Hai người xem hội ở hồ Tây về thì đã tối mịt. Cơm nước xong, cởi bỏ áo ngoài, Quang gọi đầy tớ bảo đem một cái ghế tiêu cơm và một cái ghế mây ra bao lan. Minh đứng cạnh bàn, trông vào gương nói:
- À, thì ra tôi gầy, anh ạ, mà tôi vẫn không biết là tôi gầy.
Minh nói xong toan cởi áo ra nhưng Quang ngăn lại, kêu:
-Khoan, tôi ngắm đã! Quần áo tôi mà anh mặc vừa vặn quá đi mất! Dễ thường anh mặc lại đẹp hơn cả tôi.
Quang xoa hai vai, vuốt đường ve ngắm nghía lại nói:
- Ừ. Vừa vặn sát óng quá đi mất! Thôi anh cứ việc giữ mà dùng...
Minh cảm động đưa tay ra bắt tay bạn mà rằng:
- Cám ơn! Chứ mà chờ đến lúc tôi may được một bộ thì chắc lâu lắm.
Quang nhấc bộ quần áo vải mà mình mặc từ Côn Đảo về mà rằng:
- Thế thì vứt mẹ nó cái bộ này đi chứ còn để làm gì nữa!
Nhưng Minh vội ngăn:
- Ấy đừng! Để giữ làm kỷ niệm chứ! Có bộ y phục ấy nghĩa là phải trả đắt!
Rồi chỉ vào bọc vải, chàng nói tiếp:
- Trong gói ấy có vô số kỷ vật. Để rồi tôi cho anh một cái lọ bằng san hô do tay tôi chạm trổ lấy, anh xem.
Quang vừa chải đầu vừa hỏi bạn:
- Àquên, lúc nãy anh vừa nói gì? Anh gầy mà không biết...?
- Chính thế. Bảy năm nay đứng soi gương như thế này là lần đầu... mới biết rằng mình có đôi má hóp. Còn ở ngoài ấy thì chỉ soi gương vào giếng hay vào một vũng nước, cúi mặt xuống mà soi, má nó sị ra, thành thử cứ tưởng là béo!
- Cứ kể trông anh thế mà có vẻ khỏe mạnh hơn trước đây. Tuy đen nhưng còn hơn trắng như trước, yếu đuối như đàn bà. Bây giờ trông có vẻ lao động lắm. Thôi ta ra bao lan cho mát đi.
Hai người cùng ra. Quang ngồi ghế mây, nhường cái ghế chao cho Minh. Ngồi nói chuyện vặt một lúc, Minh để ý đến cái bao lan bên cạnh. Trên bao lan có một người đàn ông đứng tuổi, cởi trần trùng trục, ngồi trên một cái ghế mây, hai ống quần sắn lên tận bẹn, cổ để ngửa trên thành ghế, tựa hồ đương mải ngẫm nghĩ các vì tinh tú trên không gian. Người ấy cứ ngồi nguyên như thế hàng giờ, nếu không có cái tay thỉnh thoảng phe phẩy cái quạt dưới chân thì Minh phải cho là ngồi ngủ. Trong nhà thì dưới một bóng điện màu xanh, một ông cụ già đầu hói ngồi xếp bằng tròn trên sập như một nhà sư ngồi nhập định. Một thiếu nữ ngồi ghế ở gần sập cầm quạt phẩy vào lưng ông cụ. Thỉnh thoảng, lâu lắm, ông cụ giơ tay ra hiệu cho thiếu nữ lại bỏ quạt lặng lẽ vê thuốc, đánh diêm, và đưa ra cái ống điếu thuốc lào... Khi ông cụ kéo xong mồi thuốc lào, thiếu nữ đem ra cái ống nhổ rồi lại ngoan ngoãn phe phẩy cái quạt. Sau khi nhổ đờm vào ống phóng, ông cụ lại ngồi yên. Thấy cái không khí nhà ấy có một vẻ đáng lạ, Minh hỏi thì Quang cắt nghĩa:
- Thằng cha cởi trần là một anh huyện vừa bị gọi về phủ Thống sứ, nghe đâu như là bị vỡ đê...
- Ồ! Nếu vậy thì là quan phụ mẫu huyện tôi rồi.
-Phải đấy, ông cụ già ngồi trong kia là ông bố nghe đâu như một ông Tổng đốc hưu trí. Con bé đương ngồi quạt kia là con gái anh huyện. Họ mới đến thuê chưa được một tuần lễ. Tôi lấy mỗi tháng có hai mươi lăm đồng.
- Sao anh cho thuê rẻ quá thế?
- Thế là phải, là được giá. Anh bị bắt hồi 1930 là hồi chưa có khủng hoảng kinh tế nên anh tưởng thế là rẻ, chứ trong bảy năm nay, vật gì cũng giảm giá và trong nước có nhiều sự thay đổi lắm.
Minh nghĩ đến buổi chợ phiên ban chiều, thở dài mà rằng:
- Ừ, quả vậy. Tôi không ngờ cái dân tộc này mà lại có ngày hóa ra đến thế!
- À, thế cảm tưởng của anh ra làm sao? Tôi ở nhà nên sự thay đổi của xã hội thì nay một tí, mai một tí, mình cứ dần dần quen mắt quen tai, thành ra mắt tuy có trông thấy thời cục mà óc không thể có được một mối cảm giác...
-Không biết tôi có nên nói ý kiến của tôi không? Chà... thật không ngờ! Gớm, sao mà ăn chơi phóng đãng thế! Sao mà xa hoa đàng điếm thế! Cứ như những cái tôi trông thấy ngày hôm nay thì thật là một triệu chứng diệt vong! Hầu hết nam nữ thiếu niên người nào cũng vô lo, vô lự, mặt mũi lại hí ha hí hửng, dương dương tự đắc, đi chơi, đi nhẩy, mà mặt mày vênh váo làm sao! Thật là một điều sỉ nhục cho một dân tộc mất nước...
Quang mỉm cười gật đầu rồi bĩu môi mà rằng:
- Ấy thanh niên bây giờ thế cả đó. Nếu không thế thì lại bị chê cười là bảo thủ, là gàn dở, là hủ lậu. Cái luân lý mới là hưởng cho kỳ hết những cái khoái lạc vật chất, là sống vì cái lòng vị kỷ khốn kiếp của cái cá nhân chủ nghĩa không phải đường. Phải trí thức nước nhà đã hô hào như vậy, tất cái bọn thiển học nhắm mắt mà nghe theo, chứ sao!
Minh đứng lên, đút hai tay vào túi quần, vươn cổ ra, giận dữ hỏi:
-Ai, trí thức nào? Anh muốn nói đến bọn trí thức nào thế!
-Bọn văn sĩ, bọn viết báo, chứ còn ai nữa! Anh không biết? ừ, mà anh bị tù tội như thế, còn biết sao được! Hiện giờ, muốn phỉnh nịnh cái khao khát của xác thịt, muốn ca tụng những thị dục đê hèn của công chúng, một số đông các nhà “ngôn luận” đương ném ra một nền văn Chương xu thời mục đích là sùng phụng tụi trưởng giả và cổ động cho âu hóa, lấy cớ rằng tiến bộ, văn minh...
Minh đứng thẳng người lên thấy tức ngực, giận đến không thở được. Và trợn mắt thất thanh hỏi:
-Lại có một bọn nhà văn vô lương tâm như thế? Lại có một tụi viết báo vô liêm sỉ như thế?
-Đời bây giờ, người ta chỉ cần chiều đời để bán báo, bán sách cho chạy chứ người ta kể gì đến liêm sỉ và lương tâm! Vả lại, cũng không nên trách họ, vì trong cái số hoạt đầu, tựu trung cũng có một đôi kẻ thành thực, tin rằng phải hoàn toàn theo mới, phải âu hóa cả trăm phần trăm thì mới là tiến bộ, văn minh. Cái thành thực của bọn ấy vẫn là đáng khen, tuy cái ngu của chúng thì chỉ đáng thương hại.
- Nhẩy đầm, đánh cá ngựa, ăn ngon, mặc đẹp, dùng những hàng mỏng để may những bộ y phục phô ra những đùi với ngực, như thế, chỉ có như thế, mà đã cho là văn minh, tiến bộ rồi?
-Đối với kẻ ngu thì những cái hình thức thế thôi là đủ rồi chứ còn gì nữa!
Minh xo vai, thở dài:
- Chết chết! Nếu vậy thì cũng buồn cho “trí thức” và cho “ngôn luận” thật.
- Tôi thì tôi chẳng buồn gì cả vì tôi cho những điều ấy là không thể tránh được. Anh muốn gì? Muốn dân tộc vô đạo, vô học, bán khai, không lý tưởng nào thờ, lại mấy nghìn năm nô lệ như dân mình, tất nhiên... tất nhiên cái tinh hoa đất nước của dân tộc ấy chỉ có thể đào tạo ra được những bậc trí thức nô lệ. Thật thế, tinh thần nô lệ là một thứ... quốc bảo cổ truyền, và sẽ mãi mãi di truyền. Xưa kia nô lệ Tàu, thì theo Tàu là văn minh. Bây giờ nô lệ Tây thì âu hóa kia mới là văn minh. Tôi tin rằng nếu người da đen ở bãi sa mạc Sahara mà có đến chiếm nước ta thì cái bọn trí thức ấy tất nhiên cũng sẽ hô hào đạp đổ tất cả những cái “cũ” để mà theo “mới”, nghĩa là... Phi hóa thì mới lại là văn minh! Trách gì cái óc nô lệ!
Minh ngồi xuống ghế, nhìn ra xa vơ vẩn, nói như chỉ cho riêng mình nghe:
-Văn minh! Văn minh mà như thế thì chỉ dâm đãng, chỉ thương luân bại lý, chỉ gây thêm những mối bất công cho xã hội.
Quang cười rộ mà rằng:
- À, cái ấy thì đã đành! Nhưng mà ta phàn nàn vô ích... Sau hồi biến động, Sa mạc lớn ở châu Phi. những phần tử sống đã mất đi, chỉ còn lại cái phần tử chết nó chiếm đại đa số, thì xã hội này nghiễm nhiên trở nên suy đồi y như các dân tây phương vào hồi chiến hậu! Không có và không dám có một lý tưởng gì nữa, tất nhiên người ta đâm ra ăn chơi cho sướng cái xác thịt mà thôi. Giữa lúc đốn mạt ấy, một bọn văn sĩ lại lấy những danh nghĩa văn minh, tiến bộ mà cổ động cho cả những cái xấu và những cái dâm của Tây phương, mục đích là bán báo bán sách cho chạy để thủ lợi, tất nhiên chúng ta phải thấy cái quang cảnh khốn kiếp bây giờ. Này, bây giờ mà anh công kích cái vật chất thì sẽ có một trăm người chê bai anh là hủ lậu, đáng tự tử đi đấy.
Minh sốt sắng cãi:
- Ta cứ cho rằng cái văn chương xu thời ấy là của một bọn thành thực đi đã. .. Thì cũng phải biết phán đoán xem mình có nên và có thể âu hóa được hay không mới được chứ? Chà! Họ tin rằng sống như xã hội phương Tây bây giờ đã là cực điểm của tiến bộ, hoàn toàn của văn minh? Họ lại không biết rằng người như Duhamel như Gandhi như Oạcar Wilde đã bình phẩm cái văn minh ấy như thế nào! Họ không biết rằng xã hội Tây phương cũng chỉ là xã hội mục nát mà những mối bất công là giường cột, mà kim tiền và vật chất gây ra dâm phong để cho cái dâm phong cầm cân nẩy mực cho tất cả, và dân tộc mình thì không nên nhắm mắt đi vào con đường ấy nữa, phải chờ khi nào Tây phương tiến hơn nữa.
Minh còn muốn nói nữa thì Quang đứng lên vỗ vào vai bồm bộp mà rằng:
- Thôi đi, ông ơi! Để dành những ý kiến ấy cho người có lương tâm mà thôi. Lúc nãy ông chả bảo bọn tri thức ấy vô lương tâm, vô liêm sỉ là gì! Do thế, bọn ấy mới cho là mới những cái mà người âu châu đã cho là cũ rích, và vội vàng rúc đầu xuống liếm những cái gì mà phương Tây đã thừa mứa đến nôn ọe ra! Nhưng tội gì mà ta bực mình? Ngồi khoanh tay mà cười những quân rởm đời, những anh chồng mọc sừng, những thiếu nữ chỉ còn tân có một nửa, lại không là hưởng một cái thú hay sao? Vì rằng cái xã hội này cũng sắp đến cái cực điểm của văn minh rồi? Anh cứ nghĩ đến buổi chợ phiên hôm nay xem! Cứu đồng bào bị lụt! Muốn cho chúng nó bỏ ra vài hào thí cho hàng vạn đồng bào đương chết đuối thì phải cho chúng nó cười đùa thỏa thích, chim chuột no nê, dám đứng, dám đi, trịn vú, áp bụng... không thế thì lại không vui vẻ, trẻ trung!
Quang nói đến đây, lại cười rộ lên một cách rất chua chát, Minh thấy nhắc đến đồng bào bị lụt, thì lại chợt nhớ đến gia đình, vội vàng bảo bạn:
- Àanh, mai thì thế nào cũng phải để cho tôi về quê đấy nhé?
- Ừthì mai anh về chứ sao! Tôi bảo anh hãy nghỉ một buổi ở đây cho khỏi mệt nhọc, nay anh đã khỏe thì anh cứ về.
-Bảo nghỉ có một buổi thế nào mà té ra mất ba buổi!
Quang chép miệng mà rằng:
- Có bất hiếu thì anh cũng bất hiếu chán đi rồi, vắng mặt năm bảy năm giời còn chả làm gì được mà chậm có một ngày thì thở than mãi, dễ nhà tôi nó cũng về rồi đây này.
Minh cúi nhìn xuống dưới bao lan. Quả nhiên vợ Quang đã dắt con về thật. Chàng cảm động về lòng tốt của vợ chồng bạn: hôm ấy, bên nhà vợ Quang có giỗ, vậy mà Quang đã ở lại nhà cả hai bữa để ăn với Minh, và vợ Quang, sau khi ở lại làm cơm rất chu tất, về nhà mình lại vui lòng nói dối là chồng ốm để cáo thoái với bố mẹ cho chồng. Người đàn bà đẹp đẽ, dịu dàng lên gác, vào cúi đầu chào Minh.
-Lạy bác ạ.
Minh cúi đầu nhanh nhảu:
-Không dám ạ, bác ở nhà quê đã ra. Phúc ơi, có lấy phần cho bác không?
- Ờkia, không lạy bác đi à? Mồm đâu? Con nhà rõ đến tệ!
Mới lên bốn, bảnh bao sạch sẽ trong bộ âu phục màu xanh xanh, thằng Phúc nói:
-Lạy bác ạ. Cháu chỉ lấy phần cho cậu cháu thôi.
Quang cả cười rồi hỏi vợ:
- Thế nào! Có ai nói gì không?
Người vợ của Quang tươi cười mà rằng:
- Thầy bảo tôi phải mời đốc tờ cho cậu không có mà nhỡ ra sốt thương hàn thì chết. Còn đẻ thì đẻ cho hai chục trứng.
Quang pha trò:
-Bở nhỉ? Thế thì thỉnh thoảng lại phải sốt một trận mới được.
Vợ Quang mắng:
- Chỉ nói dại thôi nào!
Rồi dắt con xuống thang. Mười lăm phút sau thấy thằng nhỏ bưng một khay có hai cốc rượu bia lên bao lan. Nó tìm một cái kỷ con, đem ra, để khay rượu lên thì Quang nói:
- Nói của đáng tội, chính nhờ có anh mà tôi được vợ cho uống bia đấy! Anh tưởng dễ tự nhiên đấy à!
-Gớm chị ấy chu tất quá! Chả biết thế này là lưu khách hay đuổi khách.
Quang thụi đùa vào ngực Minh mà rằng:
- Ông lại giã cho bây giờ, chứ vừa được ăn lại vừa được nói thế à? Thôi đùa nhau mà làm gì?
Vợ tao xưa nay vẫn khâm phục những nhà cách mệnh.
-Mày bảo vợ mày cứ để cho tự nhiên thì tao mới dám ở lâu với mày.
- Ừ, được, cái ấy thì dễ lắm!
Ở bên kia bao lan, ông huyện mặc cái áo ngắn. Con gái ông đứng bên khép cửa sổ. ở dưới phố, ba cái xe trên có ba cô ả tân thời ngồi vừa kéo qua. Những cái ấy làm đãng trí hai người bạn, làm câu chuyện phải gián đoạn. Minh nghĩ lan man đến nhà, đến em gái, em giai. Chàng cho trí nhớ quay trở lại với cái thời kỳ chàng cùng Quang dạy học ở một nơi thôn quê: hồi ấy Quang còn trong cảnh thanh bần, nhiều khi về vấn đề tiền nong, Minh còn phải giúp đỡ. Ngày nay được tha về nhà, tình cờ chàng gặp ngay Quang, như vậy chàng cho là một sự may. Khi thấy Quang vẫn tử tế như xưa, Minh rất lấy làm mừng.
Khi thấy Quang đã trở nên giàu có, chàng lại mừng hơn nữa. Nhưng đến lúc thấy Quang thú thật rằng sự giàu có ấy là do lấy được vợ giàu mà nên thì Minh hãi hùng ngay. Chàng phân vân đến nỗi không muốn ở đây thêm một giờ nào nữa. Nhưng khi thấy vợ bạn cư xử với mình có đủ cả tôn kính lẫn thân thiết thì Minh cũng được yên tâm. Chàng không biết rằng muốn cho vợ phải quý bạn, Quang đã thêu dệt bội phần về sự xưa kia chàng còn hàn vi đã chịu ơn của Minh. Minh, lúc đầu, vẫn sợ sự chu đáo ấy là giả dối. Minh xét kỹ thì Quang vẫn tốt như xưa, và cũng vẫn bộc tệch như xưa. Do thế, khi Minh hỏi thăm tin tức nhà thì Quang kêu là vẫn để ý đến, mặc lòng Quang chẳng biết tin tức gì cả. Cái sơ xuất ấy, Quang lại đổ tội cho Phú là không chịu thư từ đi lại. Nghe thế, Minh đã lấy làm bằng lòng cho rằng em mình dè dặt như thế là hơn... Vả chăng chắc cũng có thể đứng được nên Phú mới không phải lui tới nhà người bạn phú quý của anh mình. Mình cũng không giận bạn ở chỗ lãnh đạm. Sau khi về nhà Quang ăn một bữa cơm thì Minh đi tìm nhà một người trong họ, và nhân đó, biết rõ chuyện nước lụt, Phú đi làm phu phen, bị bắt ra sao, được tha ra sao. Người trong họ ấy đưa lại cho Minh cả mấy tờ báo nói đến việc Phú. Cho nên khi thấy bạn lại lưu mình một ngày nữa bằng câu “Anh không phải vội, để tôi hỏi hộ xem có đường nào về làng không đã. Vả lại nếu cụ nhà hay thằng Phú mà có sự gì thì tôi đã biết rồi”, thì Minh phải mím môi cho khỏi cười. Chàng chỉ cảm ơn sự săn sóc miệng ấy chứ không dám nói cho Quang biết là Phú đã bị bắt, đã được tha, sợ bạn ngượng. Tuy vậy Quang vẫn là người bạn tốt như thường, vì Minh vốn rộng lượng trong khi suy xét. Trước khi được biết cái hồi hộp trông thấy mẹ và hai em, Minh phân vân nghĩ đến thân thế, cái cảnh ngộ khắt khe của những đảng viên cách mệnh được tha hay mãn hạn tù: bị kiềm thúc khổ sở, bị người đời kính nhi viễn chi, không có thể có được một sinh kế xứng đáng, không thể hạ mình làm những việc mọn, sống dở chết dở, phải chịu một cuộc đời bần hàn, hại cho thanh thế mình, hại cho thanh thế cách mệnh, nếu không phải chịu cái khổ tâm nhất, đau đớn nhất, là bị những người thân yêu nhất đời của mình dằn vặt mình, đay nghiến mình như xẻo từng miếng thịt một, oán trách mình làm cho gia đình phải khổ sở vì cái việc mà có người bĩu môi bảo là: dại dột, a dua. Minh đã từng nhận được thư của những đồng chí được tha gửi ra Côn Đảo cho chàng, than phiền về cái cảnh ngộ đáng sợ ấy. Chàng sợ nhất là sẽ phải khinh bỉ những người thân yêu, hay là sẽ phải hối hận vì công việc... Chàng nghĩ thầm “Nếu sự đời lại khốn nạn đến thế thì thà chẳng được tha về lại hơn!”. Giữa lúc ấy, không biết vì sao Quang lại hỏi bạn:
- Này, anh được tha về thế này, chắc anh sướng lắm đấy nhỉ?
Minh xo vai hoài nghi, đáng lẽ đáp thì chỉ gật gù:
- Ờ, ờ, ờ...