Trong xe, trên đường về, tất cả cánh đàn ông, trừ Jean, đều thiu thiu ngủ. Beausire và Roland, cứ dăm phút một, lại gục vào vai người bên cạnh, cái vai này hích một cái đẩy họ ra. Thế là họ thẳng người dậy, thôi ngáy, mở mắt, lẩm bẩm "Trời đẹp thật" rồi hầu như tức khắc, lại ngã luôn sang phía bên kia.
Vào đến Le Havre, họ li bì đờ đẫn, vất vả lắm mới tỉnh được, và Beausire thậm chí xin kiếu không lên nhà Jean, nơi bữa trà đang chờ họ. Đành phải đưa ông ta về nhà.
Chàng luật sư, lần đầu tiên, sắp ngủ tại nơi cư ngụ mới, và bỗng nhiên chàng cảm thấy một niềm vui lớn, hơi trẻ con, là đúng tối hôm ấy được phô với vị hôn thê căn hộ mà chẳng bao lâu nữa nàng sẽ ở.
Người hầu gái đã ra về, vì bà Roland tuyên bố rằng bà sẽ tự đun nước và phục vụ, bà không thích để tôi tớ thức đêm, sợ hoả hoạn.
Ngoài bà, cậu con trai và những người thợ, chưa ai từng vào nhà, cốt để cho mọi người hoàn toàn kinh ngạc, khi thấy mọi thứ đẹp đến thế.
Ở tiền sảnh, Jean yêu cầu mọi người đợi. Chàng muốn thắp đèn, châm nến, và chàng để bà Rosémilly, ông bố, cùng người anh đứng trong bóng tối, sau đó chàng vừa nói to "Xin mời vào!" vừa mở thật rộng hai cánh cửa.
Hành lang lắp kính, được chiếu sáng bởi một chùm đèn treo và các bóng đèn thuỷ tinh màu giấu trong những cây cọ, cây cao su, trong hoa, thoạt tiên trông giống một cảnh trang trí sân khấu. một giây kinh ngạc, Roland, thán phục sự xa hoa này, lẩm bẩm "Chó thật!" tự nhiên muốn vỗ tay như trước những cảnh phong thần hiển thánh.
Rồi họ vào phòng khách thứ nhất, nhỏ, tường căng vải màu vàng sẫm, giống vải phủ các ghế ngồi. Phòng khách lớn nơi tư vấn hết sức giản dị, màu đỏ nhạt, trông rất sang.
Jean ngồi vào ghế bành, trước bàn làm việc đầy sách, và bằng một giọng trang trọng, hơi cường điệu đôi chút:
"Vâng, thưa bà, văn bản pháp luật rất minh bạch và khiến cho tôi, được sự tán đồng mà tôi từng thông báo với bà, tuyệt đối tin tưởng rằng trong vòng ba tháng, vấn đề chúng ta bàn bạc sẽ được giải quyết tốt đẹp".
Chàng nhìn bà Rosémilly, nàng mỉm cười nhìn bà Roland, và bà Roland cầm lấy tay nàng xiết chặt.
Jean rạng rỡ nhảy nhót như chú họ trò và reo lên:
"Này, tiếng nói vang quá nhỉ. Phòng khách này mà dùng để biện hộ thì tuyệt".
chàng bắt đầu diễn thuyết:
"Nếu chỉ riêng lòng nhân từ, nếu tình khoan dung tự nhiên mà chúng ta cảm thấy đối với mọi nỗi đau khổ, là động cơ của sự miễn tố mà chúng tôi đề nghị các ngài, thì thưa các vị hội thẩm, chúng tôi sẽ kêu gọi tình thương của các ngài, nhưng chúng tôi có luật pháp đứng về phía mình, và chúng tôi sẽ chỉ nêu lên trước các ngài duy nhất vấn đề luật pháp…"
Pierre nhìn cái nơi ở lẽ ra có thể là của mình, và chàng bực bội vì những trò trẻ của em trai, đánh giá cậu ta quả nhiên là quá ngốc nghếch và đầu óc nghèo nàn.
Bà Roland mở một cửa bên phải. Bà bảo:
"Đây là buồng ngủ".
Bà đã đem tất cả tình mẹ ra để trang trí căn phòng. Tường căng vải dệt của Rouen bắt chước vải toan miền Normandie xưa. một hình vẽ kiểu Louis XV –một nữ mục đồng trong một khung nổi khép lại nhờ đôi mỏ giao nhau của cặp chim bồ câu – khiến cho các bức tường, các tấm rèm, chiếc giường, các ghế bành có một vẻ tình tứ và đồng quê hết sức dễ thương.
"Ô, xinh quá!" Bà Rosémilly nói, bước vào căn phòng, nàng bỗng hơi nghiêm trang.
"Em có ưng ý không?" Jean hỏi.
"Ưng lắm".
"Nếu em biết được điều ấy khiến tôi vui biết nhường nào".
họ nhìn nhau một giây, với rất nhiều mến thương tin cậy trong đáy mắt.
Tuy thế nàng hơi ngượng, hơi thẹn thùng trong căn buồng ngủ này nó sẽ là phòng tân hôn của nàng. Khi bước vào, nàng đã để ý thấy giường rất rộng, một giường đôi thật sự, dho bà Roland chọn, chắc hẳn bà đã dự đoán và ước mong cuộc hôn nhân sắp tới của con trai, và tuy thế dụng tâm của người mẹ khiến nàng vui thích, dường như nó bảo nàng rằng gia đình chờ đợi nàng.
Rồi khi mọi người đã trở lại phòng khách, Jean đột ngột mở cửa bên trái và họ nhìn thấy phòng ăn hình tròn, trổ ba cửa sổ, trang trí kiểu đèn lồng Nhật bản. hai mẹ con đã đưa vào đấy mọi trò ngông họ có thể nghĩ ra. Gian phòng có đồ đạc bằng tre trúc, có những ông phỗng, lọ độc bình, có lụa là nhấp nhánh kim tuyến, có những bức mành trong suốt mà các hạt pha lê trông tựa như các giọt nước, có những chiếc quạt găm vào tường để giữ lấy vải vóc, với những bình phong, gươm, mặt nạ, chim hạc bằng lông vũ thật, với tất cả những đồ linh tinh bằng sứ, bằng gỗ, bằng giấy, bằng ngà, bằng xà cừ và đồng đỏ, có cái vẻ cầu kỳ do bàn tay vụng về và con mắt dốt nát đưa vào những thứ đòi hỏi nhiều nhất sự tế nhị, khiếu thẩm mỹ và sự giáo dục nghệ thuật. Ấy thế mà đấy lại là gian phòng được thán phục hơn cả. Riêng Pierre tỏ ra không hoàn toàn tán thưởng, với một thái độ chế riễu hơi chua chát khiến cậu em cảm thấy phật lòng.
Trên bàn, quả chất cao hình tháp, còn bánh ngọt dựng thành đền đài.
Mọi người không đói mấy, chẳng phải họ ăn mà nhấm nháp hoa quả, bánh kẹo thì đúng hơn. Rồi, khoảng một giờ sau, bà Rosémilly xin phép ra về.
Họ quyết định là lão Roland đưa tiễn nàng về nhà, lão sẽ đi ngay cùng nàng, còn bà Roland, vì chị đầy tớ không có ở đấy, sẽ xem qua nhà cửa bằng con mắt người mẹ, để con trai không phải thiếu thứ gì.
Roland hỏi "Có cần quay lại đón mình không?"
Bà ngần ngừ, rồi đáp:
"Không, mình ạ, mình cứ đi ngủ đi. Pierre sẽ đưa tôi về".
Khi họ đi rồi, bà thổi tắt nến, cất bánh ngọt, đường và rượu mùi vào một chiếc tủ và giao chìa khoá cho Jean, đoạn bà sang phòng ngủ, mở hé riềm giường, nhìn xem bình có đầy nước mát không và cửa sổ đã đóng kỹ chưa.
Pierre và Jean ở lại trong phòng khách nhỏ, người này vẫn còn phật ý vì khiếu thẩm mỹ của mình bị chê, còn người kia mỗi lúc thêm bực tức vì thấy cậu em trong ngôi nhà này.
Cả hai ngồi hút thuốc, chẳng nói gì với nhau. Pierre bỗng đứng dậy bảo:
"Chà! Tối nay chị goá có vẻ lử lả tợn, những cuộc du ngoạn không hợp với chị ta".
Jean đột nhiên cảm thấy bốc lên một cơn thịnh nộ nóng nảy và điên khùng ở những người hiền lành nhu nhược bị thương tổn tâm can.
Chàng hụt hơi, vì xúc động quá dữ dội, lắp bắp:
"Tôi cấm anh từ nay không được gọi "chị goá" khi nói về bà Rosémilly".
Pierre quay sang phía em, ngạo mạn:
"Tôi cho rằng chú đang ra lệnh cho tôi . Hay là chú phát điên rồi hả?"
Jean lập tức chồm dậy:
"Tôi không phát điên, nhưng tôi đã chán cung cách của anh đối với tôi rồi".
Pierre cười gằn:
"Đối với chú? Chú là một phần của bà Rosémilly ư?"
"Anh nên biết rằng bà Rosémilly sắp thành vợ tôi".
Người kia cười to hơn
"Á! À! được lắm. bây giờ tôi hiểu vì sao tôi không nên gọi bà ta là "chị góa" nữa. Nhưng chú báo cho tôi việc hôn nhân của chú một cách thật là kỳ cục".
"Tôi cấm anh dùa cợt…anh nghe chưa…tôi cấm anh đấy!"
Jean đã tiến lại gần, mặt tái đi, giọng run run, nổi xung vì sự chế nhạo đeo đuổi người phụ nữ chàng yêu và chàng đã chọn.
Nhưng Pierre đột nhiên cũng phát khùng. Tất cả những gì tích tụ trong chàng nào những giận dữ bất lực, nào những thù oán bị chế ngự, nào những phản kháng bị nén lại từ ít lâu nay, nào nỗi tuyệt vọng câm lặng, bốc lên đầu chàng, làm chàng choáng váng như bị xuất huyết.
"Mày dám hả?...Mày dám hả?...Còn tao, tao ra lệnh cho mày câm đi, nghe chưa, tao ra lệnh cho mày như thế!"
kinh ngạc vì sự dữ dằn ấy, Jean im vài giây, cố tìm torng trạng thái rối loạn trí óc do điên giận, cái điều, cái câu, cái từ có thể làm thương tổn anh mình đến tận tâm can.
Chàng lại nói, cố tự chủ để đánh cho trúng, cố thong thả để lời lẽ càng sắc nhọn hơn:
"Từ lâu rồi tôi đã biết là anh ghen với tôi, từ cái ngày anh bắt đầu gọi "chị goá" vì anh hiểu rằng điều ấy làm tôi đau".
Pierre thốt lên một tiếng cười khinh miệt, và chói tai mà chàng thường có:
"Ha! Ha! Ha! Chúa ơi! Ghen với mày? Tao ư? Tao ư? Tao ư? Vì cái gì chứ? Vì cái gì, Chúa ơi? Vì bộ mặt của mày hay vì trí tuệ của mày?"
Nhưng Jean cảm thấy rất rõ là mình đã chạm đúng vết thương của tâm hồn nọ:
"Phải, anh ghen với tôi, và ghen từ thưở bé, rồi anh phát khùng khi thấy người phụ nữ ấy thích tôi hơn và chẳng ưng anh".
Pierre lắp bắp, phẫn nộ vì điều ức đoán ấy:
"Tao..tao..tao ghen với mày? Vì cái ả ngu ngốc ấy, cái con đần độn ấy, cái mụ béo ngờ nghệch ấy ư?.."
thấy đòn đánh trúng, Jean lại tiếp:
"Thế còn cái hôm anh cố chèo khỏe hơn tôi, trên con thuyền Perle? Thế còn tất cả những điều anh nói trước mặt cô ấy để tôn giá trị của anh lên? Anh ghen đầy ruột còn gì nữa! Thế rồi khi tôi được cái gia sản ấy, anh đã hoá rồ, anh đã ghét tôi, và anh đã phô bày điều đó bằng đủ mọi cách, và anh làm khổ tất cả mọi người, và có giờ nào mà anh lại không phun ra chất mật đắng nó làm anh tắc nghẹn".
Pierre điên giận nắm tay lại với ý muốn không cưỡng nổi, muốn nhảy xổ vào đứa em và tóm lấy họng nó:
"Ô! Lần này thì mày im đi, đừng có nói đến cái gia sản ấy!"
Jean lại hét lên:
"Nhưng sự ghen ghét nó toát ra từ da thịt anh kia kìa. Anh chẳng nói lấy một lời với bố tôi, với mẹ tôi hay với tôi mà nó lại không bùng ra. Anh vờ khinh tôi vì anh ghen! Anh gây sự với tất cả mọi người vì anh ghen! Và giờ đây khi tôi giàu, anh không nén được nữa, anh thành độc ác, anh hành hạ mẹ như thể đó là lỗi của mẹ!..."
Pierre đã lùi đến tận lò sưởi, miệng he hé, mắt trợn lên, lâm vào một trong những cơn điên khùng khiến người ta gây tội ác.
Chàng nhắc lại bằng giọng khẽ hơn, nhưng hổn hển:
"Im đi! Im đi nào!"
"Không! Từ lâu rồi tôi muốn nói với anh tất cả những gì tôi nghĩ, anh tạo cho tôi cơ hội, mặc kệ anh. Tôi yêu một người đàn bà! Anh biết điều đó và anh nhạo báng nàng trước mặt tôi, anh làm tôi không nhịn được nữa, mặc kệ anh. Nhưng tôi sẽ bẻ gãy nanh rắn độc của anh, tôi đây này! Tôi sẽ bắt anh phải tôn trọng tôi".
"Tôn trọng mày, mày ấy ư?"
"Phải, tôi ấy!"
"Tôn trọng mày…mày..kẻ đã làm nhục tất cả chúng tao, vì lòng tham lam của mày ư?"
"Anh bảo cái gì? Nhắc lại đi… nhắc lại xem?..."
"Tao bảo rằng người ta không nhận gia sản của một người khi người ta được coi là con của một người khác".
Jean im sững, không hiểu, hoảng hốt trước sự ám chỉ mà chàng linh cảm thấy:
"Thế nào? Anh bảo…Nhắc lại nữa đi nào?"
"Tao bảo cái điều mà tất cả thiên hạ xì xào, cái điều mà tất cả thiên hạ rêu rao, rằng mày là con của cái người đã để gia sản lại cho mày. Thế thì này, một thằng con trai trong sạch không nhận đồng tiền làm ô danh mẹ mình".
"Pierre..Pierrre…anh nghĩ gì vậy?...Anh…chính anh…anh..là người thốt lên cái điều xấu xa ấy ư?"
"Phải..tao…chính tao..vậy ra mày không hề thấy là tao buồn khổ đến chết từ một tháng nay, là ban đêm tao không ngủ, còn ban ngày thì lẩn trốn như một con thú, là tao không còn biết mình nói gì, làm gì, không còn biết mình sẽ ra sao, vì khổ sở quá, vì nhục nhã và đau đớn phát điên, bởi thoạt tiên thì tao đoán vậy và bây giờ thì tao biết".
"Pierre…anh im đi…Mẹ đang ở buồng bên canh! Hãy nghĩ rằng mẹ có thể nghe thấy chúng ta…rằng mẹ nghe thấy chúng ta.."
Nhưng chàng cần phải dốc hết nỗi lòng! Và chàng nói ra tất cả, những nghi ngờ, những lập luận, những cuộc đấu tranh, sự biết chắc, và chuyện bức chân dung một lần nữa lại biến mất.
Chàng nói từng câu ngắn, nhát gừng, hầu như chẳng liền lạc, những câu nói của kẻ mê sảng.
Giờ đây chàng như quên mất Jean và mẹ mình ở phòng bên. Chàng nói như thể chẳng có ai nghe mình, vì chàng phải nói, vì chàng đã quá đau khổ, quá nén ép và khép chặt miệng vết thương nơi chàng. Vết thương đã sưng tấy lên như một khối u, và khối u này vừa vỡ ra, làm vấy bẩn tất cả mọi người. chàng bắt đầu đi đi lại lại như chàng vẫn làm, hầu như vào mọi lúc, và mắt nhìn chằm chằm phía trước , hoa chân múa tay, trong cơn cuồng loạn vì thất vọng, với những tiếng nức nở trong cổ họng, những lúc quay lại căm ghét chính mình, chàng nói cứ như thể đang bộc bạch nỗi khốn khổ của chàng và nỗi khốn khổ của những người ruột thịt, như thể đang liệng nỗi đau của mình cho không trung vô hình và điếc đặc nơi lời nói của chàng bay đi.
Jean cuống cuồng, và đột nhiên gần như bị thuyết phục bởi khí phách mù quáng của người anh, đã đứng dựa lưng vào cánh cửa, đằng sau cánh cửa này chàng đoán là mẹ họ đã nghe thấy họ.
Bà không thể ra ngoài được, muốn ra phải đi qua phòng khách. Bà đã không quay lại phòng khách, vậy là bà đã không dám.
Bỗng Pierre dậm chân, hét:
"Này, tao là đồ con lợn vì đã nói ra những cái ấy!"
Rồi chàng bỏ chạy, đầu trần, xuống cầu thang.
Tiếng cánh cổng lớn ngoài phố sập mạnh, đánh thức Jean khỏi trạng thái thẫn thờ tê mê sâu thẳm chàng đã sa vào. Vài giây đã trôi qua, những giây dài hơn giờ, và tâm hồn chàng đã tê liệt đi trong một tình trạng trì độn của kẻ ngây ngốc. chàng cảm thấy rất rõ là lát nữa mình phải suy nghĩ, và hành động, nhưng chàng chờ đợi, thậm chí chẳng muốn hiểu, muốn biết, muốn nhớ lại nữa, vì sợ, vì nhu nhược, vì hèn nhát. Chàng thuộc nòi những kẻ hay trì hoãn, bao giờ cũng để đến ngày mai, và khi cần phải có quyết định ngay tức khắc, thì do bản năng, chàng vẫn còn tìm cách chần chừ thêm chốc lát.
Nhưng cái im lặng như tờ bao quanh chàng lúc này, sau những lời lẽ om sòm của Pierre, cái im lặng đột ngột của các bức tường, các đồ đạc, với ánh sáng chói chang của sáu ngọn nến và hai ngọn đèn, đột nhiên khiến chàng kinh hoảng đến mức chàng muốn cũng bỏ trốn.
Thế là chàng lay gọi tư duy mình, lay gọi lòng mình, và chàng cố thử suy nghĩ.
Chàng chưa bao giờ gặp một khó khăn trong cuộc đời mình. Có những người tự buông theo dòng như thể nước trôi. Chàng đã học hành cẩn thận để khỏi bị phạt, và đã học xong môn luật một cách quy củ hợp thức bởi cuộc sống của chàng bình lặng. Đối với chàng mọi sự trên đời đều có vẻ tự nhiên và chẳng khiến chàng chú ý gì. Chàng ưa trật tự, ưa sự khôn ngoan, nghỉ ngơi, do cái tạng của chàng như vậy, chẳng hề có uẩn khúc trong tâm trí, và trước tai hoạ này, chàng như người ngã xuống nước mà chưa bơi bao giờ.
Thoạt tiên, chàng định nghi ngờ. Anh của chàng đã nói láo vì căm ghét và ghen tuông chăng?
Song, làm sao anh ta có thể khốn nạn đến mức nói về mẹ một điều như thế nếu như bản thân anh ta không thác loạn vì tuyệt vọng? Và rồi Jean còn lưu giữ trong tai, trong mắt, trong thần kinh, trong tận đáy sâu da thịt chàng, một vài lời, một vài tiếng kêu khổ não, những âm điệu và những cử chỉ của Pierre quá ư đau đớn đến nỗi không thể chống lại chúng, không thể bác bỏ chúng y như không thể bác bỏ sự xác thực.
Chàng quá ê chề không làm nổi một cử động, không có nổi một ý chí. Sự khổ não trở nên không chịu nổi, và chàng cảm thấy, đàng sau cánh cửa, mẹ chàng ở đó, bà đã nghe thấy hết và đang đợi.
Bà đang làm gì? không một cử động, không một cái rùng mình, không một hơi thở, không một tiếng thở dài tiết lộ sự hiện diện của một con người đàng sau tấm ván kia. Hay là bà đã bỏ trốn? Nhưng qua lối nào? Nếu bà đã bỏ trốn..vậy là bà đã nhảy tư cửa sổ xuống đường phố!
Chàng giật nảy người lên vì khiếp sợ, cái giật mình cấp bách và áp đảo đến mức chàng phá cậu thì đúng hơn là mở cửa và lao vào phòng.
Phòng dường như không người. Chỉ một ngọn nến chiếu sáng, đặt trên chiếc tủ thấp.
Jean lao người ra phía cửa sổ, thấy cậu đóng, các cánh chớp khép chặt. Chàng ngoảnh lại, ánh mắt lo âu lục lọi các góc tối đen, và nhận thấy rèm che giường đã kéo kín. Chàng chạy lại và mở rèm. Mẹ chàng nằm trên giường chàng, mặt vùi vào gối, hai bàn tay co quắp lôi chiếc gối úp lên đầu, để đừng nghe thấy nữa.
Thoạt tiên chàng ngỡ bà bị ngạt. Rồi chàng nắm lấy hai vai bà, lật bà lại mà bà vẫn không buông chiếc gối che kín mặt, và bà đang cắn vào đó để khỏi kêu lên.
Nhưng sự tiếp xúc với thân hình căng cứng ấy, với những cánh tay co quắp ấy, truyền sang chàng cơn rung chuyển từ nỗi thống khổ không nói nên lời của bà. Khí lực và sức mạnh nơi bà khi bà dùng răng và các ngón tay giữ chặt lớp vải căng phồng lông chim, trên miệng, trên mắt, trên tai, để chàng đừng nhìn thấy bà và đừng nói với bà, khiến chàng đoán được, qua chấn động mà chàng tiếp nhận, con người ta có thể đau đớn đến mức nào. Và lòng chàng, tấm lòng chất phác của chàng, tan nát vì xót thương. Chàng chẳng phải một quan toà, chàng, ngay cả một quan toà từ bi, chàng là một con người đầy yếu đuối và một đứa con đầy yêu thương. Chàng chẳng nhớ gì và những điều người kia đã nói với mình, chàng chẳng lý luận và chẳng hề tranh cãi, chàng chỉ đưa hai bàn tay vào thân hình trơ trơ của mẹ, và không lôi được chiếc gối ra khỏii mặt bà, chàng vừa kêu lên vừa hôn tà áo bà:
"Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ tội nghiệp của con, hãy nhìn con đi!"
Cứ như thể bà chết rồi nếu chân tay bà không rùng lên thật nhẹ, hầu như không cảm thấy được một cái rung của sợi giây căng. Chàng nhắc lại:
"Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ nghe con này. Điều ấy không đúng. Con biết rõ là điều ấy không đúng!"
bà co giật người, tắc nghẹn, rồi bỗng khóc nức trong gối. Thế là toàn bộ các giây thần kinh của bà nới dãn, các cơ bắp căng cứng mềm đi, những ngón tay hé mở buông lớp vải ra, và chàng mở chiếc gối khỏi mặt bà.
Mặt bà tái nhợt, trắng bệch, và từ đôi mi không thấy những giọt nước chảy xuống . Ôm lấy cổ bà, chàng hôn lên mắt bà, thong thả, những cái hôn ảo não ướt vì nước mắt của bà, và chàng vẫn nói:
"Mẹ ơi, mẹ yêu quý của con, con biết rõ là điều ấy không đúng. Mẹ đừng khóc, con biết như vậy mà. Điều ấy không đúng".
Bà nhấc người, ngồi dậy, nhìn chàngmùi, và với một nỗ lực can đảm cần phải có, trong một số trường hợp, để tự giết mình, bà bảo chàng:
Không, đúng đấy, con ạ".
Và họ cứ ở trước mặt nhau, chẳng nói năng gì. Bà hãy còn tắc nghẹn một lát, vươn cổ, ngửa đầu ra để thở, rồi bà lại tự chế ngự, nói tiếp:
"Đúng đấy, con ạ. Dối trá mà làm gì? Đúng đấy, nếu mẹ nói dối, con sẽ chẳng tin mẹ đâu".
Bà có vẻ như một người điên. Thốt kinh hoàng, chàng quỳ phục xuống bên giường, thì thầm:
"Mẹ im đi, mẹ ơi, mẹ im đi".
Bà đã đứng dậy, với một quyết tâm và một nghị lực đáng hãi hùng:
"Nhưng mẹ chẳng còn gì để nói với con nữa, con ạ, vĩnh biệt con".
Và bà bước về phía cửa.
Chàng ôm choàng lấy bà, kêu to:
"Mẹ làm gì thế, mẹ ơi, mẹ đi đâu?"
"Mẹ không biết…nào mẹ có biết ….mẹ chẳng còn gì để làm nữa…bởi mẹ chỉ có mỗi một mình".
Bà dãy dụa để gỡ người ra. Chàng giữ lấy bà, chỉ tìm thấy mỗi một tiếng để lặp đi lặp lại với bà:
"Mẹ…mẹ…mẹ…"
Và bà nói trong lúc cố giằng ra khỏi vòng ôm xiết ấy:
"Không mà, không mà, giờ đây mẹ không còn là mẹ của con nữa, mẹ chẳng còn là gì đối với con, chẳng là gì đối với ai cả, chẳng là gì hết! Chẳng là gì hết! Con không còn bố cũng không còn mẹ, tội nghiệp con của mẹ…vĩnh biệt".
Đột nhiên chàng hiểu rằng nếu chàng để bà ra đi, chàng sẽ không bao giờ còn thấy lại bà, thế là chàng nhấc bổng bà lên, bế đến một chiếc ghế bành và ép bà ngồi, rồi quỳ xuống, vòng hai cánh tay ôm giữ.
"Mẹ ơi, mẹ sẽ không ra khỏi đây, con ấy, con yêu mẹ và con giữ lấy mẹ. Con giữ lấy mẹ mãi mãi, mẹ là của con".
Bà thì thầm giọng sầu não:
"Không, con trai tội nghiệp của mẹ, không thể như vậy được nữa. Tối nay con khóc, còn ngày mai con sẽ tống mẹ khỏi cửa. Cả con nữa, cũng sẽ không tha thứ cho mẹ".
Chàng trả lời với sự bồng bột hết sức nồng nhiệt của tình yêu hết sức chân thành "Ô, con ấy ư? Con ấy ư? Sao mẹ it hiểu con đến thế!" khiến bà thốt kêu lên một tiếng, nắm lấy tóc chàng để ôm choàng lấy đầu chàng, kéo chàng lại thật mạnh và hôn tới tấp lên mặt chàng.
Rồi bà im lìm bất động, má kề sát má của con trai, cảm nhận thấy, qua lớp râu, hơi ấm từ thịt da chàng, và bà nói vào tai chàng, rất khẽ:
"Không đâu, Jean bé bỏng của mẹ. ngày mai con sẽ không tha thứ cho mẹ đâu. Con tưởng như thế và và con nhầm đấy. Tối nay con đã tha thứ cho mẹ và sự tha thứ ấy đã cứu sống mẹ, nhưng con không nên nhìn thấy mẹ nữa".
Chàng vừa lập lai vừa ôm xiết mẹ:
"Mẹ ơi, mẹ đừng nói thế".
"Có chứ, con của mẹ, mẹ cần phải ra đi, dù rằng mẹ không biết đi đâu, sẽ đi như thế nào, sẽ nói gì, nhưng cần phải đi. Mẹ sẽ chẳng dám nhìn con nữa, không dám hôn con nữa, con có hiểu không?"
Thế là, đến lượt chàng nói , thật khẽ, vào tai mẹ:
"Mẹ bé bỏng của con, mẹ sẽ ở lại, vì con muốn, bởi vì con cần mẹ. Và mẹ sẽ thề là nghe theo con, ngay lập tức".
"Không con ạ".
"Ô, mẹ ơi, cần phải thế, mẹ nghe không. Cần phải thế".
"Không con ạ, không thể được. như thế sẽ là đầy đoạ tất cả chúng ta xuống địa ngục. Mẹ, mẹ biết khổ hình ấy nó như thế nào, từ một tháng nay. Con đã mềm lòng, nhưng rồi đây khi điều đó qua đi, khi con sẽ nhìn mẹ như Pierre nhìn, khi con nhớ lại điều nó đã nói với con!...Ôi! Jean bé bỏng của mẹ, hãy nghĩ…hãy nghĩ rằng mẹ là mẹ của con!..."
"Con không muốn mẹ rời bỏ con, mẹ ạ, con chỉ có mẹ mà thôi".
"Nhưng con trai của mẹ, con hãy nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể nhìn thấy nhau mà không mang hổ thẹn cả hai, mà mẹ không cảm thấy nhục nhã đến chết đi được, mà mắt con nhìn không làm mẹ phải cúi mặt".
"Không phải thế đâu mẹ ạ".
"Phải, phải, phải, đúng thế đấy! Ôi! Mẹ đã hiểu tất cả sự đâu tranh ở thằng anh tội nghiệp của con, tất cả, ngay từ ngày đầu tiên. Giờ đây, mỗi khi mẹ nhận ra bước chân anh con trong nhà, tim mẹ nảy đến vỡ lồng ngực, mỗi khi mẹ nghe tiếng anh con mẹ cảm thấy mình sắp ngất đi. Lúc đó mẹ hãy còn có con, con ạ! Giờ đây, mẹ không còn cón nữa, Jean bé bỏng của mẹ, con nghĩ rằng mẹ có thể đứng giữa hai đứa các con hay sao?"
"Vâng, mẹ ạ. Con sẽ yêu mẹ nhiều đến nỗi mẹ không còn nghĩ đến điều đó nữa".
"Ôi! Ôi! Cứ làm như chuyện có thể được ấy!"
"Vâng, có thể được".
"Làm sao con muốn mẹ không nghĩ đến điều đó nữa giữa anh con và con? Thế các con có không nghĩ đến điều đó nữa không, các con ấy?"
"Con, thì con xin thề với mẹ như vậy".
"Nhưng con sẽ nghĩ đến điều đó vào một giây phút trong ngày…"
"Không, con xin thề với mẹ. Vả lại, mẹ nghe này, nếu mẹ ra đi, là con sẽ nhập ngũ và làm cho mình bị giết chết".
Bà bàng hoàng vì lời đe doạ trẻ con ấy và vội ôm xiết lấy Jean vừa vuốt ve chàng với niềm yêu thương đắm đuối. Chàng lại nói:
"Con yêu mẹ nhiều hơn mẹ nghĩ, này, hơn rất nhiều, rất nhiều. Nào, mẹ hãy biết điều đi. Mẹ thử ở lại chỉ tám ngày thôi. Mẹ có muốn hứa co con tám ngày không? Mẹ không thể tữ chối con điều này chứ?"
Bà đặt hai bàn tay lên vai Jean, và giang cánh tay giữ lấy chàng:
"Con của mẹ…chúng ta hãy cố bình tĩnh lại đừng mủi lòng. Hãy để mẹ nói với con trước đã. Nếu chỉ một lần mẹ nghe thấy trên môi những gì mẹ đã nghe một tháng nay từ miệng anh con, nếu chỉ một lần mẹ phải nhìn thấy trong mắt những gì mẹ đọc được trong mắt anh con, nếu mẹ phải đoán ra chỉ qua một tiếng hay một ánh mắt rằng đối với con, mẹ cũng khả ố như với anh con..thì một giờ sau, con nghe không, một giờ sau…mẹ sẽ ra đi mãi mãi".
"Mẹ ơi, con xin thề với mẹ như thế…"
"Hãy để mẹ nói…Từ một tháng nay mẹ đã đau tất cả những gì một sinh linh có thể đau. Kể từ khi mẹ hiểu rằng anh con, rằng đứa con trai kia của mẹ nghi ngờ mẹ, rằng từng phút từng phút một, nó đoán ra sự thật, thì hết thảy mọi khoảnh khắc của đời mẹ đều là một khổ hình không sao diễn tả nổi với con".
Bà có giọng nói đau đớn đến mức nỗi thống khổ của bà lây lan, làm cho mắt Jean đầy lệ.
Chàng muốn hôn mẹ nhưng bà đẩy chàng ra:
"Để yên…nghe này…mẹ còn bao điều muốn nói để con hiểu..nhưng con sẽ không hiểu…thế nên…nếu mẹ phải ở lại..thì cần…Không, mẹ không thể…"
"Mẹ nói đi, mẹ, mẹ nói đi".
"Thế thì, được. Ít ra mẹ sẽ không lừa dối con…Con muốn mẹ ở lại với con phải không? Muốn thế, muốn để chúng ta còn có thể nhìn thấy nhau, nói với nhau, gặp nhau suốt ngày trong nhà, vì mẹ không còn dám mở một cánh cửa, sợ nhìn thấy anh con đứng trước cánh cửa ấy, muốn thế con cần, không phải là tha thứ cho mẹ, không gì làm người ta đau hơn một sự tha thứ, mà đững giận mẹ về điều mẹ đã làm. Con cần phải cảm thấy mình đủ mạnh mẽ, đủ khác biệt tất cả mọi người để tự nhủ rằng mình không phải là con của Roland, mà không xấu hổ vì điều ấy và không khinh mẹ!...mẹ đã đau đớn đủ rồi …mẹ đã đau khổ quá sức rồi , mẹ không chịu được nữa, không, mẹ không chịu được nữa! Và chẳng phải mới từ hôm nay đâu, mà từ lâu lắm…Nhưng con, thì con sẽ không bao giờ hiểu được điều này! Để chúng ta còn có thể chung sống, còn có thể ôm hôn nhau, Jean bé bỏng của mẹ, con hãy nhủ mình rằng nếu như mẹ từng là người tình của cha con, thì mẹ còn là vợ của ông nhiều hơn, là người vợ thực sự của ông, rằng tận đáy lòng, mẹ không hổ thẹn vì điều ấy, rằng mẹ không tiếc hận gì, rằng mẹ vẫn còn yêu ông dù ông đã chết, rằng mẹ sẽ mãi mãi yêu ông, rằng mẹ đã chỉ yêu có ông, rằng ông là tất cả cuộc sống của mẹ, là tất cả niềm vui của mẹ, tất cả hy vọng, tất cả sự an ủi, tất cả, tất cả, tất cả đối với mẹ, trong thời gian rất lâu. Hãy nghe đây, con bé bỏng, trước Chúa, Người đang nghe thấy mẹ, mẹ sẽ chẳng bao giờ có được cái gì tươi đẹp trong đời, nếu như mẹ không gặp được cha con, chẳng bao giờ có cái gì hết, không một niềm âu yếm, không một điều êm dịu, không một giờ khắc khiến ta tiếc nuối biết mấy là mình đã già đi, không gì hết! Mẹ nhờ ở ông tất cả! Mẹ đã chỉ có ông trên đời, tất cả các con, hai anh em con. Giả sử không có ông và các con thì sẽ trống rỗng, đen ngòm và trống rỗng như đêm tối. Giả sử như vậy thì mẹ sẽ không bao giờ yêu cái gì hết, không biết gì hết, không khát khao gì hết, ngay cả khóc thôi cũng không, vì mẹ đã khóc, Jean bé bỏng của mẹ ạ. Ôi, đúng thế, mẹ đã khóc, từ khi ông ta đến nơi này. Mẹ đã trao cho ông tất cả, cơ thể và tâm hồn, mãi mãi, đầy hạnh phúc, và hơn mười năm trời mẹ đã là vợ của ông cũng như ông đã là chồng của mẹ trước Chúa, Người đã tạo ra ông cho mẹ và mẹ cho ông . Thế rồi, mẹ đã hiểu là ông bớt yêu mẹ. Ông vẫn luôn nhân hậu và ân cần, nhưng với ông, mẹ không còn nh mẹ đã từng là trước đó. Hết rồi! Ôi! Mẹ đã khóc biết bao nhiêu! Cuộc đời sao khốn khổ và dối lừa đến thế!...chẳng có cái gì là bền vững…Rồi chúng ta đã đến đây, và mẹ không bao giờ gặp lại ông nữa, ông chẳng bao giờ tới..Thư nào ông cũng hứa!.. Mẹ vẫn mãi đợi ông… Và mẹ đã không gặp lại ông nữa!.. Và thế là ông đã chết..Nhưng ông vẫn còn yêu chúng ta bởi ông đã nghĩ đến con. Mẹ thì mẹ sẽ yêu ông cho đến hơi thở cuối cùng, và mẹ không bao giờ chối bỏ ông, và mlẹ yêu con vì con là con của ông, và mẹ không thể hổ thẹn vì ông trước mặt con! Con có hiểu không? Mẹ không thể! Nếu con muốn mẹ ở lại, con cần phải chấp nhận là con của ông, thỉnh thoảng chúng ta nói về ông , và con hãy yêu mến ông đôi chút, và chúng ta nghĩ đến ông khi chúng ta nhìn nhau. Nếu con không muốn, nếu con không thể, thì vĩnh biệt, con và mẹ, giờ đây chúng ta không thể ở cùng nhau! Con quyết định thế nào thì mẹ sẽ làm như thế".
Jean đáp bằng giọng dịu dàng:
"Mẹ hãy ở lại, mẹ ạ".
Bà ôm xiết chàng trong vòng tay và lại khóc, bà áp má mình vào má con trai, bà nói tiếp:
"Ừ, nhưng còn Pierre? Chúng ta sẽ ra sao với Pierre đây?"
Jean nói khẽ:
"Chúng ta sẽ tìm ra cái gì đó. Mẹ không thể sống gần anh ấy được nữa".
nhớ đến đứa con lớn, bà rúm người lại vì lo sợ:
"Không, mẹ không chịu được nữa, không! Không!"
Và lao vào lòng Jean, bà kêu to, tâm hồn đầy khổ não:
" Hãy cứu mẹ thoát khỏi anh con, hãy cứu mẹ, con bé bỏng của mẹ, hãy làm cái gì đó, mẹ không biết…hãy tìm ra…hãy cứu mẹ!"
"Vâng mẹ ạ, con sẽ tìm cách".
"Ngay lập tức…cần phải…Ngay lập tức…Đừng rời xa mẹ…Mẹ sợ anh con quá thể…Sợ quá thể!"
"vâng, con sẽ tìm ra, con hứa với mẹ đấy".
"Ôi! Nhưng nhanh lên! Nhanh lên! Con không hiểu điều gì diễn ra trong mẹ khi mẹ nhìn thấy Pierre đâu!"
Rồi bà thì thầm thật khẽ, vào tai chàng:
"Hãy giữ mẹ ở đây, ở nhà con".
Chàng do dự, ngẫm nghĩ và với lương tri đích thực, hiểu mối nguy hiểm của điều trù tính ấy.
Nhưng chàng phải nói lý lẽ rất lâu, phải bàn cãi dùng những lập luận chính xác để chống lại sự hoảng hốt và nỗi kinh hoàng nơi bà. Bà bảo:
"Chỉ tối nay thôi, chỉ đêm nay thôi mà. Ngày mai con cho báo với Roland là mẹ bị
ốm".
"Không thể thế được, vì Pierre đã về nhà. Nào, mẹ hãy can đảm lên. Con sẽ thu xếp mọi chuyện, con xin hưa với mẹ, ngay từ ngày mai. Chín giờ con sẽ có mặt ở nhà. Nào, mẹ đội mũ vào. Con sẽ đưa mẹ về".
"Con muốn sao mẹ sẽ làm như vậy", bà nói với một vẻ phó thác trẻ thơ, sợ sệt và hàm ơn.
Bà định đứng dậy, nhưng sự chấn động vừa rồi quá mạnh, bà còn chưa đứng vững được.
Thế là chàng cho bà uống nước đường, ngửi muối và lau thái dương bằng dấm. Bà để mặc cho chàng làm, người rã rời và nẹh đi như sau cơn sinh nở.
Cuối cùng bà bước đi được và khoác lấy tay chàng. Đồng hồ điểm ba giờ khi họ đi qua toà thị chính.
Đến trước cửa nhà, chàng hôn bà và bảo "Chào mẹ, can đảm lên mẹ nhé".
Bà rón rén bước lên cầu thang tĩnh mịch, vào phòng, cởi áo sống thật nhanh, rồi với nỗi hồi hộp lấy lại từ những cuộc ngoại tình xưa kia, luồn vào bên cạnh Roland đang ngáy.
Trong nhà, một mình Pierre không ngủ và đã nghe thấy bà trở về.