I - THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA TRỊNHTIỂU DẪNTừ năm 1533, Nam triều được dựng lên, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính thực sự lại nằm trong tay Nguyễn Kim. Tháng 5 năm Ất Tị (1545), Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc (tức Bắc triều) là Dương Chấp Nhất bỏ thuốc độc giết chết. Từ đó, tất cả quyền bính của Nam triều lọt hết vào tay con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Cục diện vua Lê chúa Trịnh bất đầu xuất hiện và xu hướng chung là vị trí của vua Lê ngày càng bị lu mờ.
Ở chương thứ bảy, chúng tôi đã giới thiệu thế thứ các đời vua triều Lê, ở đây xin trình bày tiếp thế thứ các đời chúa Trịnh. Rất tiếc là sử cũ không chép năm sinh cũng như thân mẫu của các chúa, vì vậy, lí lịch của các chúa Trịnh không đầy đủ và rõ ràng.
1 - Trịnh Kiểm (1545 - 1569)
- Tháng 1 năm Ất Tị (1545), sau khi Nguyễn Kim mất, được phong làm Đô tướng tiết chế thuỷ bộ chư dinh. Nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức là Thái sư, tước là Lạng Quốc Công.
- Làm chúa cho đến tháng 10 năm Kỉ Tị (1569) thì nhường ngôi chúa cho con trưởng là Trịnh Cối.
- Mất vào tháng 2 năm Canh Ngọ (1570), không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
2 - Trịnh Cối (1569 - 1570)- Con trưởng của Trịnh Kiểm, trước đó đã được phong làm Tuấn Đức Hầu.
- Được Trịnh Kiểm truyền ngôi chúa từ tháng 10 năm Kỉ Tị (1569), nhưng ngay sau đó bị em là Trịnh Tùng đem quân đến đánh để giành quyền. Cuộc tranh giành xảy ra quyết liệt nhất vào tháng 4 năm Canh Ngọ (1570).
- Tháng 8 năm Canh Ngọ (1570), Trịnh Cối đầu hàng nhà Mạc, mất năm Giáp Thân (1584).
3 - Trịnh Tùng (1570 - 1623)- Con thứ của Trịnh Kiểm, trước đó đã được phong là Từ Phúc Lương Hầu.
- Giành được ngôi chúa từ tay anh vào tháng 8 năm Canh Ngọ (1570), được vua Lê phong làm Tiết Chế thuỷ bộ chư dinh.
- Tháng 1 năm Quý Dậu (1573), tự phong là Đô tướng tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại binh chương quân quốc trọng sự.
- Ít lâu sau lại tự phong làm Đô nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng phụ bình an vương.
- Mất vì bệnh vào tháng 6 năm Quý Hợi (1623).
4 - Trịnh Tráng (1623 - 1657)- Con trưởng của Trịnh Tùng.
- Tháng 2 năm Mậu Tuất (1598) được phong làm Bình Quận Công, sau đổi là Thanh Quận Công.
- Tháng 6 năm Quý Hợi (1623) được nối ngôi chúa.
- Tháng 11 năm Quý Hợi (1623) tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Thanh Đô Vương.
- Tháng 10 năm Đinh Mão (1651) tự phong làm Sư phụ. Thanh Vương.
- Tháng 10 năm Dinh Mão (1651) được nhà Minh phong làm Phó quốc vương.
- Mất vào tháng 4 năm Đinh Dậu (1657).
5 - Trịnh Tạc (1657 - 1682)- Con trưởng của Trịnh Tráng.
- Tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1642), được phong làm Tây Quận Công.
- Tháng 4 năm Ất Dậu (1645), được phong làm Thái uý, Tây Quốc Công.
- Nối ngôi chúa từ tháng 4 năm Đinh Dậu (1657).
- Tháng 9 năm Kỉ Hợi (1659), tự phong làm Thượng sư Tây vương.
- Tháng 4 năm Mậu Thân (1668), tự phong làm Nguyên soái, Thượng sư thái phụ Tây vương.
- Mất vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1682).
6 - Trịnh Căn (1682 - 1709)
- Con trưởng của Trinh Tạc.
- Tháng 4 năm Quý Dậu (1657), được phong làm Thái bảo, Phú quốc công.
- Tháng 9 năm Quý Dậu (1657), được phong làm Thái phó.
- Tháng 7 năm Giáp Dần (1674), được phong làm Nguyên soái, tước Định Nam Vương và tự xưng là Phó Vương.
- Nối ngôi chúa từ tháng 5 năm Nhâm Tuất (1682).
- Tháng 10 năm Giáp Tí (1684), tự phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng thánh phụ sư, Thịnh công nhân minh uy đức định vương, đồng thời phong cho con thứ là Trịnh Bách làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước Kiêm Quốc Công. Đấy là chức dự bi nối ngôi chúa, nhưng Trịnh Bách mất sớm, chưa kịp nối ngôi chúa.
- Mất vào tháng 5 năm Kỉ Sửu (1709).
7 - Trịnh Bách (1684)- Con thứ của Trịnh Căn (con trưởng của Trịnh Căn mất sớm).
- Tháng 10 năm Giáp Tí (1684), được phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dính, chức Thái uý, tước Kiêm Quốc Công. Chức ấy và tước ấy có nghĩa là từ năm 1684, Trịnh Bách bắt đầu làm những công việc của người ở ngôi chúa, dù chưa thực sự nối ngôi chúa.
8 - Trịnh Bính (1688)- Con trưởng của Trịnh Vĩnh, cháu đích tôn của Trịnh Căn. Trịnh Vĩnh mất sớm nên Trịnh Căn đã có ý lập Trịnh Bách.
- Tháng 2 năm Mậu Thìn (1688), vì chú là Trịnh Bách đã mất nên được Trịnh Căn phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh chức Thái uý, tước Tấn Quốc Công. Đó là chức tước của người chuẩn bị nối ngôi chúa, nhưng chưa kịp chính thức nối ngôi thì Trịnh Bính mất.
9 - Trịnh Cương (1709 - 1729)
- Con của Trịnh Bính.
- Tháng 1 năm Quý Mùi (1703) được phong làm Tiết chế, An Quốc Công.
- Tháng 5 năm Kỉ Sửu (1709) lên nối nghiệp chúa, tự xưng là Nguyên soái Tổng quốc chính, An Đô Vương.
- Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714), tự phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư, An Vương.
- Mất vào tháng 10 năm Kỉ Dậu (1729).
10 - Trịnh Giang (1729 - 1740)- Con của Trịnh Cương. Cũng có sách gọi Trịnh Giang là Trịnh Khương.
- Tháng 5 năm Canh Tí (1720) được lập làm thế tử.
- Nối nghiệp chúa kể từ tháng 10 năm Kỉ Dậu (1729).
- Tháng 4 năm Canh Tuất (1730), tự phong là Nguyên soái, Thống quốc chính, Uy Nam Vương.
- Tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), tự phong làm Đại nguyên soái, Thượng sư, Uy Vương.
- Tháng 9 năm Kỉ Mùi (1739) xưng là An Nam Thượng Vương.
- Tháng 1 năm Canh Thân (1740), nhường ngôi cho em để làm thái thượng vương.
- Mất vào tháng 12 năm Tân Tị (1761).
11 - Trịnh Doanh (1740 - 1767)
- Con của Trịnh Cương, em Trịnh Giang.
- Đầu năm Bính Thìn (1736), được Trịnh Giang phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước Ân Quốc Công.
- Tháng 1 năm Canh Thân (1740), được nối ngôi chúa. tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Minh Đô Vương.
- Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1742), tự phong Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư, Minh Vương.
- Mất vào tháng 1 năm Đinh Hợi (1767).
12 - Trịnh Sâm (1767 - 1782)- Con Trịnh Doanh.
- Tháng 10 năm Mậu Dần (1758) được Trịnh Doanh phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước là Tĩnh Quốc Công.
- Nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Đinh Hợi (1767), xưng là Nguyên soái, Tĩnh Đô Vương.
- Tháng 8 năm Kỉ Sửu (1769), tự phong làm Thượng sư Tĩnh Vương.
- Tháng 10 năm Canh Dần (1770), tự phong làm Thượng sư, Thượng phụ, Duệ đoan văn công vũ đức, Tĩnh Vương.
- Mất vào tháng 9 năm Nhâm Dần (1782).
13 - Trịnh Cán (1782)
- Con thứ của Trịnh Sâm, mẹ là Đặng Thị Huệ.
- Tháng 10 năm Tân Sửu (1781) được Trịnh Sâm lập làm thế tử.
- Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782) lên nối nghiệp chúa.
- Tháng 10 năm Nhâm Dần bị anh là Trịnh Khải hợp mưu với kiêu binh truất phế.
- Chết vì bệnh vào cuối năm Nhâm Dần (1782).
14 - Trịnh Khải (1782 - 1786)- Con trưởng của Trịnh Sâm, sinh năm Quý Mùi (1768), mẹ người họ Dương.
- Tháng 9 năm Canh Tí (1780) bị Trịnh Sâm truất bỏ ngôi con trưởng rồi sau đó còn bị bắt giam.
- Tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), phế bỏ em là Trịnh Cán và tự lập làm chúa.
- Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), khi Tây Sơn tấn công ra Bắc Hà, Trịnh Khải bỏ kinh thành Thăng Long chạy trốn, nhưng lại bị người học trò của Lý Trần Quán là Nguyễn Trang bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Khải tự tử thọ 26 tuổi.
15 - Trịnh Bồng (1786)
- Lí lịch trước đó không rõ, chỉ biết vào tháng 9 năm Bính Ngọ (1786), khi Trịnh Khải đã tự tử, Trịnh Bồng tự lập làm chúa, xưng là Nguyên soái, Yến Đô Vương.
- Tháng 11 năm Bính Ngọ (1786), bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi, sau không rõ sống chết ra sao.
II - THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA NGUYỄN1 - Nguyễn Hoàng (1558 - 1613)- Con thứ hai của Nguyễn Kim (người có công dựng ra Nam triều, sau được truy tôn là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế). Thân mẫu người họ Nguyễn (con gái của quan Đặc Tiến Phụ quốc thượng tướng quân, thự vệ sự triều Lê), sau được truy tôn là Tĩnh hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 8 năm Ất Dậu (1525).
- Vào trấn thủ Thuận Hoá tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) và đến tháng 11 năm Canh Ngọ (1570) thì kiêm quản cả xứ Quảng Nam (thay cho Nguyễn Bá Quýnh).
- Tháng 5 năm Quý Tị (1593) được phong làm Thái uý, Đoan Quốc Công.
- Ở ngôi chúa 55 năm, dân thường gọi là chúa Tiên, mất vào tháng 6 năm Quý Sửu (1613), thọ 88 tuổi.
- Sau được truy tôn làm Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.
- Trong thời gian ở ngôi, Nguyễn Hoàng đã cho quân đánh Chiêm Thành, mở rộng biên cương đến khu vực tỉnh Phú Yên ngày nay. Trận đánh này xảy ra năm Tân Hợi (1611).
2 - Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635)- Con thứ 6 của Nguyễn Hoàng, (bốn người con đầu của Nguyễn Hoàng đều mất sớm, người con thứ 5 thì phải làm con tin ở Đàng Ngoài). Thân mẫu người họ Nguyễn. sau được truy tôn là Gia Dụ hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 7 năm Quý Hợi (1563).
- Năm Nhâm Dần (1602) được làm trấn thủ Quảng Nam.
- Nối nghiệp chúa từ tháng 6 năm Quý Sửu (1613), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Thuỵ Quân Công.
- Ở ngôi chúa 22 năm, dân thường gọi là chúa Phật hay chúa Sãi, mất vào tháng 10 năm Ất Hợi (1635), thọ 72 tuổi.
- Sau được truy tôn là Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế.
3 - Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648)
- Con thứ hai của Nguyễn Phúc Nguyên, thâu mẫu người họ Nguyễn, sau được truy tôn là Hiếu Văn hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 7 năm Tân Sửu (1601).
- Nối nghiệp chúa từ tháng 10 năm Ất Hợi (1635), dân thường gọi là chúa Thượng, ở ngôi chúa 13 năm, mất vào tháng 2 năm Mậu Tí (1648), thọ 47 tuổi.
- Sau được truy tôn là Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng Đế.
4 - Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687)
- Con thứ hai của Nguyễn Phúc Lan, thân mẫu người họ Đoàn, sau được truy tôn là Hiếu Chiêu hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 6 năm Canh Thân (1620).
- Nối nghiệp cha từ tháng 2 năm Mậu Tí (1648), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái Bảo, tước Dũng Quốc Công, dân thường gọi là chúa Hiền.
- Ở ngôi chúa 39 năm, mất vào tháng 3 năm Đinh Mão (1687), thọ 67 tuổi. Sau được truy tôn là Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế.
5 - Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691)- Con thứ hai của Nguyễn Phúc Tần, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Triết hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 12 năm Kỉ Sửu (1649).
- Nối nghiệp chúa từ tháng 3 năm Đinh Mão (1687), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái phó, tước Hoàng Quốc Công, dân thường gọi là chúa Nghĩa.
- Ở ngôi chúa 4 năm, mất vào tháng 1 năm Tân Mùi (1691), thọ 42 tuổi.
- Sau được truy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế.
6 - Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725)- Con trưởng của Nguyễn Phúc Trăn, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Nghĩa hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 5 năm Ất Mão (1675).
- Nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Tân Mùi (1691), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Tộ Quận Công, dân thường gọi là Quốc chúa.
- Ở ngôi chúa 34 năm, mất vào tháng 4 năm Ất Tị (1725) thọ 50 tuổi.
- Sau được truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế.
- Trong thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Chu có ba lần mở rộng lãnh thổ.
- Lần thứ nhất: lấy hết phần đất còn lại của Chiêm Thành (năm Quý Dậu, 1693), biên giới cực nam của xứ Đàng Trong, từ đó kéo dài đến Bình Thuận ngày nay.
- Lần thứ hai: lấy một phần đất Chân Lạp tiếp giáp với xứ Đàng Trong, tương ứng với miền đông Nam Bộ ngày nay (năm Mậu Dần, 1698).
- Lần thứ ba: nhận đất xứ Hà Tiên do Mạc Cửu dâng. Đất này tương ứng với toàn bộ tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và một phần nhỏ của tỉnh An Giang và tỉnh Sóc Trăng ngày nay (năm Giáp Ngọ, 1714).
7 - Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738)
- Con trưởng của Nguyễn Phúc Chu, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Minh hoàng hậu.
- Sinh vào tháng 12 năm Bính Tí (1696).
- Nối nghiệp chúa từ tháng 4 năm Ất Tị (1725) xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái phó, tước Đỉnh Quốc Công, dân thường gọi là Ninh Vương.
- Ở ngôi chúa 13 năm, mất vào tháng 4 năm Mậu Ngọ (1738) thọ 42 tuổi.
- Sau được truy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế.
8 - Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765)
- Con trưởng của Nguyễn Phúc Chú, thân mẫu người họ Trương, sau được truy tôn là Hiếu Ninh hoàng hậu.
- Sinh vâo tháng 8 năm Giáp Ngọ (1714).
- Nối nghiệp chúa từ tháng 4 năm Mậu Ngọ (1738), xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo. tước Hiếu Quận Công, dân thường gọi là Võ Vương.
- Ở ngôi chúa 27 năm, mất tháng 4 năm Ất Dậu (1765), thọ 51 tuổi.
- Sau được truy tôn là Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế.
- Trong thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Khoát đã giúp Nặc Tôn lên ngôi vua Chân Lạp. Đáp lại, Nặc Tôn đã cắt dâng miền đất nằm giữa Hà Tiên với miền đông Nam Bộ ngày nay cho chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ngoài ra, Nặc Tôn còn cắt tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu, người chỉ huy quân của chúa Nguyễn giúp Nặc Tôn) 5 châu nữa. Cả năm châu đó, triều Nguyễn đã trả lại cho Chân Lạp vào năm đầu đời Tự Đức (1848).
9 - Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777)
Con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát. thân mẫu người họ Nguyễn, sau đi tu, được truy tôn là Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư.
- Sinh vào tháng 11 năm Giáp Tuất (1754).
- Nối nghiệp chúa từ tháng 5 năm Ất Dậu (1765), ở ngôi chúa 12 năm, mất vào tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), khi bị Tây Sơn đánh đuổi ở Gia Định.
- Dân thường gọi là Định Vương.
- Sau được truy tôn là Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế.