Ra khỏi nhà, Pierre hướng về phố Paris, đường phố chính của Le Havre, sáng ánh đèn, náo nhiệt, ồn ào. Gió ven biển hơi lành lạnh, nhẹ thoảng trên mặt, chàng bước chậm rãi, can cắp nách, tay chắp sau lưng.
Chàng cảm thấy khó chịu, nặng nề, bất mãn, như khi nhận được tin chẳng lành. Chàng không phiền muộn vì một ý nghĩ rõ rệt nào và thoạt tiên không biết được do đâu mà tâm hồn trĩu xuống, thân xác tê đi. Chàng đau ở đâu đó không rõ, chàng mang trong mình một nốt châm nhỏ nhức nhối, một trong những vết bầm hầu như chẳng cảm nhận thấy, không biết ở chỗ nào, nhưng lại gây bứt rứt, mệt mỏi, buồn rầu, tức tối, một nỗi đau lạ chưa từng biết và nhè nhẹ, cái gì đó giống như một thoáng u sầu.
Tới quảng trường Nhà hát, chàng bị thu hút bởi ánh đèn màu của quán cà phê Tortoni, và từ từ tiến về phía mặt tiền sáng trưng, nhưng khi sắp bước vào, chàng chợt nghĩ sẽ gặp ở đó bạn bè, người quen, những kẻ mình sẽ phải trò chuyện, và đột nhiên thấy tởm cái mối giao tình tầm thường bên những tách cà phê nhỏ, những ly con rượu mùi. Thế là chàng quay trở lại, đi theo đường chính dẫn ra cảng.
Chàng vừa tự hỏi "Mình đi đâu nhỉ?" vừa tìm một nơi mà chàng thích, mà tâm trạng của chàng sẽ được dễ chịu. Chàng tìm không ra, vì đơn độc nên chàng tức tối, song lại chẳng muốn gặp ai hết.
Đến gần bến lớn, chàng do dự một lần nữa, rồi hướng về phía đập, chàng đã chọn nỗi cô đơn.
Chạm phải một chiếc ghế dài trên đê chắn sóng, chàng ngồi xuống, đã thấy chán không muốn bước di và đã ngán ngẩm việc dạo chơi, ngay cả lúc chưa tiến hành.
Chàng tự hỏi "Tối nay mình làm sao thế này?" Và chàng liền tìm tòi trong ký ức xem mình đã gặp phải điều gì trái ý, giống như người ta hỏi han một người đau ốm để thấy được căn nguyên cơn sốt.
Tâm tính chàng vừa dễ bị kích thích vừa hay suy tư, chàng bốc lên, rồi biện luận, tán thành hoặc khiển trách sự bồng bột của mình, nhưng rốt cuộc ở chàng bản tính nguyên sơ vẫn mạnh hơn, và con người cảm tính luôn chi phối conn người trí tuệ.
Vậy là chàng tìm tòi xem đâu mà mình có chuyện bực mình ấy, cái nhu cầu chuyển động mà chẳng thiết gì ấy, niềm mong muốn gặp gỡ một ai đó để bất dồng ý kiến, và cả nỗi chán ngán những người mình có thể gặp cùng những điều họ có thể nói với mình.
Và chàng tự đặt cho mình câu hỏi này "Liệu có phải vì tài sản Jean được kế thừa?"
Phải, dù sao cũng rất có thể. Khi viên công chứng thông báo tin này, chàng đã cảm thấy tim mình đập mạnh hơn. Dĩ nhiên, không phải bao giờ ta cũng làm chủ được bản thân, và ta chịu những xúc động bột phát và dai dẳng mà ta hoài công chống lại.
Chàng bắt đầu ngẫm nghĩ sâu xa về vấn đề có tính sinh lý của ấn tượng do một sự kiện gây ra cho mot người bản năng, tạo nên ở người ấy một luồng ý tưởng và cảm giác đau đớn hoặc vui tươi, ngược lại những ý tưởng và cảm giác mà con người tư duy mong muốn, vời gọi, cho là tốt đẹp và lành mạnh, con người này nhờ vun trồng trí tuệ đã thành ưu việt hơn bản thân mình.
Chàng gắng hình dung tâm trạng của người con được thừa kế một tài sản lớn, nhờ đó mà sắp được hưởng rất nhiều niềm vui khao khát từ lâu và bị cấm ngặt do sự hà tiện của một người cha tuy thế vẫn được yêu mến và tiếc thương.
Chàng đứng dậy, và lại bước di về phía cuối con đập. Chàng cảm thấy dễ chịu hơn, hài lòng vì đã hiểu, đã tự tóm được chính mình, đã làm lộ ra con người khác ở bên trong chúng ta.
"Vậy là mình đã ghen với Jean, chàng nghĩ. Điều đó quả là khá thấp kém! Giờ đây mình chắc chắn như thế, vì ý nghĩ đầu tiên đến với mình là nghĩ về cuộc hôn nhân của Jean với bà Rosémilly. Ấy nhưng mình đâu có yêu cái ả ngốc nghếch bé nhỏ biết điều, khiến cho người ta phát ngán lương tri và sự khôn ngoan. Vậy đó là sự ghen ghét vô cớ, chính bản chất của ghen ghét, cái ghen ghét vì nó là ghen ghét. Phải chữa trị cái đó".
Chàng đến trước cột tín hiệu chỉ mực nước của cảng, và chàng đánh một que diêm để đọc danh sách các tàu sẽ ra khơi hoặc cập bến vào đợt thuỷ triều sắp tới. Người ta đợi những tàu máy từ Brazil, La Plata, Chi lê, Nhật, hai tàu nhẹ Đan Mạch, một tàu có hai buồm của Na Uy và một tàu khí Thổ Nhĩ Kỳ, điều này khiến Pierre ngạc nhiên khác nào đọc báo thấy "một tàu khí Thuỵ Sĩ", và chàng nhìn thấy trong một kiểu chiêm bao kỳ quặc một con tàu lớn đầy những người đàn ông đầu quấn khăn, đang trèo lên các cột buồm với những ống quần rộng phất phới.
"Thật ngốc, chàng nghĩ, dân Thổ Nhĩ Kỳ là dân thạo đi biển kia mà".
Đi thêm vài bước nữa, chàng dừng chân để ngắm cửa biển, bên phải chàng, phía bên Saint-Adresse, hai ngọn đèn pha điện của mũi La Hève, giống như hai vị thần độc nhỡn quái dị và song sinh, phóng ra biển ánh nhìn xa và mạnh mẽ. Xuất phát từ hai tiêu điểm gần nau, hai luồng sáng song song tựa như những c I đuôi khổng lồ của hai ngôi sao chổi, chiếu xuống theo một đường dốc thẳng và dài vô chừng, từ đỉnh cao bờ biển đến tận cuối chân trời. Rồi trên hai con đập, hai ánh đèn khác, con của những thần khổng lồ nọ, chỉ lối vào Le Havre, ở đàng kia, bên kia sông Seine, ta thấy những ánh sáng khác nữa, rất nhiều ánh đèn, cố định hay nhấp nháy, chói ngời và khi ẩn khi hiện, mở ra khép vào như những con mắt, mắt của bến cảng, vàng, đỏ, lục, dò xét mặt biển tối tăm chi chít tàu thuyền, những con mắt sống động của mặt đất hiếu khách, chỉ qua động tác máy móc đều đặn không thay đổi của mi mắt mà bảo rằng "Tôi đây. Tôi là Trouville, tôi là Honfleur, tôi là dòng sông Pont-Audemer". Và vượt lên hết thảy, cao vút đến nỗi, ở tầm xa ngất, người ta ngỡ nó là một tinh cầu, ngọn đèn pha trên không của Etouville chỉ ra con đường Rouen, qua các giải cát nơi cửa dòng sông lớn.
Rồi trên làn nước sâu, trên làn nước không bờ bến, u tối hơn bầu trời, người ta ngỡ như nhìn thấy, đó đây, những vì sao. Chúng nhấp nháy trong sương đêm, bé nhỏ, gần hay xa, trắng, xanh lục, hoặc có cả màu đỏ. Hầu hết đều bất động, tuy nhiên, một vài ngôi sao đang chạy, đó là ánh đèn của những con tàu buông neo chờ đợt triều tới, hoặc những con tàu đi tìm chỗ đậu.
Đúng lúc ấy trăng lên sau thành phố, và trăng giống như ngọn đèn pha đồ sộ và thần thánh thắp lên trong không trung để dẫn lối cho hải đoàn vô tận những vì sao thật sự.
Pierre lẩm bẩm, gần như lớn tiếng:
"Trông kìa, thế mà chúng ta buồn lo vì mấy đồng xu!"
Đột nhiên, gần sát bên chàng, trong đường hào rộng và tối đen mở ra giữa các con đập, một cái bóng, một cái bóng lón kỳ ảo, lướt trôi. Cúi mình qua lan can bằng đá, chàng thấy một thuyền đánh cá đang về, không một tiếng nói, không một tiếng sóng, không một tiếng chèo, được đẩy đi êm ru nhờ lá buồm cao màu nâu căng gió biển khơi.
Chàng ngẫm nghĩ "Nếu như có thể sống trên đó, người ta sẽ bình thản biết bao, có lẽ!" Rồi đi thêm vài bước nữa, chàng thấy một người đang đứng ở đầu con đê chắn sóng.
Một tay mơ mộng, một khách si tình, một hiền nhân, một kẻ sung sướng, hay một người buồn bã , ai đấy nhỉ? Chàng lại gần, tò mò, để xem mặt kẻ cô độc nọ, và chàng nhận ra em mình.
"Kìa, chú đấy ư? Jean?"
"Kìa, Pierre! Anh đến làm gì?"
"Thì anh hóng gió. Còn chú?"
Jean bật cười:
"Em cũng hóng gió".
Thế là Pierre ngồi xuống cạnh em trai.
"Đẹp quá, phải không?"
"Phải đấy".
Nghe giọng nói, chàng hiểu là Jean đã chẳng nhìn gì hết. chàng nói tiếp:
"Anh ấy, khi anh đến chỗ này, anh thấy điên cuồng khao khát lên đường, khao khát ra đi với tất cả những con tàu kia, lên mạn Bắc hay xuống phía Nam. Em hãy nghĩ rằng những ánh đèn nhỏ nhỏ đàng kia, đến từ khắp mọi miền trên thế giới, những xứ sở có những bông hoa lớn và những cô gái đẹp da xanh xao hay màu đồng, những xứ sở có chim ruồi, voi, sư tử tự do rong ruổi, những ông vua mọi, tất cả những xứ sở chúng là truyện thần tiên của chúng ta, những người chẳng còn tin vào Chú Mèo Trắng, vào Người Đẹp ngủ trong rừng. Được ngao du một chuyến ở những nơi ấy thì tuyệt, nhưng thế thì phải có tiền, rất nhiêu tiền…"
chàng ngừng lời đột ngột, nghĩ rằng giờ đây em chàng có đồng tiền ấy, và được giải thoát khỏi mọi ưu tư, giải thoát khỏi công việc hàng ngày, tự do, không bị cản trở, sung sướng, vui tươi, em chàng có thể đi đến nơi nào mà mình thích, đến với những cô gái Thuỵ điển tóc vàng hay các cô gái Havana tóc nâu.
Rồi một trong những ý nghĩ vô tình chàng hay có, những ý nghĩ rất đột ngột, rất nhanh, đến mức chàng không thể tiên đoán, không thể ngăn lại, không thể thay đổi, dường như đến từ một tâm hồn thứ hai, độc lập và dữ dội, xuyên qua chàng "Dào! Nó quá ngây ngốc, nó sẽ lấy cô ả Rosémilly".
Chàng đã đứng lên.
"Anh để cho em mơ đến tương lai, còn anh thì anh cần đi dạo".
Chàng bắt tay em trai, rồi nói tiếp với giọng rất điềm tĩnh:
" Này Jean, thế là em giàu rồi nhé. Anh rất hài lòng được gặp riêng mình em tối nay, để bảo em rằng điều ấy khiến anh vui biết mấy, rằng anh mừng cho em biết mấy và yêu em biết mấy".
Jean, bản tính vốn hiền hoà và dễ cảm, rất xúc động, ấp úng:
"Cám ơn…cám ơn..Anh Pierre tốt bụng, cám ơn anh."
Và Pierre quay về, bước chậm rãi, can cắp vào nách, tay chắp sau lưng.
Khi đã vào thành phố, chàng lại tự hỏi mình đã làm gì, bất mãn vì cuộc dạo chơi bị rút ngắn, không được ngắm biển do sự có mặt của em trai.
Chàng bỗng nảy ra một ý "Mình sẽ đến nhà Marowsko uống cốc rượu mùi", và chàng lại ngược lên khu phố Ingouville.
Chàng đã quen lão Marowsko tại các bệnh viện ở Paris. Đó là một ông già người Ba lan, nghe đồn lsà tù lưu vong chính trị, đã có những chuyện khủng khiếp ở bên ấy và đã sang Pháp hành nghề dược sĩ sau khi thi lại. Mọi người chẳng biết gì về cuộc đời trước của lão, bởi vậy những chuyện hoang đường lưu truyền trong đám bác sĩ nội trú, ngoại trú, và sau này trong láng giềng. Tiếng tăm kẻ âm mưu đáng sợ, dân hư vô chủ nghĩa, người giết vua, nhà ái quốc, không từ việc gì, thoát chêt do một sự thần kỳ, đã hấp dẫn trí tưởng tượng phiêu lưu và hăng hái của Pierre Roland. Và chàng đã kết bạn với ông già Ba lan, song chưa bao giờ được lão thổ lộ điều gì về quá khứ của lão. Cũng lại nhờ chàng thầy thuốc mà ông lão đã lập nghiệp ở Le Havre, hy vọng sẽ có đông khách hàng do vị tân bác sĩ cung cấp.
Trong khi chờ đợi, lão sống nghèo khổ trong hiệu bào chế xoàng xĩnh, bán thuốc men cho các tiểu thị dân và thợ thuyền trong khu phố.
Pierre hay đến thăm lão sau bữa tối và chuyện trò với lão một tiếng đồng hồ, vì chàng ưa gương mặt trầm tĩnh và sự ít lời của Marowsko, chàng cho rằng quãng im lặng dài của lão là sâu sắc.
Chỉ có một ngọn đèn khí cháy sáng bên trên quầy hàng đầy chai lọ. Các ngọn đèn ở mặt tiền không thắp, để tiết kiệm. sau quầy hàng, ngồi trên một ghế dựa, hai chân duỗi dài chồng lên nhau, một ông già đầu hói, chiếc mũi to khoằm như mỏ chim nối tiếp vầng trán trơ trụi khiến lão có cái vẻ buồn bã của chim vẹt, đang ngủ rất say, cằm gục xuống ngực.
Nghe tiếng chuông, ông lão tỉnh giấc, đứng dậy, nhận ra chàng bác sĩ, liền tiến đến đón chàng, hai bàn tay giơ ra.
Chiếc áo đuôi tôm màu đen, vằn vện những vệt a xít và xi rô, quá rộng đối với thân hình gày gò bé nhỏ, có dáng một tấm pháp y cổ kính, và ông ta nói với âm sắc Ba lan rất nặng, khiến cái giọng mảnh có gì đó rất trẻ thơ, một sự ngọng nghịu và những ssắc thái của đứa bé mới biết phát âm.
Pierre ngồi xuống và Marowsko hỏi:
"Có gì mới không, bác sĩ thân mến?"
"Chẳng có gì hết, đâu đâu cũng thế cả".
"Tối nay trông ông không vui".
"Tôi thường không vui".
"Nào, nào, phải gạt tất cả những cái ấy đi. Ông dùng cốc rượu mùi nhé?"
"Xin vâng".
"Thế thì tôi sẽ mời ông nếm một loại rượu mới pha chế. Đã hai tháng nay tôi nghĩ cách sử dụng trái phúc bồn tử, cho đến giờ người ta chỉ dùng nó để làm xi rô..thế là, tôi đã tìm ra…tôi đã tìm ra…một loại rượu mùi rất ngon, rất ngon, rất ngon".
Và phấn khởi, lão đi tới bên một chiếc tủ, mở ra và chọn một cái bình đem lại. Lão chuyển dịch và hành động với những cử chỉ ngắn, không bao giờ hoàn tất, không bao giờ lão duỗi hết cánh tay, giang rộng hai chân, không bao giờ lão làm một động tác nào đến cùng và trọn vẹn. Ý tưởng của lão dường như cũng giống hành vi, lão chỉ ra ý tưởng, báo trước chúng, phách chúng, khơi gợi chúng, nhưng không phát biểu ra.
Vả chăng dường như mối bận tâm lớn nhất trong đời của lão là pha chế xi rô và rượu mùi. "Với một thứ xi rô ngon hay một loại rượu mùi ngon, người ta làm giàu được" lão hay nói như vậy.
Lão đã sáng chế hàng trăm thứ nước ngọt mà chẳng tung ra bán được lấy một thứ. Pierre khẳng định rằng Marowsko khiến chàng ngĩ đến Marat.
Hai chiếc ly nhỏ được lấy ra từ gian sau cửa hàng, đặt lên tấm ván là nơi để pha chế, rồi hai người nâng cốc lên gần ngọn đèn để ngắm màu rượu.
"Sắc hồng ngọc đẹp!" Pierre tuyên bố.
"Phải thế không nào?"
Bộ mặt chim vẹt của ông già Ba lan có vẻ phấn khởi.
Bác sĩ nếm rượu, thưởng thức, ngẫm nghĩ, lại nếm, lại ngẫm nghĩ nữa rồi phán quyết:
"Ngon lắm, ngon lắm, và hương vị rất mới lạ. Một tìm tòi khá quý đấy, ông bạn thân mến ạ!"
"A! Tôi rất hài lòng, thật vậy".
Thế là Marowsko hỏi ý kiến để đặt tên cho thứ rượu mới. Lão muốn gọi nó là "tinh chất phúc bồn tử" hoặc "phúc bồn tinh tuý" hoặc "phúc bồn cam lộ" hoặc "phúc bồn mỹ tửu".
Pierre không tán thành một tên nào hết.
Ông lão bỗng nảy ra một ý kiến:
"Điều ông vừa nói ban nãy rất hay, sắc hồng ngọc đẹp".
Chàng bác sĩ lại bác bỏ giá trị của cái tên ấy, tuy chàng tìm ra nó, và khuyên dùng cách gọi đơn giản "rượu phúc bồn" mà Marowsko tuyên bố là rất tuyệt. Rồi họ im lặng và ngồi một lát dưới ngọn đèn khí duy nhất , chẳng nói một lời. Cuối cùng, Pierre, hầu như ngoài ý muốn:
"Ồ, tối nay gia đình tôi gặp một chuyện khá kỳ quặc. một người bạn của bố tôi chết đi, để lại gia tài lại cho em tôi".
Ông dược sĩ hình như không hiểu ngay, nhưng, sau khi nghĩ ngợi, lão hy vọng chàng bác sĩ được hưởng một nửa. Khi sự việc đã được nói thật rõ, lão có vẻ ngạc nhiên và tức giận, và để bày tỏ mối bất mãn thấy anh bạn trẻ của mình bị hy sinh, lão nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
"Chuyện đó sẽ không gây ấn tượng tốt".
Pierre, lại thấy bực bội, muốn biết Marowsko ngụ ý gì qua câu nói ấy – tại sao chuyện ấy lại không gây ấn tượng tốt? Việc em chàng thừa hưởng gia tài của một người bạn gia đình có thể dẫn tới ấn tượng xấu nào?
Nhưng ông lão, thận trọng, chẳng nói rõ hơn.
"Trong trường hợp ấy người ta để lại cho hai anh em ngang nhau, tôi bảo ông rằng chuyện ấy không gây ấn tượng tốt đâu".
Và bác sĩ, bực bội, ra về, trở lại nhà và đi ngủ. Chàng nghe Jean đi lại khẽ khàng ở phòng bên một lát, rồi chàng thiếp ngủ sau khi uống hai ly nước.