Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tóc Ngắn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6475 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tóc Ngắn
Nguyễn Thị Giang Châu

Tám

Tôi đến lớp mặt mày ngơ ngáo vì ngủ ít. Vừa đặt phịch cái cặp xuống chỗ ngồi, Nhật đã hối hả thông báo: “Có sự thay đổi lớn. Có một bé mới vào tên Như Oanh. Cô sắp nó ngồi chỗ Ly đó…” Nhật dừng lại nhìn tôi an ủi: “Tại con đó bự lắm” – “Vậy Ly ngồi đâu?” – “Trên kia, chỗ Nguyệt voi. Thằng Lam xuống bàn chót ngồi với Thức Baganen” – Xuyến giả thích cặn kẽ.
Tôi nặng nề xách cặp lên. Không ừ hử không thắc mắc. Ngồi đây được cái xem bảng rõ, dễ tập trung nghe giảng bài và nhất là tránh được những cú va chạm không lấy gì làm tuyệt vời giữa tôi và Lam. Nhưng bù lại khung cửa sổ đã biến mất, thay vào đó là một mảng tường loang lổ những màu vàng, nhạt nhẽo và kín bưng bưng.
Như Oanh nhẹ nhàng ngồi vô chỗ tôi. Phải công nhận là nó rất xinh. Tóc loăn xoăn, mắt to mũi cao, môi đỏ mọng. Nhất cử nhất động của nó đều yểu điệu thục nữ như người trong tủ kính. Ngay lập tức nó là tâm điểm để bọn con trai đổ dồn mắt vào.
Lam đi ngang qua chìa cho tôi bịch ô mai to tướng “Cho Ly đó. Hôm qua mẹ Lam ở ngoài Bắc vào” – “Anh cho Ly nhiều vậy? Còn mấy bạn nữa” – “Tụi nó ăn rồi. Cái này phần cho Ly”. Nó ngần ngừ: “Hôm qua sao Ly nghỉ? Bị ốm à?” – “Không. Bà của Trúc đi cấp cứu. Ly vô phụ nó” – “Ngồi đây tốt hơn không?” – Nó hỏi dò. “Tốt hơn chớ - Tôi vênh mặt – Nhìn rõ bảng. Nhất là không phải nghe…” Tôi câm bặt. Lam hỏi buồn buồn: “Nhất là cái gì?” – “Ừm không…” Tôi luống cuống. May vừa lúc cô giáo vô, Lam phải chạy vội về chỗ. Tôi hết hồn, suýt nữa lại lỡ miệng chọc vô tổ kiến lửa. Sửa đi sửa lại mãi, tôi  không bỏ được tính châm chích người khác.
Suốt buổi học tôi không làm sao nhét được một chữ nào vô đầu. Miệng nhóp nhép muốn nói nhưng liếc sang bên Nguyệt voi hết cặm cụi chép bài lại chăm chú nghe giảng, mặt mũi đờ ra. Tôi xé giấy vẽ lăng nhăng mãi cũng chán. Mọi hôm cứ kiểu thế này là tôi với Lam lại rì rầm nói chuyện và sau cùng kết thúc bằng một cuộc tranh cãi kịch liệt (nhưng đã được giảm âm tối đa để tránh sự kiểm soát ngặt nghèo của thầy cô). Dù sao thì cũng vui hơn chán vạn lần thế này.
Tôi lén nhìn ra sau xem thử Lam đang làm gì bên cạnh cô bạn mới xinh đẹp. Như mọi hôm nó lại thì thào gì đó với Như Oanh. Lúc dừng lại nó nhón cổ nhìn lên bàn tôi, Bắt gặp ánh mắt của tôi nó toe miệng cười, ngúc ngắc vẫy tay. Như Oanh lại kéo áo hỏi gì đó và nó cúi đầu xuống tiếp tục nói chuyện. Tôi chán chường quay lên. Cảm giác như người bị bỏ quên lâu ngày làm mũi tôi cay xè.
Tôi nhủ thầm, vớ vẩn. Chẳng có chuyện gì đáng buồn bực cả. Mọi chuyện sẽ trở thành thói quen. Cầu mong sao cho tiết cuối trôi qua thật nhanh để tôi còn về nhà đánh một giấc. Tôi thấy mệt và buồn ngủ quá!
Nhiên khều vai đưa tôi mảnh giấy nhỏ: “Của Lam gửi”. Tờ giấy xé lam nham chỉ vỏn vẹn hai chữ “Chán quá!” Tôi mủm mỉm cười, cắm mặt ghi nắn nót “Ừ, chán thiệt!” Tôi gấp tờ giấy định nhờ Nhiên chuyển lại. Nhưng khi nhìn xuống lại thấy miệng Lam nhóp nhép, mặt mày hớn hở. Rõ đồ nói xạo. Có bao nhiêu chuyện để nói thế kia lại bảo chán được. Tôi bực bội vò nát tờ giấy ném mạnh vô hộc bàn, rồi để yên nó ở đấy hết ngày này sang ngày khác.
Dọc đường về tôi gặp Trúc đang băm bổ đạp xe về hướng bệnh viện. Tôi hỏi: “Nội sao rồi?” – Nó lắc đầu: “Không thấy đỡ chút nào – và thắc mắc – Hồi hôm lên coi thử viện phí bao nhiêu để Trúc về lo tiền trước, hổng biết ai đã tới thanh toán trước ba ngày. Trúc tưởng lộn, dò tới dò lui vẫn đúng là tên bà nội”. Tôi vẫn im lặng, cắm cúi đạp xe, Trúc lại kể tiếp: “Về nhà Trúc lại nhận được bao thơ tiền. Đề tên Trúc mà không thấy người gửi. Ai vậy hén?” – “Chắc người quen thôi”. Trúc tỏ vẻ phật ý khi thấy tôi hững hờ: “Người quen nào ngộ vậy. Đưa kiểu này ai dám xài, dù có cần kíp đi nữa” – “Dở hơi. Người ta gửi đến là có ý cho mình xài. Ông đừng có nghĩ lẩn thẩn nữa. Trán nhăn như ông già kìa – Tôi nhấn bàn đạp, buông thõng một câu – Của bạn bè cả mà!” – Và phóng vọt xe đi, để mặc Trúc đứng ở người phía sau.
Tôi nằm ngủ như chết trên divan. Trong mơ tôi nghe thấy tiếng chuông dồn dập, tiếng nói chuyện lao xao và có người đẩy tôi bước hụt xuống một cái hố lớn. Tôi giật mình tỉnh giấc. Hiền, Thục và chị Lương đứng vây quanh tôi. Hiền mếu máo: “Bà nội mất rồi”.
Tôi nghĩ mình nghe lầm nên hỏi lại: “Bà nội về nhà rồi à?” – “Không – Thục bặm môi, nước mắt tràn xuống má – Bà mất rồi!”
Tôi nghĩ tôi không là tôi nữa. Mọi chuyện diễn ra qua bất ngờ, như sét đánh ngang tai. Tay chân tôi nặng trĩu. Tôi đi ra cổng nghe tiếng chị Lương dặn loáng thoáng: “Thục chở bé Ly đi. Nó đang mệt lắm. Lát nữa chị ghé qua xem sao”.
Tới gần nhà Trúc, Thục bảo: “Mày nhớ bình tĩnh nghe. Trúc đang buồn đừng làm nó xúc động thêm”. Tôi im lặng, không nói nổi. Ngực đánh trống thùm thụp, tự nhiên thấy sợ hãi khi phải tới nói vài câu an ủi với Trúc.
Những người lớn ngồi trầm ngâm trên những chiếc ghế dài bằng gỗ kê sát tường. Bạn Trúc đến rất đông, túm tụm thành từng đám dưới cây mận, nhìn tôi tò mò. Tôi lẳng lặng đi ngang qua. Một vài đứa gật đầu chào tôi. Tôi cũng gật như một cái máy thấy quen lắm mà không thể nào nhớ nổi đã gặp nó ở đâu.
Trong nhà ảm đạm, leo lét cháy hai cây đèn cầy cắm đầu giường. Nhìn bà nằm móp xọp trên giường tý hon như em bé mười ba tuổi quấn khăn trắng tôi òa ra khóc. Trúc từ từ quay lại, mắt mũi sưng húp mọng đỏ như trái cà chua. Trúc tiến lại gần tôi, quai hàm bạnh ra khổ sở. Rồi không kìm được, nó nấc lên, ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi đúng ôm nhau rất lâu, chia sẻ nỗi đau đớn và hy vọng giúp nhau bình tĩnh lại, cho đến khi có một người đàn ông tới gần và bảo, giọn khản đục: “Đến giờ rồi. Con ra thắp nhang để liệm cho bà”.
Tôi lùi xuống sát tường. Hiền, Thục đứng đó từ lâu nắm vội tay xiết chặt. Những bàn tay thật hồn hậu và ấm áp.
Hôm đưa tang bà mưa sụt sùi, kéo dài lê thê mất hai ngày. Đường đi lép nhép bùn và trầy trật. Chiều nay Hiền phải đến trường học. Thục và tôi phụ Trúc dọn dẹp bàn ghế. Hôm nay đến Thục cũng im thin thít, không hó hé tiếng nào. Thỉnh thoảng nó lại liếc sang Trúc, mặt mày rầu rĩ.
Có tiếng lao xao ngoài ngõ. Con Mực xồ ra sủa cấm cẳn. Tiếng bà Năm xùy chó và gọi: “Trúc ơi! Ra có người kiếm bà nội mày nè con”. Trúc chậm rãi đi ra, cằn nhằn: “Sao bà không báo cho họ biết cho rồi” – Bà Năm vẫn vang vang: “Bả hỏi nhà bà Nhượng. Chèn ơi, cái xóm này hồi giờ đâu có ai tên dị. Một lúc tao nghĩ mới sực nhớ bà mày hồi còn con gái tên Nhượng, từ lúc lấy chồng đã đổi tên khác. May phước gặp tao… Đó, đó cháu nội bà Nhượng đó cô”. Chưa dứt câu bà Năm đã quảy quả đi mất. Thục kéo tôi thò đầu ra nhòm.
Một người đàn bà đứng lẩn vẩn giữa sân, có vẻ ngại ngần. Bà ta có lẽ là một Việt kiều vì trông rất sang trọng trong bộ đầm đen khoét cổ hình trái tim khéo léo, cặp kiếng gọng vàng kẹp trên cái mũi cao và thanh. Tất cả đều chứng tỏ bà ta đã là một phụ nữ đẹp. Tôi nghĩ, chắc bả tới kiếm mua nhà. “Tầm bậy. Ai bán hồi nào đâu mà mua”. Thục lào khào trong cổ như con mèo hen.
Trúc bảo: “Mời dì vô nhà chơi”. Bà ta gật đầu, mắt vẫn đăm đăm nhìn lên tờ cáo phó chưa kịp bỏ xuống trên cánh cửa mốc xịt vì bụi và thời gian. Lúc sau bà ta gỡ kính, lấy khăn chấm mắt. Bà hỏi, giọng nghẹn cứng: “Bà con sao mất?” Trúc mím chặt môi: “Vì cháu không lo đủ tiền thuốc thang cho bà”. Tôi nghe nó nói mà như có muối xát trong lòng.
Bà ta bước vào nhà, đưa mắt quanh quất khắp nơi, hỏi han không như một người khách bình thường. Tôi lén quan sát thấy khuôn mặt xinh đẹp với những nếp nhăn nhỏ trên trán loáng thoáng giống người nào đó. Tôi thò đầu qua: “Ê Thục mày thấy bả có nét giống thằng Trúc không?” Thục khịt mũi làm tôi chưng hửng: “Có giống gì đâu. Tao thấy bả giống diễn viên kịch nói Hồng Vân”.
Trúc giới thiệu: “Đây là bạn thân của cháu”. Bà ta gật đầu, hơi kiểu cách. Và nhìn chúng tôi vừa lạnh lùng, vừa dò xét. Tôi khó chịu chẳng hiểu bà ta có quyền gì lại nhìn chúng tôi như thế.
Trúc hỏi: “Dì tới kiếm bà con có chuyện chi ạ?” Bà ta im lặng, không trả lời. Một cái gì đau đớn lóe lên trong mắt bà làm tôi rùng mình. Tôi bấm tay Thục đứng dậy: “Tụi này về đây Trúc ơi” – “Sao sớm thế?” – “Sớm sủa gì nữa, có cháo trên bếp, tí hồi ráng ăn cho lại sức nghen. Dì ngồi chơi với Trúc, tụi con xin phép về trước”.
Ra đến cổng tôi còn ngoái lại, thấy lòng trống trải. Thục kêu: “Nhớ nội quá Ly ơi! Giờ tới không gặp nội thấy buồn thế nào ấy”. Cả hai cắm cúi đạp xe, im lặng chạy đuổi theo ý nghĩ của mình nhưng không ai nghĩ rằng người đàn bà đó sẽ mang đến cho Trúc một cuộc sống khác.

<< Bảy | Chín >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 384

Return to top