Thi nhân
Hồ Anh Thái
Chẳng gì ngài cũng là đại quan trông coi việc học hành trong triều. Trông coi sự học trên khắp tiểu vương quốc này. Còn như cái con bé con mới nứt mắt ra kia - đấy là nói trộm vía công chúa Pariyan – vài cuốn kinh Vệ Đà, dăm ba chữ nghĩa học đường, mới thế đã huyễn tưởng, ngỡ mình là thần học vấn Sarasvati giáng trần. Đến dự lễ kén rể toàn các vương tôn công tử học rộng tài cao cả đấy, các trang nam nhi tuấn kiệt cả đấy. Người này công chúa chê là ngốc. Người nọ công chúa bĩu môi, tri thức chỉ bằng hạt đậu. Người khác thì cù lần, trì độn, tầm thường.
Thôi thì phải đến lượt ngài hiện diện. Ngài là thầy của tất cả những chàng trai giỏi giang kinh sử mà vô duyên trước nàng công chúa trẻ ranh quá quắt. Thượng thư bộ học, một chức quan như thế mà tuổi mới xấp xỉ tứ tuần. Mà chưa một lần lấy vợ. Liệu công chúa kiếm được một tấm chồng nào hơn? Thế mà thấy ngài tiến ra ngỏ lời, công chúa ré lên. Lũ hoạn quan cũng hé hé cười theo.
- Ngài thượng thư – Công chúa bảo - Sự học của ngài như sông như bể, chẳng có kinh sách nào mà ngài chẳng làu thông, chẳng có điều gì mà ngài chẳng biết. Vậy ta đồ rằng ngài biết rõ trên đầu mình có bao nhiêu sợi tóc.
Lũ hoạn quan cười hé hé. Cả triều đình ré lên. Không biết điều mà ngậm mồm lại, đám vương tôn công tử của thượng thư cũng cười ré lên. Ghê thay thói a dua của người đời. Con bé này rõ ràng muốn ám chỉ cái đầu hói của viên đại quan còn trẻ.
- Thưa công chúa – Viên thượng thư nén giận - Chắc là số tóc trên đầu tôi còn xa mới bằng số kinh sách trong đầu tôi.
- Thế thì ta khuyên ngài nên sớm gặp quan thái y. Ông ấy sẽ cho ngài một thứ thuốc. Tóc ngài sẽ mọc nhiều hơn. Còn sách trong đầu ngài sẽ vơi đi.
Viên thượng thư chỉ chút nữa đã ném trả công chúa một câu đích đáng, một đòn mà trí tuệ sắc sảo đàn bà phải chết hẳn. Song ngài kịp kìm chế. Người quân tử không trả thù bằng sự khoái khẩu.
Đại lễ kén chồng coi như tan. Lũ hoạn quan và bọn nịnh thần ca tụng thiên tài của công chúa. Đám vương tôn công tử vừa thất bại trong cuộc đấu khẩu với công chúa thì quay ra phụ hoạ bọn hoạn quan.
Viên thượng thư phi ngựa ra khỏi kinh thành. Ngài chỉ dừng lại khi đã ra tới thảo nguyên và gặp một đàn cừu chắn ngang đường. Đàn cừu vô chủ. Ngài xuống ngựa, tản bộ về phía những lùm cổ thụ nương nhờ bóng mát. Chân ngài giẫm lên một mớ xống áo của ai đó. Để ý kỹ thì thấy bên cạnh cây sáo trúc là một bộ quần áo mục đồng. Bên cạnh bộ quần áo mục đồng là một tấm sari đàn bà. Rồi phải tới lúc này từ bụi cây gần đó mới phát ra những âm thanh như tiếng người mà không ra tiếng người. Tiếng đàn ông rên ư ử như một con chó què. Tiếng đàn bà như tiếng mèo gào động đực. Viên thượng thư định quát lên cho hai cái thân người trần trụi kia buông nhau ra. Không, không được, sử thi Mahabharata đã dạy rằng kẻ nào phá hoại cuộc ái ân của con người và cầm thú, kẻ ấy sẽ chết đúng lúc hắn đang ái ân.
Đợi cho hai kẻ nọ mệt lả, viên thượng thư mới đánh tiếng. Chúng vùng ngay dậy. Chúng lao về phía để xống áo. Nhưng vội thụp ngay xuống khi thấy y áo đang bị viên thượng thư giẫm lên. Tay che. Chân khép. Những gì cần che đậy đã được che đậy hết. Chúng ngồi co ro khúm núm. Gã trai luôn mồm van xin quan tha tội. Đứa con gái thì lẻo bẻo:
- không phải tại con, thưa quan lớn. Nó vồ lấy con trước. Nó dằn con ra. Nó lột sari của con. Nó…
Rõ là miệng lưỡi đàn bà. Xoen xoét. Lem lém. Cặp mắt thì vẫn tiếc rẻ đong đưa lúng liếng với gã trai. Ôi trời, một gã trai như thế. Đấy là gương mặt hào hoa tuyệt đẹp của thần Rama. Đấy là cơ thể cường tráng vô địch của thần sức mạnh Bhima. Viên thượng thư linh cảm đây chính là con mồi cần săn tìm. Ngài cúi nhặt tấm sari ném cho đứa con gái. Nó quấn vội quấn vàng. Nó thừa cơ hót vào tai gã trai một lời hẹn: “Chiều nay nữa, chàng nhớ nhé”. Rồi nó vái lạy quan. Rồi nó con cón chạy đi.
Viên thượng thư vẫn giẫm lên xống áo của gã mục đồng. Ngài ra lệnh cho gã đứng dậy.
Gã trai lóng ngóng đứng dậy trong tư thế khoả thân hoàn toàn. Một con đực lý tưởng. Trách nào mà đứa con gái kia cứ hau háu lăn xả vào như thế. Chỉ đến lúc này viên thượng thư mới bước tránh sang bên cho gã trai chồm tới chộp lấy xống áo. Có đủ quần áo trên người, trông gã cao quí tuyệt vời, gã thật sự đánh bại các vương tôn công tử, các trang nam nhi trong cả tiểu vương quốc này.
Viên thượng thư chỉ cây sáo:
- Thổi sáo ta nghe.
Tiếng sáo mê hoặc. Không phải là tiếng sáo thần linh. Không là tiếng sáo địa ngục. Những âm thanh quyến rũ của một trí tuệ uyên bác.
Sẵn bút nghiên bên người, đại quan chìa cho gã mục đồng:
- Ngươi chép lại cho ta lời thơ của bài ca ấy.
- Thưa quan lớn, con không biết chữ.
Tạo hoá trớ trêu chưa, vẻ đẹp ấy, sức vóc ấy, trí tuệ tài năng ấy dồn trút cả cho một kẻ mù chữ. Kẻ có chữ thì thiếu cả bằng ấy thứ.
- Rõ rồi! - Mắt đại quan loé lên một tia sáng đanh lạnh – Nhà ngươi đứng dậy theo ta. Cầm theo cây sáo. Đàn cừu thì bỏ lại. Chủ nó khắc sẽ lùa về.
Đại quan đưa gã trai về kinh thành. Giấu kín gã trong tư dinh để dạy. Dạy tất cả những gì làm cho gã có cái vẻ của một công tử cao sang. Chỉ trừ dạy chữ. Chữ nghĩa ở trong đầu, ai thấy? Vẻ phong lưu mới làm loá mắt người đời. Đêm đêm viên quan đầu triều trông coi việc giáo dục thả gã trai đi với lũ kỹ nữ vô giáo dục. Việc ấy không dạy được. Gã mục đồng dù sao cũng là một con đực.
Rồi cũng đến ngày ngài cho gã con trai ăn vận như một trang hào kiệt phong nhã, xúi y vào triều ra mắt nàng công chúa. Chỉ dặn y: không được nói năng gì cả. Bí quyết của thắng lợi trận này là không được mở miệng.
Công chúa choáng váng trước vẻ đẹp khác thường của chàng trai. Nàng run rẩy. Ngất ngây. Mê cuồng. Trong trạng thái ấy mà vẫn phải cưỡng lại, gồng lên để tỏ vẻ giỏi giang, tinh tường, sắc sảo.
- Chàng có biết ta nghĩ gì về vẻ đẹp của chàng không?
Anh chàng đẹp trai lặng yên, không trả lời. Sự yên lặng khiến cho vẻ đẹp thêm sâu sắc, thêm điềm tĩnh, thêm tự tin. Chẳng lẽ cứ đứng ì ra mãi không nói năng trước cả triều đình, chàng trai bối rối nhìn xuống bàn chân đang di di trên mặt đất.
- Tuyệt vời! – Công chúa rên lên – Đây là câu trả lời hay nhất xưa nay. Chàng coi ngoại hình chỉ là phù vân, chỉ là cát bụi.
Lũ hoạn quan và bọn nịnh thần khi ấy mới ồ lên, tấm tắc khen vuốt đuôi.
Sự im lặng của chàng trai lại là câu trả lời xuất sắc cho câu hỏi thứ hai của công chúa: “Chàng nghĩ gì về sự khâm phục mà thiên hạ dành cho trí tuệ uyên thâm của chàng?”. Chàng trai chỉ cười. Nụ cười đủ làm ngả nghiêng tất thảy đàn bà con gái trong kinh thành. Vẫn nhớ lời dặn phải giữ mồm giữ miệng, chàng rút cây sáo mục đồng giắt ở lưng ra, sẵn sàng hầu công chúa một khúc nhạc bình dân.
- Cừ lắm - Lại chính công chúa rú lên như bị nhập đồng – Chàng nói rằng sự khâm phục và tán tụng của người đời chỉ như tiếng sáo. Tiếng sáo thì tan vào hư vô, không thấy được, không nắm bắt được.
Viên thượng thư muốn xây ngay một lâu đài lớn, rồi vào trong lâu đài ấy mà cười cho hả. Số phận tình duyên của công chúa đã được định đoạt. Nàng sẽ phải lên giường tân hôn với một gã mục đồng mù chữ.
Ở trên giường, chàng trai vẫn giữ miệng. Người ta có thể im lặng sâu sắc ở nơi đấu khẩu đấu trí, lẽ nào lại cũng hoàn toàn im lặng sâu sắc trên giường tân hôn? Công chúa sinh nghi, cứ gặng hỏi. Gã trai càng đề phòng, càng không nói. Quán tính phóng đãng mục đồng làm gã nôn nóng. Công chúa thì đòi gã phải nói rõ lai lịch cao quí mới được vào cuộc mây mưa. Thế thì phải mặc cả như ở nơi kẻ chợ.
- Ta sẽ nói, nhưng là nói sau cuộc ái ân lần đầu – Gã bảo.
Công chúa không phải tay vừa. Dòng suối nguồn đang thong dong trôi, chưa kịp đến bên ghềnh đá để đổ xuống thành thác. Công chúa khéo *** chặn ngang bằng một câu hỏi. Gã trai cuống quít khai tuột cái tung tích mục đồng để liều thân quăng mình xuống dòng thác kia.
Điếng người vì bị lừa, công chúa đùng đùng hắt gã sang bên, xô gã bay ra khỏi giường, nhảy xuống theo đạp vào mặt gã, đánh đuổi gã như một con chó ghẻ ra khỏi cung.
Gã mục đồng lặng lẽ đi khỏi kinh thành trong một đêm không trăng sao. Lủi thủi. Ê chề. Cuộc ái ân duy nhất với người ngọc mới mấp mé bên ghềnh thác làm gã chỉ muốn chết. Gã đến trước một ngôi đền thờ thần Kali, cầu nguyện nữ thần hãy đưa gã đi. Gì chứ thêm một mạng người thì chắc thần Kali sẵn lòng. Chỉ là thêm một cái sọ người vào chuỗi tràng hạt xương sọ trên cổ nữ thần thôi mà.
Cầu nguyện xong, gã trai trèo lên cây đa cạnh đền, kiếm chỗ nằm ngủ trên một chạc cây. Gã làm một cái thòng lọng, chui đầu vào. Đầu dây kia gã buộc vào cành cây. Trong giấc ngủ đêm, chỉ cần giật mình rơi xuống thì thân xác gã sẽ lủng lẳng còn lại ở cây đa. Hồn phách gã sẽ đi theo nữ thần Kali.
Nhưng gã không chết được. Thần Kali chưa cho gã chết. Sáng ra gã thấy mình vẫn nằm trên chạc cây chênh vênh. Không hề giật mình. Không hề rơi xuống. Thế mà trong giấc mơ gã đã bay lượng, nhào lộn, đã chói mắt trước vầng hào quang của nữ thần Thi Ca và Học Vấn. Gã đã vọt lên cao trong cơn xuất thần thành thơ. Gã trèo xuống cảm tạ thần Kali. từ nay gã là Kalidasa. Kalidasa là “kẻ nô lệ của thần Kali”.
Chẳng gì ngài cũng Trong kinh thành xuất hiện một thi sĩ lang thang. Chỉ một bài thơ mà thi sĩ Kalidasa tiếng tăm nổi như cồn. Bài thơ về một con suối nhỏ, nhỏ thôi, ban đầu dường như chưa rõ ra hình hài một con suối. Nó len lách trên núi cao, càng xa nguồn càng hừng hực khát khao. Con suối lao nhanh về phía đỉnh thác, chỉ chút nữa thôi là nó sẽ trào lên, sẽ đổ xuống oà thành dòng thác lớn. Nhưng nó đã bị nắn dòng, bị chặn lại… Bài thơ nhanh chóng được dân chúng thủ đô truyền tụng, bình tán với nhau.
Sau rốt bài thơ cũng đến tai công chúa. Đám ca nữ vô tình dùng nó mà hát lên trong các cuộc vui nơi triều đình. Công chúa cho đòi thi sĩ Kalidasa vào cung. Lần trước nàng mê mẩn lú lẫn vì vẻ đẹp của gã mục đồng. Lần này nàng kinh hoàng vì chính gã mục đồng ấy đã biến thành một nhà thơ như thế. Cũng ra vẻ một người yêu chuộng thi ca, cũng ra vẻ một người bao dung các thi sĩ, công chúa đòi Kalidasa có bài thơ nào hay thì đọc cho nghe.
Thi sĩ ứng tác liền. Một vở kịch thơ mà muôn đời sau còn ca tụng. Chuyện nàng Sakuntala trao thân cho nhà vua trẻ nàng gặp trong rừng, rồi nhận từ đức vua một chiếc nhẫn làm tin cho ngày tái ngộ. Nhà vua rời cánh rừng trở về kinh đô, Sakuntala thì tương tư ngẩn ngơ, sầu muộn. Sầu muộn đến mức không nghe tiếng hỏi xin nước uống của một giáo sĩ đi ngang qua nhà. Giáo sĩ tức giận nguyền rủa rằng Sakuntala sẽ bị người tình quên cho đến khi nào tìm lại được vật kỷ niệm. Rồi trên đường về kinh đô gặp nhà vua, Sakuntala đánh rơi chiếc nhẫn xuống lòng suối. Không có nhẫn, nhà vua không nhớ ra nàng. Vua không nhớ thì Sakuntala đành tủi nhục quay về rừng. Nàng sinh con trong tuyệt vọng. Một ngày kia có một ngư dân đem dâng vua con cá to mới đánh được. Trong bụng cá có chiếc nhẫn vua đã tặng Sakuntala. Trời ơi, ta nhớ ra rồi, hãy mau đưa ta quay lại cánh rừng ấy. Ta sẽ gặp lại Sakuntala…
Cũng phải tới lần này công chúa mới thực sự phát hiện ra rằng vẻ mặt tuấn tú của Kalidasa còn được thần linh phú cho ánh sáng rạng của tài năng.
- Phải chăng người muốn nói – công chúa lập cập hỏi trong chút hi vọng vớt vát - sẽ có ngày ta nhận ra chân giá trị của tài năng, rằng ta sẽ nhớ lại những gì chúng ta từng có?
Một người tự cho là học vấn thâm sâu như công chúa mà lại hỏi một câu như thế.
Kalidasa cả cười:
- Thưa công chúa, giữa người với tôi nào đã có gì. Có chăng là tôi trách giáo sĩ kia, tự tôn tự phong là hiền triết, thế mà đang tâm nguyền rủa một kẻ sơ suất chỉ vì yêu, gây long đong lận đận cho những kiếp người.
Công chúa tím mặt. Cả triều đình đều thấy rõ ràng trong cuộc đấu này, Kalidasa vừa ghi điểm.
- Thôi thì số phận chẳng sắp đặt – Công chúa xuống một nước – Ta với ngươi chẳng còn cơ hội chung sống. Ta phong cho ngươi làm thi sĩ của triều đình.
- Làm thế không được, thưa công chúa. Gã mục đồng đã chết bên đền thờ nữ thần Kali. Nhà thơ Kalidasa ra đời đúng vào đêm hôm ấy. Chính công chúa là người khai sinh cho thi sĩ. Vậy ta xin tôn xưng người là mẹ, từ nay người là thân mẫu của ta.
Lũ a dua nhiều khi không hiểu ý chủ. Chúng cười lên hé hé, cứ như thể công chúa lấy làm sung sướng lắm vì được tôn làm mẹ thi sĩ. Công chúa hiểu ngay lập tức là nàng đã bị đánh bại lần thứ hai. Nàng nghiến răng đứng phắt dậy:
- Hỡi thi sĩ, ngươi xúc phạm một người đàn bà thì ngươi cũng sẽ chết vì tay một người đàn bà cho mà xem.
Giá mà không kịp nén giận, công chúa đã xuống lệnh chém đầu Kalidasa. Song le họ là vợ chồng có các thần linh chứng giám. Chồng chết thì vợ cũng phải lên giàn hoả táng để bị thiêu theo thi thể chồng. Chết cùng ai chứ chết cùng với gã nhà thơ đẹp trai và đểu giả thì lúc này là một sự ô nhục.
Kalidasa bỏ xứ Benares mà đi. Lang thang và đọc thơ. Nghiệp chướng ngàn đời của lũ thi nhân chỉ có thế. Ai bao dung thì ghé lại. Đọc thơ để trả ơn. Ai khinh ghét cũng sán lại. Đọc thơ để cảm hoá, để châm chọc, để thanh toán. Tất cả đều bằng thơ.
Ngày nọ một lái buôn giong đoàn thương thuyền từ đảo Sinhala đến, trang trọng chuyển lời mời Kalidasa thăm đảo quốc của nhà vua Kumardasa. Hoá ra ông vua đảo quốc Sinhala đã nghe tiếng thi nhân từ lâu. Thuộc đến từng câu từng chữ lạ. Từng cách ngắt câu chuyển đoạn đến từng nhịp điệu thanh âm. Nhà vua say thơ nên cả đảo quốc say thơ. Từ đứa bé lên năm lên bảy đã là thần đồng, đã biết bẻ vần nhoay nhoáy thành thơ.
Ừ thì đi. Một khi đức vua đã ưu ái. Một khi đức vua đã có lòng thành. Mấy ngày lênh đênh trên biển đủ cho cánh lái buôn và thuỷ thủ kể tường tận về ba kỳ quan của đảo quốc Sinhala. Kỳ quan thứ nhất chính là hòn đảo này. Kỳ quan thứ hai là đức vua. Kỳ quan thứ ba là đàn bà Sinhala. Mà đứng đầu trong đám đàn bà Sinhala là kỹ nữ Parema. Đấy là một kỹ nữ thượng lưu, đủ màu cầm kỳ thi hoạ, hay chữ và giỏi dẫn dụ đàn ông. Tán tụng đến nỗi khi đoàn tàu buôn cập cảng Sinhala, nhà thơ không vội đi yết kiến đức vua mà đổi ý, tìm tới lầu của nàng Parema trước.
Thật là danh bất hư truyền. Nàng Parema đôi môi mọng như nho chín và cặp mắt búp sen. Nàng Parema khéo dụ cho vị khách chơi chạy đua hết từ cuộc tình này sang cuộc tình khác. Xen kẽ giữa các cuộc chơi, nàng vui miệng ngâm lên hai câu thơ đức vua mới ra cho dân chúng hoạ. Nàng không biết du khách lạ mặt là thi sĩ Kalidasa danh tiếng vang lừng qua mấy biển. Nàng cũng không nói cho khách biết rằng nhà vua hứa thưởng mười vạn đồng tiền vàng cho ai hoạ được hai câu thơ này:
Hoa sen nở từ búp sen
Người đời nói, ta chửa xem lần nào
- Thơ nàng đấy ư? Quả đúng là giọng thơ kỹ nữ.
Nhà vua có máu thi sĩ hẳn vui khi nghe được câu khen tặng này.
Cơn xuất thần vụt đến trước khi thi nhân tan hoà thành cơn thác lũ. Kalidasa đặt môi lên cặp mắt búp sen của kỹ nữ, đọc hai câu hoạ lại:
Giai nhân hỡi lạ lùng sao
Mắt nàng búp nở ngạt ngào thành sen
Đến lượt Parema sướng run người. Nàng định giá được ngay đó là hai câu thơ trị giá mười vạn đồng tiền vàng. Mười vạn đồng tiền vàng đủ thay đổi mười lần cuộc đời kỹ nữ của nàng.
Người khách kia thì không định giá được thơ mình. Thi nhân chẳng màng đến tiền bạc. Miễn là có nơi để trú, có rượu để say và có giai nhân ôm ấp, vỗ về. Đủ bằng ấy thứ thì chết cũng cam lòng. Kỹ nữ chuốc thêm rượu cho Kalidasa để vắt kiệt chàng lần nữa. Lần nữa. Lại lần nữa. Hình như Kalidasa có linh cảm được cái chết. Nhưng thi nhân sinh ra làm người vượt thác. Lao xuống thác này lại tiếp ngọn thác nữa. Thi nhân chẳng dừng được. Rượu ấy. Giai nhân ấy. Cả những vần thơ xướng hoạ ấy! Mà Kalidasa đã hơn người dễ cả chục lần.
Sáng ra thì rượu và hoan lạc đã biến thi nhân thành cái xác không hồn. Đúng hơn là giai nhân Parema đã chủ bụng hoá kiếp cho chàng để giành quyền tác giả của hai câu thơ mười vạn đồng vàng. Nàng sai gia nhân khiêng người chết đặt trước cửa nhà để trưng khoe công trạng. Mỗi tử thi của khách làng chơi là một vòng nguyệt quế vinh quang trên đầu kỹ nữ đảo này. Đây là vòng nguyệt quế thứ ba của Parema. Lần đầu là một ông vua láng giềng được vua chủ nhà đem nàng Parema ra chiêu đãi. Lần thứ hai là tướng cướp Vikaram chỉ vì thách đố với đồng đảng mà rời rừng xanh để tới đây với nàng. Lần thứ ba này là một thi sĩ.
Ba tử thi. Đủ bộ ba vòng nguyệt quế. Parema trở thành kỹ nữ oanh liệt nhất dưới gầm trời này.
Đợi cho sáng hẳn, Parema hối hả chạy vào triều. Đã có thơ hoạ xứng đáng, thưa đức vua. Thơ này con mới nghĩ được đêm qua. Khi ấy khuya quá rồi, không thì con đã mang ngay thơ tới. Người thì có thơ để thưởng thức. Con thì được lĩnh mười vạn đồng vàng.
Câu thơ xướng được đọc lên.
Câu thơ hoạ được đọc lên.
Sóng thần có cuốn trôi cả đảo quốc Sinhala cũng không làm cho nhà vua rùng mình kinh hoàng như thế.
- Trời ơi – Nhà vua bật lên nức nở - Thề có thần sáng tạo Brahma, thề có thần bảo vệ Visnu, thề có thần huỷ diệt Siva, thề trước tất cả thần linh trời đất…
Nhà vua nghẹn giọng, mãi sau mới nói tiếp được:
- Đây chính là thơ của Kalidasa.
Kỹ nữ lăn đùng ra. Bất tỉnh.
- Kalidasa đâu? – Nhà vua gào lên khi kỹ nữ tỉnh lại – Mi đã giết thi nhân rồi phải không?
Parema phủ phục trước sân rồng, dập đầu nhận tội.
Vua tức khắc đòi xa giá đưa ngay đến trước lầu kỹ nữ. Không kịp rồi, hình hài Kalidasa vẫn nguyên vẹn còn đó. Chỉ gương mặt là đã mờ mờ sương khói phảng phất hương hoa. Không ai nhìn rõ mặt thi sĩ để mà tả lại cho dân chúng đảo quốc được biết. Thi nhân ôi, ta vẫn hằng mong gặp mặt một lần, giờ thì thơ đã đến mà người chẳng đến.
Vua truyền lệnh làm quốc tang.
Người trở về triều. Kỹ nữ vẫn phủ phục trước sân rồng chờ tuyên án. Tội giết thi nhân cầm chắc chọn lấy một trong những hình phạt khủng khiếp nhất: Chặt đầu. Tùng xẻo. Ném xuống biển cho cá mập quần nhau.
Kỹ nữ chờ. Cả triều đình chờ. Nhà vua đang ở trong cung. Người sẽ bước ra để tuyên án.
Lâu sau, viên thái y được vời vào cung. Đức vua nằm thảnh thơi với một nụ cười nhợt nhạt. Vua bảo rằng người vừa được hội ngộ với thi nhân. Giây lát sau không ai nhìn thấy gương mặt nhà vua nữa. Dù thi thể người vẫn còn nguyên đấy.
Tin bay về kinh đô Benares. Kalidasa chết rồi. Thi nhân chết rồi. Chết vì tay kỹ nữ Parema. Lời nguyền rủa ngày trước của công chúa đã ứng nghiệm với thi nhân.
- Thi nhân ư? – Viên thượng thư cả cười – Nó chỉ là một gã mục đồng trần truồng được ta dựng thành thi nhân mà thôi.
- Thi nhân ư? – Công chúa nhếch mép – Đó chỉ là một thằng đực rựa giẻ cùi tốt mã miệng câm như hến được ta dựng thành thi nhân mà thôi.
Chắc hẳn muôn đời sau họ, thi nhân vẫn là như thế.
Chắc hẳn muôn đời sau họ, những người tạo ra thi nhân vẫn là như thế.