Khu vườn lưu lạc
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Sau một đêm thức dậy, mở cửa sổ ra, khung cảnh khu vườn hôm qua trước mắt bạn hoàn toàn khác. Bạn sẽ hoài nghi không biết có phải mình đang lạc vào một giấc mơ, hay trong giấc ngủ say, có ai đó đã mang bạn đến đặt vào một chiếc giường khác, một không gian khác.
Sao thế nhỉ, khu vườn thân quen của bạn, những gốc cây mít, xoài và vú sữa thân thiện và cả cái giếng nơi bà nội bạn vẫn ngồi giặt đồ, nơi bạn từng soi bóng thời niên thiếu đã biến mất. Tất cả chỉ còn lại một khoảng trống chờn vờn sương. Cả bầy gia súc nữa. Chúng vắng đi một cách lạ lùng. Không một dấu vết. Cả con chó săn có vệt lông xoáy trên lưng và đôi tai vểnh lên vẫn rượt đuổi bọn gà trong vườn cũng bặt tăm. Không một tiếng sủa.
Ông nội của bạn sẽ bảo rằng, cuộc đời ông ít nhất đã kinh qua ba biến cố gần như vậy. Sau một đêm thức dậy, tất cả đồ đạc, vật dụng trong nhà biến mất. Chiếc đài radio loại có tay xách vuông, loa tròn màu đồng cũ kỹ mà suốt ngày ông ôm khư khư cũng không còn. Còn bà nội bạn than phiền và khóc lóc vì phải bỏ ra một số tiền lớn sắm sửa lại tất cả mọi vật dụng trong nhà. Chiếc ca US bằng sắt mà bà thường dùng để chế nước chè xanh, chiếc tẩu thuốc bằng gỗ mun đen bóng hơi khói, chiếc cối đá giã đậu, gạo để ở góc nhà và cả mớ xoong nồi từ đời trước để lại, thân quen đến mùi bồ hóng, từng vết nứt... tất thảy đã biến mất trong những sáng mù sương.
Liệu có tên trộm nào ghé qua ngôi nhà của bạn đêm qua và cuỗm tất cả hay không? Bạn thường bị hấp dẫn và hoang mang bởi những câu chuyện bùa chú hay đại khái những lời đồn thổi dị đoan. Nhưng điều đó không đủ sức thuyết phục bạn tin vào những phép lạ. Bạn sẽ đặt ra cho mình giả thiết: nếu như tên trộm đến đây với một rừng bùa ngải, hắn cũng chỉ có thể lấy được những vật dụng trong nhà, làm sao có thể mang cả khu vườn ra đi một cách gọn nhẹ như thế, chỉ sau một đêm?
Và bạn nhắm mắt nhớ lại tối qua, tiếng chó tru trăng đã cất lên trong góc vườn thế nào, mùi nhang trên bàn thờ xộc vào bạn một ám ảnh ra sao. Và bạn, bạn đã làm gì, cầu nguyện điều gì trong khu vườn ấy, trước bức tượng người phụ nữ bằng đá thạch anh luôn trong vẻ mặt bí ẩn, đôi mắt nhìn xuống và thấu suốt mọi bước chân của bạn. Bạn bước sang phải, đôi mắt ấy nhìn chằm chằm hiền lành vào bạn. Bạn bước sang trái, đôi mắt ấy dõi theo và soi chiếu vào mắt bạn khiến bạn nghĩ, đôi mắt của bức tượng được tạo ra để theo dõi những con người đã bước vào khu vườn, theo dõi tất cả những gì chuyển động phía trước, phía sau, dù nhanh, dù chậm. Và bạn quỳ xuống trước sự sống động của tượng, bạn hình dung một vệt nước chảy xuống từ hốc mắt bên phải.
Cũng có thể là một vệt máu. Vì bạn biết mình có tội. Bạn lầm rầm khấn: nếu con còn tái phạm, xin hãy cho khu vườn này biến mất ngay bây giờ. Bạn thường gọi bức tượng là Bà. Lịch sử của Bà - hình như ông nội có kể cho bạn nghe vào những năm thơ ấu. Đó là một bức tượng có nguồn gốc từ bên kia đại dương do những thương nhân mang đến, đổi lấy cả một đàn bò của nhà nội bạn. Bức tượng ấy tượng trưng cho vẻ đẹp của thời kỳ ánh sáng, nhưng được làm khuyết một lỗi nhỏ ở cánh tay như vết sẹo. Nên gọi là Bà Khuyết Tật. Nó được dựng lên sau sự cố những vật dụng trong nhà tự dưng biến mất. Nó dựng lên như một lá bùa canh giữ khu vườn, tránh sự biến mất tương tự có thể lại xảy ra.
Ấy là lần đầu trong đời bạn ăn cắp của bà nội một đồng xu để mua cây kẹo kéo. Bạn đã cho ba đứa bạn cùng cắn chung thành quả của phi vụ có tên "mỗi ngày một cây kẹo kéo". Bạn cảm thấy mình vừa làm được một việc ý nghĩa vô cùng, là đánh đổi cây kẹo bằng nỗ lực ăn cắp đồng xu từ trong túi áo bà ba màu nâu sòng, hôi mùi trầu của bà nội. Hình như lần ấy đồng xu tự dưng rơi khỏi túi như một thử thách. Thử thách đầu đời ấy, bạn đã không vượt qua. Bạn biến mình thành tên trộm oắt con ngay trong chính ngôi nhà của mình. Một tên trộm mang mặc cảm từ tuổi ấu thơ.
Những năm tháng ấy đã trở nên xa lắc xa lơ. Bây giờ, khi mặc cảm ấy dần lắng xuống theo sự trưởng thành thì bà nội bạn vẫn ngồi đó, trên sập gỗ trơn bóng, bên khung cửa sổ có ba thanh dọc, ba thanh ngang, trong mùi trầu cau nồng đượm, cay mắt. Vẫn một nụ cười lạ lùng. Từ khi mắt không còn thấy gì nữa, bà thường trực nụ cười lạ lùng ấy. Hàm răng đen đều tắp và bờ môi đỏ những nước trầu đậm. Thỉnh thoảng bà vẫn có thói quen ném xác trầu ra ngoài cửa sổ. Xác trầu vướng phải những thanh gỗ và lem luốc trên đó, nhiều ngày không ai lau chùi, khô khẳn từng đám bã. Mùa mưa tới, nước mưa từ máng xối nhỏ tong tong theo những gờ gỗ ướt, lem ra như màu máu của ngôi nhà u tịch.
Bà vẫn ngồi đó. Nụ cười lạ lùng và không âu lo.
Bạn sẽ đến bên bàn thờ của ông nội và hỏi rằng, sự cố cuối cùng xảy ra vào năm nào, trong tình trạng thời tiết ra sao, có điềm báo gì hay không... Những câu hỏi mang tính kinh nghiệm. Nhưng bạn cũng biết chắc rằng, tất cả những kinh nghiệm đều vô nghĩa, vì nếu biết trước về cách giải quyết thì mọi thứ đã không biến mất, sự cố lạ lùng đã không hề xảy ra một cách lạ lùng nữa.
Bạn sẽ hình dung thời gian là một đường tên bay. Ở mỗi tọa độ khác nhau, ngọn tên xuyên qua một lớp không khí và mùi hương khác nhau. Cho đến khi rơi xuống cỏ thì nó đã hoàn thành một sứ mệnh yên lành: không đâm và không làm chết ai. Nhưng sức phóng và năng lượng tỏa ra trên quỹ đạo bay của nó còn tạo một vệt xước trong không khí.
Khi hình dung điều đó, thì bạn thấy đôi mắt của ông trên di ảnh bỗng nhấp nháy, hiền từ. Bạn nhắm mắt lại và rùng mình để thoát khỏi những ảo giác kia. Bạn không tin vào sự cảm nhận của mình. Đôi mắt ấy làm sao có thể nhấp nháy được. Bức di ảnh chụp từ cách đó hai mươi năm rồi, lúc ông bạn còn khỏe mạnh. Ngay khi còn khỏe mạnh ấy, người đã nghĩ đến một cuộc ra đi mơ hồ. Một sự biến mất không báo trước nhưng chắc sẽ xảy ra. Cũng như khu vườn. Hay những vật dụng trong nhà. Làm sao có thể kiểm soát được sự biến mất bất thường ấy? Và cả con chó có vệt xoáy lưng kia nữa, không ai dám chắc nó sẽ bình yên và tồn tại mãi trong ngôi nhà này sau những sự cố. Có khi tiếng sủa của nó sẽ bị hẫng vào khoảng không mù đục, trắng xóa và hoàn toàn mất dấu. Những vết chân nó để lại trong khu vườn trong những buổi sáng nô đùa với lũ gà hay nghịch ngợm, chỗ nằm của nó dưới bụi hoa trang đỏ cũng sẽ bị mưa xóa dấu. Nó cũng sẽ biến mất như chưa từng tồn tại.
Lần đó, bạn ngồi xắt từng lá thuốc ở ngoài vườn, dưới chân bức tượng đá loang rêu. Buổi sáng nắng đẹp. Trong ngôi nhà gỗ ấy vỡ toác một tiếng thét. Bà của bạn khóc một tuần rồi mù luôn. Ông của bạn thì biến mất. Sau một tuần u sầu, môi của bà thắm lại bởi những bã trầu và thường trực một nụ cười lạ lùng khó hiểu. Bà ngồi trên chiếc sập gỗ. Ngoài kia là gốc cây, bức tượng dưới khóm lá xoài lớn lòa xòa như muốn choán hết không gian cửa sổ. Và xa hơn là một hàng rào tre nứa. Thời gian được khoanh vùng trong khu vườn. Ngưng đọng một sắc thái u tịch. Bạn uống nước trong ca nhựa màu xanh. Bạn nấu cơm bằng cách cắm điện. Bạn nghe đài bằng chiếc máy radio đời mới. Và căn nhà được sơn phết một màu sơn xanh sau khi đám tang ông bạn xảy ra.
Ai đó nói với bạn rằng bà của bạn cũng đang biến mất. Bắt đầu từ lúc này. Sự biến mất có thể xảy ra chóng vánh, có thể kéo dài. Người ngồi đó mà linh hồn thì đã siêu thăng về cõi trời nào. Bạn không tin. Bạn thường ngồi nói chuyện với bà. Thường chỉ là những cuộc độc thoại của bạn. Độc thoại với bức tượng gầy guộc héo hắt và đôi mắt mù lòa. Với đôi môi luôn nở nụ cười lạ lùng không vướng bận một tâm tư nào. Bạn đang ngồi với một bức tượng bằng xương thịt người. Và nhiều lần, chạm vào đôi tay của bà trước khi bế bà sang chiếc giường chiếc, bạn cảm nhận một dòng điện lạnh chạy từ bà sang mình. Bà không cử động nhiều, chỉ khẽ nghiêng người cho vừa vòng tay của bạn. Bạn cảm giác như mình đang bế một khối mây. Hay khối mây đang đưa mình bay trong một không gian thời gian thăm thẳm nào đó. Không sức sống. Không quá khứ. Không tương lai.
Những vết trầu trên song cửa sổ vướng ngày càng dày, đỏ thẫm, bầm bẩn.
Căn nhà đang chảy máu. Bạn không tin. Nhưng bạn thường hình dung những điều kỳ dị về nó.
Về việc ăn và đi vệ sinh của bà thì diễn ra bình thường. Hằng ngày, bạn phải đút cơm vào miệng của bà. Hình như bà cũng không nhai. Tất cả cứ trôi xuống cho đến khi đôi mắt bà lệch sang một hướng khác. Đó là dấu hiệu của sự no. Và bà vẫn ngồi. Mắt vẫn nhìn không vướng bận, ngạc nhiên hay xúc cảm nào. Môi trầu đỏ vẫn nụ cười lặng lẽ.
Mới tháng tám mà mặt đất buổi sáng đã chờn vờn sương mù. Những chùm hoa tóc tiên đỏ li ti vươn lên bờ rào tre. Và rêu xanh loang dần kín bức tượng. Bạn nghĩ rằng mình phải lau chùi nó nhiều lần. Những nhiều lần, cái ý nghĩ để tất cả rêu phong như thế đã làm cho bạn không muốn thực hiện công việc ấy. Bấy giờ, có nhiều điều nên làm hơn. Ví dụ như phải lo cho bầy gia súc ra đồng sớm. Lũ bò ngày càng sinh sôi đông đúc và lộn xộn. Khu chuồng cũ có thể sẽ phải thuê người nới ra cho đến tận chân bức tượng. Chỉ nghĩ thôi là bạn đã mệt mỏi. Nếu xảy ra tình trạng lũ nghé nô đùa vẫy phân lên chân bức tượng thì bạn sẽ rất mất thời gian cho việc lau chùi. Chưa hết. Đó lại là một thực tế làm bạn cảm thấy áy náy, tội lỗi với bức tượng và niềm tin, sự cô đơn của mình đang treo hằng ngày trên đó. Bạn không muốn xúc phạm bức tượng. Bạn không muốn xúc phạm chính vào chiếc móc niềm tin và sự cô đơn của mình.
Một mình bạn xoay xở với lũ gia súc và những người làm thuê cũng thấm mệt. Bạn muốn bán tất cả đi để lo đám tang cho bà nội và xây cho ông bà một nấm mồ thật lớn. Cuối cuộc đời chồng vợ hóa ra cũng chỉ đơn giản có thế mà mấy ai làm được: một nấm mồ để được nằm chung. Những khúc xương, đốt xương trơ lạnh nằm chung trong lòng đất mang theo những hoài nghi, lỗi lầm, bao dung, dối lừa và thủy chung, ân ái... Những trạng thái ấy mất đi hay vẫn còn dưới ba thước đất? Có lẽ mất đi. Khoái cảm hay buồn đau. Nỗi cô đơn hay sự sẻ chia chồng vợ cũng sẽ mất đi. Nhưng biết thế, người ta vẫn ao ước được thanh thản nằm bên nhau. Và mọi thứ bắt đầu với một cuộc trình diễn sự biến mất, tiêu hủy mới.
Khi đã lo cho ông bà xong phần mộ ấy, còn bao nhiêu tiền, bạn sẽ dành một ít lấy vợ, một ít giắt túi lên phố lập nghiệp. Một người làm thuê ở phố cũng mở mang con mắt dưới mặt trời này hơn một ông chủ nông trại chăn nuôi ở quê. Bạn còn trẻ, bạn có thể nghĩ thế lắm chứ. Và tương lai của vợ, của con bạn. Tất cả sẽ không ngồi đợi sự lạ xảy đến như một nỗi ám ảnh ngày này qua tháng khác.
Chiều ấy, khi đàn gia súc ương bướng trở về khu vườn, bạn đã quỳ sau lưng bức tượng đá. Bạn đã cầu nguyện để mình sớm thoát khỏi đời sống buồn chán này. Bạn muốn bỏ tất cả ra đi. Kể cả người bà mù lòa của bạn đang ngồi bất động trên sập gỗ kia với nụ cười lạ lùng và vô ưu. Bạn thấy hoang mang trước ba ánh mắt: một của bức tượng; một của di ảnh của ông nội và một của người bà mù lòa. Tất cả đang nhìn từng ngày tuổi trẻ của bạn trôi đi lặng lẽ. Bạn mang trong mình một nỗi dằn vặt khó giải bày: đó là nỗi thèm khát xác thịt với một cô gái.
Cô ấy đã ghé khu vườn này chiều qua. Một mình. Cũng với nỗi cô đơn muốn thoát khỏi khu vườn cô độc của cô ấy. Cũng với ý nghĩ muốn bỏ làng quê sau lưng. Và đó là lần cuối cô ấy ghé sang ngồi với bạn trong khu vườn. Bạn đã nhắc nhở về những trò chơi ngày xưa chung xóm, chuyện bạn và cô ấy đi học trường làng, chuyện những bạn bè cũ lần lượt ra đi, chuyện người ở lại yêu nhau và sinh con đẻ cái ra sao... Ôi, bấy nhiêu chuyện cũng trôi đi hết một buổi chiều.
Và khi nhập nhoạng tối, bạn đã vuốt tóc cô ấy và năn nỉ cô ấy hãy biết chờ đợi. Khi khu vườn này biến mất, những đôi mắt biến mất, bạn sẽ cùng cô ấy ra đi. Và khi bàn tay vuốt ve trên đám tóc mai mịn màng, sự đam mê xác thịt trỗi dậy, khiến bạn muốn vùi cô vào đống rơm dưới chân tượng để làm chuyện vợ chồng. Bạn muốn cưỡng bức để tất cả từ những xáo trộn và giằng xé ấy nảy ra một hướng đi mới. Cơn cuồng dục đang khiến bạn đê mê, ngây ngất thì có một năng lượng nào đó ngăn bạn lại. Bạn hoảng sợ ngước lên. Đôi mắt bức tượng nhìn bạn, đầy muộn phiền. Đôi mắt loang rêu. Không dòng nước mắt hay dòng máu nào chảy xuống cả. Chỉ những vết rêu xanh đang phủ che một nỗi cô đơn thần thánh. Bạn lập tức buông cô gái vừa bị xé toạc hàng cúc áo trong đống rơm buồn tủi. Bạn chạy vào quỳ trước khung cửa sổ trống trải.
Bấy giờ, bà bạn đang ngồi trên sập gỗ. Câm lặng. Và nghiêng dần, nghiêng dần. Đêm ấy, bạn ôm một khối mây lạnh trôi vật vờ trong ngôi nhà gỗ xiêu vẹo. Giữa đám mây là một vết xước của dáng người gầy guộc sắp tan chảy vào không gian. Bà nội bạn - khó có thể hình dung - người phụ nữ mà hai mươi lăm năm về trước đã cứu bạn từ đám rơm khô dưới chân bức tượng. Trong khu vườn lặng lẽ ấy.
Có thể bạn cũng được sinh ra từ đó. Từ một cuộc vồ vập và cưỡng bức trong mớ lương khô của bầy gia súc này. Và trước sự chứng kiến của bức tượng câm lặng. Bạn được hoài thai từ sức mạnh của cô đơn, buồn tủi và bỏ rơi. Bạn đã cất tiếng khóc trước vòm miệng của những con bò hiền lành và trước mắt con chó xoáy lưng cứ như sinh ra chỉ để nô đùa và sống chung với những đời chủ, không bao giờ biết biến mất.
"Lần ấy, mọi thứ đều được mua sắm mới. Lâu lắm trong đời người, những sự-cố-biến-mất mới xảy ra một lần, con ạ. Và chúng ta không sao lường trước được thời khắc trọng đại và bi thương ấy. Mặt trời sẽ vẫn chiếu ở phía đông khu vườn. Những hoa quả vẫn sum suê mùa qua mùa. Và đàn gia súc vẫn sinh sôi. Chỉ có những cuộc biến mất vẫn đi qua ngôi nhà chúng ta như một rình rập, một tai ương giấu mặt.
Có những sự biến mất đem lại mới mẻ. Nhưng bao giờ cũng kèm theo nỗi mất mát lớn lao. Mãi sau đó, sự ám ảnh vẫn còn trong nhiều thế hệ sống qua ngôi nhà này.
Những xoong nồi, cả chiếc ca US dùng để uống chè xanh, một bộ gà-mèn cho những chuyến đi xa và chiếc radio để nghe tin tức trên mặt đất... Tất cả biến mất sau một đêm.
Không có tên trộm nào lẻn vào cả. Không có bùa chú. Không có phép dị đoan nào. Sự biến mất thuộc về chúng ta như ắt phải thế. Con đừng bận tâm về nó...
Nếu như chúng ta sống chung với nó thì đó là điều bình thường, một quy luật chứ không phải sự lạ. Và cũng đừng nói điều này cho ai biết cả, bí mật này thuộc về ngôi nhà, khu vườn của chúng ta...".
Lá thư được viết bằng mực tàu, trên lá buông, cất giấu trong chiếc rương gỗ lim cũ để dưới sập gụ, nơi bà bạn thường ngồi. Bạn sẽ chôn cất nó sau khi ghi lại tất cả những bí mật về sự-cố-biến-mất. Bạn đừng cho đó là một mặc khải hay kinh nghiệm gì. Nó mang những lời nguyền và nhiều sợ hãi của những thế hệ trôi qua trong ngôi nhà này. Bạn sẽ yên tâm không để những múi tỏi khô lên cửa sổ với mục đích trừ tà, trừ bùa ngải như những năm ấu thơ. Hình ảnh những tên trộm lởn vởn trong đầu óc non nớt của bạn cũng biến mất. Kể cả những phép lạ, những điều bí ẩn về ma quỷ cũng biến mất. Bạn đâu tin vào điều gì trừ bức tượng và người đàn bà ngồi lặng câm kia!
Bạn bước ra khu vườn. Không một tiếng kêu của lũ gia súc. Không một bóng cây. Không một bờ rào tạm bợ. Không một dấu vết gì khiến bạn nghĩ rằng nơi đây từng tồn tại một bức tượng, từng treo niềm tin, sự cô đơn và dằn vặt của biết bao đời người lướt qua như đám sương mù chờn vờn buổi sáng. Và cuối vườn, không ai hình dung được lòng giếng sâu mà mặt nước của nó đã nhốt biết bao nhiêu mặt người, bao nhiêu tưởng tượng.
Gió thổi những đám sương mù dưới chân bạn. Khu vườn đã biến mất sau một giấc ngủ dài của ngày trở về. Bạn không nhớ mình đã ngủ ở đây bao lâu. Sự biến mất có thật không hay chỉ là một huyễn tưởng, một giấc mơ xa vời. Con chó có đám xoáy trên lưng không trở về nữa. Bạn gõ cửa ngôi nhà. Cửa gỗ hé mở. Chùm hoa tóc tiên leo lên song gỗ, nơi từng lấm bẩn những vết trầu đỏ. Cô gái trẻ thò đầu ra ngoài, ngại ngần...
- Anh... anh là...
- Tôi là người đã từng sống ở đây.
- Anh muốn tìm ai?
- Khu vườn.
- Khu vườn nào?
- Khu vườn trước giấc ngủ đêm qua. Cô có thấy nó đâu không?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Thanhnien Online