Quãng đê chạy ngòng ngoèo theo hình một chữ ạ dài độ bốn cây số. Nước sông đỏ ngầu đã dâng lên chinh phục đến gần mái những thôn xã ở ngoài đê. Giữa dòng sông, những củi rều, gỗ, cành cây, lá cây, những thứ hoa, quả rừng rất kỳ quái, hoặc lẻ loi, hoặc bám nhau thành từng mảng mà chung quanh có bọc bọt ngầu, trôi theo dòng nước, phăng phăng. Đủ hiểu là nước to ghê gớm lạ thường, và nỗi lo sợ của dân quê là đáng kể từng giờ, từng phút. Quãng đê ấy cách huyện lỵ độ chừng hai cây số, và cách Lục đầu giang độ chừng mười tám cây. Vì lẽ là chỗ hiểm nghèo, hiểm nghèo vì thế đê lại gần huyện lỵ, nên sự hộ đê và những cách canh phòng rất là chu đáo, nghiêm ngặt. Ba trăm người! Ba trăm người đã đào đất, khiêng đất, đổ đất, đóng cọc tre, đan rọ, đan phên...
Ba trăm người trong số ấy thì độ sáu chục là đàn bà và trẻ con, người thì thay chồng, thay anh, đứa thì thay bố, thay mẹ. Phú cũng có mặt trong đám người xấu số ấy, cũng chân lấm tay bùn như họ. Từ sáng sớm cho đến chiều, cắt quãng bằng bữa cơm trưa độ nửa giờ để nghỉ ngơi. Dân phu đã muốn xin ngừng tay, nhưng bọn người trông nom họ như cai lục lộ, thầu khoán Nhà nước, nhân viên sở công chính, đã bảo họ nên cố làm cho đến tối mịt hãy nghỉ. Cơm nước? Thì cần gì cơm nước nếu ai ai cũng phải lo nạn vỡ đê nó sẽ hại tính mệnh sản nghiệp hàng vạn người!
- Cố đi ít lâu rồi cơm nước nghỉ ngơi một thể.
Một người cai khố xanh đã cưỡi xe đạp dạo một lượt và nói thế với bọn lính và bọn lý dịch có phận sự đốc thúc bọn phu. Thế là từ cai cho đến lý dịch và lính khố xanh, những câu chửi rủa thô tục, những cái roi mây giơ lên vụt xuống không tiếc tay đã gọi vào khuôn phép những kẻ nào không tuân lệnh trên bằng sự uể oải. Chốc nữa, chỉ chốc nữa thôi, là quan huyện ra khám đê. Sợ vạ “chôn chân” hoặc bị cách, sợ bị rầy la là chểnh mảng phận sự, bọn lính, lý dịch và cai đã không công nhận cái đói, cái khát, cái nhọc mệt của ba trăm phu, người lớn, trẻ con, đàn bà. Về phần phu thì đã đói lắm, và rất căm tức sao cái bọn cai quản họ lại không biết cho đến nỗi khổ sở, cả vật chất lẫn tinh thần, của họ. Nhưng bọn người này
- Chọc gậy xuống nước
- Tin vững vàng đó là dân phu lười biếng, không có lương tâm về phận sự, nên giả cách đói khát nhọc mệt đó thôi. Họ có một mối tín ngưỡng quái lạ: đối với dân ngu, lôi thôi là cứ đánh bỏ mẹ.
Mặt trời gần khuất sau một dãy núi. Trên không gian, da trời đã từ màu xanh lơ mà ngả về màu xám xịt. Những đám mây vàng, trong khoảnh khắc, lần lượt hóa ra cá vàng, rồi đỏ ửng, rồi tía, rồi xám, rồi lại trắng toát ra, khi mặt trăng lấp ló sau một ngọn gạo cổ thụ to như một cái bánh đa. Trên đê, người ta chạy đi, rồi lại chạy lại. Sự tấp nập giả dối lại ồn ào, hỗn loạn và nghiêm trọng hơn cả cái áy náy về phận sự. Thỉnh thoảng, chỗ này, chỗ kia, một tiếng mắng chửi, một câu văng tục, một tiếng đét của cái roi mây, những tiếng rên rỉ, hoặc kêu khóc, hoặc lầu nhầu... Trong những việc công cộng như thế, người ta lại thấy cái tinh thần giai cấp hiện ra đến nỗi ngang tai chướng mắt, vì một bọn người vô tích sự, nhờ tài sản hoặc chức vụ, đã tưởng là mình có quyền, cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là hành hạ một bọn người khác đông đúc hơn, tuy có ngu dốt hơn nhưng mà vất vả hơn, hữu ích hơn. Đã mấy hôm nay, hàng trăm phu phen đã làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, dưới những sự tàn nhẫn như thế. Đêm đến, họ túm tụm nhau dưới mấy dãy lều cọc tre mái lá, hở đằng trước, hở đằng sau, hở hai bên. Cái nhọc, cái rét, những cơn gió phũ phàng, những hạt mưa lạnh toát, đã làm xong cái gì mà công việc đào đất, khiêng đất, những câu mắng chửi, những cái thượng cẳng tay hạ cẳng chân, v.v... hãy còn bỏ dở. Đó là cảnh địa ngục giữa cõi trần.
Những dân phu ấy bị đủ mọi tai trời ách đất, nạn bã rượu lậu, nạn trộm cướp, nạn hối lộ, nạn tổng lý, đã bị dồn vào cảnh ngộ cực kỳ khốn nạn, đã phải tranh giành nhau đến nỗi có khi gây án mạng vì một việc làm thuê gì đó để lấy mỗi ngày ba xu, mà bây giờ vì bổn phận làm dân, đã phải mỗi người đem một cây tre với hai cánh tay ra cứu vớt một hai sào ruộng hay cái lều gianh của họ, hòng cứu vớt hàng nghìn vạn mẫu đồn điền của những ông chủ phưỡn bụng khác, cứu vớt đường hỏa xa, con đường nhựa của những chiếc xe hơi hình cánh cam, hay những cái cột dây thép mà những ông quan lớn dùng để đánh điện tín cho thân bằng cố hữu lúc các bà lớn đẻ con, hay các cô khuê các tiểu thư hẹn với nhân tình. Trong khi làm việc ích chung đó thì họ không làm nổi cái việc ích nhất cho họ, là cái miếng cơm nuốt vào bụng. Quan trên đã hứa sẽ giả tiền công. Đã mấy ngày lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
Những người không kiếm nổi ba xu một ngày thì chết đói ấy, đã phải lần hồi xoay xở thế nào cho có được một người làng thổi cơm ở làng đem đến chỗ đắp đê cho mà ăn; là vì trong số ba trăm phu phen, chỉ có hai trăm là cùng đinh của ba thôn giáp giới với đê, còn hơn một trăm là dân các làng xa năm cây số, mười cây số, hai mươi cây số, có khi hơn thế nữa. Không một ai lại đủ tư cách mua cơm nắm muối vừng của một mụ béo có khuyên vàng nặng trĩu ngồi bán ở cái lều cạnh điếm ở trên đê, một mụ đầu cơ lợi dụng, bóp cổ dân nghèo, không rõ người nhà ông thầu khoán, hay ông cán lục lộ, hay chân tay thân thuộc của ông quan. Trời sắp tối mịt. Đứng dưới một hố đất sét, bên cạnh một cái cột bằng đất bên trên chỏm là cỏ xanh mà người ta để nguyên để đo xem thùng đấu đã đào sâu xuống là bao nhiêu, Phú đứng giụi tay, cậy những cái móng tay cáu bẩn trắng xóa. Chung quanh chàng là anh hai Cò, ông nhiêu Đơ, ông xã Đấu, với mấy người làng nữa, những người cho rằng Phú đi làm phu hộ đê thì không những là một sự lạ mà còn là một sự đáng vui. ở làng được kính nể bao nhiêu, ở đây Phú cũng được giúp đỡ như thế. Không ai quên Phú có cái sức vóc học trò. Người ta đã cặm cụi làm những việc khó nhọc để Phú cầm một cán cuốc giữ cho lấy lệ, và nói chuyện gì cho vui chung. Thoạt đầu Phú thấy thế là đáng sỉ nhục cho lương tâm, song dúng tay vào mới biết rằng những công việc của dân quê thì chàng không có sức nào kham nổi.
Phú cầm cái cuốc giơ lên cũng đã đủ thấy nặng và mỏi tay. Mới vài ngày mà quần áo vải trắng của chàng đã thành ra như quần áo nâu vậy. Chàng cặm cụi, hí hoáy được một lúc thì cái đói đã đến đánh thức cái dạ dày. Phú luôn luôn nhìn đến gánh cơm có hai cái mo cau đậy trên. Nhưng chưa có lệnh nghỉ tay... Chàng suy bụng mình ra bụng người, thấy cái đời người dân quê là khổ nhục, không đáng sống. Chàng bỗng căm tức dân quê lắm, và tự hỏi:
“Tại sao hàng mấy nghìn năm rồi mà họ vẫn cứ thế mà cũng sống được?” Phú hối hận đã không đi vay tiền thuê phu. Chàng lại cho rằng dân quê tuy vậy mà sướng, sướng ở chỗ khổ mà không biết mình khổ. Thói quen! Đến thế nào nữa mà cũng quen đi là xong; mà hạnh phúc, nếu không có cách khác, ắt phải kiếm nó ngay trong lòng mình. “Họ khổ nhưng họ không thấy khổ, âu là mặc quách họ!”. Phú đương đứng ngây người ra nghĩ thế thì chợt bị một bàn tay cục mịch đập mạnh vào vai. Quay lại, Phú thấy đó là một người cai, không biết của sở lục lộ hay của thầu khoán, với cái áo vải vàng, cái quần nâu bó trong xà cạp, đôi giày đen to tướng ở dưới, cái nón dứa cũ ở trên, với một cái mặt lỳ lỳ có những vết nhăn ác nghiệt, do cái nghề nghiệp nó ảnh hưởng ra cả ngoài hình dáng. Người ấy trỏ tay vào mặt Phú nói:
- Thằng này! Tao để ý đến mày đã nhiều! Mày chỉ vờ vĩnh thôi. Liệu thần xác!
Điên ruột lên, Phú cự lại:
- Nhưng mà tối rồi! Ông thử trông xem! Cũng phải nghỉ tay để còn ăn uống chứ!
-Quan chưa có lệnh cho nghỉ!
-Quan nào! Làm gì có quan nào ra lệnh nào! Nếu có quan ở đây thì đã không đến nỗi...
Chỉ có bọn các ông là bắt nạt dân quê thôi. Người cai giơ luôn cái roi mây vụt mạnh vào Phú đánh đét một cái rồi khoanh tay đứng nhìn. Phú nghiến răng lại, vì roi đánh trúng bắp thịt cánh tay trái.
Chàng xuýt xoa, rồi thừa lúc bất kỳ vô ý của người kia, chàng xông lại, bàn tay phải nắm chặt dùng hết sức đấm một cái rõ mạnh vào hàm. Không kịp đề phòng, anh kia loạng choạng về phía sau, bị một vết thương kín khá nặng. Cái nón rơi ra, cái roi mây cũng rơi. Anh hai Cò, bác nhiêu Đơ, bác xã Đấu, vừa ngạc nhiên, vừa kinh hoảng, đã ngừng tay làm việc để sửng sốt... Đến lúc nói được lên tiếng rồi, người cai kia vừa nhặt nón, nhặt roi, nhảy đến mặt Phú mà rằng:
-Mẹ kiếp! Quân này giỏi thật nhỉ! Dám cả gan đánh lại người Nhà nước phỏng! Ông thì trói cổ lại giam mày một đêm cho mày biết thân...
Nói rồi xông vào túm ngực Phú. Hai người giằng co nhau, vật lộn nhau, chực đẩy ngã nhau. Bọn người làng của Phú bổ đến can khéo, tháo gỡ. Giữa lúc bối rối cuống quít thì ông lý làng Phú hấp tấp chạy xuống. Nhanh trí khôn, ông kêu to:
- Chết chửa! Sao thế, cậu giáo! Sao thế ông cai?
Rồi ông đứng vào giữa, lại nói rầm lên, cốt cho người cai kia để ý đến chức “cậu giáo” mà ông tặng cho Phú. Khi nghe thấy rõ rồi, người cai kia cũng hơi chột dạ, đứng ngẩn mặt ra đấy, tiến thoái lưỡng nan. Ông lý nói thêm:
- Chết! Cậu giáo con cụ lớn tôi đấy không phải là dân ngu đâu, ông đừng nên thế. Nếu không ngồi chễm chệ ở nhà mà lại đi làm phu hộ đê là vì cậu ấy chơi ngông, thích như thế đấy thôi, ông đừng lấy làm lạ.
Đến đây, người cai chòng chọc nhìn kỹ Phú từ đầu đến chân. Rồi nói:
- Sao nó lại dám đánh giả tôi mới được chứ?
Hăng hái thêm lên, Phú đáp:
-Mày đánh tao thì tao lại tha mày à?
Cuộc cãi cọ chưa kết liễu thì từ trên đê, một bác lính khố xanh đã tập tễnh nhảy xuống. Bác ta xông xuống thùng đấu, hỏi xách mé:
- Cái gì? Lôi thôi gì, hở cái bọn này? Làm sao? Đầu đuôi làm sao?
Không biết đối phó thế nào với cách dọa nạt gián tiếp của thầy lý dịch của Phú, người cai kia la rầm lên:
- Cậu giáo chứ nhất là cậu cả giời! Đây chỉ biết làm phu mà không chăm việc thì đây đánh, mà bị đánh mà đánh giả lại người Nhà nước thì... không được!
Phú khoanh tay, hách dịch:
- Ừ, thế đấy! Muốn làm gì thì làm!
Người cai lục lộ xin với người lính khố xanh:
- Ông cứ lôi cổ nó lên quan cho tôi!
-A- lê đi! Cứ biết lên quan đã.
Nhưng chợt từ một cái điếm trên đê có một hồi trống cái tùng tùng đưa ra. Mấy người làng của Phú cũng vội reo lên:
-A! A! Được nghỉ tay rồi! Ta cơm nước đi, anh em ơi!
Phú nói vào giữa mặt người lính:
-Đây... Phải, đây cũng ăn cơm chơi cái đã.
Ông lý trưởng thì cuống cuồng lên mà rằng:
- Thôi, tôi xin cậu giáo, cậu đừng bướng với người Nhà nước như thế! Thôi, tôi xin khuyên hai ông, đây là cậu giáo con cụ lớn làng tôi, hai ông đừng có quá tay quá miệng mà rồi rầy rà lôi thôi.
Không biết nghĩ thế nào, người lính bảo người cai:
-Để hỏi quan xem nên thế nào đã.
Trong khi Phú tự do ra ngồi ăn cơm nắm muối vừng với mấy người làng thì người cai và người lính kéo nhau lên đê. Mười phút sau, ở một điếm canh bước ra, hai người lại hùng hổ kéo xuống thùng đấu, vào lúc trời sắp tối mịt...
Lại một hồi trống dài nữa vang lên. Lý dịch, lính tráng chạy dài trên đê ra cái lệnh rằng ai ai cũng phải xếp dọn xẻng cuốc, thúng mủng lên cả mặt đê một lượt. Người lính và người cai dẫn Phú vào cái điếm gạch trong có một ngọn đèn đất để trên một cái bàn, cái bàn cạnh cái ghế, cái ghế dưới một người đương hí hoáy viết lách. Phú đoán hẳn đó là một viên chức cán sự công chính. Quần áo tây vải vàng, giày ống, một đôi kính cận thị trên sống mũi, một cái roi cá đuối đeo bên lưng. Người ấy vừa viết vừa uống nước ở cái cốc sắt, nắp một cái ống ủ nước. Sau cùng người ấy ngẩng lên hỏi:
- Cái gì?
-Bẩm quan lớn, nó đánh lại tôi, nếu quan lớn không nghiêm trị để làm gương cho kẻ khác, thì ắt tôi không trông nom nổi, mà cái dân vùng này cũng đã bất trị lắm.
Người tham tá lục lộ ấy nóng nẩy hỏi ngay Phú:
- Thằng này, sao mày dám đánh lại người có quyền trông nom mày?
Thấy Phú không đáp, người ấy gắt:
- Ôhay? Mày câm hay sao?
Phú bèn nghiêng đầu khinh bỉ đáp bằng tiếng Pháp:
- Thưa ông, nếu ông là một viên chức thì ít ra tôi cũng là một người công dân! Và tôi xin nói thẳng ngay rằng lối mày tao của ông là sai với lời dặn của quan trên và lại tỏ ra cái tư cách của người kém giáo dục! Ông không là quan cai trị cái chỗ này.
Người cán sự kinh hoảng lên, không ngờ một tên phu đi hộ đê mà lại có học thức như thế, bướng bỉnh như thế. Thật là bất ngờ! Muốn giấu cái hổ thẹn, người ấy nói với anh lính và anh cai:
- Thôi, cứ đi đi, để rồi chốc nữa thì quan huyện đến.
Rồi bảo Phú cũng bằng tiếng Pháp:
-Vâng, thế thì ông cứ đứng đấy mà chờ quan sở tại!
-Hân hạnh vô cùng.
Bên ngoài có tiếng nạt nộ lẫn nhau rất xôn xao. Quan đến thật. Cùng đi với quan có một đoàn nha lại lính tráng. Quan vào điếm, bắt tay viên chức lục lộ, ngồi xuống một cái ghế mây có người nhanh tay đưa ra. Một thiếu nữ ăn vận xuềnh xoàng, đội nón Huế, đi giày kinh, cũng theo quan vào điếm. Lời nói thứ nhất của quan là mắng con gái:
- Ôcái con bé này hay nhỉ? Ai cho đi mà đi thế?
Dung nũng nịu như quanh đấy không có ai nữa, cười trừ mà rằng:
- Thì cậu để yên con quan sát mọi sự thì đã sao!
Quan hỏi người sở lục lộ tình hình đê điều, mực nước lên xuống một vài con số. Bên ngoài, bọn lý dịch rúc tù và, hò nhau đốt đuốc, chẻ nứa, tiếng quát tháo, tiếng hỏi, tiếng đáp, xôn xao... Quan bảo một thầy thừa gọi các lý dịch đến điếm nghe lệnh. Một hồi tù và rúc liên thanh. Khi có trước mặt mình một số đông người mà người nào quần cũng ống thấp ống cao, toét mắt, khăn khố lúng ta lúng túng, quan huyện hoặc khen ngợi, hoặc quở trách, tiếng đồng sang sảng.
-Mày khất đến bao giờ? Sao hơn trăm phu mà mày lại gọi có ba chục? A, quân bay giỏi nhé? Ông lại cách cổ mày đi bây giờ!
Người phó tổng mặt tái xám, run lẩy bẩy, để cho Kim Dung đứng sau lưng bố bịt mồm cả cười một cách rất đỗi ngây thơ. Cái tuổi trẻ nhìn sự gì cũng không thấy bi đát.
-Bẩm quan lớn, chúng con chưa kịp sức cho dân gian, chỉ đến mai là cùng, thể nào cũng phải cố sống cố chết để đúng lệnh quan lớn!
- Cái quân này không làm gương cho chúng thì dễ không xong mất! Lính đâu?
-Dạ!
-Gọi mấy thằng phu đào ngay cho tao một cái hố ngay trước điếm này đây
-Bẩm lạy quan lớn, xin quan lớn xét cho nỗi khổ tâm của chúng con, thể chẳng được mà thành ra không tròn phận sự.
- Câm ngay! Im cái mồm! Mày muốn chôn chân hay mày muốn mất cái phó tổng thì bảo ông một thể!
-Bẩm lạy...
-Im ngay! Lính đâu! Đào hố ngay, chốc nữa tao quay về mà chưa thấy nó bị chôn chân thì chúng mày đừng có trách!
-Dạ!
- Chánh tổng Xuyên Lư, chánh tổng Quýnh Cao, chánh tổng Hội Lãm đâu?
-Dạ! Dạ!
-Ba trăm phu thì chia làm hai bọn, một bọn ngủ đến ba giờ đêm thì phải dậy thay bọn kia mà đốt đuốc soi chân đê cho kỹ lưỡng không có mà mắt cáo nó xói... Canh phòng cho thật cẩn mật, trống lệnh phải điểm luôn.
-Bẩm vâng.
-Đốt đuốc tao đi khám đây.
-Bẩm có đến năm chục phu đàn bà trẻ con, quan lớn dạy cho thế nào?
-Đàn bà trẻ con thì thôi, tha cho chúng nó được ngủ.
Quan sắp đứng lên thì viên tham lục lộ nói mấy câu tiếng tây trỏ Phú. Quan huyện lại ngồi xuống ghế, ra hiệu cho Phú đến đứng trước bàn. Từ đây trở đi, Phú được cô tiểu thư chú ý đặc biệt.
- Sao mày to gan thế? Đánh lại người Nhà nước! Gớm nhỉ?
-Bẩm tại nó dã man quá sức, và đánh tôi trước.
- Tại sao thì nó mới đánh mày chứ?
-Quan lớn có trông thấy thì mới hiểu cái dã man của chúng trong lúc chúng hành hạ dân quê.
- Tên mày là gì? Đưa xem thẻ.
Phú đưa thẻ. Quan ngẫm nghĩ rồi hỏi một câu khiến cho ai đứng đấy cũng phải ngạc nhiên:
- Thế bao giờ ông Cử được tha?
Phú cười nhạt:
-Bẩm, ông tôi chết tại Côn Đảo đã lâu rồi.
-Giáo Minh liệu có được tha không?
-Bẩm có, tin tức riêng mà chúng tôi nhận được cũng đã đích xác.
- Thế thầy đừng có lôi thôi sinh sự với họ nữa nhé!
Trước sự bực tức im lặng của viên tham lục lộ, ông huyện trả thẻ thuế thân cho Phú rồi ra. Trước khi ra theo bố, Dung quay lại nhìn trộm Phú, và Phú cũng biết rõ thế.