái hóa trước sức tác động khủng khiếp của con người. Vậy, chắc gì cái không gian xuân hạ thu đông trong căn phòng máy lạnh kia sẽ thay được gió trời và không khí trong lành khi xui xẻo xảy ra một sự cố nào đó bất thường (đơn giản như cúp điện chẳng hạn?).
Bà tôi vẫn ngồi trên chiếc chõng tre, dưới mái hiên rợp những bóng xoài rậm tán, tay cứ lùa gió mùa thu bằng chiếc quạt mo cau mà hát ầu ơ. Bà vẫn ngồi đó. Bàn tay già nua cứ chập chờn trên vòng nôi cái nhịp điệu chầm chậm dịu êm. Gió mang hương vườn trưa hoang hoải thổi qua từng chiêm bao hồn hậu ngọt lành. Gió vẫn xối từ trên đỉnh trán ru tôi những giấc ngủ đầu tiên làm người. Rồi tôi đã níu ngọn gió ấy đứng lên, bước ra cuộc đời. Mười mấy năm gió quê cứ vi vút thổi những triền miên thơ ấu qua lòng. Bảy năm trời gió phố thổi miệt mài những bước chân tha phương cầu thực đầy trở trăn dặm trường. Gió. Và gió… Những ngọn gió đều thổi từ trên đỉnh trán tôi, hiu hiu khóe mắt vừa dùng dằng hoài niệm vừa đành đoạn lãng quên… Gió buông tuồng thổi giạt chiêm bao làm thâm sâu những cơn bão lòng. Gió dìu dặt thổi tràn ảo mộng những cuộc chồn chân. Gió ngả nghiêng du lãng trong cơn say dài ngày không hứa hẹn thời nguôi quên của tình yêu và thân phận…
Gió.
Và gió.
Mấy chục năm sau, gió từ bến sông ấy vẫn thổi hắt vào chiều quê mùi nồng nã bùn non từ rạ rơm phồn sinh, từ phiêu linh những cánh rong trôi lêu bêu, từ cao thấp những bước chân gái quê ngày biệt bến sang sông không hẹn lần về. Để bà có mẹ. Mẹ có con. Mấy chục năm sau, quạt mo cau vẫn ầu ơ khúc ru hời hởi ru tự thời nào xa lắc cánh cò, xa lơ cổ tích. Và mấy mươi năm sau, gió vẫn bồi hồi tóc mai thiếu nữ buổi đầu bâng khuâng mắt chạm mắt sững sờ tuổi yêu. Để một ngày hoài niệm đau đáu trôi về khi tôi đọc được đâu đó những câu thơ hoang hoải gió: "Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây" (Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)...
Vẫn ngọn gió đồng kia miệt mài ngày ruổi phố xênh xang mà đôi khi tiếc ngậm tiếc ngùi một ngọn khói rạ ngun ngún cháy cuối đồng... Gió, vẫn xối từ trên trán tôi như một bàn tay ngọt ngào mà buồn bã bể dâu chi lạ. Mới chỉ mấy mươi năm thôi, gió thổi giạt mấy nẻo đời người rồi. Mấy mươi năm ấy có là gì trong thiên thu lộng gió này. Và một đời người trăm năm có là gì trong vô cùng những chuyến gió thổi qua trùng trùng vạn kiếp phù sinh…
Gió.
Và gió…
Tôi như đứa trẻ cầm đoạn cước hoài niệm lần về đồi xưa tìm lại con diều giấy đã gửi lại mấy tầng gió chướng. Đứa bé òa khóc khi cánh diều đã tự đốt mình thành khói mây trắng dật dờ trôi cuối trời xa. Và ngày hôm sau, qua một chuyến gió vội vàng, khói mây kia đã hóa giấc mộng ảo ảnh giữa tim người. Thực và mộng cách nhau cũng chỉ một cánh gió vô tình mà thôi…
Gió. Vẫn thổi từ đỉnh trán tôi làm bơ phờ mái tóc đã lấm tấm những sợi sương tâm tưởng. Gió đang chùng chình thổi theo từng cung bậc nhớ quên, yêu ghét, vui buồn … Gió bao dung. Và gió cũng lạnh lùng đến nghiệt ngã. Những cánh cửa sổ đều khép kín. Ngoài kia, trời đang lây phây mưa giêng. Gió trong tôi còn lạnh quá. Vẫn là gió xối từ đỉnh trán sao nghe đều đặn một hơi dài giá buốt nào đó tự thâm sâu ùa về. Gió vẫn thổi lòa xòa tóc xanh đỉnh trán tôi, bợt bạt những gam màu hoài niệm. Tôi phải mở tung cánh cửa kia ra để chờ đón vào mình những chuyến gió đồng rong ruổi phố. Tôi không thể bị chiếc máy lạnh vô hồn kia phả vào ý niệm mùa màng quá đỗi xa xôi!
Biết bao giờ ngồi lại đồi xưa nghe gió mây đi qua, lòng an nhiên như những chiều nằm nghe gió trời về phiêu dạt triền sông?